Dù mới thành lập ADT Creative được một năm nhưng Phạm Ngọc Mai Anh đã trở thành cái tên sáng giá trong ngành thực tế ảo, một lĩnh vực còn lạ lẫm ở Việt Nam. Doanh nghiệp của CEO 31 tuổi hiện là đối tác cung cấp giải pháp công nghệ cho nhiều tập đoàn lớn như: Trung Nguyên, Vingroup, FLC, Viettel … và là đối tác duy nhất của Unity tại Việt Nam. Không giống nhiều startup trẻ, thành công của Mai Anh đến từ những triết lý đơn giản đến bất ngờ từ việc quản trị nhân sự cho đến quản trị chính bản thân mình.
Với một công ty công nghệ, sản phẩm là chất xám, nhân sự là cốt lõi. Đặc biệt, khi ngành truyền thông tương tác còn khá mới mẻ trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, chị gặp khó khăn gì trong tuyển dụng cũng như quản lý nhân sự?
Ở Việt Nam hiện nay chưa có một trường, một ngành nào đào tạo về thực tế ảo, thực tế tăng cường nên tôi chỉ có thể tuyển các bạn có tố chất rồi đào tạo lại từ đầu. Thông thường, phải mất tới 3 – 6 tháng đào tạo mới có thể làm được việc. Chi phí, công sức, thời gian thực sự là một gánh nặng đối với công ty.
Làm việc với các bạn trẻ, tôi cảm nhận rõ ràng là người Việt trẻ rất thông minh, chẳng thua kém người nước ngoài, họ nắm bắt những cái mới rất nhanh. Tuy nhiên các bạn thiếu định hướng rõ ràng, chưa biết khai thác hết năng lực bản thân và còn thiếu chuyên nghiệp.
Cho nên ngay từ khi thành lập công ty, tôi đã xác định mình phải tạo ra môi trường chuyên nghiệp. Có những thời điểm công ty chúng tôi liên tiếp có những dự án mới, điều này là quá sung sướng đối với những người khởi nghiệp, nhưng tôi đã từ chối. Bởi tôi không muốn khủng hoảng nhân sự xảy ra vì biết chất lượng sẽ không thể đảm bảo với khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Tôi muốn nhân viên của mình tập trung làm việc tốt nhất.
ADT Creative là công ty tư nhân nhưng lịch làm việc khá là “dễ thở”, nhân viên được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Điều này có vẻ trái ngược với lời khuyên startup phải làm ngày làm đêm?
Hình như người ta cố tình quên sự thật là sức người chỉ có hạn dù ai cũng hiểu mình sẽ chỉ làm việc tốt nhất khi có đủ năng lượng. ADT creative chưa bao giờ khuyến khích nhân viên đi làm cuối tuần. Nếu để nhân viên đi làm cuối tuần, công ty sẵn sàng trả lương 200% so với ngày thường. Như vậy để họ biết được những gì mình làm thực sự có giá trị, không có cảm giác bị bóc lột đồng thời điều đó cũng tạo ra áp lực, thách thức ngược lại ban quản lý rằng phải làm sao để quản trị công việc tốt hơn, khoa học hơn.
Nếu chúng ta phải overtime nhiều có nghĩa là chúng ta làm chưa hiệu quả, chúng ta đang bị chậm tiến độ. Hơn nữa tôi muốn nhân viên của mình có thời gian cho bản thân, nghĩa là hiểu được mình, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi tin chỉ có hiểu được mình muốn gì thì người ta mới thành công được dù làm bất cứ công việc gì. Tôi đã từng đồng ý cho nhân sự là trưởng nhóm kỹ thuật của mình nghỉ 2 tháng ở nhà để đọc sách, tìm hiểu lĩnh vực mới chỉ bởi vì cậu ấy nói “Em muốn làm quản lý nhân sự”.
Chị không nghĩ đó là một sự mạo hiểm rất lớn hay sao?
Tôi nhìn từ mình mà ra, tôi đã từng viết báo, là một biên tập viên truyền hình trong khi phổ thông thì học chuyên toán, rồi bây giờ lại theo đuổi một ngành mới toanh đấy thôi. Tôi luôn cố gắng để có thể xếp đúng người vào đúng việc. Nhân viên nào muốn thử vị trí khác, tôi đều cho thử, dù biết điều đó có thể mang lại rủi ro rất lớn cho công ty. Nhưng tôi chấp nhận, vì bù lại, điều ấy giữ được tinh thần cống hiến của các bạn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quản trị nhân sự của một công ty trẻ. Tôi cảm thấy mình thành công trong việc tin tưởng mọi người. Sau 2 tháng nghỉ phép, An – trưởng nhóm kỹ thuật, đã quay trở lại và làm rất tốt công tác quản trị nhân sự giúp tôi.
Lương thưởng là một vấn đề quan trọng nhưng cũng khá tế nhị. Có những nhân viên không hài lòng về mức lương nhưng lại không thể hiện ra. Ngược lại cũng có những sếp chỉ thích tuyển nhân sự trẻ, gia đình gốc Hà Nội, có điều kiện kinh tế tốt để không phải trả lương cao. Công ty của chị có gặp phải vấn đề này?
Tôi nghĩ mỗi người đều có giá trị riêng, bất kể xuất thân. Việc nhân viên đòi hỏi thu nhập tốt cũng là điều hết sức chính đáng. Bản thân tôi cũng từng là một nhân viên trước khi tự lập công ty nên tôi hiểu rõ điều đó.
Tuy nhiên, lương thưởng hay bất cứ đãi ngộ nào cũng đều phải tuân theo quy trình. Công ty tôi có quy chế, các bạn được đề xuất lương nhưng cũng có bảng đánh giá. Chẳng hạn bảng đánh giá dự án, hết dự án này, bạn được chấm bao nhiêu điểm với các tiêu chí như: chuyên môn bao nhiêu, mức độ tin cậy bao nhiêu, thái độ bao nhiêu, hiệu suất bao nhiêu… Bên cạnh đó còn có bảng đánh giá tinh thần nhân viên. Ví dụ bạn ấy làm tốt nhưng tinh thần không tốt, phối hợp với các team khác không tốt là một điểm trừ.
Có nhiều bạn nghĩ “Ôi, tôi làm rất giỏi, tôi có chuyên môn giỏi”, nhưng mình sẽ nói chuyện với nhau “Ok, chuyên môn em giỏi nhưng em chưa phối hợp tốt với các bên, hoặc em chưa học được phần này, em cần học thêm thì anh/chị mới tăng lương cho em”. Đấy, phải có đánh giá hết mà còn là đánh giá chéo: nhân viên đánh giá leader, bộ phận này đánh giá bộ phận kia. Cứ 6 tháng quay vòng đánh giá một lần.
Tôi luôn xem chuyện lương thưởng là chuẩn chỉ, không phải là chuyện cảm tính. Và nếu làm sếp mà lại có tư duy mong nhân viên đừng đòi lương cao hay thưởng tốt thì tôi cho đó là tư duy không bền vững. Hãy đối thoại với nhân viên của mình về vấn đề này để cả hai bên đều đạt được điều mình mong muốn.
Chị đòi hỏi phẩm chất quan trọng nhất khi tuyển dụng nhân sự là gì?
Tử tế, kỷ luật và sáng tạo.
Nghe thì có vẻ sáo rỗng bởi tử tế là phẩm chất đương nhiên của nhân sự bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tử tế từ ý thức cá nhân ngay từ khi tuyển dụng nhân sự.
