Cập nhật lúc

Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?

Cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có những diễn biến như thế nào trong thời gian tới? Khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này nhà đầu tư cần chú ý những gì? Câu chuyện chính của các ngân hàng 2022 là gì? ...

Năm 2022, nhiều công ty chứng khoán đánh giá, nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, một trong số đó là chất xúc tác của gói hỗ trợ nền kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội vừa bấm nút thông qua và đã được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành vào ngày 17/01, sẽ tác động tích cực tới ngành ngân hàng. Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số, đổi mới số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhất là mảng dịch vụ bán lẻ… đang diễn ra rất tích cực sẽ giúp các nhà băng gia tăng nguồn thu nhập ngoài lãi. Những ngân hàng đã và đang thực hiện tăng vốn cũng sẽ có dư địa phát triển mạnh. Có tới 95% các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng.

Với bối cảnh hiện tại, cổ phiếu ngân hàng cũng đang trở nên hấp dẫn trở lại. Minh chứng là trong chưa đầy 2 tuần của năm mới, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí có mã còn lập đỉnh mới kể từ khi niêm yết. Nhiều chuyên gia cho rằng, cổ phiếu "vua" sẽ lên ngôi mạnh mẽ hơn sau thời gian đi ngang và tạo đáy thời gian qua, dòng tiền sẽ trở lại giúp dòng ngân hàng có cơ hội dẫn dắt thị trường.

Dẫu vậy, những khó khăn mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm nay cũng được đánh giá là không hề nhỏ khi đại dịch đi qua, bên cạnh những dư địa chính sách tài chính tiền tệ bị hạn chế do áp lực lạm phát.

Vậy cụ thể đâu sẽ là những khó khăn mà ngành ngân hàng có thể phải đối mặt? Cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có những diễn biến như thế nào trong thời gian tới? Khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này nhà đầu tư cần chú ý những gì? Câu chuyện chính của các ngân hàng 2022 là gì? ... là những vấn đề sẽ được các diễn giả tham gia Talkshow Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"? phân tích.

Talkshow diễn ra vào 14h ngày 20/01/2022, được tường thuật trực tiếp trên chuyên trang Nhịp sống kinh tế (Báo Tổ quốc), Kênh thông tin tài chính kinh tế CafeF và Fanpage CafeF với sự tham gia của:

- Ông Nguyễn Danh Lương – Thành viên HĐQT Độc lập Ngân hàng hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán ABB)

- Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect

 diễn biến
  • 08:33:00 20-01-2022

    Kỳ vọng "cổ phiếu vua" lên ngôi trở lại trong năm 2022

    Theo thống kê của NHNN, hiện có tới 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020.

    Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm.

    Và theo chia sẻ và phân tích của các khách mời tham dự chương trình là bà Trần Thị Khánh Hiền và ông Nguyễn Danh Lương: Nhìn chung, năm 2022 ngành ngân hàng được nhận định có triển vọng khả quan. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành này sau thời gian đi ngang trong 6 tháng vừa qua sẽ sớm thu hút dòng tiền trở lại.

    Cổ phiếu ngân hàng khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 và những ngày đầu năm 2022 khá tích cực khi sắc xanh bao trùm lên hầu hết các mã. Điều này khiến nhiều cổ đông ngân hàng lại có niềm tin kỳ vọng "cổ phiếu vua" sẽ trở lại dẫn dắt thị trường trong năm 2022.

    Và tất nhiên, giá cổ phiếu được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và câu chuyện riêng của từng ngân hàng./.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:31:00 20-01-2022

    Có nên chốt lãi cổ phiếu ngân hàng trước Tết?

    Độc giả hỏi: Hiện danh mục của tôi có cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn UPCoM, tỷ lệ lợi nhuận cũng đạt trên 50%. Tôi có nên hiện thực hóa lợi nhuận trước Tết? Hay tiếp tục nắm giữ chờ cổ phiếu đó chuyển sàn?

    Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect

    Điều này còn phụ thuộc vào thói quen đầu tư của mỗi người. Đầu tư là câu chuyện dài hạn, giống như tích sản. Để đưa ra lời khuyên nên chốt lãi trước hay sau Tết thì khá khó.

