Cập nhật lúc

Cập nhật KQKD các ngân hàng quý 4 và cả năm 2021: Ngân hàng đầu tiên không đạt mục tiêu lợi nhuận

Các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 4 với nhiều bất ngờ. Trong khi không ít nhà băng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến lợi nhuận giảm, thậm chí là lỗ vì phải dự phòng nhiều, thì vẫn có những ngân hàng ghi nhận lãi cao kỷ lục.

Một vài điểm nhấn mùa báo cáo tài chính ngân hàng quý 4 và cả năm 2021

Xét riêng ngân hàng (không bao gồm các công ty con), VPBank  nhà băng lãi cao nhất năm 2021 với 37.963 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó. Kết quả có được nhờ VPBank ghi nhận khoản thu đột biến hơn 20.000 tỷ từ bán 50% vốn công ty con FE Credit.

Ngân hàng có lợi nhuận hợp nhất cao nhất vẫn là Vietcombank với 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020.

Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất đang thuộc về Vietcombank với 0,63% và MB với 0,64%. 

Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất với 424%, đứng đầu ngành ngân hàng và lập kỷ lục mới về dự phòng bao nợ xấu. Đứng ngay sau Vietcombank là MB với tỷ lệ đạt gần 400%.

Tỷ lệ CASA cao nhất là của Techcombank cuối năm 2021 đạt 50,5% - con số cao nhất toàn ngành ngân hàng, đồng thời cũng xác lập kỷ lục mới về tỷ lệ CASA.

Nhưng xét về tổng huy động không kỳ hạn (CASA) cao nhất thì thuộc về MB với hơn 190 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng kiểm soát chi phí tốt nhất thuộc về VPBank khi chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021.

Quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh nhất là Vietcombank với hơn 134 nghìn tỷ đồng được bơm thêm ra nền kinh tế trong năm qua. Như vậy chỉ riêng phần tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã tương đương tổng quy mô tín dụng của một ngân hàng tầm trung.

Ngân hàng đầu tiên không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2021 là Eximbank khi chỉ đạt 97% chỉ tiêu.

 diễn biến
  • 14:30:00 03-02-2022

    Eximbank: Lợi nhuận giảm 10% trong năm 2021, cũng không đạt chỉ tiêu

    Lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế cả năm 2021 của Eximbank đạt lần lượt 1.205 tỷ và 965 tỷ đồng, giảm gần 10% so với 2020, theo báo cáo tài chính quý IV mới công bố.

    Như vậy, Eximbank là ngân hàng đầu tiên báo lợi nhuận đi xuống trong năm vừa qua.

    Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Eximbank sụt giảm do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi năm trước, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ 9,4%.

    Đi sâu vào các mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của Eximbank khi mang về 3.524 tỷ đồng, tăng 6,4% và chiếm 75% tổng doanh thu thuần.

    Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 99,4 tỷ đồng, tăng 79,4% với danh mục đầu tư lên tới hơn 15.880 tỷ vào cuối năm 2021.

    Ngược lại, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Eximbank đều giảm so với năm 2020, lần lượt mang về 433 tỷ và 394 tỷ đồng.

    Tựu chung, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2021 đạt 4.709 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,9%. Trong khi chi phí hoạt động tăng 3,1% lên 2.514 tỷ đồng. Qua đó giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% đạt 2.195 tỷ đồng.

    Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tài sản Eximbank đạt 165.832 tỷ đồng, tăng 3,4% so với hồi đầu năm.

    Năm 2021, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 13,8% lên mức 114.675 tỷ. Trong đó, nợ xấu nội bảng giảm 11,3% xuống còn 2.247 tỷ đồng và chiếm 1,96% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2,52% ghi nhận vào cuối năm 2020. Tiền gửi khách hàng đạt xấp xỉ 137.374 tỷ, tăng 2,6%.

    Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 1.260 tỷ đồng, giảm 4,5% so với năm 2020 và chỉ thực hiện được gần 97% kế hoạch đã điều chỉnh.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 23:27:00 30-01-2022

    Những kỷ lục mới về KQKD được xác lập

    1. Ngân hàng riêng lẻ lãi cao nhất - VPBank

    Xét riêng ngân hàng (không bao gồm các công ty con), VPBank là nhà băng lãi cao nhất năm 2021 với 37.963 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó. Kết quả có được nhờ VPBank ghi nhận khoản thu đột biến hơn 20.000 tỷ từ bán 50% vốn công ty con FE Credit.

    Với con số này, VPBank xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành, đồng thời cũng bỏ xa các ''ông lớn'' như Vietcombank, BIDV hay VietinBank.

    2. Ngân hàng có lợi nhuận hợp nhất cao nhất - Vietcombank

    Năm 2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Theo đó, Vietcombank vẫn là quán quân về lợi nhuận hợp nhất trong hệ thống ngân hàng.

    3. Ngân hàng có dự phòng bao nợ xấu nhiều nhất - Vietcombank

    Năm 2021, Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,63% và dự phòng bao nợ xấu đạt 424%, đứng đầu ngành ngân hàng và lập kỷ lục mới về dự phòng bao nợ xấu. Đứng ngay sau Vietcombank là MB với tỷ lệ đạt gần 400%.

    4. Ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất

    Tỷ lệ CASA của Techcombank cuối năm 2021 đạt 50,5% - con số cao nhất toàn ngành ngân hàng, đồng thời cũng xác lập kỷ lục mới về tỷ lệ CASA.

    5. Ngân hàng kiểm soát chi phí tốt nhất - VPBank

    Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021. Với con số này, VPBank được ghi nhận là ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động tốt nhất hệ thống.

    6. Quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh nhất - Vietcombank

    Năm 2021, Vietcombank tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 15%. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức trung bình của ngành (toàn ngành tăng khoảng 14%), tuy nhiên con số gần 15% tương đương với lượng tín dụng bơm thêm ra thị trường của Vietcombank năm qua lên đến hơn 134 nghìn tỷ đồng. Như vậy chỉ riêng phần tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã tương đương tổng quy mô tín dụng của một ngân hàng tầm trung.





    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 13:58:00 30-01-2022

    VietinBank: Lợi nhuận quý 4 giảm gần một nửa do gánh nặng dự phòng

    Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế giảm hơn 45% xuống lần lượt 3.678 tỷ đồng và 2.986 tỷ đồng.

    Lợi nhuận VietinBank giảm mạnh trong quý 4 do chi phí dự phòng rủi ro ở mức 4.377 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần cùng kỳ và ngốn mất hơn 54% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

    Lũy kế cả năm 2021, VietinBank báo lãi trước thuế 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.219 tỷ, tăng 3,1%.

    Trong năm 2021, thu nhập lãi thuần tăng 17,5% lên mức kỷ lục gần 41.800 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác tăng 13,5% và 76,6%, lần lượt mang về 4.952 tỷ và 3.407 tỷ đồng.

    Ngược lại, lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đều sụt giảm so với năm trước.

    Tổng hợp các mảng kinh doanh, doanh thu thuần năm 2021 của VietinBank đạt 53.149 tỷ đồng, tăng 17,2%. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 6,9% lên 17.178 tỷ. Qua đó giúp ngân hàng đạt được mức lợi nhuận thuần kỷ lục gần 35.971 tỷ đồng, tăng 22,8%.

    Tuy nhiên, do chi phí dự phòng tăng hơn 51% lên 18.382 tỷ khiến lợi nhuận trước và sau thuế chỉ nhích nhẹ so với năm 2020.

    Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tài sản VietinBank đã vượt mốc 1,5 triệu tỷ, tăng 14,2% so với hồi đầu năm.

    Năm 2021, dư nợ cho vay ngân hàng tăng 11,4% lên mức 1,131 triệu tỷ. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 49% lên hơn 14.300 tỷ đồng và chiếm 1,26% tổng dư nợ. Mặc dù vậy, so với cuối quý III, nợ xấu của VietinBank đã giảm 3.800 tỷ, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,67% xuống còn 1,26% nhưng vẫn cao hơn mức 0,95% hồi đầu năm.

    Tại thời điểm 31/12/2021, tiền gửi khách hàng của VietinBank đạt gần 1,162 triệu tỷ, tăng 17,3% so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 19,4%.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 14:00:00 29-01-2022

    Vietcombank: Lãi hơn 27 nghìn tỷ đồng, vẫn là quán quân lãi hợp nhất. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao kỷ lục ngành ngân hàng với 424%

    Năm 2021, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. 

    Tổng thu nhập hoạt động năm qua đạt gần 56.900 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh đều có tăng trưởng khả quan.

    Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 42.387 tỷ đồng, tăng 17%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.378 tỷ, tăng 12%. Ngoài ra, Vietcombank ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán đạt 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 2 tỷ. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 33% lên 2.393 tỷ đồng. Chỉ thu nhập góp vốn sụt giảm 72% xuống 130 tỷ đồng.

    Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 12% đạt 7.407 tỷ đồng. Thu từ dịch vụ thanh toán vẫn là nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhà băng này. Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp Vietcombank ghi nhận thu từ dịch vụ thanh toán sụt giảm: 6.199 tỷ đồng năm 2019, 6.017 tỷ đồng năm 2020, 5.984 tỷ đồng năm 2021. Việc ngân hàng áp dụng các gói miễn phí dịch vụ 2 năm qua có thể là nguyên nhân dẫn đến điều này.

    Chi phí hoạt động năm 2021 ở mức 17.574 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập (CIR) được cải thiện, giảm từ 32,69% năm 2020 xuống còn 30,89% năm 2021.

    Tại ngày 31/12/2021, Vietcombank có tổng tài sản đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.

    Tiền gửi khách hàng tăng 10% đạt 1,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng hơn 60.000 tỷ, tương đương 19,6% lên 367.149 tỷ đồng. Tỷ trọng của tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng đạt khoảng 35,7%.

    Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của Vietcombank tăng khá mạnh trong năm qua, tăng 332% lên 966 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 tăng 11,3% lên 744 tỷ, nợ nhóm 5 chỉ tăng nhẹ 1,7% lên 4.411 tỷ đồng.

    Theo đó, nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2021 ở mức 6.121 tỷ đồng, chiếm 0,64% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ so với mức 0,62% cuối năm 2020.

    Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Vietcombank đã lên tới 25.975 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt kỷ lục ngành ngân hàng là 424%.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 14:07:00 28-01-2022

    VPBank xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận với hơn 38 nghìn tỷ đồng trong năm 2021

    VPBank công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ cả năm 2021 đạt tới 37.963 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó. Với con số này, VPBank là ngân hàng có lợi nhuận riêng lẻ cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, bỏ xa các ''ông lớn'' trong ngành như Vietcombank, BIDV hay VietinBank.

    Động lực chính giúp lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng mẹ tăng phi mã đến từ thương vụ bán 50% vốn tại FE Credit.

    Cụ thể, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con trong năm qua đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, riêng thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng.

    Trong khi đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm chỉ đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và đạt 88% kế hoạch năm.

    Lợi nhuận riêng lẻ cao hơn nhiều lợi nhuận hợp nhất là do VPBank vẫn nắm 50% vốn tại FE Credit. Do đó, trong báo cáo hợp nhất không được hạch toán số tiền thoái vốn vào lợi nhuận. Số tiền này chỉ được phép hạch toán làm tăng vốn chủ sở hữu trong báo cáo hợp nhất.