Với nhân viên, tử tế là không nói xấu, đố kị nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Với đối thủ, tử tế là tuyệt đối không nói xấu, thậm chí sẵn sàng bắt tay để biến đối thủ thành đối tác, bởi vì tôi quan niệm rằng thị trường rất rộng lớn, ta không cần phải dìm người khác xuống để mình được đứng cao hơn. Tôi cũng luôn nghĩ rằng không có đối tác, đối thủ nào xấu, họ xuất hiện để giúp mình trở nên hoàn hảo hơn.
Tử tế còn là khi hợp tác với doanh nghiệp, không được lợi dụng sự chưa hiểu biết của họ để kiếm lợi. Giả dụ doanh nghiệp muốn làm 10 hạng mục công nghệ nhưng trong số đó chỉ có 5 hạng mục là cần thiết. Vậy chúng tôi sẽ tư vấn thẳng thắn là chỉ nên làm 5 hạng mục thôi.
Tôi nghĩ sự tử tế này là đạo đức của người làm nghề. Khởi nghiệp rất dễ đánh mất mình lắm. Thế nên mình là người trẻ, dù sáng tạo, giỏi giang đến mấy thì cũng phải chuẩn chỉ đạo đức.
Hiện nay, tại một số công ty, không ít hiện tượng nhân sự làm được một thời gian rồi bỏ ra ngoài khởi nghiệp như một phong trào. Chị đánh giá như thế nào về làn sóng khởi nghiệp này?
Đấy là quyền của mỗi người nhưng cá nhân tôi thấy người trẻ không nhất thiết phải khởi nghiệp. Tôi biết nhiều bạn khởi nghiệp chỉ với những ảo tưởng vĩ đại, tinh thần hừng hực, nhưng đấy mới chỉ là 1% những gì cần, 99 % còn lại là cay đắng, vất vả mà có lường trước nhiều khi bạn vẫn thấy “khó đỡ”.
Không thể khởi nghiệp kiểu “nước chảy đến đâu xây cầu đến đấy” được, bạn phải tích lũy đủ lượng và chất. Làm gì có trường lớp nào dạy bạn làm giám đốc. Bạn có thể giỏi chuyên môn nhưng để khởi nghiệp bạn sẽ phải đối mặt với những lĩnh vực bắt đầu từ con số 0 như: nhân sự, tài chính, kế toán…
Hãy chắc chắn bạn chuẩn bị vững vàng tinh thần, kiến thức bởi khi bạn bắt tay vào làm, có muôn vàn những lý do chính đáng để bạn từ bỏ.
Lập ra doanh nghiệp không khó, nhưng duy trì và phát triển nó như thế nào mới là điều quan trọng. Tôi vẫn muốn nói đến sự thấu hiểu bản thân ở đây, bạn đã hiểu mình chưa, có thật sự bạn muốn làm chủ hay là do bạn hiếu thắng, hay do áp lực thành công từ quá nhiều phía khiến bạn ép bản thân cũng phải có một thành tựu nào đó? Tôi không đánh giá cao những động lực khởi nghiệp ngây thơ, viển vông như thế. Người trẻ Việt thực sự đang rất khổ.
“Khổ” như chị nói nghĩa là gì? Chị đã bao giờ trải qua cái “khổ” ấy chưa?
Khổ ở đây là vì họ loay hoay đi tìm bản thân mình mà chưa nhận thức rõ được mình có giá trị gì, có thể làm được gì nên cứ sống theo thước đo giá trị của bạn bè, gia đình, xã hội mà đóng đinh chính mình.
Ví dụ, là một nhân viên xuất sắc, lương tháng 20 triệu đã là thành công của mình rồi nhưng họ cứ mơ phải làm sếp, làm chủ, phải khởi nghiệp trong khi họ phù hợp và đang làm rất tốt công việc hiện tại.
