Cập nhật lúc

Ông Nguyễn Văn Toàn-Phó chủ tịch VAFIE: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp

Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới? Phải làm gì để cuộc dịch chuyển này sẽ chọn "bến đỗ" là Việt Nam? Các doanh nghiệp Việt nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao? Các chuyên gia phân tích và đánh giá về cơ hội này như thế nào?...


 diễn biến
  • 10:38:00 30-06-2020

    Doanh nghiệp Việt cần làm gì để sẵn sàng để đón sóng FDI?

    Kết thúc trương trình tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Phú điểm lại những điều doanh nghiệp cần đề có thể đón và tận dụng tốt làn sóng FDI thời hậu Covid-19. Cụ thể, 3 xu hướng dịch chuyển được xác định là dịch chuyển nhà máy, dịch chuyển vốn của công ty mẹ và dịch chuyển đơn hàng. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng là nhanh, sớm và dễ đón nhận nhất. Các doanh nghiệp Việt cần xem xét để thấy mình phù hợp với xu hướng nào nhằm chuẩn bị các điều kiện đón nhận.

    Chia sẻ về câu chuyện của Sunhouse, ông Phú nhấn mạnh đến Hệ thống quản lý chất lượng: Buộc phải đầy đủ điều kiện để sản phẩm có thể phục vụ tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, cần Hệ thống quản lý toàn diện: Từ chăm sóc con người, tuân thủ luật pháp… để đảm bảo đơn vị cung ứng không vi phạm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuối cùng, cần tập trung đào tạo, hướng dẫn người lao động để đối tác có thể nhìn thấy.

    "Các yếu tố mình có phải đồng bộ. Chuẩn bị mặt bằng, con người, hệ thống sản xuất để có thể đạt được 7-8 điểm theo mong ước của họ. Nếu họ cần 10 mình chỉ có 1-2 thì họ sẽ lắc đầu. Đó là điểm cần chú ý và chuẩn bị trước", ông Phú cho biết.

    Đối với cơ quan quản lý, ông Phú bày tỏ mong muốn những người làm trong bộ máy nhà nước, cơ quan tạo lập chính sách, hiểu doanh nghiệp phải cạnh tranh với vô vàn khó khăn để có cơ hội thực sự, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy.

    Theo ông Phú, trước đây, người ta chỉ đến mượn đất, mượn người để sản xuất. Bây giờ cuộc cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp Việt thì khó khăn, yếu, thiếu đủ thứ. Ông Phú bày tỏ mong muốn các bộ ngành hiểu, có kế hoạch hành động chi tiết với những người thực hiện có tâm và có tầm.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 10:13:00 30-06-2020

    Chủ tịch Sunhouse: Việt Nam cần vừa chống dịch nhưng vẫn phải mở cửa nền kinh tế

    Trong vai trò một doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh những cơ hội mất đi do dịch Covid-19 ngay cả khi Việt Nam thành công lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Dẫu vậy, những thành công trong giai đoạn đầu có thể không còn phát huy được hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo nếu Việt Nam chọn cách đóng cửa với thế giới bên ngoài.

    Việc đóng cửa giúp Việt Nam tránh được nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhưng ông Phú cho rằng nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu. Trong bối cảnh công nghệ tiến bộ vượt bậc từng ngày, ông Phú cho rằng các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quản trị dịch bệnh tốt để Việt Nam có thể mở cửa và nắm bắt những cơ hội do dịch bệnh tạo ra.

    Bên cạnh đó, ông Phú cũng để ngỏ câu hỏi về năng lực của cán bộ địa phương trong việc đón nhận cơ hội từ dịch Covid-19 dù lãnh đạo cấp cao đã có những tuyên bố và hành động cụ thể và quyết liệt. Chính việc cán bộ thực thi chưa hiểu được cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến thu hút đầu tư so với các doanh nghiệp nước ngoài có thể là rào cản.

    "Đã nói về cạnh tranh, chúng ta chạy nhưng người ta thậm chí còn chạy nhanh hơn chúng ta. Bản thân chúng tôi đã phải thay đổi rất nhiều để có thể tận dụng cơ hội. Sunhouse đã chuyển từ mô hình từ chạy theo số lượng sang chất lượng. Chúng tôi còn phải thuê chuyên gia từng làm Nghiên cứu và Phát triển của CukCoo sang làm việc với mức lương tương đương lương huấn luyện viên Park Hang Seo để thay đổi toàn diện", ông Phú chia sẻ.

    Trở lại với câu chuyện của doanh nghiệp Việt, ông Phú cho rằng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải liên tục đổi mới để có thể tận dụng cơ hội. Doanh nghiệp Việt phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình, bắt kịp với các doanh nghiệp toàn cầu để rồi có cơ hội làm bạn, hợp tác với họ.

    "Nếu cứ làm theo kiểu con hát mẹ khen hay thì không bao giờ biết mình đang ở đâu. Mỗi doanh nghiệp phải luôn so sánh mình với bên ngoài, lấy doanh nghiệp của nước ngoài làm hình mẫu và từng bước tiệm cận với họ về các mặt", ông Phú cho biết.

    Hiện tại, Sunhouse cho biết họ đang dần tự chủ toàn bộ trong sản xuất, từ khâu nguyên liệu tới hoàn thiện. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện sản xuất vi mạch cho phép Sunhouse có thể tự chủ gần như hoàn toàn trong dây chuyền sản sản xuất. Theo ông Phú, Covid-19 bùng phát đã khiến Sunhouse mất đi nhiều cơ hội.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 10:05:00 30-06-2020

    GS Nguyễn Mại: Chúng ta cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai

    Cái thứ nhất, về việc thẩm định cấp giấy đăng ký kinh doanh về đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực như dầu khí, bảo hiểm ngân hàng là do Thủ tướng và các cơ quan chuyên ngành quyết định. Còn lại các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất quyết định. Vì thế, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở  ban ngành của tỉnh, cơ quan của ban quản lý để tham mưu cho các ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp định hướng mới đã được nghị quyết 50 của Bộ chính trị về đầu tư nước ngoài nêu rất rõ.

    Nghị quyết 50 đã vừa lưu ý đến các yếu tố lợi ích kinh tế, vừa lưu ý đến an toàn, an ninh quốc gia và có một ý gần đây nhiều người nói là sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước. Tất cả điều này đã được nghị quyết 50 và chỉ thị số 1, số 2 của Thủ tướng chính phủ vào đầu năm và sắp tới đây sẽ có một nghị quyết mới về đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chuyển dịch. Tất cả những điều đó phải được kiểm duyệt nghiêm minh nhất.

    Cái thứ hai đó là lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài của chúng ta có các khối. Tôi thấy chúng ta không cần lo lắm về khu vực châu Á, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hongkong, Hàn Quốc và các nhà đầu tư từ các nước Asean cũng như là từ Trung Quốc lục địa và gần đây là cả Ấn Độ. Giờ chúng ta đã biết họ và chúng ta biết cách làm ăn với họ. Và, 2 bên đã hiểu nhau.

    Gần đây có thông tin quan trọng là trong 67% các doanh nghiệp định chuyển ra khỏi Trung Quốc thì 42% là định chuyển sang Việt Nam. Do đó chúng tôi cho là không có vấn đề gì nhiều. Cái chúng ta cần mà theo nghị quyết 50 của Bộ Chính trị là chúng ta cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như Trí tuệ nhân tạo, robot, như big data, fintech…Tất cả cái đó là chúng ta cần phải tiếp cận được Châu Âu và Mỹ. Và đó là cái nhược điểm hiện nay chúng ta chưa làm được. Vì vậy, vấn đề hiện nay là xúc tiến đầu tư gọi là có định hướng tránh những xúc tiến đầu tư chung chung, ví dụ là TP.HCM, HN. Sắp tới là phải xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Hay như, phải giống như TP.HCM là phải xây dựng một khu đô thị gọi là thành phố trong thành phố. Rõ ràng phải kiếm được các tập đoàn lớn của Châu Âu và Mỹ và những nhà đầu tư quan tâm đến TP.HCM để bàn với người ta. Mất rất nhiều thời gian nhưng phải đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng. Đây là cách làm hoàn toàn mới. Nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ- người ta cần mình và mình cần người ta. Hai bên gặp nhau.

    Ông Nguyễn Văn Toàn-Phó chủ tịch VAFIE: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp - Ảnh 1.

    Cái thứ ba, quan trọng không chỉ đối với đầu tư nước ngoài, không chỉ đối với du lịch mà đối với toàn bộ nền kinh tế đặc biệt là chúng ta sắp đại hội Đảng lần thứ XIII để bàn đến chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030 mà cụ thể là kế hoạch 5 năm 2021-2025 mà yếu tố quan trọng nhất của nhiều nhà kinh tế cũng như là của Thủ tướng nhấn mạnh là phải cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn để tránh tình trạng trên ấm, dưới lạnh; tránh tình trạng nơi ấm, nơi lạnh; tránh tình trạng thủ trưởng rất nhiệt huyết nhưng công chức cứ bình bình. Như thế, cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động thế nào để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này thì chúng ta mới có thể thành công.

    Đấy là 3 yếu tố để chúng ta có thể thành công trong thu hút FDI hiệu quả hơn như nghị quyết 50 của bộ Chính trị.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:48:00 30-06-2020

    Shark Phú: Cần chủ động, cần chuyên sâu trong hợp tác đầu tư

    Chia sẻ trong Tọa đàm Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI - Cơ hội và thách thức, ông Nguyễn Xuân Phú nói rằng việc đón nhận làn sóng dịch chuyển cần thực hiện nghiêm túc bởi nó không hề đơn giản.

    Chia sẻ về bài học của Sunhouse, ông Phú cho biết thời gian trước, Tập đoàn có hợp tác với một công ty Hàn Quốc trong đầu tư nhà máy vi mạch. Riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỷ đồng nhưng ông Phú chỉ nắm 49% cổ phần bởi cho rằng bản thân mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên đặt trọn niềm tin vào đối tác.

    Tuy nhiên, thời gian hợp tác cho thấy đối tác cũng không phải là công ty có chuyên môn và tiềm lực. Họ thực hiện dự án với hy vọng có thể vay được vốn của ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngân hàng từ chối cho vay khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, ông Phú phải mua lại toàn bộ vốn của đối thủ.

    Dẫu vậy, sóng gió chưa chấm dứt. Khi muốn hợp tác với một doanh nghiệp Việt khác làm mạch điện thoại cho LG, đối tác kiểm tra và phát hiện ra rằng công suất máy trong dây chuyền mà ông Phú nhập từ đối tác Hàn Quốc quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất mạch. "Đó là bài học đau đớn", ông Phú chia sẻ.

    Từ những kinh nghiệm của bản thân, ông Phú cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư bởi thật giả lẫn lộn, thậm chí, giả còn đông gấp nhiều lần thật.

    "Một cô gái đẹp sinh ra ở núi rừng, không chủ động tham gia thi hoa hậu thì không ai biết mình đẹp. Việt Nam đang có thuận lợi nhưng ngồi chờ người ta tìm đến mình không dễ. Trên bản đồ thế giới, Việt Nam không phải trung tâm. Chính vì vậy, cần chủ động tìm kiếm, tham gia triển lãm, kết giao với các doanh nghiệp có khả năng thì lúc đó mới phát sinh cơ hội", ông Phú nhấn mạnh.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:44:00 30-06-2020

    TS. Phan Hữu Thắng: Các giải pháp không đúng mãi theo thời gian, chỉ đúng trong từng giai đoạn, từng bối cảnh

    Luật pháp, chính sách không phải quá quan trọng, vì tuy chưa được đồng bộ, nhưng luật của chúng ta cũng đủ điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài vào, nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao. Vốn đầu tư nước ngoài chưa giải ngân còn 158 tỷ USD vì vướng mắc thủ tục hành chính.

