Những thông tin mới về tình hình thực địa, phần nhiều chưa được cả 2 bên xác nhận, đang liên tiếp xuất hiện trên truyền thông khi tình hình Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở miền đông nước này.
Phóng viên Matthew Chance của CNN cho biết lực lượng lính dù Nga đã kiểm soát được sân bay Antonov. Thậm chí, người Nga còn cho phép phóng viên vào trong khu vực bảo vệ mà họ thiết lập xung quanh căn cứ này để đảm bảo an ninh.
"Họ cho phép chúng tôi vào và ở lại với họ khi họ trong khu vực bảo vệ căn cứ không quân này. Họ nhảy dù xuống đây từ trực thăng lúc sáng sớm và tạo thành một cầu hàng không để cho phép thêm các binh sĩ tới. Quân đội Nga đeo trên tay dải màu cam và đen để phân biệt với lực lượng Ukraine", phóng viên Chance cho biết.
Chỉ huy của đơn vị nói rằng có xảy ra đấu súng, có lẽ là với quân đội Ukraine, trong một hoạt động dường như là nỗ lực tái chiếm căn cứ này của quân đội Ukraine.
Phóng viên Chance cho biết họ nghe thấy tiếng máy bay, một cột khói bốc lên từ trong khuôn viên căn cứ không quân.
"Tôi nghĩ rằng có máy bay phản lực trên đầu chúng ta", Chance nói.
Sáng 24/2, còi báo động không kích lần đầu vang lên ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine kể từ sau Thế chiến 2. Đây chính là nơi mà các nước phương Tây rút phái đoàn ngoại giao của mình tới sau khi tin rằng Nga sẽ tiến hành các động thái quân sự ở Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây "khó khăn nhất có thể" cho Nga nhằm đáp trả việc theo đuổi các hành động quân sự ở Ukraine. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels, bà Ursula von der Leyen tuyên bố "sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm" cho động thái của họ ở Ukraine.
Gói trừng phạt "lớn" mà EU chuẩn bị công bố vào cuối ngày 24/2 sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính để hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn của Nga cũng như ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này. Phần thứ 2 sẽ hạn chế Nga trong việc tiếp cận ‘công nghệ quan trọng" và khiến ngành công nghiệp Nga bị loại khỏi những công nghệ được đánh giá là cần thiết cho tương lai.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời các quan chức Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tiến vào tỉnh Kiev sau khi xuất phát từ Belarus. Tỉnh miền trung này bao quanh thủ đô Kiev của Ukraine chứ không bao gồm.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định NATO không có binh sĩ ở Ukraine và cũng không có kế hoạch gửi quan tới đây. Tuy nhiên, NATO đang tăng cường kế hoạch phòng thủ cho các nước trong liên minh với hơn 100 chiến đấu cơ sẵn sàng xuất kích.
Ukraine cho biết, quân đội Nga tiến vào từ 3 phía, gồm Nga, Crimea và Belarus. Người ta nghe thấy tiếng nổ ở nhiều nơi, bao gồm cả thủ đô Kiev. Các hoạt động này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine theo yêu cầu hỗ trợ của vùng Donbass.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine mà chỉ duy trì nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi áp bức và đe dọa từ Chính quyền Kiev.
Cũng trong tuyên bố của mình, Tổng thống Putin đe dọa bất cứ ai đang cố gắng can thiệp hoặc đe dọa Nga sẽ phải hứng chịu những hậu quả mà "bạn chưa từng trải qua trong lịch sử của mình".
Vài giờ sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phản hồi trong một bài phát biểu ngắn. Ông nói rằng đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhận được sự cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ và vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Ukraine.
Ông Zelensky cũng đã ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ.
Truyền thông cho biết một loạt địa điểm trên khắp Ukraine, bao gồm cả các địa điểm ở thủ đô Kiev, cũng bị tấn công. Một số khu vực khác, chẳng hạn như thành phố Kharkiv giúp biên giới Nga, bị pháo kích. Những vụ nổ được ghi nhận ở nhiều nơi nhưng chưa thể xác định chính xác thiệt hại về người và tài sản.
Trong khi đó, Nga có động thái trấn an người dân Ukraine rằng họ không việc gì phải sợ. Mục tiêu của Nga là các căn cứ quân sự và họ sử dụng các loại "vũ khí công nghệ cao" nhằm vào mục tiêu nên sẽ không gây thương vong dân sự. Tuy nhiên, Ukraine cho biết ít nhất 10 thường dân thiệt mạng trong các vụ không kích của Nga. Thông tin này hiện chưa thể kiểm chứng.
Về phần mình, phía Ukraine cho biết Nga sử dụng nhiều vũ khí, từ tên lửa đạn đạo tới máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, xe tăng và cả pháo kích… trong các vụ việc. Ukraine cũng cho biết bắn hạ nhiều vũ khí, khí tài của Nga nhưng chưa được Moscow xác nhận.
Trên khắp đất nước Ukraine, người dân xếp hàng dài ở cây xăng, máy rút tiền. Vài người trú ẩn dưới các ga tàu điện ngầm, số khác tìm cách rời khỏi các thành phố lớn. Đường phố vắng lặng, trường học đóng cửa là những gì các phóng viên CNN chứng kiến và mô tả lại.
Hiện tại, Ukraine đã tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nga. Trong khi đó, Nga tuyên bố phải đạt được tất cả các mục tiêu của mình là phi quân sự hóa và "phi phát xít hóa" với hành động quân sự ở Ukraine và sẵn sàng kéo dài nó trong trường hợp cần thiết.
Hiện tại, vấn đề Ukraine đang là trọng tâm chú ý của cả thế giới. Nhiều quốc gia phương Tây và các đồng minh của Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Nga. Liên minh châu Âu cũng tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm vào Moscow.
Trong khi đó, Trung Quốc cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình Ukraine và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thể hiện sự ủng hộ với Nga khi cho rằng Moscow không "xâm lược" Ukraine như cách truyền thông phương Tây đang mô tả.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tung ra "gói trừng phạt đầy đủ" chống lại Nga đồng thời nói thêm rằng thế giới cần kiên quyết đáp trả động thái của Nga trên đất Ukraine nếu không muốn nguy cơ phải trả một cái giá đắt hơn.
"Hôm nay, chúng tôi thức dậy trong một thế giới khác. Chúng tôi sẽ tung ra toàn bộ các biện pháp trừng phạt lớn chống lại Nga. Nếu chúng tôi không có lập trường vững chắc ngay bây giờ, chúng tôi sẽ phải trả một cái giá còn lớn hơn", bà Baerbock nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Berlin.
Ngoại trưởng Đức cũng nói rằng Nga đã "từ chối" lời đề nghị đàm phán. Ngoại trưởng Đức một lần nữa kêu gọi công dân rời Ukraine ngay lập tức đồng thời nói rằng nếu họ không thể rời đi, hay tìm nơi an toàn. Đại sứ quán Đức ở các nước láng giềng sẽ có mặt tại biên giới để trợ giúp các công dân EU.
Với sự yểm trợ hỏa lực từ Nga, phe ly khai đã đẩy lùi những đợt tấn công của quân đội Ukraine và phản kích ở khu vực miền đông Ukraine. Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) cũng đã dừng sơ tán dân tới Nga.
Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết họ nhìn thấy khói bốc lên từ Trụ sở cơ quan tình báo, bộ Quốc phòng Ukraine ở Kiev. Trước đó, vào lúc 17h theo giờ Hà Nội, các nhân chứng lại tiếp tục nghe thấy tiếng nổ ở thủ đô Ukraine.
Trong khi đó, các giới chức địa phương ở thành phố cảng Odessa cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích. Tuy nhiên, không rõ đây là binh sĩ hay thường dân.
CNN dẫn thông tin từ Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết binh sĩ Nga vào Ukraine từ bán đảo Crimea, lãnh thổ Belarus và cả từ biên giới giữa Nga với Ukraine.
Phía Ukraine cũng cho biết giao tranh xảy ra ác liệt ở nhiều khu vực và lực lượng của họ đã gánh chịu tổn thất. Theo đó, ít nhất 40 binh sĩ Ukraine được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.
Trong khi đó, phía Nga lại đưa ra thông tin cho rằng binh sĩ Ukraine đồng loạt bỏ chốt. Nga sau đó cũng đưa ra cam kết những nơi buông vũ khí sẽ không bị tấn công.
Trong khi đó, CNN cho biết một chiếc SU-27 của Không quân Ukraine đã bay tới Romania và được phi cơ quân sự hộ tống hạ cánh. Chưa rõ lý do vì sao phi công lại "lạc" sang quốc gia khác.
Khói bốc lên ở thủ đô Kiev, Ukraine, được cho là hậu quả của một vụ tấn công vào căn cứ quân sự của quân đội nước này.
Khói và lửa từ một cơ sở quân sự gần sân bay ở TP Mariupol, Ukraine.
Xe tăng tiến vào TP Mariupol, Ukraine.
Những gì còn lại của một thiết bị, được nghi là tên lửa, rơi trên đường phố Kiev.
Vụ nổ ở thành phố Suni.
Một vụ nổ khác ở Kharkiv.
Hình ảnh phương tiện quân sự tiến vào Ukraine từ Belarus.
Trong một diễn biến mới gần đây, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên tiếng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước này.
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine nói rằng các lực lượng chính phủ đã hạ khoảng 50 lính Nga và đẩy lùi cuộc tấn công vào một thị trấn ở chiến tuyến với quân ly khai. Cùng với đó, thêm một máy bay bị bắn hạ.
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) khẳng định đã bắn rơi 2 chiếc Su-24, máy bay cường kích của quân đội Ukraine gần làng Smeloe và Stepovoye ở vùng Donbass. Ngoài ra, họ còn khẳng định bắn hạ hai UAV Bayraktar TB2.
Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố thiết quân luật trong một bài phát biểu ngắn gọn trên toàn quốc.
"Các công dân Ukraine thân mến. Sáng nay, Tổng thống Putin đã thông báo về một hoạt động quân sự đặc biệt ở Donbass. Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng quân sự và lực lượng bảo vệ biên giới của chúng ta. Đã có nhiều tiếng nổ được nghe thấy ở nhiều thành phố của Ukraine. Chúng tôi đã quyết định thiết quân luật trên toàn bộ lãnh thổ đất nước", ông Zelenskyy nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết ông vừa nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhận được sự cam kết của Washington cũng như đồng minh của Mỹ.
"Hôm nay, mong mọi người hãy bình tĩnh. Hãy ở nhà nếu có thể. Chúng tôi đang làm việc. Quân đội đang làm việc. Cả ngành quốc phòng, an ninh đang làm việc. Không hoảng loạn. Chúng ta rất mạnh. Chúng ta đã sẵn sàng cho mọi thứ. Chúng ta sẽ chiến thắng bất kể kẻ thù nào vì chúng ta là Ukraine", ông Zelenskyy nói.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết 5 máy bay và một chiếc trực thăng của Nga đã bị bắn hạ hôm nay khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin Quân đội nước này đã bác bỏ thông tin mà Kiev đưa ra.
Một bức ảnh do Văn phòng Tổng thống Ukraine cung cấp cho thấy dường như có một vụ nổ ở thủ đô Kiev của nước này vào sáng sớm 24/2.
Trước đó, phóng viên CNN ở Kiev cho biết nghe thấy tiếng nổ gần thủ đô sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine. CNN cũng nghe thấy tiếng còi báo động kéo dài vài phút vở thủ đô Kiev sáng cùng ngày.
Trong khi đó, thị trưởng của Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 Ukraine, đã kêu gọi người dân ở nhà khi các vụ nổ được báo cáo ở nhiều thành phố. "Xin đừng rời khỏi nhà hôm nay. Do tình hình phức tạp, các trường học, nhà trẻ và các cơ sở khác không hoạt động từ hôm nay cho tới khi tình hình rõ ràng hơn", Thị trưởng Igor Terekhov nói trong một bài viết trên Facebook.
Tuy nhiên, ông Terekhov nói rằng giao thông công cộng hoạt động bình thường và những chỉ thị mới nhất của thành phố sẽ liên tục được cập nhật.
Đó là tuyên bố của Moscow khi họ nói về tình hình Ukraine. Tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng nga cho biết: "Cơ sở hạ tầng quân sự, trận địa phòng không, sân bay, lực lượng không quân Ukraine đã bị vô hiệu hóa bằng vũ khí chính xác cao".
Phía Nga nhấn mạnh quân đội không sử dụng pháo kích và tên lửa tấn công các thành phố của Ukraine mà sử dụng loại vũ khí chính xác nên không có mối đe dọa nhằm vào dân thường.
Bản đồ các khu vực xuất hiện những vụ nổ. Nguồn: CNN
Đáp trả động thái mới nhất của Nga, Mỹ cho biết họ đã chấm dứt miễn trừ và áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nord Stream 2 AG, công ty đứng sau đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga nối tới Đức qua biển. Một lãnh đạo hàng đầu của Nord Stream 2 AG cũng bị trừng phạt.
Năm ngoái, chính quyền Biden đã bỏ các biện pháp trừng phạt đối với công ty này của Nga với lý do vì "lợi ích quốc gia của Mỹ". Tuy nhiên, ngoại trưởng Blinken nói rằng, với các hành động của Nga, việc miễn trừ này không còn là lợi ích quốc gia với Mỹ.
Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 719 điểm, tương đương 2,2%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 2,1%. Hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm 2,56%.
Dow Jones Futures mất hơn 700 điểm
Động thái mới nhất của Nga đã khiến giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên dầu leo lên tới mốc giá này kể từ tháng 9/2014.
Trước diễn biến căng thẳng ở miền đông Ukraine, nhiều quốc gia đã tuyên bố sẵn sàng cùng các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mở kho dự trữ dầu trong trường hợp giá bị ảnh hưởng.
Cùng với giá dầu, giá khí đốt tự nhiên cũng tăng mạnh.
Nga là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu cho châu Âu. Căng thẳng với Ukraine có thể dẫn tới việc châu Âu trừng phạt Nga, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng.
Các nhà chức trách hàng không Ukraine đã đưa ra thông báo hạn chế không phận của nước này bắt đầu từ sáng sớm ngày 24/2 và kéo dài tới nửa đêm. Theo đó, vùng trời phía trên Kiev, Dnipro, Lviv, Odessa và Simferopol đều được đưa vào danh sách hạn chế.
Dữ liệu từ FlightRadar24, chuyên theo dõi các chuyến bay, cho biết một chuyến bay từ Warsaw đến Kiev đã quay đầu trở lại trước khi vào không phận Ukraine và đang trở lại thủ đô Ba Lan. Trang này cũng không thấy máy bay dân dụng nào trong không phận Ukraine.
Cơ quan quản lý không lưu châu Âu đang khẩn cấp yêu cầu các hãng hàng không và các chuyến bay dân sự khác tránh xa không phận Ukraine.
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Putin cho biết mục tiêu của Nga không phải chiếm Ukraine mà chỉ đơn thuần là "bảo vệ cư dân miền đông Ukraine". Theo ông Putin, quyết định này bắt nguồn từ việc vùng Donbass đã yêu cầu Nga hỗ trợ.
"Căn cứ theo khoản 7, Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc, được sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang và tuân thủ các hiệp ước hữu nghị đã được Quốc hội Liên bang ký kết với 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' (DPR) và 'Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR), tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Putin phát biểu sáng 24/2.
Ông Putin cũng không quên cảnh báo các nước khác rằng bất kỳ nỗ lực can thiệp nào vào hành động của Nga sẽ dẫn tới "hậu quả mà họ chưa từng thấy".
Vài phút sau tuyên bố của ông Putin, phóng viên NBC News ở thủ đô Kiev của Ukraine cho biết họ đã nghe thấy các vụ nổ trong thành phố. Nhóm phóng viên CNN tại Kharkiv, một thành phố Ukraine gần biên giới Nga, cũng nghe thấy tiếng pháo.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án hành động của Nga và cho biết ông đang theo dõi tình hình từ Nhà Trắng, nơi ông sẽ có cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo G7 khác vào buổi sáng. Ông nói rằng sẽ công bố các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào nga trong ngày tới.
Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tối 23/2 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ tình hình đang diễn ra ở Ukraine.
Bà Psaki đăng tweet sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại phiên họp khẩn lần thứ hai trong tuần của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí.
"Tôi đã đưa ra quyết định mở một chiến dịch quân sự", ông chủ Điện Kremlin cho biết trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình lúc sáng 24/2 theo giờ Moscow (10h giờ Hà Nội).
Tổng thống Nga kêu gọi quân đội chính phủ Ukraine tại Donbass hạ vũ khí và về nhà, đồng thời tuyên bố đáp trả những ai can thiệp chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực này.
CNBC cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang họp khẩn vào tối 23/2 theo giờ Mỹ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ khởi động một chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine. Trước đó, các quan chức châu Âu và Mỹ cũng liên tiếp ban bố các biện pháp trừng phạt Nga, đáp trả việc Moscow triển khai quân đội tới miền đông Ukraine sau khi công nhận độc lập của 2 vùng ly khai.
Khi lo ngại rằng Nga có thể leo thang các biện pháp quân sự, Ukraine đã khuyến cáo công dân tránh đến Nga và rời Nga ngay lập tức nếu họ ở đó.
Liên minh châu Âu (EU) được cho sẽ họp khẩn trong ngày hôm nay để xem xét các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Nga. Các quan chức của Anh và Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng trừng phạt thêm.
Trí Thức Trẻ