Cứ gần tới rằm tháng chạp là ba tôi nhắc ngày đó nhớ dậy sớm lặt lá mai. Nhà tôi có một cây mai tứ quý cổ thụ trước sân, nó chắc sáu bảy chục tuổi rồi, quanh năm lá già xanh thẫm. Đúng rằm tháng chạp cả nhà phải xúm vô lặt lá bằng hết, những lá li ti mới nhú cũng lặt sạch chỉ để trơ lại cành, thì đến 29, 30 tết lá non vàng óng mỡ màng mới nhú ra cùng chùm chùm nụ hoa xanh mẫm cứng cáp.
Sáng 30 hoa bắt đầu lác đác nở, những cánh mềm vàng tươi như lụa hé dần với những làn ánh sáng đầu tiên. Khi trời nắng rực hoa cũng đã xòe nở đến độ mãn khai, rồi nhẹ nhàng bay đi với gió để lại những đài hoa đỏ rực trên cành. Vài hôm sau đã thấy quả mai xanh non rồi sẫm màu dần lại. Cùng một lúc có cả lá xanh, lá non óng mềm, nụ xanh, hoa vàng tươi và quả đen nhánh trên một cây mai, nên nó mới được gọi là tứ quý. Cứ đến tết, cây mai lột xác hoàn toàn thành một cây mai mới.
Mai vàng bung nở trong nắng mới và gió se lạnh, đó là dấu hiệu rõ nhất của tiết xuân phương Nam.
Rằm tháng chạp năm nay, tôi không lặt lá cho cây mai cổ thụ ở nhà. Tôi vô chùa Chantarangsay, thắp những đóa hoa đăng san sát quanh khu tháp thờ Phật, lặng nghe tiếng chuông gió lanh canh lẫn vào điệu nhạc thiền tinh tang ngân nga rất đặc trưng ở các ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, và tung những nắm hoa rực rỡ theo gió để cầu bình an.
huyện kể vào năm 1946, cố Đại lão Hòa thượng Lâm Em khi đi tìm đất để xây dựng ngôi chùa Khmer đầu tiên tại xứ Sài Gòn- Gia Định, đã dừng chân ở lại, dựng lên một ngôi chùa lấy tên là Chantarangsay ( nghĩa là Nguyệt Quang, Ánh Trăng) trên nền một bãi bồi lầy lội ở bờ kênh Nhiêu Lộc. Ngày nay, chùa Chantarangsay tọa lạc tại địa chỉ số 164/235 đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Chùa là chốn tu hành của các nhà sư theo trường phái Nam Tông Khmer (Phật giáo nguyên thủy) và được mặc định là nơi sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer Nam bộ đang sinh sống, làm việc tại Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ qua" (theo Đức Nam-Hữu Nhật).
Phật giáo nguyên thủy theo Phật lịch không có tháng nhuận nên năm nay rằm tháng Giêng trùng vào rằm tháng chạp lịch âm Việt Nam. Lễ Maghapuja tổ chức vào ngày trăng tròn tháng giêng, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại: Đức Phật cảm thắng Ma vương, Đức Phật tuyên hứa với Ma vương ba tháng nữa ngài sẽ nhập Niết bàn, Đức Phật lập đàn giảng pháp tạo nên Đại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh xá với 1250 vị tỳ kheo.
Trong đại lễ Maghapuja, cũng như tại nhiều chùa chiền ở Sài Gòn, đến chùa không chỉ là Phật tử người Khmer. Người Việt, người Hoa, người Khmer… xa gần tìm đến vì ưng vẻ đẹp của ngôi chùa đầy cây xanh, ưng nghe tiếng nhạc thiền và nhất là để quỳ bên nhau cầu mong bình an cho năm mới. Chư tăng cầu nguyện bằng tiếng Pâli, hầu hết mọi người không hiểu nhưng không sao, Đức Phật có thể lắng nghe và hiểu thấu mọi người dù họ thầm thì với người bằng thứ tiếng nào.
