Trên trên con đường nhỏ rải đá sỏi dăm kêu lách tách, tôi bước vào một khu sinh thái giữa hồ sen thơm ngát, cỏ cây rợp bóng xanh tươi bốn mùa. Ở đó, có căn nhà nhỏ của Master Gurdev Singh Karan, Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga châu Á.
Ở đó, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện vô cùng thú vị về những bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời cá nhân vị cao nhân Yoga đến từ Ấn Độ, hé lộ những bí mật kỳ diệu về Yoga, về cách để sống khỏe mạnh và hạnh phúc thực sự mà có lẽ bạn chưa biết, hoặc đã biết nhưng chưa bao giờ thấu đáo.
Phóng viên: Hiện nay, có một xu hướng rất lớn là chọn Yoga để rèn luyện sức khỏe, nhưng nhiều người lại chưa hiểu hết ý nghĩa của Yoga, nên chưa biết cách rèn luyện đúng, lựa chọn đúng. Là một chuyên gia Yoga, ông có thể giải thích rõ hơn?
Gurdev Singh Karan: Đây là một câu hỏi lớn, để nói về ý này chắc cũng sẽ cần một câu trả lời tương đối dài.
Có rất nhiều định nghĩa về Yoga, nhưng hiểu theo nghĩa thông thường nhất thì Yoga chính là một công cụ giúp chúng ta thay đổi trong cuộc sống.
Sở dĩ chọn khái niệm "Thay đổi cuộc sống" để nói về Yoga xuất phát từ sự tự quan sát của tôi và thấy rằng thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay thực sự rất hỗn loạn, khó lường.
Chúng ta sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi đủ, hầu như ai cũng đang phải nỗ lực hết sức để chạy theo một cái gì đó, thậm chí còn chưa biết đích đến là gì.
Nhưng hãy hình dung, đến một cái máy cũng còn cần phải nghỉ ngơi, thì con người chúng ta lại càng cần phải nghỉ ngơi để tái tạo lại chính mình. Yoga sẽ chỉ cho chúng ta thấy rằng, thời gian nghỉ ngơi cũng giống như bạn bấm cái nút tạm ngừng (pause) trong khi sử dụng một chiếc máy.
Bây giờ, bạn hãy thử so sánh cuộc sống hiện tại và 50 năm trước thì sẽ thấy có một sự khác biệt rất lớn. Những con người sống trong giai đoạn hơn 50 năm trước đây họ thực sự hạnh phúc và khỏe mạnh hơn chúng ta rất nhiều, mặc dù những thiết bị và tiện nghi không được hiện đại như bây giờ.
Chúng ta không thể dừng việc sử dụng những thứ có "tác dụng phụ" độc hại như ô tô, máy bay, vận hành nhà máy, thì chúng ta có thể làm gì để có được một trạng thái sức khỏe tốt nhất?
Điều mà bạn có thể làm được đó là: Dù không thể kiểm soát những thứ đến từ bên ngoài, nhưng lại có thể kiểm soát những thứ bên trong con người mình, và Yoga là một công cụ giúp bạn thay đổi điều đó.
Phóng viên: Kiểm soát từ bên trong - ý ông là sức khỏe và tinh thần?
Gurdev Singh Karan: Đúng vậy! Việc giúp con người trở nên khỏe mạnh và trường thọ hơn chính là lợi ích của việc chúng ta đang kiên trì thực hành Yoga thường xuyên. Điều này thì ai cũng sẽ cảm nhận được sau khi tập luyện.
Chúng ta có thể tự tìm cách để thay đổi bản thân mình, và Yoga chính là phương tiện để bạn hiện thực hóa điều đó, chính từ sâu bên trong, thay đổi được cuộc sống của chính mình.
Yoga giúp cơ thể và tâm trí bên trong chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và từ đó có thể tránh được hoặc ngưng nhận về sự tác động tiêu cực từ bên ngoài khi chúng đang không ngừng tấn công cơ thể mỗi ngày, mỗi phút giây, cả thể chất và tinh thần.
Với những gì tôi đã trải nghiệm, tôi tin rằng, giả sử nếu mình không ăn uống trong một ngày có thể không có vấn đề gì, nhưng nếu một ngày không thực hành Yoga sẽ là một thiếu thốn lớn. Bởi vì nếu thực hành Yoga thường xuyên, chúng ta sẽ duy trì được trạng thái "tự chữa lành" từ bên trong cơ thể.
Phóng viên: Người người thường chúc nhau sức khỏe, nhưng đúng là không phải ai cũng hiểu được bản chất sức khỏe là gì, cần làm gì để khỏe mạnh. Là một người thực hành Yoga nhiều năm, ông quan niệm thế nào là sự khỏe mạnh?
Gurdev Singh Karan: Nhiều người nói đến sức khỏe nghĩ ngay đến hình ảnh cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp cuồn cuộn, vóc dáng chuẩn phom. Nhưng trên thực tế, không chỉ trong triết lý Yoga mà theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay những công trình nghiên cứu khoa học về sức khỏe thì họ thường chia khái niệm sức khỏe ra thành 4 phần, là vòng tròn như 4 chiếc bánh xe, có thể gọi là 4 bánh xe sức khỏe. Đó là:
Sức khỏe Xã hội
Sức khỏe Thể chất
Sức khỏe Tinh thần
Sức khỏe Tâm linh
Chúng là 4 yếu tố kết nối với nhau, hỗ trợ nhau và không thể tách rời. Nếu cả 4 yếu tố này đều khỏe thì chúng ta chắc chắn khỏe mạnh. Nếu một trong số 4 chiếc bánh xe này bị hỏng, đương nhiên chúng ta sẽ trở nên khiếm khuyết.
- Sức khỏe Xã hội: Là mối quan hệ giữa bản thân mình với những người xung quanh. Khi chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì cuộc sống của mình sẽ trở nên cân bằng. Người duy trì phương châm đối xử và quan hệ tốt với mọi người thì sẽ cân bằng được bản thân trong mọi mối quan hệ.
Nếu bạn có một mối quan hệ không tốt với một người nào đó, sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng lớn, tiếp đó là sức khỏe thể chất cũng trở nên mệt mỏi và xuống dốc theo.
- Sức khỏe Thể chất: Khi chúng ta ở trong trạng thái cân bằng mọi thứ (ăn uống, vận động) thì thể chất sẽ khỏe mạnh, các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt, vận hành trơn tru đúng với chức năng của nó. Nếu bạn có sức khỏe thể chất ổn định, mọi thứ sẽ trở nên thuận lợi hơn.
- Sức khỏe Tinh thần: Khi chúng ta đưa ra được những quyết định đúng đắn, tốt cho mọi người, hài hòa giữa các mối quan hệ thì yếu tố sức khỏe tinh thần sẽ bình an và khỏe mạnh.
Chúng ta nên sống trong hiện tại, làm mọi việc ở hiện tại, không quá lo lắng cho những thứ không cần thiết, ở với hiện tại thì sẽ nghĩ về thực tại, không quá hoài niệm về quá khứ và lo sợ cho tương lai. Lo lắng không cần thiết chính là nguồn gốc của stress, gây tổn thương tinh thần, từ đó lấy đi năng lượng sống của bạn.
Việc chúng ta cân nhắc ngôn từ trước khi nói, biết điều gì nên nói, điều gì nên tránh cũng là một cách duy trì sức khỏe tinh thần lành mạnh.
- Sức khỏe Tâm linh: Dùng từ tâm linh ở đây không phải chỉ ở khía cạnh tôn giáo, mà chúng ta nên hiểu rộng hơn khái niệm này.
Sức khỏe tâm linh không chỉ phụ thuộc vào tôn giáo, mà là một kiểu sống thuận theo tự nhiên. Khi chúng ta đi theo bản chất tự nhiên của sự vận hành trên trái đất, kết nối mình với thế giới tự nhiên, có tình yêu với các loài sinh vật trên trái đất, dành tình yêu thương cho những người xung quanh, coi những người xung quanh chính là chính mình thì sức khỏe tâm linh sẽ ổn định, bình yên và khỏe mạnh.
Phóng viên: Trong một cuốn sách rất nổi tiếng "Hành trình về Phương Đông" - được xem là "hay nhất mọi thời đại khám phá những giá trị vĩnh hằng", có kể câu chuyện về một đạo sĩ Yoga sống 48 ngày không ăn uống, thậm chí còn được cho là bị chôn dưới lòng đất mà vẫn sống bình thường. Bản thân ông có tin vào khả năng "thần kỳ" này của Yoga hay không?
Gurdev Singh Karan: Tôi nghĩ rằng, người thực hành Yoga đúng cách trong thời gian dài, ở một mức độ cụ thể nào đó có thể đạt được những trình độ "siêu năng lượng".
Trước đây ở Ấn Độ, có một chiến sĩ đi thực thi nhiệm vụ ở trên đỉnh núi cao Himalaya, nơi có nhiều tuyết phủ quanh năm trắng xóa. Trong một lần đi làm việc, không may tuyết lở, anh ấy bất ngờ bị rơi xuống vực sâu và bị tuyết phủ kín, không thể thoát được.
Sau 1 tuần, khi đội cứu hộ tìm thấy thì anh vẫn còn sống.
Khi được hỏi anh ấy đã làm gì trong một tuần bị tuyết vùi lấp, thì anh trả lời rằng bản thân đã cố gắng tập hít thở với các bài tập Yoga để làm cho cơ thể nóng ấm lên với hy vọng có thể duy trì sự sống cho đến khi được cứu.
Tất nhiên sau đó, người lính này cũng bị tử vong do những vết thương cắt đứt da thịt làm cho phần cơ thể bị hoại tử quá nhiều. Điều đáng nói là việc duy trì luyện tập thở trong điều kiện sống như vậy cũng là một điều phi thường.
Hay như câu chuyện mới đây, đội bóng nhí gồm 12 thiếu niên cùng huấn luyện viên đêm 2/7/2018 được tìm thấy vẫn sống sót sau 9 ngày mắc kẹt bên trong hang Tham Luang thuộc tỉnh Chiang Rai, Thái Lan cũng là một câu chuyện cảm động về việc thực hành hít thở và thiền trong khi không có đủ điều kiện sống bình thường.
Thông tin trên báo chí trích ý kiến của chuyên gia Anmar Mirza, điều phối viên từ tổ chức NCRC cho rằng, tuổi trẻ và sức khỏe tốt của các thành viên đội bóng khi thường xuyên tập luyện thể thao cũng là một phần nguyên nhân giúp họ ứng phó với tình hình nguy hiểm tính mạng tốt hơn người bình thường.
Thiếu thực phẩm không phải vấn đề quá nghiêm trọng trong thời gian ngắn, vì một người bình thường có thể chịu đói tới hơn 30 ngày. Yếu tố quan trọng không kém giúp đội bóng nhí có thể trụ vững trong không gian chật hẹp, hoàn toàn không có ánh sáng với dòng nước lũ chảy xiết xung quanh chính là tinh thần tập thể và ý thức kỷ luật tốt.
Giáo sư Tipton, Đại học Portsmouth nói về kỳ tích này cũng nhấn mạnh, khi bị mắc kẹt trong hang sâu, không biết khi nào được giải cứu, việc giữ ổn định tinh thần là yêu cầu rất quan trọng, bởi chỉ cần một người hoảng loạn có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, dẫn tới những quyết định không khôn ngoan.
Ngoài ra, một ví dụ khác là có một tu sĩ người Ấn Độ đã hơn 70 năm không ăn gì vẫn sống được. Ông có tên là Prahlad Jani, sinh ngày 13/8/1929 (90 tuổi), còn được gọi với tên khác là Mataji, Chunriwala Mataji.
Ông ấy chỉ luyện tập Yoga và ngồi thiền, uống nước và trà, không ăn bất kỳ một loại thực phẩm nào kể từ năm 1940 đến nay.
Trường hợp của ông được gắn camera quay trực tiếp để theo dõi sức khỏe. Tất nhiên, việc thực hành tu luyện Yoga của ông cũng có những điều kiện nhất định, đủ lâu và đủ điêu luyện mới có thể vượt qua ngưỡng mà người bình thường không thể bắt chước.
Và còn rất nhiều các ví dụ khác đã chứng minh về những khả năng phi thường của con người nếu họ duy trì việc tập luyện nghiêm ngặt và đúng cách.
Phóng viên: Nhiều người sau khi tập Yoga nói rằng cuộc đời họ đã thay đổi. Đối với cá nhân ông, cơ duyên nào đưa ông đến với Yoga? Yoga đã thay đổi cuộc đời ông thế nào?
Gurdev Singh Karan: Đương nhiên là có nhiều sự thay đổi, thậm chí thay đổi theo hướng hoàn toàn khác.
Tôi học Yoga bắt đầu từ năm 20 tuổi (1999) do một giáo viên giới thiệu cho tôi về Yoga. Lúc đó, cuộc sống của tôi khá căng thẳng, trầm cảm, có cảm giác mình đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, có những ngày tháng bế tắc không biết đi về đâu. Tội cảm thấy bản thân mình như đang sống trong một thế giới đầy bóng tối.
Một người giáo viên của tôi lúc đó đã giới thiệu cho tôi về Yoga với khóa học 5 ngày, tên của khóa học đó là Hạnh Phúc. Lớp học gồm có các bài học cơ bản về thiền, hít thở và một số kỹ thuật thanh lọc cơ thể.
Sau 5 ngày tham gia, tôi đã gần như lột xác và có cảm giác hoàn toàn mới. Chỉ sau 5 ngày, tôi nhận ra những lo lắng trước đó của tôi là hoàn toàn vô ích. Thời khắc đó, tôi cảm nhận được rằng, không có quá khứ, không có hiện tại, mà chỉ có thực tại. Khóa học ngắn ngủi đó đã mang lại cho tôi sự hạnh phúc thật sự.
