Mỹ cũng vừa chính thức công bố các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận nền độc lập của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine và đưa quân đội Nga vào khu vực dưới danh nghĩa "gìn giữ hòa bình".
Nhà Trắng cho biết dù cánh cửa ngoại giao "vẫn rộng mở" nhưng lúc này "không phải thời điểm thích hợp" để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định điều này sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt Nga vì việc công nhận độc lập với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk ở miền Đông Ukraine và đưa quân đội vào khu vực trong vai trò "lực lượng gìn giữ hòa bình".
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố sẽ không gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhằm phản đối động thái của Nga. Ông Blinken cũng đã gửi thư cho ông Lavrov để thông báo về quyết định này.
"Như ngài Ngoại trưởng đã nói, đây không phải thời điểm thích hợp. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga cũng chỉ mới được đồng ý về mặt nguyên tắc chứ chưa bao giờ có kế hoạch cụ thể hay mỗi thời gian chính xác nào", bà Psaki nói.
Dù các dấu hiệu đều cho thấy cánh cửa ngoại giao giữa Nga và Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang dần khép lại nhưng phía Mỹ vẫn khẳng định vẫn còn cơ hội.
"Trong tương lai, Mỹ vẫn cở mở trong ngoại giao với các đối tác châu Âu và Nga khi nào căng thẳng được hạ nhiệt", bà Psiki nói.
Bên cạnh đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng nhấn mạnh Tổng thống luôn sẵn sàng để trò chuyện với các nhà lãnh đạo nhưng đây không phải lúc để làm điều đó.
Reuters cho biết, Tổng thống Mỹ tuyên bố áp đặt đợt trừng phạt đầu tiên lên ngân hàng và giới tinh hoa Nga, đồng thời cam kết sẽ còn nhiều lệnh trừng phạt hơn. Theo đó, 2 ngân hàng và giới tinh hoa, những người được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin bị đưa vào danh sách.
Các ngân hàng Nga bị trừng phạt là ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank - vốn thường thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Mỹ cũng áp trừng phạt lên nợ chính phủ của Nga, nghĩa là chính phủ Nga không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây.
Ông Biden không quên đe dọa Mỹ sẽ trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa trong trường hợp Nga có những động thái mà Mỹ cáo buộc là leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, đã phản hồi thông tin của Đức khi nước ngày tuyên bố sẽ ngừng thông qua dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Ông Medvedev mô tả quyết định này là "dũng cảm" bởi nó sẽ khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt một cách nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev.
"Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố dừng thông qua dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tốt thôi. Chào mừng bạn đến một thế giới dũng cảm mới, nơi người châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 Euro cho 1.000m3 khí đốt", ông Medvedev nói.
Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí dài hơn 1.100 km nối liền từ Nga tới châu Âu thông qua biển thay vì ngả Ukraine. Dù được hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng nó vẫn cần cái gật đầu của cơ quan quản lý Đức để có thể đi vào hoạt động và bơm khi vượt biển Baltic tới châu Âu.
Nord Stream 2 có thể cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đó là hơn 50% mức tiêu thụ hàng năm của Đức và có thể mang về cho Gazprom, công ty quốc doanh của Nga, 15 tỷ USD.
Mỹ, Anh và Ukraine cùng một số quốc gia châu Âu phản đối dự án này ngay khi nó được đưa vào thi công năm 2015 bởi lo ngại châu Âu phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chính thức ngăn chặn tiến trình phê duyệt đường ống Nord Stream 2 của Nga sau các hành động của Moscow của Nga ở miền Đông Ukraine. Với đường ống này, châu Âu sẽ phụ thuộc hơn nữa vào năng lượng từ Nga, điều vốn đã gây tranh cãi nhiều ở châu Âu và Mỹ trong nhiều năm qua.
"Với những diễn biến mới nhất, chúng tôi cần đánh giá lại tình hình đối với Nord Stream 2. Nghe có vẻ rất kỹ thuật nhưng đó là bước đi hành chính cần thiết để ngừng chứng nhận cho đường ống", ông Scholz nói. Khi đường ống này chưa được phê duyệt, khí sẽ không được bơm.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã thảo luận căng thẳng trong nhiều giờ qua về cách thức tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga vì điều quân vào Ukraine. Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất về biện pháp trừng phạt để các nước EU áp đặt đối với Nga.
Chúng bao gồm các biện phát trừng phạt đối với 27 cá nhân và thực thể, bao gồm các nhân vật chính trị, tuyên truyền, quân nhân và các tổ chức tài chính mà EU cho là có liên quan đến "các hoạt động bất hợp pháp" trong khu vực.
Thậm chí, EU còn tính tới việc trừng phạt 351 nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu công nhận và 11 người đề xuất việc công nhận độc lập cho lực lượng li khai ở miền Đông Ukraine.
Một quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Nhà Trắng sẽ công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga trong vài giờ tới, động thái đáp trả việc ông Putin công nhận quyền độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer cho biết: "Mỹ sẽ có những thông báo quan trọng vào cuối ngày hôm nay, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi sẽ áp đặt trước những gì Nga đã làm ngày hôm qua".
Phía Mỹ cũng không quên cảnh báo rằng nếu Nga có những hành động tiếp theo, Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp gây thiệt hại nhiều hơn đối với Nga. Mỹ cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ an ninh cho Ukraine nhưng không quên để ngỏ cánh cửa ngoại giao.
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa công bố đợt trừng phạt đầu tiên của nước này đối với Nga khi lên anh việc Tổng thống Vladimir Putin đưa quân đội tới miền đông Ukraine. Ông Johnson cũng nói rằng châu Âu sẵn sàng đáp trả cho những động thái tiếp theo của Nga.
Ông Johnson cũng không quên chỉ trích động thái của Nga với Ukraine và tuyên bố sẽ trừng phạt 5 ngân hàng và 3 cá nhân có "giá trị tài sản ròng rất cao" của Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho đến khi nào còn có thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với khả năng rằng những thông điệp của chúng ta sẽ không được chú ý đến", ông Johnson nói.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt. Năm ngoái, Nga là nhà cung cấp dầu và khí tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu. Căng thẳng với Ukraine leo thang khiến giá mặt hàng này tăng cao hơn.
Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, cho rằng dầu có thể lên tới 110 USD/thùng nếu khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.
"Nếu nguồn cung dầu của Nga cho châu Âu thực sự bị cắt, tức là 3 triệu thùng dầu/ngày biến mất, thì chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi thấy giá tăng thêm 10 tới 15 USD/thùng. Lúc đó, dầu Brent có giá 110 USD/thùng", ông Lipow nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng chính phủ của ông sẽ không phản ứng trước sự khiêu khích của Nga những cũng sẽ "chẳng cho ai thứ gì". Tuy nhiên, ông Zelenskyy vẫn để ngỏ việc theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề.
Ông Zelenskyy cũng kêu gọi các đồng minh ủng hộ Kiev. "Chúng tôi cần xem ai là bạn bè và đối tác của mình và đâu là bên chỉ dùng lời nói với hy vọng khiến Nga khiếp sợ".
Tờ Sky News dẫn lời Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết: "Từ các báo cáo, tôi nghĩ rằng chúng ta có để khẳng định ông Putin đã gửi quân đội và xe tăng tới Ukraine".
Việc Nga công nhận quyền độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk có thể làm suy yếu hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Miền đông Ukraine, nơi giáp với Nga, vốn là chiến trường của phe ly khai và quân đội Ukraine trong suốt 8 năm qua.
Trí Thức Trẻ