Tại buổi thuyết pháp trong Đại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh xá, Đức Phật đã tóm lược Giáo pháp của Ngài thành ba câu kệ ngôn:
Không làm điều ác (Sabbabàbassa akaranam).
Làm các hạnh lành (Kusalassu upasampadà).
Giữ tâm ý trong sạch (Sacittapariyotapanam).
Đó cũng là ba điều tâm nguyện mà phật tử hết sức mong cầu.
ại số 45 đường Trương Định, quận 3, phía sau chợ Bến Thành có một ngôi đền Hindu giáo cổ xưa nhất Sài Gòn: đền Bà Mariamman.
Có huyền thoại kể rằng bà thuộc bộ tộc dân bản địa Dravidian da đen miền Nam Ấn Độ, có nguồn gốc từ thời Tiền Vệ Đà khoảng 1.500 năm trước Công nguyên. Tượng thờ bà màu đen, do vậy người dân còn gọi Đền Bà là chùa Bà Đen hay chùa Bà Ấn. Đền Bà được cộng đồng người Ấn miền Nam Ấn Độ đến Sài Gòn lập nghiệp và định cư dựng lên từ năm 1835 để có nơi cầu nguyện bình an và kinh doanh phát đạt.
Trên mảnh đất của khu miếu cũ của người Việt thờ Linh Sơn thánh mẫu, đền Bà ban đầu chỉ bằng tôn và gỗ, đến khoảng 1950-1955 mới được xây dựng lại. Hầu hết vật liệu xây dựng đền và nghệ thuật kiến trúc đặc trưng Ấn Độ đều được đem từ chính quốc, kể cả kíp thợ chuyên nghiệp tay nghề cao. Chiếc chuông đồng cũ còn lưu lại tới ngày nay cũng được đúc từ Ấn Độ (theo Vương Liêm).
Bà Mariamman được tôn xưng là vị thần của y học. Người ta cầu nguyện bà để xin cho con cháu khỏe mạnh, hôn phối tốt lành, vợ chồng sinh con đẻ cái vuông tròn, mùa màng bội thu và mua may bán đắt. Vì vậy, người đến đây phần nhiều là phụ nữ. Như nhiều tín ngưỡng dân gian khác khi đã hòa trộn vào cuộc sống người Việt, từ lâu đền Bà Mariamman không còn dành riêng cho người Ấn theo đạo Hindu nữa mà trở thành địa chỉ chung để cầu xin ơn lành.
Vào giờ hiến tế thần Lửa (ít nhất hai lần một ngày, thường vào 10 giờ sáng), trong tiếng chuông đồng rền vang và tiếng lục lạc leng keng báo các vị thần linh thức tỉnh để nhận lễ, rất nhiều người Ấn, người Hoa, người Việt, người Chăm… theo các tín ngưỡng khác nhau hoặc không theo đạo nào nhưng vẫn đến đây thành tâm chiêm bái và cầu nguyện với bà.
Lễ hiến tế thần Lửa trước kia do các thầy tu người Ấn thực hiện. Sau 1075, hầu hết họ về nước, đến lượt con cháu họ (lai với người Việt và ở lại với mẹ) tiếp nối. Trước kia, bà Thạch Thị Lệch (cha người Ấn, mẹ người Khmer) làm lễ. Từ khoảng bảy năm nay, bà già yếu nên cháu của bà là ông Thạch Brahma tiếp nhận. Ông cũng là anh hai của chị Thạch Thị Mết, người phụ trách phát lộc của Bà cho người tới Đền.
Lễ vật cúng Bà rất giản dị, thường gồm chai dầu phụng, gạo, muối, dừa tươi, hoa tươi. Có nhiều cúng nhiều, ít cúng ít. Vài trái cây, một ký gạo cũng đủ tấm lòng thành. Có người cúng mì gói, đậu xanh. Nếp và đậu xanh đem nấu xôi cúng bà vào lễ hiến tế thần Lửa. Dầu thắp đĩa đèn cháy suốt đêm ngày trước tượng Bà. Gạo, mì, muối được Ban quản lý đền phát cho dân nghèo quanh vùng. Hoa tươi được tước ra từng cánh đựng trong các túi giấy nhỏ màu đỏ, gạo đựng trong các túi nilon chừng hai ngón tay để người đến lễ Bà nhận về lấy may. Nước dừa đổ vào một bình lớn, sau lễ hiến tế thần Lửa, người phụ lễ cầm chiếc thìa nhỏ xíu múc cho mỗi người một muỗng để nhận phước của bà. Dấu son Bindi được điểm lên trán để được thông thái, minh mẫn hơn, cũng là dấu hiệu báo cho ma quỷ tránh xa.
Đền Bà Mariamman nằm ngay trung tâm Sài Gòn, nhiều năm nay đã là điểm du lịch văn hóa có tiếng, người đến cầu nguyện nườm nượp nhưng không ai dán tiền lên các pho tượng. Trên nhiều tấm bảng ghi rõ mỗi người chỉ thắp duy nhất một cây nhang.
Tương truyền mặt sau của Điện Bà và những cột đá quanh điện rất linh thiêng, úp mặt và đặt tay vào đó cầu xin sẽ được Bà lắng nghe và an ủi. Vì vậy trên các cột đá có hẳn bảng hướng dẫn chi tiết, và gần như bất cứ lúc nào cũng có những phụ nữ đủ các dân tộc và lứa tuổi đang thì thầm cầu nguyện với Bà.
ó đến 15 thánh đường và tiểu thánh đường Islam (Hồi giáo) tại Sài Gòn, trong đó thánh đường Jamia Al-Musulman tại 66 Đông Du quận 1 là thánh đường lớn nhất- thánh đường trung tâm. Vào giờ lễ nguyện tập thể có tính chất bắt buộc (Solatul Jum’at) vào trưa thứ sáu hàng tuần (trong tháng này là vào 12g 30), thánh đường kín mít hàng trăm tín đồ Islam đủ mọi quốc tịch đến hành lễ.
Nằm ngay khu đất vàng giữa trái tim của Sài Gòn, ngay sau lưng tòa khách sạn Caravelle quá sức nổi tiếng ngạo nghễ vươn cao, nhưng chỉ qua cổng vài bước, thời gian trong thánh đường đã trôi khác nhịp với phồn hoa ngoài kia.
Sân thánh đường rộng, nhiều cây và hoa, có đàn gà kêu cúc cúc và mấy con mèo nằm tắm nắng, vắng vẻ, tĩnh lặng và yên bình. Bao quanh chánh điện là hành lang rộng rãi mát rượi. Tôi rất thích ngồi ở một góc nơi này, nghe Tuol (thầy giảng về giáo luật) Muhamad Amine giảng thánh kinh Qu R’an.
12 giờ trưa thứ sáu, ông muezzin (người chuyên gọi tín đồ đến hành lễ) áp hai bàn tay vào tai, cất giọng đọc câu kêu gọi bằng tiếng Ả Rập không hề thay đổi suốt 14 thế kỷ qua trên khắp thế giới. Câu kêu gọi ngân nga và du dương vang lên khắp thánh đường, nhắm mắt vào, nghe thấy dòng bình an rưới chảy trong lòng.
Ít phút sau, những người đàn ông cao lớn đủ các màu da và lứa tuổi mặc áo choàng dài đến gót chân, đội chiếc mũ nhỏ, thong dong hay vội vã bước vào thánh đường, thanh tẩy theo giáo luật bên hồ nước rộng, rồi đến đứng trên thảm cầu kinh, giơ hai bàn tay làm dấu với Allah thành kính cầu nguyện. Nhiều người chắc vừa rời nơi làm việc, vội vã tháo chiếc ba lô hay cặp da, rút hai ba chiếc điện thoại đặt dưới chân.
Khung cảnh hàng trăm người đàn ông đẹp đẽ đứng thẳng hàng, mắt nhắm kín cắt bỏ hiện tại, chìm sâu vào thế giới riêng của chính mình với Thượng đế, và chỉ cách đó vài chục mét là đường phố Sài Gòn ồn ã huyên náo, thật khó dùng lời miêu tả. Như đang lạc vào xứ Ả Rập xa xưa của những tiếng chuông trên cổ lạc đà, những chuyến hành hương băng qua sa mạc về thánh địa Mecca, những đôi mắt rợp sau tấm mạng đen huyền bí ẩn.
Hầu hết tín đồ Islam ở Sài Gòn là người Chăm gốc An Giang. Sau nhiều đời di cư, hiện có 14 cộng đồng Chăm Islam ở các quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận với khoảng 6.000 tín đồ.
Sau buổi lễ, tín đồ Islam quay sang trái, sang phải chúc lời bình an đến nhau.
Assalmu Alaykum (Cầu chúc cho bạn được bình an)
ửa đêm 23 rạng ngày 24 tháng Chạp, Đại đạo tam kỳ phổ độ (Cao Đài) làm lễ tiễn chư thánh chư thiên về trời.
Thánh thất Sài Gòn (thánh thất lớn nhất Sài Gòn xây dựng từ 1949) trên đường Trần Hưng Đạo sáng rực, tất cả các ngọn đèn bật lên phô vẻ lung linh sặc sỡ của năm màu sơn trang trí đặc thù theo ngũ hành: lục, trắng,đen vàng, đỏ. Trên lầu Chuông và lầu Trống, những lễ sĩ đã sẵn sàng. Tất cả đều mặc áo dài màu xanh, vàng và trắng, chức sắc thì trên đầu đội khăn xếp đen của người Việt xưa, đứng nghiêm trịnh trọng chờ giờ khắc linh thiêng.
Đúng 12 giờ đêm, lầu trống rền tiếng. Sau khi lễ sĩ ngân nga ngâm 4 câu kệ trên nền nhạc bát âm, tiếng trống thùng thùng đổ. Đó là tiếng sấm tượng trưng cho vụ nổ Big Bang mở đầu cuộc sống trên trái đất. Trống hết, tiếng chuông mới ngân vang, tượng trưng sự vang vọng truyền lan sau khi càn khôn thống nhất, đánh thức thần linh, cầu xin chư thánh chư thiên giữ cho thế giới bình an, phong vũ điều hòa, vạn vật tốt tươi, đâm chồi nảy lộc, chúng sinh hạnh phúc, mọi nhà đoàn viên...
Sau hồi chuông trống, buổi lễ bắt đầu.
Nghi thức cử lễ triều thiên có ý nghĩa tương tự lễ đưa ông Táo về trời. Trong đó, phần long trọng và đẹp mắt nhất của buổi lễ là khi 4 lễ sĩ lần lượt dâng cúng hương, hoa, trà, rượu (tượng trưng cho thể xác, chân thần và linh hồn) lên đấng Chí tôn. Trong bộ áo dài nhiều lớp màu xanh dương đậm, các lễ sĩ vòng tay nâng vật phẩm dâng cúng cao ngang lông mày, chân bước theo hình chữ Tâm (lối đi đặc biệt của đạo Cao Đài) nom như một điệu múa. Từ bàn thờ ngoại nghi đến nội nghi đúng 10 bước đi, sau khi hai lễ sĩ bên trong nhận vật phẩm, cả 6 người quỳ và bước lễ trong tiếng nhạc bát âm rộn ràng. Khi tất cả bốn loại vật phẩm đã dâng hết, một vị chức sắc dâng sớ. Ông đọc to bài sớ cầu cho quốc thái dân an, hòa bình vĩnh viễn, rồi trịnh trọng đặt vào bình đốt sớ để những làn khói bay lên chở lời cầu nguyện đến Thượng đế nơi Ngọc Hư cung.
gười Việt cúng ông Táo vào 23, nhưng qua đến 24 tháng Chạp, người Hoa mới đưa ông Táo về trời.
Tại phố hẻm Hù Xì Phóong (Hào Sĩ Phường, đường Trần Hưng Đạo, quận 5), gia đình chú Huỳnh Châu đang rộn rịp chuẩn bị. Năm mới là năm Tuất, chú Châu cưng giống chó lông dài nên đã mua bức tranh hai con chó toe toét cười về dán dưới bàn thờ. Em của chú đã mua chè ỷ (chè trôi nước, bằng bột nặn hình tròn, viên lớn có nhân đậu xanh và mè, xung quanh có nhiều viên nhỏ chỉ sự đoàn tụ, sum vầy) từ sáng. Người Hoa tin rằng phải lấy lòng ông Táo bằng những món ăn ngọt ngào, để ông tâu với Ngọc Hoàng cũng sẽ nói những lời ngọt ngào về gia chủ.
Gần 10 g sáng, thím Châu, tên con gái là Lưu Hớn Dung, cẩn thận đặt chén chè ỷ lên bàn thờ ông táo đã có bình bông tươi và dĩa quýt đỏ hồng bóng mướt.
Sống ở Việt Nam từ nhỏ, tuy tiếng Việt không rành lắm nhưng thím Dung vẫn có thể suôn sẻ cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho gia đình mình vạn sự bình an trong năm mới.
Hù Xì Phóong là khu hẻm phố đặc biệt của Sài Gòn, có mặt trên quá nhiều phim ảnh, từ hơn trăm năm nay vẫn bền vững qua bao thời gian và biến cố. Hù Xì Phóong gồm hai dãy nhà phố, một trệt, một lầu, đối mặt và nối liền với nhau bằng dãy hành lang phía trên chạy vòng quanh mặt trước. Trước kia, nơi đây chỉ có người Hoa cư ngụ, sau này có vài gia đình người Kinh mua hoặc thuê ở, nhưng tuyệt đại đa số vẫn chỉ nghe tiếng Hoa, nhiều ông bà cụ già nói tiếng Việt chỉ được vài ba câu, y hệt một khu phố Hong Kong từ hồi năm nẳm.
Gia đình cô La Cẩm Hy cúng ông táo khá thịnh soạn: ngoài quýt và món ngọt thèo lèo còn có tô canh củ sen hầm giò heo, dĩa heo quay với mâm rau xà lách xanh mướt. Theo tiếng Quảng Đông, tên những thứ này đọc lên có ý nghĩa tốt lành. Heo đọc là "trư", đồng âm với "châu" - ý là "châu long nhập thủy", châu báu đầy nhà. Cải xà lách đọc là "phát soi", đồng âm với "phát tài", "quýt" đồng âm với "cát" (cát tường, may mắn).
ài Gòn yêu thương và rộng lòng như vậy. Có hàng chục tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, hàng ngàn địa điểm phụng thờ thần linh trên mảnh đất này, dung nạp mười mấy triệu người đủ mọi màu da, dân tộc, tôn giáo và niềm tin tưởng chừng vô cùng khác nhau. Nhưng dù vị thượng đế toàn năng trong tâm tưởng mỗi người có hình dáng như thế nào, nghi tiết thờ cúng khác biệt ra sao thì niềm mong cầu vô bờ bến của tất cả vẫn là mong cầu được bình an, hạnh phúc.
Năm mới đã đến rồi. Cầu chúc cho tất cả chúng ta được hạnh phúc, an lành, vạn vật đâm chồi nảy lộc.
Trí thức trẻ