Cập nhật lúc

[Giảm đau kinh tế ngày 17/4]: Các ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng tới hơn 600 nghìn tỷ cho vay ưu đãi

Đối với gói tài khoá 180.000 tỷ, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất kịp thời, nhanh chóng.


 diễn biến
  • 08:44:00 17-04-2020

    Các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên đến... hơn 600.000 tỷ đồng

    Cập nhật của chúng tôi đến thời điểm sáng 17/4 đã có thêm nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng khác nhau để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân, tổng quy mô lên đến hơn 600.000 tỷ đồng – cao gấp hơn 2 lần so với dự tính ban đầu. Lãi suất cho vay cũng giảm sâu hơn so với dự kiến ban đầu, hiện dao động phổ biến từ 1% cho đến 4,5% (mức giảm sâu nhất thuộc về HDBank).

    Cụ thể BIDV đang là ngân hàng dẫn đầu với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đăng ký từ ban đầu, cộng thêm 2 gói tín dụng cho khách hàng cá nhân công bố mới đây lên đến 50.000 tỷ đồng, tức tổng cộng các gói là 170.000 tỷ đồng.

    Đứng thứ hai là MB với 105.000 tỷ đồng trong đó 30.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay, 30.000 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), và 45.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lớn và rất lớn (CIB) vay.

    Thứ ba là là Agribank với 100.000 tỷ đồng, chủ yếu cho khách hàng vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

    Vietcombank cũng đã công bố 2 gói tín dụng trị giá lần lượt 30.000 tỷ đồng và gần 42.000 tỷ đồng cho khách hàng vay ưu đãi trong khi VietinBank có gói 60.000 tỷ. Tiếp theo là các gói tín dụng của ACB tổng cộng 35.000 tỷ đồng. 

    Một ngân hàng khác nữa cũng tích cực cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là Techcombank khi công bố gói tín dụng 30.000 tỷ, trong đó 10.000 tỷ cho khách hàng cá nhân và 20.000 tỷ cho khách hàng doanh nghiệp.

    SHB và HDBank mỗi ngân hàng có các gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng. 

    Tại Nam A Bank, ngân hàng này cũng có gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng quán ăn và xuất nhập khẩu. 

    LienVietPostBank và Sacombank mỗi ngân hàng cũng thông báo triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong khi ở TPBank là 12.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi.

    Xem thêm tại: https://cafef.vn/cac-goi-tin-dung-ho-tro-khach-hang-bi-anh-huong-boi-covid-19-da-len-den-hon-600000-ty-dong-20200417092136455.chn

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:11:00 17-04-2020

    Người giàu thứ hai Hàn Quốc kiếm 2,2 tỷ USD nhờ sản xuất thuốc điều trị COVID-19

    [Cập nhật]: Australia hy sinh 9% GDP cứu nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ được nhận đến 100.000 USD tiền mặt để trả lương thời Covid-19 - Ảnh 1.

    Theo Forbes, tài sản của tỷ phú tự thân người Hàn Quốc Seo Jung-jin hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,2 tỷ USD so với thời điểm Forbes "chốt sổ" danh sách tỷ phú thế giới năm 2020 vào ngày 18/3. Kể từ thời điểm đó, cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học Celltrion do ông sáng lập đã tăng 37,6%.

    Các nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc Celltrion có thể đáp ứng đúng kế hoạch về phát triển thành công loại thuốc điều trị hiệu quả COVID-19. Đại dịch này đã lây nhiễm cho hơn 2 triệu người trên toàn cầu và đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 1930.

    Kwon Ki-sung, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Celltrion cho biết, quá trình điều chế thuốc điều trị virus corona đang tiến triển nhanh chóng. "Chúng tôi dự đoán sẽ có thể thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên trên người vào tháng 7 tới", ông cho biết.

    Celltrion là công ty chuyên sản xuất các loại thuốc sinh học nhưng gần đây công ty này đã chuyển trọng tâm sang nghiên cứu và phát triển các phương pháp chống lại đại dịch COVID-19.

    Bài viết được tham khảo từ BizLive. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:17:00 17-04-2020

    Australia hy sinh 9% GDP cứu nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ được nhận đến 100.000 USD tiền mặt để trả lương thời Covid-19

    Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận người lao động sẽ chịu nhiều thiệt hại sau đợt dịch Covid-19 và đã phải tung thêm gói cứu trợ lần 2 trị giá 66 tỷ USD, bao gồm việc phát 100.000 USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thanh toàn tiền lương cho nhân viên.

    Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ thực hiện chiến dịch cho vay ưu đãi lớn với tổng trị giá 40 tỷ USD nhằm giúp đỡ các công ty đang gặp khó khăn. Tổng số tiền các doanh nghiệp nhỏ có thể vay lên đến 250.000 USD với thời hạn 3 năm. Họ sẽ không phải thanh toán bất kỳ khoản phí dịch vụ vay nào cũng như không cần phải hoàn trả trong vòng ít nhất 6 tháng.

    Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ chi hàng trăm triệu USD cho ngành chăm sóc tại gia để giúp đỡ những người già, neo đơn vốn gặp nguy hiểm hơn với đại dịch Covid-19.

    Gói cứu trợ thứ nhất của Australia vốn bao gồm 17,6 tỷ USD phát tiền mặt và 105 tỷ USD vốn vay ưu đãi. Trong đó khoảng ¼ dân số Australia sẽ được phát 750 USD. Như vậy nếu tính cả gói cứu trợ thứ 2 ở trên, Australia đã chi tới 189 tỷ USD, tương đương 9,7% GDP để cứu nền kinh tế.

    Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với gói hơn 800 tỷ USD, tương đương 18% GDP của Anh. Chính quyền London thậm chi có kế hoạch thanh toán tới 80% số lương cho hàng triệu lao động tại đây.

    Sau gói cứu trợ thứ 2 ở trên, chính phủ Australia đang tính đến gói cứu trợ thứ 3 nhằm tránh khỏi thảm họa đổ vỡ nền kinh tế.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 06:02:00 17-04-2020

    Vợ chồng Bill Gates đã tích trữ thực phẩm trong tầng hầm từ nhiều năm trước, vì đoán biết đại dịch như Covid-19 kiểu gì cũng xảy ra

    Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân ở khắp nơi trên thế giới đã đổ xô tích trữ một số sản phẩm như đồ ăn và giấy vệ sinh do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

    Thế nhưng, ít ai biết rằng vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates đã bắt đầu dự trữ thực phẩm trong tầng hầm của họ trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

    Ngày 16/4 vừa qua, bà Melinda chia sẻ với BBC Radio Live: "Vài năm trước, chúng tôi từng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu không có nước sạch và thức ăn? Chúng ta sẽ phải đi đâu, làm gì với tư cách là một gia đình? Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng mình cần chuẩn bị một lượng đủ dùng trong một thời gian nhất định nếu có biến cố xảy ra.

    Gia đình tôi đã mua một ít đồ ăn để ở tầng hầm phòng khi cần dùng đến và thời điểm hiện tại cũng như vậy. Tất nhiên, chúng tôi không thể chuẩn bị trước một loại thuốc hay vắc-xin cụ thể nào bởi đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng Covid-19. Đây là đại dịch mà tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng.

    Gần đây, trong các bữa tối, chúng tôi đều nói đến việc mình đã may mắn như thế nào khi có thể quây quần bên nhau và thưởng thức bữa ăn thay vì phải vật lộn từng bữa như rất nhiều gia đình khác đang chịu ảnh hưởng của đại dịch".

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 05:58:00 17-04-2020

    Kinh tế Mỹ suy giảm lan rộng

    Trong báo cáo Sách Xám (Beige Book), FED cho biết các doanh nghiệp ở các lĩnh vực đều không có triển vọng chắc chắn, hầu hết tin rằng tình hình sẽ xấu đi trong vài tháng tới. Báo cáo cũng nói rõ, những dấu hiệu suy giảm sẽ sớm lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ khi các nhà máy, cửa hàng và nhà hàng trên toàn quốc buộc phải đóng cửa, kéo theo nhiều việc làm tiếp tục bị cắt giảm trong những tháng tới.

    Cũng theo FED, các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp giãn cách xã hội và việc phải đóng cửa hoàn toàn các lĩnh vực giải trí, khách sạn, bán lẻ (trừ bán lẻ các mặt hàng thiết yếu). Sự sụt giảm sản xuất do chuỗi cung ứng đứt gãy và sản xuất đình trệ cũng góp phần kéo lùi nền kinh tế cho dù nhu cầu tăng mạnh về thực phẩm và sản phẩm y tế chỉ có thể giúp "gỡ gạc" lại phần nào.

    Báo cáo của FED được đưa ra cùng thời điểm Bộ Thương mại Mỹ công bố thống kê doanh số bán lẻ đáng thất vọng trong tháng 3 khi giảm 8,7% so với tháng 2, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1992 khi chính phủ bắt đầu theo dõi số liệu này. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ giảm 6,2%. Cụ thể, doanh số ô tô giảm 25,6% trong khi doanh số các cửa hàng quần áo mất tới 50,5%. Các nhà hàng và quán bar thông báo doanh thu giảm gần 27% trong tháng 3...

    Bài viết được tham khảo từ Sài Gòn Giải Phóng. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 05:46:00 17-04-2020

    Nhật Bản phát không 926 USD cho mỗi người dân, tăng gấp 3 ngân sách dự tính

    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa bất ngờ thay đổi chính sách phát tiền mặt cho dân chúng, cho thấy dường như chính phủ nước này không nghĩ rằng kế hoạch ban đầu là đủ nhanh và lớn để hỗ trợ các hộ gia đình trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở nước này diễn biến nghiêm trọng hơn.

    Phát biểu tối hôm qua (16/4), ông Abe cho biết Nhật sẽ phát 100.000 yên (tương đương 926 USD) cho tất cả mọi người thay vì chỉ nhắm vào một bộ phận như trước kia. Điều này sẽ khiến số tiền ngân sách phải chi tăng gấp 3. Ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thay vì một vài địa phương như trước.

    Trước đó, kế hoạch ban đầu là phát 300.000 yên cho các hộ gia đình có thể chứng minh họ bị mất thu nhập. Tuy nhiên điều này khiến quá trình phân phát bị chậm trễ và tăng nguy cơ lây nhiễm trong quá trình xử lý giấy tờ.

    Hiện Nhật Bản dự tính ngân sách sẽ tăng thêm 17.000 tỷ yên, trong đó gần 4.000 tỷ yên dùng cho việc phát tiền cho các hộ gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên nếu mỗi công dân được hưởng 100.000 yên thì số tiền sẽ là hơn 12.000 tỷ yên.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:37:00 17-04-2020

    GDP quý I của Trung Quốc giảm 6,8% do tác động của Covid-19

    [Cập nhật]: GDP quý I của Trung Quốc giảm 6,8% do tác động của Covid-19 - Ảnh 1.

    Theo số liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý I của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã giảm 6,8% so với 1 năm trước, khi chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Theo Reuters, đây là sự sụt giảm đầu tiên ít nhất kể từ năm 1992.

    Các nhà phân tích được Reuters phỏng vấn đã dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ giảm 6,5% trong quý I so với 1 năm trước. Dự báo được tổng hợp từ 57 nhà phân tích, mức giảm ước tính dao động từ khoảng 28,9% cho đến tăng 4%. Ở quý trước, tháng 9 đến tháng 12/2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6%.

    GDP quý I của Trung Quốc giảm 9,8% so với quý IV/2019, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Ở quý này, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 19% so với 1 năm trước, trong khi hoạt động sản xuất giảm 8,4% so với cùng kỳ.

    Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với áp lực rất lớn trong bối cảnh bất ổn do sự bùng phát của Covid-19 ngày càng gia tăng. Ngoài ra, quốc gia này cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc nối lại hoạt động sản xuất.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:28:00 17-04-2020

    Volkswagen, Mercedes-Benz tái vận hành 1 số nhà máy ở Đức ngay tháng 4

    Các nhà sản xuất ôtô của Đức, trong đó có Volkswagen và Mercedes-Benz, sẽ nối lại hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở trong nước vào tuần tới, sau khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được nới lỏng.

    Thủ tướng Angela Merkel ngày 15/4 nói rằng Đức đã đạt được thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch và việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu bằng việc mở lại một phần các cửa hàng trong tuần tới và các trường học từ ngày 4/5.

    Không như Italy và Tây Ban Nha, Đức không cấm hoạt động sản xuất ôtô, dù các nhà máy bị đình trệ sau khi các nhà chức trách hạn chế hoạt động đi lại của người dân và đóng cửa các đại lý ôtô, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu.

    Volkswagen cho biết sẽ bắt đầu sản xuất xe cho thương hiệu chính ở Zwickau, Đức và ở Bratislava, Slovakia vào ngày 20/4.

    Các nhà máy tại Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mỹ sẽ tăng công suất từ ngày 27/4, cùng với các nhà máy tại Nam Phi, Argentina, Brazil vào tháng Năm.

    Bài viết được tham khảo từ Vietnam+. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:18:00 17-04-2020

    Ông lớn Adidas, H&M, Primark từ chối trả tiền thuê mặt bằng do Covid

    Hầu hết cửa hàng ở Mỹ và châu Âu đang đóng cửa vì lệnh cấm do Covid-19, khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, họ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng đắt đỏ. Một số nhà bán lẻ đang chuyển gánh nặng tài chính sang chủ bất động sản bằng cách từ chối trả tiền thuê.

    Theo Business Insider, ở châu Âu, một số nhà bán lẻ đã từ chối trả tiền thuê mặt bằng, trong đó có các ông lớn H&M, Primark và Adidas.

    Tại Mỹ, chuỗi bán lẻ vật dụng văn phòng nổi tiếng Staples, chuỗi cửa hàng đệm Mattress Firm và hệ thống nhà hàng The Cheesecake Factory cũng làm điều tương tự.

    Các chuyên gia dự báo khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, và những nhà bán lẻ sẽ tạm dừng việc trả tiền thuê trong vài tháng tới.

    Greg Maloney, người đứng đầu Công ty dịch vụ bất động sản thương mại JLL Retail, đơn vị quản lý 625 bất động sản từ trung tâm mua sắm đến các tòa nhà đơn lẻ trên khắp nước Mỹ, nói với Business Insider, đến ngày 9/4, công ty mới nhận được 20-25% tiền thuê dự kiến ​​trong tháng. Vào những tháng bình thường, ở thời điểm tương tự, công ty thu khoảng 50-60% tiền thuê trong tháng. Và hơn 50% các nhà bán lẻ đã liên hệ cần sự giúp đỡ vào tháng 4 và tháng 5.

    Bài viết được tham khảo từ Zing News. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:14:00 17-04-2020

    Hàn Quốc hỗ trợ mỗi gia đình khó khăn 19 triệu đồng

    Ngày 16-4, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã công bố ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 7.600 tỉ won (6,3 tỉ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình ở nước này vượt qua những khó khăn kinh tế do tác động của dịch COVID-19.

    Theo Hãng tin Yonhap, Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết cùng với ngân sách từ các chính quyền địa phương, Chính phủ nước này sẽ chi tổng cộng 9.700 tỉ won cho gói cứu trợ một lần dành cho 14,78 triệu hộ gia đình, chiếm khoảng 50% số hộ gia đình trên toàn quốc.

    Theo đó, mỗi hộ gia đình có từ 4 người trở lên thuộc nhóm 70% có thu nhập thấp sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp 1 triệu won (19,2 triệu đồng VN) quy đổi ra bằng phiếu mua hàng và phiếu quà tặng. Mức trợ cấp dành cho các hộ gia đình có 1 người, 2 người và 3 người trong nhóm này lần lượt là 400.000 won, 600.000 won và 800.000 won.

    Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Hong Nam Ki cho biết gói cứu trợ khẩn cấp mới sẽ giúp người dân Hàn Quốc vượt qua các tác động về kinh tế do dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

    Ông nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ triển khai tất cả các biện pháp có thể cho đến khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh kết thúc để giảm thiểu các tác động đối với các doanh nghiệp và thị trường việc làm.

    Bài viết được tham khảo từ Tuổi Trẻ. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:10:00 17-04-2020

    Boeing dự định tái khởi động sản xuất máy bay thương mại ở nhà máy Seattle sau 3 tuần đóng cửa

    [Cập nhật]: Tổng thống Trump chuẩn bị công bố kế hoạch mở cửa nền kinh tế, đưa ra điều kiện cho một số lĩnh vực - Ảnh 1.

    Mới đây, Boeing cho biết công ty đang lên kế hoạch tái khởi động hoạt động sản xuất máy bay thương mại ở các nhà máy tại khu vực Seattle sớm nhất vào thứ Hai tuần tới, khi thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách vật lý nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19.

    Công ty đã ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy này trong 3 tuần trước, khi bang Washington yêu cầu người dân ở nhà. Sau đó, họ cho biết sẽ tạm thời ngừng sản xuất tại nhà máy ở Nam Carolina - nơi lắp ráp máy bay phản lực 787 thân rộng. Điều này có nghĩa là công ty đã tạm ngừng hoạt động lắp ráp máy bay thương mại.

    Quay trở lại sản xuất vào thời gian này, Boeing sẽ yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, đánh dấu các tầng và đưa ra dấu hiệu để cho biết khoảng cách vật lý thích hợp giữa các nhân viên. Ngoài ra, các nhân viên cũng đến làm việc leo lịch luân phiên.

    Các biện pháp khác sẽ được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan bao gồm kiểm tra sức khoẻ của nhân viên và theo dõi nếu có trường hợp dương tính với nCoV. Công ty cho biết, hiện tại họ đang theo dõi 65 ca nhiễm là nhân viên, trong khi khoảng 120 người khác đã hồi phục hoàn toàn.

    CEO của Boeing - Dave Calhoun, viết trong một lưu ý gửi nhân viên, đã bày tỏ sự vui mừng khi các hãng hàng không nhận được khoản viện trợ hàng tỷ USD của chính phủ, nhằm giảm thiểu tác động từ Covid-19.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 02:53:00 17-04-2020

    Tổng thống Trump chuẩn bị công bố kế hoạch mở cửa nền kinh tế cho các bang

    Theo CNBC, Tổng thống Donald Trump chuẩn bị công bố kế hoạch dự kiến, đưa ra các điều kiện cho phép những lĩnh vực của kinh tế Mỹ để mở cửa trở lại, nhằm nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Kế hoạch này sẽ xác định các trường hợp cần thiết của mỗi lĩnh vực, cho phép người lao động bắt đầu trở lại lại việc. Hai nguồn tin thân cận tiết lộ, tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được các Thống đốc bang đưa ra.

    Các tiểu bang, hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không bắt buộc phản thực hiện theo kế hoạch trên của Nhà Trắng. Tuy nhiên, kế hoạch mới cũng tạo thêm áp lực đối với các Thống đốc bang trong việc nới lỏng lệnh hạn chế, ngay cả khi nhiều chuyên gia y tế và lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo rằng việc xét nghiệm ở quy mô lớn là điều cần thiết trước khi người dân Mỹ trở lại cuộc sống bình thường.

    Hai nguồn tin thân cận tiết lộ, Tổng thống Trump cho biết trong một cuộc gọi cho khoảng 10 thống đốc: "Các bang sẽ tự đưa ra quyết định." Dù hồi đầu tuần, ông Trump cho hay, ông tin rằng một số cửa hàng có thể hoạt động trở lại trước tháng 5, nhưng kế hoạch của Nhà Trắng không đưa ra thời gian cụ thể.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ

BBT

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên