Sáng ngày 5/1, "Tọa đàm Toàn cảnh thị trường bất động sản 2011: Nhận diện xung lực mới" đã chính thức được tổ chức tại Quần thể FLC Luxury Resort Vĩnh Phuc. Với hai phiên thảo luận, các chuyên gia sẽ chỉ ra những thách thức và cơ hội cho thị trường bất động sản trong năm 2021. Bức tranh toàn cảnh thị trường và cơ hội đầu tư trong năm mới sẽ thể hiện qua các nhận định, phân tích của từng diễn giả.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group
Hiện nay, giá BĐS tại Hà Nội, TPHCM đã quá cao, nhà đầu tư không còn cơ hội để đầu tư. Bên cạnh đó, hành vi của người đi đầu tư và người sử dụng có phần khác nhau. Thị trường BĐS phát triển theo hướng kỳ nghỉ dài ngàyven biển đã nở rộ từ giai đoạn 2015-2017 nguồn cung cho thị trường khá nhiều, rủi ro về mặt pháp lý.
Nhà đầu tư đang nghiên cứu các loại hình BĐS nghỉ dưỡng khác, người tiêu dùng họ ngại bay trong thời điểm Covid-19, nhu cầu về staycation - kỳ nghỉ ngắn hạn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó hạ tầng phát triển vượt bậc cùng số lượng người sở hữu ô tô cá nhân tăng đột biến đã là những yếu tố khiến BĐS ven đô phát triển mạnh trong thời gian vừa qua.
Nói về giá BĐS năm 2021 tôi cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng. Nhà đầu tư nên đổ tiền mua vào. Giá BĐS là cuộc "kết hôn" giữa cung và cầu. Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TPHCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố.
Đặc biệt, hiện nay những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TPHCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi những thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ đang rất nhiều và chờ chực đầu tư tiếp.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC
Thị trường BĐS năm 2020 đón nhận thông tin Covid-19 còn tệ hơn những năm 2011-2012 khi thị trường bước vào giai đoạn khủng hoảng thừa. Còn năm 2020 là khủng hoảng thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, trong 5 năm tháng cuối năm, thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực. Tháng 7 Âm lịch, thị trường phát triển không tưởng, chính chúng tôi là chủ đầu tư mà còn thấy ngỡ ngàng.
Lấy ví dụ về dự án của FLC tại Hạ Long, sau tháng Ngâu, tất cả các căn xấu nhất trong 2.500 căn shophouse không chỉ bán hết mà còn tăng giá gấp rưỡi. Trong khi ở thị trường Thanh Hoá, Quy Nhơn phải 4-5 năm mới bán hết. Hàng tồn kho được thanh khoản hết. Nhà đầu tư thông minh hơn vì cho rằng thời kỳ xấu nhất đã qua rồi.
Bên cạnh dấu hiệu tích cực, thị trường lại thiếu nguồn cung hàng. Tại TP HCM, nhà liền kề không có dự án, nhất là khu trung tâm. Điều này khiến nhiều khu vực sốt giá. Thị trường BĐS sẽ chắc chắn tăng trưởng và có tính thanh khoản cao hơn trong năm 2021.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Trong năm 2021, tôi nghĩ nhà đầu tư có nguồn lực dồi dào xác định đầu tư 1-2 năm thì nên đầu tư vào các khu vực đất ven các dự án của FLC. Tôi nói như vậy bởi chúng tôi đã đi 10 tỉnh và rất nhiều nhà đầu tư thắng lợi. Ở Quy Nhơn, cách đây 5 năm có những mảnh đất trong dân 30 triệu đồng hiện nay đã tăng lên 700 triệu đồng. Tại Sầm Sơn có những ô đất trong dân chỉ 3-4 triệu đồng/m2 trước khi FLC Sầm Sơn xây dựng, hiện giờ đã tăng lên 30-40 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn
Mặt bằng giá tại Việt Nam đang khá thấp so với các nước trong khu vực, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam mới chỉ đạt đâu đó 35%. Con số này thể hiện tiềm năng của Việt Nam vô cùng lớn, đấy cũng là nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài.
Các đơn vị phân phối bán cho người nước ngoài rất nhiều. Người mua BĐS tại Mỹ và các nước quốc tế khi lãi suất thấp quá họ đổ tiền vào BĐS. Việt Nam là điểm đến họ đặc biệt quan tâm. Xu hướng thị trường BĐS giá tiếp tục tăng nữa. Trong vòng 2002-2020 giá BĐS trung tâm Hà Nội tăng 33 lần, TPHCM 12 lần.
TS. Nguyễn Đức Hưởng - Cựu Chủ tịch LienVietPostBank
rong năm 2020, Việt Nam đã làm được hai điều rất khó là kiềm chế Covid-19 và tăng trưởng kinh tế. Hàng loạt cơ chế về bất động sản đã được giải quyết và tháo gỡ vướng mắc.
Chứng khoản sẽ giảm trong năm 2021, dù vẫn đang tăng trong giai đoạn hiện tại. Nguyên nhân là do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu ảnh hưởng sau một năm. Trong cuộc đua bất động sản và chứng khoán, chứng khoán đang thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và bất động sản sẽ tăng nhanh
Các phân khúc như BĐS vùng ven Hà Nội, TPHCM sẽ bật dậy mạnh mẽ sau một thời gian dài trầm lắng. Cùng với đó phân khúc nhà vừa túi tiền, nhà trung bình sẽ tăng giá nhanh. Đặc biệt, BĐS du lịch sẽ bật lên mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi Covid-19 được kiểm soát. Cùng với đó BĐS công nghiệp vẫn là một mảng sáng của thị trường.
Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn tốt nhất cho vay mua nhà mua đất, giá cho vay mua nhà đất đang thấp chưa từng có. Thiên thời địa lợi sẽ sinh ra hào kiệt bất động sản.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Năm 2021, có 3 câu chuyện đặc biệt cần lưu ý là: con người, chiến lược - kế hoạch và đặc biệt quan trọng là tính quyết liệt trong thực thi.
Về chiến lược, khát vọng, ai cũng biết vì đã có mục tiêu rõ ràng vấn đề chỉ là nguồn lực, và tính quyết lực. Việt Nam còn sinh địa, kinh tế tương đối dương, thu ngân sách không hụt nhiều. Bộ Kế hoạch Đầu tư đang triển khai chiều chính sách hỗ trợ trong năm 2021, chính vì vậy tiềm năng phát triển sẽ mãnh mẽ với quy mô lớn hơn, ưu tiên mạnh mẽ hơn.
Một điều rủi ro cần cân nhắc là về tài chính. Năm 2020, chứng khoán và bất động sản có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc người ta nói đến "bom nợ", sự khéo léo của nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ và ổn định nền kinh tế.
Các nhà đầu tư, nên bám sát các chính sách vĩ mô của nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi một tổng thống mới đắc cử.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Năm 2021, tôi cho rằng thị trường BĐS có 6 xung lực chính.
Đầu tiên là chuyển đổi số. Tôi thấy các nhà môi giới đều nói rằng thời điểm tháng 7/2020 bán hàng rất tốt vì dùng công nghệ. Thị trường BĐS Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển đổi số mạnh mẽ.
Xung lực thứ 2 là thu nhập của người dân ngày càng tăng. Năm 2021-2025 dự báo động lực tăng trưởng khoảng 6,5-7%, sau đó 5 năm 2025-2030 tăng trưởng 7%. Theo đó, thu nhập đầu người cũng tăng theo.
Xung lực thứ 3 là pháp lý, Luật doanh nghiệp đã được sửa đổi, quy trình thủ tục được tinh giảm; Luật chứng khoán cũng đã thay đổi cho phép các quỹ đầu tư, tín thác BĐS; Luật đầu tư sửa đổi PPP có hiệu lực...
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Xung lực thứ 4 là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tăng, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư có 60% doanh nghiệp lớn và 40% doanh nghiệp nhỏ. Có thể thấy dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam gồm cả "đại bàng" và "chim sẻ".
Xung lực thứ 5 là đầu tư công, năm 2020 giải ngân đầu tư công tăng 35%, năm tới tiếp tục tăng giải ngân đầu tư công. Khi kinh tế suy thoái đầu tư công là hệ số lan tỏa cực kỳ lớn.
Xung lực thứ 6 là lãi suất vay mua nhà thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Rõ ràng so với thời kỳ khủng hoảng lãi suất cao gấp đôi. Đây là thời điểm cực kỳ tốt cho các hộ gia đình xuống tiền mua nhà mua cửa kể cả vay tiền thuê hay mua.
Tuy nhiên chúng ta còn 4 rủi ro:
Rủi ro pháp lý vẫn luôn hiện diện.
Rủi ro dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Rủi ro liên quan đến đòn bẩy tài chính.
Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.
GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường
Năm 2021 nguồn cung trên thị trường BĐS tiếp tục khan hiếm. Do những hạn chế về pháp luật khiến nguồn cung BĐS đã giảm 10 lần, hậu quả trong 2-3 năm tới cung BĐS giảm đi 10 lần. Trong hoàn cảnh ấy, nếu chúng ta không quản lý tốt, đầu cơ sẽ vào, nguy cơ bong bóng rất nhiều. Hiện nay nhiều nhà cung cấp BĐS đang có hàng nhưng giữ lại để chờ vài ba năm tới.
GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Riêng nghị định 148 chưa lấp đầy được khoảng trống pháp luật. Hai khoảng trống lớn nhất là việc phê duyệt các dự án. Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở phải là đất nhà ở nhưng Luật đất đai thì quy định chỉ cần thu hồi xong được giao đất là có thể triển khai dự án.
Khoảng trống thứ hai là các loại hình BĐS nghỉ dưỡng loại mới. Theo hướng dẫn Công văn 703 của Bộ Tài nguyên Môi trường việc cấp Giấy chứng nhận loại hình nghỉ dưỡng có thời hạn 50-70 năm. Điều này làm cho các nhà đầu tư rời bỏ BĐS nghỉ dưỡng bởi tâm lý họ muốn đầu tư vào đất lâu dài. Hiện nay BĐS nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng chủ yếu là bằng nguồn lực của các doanh nghiệp lớn, thiếu sự góp mặt của nhà đầu tư cá nhân.
Hai khoảng trống này khiến cả phân khúc nhà ở lẫn BĐS nghỉ dưỡng bị "bó chân". Chúng ta vẫn nhìn các loại hình BĐS nghỉ dưỡng mới theo mô hình truyền thống, chưa nhìn dưới con mắt của nền kinh tế chia sẻ, một gia đình có thể có nhiều căn nhà. Chúng ta chưa có góc nhìn kinh tế chia sẻ sẽ làm ảnh hưởng đến phân khúc này.
Năm 2021 câu chuyện sửa Luật để lấp đầy khoảng trống và tan biến các quy định chồng chéo là câu chuyện quan trọng nhất chúng ta cần làm. Cơ hội rất nhiều nhưng rủi ro pháp luật vẫn luôn hiện diện. Rủi ro từ yếu tố khách quan khó chế ngự nhưng rủi ro ở yếu tố chủ quan có thể điều chỉnh nhưng vẫn bị vướng víu mãi.
Toàn cảnh tọa đàm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA).
Thị trường bất động sản giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và Covid-19 chỉ là yếu tố khiến khó khăn trầm trọng hơn. Nhưng bối cảnh hiện nay có lợi ích là giúp chúng ta đánh giá lại, nhìn nhận và tìm một hướng đi bền vững.
Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam chính là cơ chế chính sách. Sự chồng chéo trong các luật như luật nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Từ 10/12/2015, tất cả các dự án đầu tư bị đình đốn nhưng độ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có đỗ trễ đến 3 năm. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, giảm sản phẩm đưa ra thị trường, theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng.
Tại TP HCM, tỷ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 50%, nhưng nhà ở giá thấp, giá phải chăng chỉ chiếm rất ít, theo ông đây là con số cho thấy sự phát triển chưa bền vững. Bất động sản cao cấp có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhanh thương hiệu và uy tín nhưng không phục vụ nhu cầu của số đông người dân.
Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạc, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.
Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12, Nghị định 148 đã được ban hành để sửa một số điều trong luật đất đai. Nếu đi mua tài sản trong một thửa đất của nhà nước, nếu mua cây cao sư để thuê đất làm resort thì thời hạn thuê đất sẽ được theo thời hạn của nhà đầu tư mới. Nghị định 148 giải quyết vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ tận nơi cho người yêu cầu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA).
Năm 2021 là một năm có điểm hội tụ đặc biệt khi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi...cùng có hiệu lực từ tháng 1/2021. Bên cạnh nghị định 167 chúng tôi nỗ lực đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật về BT, chúng tôi cho rằng việc dừng BT là chưa thỏa đáng, chỉ nên tạm dừng đến năm 2022.
Tôi cho rằng 2021 thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển bởi việc kiểm soát Covid-19 của Việt Nam rất tốt, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng. Năm tới Bộ Xây dựng tập trung sửa Luật Nhà ở, và một số nghị định ban hành chung cư cũ, cơ chế khả thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình nhà ở này.
Với rất nhiều lực đẩy, tôi cho rằng thị trường 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ. BĐS du lịch sẽ rất phát triển. Việc thành lập Thành phố biển đảo Phú Quốc đầu tiên của Việt Nam là cú hích cho BĐS du lịch phía Nam. Tôi kỳ vọng, du lịch phía Đông Bắc tại Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ có thành phố biển đảo tương lai. Việc phát triển BĐS du lịch giúp đất nước chúng ta tiến nhanh.
Đối với phát triển BĐS còn có xu thế li tâm. Các doanh nghiệp BĐS đang dịch chuyển mạnh mẽ ra các tỉnh, dịch chuyển sang các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội. Chính vì thế Miền Trung, Tây Nguyên, Miền núi Tây Bắc còn rất tiềm năng phát triển bất động sản.
Tôi cho rằng cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng trách rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Năm 2020 chúng ta chứng kiến dịch bệnh Covid-19 ảnh hướng đến thị trường BĐS khiến thị trường suy giảm, làm yếu lực cầu. Đầu năm 2020 thị trường đóng băng, hạ tầng du lịch BĐS gần như bất động. Năm 2020, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ trong đó ban hành Nghị định 24 và 146. Chỉ định ban hành các quy định pháp lý cho Condotel nhưng chỉ tháo gỡ được một phần. Vướng mắc về pháp luật đã cản trở nguồn cung, tạo khó khăn kép cho thị trường.
6 tháng cuối năm mặc dù có hai đợt dịch bùng phát nhưng thị trường BĐS vẫn thể hiện sự phát triển mạnh khi nguồn cung mới đạt 60.000 sản phẩm, tương đương 67,5% so với 2019 đây là con số ấn tượng so với năm 2019. Lực cầu tuy giảm nhưng lực cầu đầu tư F0 lại gia tăng. Do đó, thị trường đã ghi nhận những con số ấn tượng, tỷ lệ hấp thụ TPHCM đạt trên 80%, giá BĐS tại hàng loạt địa phương tăng rất mạnh, BĐS du lịch mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn tăng mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương nhận nhiệm vụ mới sẽ là lực đẩy thúc đẩy thị trường, nguồn cung sẽ được bơm vào thị trường BĐS. 2021 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng ảo hay bong bóng mà sẽ phát triển bền vững. Những dự án đồng bộ về hạ tầng, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt sẽ trở thành lực hút, đầu tư BĐS sẽ lan rộng ra những khu vực vùng núi, giá BĐS năm 2021 dự báo tăng 10% năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ mức 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn.
Cuối cùng, động thái từ Chính phủ 2021 sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, vốn FDI đổ vào Việt Nam mạnh hơn sẽ là những xung lực trên thị trường BĐS 2021.
Trí Thức Trẻ