Cũng dễ hiểu thôi bởi vì mở mắt ra chúng ta đã phải đối diện với áp lực phải thành công khi có thể xem, đọc được vô vàn bài báo, video của những người nổi tiếng về thành công. Người trẻ cũng có xu hướng đọc sách về thành công chứ ít đọc các sách về thất bại. Nhưng thành công thì lại chẳng có mô-tip nào cả, thành ra chúng ta cứ hoảng hốt nhìn người khác mà sốt sắng bắt bản thân mình phải thế này thế kia. Thế là đày đọa bản thân rồi. Đừng làm bản thân khủng hoảng!
Thành công phải khiến chúng ta thỏa mãn hạnh phúc chứ. Với cá nhân tôi, luôn cố gắng hiểu mình cần gì ở mỗi thời điểm, nên có lẽ tôi không khổ như thế!
Vậy chị có lời khuyên nào để thoát khỏi cơn khủng hoảng của tuổi trẻ?
Chuyện gì đến sẽ đến, chúng ta chẳng thể ở mãi trong bụng mẹ, cũng chẳng thể cuộn dây rốn để chui lại vào mẹ khi đã xuất hiện ở thế giới này. Tôi chỉ khuyên những bạn trẻ hãy sống bình tĩnh và lắng nghe bản thân mình, đừng để mình bị xáo động, bấn loạn trước môi trường xung quanh.
Hãy bớt khắt khe, trách móc bản thân đi, mỗi ngày chúng ta tiếp nhận quá nhiều những thứ giáo điều, tiêu cực rồi, phải biết chọn lọc thức ăn để tâm hồn mình không bị suy dinh dưỡng.
Bạn nên học cách chấp nhận, chấp nhận những thiếu sót, sai lầm của mình chứ đừng ân hận, chì chiết, đòi hỏi bản thân với những gì đã từng xảy ra, đã từng làm. Bởi vì, nếu bạn có thể làm lại việc đó thì bạn cũng sẽ lựa chọn làm như thế thôi, vì ở thời điểm đó, trải nghiệm, kiến thức của bạn vẫn như vậy. Đừng cố gắng phức tạp hóa những điều vốn dĩ rất đơn giản. Như là mỗi ngày đều thấy mình thiếu sót là dấu hiệu đáng mừng đấy chứ. Cứ bình tĩnh mà học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, đấy là quy luật của quá trình mà ai cũng phải trải qua thôi.
Cũng đừng dễ dàng để tâm hồn mình lao xao rồi tổn thương khi cảm thấy kém cỏi trước những thành tựu của người khác. Thương bản thân mình là điều ai cũng biết, nói mãi rồi nhưng không nhiều người thương mình đúng cách, đối xử tốt với cảm xúc của mình. Chẳng có gì đúng sai tuyệt đối cả. Hãy tâm niệm khi cuộc sống có vấn đề thì nó đang đi đúng hướng rồi, cứ bình tĩnh, điềm đạm đón nhận mà tìm cách giải quyết thôi.
Chị có bí quyết gì đặc biệt để cân bằng giữa công việc và cuộc sống không?
Không, tôi cũng chỉ là một người bình thường thôi, đi làm 8 tiếng, về nhà ăn cơm với gia đình, cuối tuần đi xem phim hoặc dành thời gian đi du lịch với bạn bè. Nghe thì có vẻ nhàn hạ nhưng tôi không bao giờ để bản thân chìm đắm vào công việc. Sắp xếp công việc khoa học, thông minh, hiệu quả là việc đầu tiêu tôi làm mỗi ngày, chẳng phải thức đêm để làm gì cả, 10 giờ tối tôi đã đi ngủ rồi.
Trước nhất phải kiểm soát bản thân, công việc tốt thì mới làm được những thứ lớn hơn chứ. Vì thế rất ít khi tôi bị stress, bởi tôi luôn xác định mở mắt ngày nào mình cũng phải sẵn sàng đón nhận vô số vấn đề rồi. Thế nên tôi luôn chuẩn bị tinh thần tốt để kiểm soát mọi thứ, vẫn là câu thần chú: hãy bình tĩnh sống!
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Trí thức trẻ