    Chúng ta đòi hỏi nhà đầu tư công nghệ cao, phải bảo vệ môi trường như tổ chức thực hiện lại chưa thực sự tốt. Ông Thắng nhấn mạnh: "Các giải pháp không đúng mãi theo thời gian, chỉ đúng trong từng giai đoạn, từng bối cảnh. Nếu áp dụng một giải pháp mãi thì sẽ không đem lại kết quả tốt".

    Covid-19 đã cho chúng ta một bài học về huy động nguồn lực toàn dân. Vì thế ông Thắng cho rằng về đầu tư nước ngoài phải có chỉ đạo sát. Tổ công tác phải giao nhiệm vụ cụ thể, giống như chống dịch Covid-19. Tạo ra sự đồng thuận để toàn bộ hệ thống chính trị hiểu rõ vai trò của đầu tư nước ngoài.

    Ông Thắng nói thêm: "Cái khó là doanh nghiệp chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài nhiều. Họ cắt đầu ra, không cấp đầu vào là ta cũng khó. Vì thế cần có sự quản lý của nhà nước, trong khi làm vấn đề vĩ mô thì đồng thời phải có tay dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Làm sao tạo điều tiện để họ tiếp cận vốn".

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:42:00 30-06-2020

    Myanmar cũng có sức hút với dòng vốn FDI

    Theo ông Nguyễn Văn Toàn, với sự dịch chuyển của các nhà máy như hiện nay, Singapore không tham gia cạnh tranh ở phân khúc này. "Họ không có nhiều đất", ông cho biết. 

    Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn nước ngoài. Thậm chí là Myanmar cũng có sức hấp dẫn riêng, theo ông Toàn. 

    Những cái quốc gia có sức hút mạnh khác được ông Toàn kể đến như Ấn Độ với lợi thế về dân số lên đến 1,3 tỷ dân. Chất lượng lao động cao. Indonesia cũng có lợi thế về thị trường, đường hướng thu hút rõ ràng. 

    Với Việt Nam, hiện Việt Nam đang có lợi thế nhờ việc không chế và bước ra khỏi dịch Covid-19 từ rất sớm. Doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế ổn định, có sức chống chịu cao. Mặt khác, nhân lực của Việt Nam đã được cải thiện nhiều qua thời gian... 

    Ông Nguyễn Văn Toàn-Phó chủ tịch VAFIE: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:33:00 30-06-2020

    Một số doanh nghiệp FDI không chỉ lừa doanh nghiệp nội địa, nhà nước cũng mất nhiều

    Bổ sung cho quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phú về việc một số doanh nghiệp FDI lừa các DN trong nước, ông Toàn cho biết ngay cả Nhà nước cũng bị thiệt hại vì một số doanh nghiệp FDI. 

    "Họ kê khai máy móc thiết bị cao hơn giá thực, sau đó khấu hao sản phẩm, giảm lợi nhuận để không phải đóng thuế. Đây là một hình thức chuyển giá. Là ma trận mà quốc gia nào khi thu hút FDI phải chú ý. Điều này rất khó, ngay cả ở những quốc gia tiên tiến", ông nói.

    Ông Nguyễn Văn Toàn-Phó chủ tịch VAFIE: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp - Ảnh 1.

    Bình luận về việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác về thu hút FDI, ông Toàn cho biết điều này khẳng định Việt Nam đang có những thời cơ tốt, phải thay đổi để đạt được mục tiêu đón được dòng vốn có chất lượng, lan toả trong nước. 

    "Làm thế nào để FDI vào Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước lớn lên chứ không chỉ làm thuê, thậm chí làm thuê ở phân khúc  thấp như hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên, cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp FDI", ông nói. 

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:25:00 30-06-2020

    Ông Nguyễn Xuân Phú: Một trong những điểm yếu cố hữu của người Việt là kỷ luật trong sản xuất

    Lấy ví dụ về nhà máy sản xuất đèn LED mới của Sunhouse, ông Phú cho biết nếu chỉ có bản thân mình thì không thể hoàn thiện cả một nhà máy và nắm chắc công nghệ sản xuất chỉ trong 3 tháng. Thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực mới chính là rào cản. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng nhà xưởng có thể khiến các doanh nghiệp Việt thu hút được các nhà sản xuất nước ngoài.

    Ông Nguyễn Văn Toàn-Phó chủ tịch VAFIE: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp - Ảnh 1.

    "Họ sang nhìn cơ sở hạ tầng thấy ưng và sẵn sàng chuyển 1-2 dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế hoặc tránh dịch. Khi đó, họ sẽ cử chuyên gia sang ăn nằm với mình để đẩy nhanh tốc độ", ông Phú cho biết.

    Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cần có ý đồ, cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ về công nghệ nếu không, Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế. Học hỏi công nghệ, kiểu dáng là bước quan trọng để doanh nghiệp Việt tự chủ sản xuất các mặt hàng này.

    "Làm sóng dễ nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển 1 phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ Covid-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Ở gần Trung Quốc cho Việt Nam lợi thế. Người Việt Nam rất cũng linh hoạt", ông Phú cho biết.

    Tuy nhiên, vị chủ tịch Sunhouse cũng chỉ ra những điểm yếu cố hữu của người Việt. Một trong số đó là kỷ luật trong sản xuất. Khi vào Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia thường không muốn dây dưa về mặt pháp lý nên họ mong đợi sự hoàn thiện từ các đối tác Việt.

    Thông qua diễn đàn, ông Phú mong muốn các nhà quản lý, nhà chức trách tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp Việt vượt qua những rào cản này để có thể đón được làn sóng sản xuất và trở thành nhà sản xuất cho thế giới, từ đó làm chủ được những công nghệ của nước ngoài.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:17:00 30-06-2020

    Ông Phú Sunhouse: Đón sóng đầu tư FDI mùa Covid-19, dịch chuyển đơn hàng sẽ dễ và nhanh hơn dịch chuyển nhà máy

    Trong kinh nghiệm của một người làm sản xuất, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, nhấn mạnh cơ hội đầu tư FDI vào Việt Nam sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, làn sóng đó không giống như mọi người đã tưởng.

    Đồng quan điểm với các diễn giả trước đó về sự thận trọng trong cơ hội đón sóng FDI hậu Covid-19, ông Phú cho rằng Việt Nam từng đi làm thuê và đã phải trả những cái giá rất đắt khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài. Những mặt trái của sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, vẫn đang khiến người Việt phải trả giá.

    Chính vì lý do đó, ông Phú mong đợi và hy vọng lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu. Lấy ví dụ chính Tập đoàn Sunhouse của mình, ông Phú cho biết năm 2003, công ty nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt.

    "Phải tự chủ 80% GDP mới được coi là tự cường. Việc đứng giữa, chỉ nhập vào xuất ra, khiến Việt Nam chỉ kiếm được 1 chút về nhân công. Tuy nhiên, sau này, con cháu chúng ta sẽ phải xử lý tồn dư hóa chất độc hại trong nước, trong đất từ quá trình này. Cái chúng ta nhận được bây giờ chả đáng là bao", ông Phú nhấn mạnh.

    Ông Phú Sunhouse: Đón sóng đầu tư FDI mùa Covid-19, dịch chuyển đơn hàng sẽ dễ và nhanh hơn dịch chuyển nhà máy - Ảnh 1.

    Chính từ bài học của quá khứ, ông Phú nhấn mạnh cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI. Giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.

    Thẳng thắn nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng dịch chuyển nhà máy là rất khó. Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:10:00 30-06-2020

    Livestream Tọa đàm - P2

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:08:00 30-06-2020

    Ông Nguyễn Văn Toàn: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp

    Ông Phú Sunhouse: Đón sóng đầu tư FDI mùa Covid-19, dịch chuyển đơn hàng sẽ dễ và nhanh hơn dịch chuyển nhà máy - Ảnh 1.

    Tôi thích cách làm của anh Phú khi nói đến sự chuyển dịch của những đơn hàng. Tôi có 2 kỷ niệm như thế này. Mười mấy năm trước khi doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam, họ không mở nhà máy mà liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Nhật bỏ vốn, công nghệ để cùng làm ra sản phẩm. Đó là những sản phẩm chất lượng cao. 

    Chuyện thứ hai là gần đây khi đi khảo sát cho giải thưởng mà tôi là thành viên, tôi đã đến một doanh nghiệp liên kết với Nhật nhưng 100% vốn Việt Nam, chỉ công nghệ là của Nhật. Họ sản xuất các lồng nuôi hải sản với công nghệ mới. 

    Tóm lại, tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được. Việt Nam đang tham gia ở mức độ khá thấp trong chuỗi cung ứng. Do vậy, cần tham gia theo cách của anh Phú nói hoặc như cách của tôi gợi ý, như vậy thì có thể tạo được thêm phần giá trị gia tăng.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:55:00 30-06-2020

    Liệu có thực sự tồn tại làn sóng chuyển dịch FDI?

    TS. Phan Hữu Thắng đặt câu hỏi: "Có thực sự có làn sóng này không? Phần lớn bây giờ chúng ta vẫn nghĩ là chúng ta hay quá, chúng ta chiến thắng Covid-19 là chúng ta có hết rồi, cứ thế là người ta vào thôi. Mọi thứ không dễ như vậy".

    Ông Thắng giải thích, cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, đã có sự chuyển dịch rồi, nhưng chúng ta hay nghĩ là chuyển dịch từ Trung Quốc sang. Song, những con số thống kê thì không nói vậy.

    Xu hướng chuyển dịch ở đây, theo ông Thắng, là chuyển dịch toàn cầu, trong đó có một phần từ Trung Quốc sang, nếu có, chứ trong thực tế thì cũng không phải vậy:"Anh Phú (ông Nguyễn Xuân Phú - PV) có cái nhà máy đó, anh có dễ dàng "bốc" nhà máy của anh đi ngay được không? Chỉ là giải thể một doanh nghiệp thôi đã mất rất nhiều thời gian rồi. Còn thanh lý, còn bao nhiêu vấn đề khác, nên trong năm 2020 thì không chắc là dòng vốn từ Trung Quốc sẽ sang ngay mình".

    Với tình hình đại dịch Covid-19 như vậy, tình hình thị trường mỗi nước đều thay đổi. Nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tự lựa chọn, sẽ giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam.

    Ông Phú Sunhouse: Đón sóng đầu tư FDI mùa Covid-19, dịch chuyển đơn hàng sẽ dễ và nhanh hơn dịch chuyển nhà máy - Ảnh 1.

    Ông Thắng gọi vốn F1 là vốn từ Mỹ sang Việt Nam. Vốn F2 là từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đón vốn F2 thì khó, nhưng F1 thì dễ hơn và nhanh hơn. Và khả năng hấp thụ phụ thuộc vào chính Việt Nam.

    "Cơ hội chỉ đến với Việt Nam hay đến chung với mọi người?" - ông Thắng nói. "Mọi người đều hiểu rồi, thực ra cơ hội là khả năng trong bối cảnh Covid-19 đang thay đổi toàn bộ kinh tế xã hội đất nước. Nhưng đã có xu hướng chuyển dịch rồi, thì vốn F1, từ Mỹ, châu Âu... mới là quan trọng". 

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:39:00 30-06-2020

    TS. Phan Hữu Thắng: Sử dụng "người ta" nhưng phải xây dựng được nền kinh tế tự lực, tự cường

    Trước hết, TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

    Thứ nhất là việc phát triển kinh tế xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường và thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.

    "Bao giờ cũng phải đặt mục tiêu sử dụng người ta nhưng phải xây dựng được nền kinh tế tự lực, tự cường" - ông Thắng khẳng định. "Mình phải biết bảo vệ mình, biết bảo vệ để chúng ta lớn mạnh và không bị phụ thuộc".

    Trong thực tế, 30 năm qua chúng ta đang có vấn đề với mục tiêu đó. Ông Thắng cũng trăn trở về việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài, thị trường này chi phối đời sống của rất nhiều thành phần kinh tế Việt Nam, kể cả cá nhân và doanh nghiệp. "Nếu chúng ta không sáng suốt, nó sẽ dẫn chúng ta đến những thất bại mà chúng ta không ngời được" - ông Thắng nói. "Chúng ta có thể thắng hôm nay, thắng ngày mai, thắng năm nay, nhưng về lâu dài đất nước này sẽ "hỏng" nếu như chúng ta không giữ đúng được những mục tiêu này".