    Theo đó, tính đến cuối tháng 12/2021, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt gần 86.500 tỷ đồng, tăng 64% so với cuối năm trước và bỏ xa các ngân hàng trong nhóm cổ phần như Techcombank, MB và SHB.

    Bên cạnh hoạt động thoái vốn, các mảng kinh doanh chính tại ngân hàng mẹ VPBank cũng diễn biến tích cực trong năm 2021. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 29,4% mang về 19.381 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín đạt tới 20,2% trong năm qua, cao hơn nhiều so với mức 13% trung bình toàn ngành. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 19% đạt gần 3.653 tỷ đồng.

    Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng đột biến lên gần 3.151 tỷ, gấp 2,7 lần năm 2020. Các hoạt động kinh doanh khác tạo ra xấp xỉ 1.770 tỷ đồng, tăng gần 17%.

    Đến cuối năm 2021, tổng tài sản ngân hàng mẹ VPBank ở mức hơn 484.442 tỷ đồng, tăng 34,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 26,7% lên gần 279.870 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,1% đạt 239.129 tỷ đồng.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 10:11:00 28-01-2022

    KienlongBank lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 6 lần năm 2020

    Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2021.

    Theo đó, quý 4, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của KienlongBank tăng 95,14 tỷ đồng, tương đương tăng 884,7% so với cùng kỳ năm 2020, nguyên nhân chủ yếu là do tăng thu nhập trong các mảng hoạt động của Ngân hàng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 251,8 tỷ đồng (tăng 155,7% so với cùng kỳ); lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gần 43,8 tỷ đồng (tăng 137% so với cùng kỳ), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng hơn 11 tỷ đồng (tăng 458% so với cùng kỳ).

    Lũy kế năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của KienlongBank tăng 644 tỷ đồng, tương đương tăng 509,8% so với năm 2020. Như vậy, Ngân hàng đã hoàn thành 101% kế hoạch, đồng thời đánh dấu mốc lần đầu tiên lợi nhuận của KienlongBank vượt mức 1.000 tỷ đồng.

    Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm lên hơn 83.822 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên hơn 38.387 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 22,3% so với đầu năm, đạt 51.397 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng ấn tượng gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước.

    Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu toàn hàng giảm xuống dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB (theo Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của KienlongBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt).


    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 14:24:00 27-01-2022

    HDBank báo lãi năm 2021 tới 8.070 tỷ đồng, tăng trưởng 39%

    Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán HDB) vừa tổng kết hoạt động năm 2021 với nhiều chỉ tiêu tích cực vượt kế hoạch ĐHCĐ giao như lợi nhuận trước thuế đạt 8.070 tỷ đồng, tăng 39% và hoàn thành 111% kế hoạch; Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ chỉ 1,26%.

    Tổng thu nhập hoạt động vượt 16.758 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ tăng mạnh 103%. Đặc biệt, thu nhập dịch vụ tại ngân hàng mẹ gấp hơn 3 lần cùng kỳ nhờ sự đóng góp tích cực từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm - ngân hàng và dịch vụ thanh toán.

    Chi phí hoạt động được ngân hàng tối ưu hóa thông qua tự động hóa quy trình, chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất lao động. Nhờ vậy hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động (CIR) giảm xuống còn 38% từ mức 45% tại thời điểm 31/12/2020. Chi phí vốn cũng được tiết giảm. Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE và ROA lần lượt đạt 23,3% và 1,9%, cao hơn năm trước.

    Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 374 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo. Ngân hàng đã tăng cường trích lập đủ 100% dự phòng cho nợ được cơ cấu do dịch Covid-19, sớm hơn tiến độ 2 năm. Vốn chủ sở hữu đạt 30.790 tỷ, tăng 25% giúp hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt trên 14%. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản khác đều tốt hơn mức quy định của NHNN.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:25:00 27-01-2022

    VietABank lãi 844 tỷ đồng trong năm 2021, vượt 28% so với kế hoạch

    Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank; Upcom: VAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 cũng như kết quả kinh doanh cả năm 2021. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng ghi nhận nhiều kết quả tăng trưởng cao

    Theo đó, tổng tài sản của ngân hàng đạt 101.038 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế 844 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2020; Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 69.573 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020; Cho vay khách hàng 54.459 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2020.

    Trong quý IV/2021, thu nhập lãi thuần từ hoạt động chính của VietABank đạt 560 tỷ đồng, tăng 220%. Lũy kế cả năm 2021, VietABank đạt 1.551 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước đó.

    Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lũy kế cả năm tăng 147%, hoạt động đầu tư tài chính cũng ghi nhận tăng trưởng 585% so với năm 2020.

    Nhờ xử lý tốt một phần khoản nợ đã mua lại từ VAMC, trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng đã giảm 289 tỷ so với năm 2020, nợ xấu ở mức 1,86%, giảm 0,44% so với năm 2020. Chi phí huy động bình quân giảm giúp ngân hàng tiết kiệm gần 542 tỷ đồng chi phí vốn.

    Như vậy, so với kế hoạch Đại hội cổ đông giao trong kỳ họp thường niên 2021 ở mức 658 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2021 thì kết quả đạt được của VietABank đã vượt 28% chỉ tiêu.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:20:00 27-01-2022

    MB lãi hợp nhất hơn 16.500 tỷ, riêng ngân hàng mẹ đạt trên 14 nghìn tỷ

    Tính đến hết năm 2021, quy mô tổng tài sản của MB và các công ty con (MB Group) đạt 607 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất ở mức 16.527 tỷ đồng.

    Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất duy trì ở mức thấp, chỉ 0,9%, riêng ngân hàng là 0,68%. Đáng chú ý, Quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng Ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% (gần 300%) - là 1 trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành, cùng với Vietcombank.

    Các giới hạn an toàn được đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó riêng Hệ số an toàn vốn CAR ở mức 11%. Casa tăng trưởng ấn tượng, dẫn đầu thị trường, tỷ lệ tăng từ 41% lên 49%, quy mô casa đạt gần 190 nghìn tỷ. Tỷ lệ CIR giảm 5,7% trong năm 2021.

    Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc của ngân hàng mẹ, các công ty thành viên của Tập đoàn cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao năm 2021, với tổng doanh thu của 6 công ty thành viên ước đạt 18.221 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 104,3% kế hoạch. 

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 14:43:00 26-01-2022

    OCB lãi hơn 4.400 tỷ trong năm 2021, tăng 25%

    Riêng quý 4/2021, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 1.750 tỷ và 1.400 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ 2020.

    Trong quý vừa qua, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần giảm 3,8% xuống còn 1.531 tỷ. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cũng giảm 40% đạt 523 tỷ.

    Ngược lại, hoạt động dịch vụ ''khởi sắc'' nhẹ 0,6% mang về 316 tỷ. Trong khi mảng kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh tăng trưởng lần lượt 56,5% và 34,8%, đạt 46 tỷ và 104 tỷ đồng lãi thuần. Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh khác giúp ngân hàng kiếm được gần 154 tỷ, gấp gần 2,6 lần cùng kỳ 2020.

    Tổng hợp các mảng kinh doanh, doanh thu thuần của OCB trong quý vừa qua đạt 2.673 tỷ, giảm 9,3%. Dù đã cắt giảm 18,3% chi phí hoạt động nhưng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn sụt 6,5% xuống mức 2.087 tỷ.

    Cùng với sự đi xuống của lãi thuần, việc tăng chi phí dự phòng lên 337 tỷ (+4,2%) khiến lãi trước thuế của ngân hàng giảm 8,3% trong quý 4.

    Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế đạt 5.519 tỷ và 4.405 tỷ, tăng gần 25% so với năm 2020.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:40:00 26-01-2022

    SeABank lãi trước thuế 3.268 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gần 90%

    Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SeABank tăng 31.456 tỷ đồng so với năm 2020, đạt 211.663 tỷ đồng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 129.800 tỷ đồng. Tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 128.838 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt 7.036 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2020.

    Về lợi nhuận trước thuế, nhờ đa dạng hóa các nguồn thu và quản trị tốt hiệu quả hoạt động SeABank đã đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2020 và vượt 135% kế hoạch đã đề ra.

    Bằng việc điều hướng linh hoạt các hoạt động kinh doanh, tổng thu thuần ngoài lãi của SeABank năm 2021 đạt 1.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,3% trên tổng doanh thu. Mức tăng trưởng này đạt được thông qua các hoạt động tự doanh, phát hành chứng khoán, lợi nhuận hoa hồng bán bảo hiểm, phí dịch vụ và đặc biệt thông qua các sản phẩm, dịch vụ tài chính thực hiện trên nền tảng công nghệ số hiện đại, tiêu biểu là ứng dụng ngân hàng số SeAMobile.

    Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống 36% và tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục giảm ở mức 1,65%, từ mức 1,86% cuối năm 2020. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 11,64%, cao hơn mức 8% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và đạt theo tiêu chuẩn tỷ lệ an toàn vốn của thế giới.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 11:03:00 24-01-2022

    Techcombank: Lãi trước thuế cán mốc 1 tỷ USD, tỷ lệ CASA lập kỷ lục toàn ngành với hơn 50%

    Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – TCB) công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với kết quả kinh doanh ấn tượng.

    Năm 2021, Nhà băng này tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lần lượt đạt 50,5% và 3,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II vững mạnh, đạt 15%.

    Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động năm 2021 tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37,1 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

    Thu nhập từ lãi đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020).

    Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2021 đạt 23.238 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020.

    Cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 568,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng cuối năm 2021 đạt 388,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cuối năm 2020, theo đúng hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp.

    Tăng trưởng dư nợ tín dụng được dẫn dắt bởi sự gia tăng của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 161,7 nghìn tỷ đồng.

    Tổng tiền gửi tại ngày 31 tháng 12 năm 2021 là 314,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ CASA đạt 50,5% tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2021 với số dư CASA đạt 158,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.

    Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 4 năm 2021 ở mức 0,7% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 162,9%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 1,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2,8 nghìn tỷ đồng ở cuối quý 3 năm 2021.

    Cập nhật KQKD các ngân hàng quý 4 và cả năm 2021: Kỷ lục mới về lợi nhuận và dự phòng bao nợ xấu được xác lập - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 00:15:00 15-01-2022

    Vietcapital Bank: Quý 4 bị tác động mạnh bởi Covid-19, cả năm vẫn đạt 311 tỷ - vượt 7% kế hoạch lợi nhuận

    Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng Bản Việt đạt gần 76.600 tỷ, tăng 25% so với 2020 và vượt kế hoạch đặt ra. Tổng huy động vốn đạt hơn 70 nghìn tỷ, dư nợ tín dụng đạt hơn 46 nghìn tỷ, tăng lần lượt 20% và 16% so với năm trước.

    Kết thúc năm 2021, tổng thu nhập từ hoạt động của Viet Capital Bank đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 20% so với 2020. Trong đó thu nhập từ lãi thuần đạt hơn 1.400 tỷ, tăng 30%, đến chủ yếu từ việc giảm chi phí vốn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 28% nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, dịch vụ bảo hiểm và thanh toán.

    Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch đặt ra. Đóng góp chính vào việc hoàn thành lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tăng trưởng quy mô tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động của ngân hàng.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 00:13:00 05-01-2022

    TPBank lãi hơn 6.000 tỷ, vượt 4% kế hoạch

    Tính đến hết năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng hoàn thành vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra.

    Cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm vượt trên 17% kế hoạch. 

    Tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.

    Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%, thấp hơn mức 1,14% hồi cuối năm 2020.


    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ

Ban Biên tập

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên