img

“Người ta cứ sợ bay thẳng là lỗ nên vẫn lưỡng lự, Bamboo Airways thì khác”.

Ông Đặng Tất Thắng (CEO Bamboo Airways) đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, để giải đáp một số hoài nghi liên quan đến đường bay thẳng Việt - Mỹ.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 1.

“Giấc mơ bay thẳng Mỹ” là điều người Việt ấp ủ suốt hơn 20 năm qua. Nhưng khi nó được Bamboo Airways (hãng bay non trẻ nhất Việt Nam) tuyên bố sẽ thực hiện thì nhiều người lại nghi ngờ. Có thông tin cho rằng, chưa hãng bay nào trong nước được cấp đủ giấy phép để khai thác thương mại đường bay thẳng Việt - Mỹ. Anh sẽ nói gì về những thông tin như vậy?

CEO Đặng Tất Thắng: Tất cả hãng hàng không Việt Nam đều ấp ủ kế hoạch bay thẳng Việt – Mỹ. Có hãng chuẩn bị hàng chục năm, nhưng đến giờ vẫn chưa làm được. Có thể vì nhiều lý do. Nhưng một phần quan trọng, người ta cứ sợ bay thẳng là lỗ nên vẫn lưỡng lự, không định triển khai.

Bamboo Airways thì khác. Ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đặt mục tiêu phải là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ.

Chuyến bay kiểm chứng vừa qua là điều kiện để các nhà chức trách Mỹ đánh giá xem: liệu Bamboo Airways có đủ năng lực khai thác chuyến bay thẳng thương mại thường lệ hay không.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 2.

Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ định chúng tôi là hãng hàng không bay thẳng thương mại thường lệ giữa hai nước Việt – Mỹ. Bộ Ngoại giao nước ta cũng đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam về việc này.

Hiện, chúng tôi đang chờ sự thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ về việc thông hành hộ chiếu vắc-xin, quy định việc nhập cảnh giữa công dân hai nước.

Theo kế hoạch, cuối năm nay, chúng tôi sẽ triển khai chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên tới Mỹ, và cố gắng bay từ Hà Nội, Sài Gòn tới San Francisco với tần suất 5 chuyến/ tuần.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: bay thẳng Việt – Mỹ có thể làm các hãng hàng không lỗ tới 100 triệu USD/ năm. Càng bay nhiều, doanh nghiệp lỗ càng nặng, thậm chí có thể đi tới chỗ phá sản. Anh nghĩ sao về những ý kiến đó?

CEO Đặng Tất Thắng: Khi chúng tôi đề cập chuyện bay thẳng Mỹ, rất nhiều người nói Bamboo Airways thật “điên rồ”. Họ cho rằng: nếu chúng tôi cứ cố mở đường bay này thì có thể sẽ phải phá sản, bởi vì nó cực kỳ tốn kém.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 4.

Không chỉ người Việt mới nghi ngờ, các đối tác lớn trên thế giới cũng không tin. Ngay cả TSA – Cục an ninh nội địa Mỹ (đơn vị cuối cùng phê chuẩn cho phép các chuyến bay vào nước họ) cũng đặt ra câu hỏi tương tự.

Họ hỏi tôi: Người Việt đã có rất nhiều lựa chọn để bay nối chuyến tới Mỹ thì vì sao các bạn lại cứ tha thiết muốn bay thẳng đến như thế? Liệu Bamboo Airways đã tính toán đến những khó khăn, khả năng thua lỗ trên đường bay này hay chưa?

Thực tế, đường bay đến Mỹ đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Chúng ta có thể đến Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… để nối chuyến. Một số hãng bay của Nhật thậm chí còn có chương trình dành riêng cho khách hàng từ Việt Nam. Giá vé của họ rẻ kinh khủng.

Nhưng tôi đã nói với các nhà chức trách Mỹ: khi mở đường bay này, chúng tôi mang tâm thế của người đi tiên phong.

Người Việt muốn tới Mỹ đang phải bay vòng qua một nước thứ ba. Hành trình của họ rất dài, vất vả. Việc ngồi trên chiếc máy bay nước ngoài cũng khiến họ cảm thấy xa lạ. Nếu Bamboo Airways có thể bay thẳng thì tôi tin, việc di chuyển giữa hai nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ sau 13 tiếng ngồi trên chiếc máy bay của Việt Nam là họ đã tới Mỹ.

Còn về chuyện lỗ hay lãi thì tôi nghĩ, nếu sợ lỗ, FLC đã không mở ra Bamboo Airways. Và nếu Bamboo sợ thất bại, chúng tôi cũng sẽ không đầu tư mở đường bay thẳng tới Mỹ để làm gì.

Trước kia, khi chúng tôi muốn khai thác dòng máy bay thân rộng, các đối tác cho thuê/mua máy bay lớn trên thế giới cũng lắc đầu lo lắng. Trên thế giới, chẳng có hãng bay nào chỉ sau 1 năm cất cánh đã muốn khai thác dòng máy bay thân rộng. Nhưng thực tế, Bamboo Airways đã làm được điều đó.

Về chuyện bay thẳng Mỹ, khi chúng tôi tuyên bố từ gần 2 năm trước thì nhiều người đã cười. Bây giờ, chúng tôi làm được rồi đấy thôi. Mặc dù vẫn còn có hoài nghi, nhưng tôi nghĩ đó cũng là động lực để chúng tôi cố gắng chứng minh nhiều hơn nữa.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 5.
CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 6.

Hai hãng bay của Mỹ với tiềm lực tài chính mạnh cũng đã phải rút khỏi đường bay thẳng Việt – Mỹ. Anh có chắc: Bamboo Airways sẽ không lỗ?

CEO Đặng Tất Thắng: Khoảng 10 năm trước, khi United Airlines và Delta Air Lines (hai hãng bay của Mỹ) mở đường tới Việt Nam thì họ vẫn mang tâm thế của người đi thăm dò thị trường. Thời điểm lúc đó rất không phù hợp nên chuyện họ rút lui nhanh chóng cũng là điều tất yếu.

Hiện nay, Việt Nam đang là nền kinh tế có sức tăng trưởng hàng đầu ở châu Á. Quan hệ Việt - Mỹ cũng tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng. Lưu lượng đi lại song phương hiện đạt xấp xỉ 800.000 lượt khách/năm, tăng mạnh so với giai đoạn 2007 khi các hãng bay của Mỹ bay nối chuyến. Chúng tôi tính toán sơ bộ, với số lượng người Việt tại Mỹ ngày càng đông, cũng như nhu cầu của người trong nước thì đường bay thẳng sẽ có nhiều cơ hội.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đã vạch ra nhiều kế hoạch riêng, ví dụ:

Thứ nhất, khi nói đến hàng không, chúng ta sẽ phải tính toán tổng thể mạng lưới bay, chứ không thể chỉ nhìn riêng vào chuyện lỗ - lãi trên một đường bay. Với mạng lưới rộng (60 đường bay nội và tương lai 30 đường bay quốc tế), chúng tôi sẽ đảm bảo có hiệu quả ở tất cả các đường bay bằng cách bù đắp chi phí cho nhau.

Thứ hai, chúng tôi sẽ chở hàng trên đường bay thẳng Việt – Mỹ. Hiện nay, Bamboo đang là đối tác chở hàng lớn nhất của Samsung với tần suất 1 chuyến/ ngày để kết nối giữa Hà Nội – Seoul.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 7.

Nếu bài toán này áp dụng thành công với đường bay Việt - Mỹ thì tính toán sơ bộ, chúng tôi sẽ đủ để bù đắp chi phí.

Thứ ba, điểm then chốt khi bay Mỹ là phải bay thẳng. Nếu bay vòng, các hãng bay Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với các hãng nước ngoài. Vướng mắc hiện nay là chưa có dòng máy bay nào đáp ứng vừa bay thẳng mà vẫn kín chỗ trong mùa Đông.

Chúng tôi đã tính toán được phương án hợp lý là bay sang San Francisco bằng máy bay Boeing 787. Sau chuyến bay kiểm chứng, chúng tôi đã chạy mô hình, tính toán chính xác số xăng bơm trên chặng bay, từ đó tính được chi phí thương mại của chuyến bay và chắc chắn đây sẽ là đường bay có hiệu quả.

Nhưng nếu đã phải tính toán đến chuyện dùng những đường bay khác hoặc việc chở hàng để bù đắp chi phí thì liệu rằng, ngay từ đầu đường bay thẳng Việt – Mỹ có phải là một cách quảng bá của Bamboo Airways?

CEO Đặng Tất Thắng: Nếu bạn đứng vào vị trí của tôi và trải qua cảm giác nhìn máy bay của Việt Nam từ lúc còn là chấm nhỏ trên bầu trời, cho đến lúc hiện rõ và từ từ đáp xuống, lăn vào vị trí ở sân bay Mỹ, với hai lá cờ Việt – Mỹ tung bay thì bạn sẽ hiểu được cảm giác tự hào như thế nào. Khoảnh khắc đó, tôi đã nhắn tin cho anh Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Bamboo Airways), nói rằng cảm giác như tôi vừa đón chào một đứa con mới ra đời.

Với người Mỹ thì tôi tin, khi họ nhìn thấy chiếc máy bay có quốc kỳ của Việt Nam… đó hoàn toàn là sự quảng bá không chỉ cho riêng chúng tôi, mà còn cho cả đất nước Việt Nam. Bởi vì một đất nước có một đường bay thẳng tới Mỹ thì câu chuyện đi ra thế giới chắc chắn sẽ rất khác.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 8.

Bamboo Airways với bề dày chỉ hơn 2 năm cất cánh ở Việt Nam đã làm gì để thuyết phục được giới chức trách Mỹ cấp phép, trong khi đây vốn là một thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới?

CEO Đặng Tất Thắng: Hoa Kỳ khi đánh giá một hãng bay sẽ dựa trên rất nhiều tiêu chí. Ví dụ, Bamboo đã có IOSA là chứng chỉ lớn về an toàn rồi, nhưng giới chức Mỹ vẫn kiểm tra rất kỹ về tỷ lệ khai thác chuyến bay an toàn, tỷ lệ bay đúng giờ, kiểm tra về tổ chức, cơ cấu hãng hàng không... để xem việc giám sát an toàn bay được triển khai thế nào, có đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ hay châu Âu hay không?

Họ cũng trực tiếp xem xét từ điều kiện sân bay Việt Nam, năng lực của Cục hàng không, đến hãng bay, đội bay… Cơ quan TSA còn có buổi phỏng vấn tổng thể đối với chúng tôi kể từ cấp lãnh đạo cho đến các phi công, tiếp viên…

Nhưng tôi nghĩ, tất cả mọi thứ phía Mỹ làm đều rất bài bản và tuân theo quy trình. Chỉ cần đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, họ chắc chắn sẽ thông qua.

Thách thức nằm ở chỗ, dẫu sao thì Bamboo Airways vẫn là đại diện của hãng hàng không tự nhân, và là hãng bay trẻ đang phải cạnh tranh với các hãng khác. Chúng tôi phải luôn nỗ lực chứng minh với tất cả mọi người là chúng tôi có thể làm được.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 9.

Chuyện chứng minh năng lực đó có gì đáng nhớ không, thưa anh?

CEO Đặng Tất Thắng: Sau khi Bamboo Airways được cấp chứng chỉ bay vào năm 2019, Cục trưởng cục Hàng không đã nói: Nhờ có Bamboo Airways mà các tiêu chuẩn đánh giá của Cục cũng được nâng cấp lên.

Thời điểm đó, Cục hàng không đang làm thủ tục nhận chứng chỉ CAT-1. Phải có chứng chỉ này, các hãng hàng không Việt Nam mới có thể đăng ký chuyến bay thẳng tới Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từng đạt tiêu chuẩn này, nhưng hiện nay đã tụt xuống CAT-2 và họ không đủ điều kiện cho các hãng hàng không bay thẳng Mỹ.

Khi Bamboo Airway bắt đầu làm chứng chỉ bay AOC với Cục hàng không thì Cục lại đang làm chứng chỉ CAT-1. Thành ra, chứng chỉ của chúng tôi phải chạy theo tiêu chuẩn mới của Mỹ. Trước đây, chưa có hãng hàng không nào trong nước làm chứng chỉ AOC chuẩn chỉ như Bamboo Airways.

Câu nói của Cục trưởng Cục Hàng không làm tôi tin rằng, một trong những thành công lớn của chúng tôi chính là đã chứng minh được với lãnh đạo về năng lực, sức cạnh tranh không chỉ ở trong nước, mà còn vươn ra tầm khu vực.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 10.

2 năm qua, đại dịch khiến ngành hàng không tê liệt, những chiếc máy bay đáng lẽ phải sải cánh trên bầu trời thì hầu như chỉ nằm im dưới mặt đất. Vậy nhưng, Bamboo Airways vẫn báo lãi “khủng” 400 tỷ đồng (năm 2020). Anh có thể giải thích rõ hơn về điều này?

CEO Đặng Tất Thắng: 2020 là một năm rất khó khăn. Nhưng những gì mọi người nhìn thấy về cảnh máy bay nằm đắp chiếu ở sân bay sẽ không phải là tất cả. Trong nguy nan, chúng tôi vẫn tìm thấy nhiều cơ hội mới.

Thứ nhất, Bamboo đã dừng đường bay quốc tế từ rất sớm để tập trung vào nội địa. Chúng tôi mở thêm nhiều đường bay ngách như: bay thẳng tới Côn Đảo, Cà Mau và tới đây là Điện Biên. Trải qua từng đợt Covid-19, thị trường nội địa luôn chứng minh sức bật mạnh mẽ sau dịch và là “cứu cánh” của hàng không.

Chúng tôi khai thác dòng máy bay Embraer động cơ phản lực, có thể bay đến các sân bay nhỏ, với số ghế vừa phải, đảm bảo full chỗ nhưng giá vé rất cạnh tranh.

Thứ hai, tăng trưởng của Bamboo vẫn có cả tăng trưởng tài chính. Nhưng tôi khẳng định: doanh thu bay vẫn là quan trọng nhất.

Thứ ba, Bamboo tổ chức rất nhiều chuyến bay giải cứu cho các tỉnh, phối hợp với các bệnh viện chở các chuyến bay nhân đạo, và phối hợp với Bộ ngoại giao để đưa công dân Việt về nước.

Thứ tư, chúng tôi tổ chức các chuyến bay chở hàng với tần suất 4 chuyến bay đi Nhật/ tuần và 7 chuyến/ tuần đi Hàn...

Thứ 5 là tiết kiệm, quản lý chi phí thật chặt. Về phần doanh thu thì cố tận dụng các nguồn thu chính đáng vì bất cứ nguồn thu nào cũng đều rất quý báu.

Tất nhiên, Bamboo có lợi thế là “con cưng” của tập đoàn FLC và được ưu ái nhiều cả về tài chính lẫn nhân sự. Thời gian này, FLC đang đẩy mạnh tái cơ cấu. Nhưng những dự án nào cần thiết cho Bamboo thì FLC sẽ không tiếc.

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 12.

Vậy bức tranh của Bamboo Airways năm 2021 sẽ là như thế nào?

CEO Đặng Tất Thắng: 2021 sẽ là một năm khó khăn hơn 2020 rất nhiều. Hai tháng vừa qua, toàn bộ mạng lưới bay các hãng hàng không ở Việt Nam đều “đắp chiếu”.

Nhưng cũng trong chuyến công tác tới Mỹ, tôi thấy thị trường bay nội địa của họ đã khôi phục được khoảng 90%. Điều đó cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục rất tốt. Giao thông là huyết mạch của kinh tế nên việc chậm khôi phục hàng không có thể gây thiệt hại lớn. Cá nhân tôi và Bamboo Airways đều rất hy vọng, Việt Nam cũng sẽ đạt được sự phục hồi giống như Mỹ vào các tháng cuối năm.

Trong 2 năm đương đầu với đại dịch, anh đã làm việc với tâm thái ra sao?

CEO Đặng Tất Thắng: Khi công việc nhiều lên hoặc gặp khó khăn thì áp lực là điều khó tránh. Ai cũng sẽ có lúc bị stress, nhưng điều quan trọng là phải tìm cách giải tỏa và luôn suy nghĩ thật tích cực.

Khi gặp khó khăn, có nhiều doanh nghiệp đã chọn cách kêu khóc. Nhưng chúng tôi sẽ luôn chọn cách tự cứu lấy mình bằng các giải pháp, biện pháp cụ thể. Bởi vì dù có đi kêu khóc thì sao? Chẳng những không giải quyết được gì, mà chuyện đó có thể còn khiến người ta xem thường mình nhiều hơn.

Nếu coi khó khăn giống như những nút thắt và cố gắng tìm cách tháo gỡ thì dần dần, khó khăn nào cũng qua!

CEO Bamboo Airways mổ xẻ chuyện điên rồ, lãi lỗ và thử thách ngàn cân khi bay thẳng tới Mỹ - Ảnh 13.
Trương Thu Hường
Việt Hùng
Dingtea

Theo Trương Thu Hường - Ảnh: Việt Hùng - Thiết kế: Dingtea

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên