Trong quý đầu năm 2021, tổng giao dịch thanh toán qua ví điện tử ZaloPay tăng tới 314,4%, lượng người dùng mới tăng 210,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một sự bứt tốc ấn tượng trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế đang oằn mình vì Covid-19. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với CafeF, Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch Zion, đơn vị chủ quản của ZaloPay đã chia sẻ nhiều điều thú vị về chiến lược "trở thành chiếc ví social" của ví điện tử này.
Nhiều chuyên gia nhận định Covid-19 tuy ảnh hưởng nặng nề các ngành hàng không, du lịch, nhà hàng, nhưng lại mở ra cơ hội mới cho các ngành kinh tế số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Với riêng ZaloPay thì sao, thưa bà?
Đại dịch Covid đúng là đã giúp thúc đẩy thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Thậm chí ngay cả ngành siêu thị, bán lẻ cũng dần chuyển đổi nhằm đáp ứng với nhu cầu của người dân trong giai đoạn dịch Covid đang có những chuyển biến phức tạp. Người dùng sẽ đặt hàng, mua sắm, đi siêu thị và thanh toán bằng ví điện tử mà không cần đến tận nơi, giảm thiểu việc tiếp xúc, hạn chế việc sử dụng tiền mặt, đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Chúng tôi cũng nỗ lực triển khai thêm tính năng mới để đáp ứng nhu cầu mua sắm và thanh toán online của người dùng. Tính đến quý 1/2021, tổng giao dịch thanh toán qua ZaloPay tăng 314,4% và lượng người dùng mới tăng 210,7% so với cùng kỳ quý 1/2020.
314% thật sự là một con số rất ấn tượng… Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về tính năng mới không?
Đây là tính năng cho phép người dùng mua sắm, đặt đồ ăn, thức uống, đặc biệt là nhu yếu phẩm… và thanh toán cùng lúc bằng ví ZaloPay trên Zalo OA (Zalo Official Account) của các siêu thị, chuỗi cửa hàng. Điểm đặc biệt là người dùng không cần tải thêm ứng dụng ZaloPay để thanh toán, mà có thể thanh toán trực tiếp ngay trong Zalo bằng nguồn tiền từ ví ZaloPay.
Tôi cho rằng tính năng này đặc biệt hữu ích trước làn sóng Covid lần thứ 4, giúp người dân giảm thiểu tiếp xúc, không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh mà vẫn sắm sửa được đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống.
Trước khi ra mắt, chúng tôi đã thử nghiệm giải pháp này với BigC/GO! và đạt kết quả khá tốt. Điều đó giúp chúng tôi tự tin cung cấp cho các đối tác khác. Hiện có 20 chuỗi cửa hàng, đối tác bán lẻ lớn đã có mặt trên Zalo OA, trong đó có Big C/GO!, Lazada, Highlands, Trung Nguyên,…
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 10 triệu giao dịch mua hàng và thanh toán bằng ZaloPay được thực hiện trên Zalo OA. Riêng chỉ trong vòng 4 ngày từ 28/5 đến 31/5/2021, tổng lượng mua hàng và thanh toán qua Zalo OA của Big C đã đạt hơn 20,000 lượt giao dịch.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm việc với tập đoàn điện lực EVN, để người dùng ở mọi tỉnh thành có thể theo dõi, tra cứu và thanh toán tiền điện chỉ trên một ứng dụng duy nhất. Nhờ sự phổ biến của Zalo, chúng tôi tin rằng người dân ở vùng sâu vùng xa sẽ có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính điện tử hiện đại dễ dàng hơn.
Nghe miêu tả thì đây thực sự là một tính năng "lợi hại" trong mùa dịch. ZaloPay có định hướng mở rộng các tiện ích tương tự như vậy trong thời gian tới hay không, thưa bà?
Thực ra việc chúng tôi phát triển tính năng này xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trước đại dịch Covid và chủ trương của chính phủ khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước khi có dịch bệnh thì chính phủ đã có những chỉ đạo và khuyến khích thanh toán không tiền mặt, thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ - đó là điều kiện cần. ZaloPay nhìn thấy cơ hội, tập trung nguồn lực, tài chính, xây dựng sản phẩm - đó là điều kiện đủ. Zalo có nền tảng người dùng lớn và thường xuyên – đó là yếu tố cộng hưởng. ZaloPay đánh giá giải pháp này có thể cung cấp rộng rãi cho nhiều đối tượng khách hàng. Và đúng vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực biến nó trở thành một thế mạnh đặc biệt.
Thanh toán điện tử vốn luôn là một cuộc chơi lớn, thậm chí bị nhiều người gọi là "đốt tiền". ZaloPay đã đầu tư những gì vào cuộc chơi này? Đâu là ưu thế giúp ZaloPay tự tin dấn thân, thưa bà?
Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã xác định đây là một cuộc chơi lớn, cần sự bền bỉ kiên trì để đi đường dài. Do đó, chúng tôi dành phần lớn nguồn lực để xây dựng đội ngũ kỹ thuật, xây dựng hệ thống, phát triển sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
ZaloPay "đầu tư" một đội ngũ các nhà quản lý giỏi, ở các vị trí "lõi" như Giám đốc công nghệ (Chief Technology Officer) với hàng chục năm kinh nghiệm xây dựng cấu trúc doanh nghiệp và phát triển ứng dụng cho phần lớn các công ty trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng 500 công ty Hoa Kỳ lớn nhất theo doanh thu); các nhân tài từ Harvard (Mỹ) cũng đã "đầu quân" về ZaloPay với các vị trí quan trọng như Giám đốc sản phẩm, tăng trưởng người dùng và vận hành (Head of Product, User Growth, Finance & Operations),…
Bên cạnh đó, ZaloPay là sản phẩm thanh toán điện tử thuộc VNG, một "kỳ lân" có bề dày về phát triển công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Chúng tôi thừa hưởng hệ sinh thái Internet đa dạng như: Công nghệ (VNG Cloud, trueID), truyền thông, giải trí (Zing TV, Zing MP3…) và đặc biệt là ứng dụng chat Zalo với 64 triệu người dùng thường xuyên. Đó là ưu thế rất riêng biệt của ZaloPay.
Tích hợp vào ứng dụng chat là một hướng đi đã gặt hái được nhiều thành công của các mô hình siêu ứng dụng trên thế giới. Việc tích hợp vào Zalo tạo ra lợi thế như thế nào cho ZaloPay trước các ví điện tử khác tại Việt Nam?
Ở Việt Nam, ZaloPay là đơn vị tiên phong và duy nhất triển khai tích hợp với ứng dụng OTT. Như tôi đã nói ở trên, việc thừa hưởng một hệ sinh thái tốt, trong đó có Zalo với 64 triệu người dùng thường xuyên, là lợi thế, một lợi thế đặc biệt.
Tuy nhiên, khai khác nền tảng đó một cách có hiệu quả lại là một thách thức, thách thức không hề nhỏ. ZaloPay là một sản phẩm "sinh sau đẻ muộn" trong một hệ sinh thái đang ổn định và phát triển. Muốn khai thác các nền tảng có sẵn, ZaloPay phải đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật tương ứng thì mới tích hợp được. Tìm ra điểm chung trong chiến lược của hai khối sản phẩm cũng là một bài toán khó để vận hành một cách trơn tru, tạo ra một chuỗi cung ứng dịch vụ khép kín và hữu ích cho người dùng.
Ngoài ra, không phải cứ kết nối với hệ sinh thái này là chuyển đổi được khách hàng ngay. Để việc gắn ứng dụng thanh toán trở nên tự nhiên và mang lại những giá trị thật sự cho khách hàng, chúng tôi phải nghiên cứu nhu cầu của khách hàng rất kĩ, từ đó phát kiến những sản phẩm mới và phù hợp với từng đối tượng ở từng thời điểm khác nhau. Và tất nhiên ZaloPay phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng dịch vụ, trải nghiệm và chăm sóc khách hàng.
Song song đó, chúng tôi luôn đặt ra các bài toán mới cho sản phẩm, sáng tạo các dịch vụ, tiện ích mà chỉ ZaloPay mới có để tạo ra nhiều thế mạnh cho mình. Với tôi, không có thế mạnh duy nhất.
Cho đến nay, ngoài tính năng thanh toán ZaloPay ngay trong Zalo OA, chiến lược tích hợp vào Zalo đã mang đến cho ZaloPay những thành công gì, thưa bà?
Đầu năm 2020, ZaloPay đã ra mắt tính năng chuyển tiền trong khung chat, lì xì nhóm chat… để phục vụ người dùng Zalo. Dịp Tết Tân Sửu 2021, chúng tôi đã đạt được 35 triệu lượt giao dịch lì xì qua khung chat Zalo. Nếu tính riêng lượng giao dịch chuyển tiền qua Zalo, chúng tôi cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, lên đến 300% so với quý 1/2020.
"Cuộc chơi" lớn luôn gắn liền với "giấc mơ" lớn. "Giấc mơ" của ZaloPay là gì?
Đối với chúng tôi, "đối thủ" lớn nhất chính là tiền mặt, với hơn 90% lượng giao dịch hằng ngày. Do đó, mục tiêu của chúng tôi chính là trở thành một chiếc ví hiện diện 24/7 trong đời sống hằng ngày của người dân để phục vụ mọi nhu cầu từ nhà ra đường mà không cần dùng đến tiền mặt. Và cũng như rất nhiều thương hiệu khác, chúng tôi muốn trở thành ví điện tử được nhiều người tin dùng nhất - Nói đến ví điện tử sẽ nghĩ ngay đến ZaloPay.
Bên cạnh đó, ZaloPay định vị là chiếc ví "social", một chiếc ví giúp mọi người gắn kết, tương tác chứ không đơn thuần là giao dịch thanh toán.
Và ZaloPay đã đi đến đâu trên hành trình hướng tới giấc mơ đó, thưa bà?
Chúng tôi xác định con đường đi của mình là rất dài, không có điểm dừng, mỗi ngày đều là một khởi đầu mới. Đạt được mục tiêu này thì sẽ có những mục tiêu tiếp theo, khó khăn hơn, nan giải hơn nhưng hạnh phúc hơn vì tạo ra nhiều tác động tích cực cho người dùng, cho xã hội.
Xin cám ơn bà!
Nhịp sống kinh tế