    Toạ đàm trực tuyến: Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI - Cơ hội và thách thức - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:37:00 30-06-2020

    Livestream Tọa đàm

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:21:00 30-06-2020

    Lời nói đầu

    Những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới. Các dự báo kinh tế đều cho thấy một bức tranh ảm đạm với tốc độ tăng trưởng ở mức âm tại nhiều cường quốc lớn. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm nay, hạ 1,9 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 4 vừa qua, do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nghiêm trọng hơn dự đoán.

    Từ đại dịch này, nhiều quốc gia và tập đoàn kinh tế lớn đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những bài học là sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế, hay một quốc gia để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.

    Ở một khía cạnh khác, trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Ngân hàng Thế giới (WB) thì đánh giá, kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Việc kiểm soát dịch hiệu quả trước – trong và sau dịch đã giúp Việt Nam gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư.         

    Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Hàng loại các câu hỏi được đặt ra: Liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới? Phải làm gì để cuộc dịch chuyển này sẽ chọn "bến đỗ" là Việt Nam? Các doanh nghiệp Việt nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao? Các chuyên gia phân tích và đánh giá về cơ hội này như thế nào?...

    Những băn khoăn, thắc mắc này sẽ được các diễn giả tham dự buổi tọa đàm: "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" bao gồm:

    GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

    Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

    Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài;

    Và đại diện doanh nghiệp có Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập Đoàn SUNHOUSE – Doanh nhân Nguyễn Xuân Phú.

    Tất cả các vấn đề sẽ được các vị khách mời sẽ đưa ra bàn luận, trao đổi một cách thấu đáo, từ đó đưa ra các đề xuất và ý kiến nhằm giúp Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội "vàng" này.     

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ

Ban biên tập

Trí Thức Trẻ

Tâm điểm
  • Doanh nghiệp Việt cần làm gì để sẵn sàng để đón sóng FDI?
    10:38 | 06/30
  • Chủ tịch Sunhouse: Việt Nam cần vừa chống dịch nhưng vẫn phải mở cửa nền kinh tế
    10:13 | 06/30
  • GS Nguyễn Mại: Chúng ta cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai
    10:05 | 06/30
  • Shark Phú: Cần chủ động, cần chuyên sâu trong hợp tác đầu tư
    09:48 | 06/30
  • TS. Phan Hữu Thắng: Các giải pháp không đúng mãi theo thời gian, chỉ đúng trong từng giai đoạn, từng bối cảnh
    09:44 | 06/30
  • Myanmar cũng có sức hút với dòng vốn FDI
    09:42 | 06/30
  • Một số doanh nghiệp FDI không chỉ lừa doanh nghiệp nội địa, nhà nước cũng mất nhiều
    09:33 | 06/30
  • Ông Nguyễn Xuân Phú: Một trong những điểm yếu cố hữu của người Việt là kỷ luật trong sản xuất
    09:25 | 06/30
  • Ông Phú Sunhouse: Đón sóng đầu tư FDI mùa Covid-19, dịch chuyển đơn hàng sẽ dễ và nhanh hơn dịch chuyển nhà máy
    09:17 | 06/30
  • Livestream Tọa đàm - P2
    09:10 | 06/30
  • Ông Nguyễn Văn Toàn: Việt Nam vẫn tham gia chuỗi giá trị ở mức độ thấp
    09:08 | 06/30
  • Liệu có thực sự tồn tại làn sóng chuyển dịch FDI?
    08:55 | 06/30
  • TS. Phan Hữu Thắng: Sử dụng "người ta" nhưng phải xây dựng được nền kinh tế tự lực, tự cường
    08:39 | 06/30
  • Livestream Tọa đàm
    08:37 | 06/30
  • Lời nói đầu
    08:21 | 06/30
  • Trở lên trên