    Tuy nhiên, tôi nghĩ việc chuyển sàn là chuyện tích cực. Sàn UPCoM ít được nhà đầu tư quan tâm, nên khi chuyên sàn sẽ thu hút NĐT hơn. Chuyển sàn thì doanh nghiệp đó cũng sẽ chặt chẽ hơn trong việc công bố thông tin. Đó là yếu tố tích cực và NĐT có thể chờ đợi câu chuyện chuyên sàn.

    Dĩ nhiên, còn phụ thuộc vào chuyển biến của thị trường. Như những ngày vừa qua, nhiều nhà đầu tư sẽ tiếc nếu chốt lãi trước 31/12 hoặc tuần đầu của năm 2022 thì quá may mắn rồi.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:22:00 20-01-2022

    ABBank sẽ chuyển sàn niêm yết, kế hoạch tăng gấp rưỡi lợi nhuận trong năm 2022

    Năm 2022 An Bình có dự định chuyển sàn niêm yết không?

    Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank

    Có. Theo kế hoạch, ngay sau khi hoàn tất lộ trình tăng vốn, ABBANK sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển sàn niêm yết. Hiện nay các bước vẫn đang theo sát lộ trình.

    Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả kinh doanh năm 2021 của ngân hàng An Bình và kế hoạch kinh doanh năm 2022?

    Trong những năm trở lại đây, đà tăng trưởng của ABBANK luôn giữ được nhịp độ ổn định vững chắc năm sau cao hơn năm trước. Đến cuối năm 2021 ABBANK đã hoàn thành kế hoạch đề ra, cụ thể là lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, tăng trưởng 145%, tổng tài sản đạt 121.620 tỷ đồng, chỉ số ROE sau thuế tăng 125% so với năm 2020, xử lý nợ xấu vượt kế hoạch. 

    Trong năm 2022 chúng tôi sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 156%, ROE 117%, ROA 128% so với 2021. Để làm được những con số đó, chúng tôi đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ vận hành cho đến bán hàng, từ quản trị rủi ro đến phát triển nhân lực và đặc biệt quan trọng là triển khai dự án chiến lược về công nghệ theo tư vấn của Mc Kinsey. ABBANK tự tin khẳng định là chúng tôi đã có nền tảng vững chắc cho phát triển hiệu quả và an toàn.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:07:00 20-01-2022

    Cổ phiếu ABB đã phản ánh hết tiềm năng?

    Được biết, hiện ABBANK cũng đang trong giai đoạn 2 của lộ trình tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) với tỉ lệ 35%. Dự kiến, sau khi kết thúc toàn bộ lộ trình tăng vốn vào khoảng cuối quý 1/2022, vốn điều lệ của ABBANK lên mức gần 10.000 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ việc sử dụng vốn của quá trình tăng vốn này như thế nào?

    Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank

    Trong những năm trở lại đây, đà tăng trưởng của ABBANK luôn giữ được nhịp độ ổn định, vững chắc. Đến cuối năm 2021 ABBANK đã hoàn thành kế hoạch đề ra.

    ABBANK tiếp tục xây dựng phương án tăng trưởng cao trong năm 2022 cùng với việc thực hiện các dự án quan trọng như: đổi mới hệ thống công nghệ số, điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng đến hiệu quả bán lẻ, mua lại toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC, áp dụng quản trị rủi ro chuẩn mực và chặt chẽ hơn, gia tăng hiệu quả kinh doanh trên mỗi nhân viên.

    Kế hoạch lợi nhuận sẽ trình Đại hội đồng cổ đông năm 2022 sẽ tăng cao và các chỉ tiêu tài chính khác đều phải cải thiện tốt hơn năm 2021, bám sát kế hoạch chiến lược trung hạn đến 2025. Việc tăng vốn mà ABBANK vừa thực hiện là hết sức cần thiết nhằm để duy trì tỉ lệ an toàn vốn theo qui định trong điều kiện tăng trưởng cao liên tục qua từng năm. ABBANK sẽ sủ dụng vốn tăng thêm để mở rộng quy mô vốn hoạt động, đầu tư thay đổi công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng kênh bán và phát triển sản phẩm, củng cố mạng lưới, xây dựng thương hiệu… Chúng tôi tin rằng việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tăng thêm sẽ mang lại nhiều giá trị cho các cổ đông trong thời gian tới.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 1.

    ABB hiện giao dịch quanh vùng giá 20.000 - 22.000 đồng/cp, theo các chuyên gia, mức giá này đã phản ảnh đầy đủ tiềm năng của cổ phiếu hay chưa? Việc phát hành mới trên có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu hay không?

    Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank

    Hiện, cổ phiếu ABB tuy đang có sự điều chỉnh về vùng hỗ trợ ở mức giá 20.5 – 21, nhưng vẫn cho thấy xu hướng đi lên trong trung và dài hạn.

    Giá cổ phiếu đôi khi tùy thuộc vào nguồn vốn, dòng tiền và tâm lý trên thị trường. Do đó có thể tại những thời điểm nhất định, giá thị trường không phản ánh chính xác giá trị thực của cổ phiếu.

    Với những kết quả hoạt động tích cực của ABBANK trong năm 2021 cho thấy ngân hàng đang nỗ lực để thực hiện các kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua.

    Việc thực hiện thành công đợt tăng vốn gần đây của ABBANK cho thấy các nhà đầu tư đang tin tưởng vào sự phát triển ổn định của ngân hàng trong dài hạn.

    Với nguồn vốn được bổ sung, ABBANK có thêm điều kiện để thực hiện các mục tiêu, các dự án chiến lược trong thời gian tới, phát triển hiệu quả và an toàn, mang lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông và các nhà đầu tư. Đó là tiềm năng cho việc tăng giá của cổ phiếu ABBANK.

    Ngoài ra, khi so sánh giá trị cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam nói chung, của ABBANK nói riêng với thị trường khu vực thì thấy giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam vẫn khá hấp dẫn.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:01:00 20-01-2022

    Yếu tố nào sẽ dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng năm 2022?

    Bà nhận định thế nào về cổ phiếu ngân hàng 2022?

    Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect

    Chúng tôi dự báo dựa trên 2 góc nhìn.

    Góc nhìn thị trường, thị trường chứng khoán vẫn có sự tham gia nhiệt tình của NĐT trong nước khi tài khoản mở mới tăng cao, giúp duy trì thanh khoản trên thị trường trong năm 2022. Chúng ta bắt đầu ghi nhận những phiên có tới 40-50 nghìn tỷ. Với lượng thanh khoản như vậy, khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư theo cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, có công bố thông tin minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý.

    Về bức tranh kế hoạch kinh doanh ngành ngân hàng, giới phân tích cho rằng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro, chúng tôi dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021. Tuy nhiên thị trường cũng đã nhận thấy điều đấy.

    Việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng. Năm 2022, khó có sóng ngành, và sẽ có sự phân hóa, cơ hội không đồng đều, có ngân hàng sẽ tăng vượt bậc

    Ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng thì sẽ có lợi thế. NH nào có khả năng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như bancassurance cũng sẽ có lợi thế. Ngoài ra, NH nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. NH nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:44:00 20-01-2022

    Triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ thế nào?

    Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2022?

    Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank

    Năm qua việc thực hiện chủ động, linh hoạt, đồng bộ và nhất quán chính sách tiền tệ đã giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, hoạt động thông suốt, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, mặt bằng lãi suất và tỷ giá trung tâm giảm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Và tất cả các kết quả này sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế trong năm nay.

    Ngay từ những ngày đầu năm 2022, NHNN đã ban hành các chỉ thị về hướng đến mục tiêu: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid và thiên tai; hệ thống phát triển an toàn, bền vững; Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng

    Bên cạnh chính sách tiền tệ, các chính sách tài khóa, thương mại và đầu tư cũng sẽ được triển khai đồng bộ sẽ hỗ trợ phục hồi chuỗi sản xuất, kích thích đầu tư, tiêu dùng và tạo đà tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 6,5-7%. Chỉ số VN-Index – phong vũ biểu của nền kinh tế - đang được các chuyên gia dự báo là sẽ chuyển từ vùng cận biên sang vùng mới nổi và dự kiến tăng lên xấp xỉ 1.800 điểm, thậm chí tăng trưởng hơn nữa vào 2023 nếu dịch bệnh được kiểm soát như dự báo.

    Với môi trường kinh tế tăng trưởng tốt, "sức khỏe" của các doanh nghiệp được củng cố/tăng cường, hành lang chính sách được cải thiện đang giúp các ngân hàng mở rộng các cơ hội kinh doanh, phát triển thêm các sản phẩm mới.