Sau khi khóa học kết thúc, tôi tiếp tục học lại đúng nội dung đó từ 4-5 lần nữa. Rồi trở thành tình nguyện viên cho giáo viên của mình. Cho đến nay, lớp học về Hạnh Phúc đó vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ.
Phóng viên: Ông là một trong những người đầu tiên đưa Yoga chính thống vào Việt Nam và trở thành người thành công hàng đầu ở lĩnh vực này tại Việt Nam. Tại sao ông lại chọn Việt Nam là nơi lập gia đình và định cư?
Gurdev Singh Karan: Mục đích ban đầu của tôi khi đến Việt Nam không phải là vì Yoga, mà tôi làm kinh doanh, không có ý nghĩ nào liên quan đến Yoga cả. Kinh doanh là một công việc tốt, có thu nhập tốt nhưng tôi lại không cảm thấy hạnh phúc khi đi mỗi ngày.
Từ khi tôi học khóa 5 ngày về Yoga cho đến khi đến Việt Nam làm kinh doanh, tôi chưa từng bao giờ nghĩ đến việc sẽ dùng Yoga như là một phương tiện để kiếm tiền hay kinh doanh. Tôi chỉ luyện tập hàng ngày với mục đích chăm sóc sức khỏe. Nhưng, có một thứ giống như là định mệnh.
Trước khi đến đây, tôi đã đi du lịch rất nhiều, đến thăm nhiều quốc gia ở Châu Âu, Châu Mỹ và nhiều nước Châu Á. Mặc dù đi nhiều nơi nhưng tôi chưa tìm thấy được những thứ mà mình cảm thấy gắn bó và mong muốn ở lại. Cho đến ngày tôi đặt chân lên mảnh đất này.
Ngay ngày đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã cảm thấy trong lòng mình có gì đó thật sự khác biệt, tôi nhớ là tôi đã phải òa lên đầy ngạc nhiên rằng, ồ, đây chính là nơi mình muốn đến, muốn ở lại và gắn bó lâu dài.
Mặc dù trong quá trình làm kinh doanh có nhiều điều kiện tốt, tôi có nhiều tiền hơn, nhưng tôi lại không cảm nhận được sự thỏa mãn hay hạnh phúc với cuộc sống lúc đó của mình.
Sau đó, vì làm kinh doanh mà trong lòng thiếu sự đam mê, khiến cho tôi chán nản, thậm chí bị lỗ vốn, bị lừa, thậm chí suýt phải đứng trước vành móng ngựa.
Khi bị mất đi quá nhiều thứ, trong cái rủi lại có cái may, đúng lúc tôi muốn bản thân mình phải dừng lại công việc đó, sự thất bại giống như là cú hích để tôi từ bỏ và thay đổi bản thân mình. Mặc dù đã bị mất nhiều tiền nhưng tôi lại cảm thấy đó là điều đáng lấy làm vui, là cái cớ để mình thay đổi.
Những ngày tháng sau đó, tôi không có tiền, không có công việc, và không muốn làm công việc cũ, không nghĩ ra mình có thể làm một việc gì đó cụ thể để kiếm sống.
Đúng lúc, tôi có một người bạn ở Việt Nam làm giáo viên Yoga, anh ấy cũng biết rằng tôi từng thực hành Yoga nhiều năm và đã đưa ra đề nghị nếu muốn thì dạy thử cho các lớp học của anh ấy.
Nhờ lời đề nghị đó, tôi trở thành giáo viên Yoga theo hình thức bị "ép", giống như hoàn cảnh xô đẩy vậy. Nhưng, mọi việc xảy ra sau đó thì không như chúng ta nghĩ theo cách thông thường.
Ngay từ buổi đầu tiên tôi đi dạy Yoga, cảm giác như nó là một lựa chọn có tính định mệnh, là cơ duyên ông trời sắp đặt. Và tôi biết mình sinh ra để dành cho Yoga. Đó là việc mà mình thực sự muốn làm và đang tìm kiếm. Cả đời tôi có lẽ sẽ không ngừng mang ơn người bạn đã dẫn lối đến với Yoga cho mình.
Yoga là một công việc mà bạn sẽ làm việc giống như không làm, làm mà như được thưởng thức, được thụ hưởng và được trải nghiệm.
Không dừng lại ở việc dạy học cùng với bạn. Tôi bắt đầu quay trở về Ấn Độ tiếp tục học hỏi để tăng cường khả năng, nâng cao trình độ và cảm nhận mọi thứ thuộc về Yoga, tìm hiểu càng ngày càng nhiều hơn. Việc này tiếp tục kéo dài cho đến tận bây giờ.
Phóng viên: Theo quan sát của ông, đời sống Yoga ở Việt Nam có khác với Ấn Độ nhiều không?
Gurdev Singh Karan: Yoga thì vẫn như thế, nhưng cách luyện tập thì khác. Rất lâu trước đây, mục tiêu của Yoga rất khác, nhưng hiện nay, ở Việt Nam, Ấn Độ hay trên toàn thế giới, mục tiêu của Yoga được hiểu là vì sức khỏe.
Nhưng nhầm lẫn chính là chỗ đó. Sức khỏe không phải là mục tiêu của Yoga, mà là lợi ích của Yoga sau khi chúng ta kiên trì thực hành nó trong khoảng thời gian nhất định.
Còn mục tiêu của Yoga chính là phương tiện giúp chúng ta thoát khỏi những đau khổ trong cuộc sống.
Phóng viên: Liệu có trừu tượng quá không khi nói Yoga là "phương tiện giúp vượt thoát khổ đau"? Nếu gặp một người chưa biết gì về Yoga, ông sẽ nói gì để họ có thể hiểu bản chất thật sự đó của Yoga và theo đuổi việc tập luyện hàng ngày?
Gurdev Singh Karan: Ngay từ đầu bài chúng ta đã nói định nghĩa về Yoga, đó cũng chính là lý do để khuyến khích mọi người nên tập Yoga.
Có rất nhiều cách khác nhau để bạn trở nên khỏe mạnh hơn. Các môn thể dục thể thao khác, đương nhiên đều rất tốt cho sức khỏe, nhưng mỗi môn đều có những lợi ích và hạn chế của nó.
Lợi ích của mỗi môn thể thao đều có điều kiện, giới hạn của nó, về khả năng được tăng hoặc mất đi năng lượng, hoặc bị chấn thương khi tập luyện. Ví dụ, có những người tập một môn thể thao nào đó xong, họ thấy mệt đến kiệt sức.
Nhưng nếu chúng ta thực hành Yoga một cách đúng đắn thì sẽ không bao giờ cảm thấy bị mệt, thậm chí còn cảm thấy năng động, được bổ sung năng lượng và khỏe khoắn hơn cả thể chất lẫn tinh thần.
Ngay cả khi bạn đang tập một môn thể thao nào đó mà bạn yêu thích, thì việc thực hành thêm Yoga sẽ giúp bạn làm tốt hơn rất nhiều cho môn thể thao đó. Yoga giống như là sự bổ trợ, đòn bẩy để bạn làm việc khác tốt hơn.
Chúng ta cần nhớ rằng, Yoga không chỉ là những động tác Asana, mà còn hướng dẫn bạn cách thở, cách ngồi, cách đứng, cách ăn nói, cách đối nhân xử thế, cách để thực hiện các việc mà mình đang làm. Tất cả những thứ đó đều được coi là Yoga.
Có một vài trung tâm hiện nay chỉ dạy bạn luyện tập một vài phần nhỏ của Yoga, điều đó cũng tốt, nhưng Yoga không chỉ giới hạn ở những điều đó. Nếu chúng ta rèn cho mình cách đối nhân xử thế tốt thì cũng là lúc mà chúng ta đang thực hành Yoga.
Nếu chúng ta đang làm việc gì đó mà giúp chúng ta ở lại với hiện tại, sống với thực tại, thì đó cũng là Yoga.
Đương nhiên, trong Yoga cũng có một vài công cụ và phương pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống, ví dụ như tập Asana để cơ thể khỏe mạnh hơn, kết nối cơ thể và tâm trí.
Tập các kỹ thuật thở giúp kiểm soát tâm trí.
Thiền giúp chúng ta ổn định hơn, bình an hơn, thức tỉnh hơn, loại bỏ căng thẳng, giảm độc tố mà chúng ta đang không ngừng nạp vào cơ thể hàng ngày. Các kỹ thuật thanh lọc để cơ thể trở nên khỏe mạnh.
Phóng viên: Yoga hiện nay đã rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng chất lượng dạy Yoga chưa đồng đều, nếu không muốn nói là hỗn độn - khi có những nơi chỉ là mượn danh Yoga rồi dùng ngôn từ khoa trương để "dụ" nhiều người đến học. So với bản chất và mục đích sâu xa của Yoga như ông nói, một số trung tâm thực chất chỉ là "giả" Yoga mà thôi! Vậy ông có lời khuyên nào dành cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về Yoga?
Gurdev Singh Karan: Đúng là hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều Trung tâm quảng cáo là dạy Yoga. Vậy để tìm được nơi học Yoga tốt, điều đầu tiên bạn cần làm chính là xem "sơ yếu lý lịch", mức độ uy tín của Trung tâm đó, hồ sơ của người giáo viên mà mình sẽ học. Đừng nhìn hình ảnh quảng cáo hay những thông tin giới thiệu hoành tráng trên mạng xã hội.
Bạn phải biết giáo viên của mình là ai, trình độ của họ thế nào, họ có thực sự là người hiểu về Yoga hay không. Bạn cũng có thể tìm hiểu kỹ thông tin giáo viên và đi học thử trước khi đăng ký học dài hạn. Nhìn cách họ dạy, cách hướng dẫn và truyền đạt thông tin, hỗ trợ và sửa chữa tư thế trong khi tập sẽ giúp bạn lựa chọn đúng đắn hơn.
Nếu giáo viên không biết cách hướng dẫn, "đẩy" bạn ra khỏi khả năng tập luyện của mình, giống như "ép" bạn phải làm những việc mà bạn không đủ sức, thì cần phải xem xét lại.
Yoga không phải là thứ bạn cần phải nỗ lực hết sức để làm, mà là thành quả mà bạn đạt được sau khi bạn đã cố gắng. Đừng tập luyện quá sức, thành quả sẽ đến sau một hành trình dài.
Phóng viên: Yoga Trị liệu là một bộ môn nổi tiếng toàn thế giới. Ông có tin rằng chỉ với việc tập Yoga sẽ chữa khỏi một căn bệnh nào đó - kể cả một số bệnh nan y - hay không?
Gurdev Singh Karan: Chúng ta không nên nói rằng Yoga là một phương pháp để chữa bệnh. Hoàn toàn không phải.
Mà là, nếu bạn kiên trì các phương pháp thực hành Yoga, bạn sẽ nhận được kết quả hỗ trợ, giúp cho việc giảm nhẹ tình trạng bệnh.
Yoga giúp các phương pháp trị liệu chúng ta đang làm (đang được bác sĩ điều trị) phát huy tác dụng một cách nhanh chóng hơn. Yoga đã chứng minh rằng nó có thể giúp nhiều người trở nên khỏe mạnh và khỏi bệnh, nhưng hãy nhớ rằng đó không phải là phương pháp để chữa trị bệnh.
Tất nhiên Yoga trị liệu từng có thể giúp đỡ rất nhiều người trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng nó không thay thế bác sĩ. Nghiên cứu cho rằng Yoga có nhiều những yếu tố khác nhau, và có thể mang lại những kết quả trị liệu khác nhau.
Phóng viên: Với những người bệnh ung thư, huyết áp cao, tiểu đường… lời khuyên của ông dành cho những người đã có bệnh và muốn trị liệu bằng Yoga là gì?
Gurdev Singh Karan: Đương nhiên hầu hết các loại bệnh vừa kể ở trên thì Yoga đều có phương pháp giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của các căn bệnh đó.
Tuy nhiên, trước khi bạn tìm đến những chuyên gia trị liệu Yoga thì hãy tìm đến bác sĩ để hiểu rõ mình bị bệnh gì, nguyên nhân làm sao, tác động thế nào, tình trạng bệnh đến đâu. Sau đó mới cần đến lời tư vấn của chuyên gia Yoga trị liệu.
Để cải thiện sức khỏe, điều mà ai cũng có thể làm ngay bây giờ với Yoga chính là điều khiển hơi thở của mình.
Nếu bạn biết cách tập thở chậm và sâu hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn. Đó là điều đầu tiên bạn nên làm trước khi làm bất kỳ việc gì khác. Nếu bạn mắc bệnh cụ thể nào đó thì cần đi khám trước khi thực hành Yoga.
Phóng viên: Ông đã gặp những câu chuyện về sự "cứu rỗi cuộc đời" ai đó nhờ Yoga hay không?
Gurdev Singh Karan: Có rất nhiều, ngay cả như chính tôi cũng là người đã hoàn toàn thay đổi bản thân mình sau khi thực hành Yoga.
Tôi biết một cô gái Việt Nam dù rất trẻ nhưng không may bị mắc ung thư, theo như lời cô ấy nói thì Yoga là thứ rất quan trọng giúp cô ấy thay đổi hoàn cảnh của mình. Yoga giúp cô ấy trở nên mạnh mẽ và có thể chống lại căn bệnh ung thư quái ác.
Tôi cũng có nhiều học viên bị bệnh mất ngủ lâu năm, nhưng sau khi luyện tập Yoga thường xuyên thì đã hạn chế được tình trạng mất ngủ. Và rất nhiều căn bệnh khác, thực hành Yoga đã giúp mọi người cải thiện sức khỏe bản thân hiệu quả.
Nếu Yoga không thể chữa được cho bạn một căn bệnh nào đó, thì việc thực hành Yoga cũng không làm cho căn bệnh đó trở nên nặng hơn.
Phóng viên: Nhìn vẻ bề ngoài của ông rất vạm vỡ và khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc. Cá nhân ông ăn uống như thế nào?
Gurdev Singh Karan: Tôi ăn chay. Cân bằng các nhóm thực phẩm một cách tối ưu. Đặc biệt là bữa ăn sáng, tôi rất chú ý cho bữa ăn này với thực đơn chế biến đa dạng từ ngũ cốc, các loại hạt, rau củ và nước ép trái cây.
Bình thường thì tôi không ăn nhiều do không có nhu cầu cần phải ăn nhiều. Và đây cũng là một điều luật trong khi thực hành Yoga dành cho những người như tôi. Lời khuyên dành cho những người luyện tập Yoga chuyên nghiệp là không nên ăn nhiều.
Nhu cầu ăn uống của mỗi người phụ thuộc vào tần suất vận động của chính họ. Người nào vận động nhiều thì cơ thể cần nhiều năng lượng hơn, và họ nên ăn nhiều hơn. Còn những người ít vận động, cơ thể cần ít năng lượng, thì bạn chỉ nên ăn ít thôi.
Ví dụ như trường hợp vị thầy tu hành chúng ta vừa nói ở trên, ông ấy không ăn trong trường hợp ông ấy ít vận động, gần như chỉ rèn luyện Yoga và ngồi thiền.
Còn nếu bạn đang làm một công việc cần phải dùng sức lực và hoạt động nhiều, bạn buộc phải chọn lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu thiết yếu của cơ thể.
Phóng viên: Ông đang làm gì hàng ngày để duy trì sự khỏe mạnh?
Gurdev Singh Karan: Nói về điều này, đúng là chúng ta cần rất nhiều thời gian. Điều đầu tiên, sức khỏe là kết quả của quá trình mà chúng ta chăm sóc bản thân, không phải là một điều ước. Tôi thường không lo lắng về điều đó (mình có khỏe mạnh hay không), mà tôi tuân thủ việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên và chủ động.
Nguyên tắc sinh hoạt của tôi là:
- Luôn cố gắng dậy sớm ngủ sớm
- Uống đủ nước
- Ăn uống sạch, ăn rất ít đường, ở mức cực kỳ ít
- Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa hàm lượng chất béo cao
- Sống với thái độ bình an, tự tại
Ăn uống: Tôi tin vào nguyên tắc chăm sóc sức khỏe, tạm gọi là 4 "chiếc gối" mà bất kỳ lúc nào cũng ghi nhớ để thực hiện. Đó là:
Ăn đúng (ăn tốt, ăn lành mạnh) bằng cách ăn sạch
Ăn đúng giờ
Ăn đủ số lượng
Ăn theo nhu cầu của cơ thể.
Vận động: Vận động là tất cả những trạng thái chuyển động của cơ thể, bao gồm thực hành các động tác Yoga, đi bộ, chơi với con, bất kỳ hoạt động nào có thể làm di chuyển cơ thể, không kể đó là hoạt động gì.
Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi theo quan niệm của tôi không hẳn chỉ là việc ngủ nghỉ. Mà thời gian nghỉ ngơi này chính là khoảng thời gian chỉ dành cho riêng mình.
Nghỉ ngơi ở đây không hẳn là bạn để cho cơ thể thả lỏng, thư giãn, mà là sự nghỉ ngơi hoàn toàn dành cho bản thân, nghỉ hẳn công việc, không làm gì, không liên quan đến gia đình, bỏ hết công việc, giống như bạn ở trong phòng một mình (không có sự xuất hiện của người khác), sau đó bạn muốn làm gì thì làm. Kiểu như đọc sách, tận hưởng cà phê, trà, tận hưởng cảm giác uống nước dừa (không phải là uống, mà là nhâm nhi tận hưởng).
Thời gian nghỉ ngơi này của tôi thông thường tối thiểu là 5 phút, trước khi ngủ, hoàn toàn dành ra cho cá nhân mình, chỉ ngồi, nhắm mắt, giống như rời bỏ thế giới, trong lòng không suy nghĩ bận tâm điều gì.
Tất cả những điều muốn làm ở khoảng thời gian 5 phút đó đều không có kế hoạch trước, không cần chuẩn bị sẵn, chỉ dành riêng cho mình. Khi việc đó hoàn thành, tôi sẽ rơi vào với giấc ngủ một cách tự nhiên, theo nhu cầu vận hành của cơ thể.
Tôi có nguyên tắc là không tập trung nghĩ về bất kỳ điều gì mà bản thân mình không muốn. Chỉ ở lại với chính mình với những gì mình muốn.
Hãy học cách lắng nghe, hành động theo sự mách bảo từ cơ thể.
Tôi không ép bản thân mình phải làm theo bất kỳ một tiêu chuẩn nào, chẳng hạn như phải ngủ 8 tiếng. Tôi không ép mình làm theo tiêu chuẩn, không ăn theo lượng calo khuyến cáo, không uống đúng 8 cốc nước, không làm theo bất kỳ lời khuyên nào có sẵn, vì tôi nghĩ nó cứng nhắc.
Thay vào đó, tôi tập trung tâm trí để lắng nghe cơ thể mình. Bởi tôi tin rằng, cơ thể luôn luôn nói ra những thông điệp quan trọng và bản thân mình thực sự cần phải biết học cách lắng nghe.
Cơ thể luôn gửi cho chúng ta những thông điệp cực kỳ thông minh, chỉ cần chúng ta biết lắng nghe thì sẽ làm đúng như những gì cơ thể cần.
Ví dụ, lời khuyên rằng bạn nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Đó là con số chung cho tất cả mọi người, không phải là dành riêng cho bạn. Nếu bạn duy trì việc ngủ đủ 8 giờ, nhưng sau khi ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt, cơ thể không thoải mái, thì bạn cần hiểu là bạn đang ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Trong trường hợp này, con số thời gian mà bạn cần ngủ, không phải là 8 tiếng nữa.
Một giấc ngủ có thời gian đúng nhất, là sau khi bạn thức dậy, bạn cảm nhận được cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, tinh thần thoải mái để bắt đầu một ngày mới.
Hoặc trong ăn uống, nếu biết lắng nghe các tín hiệu mà cơ thể gửi đến, bạn sẽ biết lúc nào thì nên ăn tiếp, lúc nào thì nên dừng lại, nên ăn món này hay nên ăn món kia. Bạn quan sát cơ thể, sẽ biết được đang thừa cái gì và thiếu cái gì, chỗ nào khỏe đẹp, chỗ nào chưa khỏe đẹp, để từ đó biết cách ăn uống sao cho phù hợp.
Khi miệng bạn nói rằng món ăn này không phù hợp, rất khó nuốt, nếu bạn vẫn tiếp tục cố gắng ăn cho bằng được, thì đó là lúc bạn không chịu lắng nghe, bạn đang "làm phản" với lời nhắn từ cơ thể.
Hãy chú ý quan sát bản thân và cơ thể mọi lúc, mọi nơi. Khi nhận thức được sự hoạt động, vận hành và nhu cầu của các cơ quan bên trong cơ thể thì bạn sẽ hành động đúng, từ đó sẽ làm cho cơ thể trở nên khỏe mạnh.
Bất kỳ ai cũng cần hiểu cơ thể của mình. Nhớ rằng mỗi khi cơ thể gọi thì bàn cần phải nghe. Hãy tưởng tượng, cơ thể gọi bạn mà bạn không nghe, giống như ai đó gọi bạn cấp cứu, mà bạn không nghe và không ra tay cứu họ trong tình huống nguy kịch vậy.
Cơ thể chỉ "nhắc nhở" bạn một số lần, nếu nhắc mãi mà bạn không nghe, thì nó sẽ không gửi tín hiệu gọi bạn nữa. Hãy cố gắng hiểu cơ thể mình, làm theo những gì cơ thể mách bảo thì bạn sẽ khỏe mạnh.
Từ khỏe mạnh ở đây bao gồm cả 4 yếu tố mà tôi đã nói ở trên.
Hãy luôn sống trong sự biết ơn. Bạn có nhìn thấy rằng mẹ trái đất, thiên nhiên đã cho chúng ta tất cả mọi thứ không?
Ví dụ, bạn có cảm thấy tuyệt vời không khi nhìn thấy quả dừa và ăn nó? Hãy cảm nhận, cây dừa cao vút, sinh ra những quả dừa to tròn, có nước ngọt thơm mát ở bên trong, có cùi dừa dòn bùi. Đó là một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Khi nhìn thấy những điều tương tự như vậy từ thiên nhiên, tôi cảm thấy tình yêu trong lòng mình vô cùng lớn lao đối với thế giới và môi trường xung quanh. Tôi thấy mình yêu thương tất cả mọi thứ.
Tôi tin rằng, chúng ta càng gần gũi với thiên nhiên bao nhiêu, càng cảm thấy mình khỏe mạnh bấy nhiêu.
Có những thứ bên ngoài cuộc sống chúng ta không thể kiểm soát được, như tai nạn, ô nhiễm, bệnh tật… chúng ta cần thuốc để chữa trị, lúc có bệnh mới cần đến thuốc. Do đó việc sống với tình yêu vô tận dành cho thiên nhiên cũng là cách giúp mình trở nên khỏe mạnh.
Đối với những người bình thường, chỉ cần làm theo bản chất tự nhiên của mình là đủ để khỏe mạnh.
Trí thức trẻ