Ở vùng xa xôi xuôi về hướng biên giới Việt Lào, xã Tri Lễ (Quế Phong - Nghệ An) nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, quanh năm mây phủ. Tri Lễ được biết đến là xã cao nhất, khó khăn nhất của huyện Quế Phong. Đây là địa bàn sinh sống của 8 bản người Mông gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, 97% dân số không nói được tiếng phổ thông. Các gia đình người Mông sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp, trẻ em cũng được xem là nguồn lao động trong nhà, chưa kể do lối sống thành cụm gần như biệt lập do di chuyển khó khăn nên người dân cũng ít có nhu cầu cho con em đi học.
Nói đến Tri Lễ điều ấn tượng nhất với bất cứ ai có lẽ chính là "4 không": Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại. Từ năm 2017, vấn đề về điện và sóng điện thoại đã được cải thiện nhờ vào 20 tấm pin năng lượng mặt trời và 1 cột sóng điện thoại, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây.
Ấy vậy mà tại vùng đất nghèo xa xôi ấy, hàng ngày dãy núi cao Phà Cà Tún vẫn chứng kiến sự nỗ lực không biết mệt mỏi của thầy và trò tại các điểm trường Tri Lễ. 47 thầy giáo đã đồng hành cùng 387 em học sinh người dân tộc Mông trong suốt 25 năm vì hành trình thắp sáng tương lai cho thế hệ trẻ Tri Lễ.
Chẳng mấy ai cảm thấy xa lạ khi nghe khẩu hiệu: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", thế nhưng với thầy trò Tri Lễ thì con đường đến trường quả thực là một "cuộc chiến" với cả ý chí và tính mạng của bản thân. 6 điểm trường nằm trải dài trên dãy Phà Cà Tún - dãy núi cao hơn 1000 mét so với mực nước biển, cách trung tâm huyện miền núi Quế Phong 30km với toàn đường rừng cũng đủ để hình dung công cuộc vất vả để tìm kiếm "con chữ" của các em học sinh và sự khó khăn của các thầy giáo.
Mùa đông ở Tri Lễ sương mù dày đặc khiến tầm nhìn rất hạn chế, việc học tập trong một môi trường thiếu ánh sáng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của các thầy mà còn có tác động không tốt đến quá trình tiếp thu bài của các em học sinh. Đó là chưa kể đến điều kiện sinh hoạt thiếu thốn không thể đảm bảo được sức khỏe cho cả thầy và trò. Đã nhiều năm nay, các thầy vẫn tự thân vận động xin áo ấm ở miền xuôi để học trò được ấm áp hơn vào những ngày lạnh. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng bởi những tập tục lạc hậu nơi vùng cao biên giới vẫn khiến nhiều em không có cơ hội đến trường hoặc không đủ thời gian để học chữ.
Nếu như trẻ em vùng xuôi học ngoại ngữ để hướng đến tương lai bước ra thế giới, thì nguyện vọng của các thầy giáo nơi đây thực tế và cụ thể hơn nhiều. Học chữ chưa tính đến tương lai xa xôi hay những việc gì to lớn, học chữ là để đón đúng một chuyến xe đò, học tính toán để khi mang đồ xuống chợ bán không bị thua thiệt… những điều thay đổi nho nhỏ ấy cũng đã có thể cải thiện được đời sống của gia đình các em sau này.
Tại vùng đất "4 không", Noel là một khái niệm vô cùng xa lạ với trẻ em. Trong khi nhiều bạn nhỏ trên khắp thế giới đang háo hức đón chờ món quà bất ngờ được ông già Noel trao tặng, thì tại Tri Lễ các bạn nhỏ vẫn chân trần, quần áo phong phanh đến lớp như một ngày bình thường. Nhưng Noel năm nay, nhiều sự bất ngờ đã đến với các em học sinh nơi đây bởi sự xuất hiện của các vị khách lạ và những quả bóng bay rực rỡ sắc màu được trang hoàng khắp không gian.
Không ngồi co ro đánh vần và nghe thầy giảng như mọi ngày, hôm nay các em sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động thú vị do các cô chú đến từ dự án "Mặt trời mơ ước" mang đến. Quà Noel của các em không phải là thú bông hay đồ chơi mà là những chiếc đèn năng lượng mặt trời để hỗ trợ các em có thêm ánh sáng để học bài, từ đó "Thắp sáng ngàn mặt trời mơ ước" cho trẻ em Tri Lễ. Với phần quà đầy ý nghĩa này, mỗi thành viên của dự án "Mặt trời mơ ước" hy vọng sẽ góp phần chắp cánh ước mơ cho các em trên con đường học chữ đầy gian nan.
Không chỉ mang đến ánh sáng mới từ những chiếc đèn năng lượng mặt trời, nguồn kiến thức hiện đại đã mang đến cho trẻ em nơi đây một trải nghiệm khó quên nhất trong đời. Tiết học với kính VR đã đưa các em vượt qua đồi núi thân quen của quê hương để khám phá những vùng đất mới. Không còn là hình vẽ trong những cuốn truyện tranh đã cũ, lần đầu tiên các em được xem những thước phim thực tế ảo sống động như thật, điều này thực sự như một phép màu khi nhiều em bé vẫn chưa biết đến tivi là gì.
Trong đêm Giáng sinh năm nay thầy trò và người dân Tri Lễ 4 cùng nhau xem phim ngắn "Theo ánh sáng mà đi". Niềm xúc động và dư âm còn đọng lại sau khi ngắm nhìn hành trình đi tìm con chữ của chính mình qua những thước phim đã thắp lên niềm tin mới cho người dân nơi đây. Những thành viên của "Mặt trời mơ ước" hy vọng nhiều phụ huynh sẽ không còn ngăn cấm các em đến trường mà sẽ đồng hành cùng các thầy giáo trong hành trình mang ánh sáng tri thức đến những bản vùng cao xa xôi Tri Lễ. 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời được thiết kế gọn nhẹ, chống bám bẩn và thấm nước do Công ty Điện tử Samsung Vina trao tặng cho thầy trò và người dân Tri Lễ 4 cũng đã được thắp sáng, mang đến một khung cảnh giáng sinh rực rỡ cho vùng sơn cước. Nhìn khung cảnh này, ai cũng có niềm tin rằng, một ngày không xa ánh sáng sẽ về với bản làng, những lớp học "không mặt trời" không còn nữa. Thay vào đó sẽ là hình ảnh của những căn nhà sáng đèn mỗi tối, cuộc sống của các thầy, các em học sinh và người dân nơi đây sẽ tốt đẹp hơn.
Đêm giáng sinh rực rỡ cũng chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho sự thay đổi trong tương lai của thày và trò Tri Lễ. Sau hoạt động này, "Mặt trời mơ ước" - Dự án do Samsung kết hợp với chương trình WeDo trong khuôn khổ giải thưởng WeChoice Awards 2018 sẽ tiến hành xây tại điểm trường chính Mường Lống của Tri Lễ 4 một ngôi trường khang trang. Dự kiến ngôi trường sẽ được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, 5 lớp học, phòng giáo vụ, phòng nghỉ cho giáo viên, bếp ăn, nhà vệ sinh và thư viện. Sân trường được trang bị khu vui chơi với cầu tuột, xích đu, sân bóng rổ, sân cát, sân bóng chuyền… để thầy trò Tri Lễ có thêm hoạt động rèn luyện sức khỏe ngoài giờ dạy và học.
Đặc biệt, ngôi trường mới sẽ được đầu tư một thư viện với đầy đủ cơ sở vật chất, trang bị máy vi tính cho các em học sinh, giúp các em có thể tiếp cận với những kiến thức đa dạng hơn, cùng với các đầu sách được chọn lọc kỹ lưỡng bao gồm các loại sách về khoa học thường thức, khám phá thế giới xung quanh, giáo dục giới tính…. Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chiếu sáng và sử dụng máy vi tính cho một khu vực không thể kéo đường điện, điểm trường Mường Lống sẽ được trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời trên khu vực mái đảm bảo khả năng cấp nguồn phục vụ vận hành nhà trường, là điểm sáng học tập cho các em mỗi khi chiều tối.
Ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc truyền thông - Công ty Điện tử Samsung Vina, chia sẻ: "Câu chuyện về 47 thầy giáo rất đáng để tôn vinh và Samsung mong muốn viết tiếp câu chuyện cảm động này bằng dự án "Mặt trời mơ ước". Với thông điệp gửi ngàn mặt trời mơ ước, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp thêm động lực và niềm tin để thầy trò Tri Lễ có thêm sức mạnh để tiếp tục con đường tìm kiếm tri thức đúng với mục tiêu Kiến tạo tương lai của Samsung". Hiện ngôi trường đang được gấp rút xây dựng để hoàn thành trước Tết nguyên đán 2019, kịp thời cùng các thầy giáo hoàn thành sứ mệnh cao cả - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ.
"Mặt trời mơ ước" là dự án do Công ty Samsung Vina kết hợp cùng chương trình WeDo - hạng mục chính trong giải thưởng Wechoice Awards nhằm mục đích kêu gọi, khởi xướng cộng đồng cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến mọi người. Sau hơn 20 gắn bó với Việt Nam, dự án đã tiếp tục ghi dấu ấn của Samsung Vina với vai trò là doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều các chương trình trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nhằm lan tỏa tri thức, chia sẻ tầm nhìn đến thế hệ trẻ, đem đến những điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam.
Trí Thức Trẻ