    Bên cạnh đó, chỉ thị 02 của NHNN về Chuyển đổi số của Hệ thống Ngân hàng trên cơ sở Công nghệ 4.0 và Hệ thống Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp Ngân hàng quản lý tốt và hiệu quả hơn việc lưu chuyển vốn trong nền kinh tế, hạn chế việc sử dụng vốn sai mục đích từ đó giảm thiểu nợ xấu phát sinh.

    Nhìn vào kế hoạch kinh doanh các ngân hàng đang xây dựng cho năm 2022 và cho vài năm tới thì chúng ta có thể thấy xu hướng của ngành đang có sự lạc quan nhất định.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:40:00 20-01-2022

    Định giá cổ phiếu ngân hàng đang thấp, dư địa được định giá lại và tăng trưởng còn rất lớn

    Những lo ngại về ngành ngân hàng đã phản ánh cụ thể vào giá cổ phiếu của nhóm ngành ngân hàng như thế nào trong năm 2021?

    Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect

    Những chuyển biến chúng ta vừa nói, thị trường đã phản ánh kỳ vọng và lo ngại của nhà đầu tư với nhóm ngân hàng.

    Về mặt định giá, hiện định giá cổ phiếu NH thấp hơn khoảng 15% của đỉnh năm 2021. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào BĐS, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá NH trở nên hợp lý, hiện P/B khoảng 2 lần. Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%. Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa NH Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn.

    Một trong những yếu tố kỳ vọng sự định giá lại là từ dòng vốn nước ngoài. Năm 2021, khối ngoại bán ròng khá mạnh khi họ lo ngại tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp, FED tăng lãi suất thì dòng tiền chảy khỏi thị trường mới nổi như Việt Nam. Nhưng hiện tỷ lệ bao phủ vaccine cao và đánh giá tác động từ FED không lớn thì kỳ vọng dòng vốn nước ngoài quay lại và nhóm hưởng lợi đầu tiên là ngân hàng.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank

    Tôi cho rằng việc tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng năm qua là hợp lý bởi vì thị trường sớm muộn gì cũng nhận ra ưu điểm của cổ phiếu ngành ngân hàng xét trên các mặt như tính ổn định, tính minh bạch do hoạt động ngân hàng tuân theo các chuẩn mực quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ.

    Trên thực tế, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế và khi nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng thì ngành ngân hàng có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, "trong nguy có cơ", khi dịch bệnh xảy ra cũng đã buộc hệ thống ngân hàng tiến nhanh hơn trong quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ. Vì thế thu nhập từ phí dịch vụ và từ các sản phẩm số đã là trở thành một "điểm sáng" trong hoạt động của các ngân hàng năm qua. Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc các ngân hàng tập trung nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ các lộ trình/giải pháp của đề án "cơ cấu lại gắn liền với xử lý nợ xấu", thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực quản trị, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cũng đã tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư về sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong trung, dài hạn và sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 2.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:35:00 20-01-2022

    Các ngân hàng Việt hiện nay "khỏe" hơn rất nhiều giai đoạn trước, đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản nợ xấu có thể tăng


    Các diễn giả đánh giá như thế nào về Chất lượng tài sản, tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu... của các ngân hàng trong năm vừa qua?

    Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect

    Năm 2022, các ngân hàng khó có dư địa cải thiện NIM tuy nhiên có triển vọng thu nhập ngoài lãi.

    Năm 2021, nhiều nhà băng có tăng trưởng rất mạnh ở thu nhập ngoài lãi. Cách đây 3 năm, tỷ trọng này chỉ 20%, cao lắm là 25%. Nhưng theo quan sát, 9 tháng đầu năm, có ngân hàng đã đạt trên 30% và hầu hết nhóm thu nhập ngoài lãi sẽ được đẩy mạnh từ thu nhập bancassurance, đang tăng trưởng kép khoảng 30% trong các năm gần đây. Trong năm 2022, ngân hàng nào dư địa đẩy mạnh ở mảng kinh doanh này thì sẽ có lợi thế về thu nhập ngoài lãi.

    Cũng đáng chú ý, tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) của các ngân hàng có xu hướng giảm khá mạnh trong năm 2021. Trước đây dưới 40% là khá lý tưởng. Nhưng năm 2021, nhiều ngân hàng chỉ 30-35%, thậm chí có ngân hàng dưới 30%. Điều này chỉ phản ánh trong 1 năm, nhưng cũng cho thấy, những ngân hàng có sự đầu tư số hóa, hạ tầng những năm trước thì năm nay bắt đầu gặt hái kết quả.

    Điểm không lý tưởng có lẽ là chất lượng tài sản, nợ xấu có sự nhích lên đáng kể ở quý 3. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,9%, cao hơn 1,7% năm 2020, chưa kể nợ tiềm ẩn, nợ. Điều này phản ánh người dân và DN đã bị thiệt hại khá nhiều bởi đại dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các NH Việt Nam đã khỏe hơn nhiều so với các lần khủng hoảng trước khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng rất cao, nhiều bank đạt trên 200%. Và khá nhiều ngân hàng trích lập 50-60% lợi nhuận trước dự phòng, để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể cao hơn nữa trong năm 2022.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:23:00 20-01-2022

    Nhiều cơ sở để dự báo về kết quả hoạt động khả quan của ngành ngân hàng thời gian tới

    Trong 6 tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến giới đầu tư lo ngại nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng cao. Ngoài ra, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng bởi ngân hàng phải thực hiện các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch. 

    Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10/2021, với những nỗ lực của Chính phủ, bao gồm chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, kinh tế dần hồi phục. Và Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục kinh tế và đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng gói kích cầu quy mô lớn và vừa được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành vào ngày 17/01. Theo đó, kết quả hoạt động ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan và thu hút dòng tiền. 

    Ông đánh giá thế nào về ý kiến trên?

    Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank: Gói kích cầu quy mô lớn sẽ trực tiếp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% năm nay là khả thi.

    Theo những nghiên cứu gần đây thì khi hiệu quả của dòng vốn ngân hàng được cải thiện thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể gấp trên 2 lần tăng trưởng GDP. Các ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn hơn, khách hàng của hệ thống ngân hàng khi phục hồi được sản xuất kinh doanh cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ và khả năng trả nợ của họ được cải thiện. Những điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng trưởng quy mô, phát triển thêm các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng danh mục tài sản, cải thiện khả năng thu hồi/xử lý nợ xấu. Và những điều đó là cơ sở để dự báo về kết quả hoạt động khả quan của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

    Live: Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương? - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:18:00 20-01-2022

    Những lo lắng về thắt chặt tín dụng, nợ xấu đã phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng nửa cuối 2021

    Bà có thể chia sẻ về diễn biến cổ phiếu ngân hàng năm qua?

    Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect

    Diễn biến giá cổ phiếu bank năm 2021 có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn nửa đầu năm, bank là ngành tăng trưởng rất mạnh, góp phần đưa VNIndex chinh phục đỉnh cao 1.200-1.400 điểm, điều này cũng phản ánh đúng thực tế kết quả kinh doanh ngành ngân hàng.

    Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng LN ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng hơn 55%. Mức tăng này ấn tượng so với bối cảnh 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 12%. Theo đó, nửa đầu năm đã phản ánh hết kỳ vọng lợi nhuận nhóm cổ phiếu bank và giai đoạn này cũng là giai đoạn bùng nổ của cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu ngành và bank được tập trung vào. Ngoài ra, điều này cũng phản ánh kỳ vọng của NĐT về sự phục hồi của nền kinh tế.

    Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng nổ tháng 6 tháng 7, Việt Nam bước vào giai đoạn giãn cách kéo dài, bank là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn khi sự thắt chặt khiến tín dụng bị tác động, giảm rõ rệt trong tháng 7-9, kèm theo đó là lo ngại nợ xấu nhích dần lên khi doanh nghiệp và người lao động bị tác động mạnh. Hầu hết những yếu tố này phản ánh tới giá cổ phiếu bank nửa cuối năm. Quý 3, LN ròng của các ngân hàng niêm yết cũng có xu hướng chậm lại, chỉ tăng khoảng 18%. Điều này đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nửa sau năm 2021 có xu hướng điều chỉnh, có nhiều mã điều chỉnh tới 15-20%.

    Điểm nữa là về mặt giao dịch trên thị trường là trong 6 tháng đầu năm tập trung nhiều vào nhóm cp lớn khiến vốn hóa nhiều mã tăng lên rất cao, do đó 6 tháng cuối năm dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khiến diễn biến cổ phiếu bank không còn diễn biến tích cực nữa.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:15:00 20-01-2022

    Livestream

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ

Ban Biên Tập

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên