Tại trụ sở của Viettel IDC, phòng làm việc của CEO Hoàng Văn Ngọc được đặt tên là "phòng Captain", căn phòng dành cho "thuyền trưởng" của "con tàu" Viettel đang tiến về phía trước, trở thành doanh nghiệp số một ở Việt Nam trong lĩnh vực Data Center và Cloud Computing sau 15 năm xuất hiện trên thị trường.
Dọc các hành lang bên trong trụ sở Viettel IDC đều có thể bắt gặp hình ảnh của những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử kèm những câu nói kinh điển của họ.
"Những câu triết lý hay những thành công của người đi trước đều là các bài học đắt giá mà tuổi trẻ Viettel IDC cần học hỏi. Nếu cán bộ công nhân viên hiểu được triết lý để áp dụng vào cuộc sống của mình, dù chút ít đi chăng nữa vẫn rất tốt. Đây là mong muốn của tập thể, của lãnh đạo công ty gửi đến cán bộ nhân viên.", ông Hoàng Văn Ngọc – CEO Viettel IDC chia sẻ khi được hỏi về những bức ảnh này.
Thưa ông Ngọc, sau 15 năm có mặt trên thị trường, Viettel IDC đã làm được những gì? Nhìn lại 15 năm đó, điểm gì ông thấy hài lòng và chưa hài lòng?
Khi nói về một doanh nghiệp đã làm được gì, chưa làm được gì trong 15 năm, có lẽ cần quay lại thời doanh nghiệp mới thành lập. Lý do nó ra đời là gì? Sứ mệnh của doanh nghiệp là gì?
Mỗi doanh nghiệp ra đời đều có một sứ mệnh nhất định. Quay lại năm 2008, là năm mà Viettel IDC thành lập: khi đó Viettel đang rất thành công ở thị trường viễn thông và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài. Viettel đang ở trên đỉnh cao nhưng lãnh đạo tập đoàn có một tầm nhìn xa, cảm thấy mọi thành công cũng chỉ kéo dài được trong một khoảng thời gian nhất định, không thể thành công mãi được. Chúng tôi quyết định chọn một lĩnh vực kinh doanh mới là Data Center và sau này là cả Cloud Computing.
Thời điểm Viettel đi tìm cách làm, gần như chưa ai hiểu về Data Center và tại Việt Nam chưa hình thành thị trường này. Khi ra đời, doanh nghiệp Việt Nam lúc đó chưa nhận thức rõ về lĩnh vực này, rất ít ai đi thuê Data Center, cũng không ai nghĩ đến chuyện đặt dữ liệu của mình tại "nhà" người khác. Việt Nam mình có truyền thống ăn chắc mặc bền, đến một thời điểm chín muồi nào đấy, có sự tin tưởng nhất định họ mới đi thuê.
Chúng tôi xây dựng 2 DC nhưng phải mất 3-4 năm để phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng. Sang năm 2011, chúng tôi có DC thứ 3 ở Bình Dương. Lúc này, thị trường bắt đầu chấp nhận và xu hướng đi thuê DC bắt đầu xuất hiện.
Giai đoạn đầu anh em làm rất vất vả, không có khách hàng, không có doanh thu. Đầu tư rồi, bán không được nên rất áp lực - từ lãnh đạo cho đến cả nhân viên. Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn đầu và đến 2012 bắt đầu có những thành công trong mảng kinh doanh này. Đó là dấu mốc đầu tiên.
Dấu mốc thứ 2 là sự ra đời của cloud. Khi đã có chỗ đứng, trở thành số một ở Việt Nam trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, Viettel IDC lại tiếp tục nghiên cứu phát triển cloud vào giai đoạn 2013–2015. Năm 2013, chúng tôi chính thức cho ra mắt dịch vụ Cloud server - dịch vụ cloud đầu tiên và cốt lõi của mảng hạ tầng cloud (IaaS). Thời điểm đó, thế giới đã bước vào giai đoạn phát triển trong lĩnh vực này nhưng Việt Nam thì chưa. Nguồn lực về con người hạn chế, khách hàng chưa nhiều, nhưng chúng tôi vẫn quyết định phải đầu tư vì đây là lĩnh vực tương lai.
Cho đến hiện nay, Viettel IDC trở thành nhà cung cấp nội địa chiếm lĩnh vị trí số một về DC và Cloud Computing.
Đến năm 2019, bên cạnh việc đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa cho DC và cloud, chúng tôi bắt đầu tham gia vào các mảng dịch vụ và an toàn thông tin bởi dữ liệu càng nhiều, càng số hóa, chuyển đổi nhiều thì an toàn thông tin trở thành một thách thức, không chỉ với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp mà cả cá nhân.
Nếu có một việc trong quá khứ mà muốn làm tốt hơn thì chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, dồn nhiều nguồn lực hơn. Một điểm nữa là chúng tôi vẫn phần nào bị giới hạn trong vấn đề cơ chế. Là doanh nghiệp nhà nước nên cơ chế đôi khi bị chậm so với sự phát triển của thị trường.
Những khó khăn, thách thức của Viettel IDC trong những ngày đầu là gì, thưa ông?
Một doanh nghiệp đi tiên phong có những lợi thế của người tiên phong nhưng cũng vấp phải vô vàn những thách thức của người mở lối.
Thời đó Việt Nam chưa có ai làm trong lĩnh vực này cả, mình phải dò dẫm, nguồn lực cũng không có, chủ yếu là "bốc" những anh em có kinh nghiệm – kinh nghiệm về viễn thông thôi chứ không phải kinh nghiệm trong lĩnh vực này – để nghiên cứu và làm.
Lĩnh vực này đòi hỏi sự sáng tạo, dẫn đầu, thứ 2 là phải có use case, có thị trường. Tại sao các doanh nghiệp ở Mỹ thành công. Đó một phần là vì họ sinh ra trên đất Mỹ, có tư duy toàn cầu. Họ nghĩ ra vấn đề gì thì đều nghĩ cho một thị trường 7 tỷ dân. Hơn nữa, hầu hết đó đều là doanh nghiệp tư nhân, tư duy bứt phá, sáng tạo của họ rất lớn. Viettel IDC sinh ra trong môi trường quân đội, mặc dù có sự sáng tạo, bứt phá, tuy nhiên chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn lực. Nguồn lực đã thiếu rồi nhưng việc thu hút nguồn lực, giữ chân nguồn lực đó cũng là một thách thức lớn.
Tôi còn nhớ thời điểm kinh doanh Cloud Computing, phải đến năm 2017-2018 mới khởi sắc trong khi mình bắt đầu làm từ 2013. Bởi vì để cho ra đời một hệ sinh thái sản phẩm đầy đủ như các Big Tech (tập đoàn công nghệ lớn) đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, nỗ lực. Điểm đặc biệt khó khăn là Việt Nam không có một use case cụ thể nào.
Chẳng hạn ở Việt Nam, thời điểm này thị trường cloud đang ở early stage (bước khởi đầu) của giai đoạn growth phase (phát triển) trong khi nước ngoài đã bước vào giai đoạn maturity (trưởng thành). Mình đi sau khoảng chục năm. Cloud là lĩnh vực đòi hỏi lợi thế quy mô lớn, rồi nguồn lực đầu tư và thị trường đủ lớn.
Một thách thức nữa là đối diện với các Big Tech với hệ sinh thái sản phẩm đầy đủ, trải dài nhiều lớp.
Nhân nói đến các Big Tech, Viettel IDC làm thế nào để giữ vững vị trí của mình, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này, đặc biệt là các Big Tech như Amazon Web Service (AWS), Microsoft Azure?
Thực ra, chúng tôi xác định không đối đầu với Big Tech mà là hợp tác thì đúng hơn. Đến thời điểm này, Big Tech vừa là khách hàng, vừa là đối tác, vừa là đối thủ của chúng tôi.
Vậy mình sẽ nghĩ họ là đối thủ hay đối tác?
Chúng tôi xác định ngay từ đầu là hợp tác với Big Tech để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng cho khách hàng lựa chọn bởi nhu cầu của khách hàng ngày càng tiến hóa. Có những sản phẩm mà nhu cầu của thị trường chưa đến mức đại trà, Viettel IDC cũng như các nhà cung cấp trong nước chưa quyết định đầu tư ngay mà hợp tác cùng BigTech để cung cấp dịch vụ One Stop Shopping – một điểm dừng mua được nhiều thứ - cho khách hàng.
Có những sản phẩm, ứng dụng đã rất thành công trên thế giới. Bây giờ mình mới mò mẫm từ đầu để làm thì rất mất thời gian để đáp ứng. Do đó, chúng tôi chọn hợp tác với Big Tech để tiết kiệm thời gian ra mắt sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh nhất.
Còn đối đầu thế nào là một câu chuyện rất dài. Nó tùy thuộc vào khách hàng, phân khúc, các yêu cầu riêng biệt. Big Tech họ có lợi thế lớn về quy mô, hệ sinh thái sản phẩm nhưng doanh nghiệp bản địa cũng có lợi thế về am hiểu thị trường, am hiểu khách hàng, về giá cả hay tính linh hoạt trong hỗ trợ khách hàng.
Mình linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó hỗ trợ khách hàng 24/7, mọi yêu cầu hỗ trợ sẽ phải trả phí, trong khi mình có thể hỗ trợ vô điều kiện. Mình vẫn có những lợi thế mà Big Tech không có được.
Ông nhận thấy thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây của Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào trong 15 năm qua?
Thị trường cloud Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn early stage, châu Á ở giai đoạn grow phase, thế giới đã ở giai đoạn maturity nhưng vẫn chưa xác định được giai đoạn bão hòa, có nghĩa là tiềm năng phát triển của thị trường này ở châu Á và thế giới còn rất dài.
Thông thường để một phase phát triển sẽ phải mất 10-20 năm. Như vậy Việt Nam trong 10 năm tới nhiều khả năng vẫn nằm trong giai đoạn growth phase nhưng đã bắt đầu có sự nhảy vọt rất lớn về số lượng khách hàng, số lượng nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Các use case càng ngày càng nhiều, thị trường cũng đã đủ lớn để các nhà cung cấp bản địa tham gia vào thị trường này.
Giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng hành lang, cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường này. Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có những chính sách quyết liệt trong vấn đề chủ quyền dữ liệu. Cloud hóa đúng nghĩa là không xác định, nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ, những dữ liệu đó sẽ bị thao túng, lợi dụng, gây rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Đó cũng là cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước như Viettel IDC. Trong 5 năm tới, tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng của thị trường vẫn ở mức 2 con số và dung lượng thị trường đâu đấy đạt khoảng 1 tỷ USD. Thị trường cũng bắt đầu có sự phân hóa, sàng lọc. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ DC và Cloud Computing nội địa nhưng tôi dự đoán sau 5 năm, con số này chỉ còn 4-5 doanh nghiệp nội địa và một số Big Tech chia nhau thị trường.
TTDL Pháp Vân Hà Nội được đưa vào sử dụng từ tháng 5.2009. TTDL Pháp Vân có diện tích sàn 2.000 m2 và sức chứa 400 Rack tiêu chuẩn 42U
Khi đó, ông hình dung Viettel IDC sẽ như thế nào?
Không dễ để hình dung chính xác về quy mô của một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sau 5-10 năm tới. Từ giờ đến thời điểm đó có rất nhiều công nghệ mới ra đời, giống những công nghệ mới nổi hiện nay như blockchain, mertaverse, VR, AR, cloud gaming hay AI với những sản phẩm như ChatGPT, các công nghệ liên quan đến ảo hóa, hội tụ… Mọi thứ thay đổi rất nhanh.
Nhưng mục tiêu của Viettel IDC vẫn sẽ là một trong những doanh nghiệp nội địa chủ lực, nằm trong hệ sinh thái cloud của Viettel, của quốc gia trên thị trường DC và Cloud Computing, với tầm nhìn làm chủ hệ sinh thái sản phẩm liên quan đến hạ tầng số quốc gia của Viettel, phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chủ quyền dữ liệu, chủ quyền hạ tầng điện toán đám mây.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng đến một số sản phẩm dịch vụ khác nhưng vẫn xoay quanh thế mạnh là cloud, an toàn thông tin, chuyển đổi số, dịch vụ MSP, MSSP.
Người ta hay nói đến DNA của người Viettel – những người lính đi làm kinh doanh. DNA đó được thể hiện thế nào tại Viettel IDC?
Nói về DNA của Viettel, chúng tôi có DNA của người lính, đó là tinh thần phụng sự, tinh thần dấn thân, dám làm, dám chịu, phụng sự đất nước, phụng sự tổ chức, phụng sự khách hàng.
Bên cạnh đó, là một công ty liên doanh làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho nên sự linh hoạt, sáng tạo cũng là một DNA nổi bật của người Viettel IDC.
Ông có thể chia sẻ về một số điểm về đặc trưng của người Viettel IDC hay không?
Nhân sự của Viettel IDC vẫn là một Vietteler, giữ được nhiệt huyết và tinh thần phụng sự - đất nước, tổ chức, xã hội. Đó là nét nổi bật, DNA của Viettel ăn sâu vào con người Viettel IDC.
Tôi đánh giá đây là một đội ngũ trẻ trung. Độ tuổi trung bình của chúng tôi đang là 28-29 – độ tuổi đẹp nhất để cống hiến. Họ trẻ trung, năng động, dám làm, dám thử thách, kiên định với mục tiêu.
Viettel IDC là doanh nghiệp chuyên đi làm chuyển đổi số, vậy trong nội tại, các ông đang chuyển đổi như thế nào?
Viettel IDC xác định chuyển đổi số là chiến lược dài hạn, nên chúng tôi bắt đầu từ sớm. Ngay trong nội bộ, chúng tôi cũng tự đặt cho mình những mục tiêu chuẩn đổi trong 6 lĩnh vực.
Đầu tiên là văn hóa. Công ty phải hình thành văn hóa số
Thứ 2 là chuyển đổi trong chiến lược
Chuyển đổi trong lĩnh vực dữ liệu
Chuyển đổi trong vận hành, khai thác
Chuyển đổi trong trải nghiệm khách hàng.
6 lĩnh vực này có 139 tiêu chí, tất cả tiêu chí đó chúng tôi chia thành các giai đoạn và đến thời điểm này, chúng tôi hiện ở mức nâng cao (Advancing) - level 4/5 của TMForum và đang hướng tới mức dẫn đầu (Leading). Vì thế, chúng tôi mới hiểu và tư vấn cho khách hàng trong các lĩnh vực – lĩnh vực nào cần thay đổi trước, mỗi lĩnh vực có bao nhiêu tiêu chí và áp dụng thế nào để phù hợp với doanh nghiệp. Bộ máy của IDC cũng vận hành theo bộ tiêu chí chuyển đổi số của TM Forum và có ngân sách dành cho việc này.
Để hình thành một đội ngũ "thiện chiến" cho vị trí số một thị trường, việc đào tạo tại Viettel IDC được tiến hành thế nào?
Đào tạo ở IDC có 2 mô hình, thứ nhất là có người hướng dẫn và học thông qua các nhiệm vụ. Mô hình thứ 2 là tự đào tạo. Mỗi năm IDC dành ngân sách cho mỗi cá nhân 10 triệu để tự học. Công ty cũng hỗ trợ cán bộ nhân viên trong việc thi các chứng chỉ quốc tế. Năm 2022, chúng tôi hỗ trợ 84 cán bộ nhân viên lấy 87 chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực công nghệ.
Tôi rất ấn tượng với một câu nói của ông: "Viettel IDC muốn giúp Việt Nam tiếp cận với cloud với giá chỉ bằng một cốc trà đá". Cách tiếp cận đó đã đem đến hiệu quả như thế nào?
Câu nói đó vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng. Nghĩa đen là chúng tôi có những cấu hình với giá hơn 100.000 đồng cho một gói máy chủ ảo, chia ra chỉ 3.000-4.000 đồng/ngày.
Về nghĩa bóng, chúng tôi dùng hình tượng đó để nói về cách tiếp cận thân thiện, giúp doanh nghiệp, tổ chức, người dân không gặp quá nhiều rào cản về mặt chi phí. Chi phí đã thấp đến mức ai cũng có thể dùng được. Minh chứng là trong thời gian qua, các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) chính là những doanh nghiệp dùng dịch vụ của chúng tôi nhiều nhất. Họ chỉ cần bỏ ra một số tiền tối thiểu, không cần có IT, đội ngũ am hiểu về dịch vụ để có thể dùng cloud. Họ có thể hoàn toàn dựa vào đội ngũ của Viettel IDC hoặc các nhà cung cấp khác để tư vấn, sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện nhất.
Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận đúng đắn để xóa bỏ rào cản. Khi nghĩ đến cloud, người ta không còn nghĩ về những thứ phức tạp, đắt đỏ mà họ không biết làm thế nào. Viettel IDC muốn hướng đến một cách tiếp cận thân thiện, dễ dàng hơn cho tất cả doanh nghiệp.
Đó là các dịch vụ giá mềm, dễ tiếp cận, dễ sử dụng. Vậy Viettel IDC có nghĩ đến việc tạo ra các dịch vụ mang tính độc nhất mà chưa doanh nghiệp nào có thể cung cấp hay không?
Để một khách hàng quyết định sử dụng sản phẩm, có 3 yếu tố. Thứ nhất là sự khác biệt – sản phẩm độc nhất. Nếu sản phẩm không có gì khác biệt thì bắt đầu đến giá – cạnh tranh về giá. Yếu tố thứ 3 là con người – trải nghiệm khách hàng, chăm sóc khách hàng.
Yếu tố đầu tiên là thứ doanh nghiệp nào cũng hướng đến. Đó là một đại dương rất xanh – một sản phẩm độc nhất có nghĩa là mình có quyền đi tiên phong, có thể định giá mà mình muốn và khách hàng phải chạy theo mình. iPhone của Steve Jobs là một sản phẩm như thế. Đó là một sản phẩm rất khác biệt.
Trong lĩnh vực công nghệ này, để tìm ra một sản phẩm độc nhất vô nhị rất khó. Đối với Viettel IDC, khi làm sản phẩm, điểm đầu tiên là hướng đến khách hàng bởi triết lý của chúng tôi là phụng sự. Nếu làm ra một sản phẩm mà thị trường không có, chúng tôi cũng sẽ không định giá trên trời để kiếm lời, triết lý của chúng tôi là phục vụ con người, phục vụ xã hội chứ không phải chỉ là lợi nhuận doanh nghiệp.
Do đó, nếu làm ra một sản phẩm khác biệt thì mục tiêu vẫn là phục vụ xã hội, phục vụ con người, chứ không phải chỉ để kiếm tiền.
Tôi được biết một trong những bước chuyển mình lớn trong năm 2023 của Viettel IDC là Go Global - tiến ra các thị trường quốc tế, điều mà chưa một nhà cung cấp dịch vụ nội địa nào làm được, vậy chiến lược của Viettel IDC là gì thưa ông?
Đầu tiên, khi một doanh nghiệp đi làm công nghệ, chúng tôi cần xác định vị thế của mình bởi trong lĩnh vực này, thị trường và yếu tố "know how" quyết định rất lớn.
Viettel có tổng các thị trường khoảng 250 triệu dân, trải dài trên 10 quốc gia đang đầu tư, rộng hơn nữa là thị trường toàn cầu với 7 tỷ dân. Trong số này, có những quốc gia phát triển hơn, có quốc gia tương đương và cả quốc gia kém phát triển hơn Việt Nam.
17 năm trước, Viettel đã đi và đến thời điểm này là thành công trong lĩnh vực viễn thông. Đây là thời điểm chín muồi cho các dịch vụ ICT, giải pháp chuyển đổi số nên Viettel IDC quyết định "xuất ngoại".
Đây cũng là chiến lược tận dụng và phát huy lợi thế cạnh tranh mà tập đoàn mẹ có. Một số doanh nghiệp trong khối CNTT của Viettel cũng đang hướng ra các thị trường khác như Philippines, Indonesia hay Mỹ, Nhật, Đài Loan. Viettel IDC cũng là một trong những trụ cột để tiến ra nước ngoài.
Đối với Campuchia, Viettel có liên doanh với MetFone và Viettel IDC đã cung cấp dịch vụ cloud tại đây từ năm 2021. Năm nay sẽ đẩy mạnh thêm còn Lào, Myanmar chúng tôi sẽ bắt đầu cung cấp trong năm nay.
Vậy ông đánh giá thách thức của Viettel IDC tại những thị trường này sẽ là gì?
Hầu hết các nước Viettel đầu tư đều đang đi sau Việt Nam khoảng 5 năm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ tận dụng những kinh nghiệm có được ở Việt Nam để đưa sang những thị trường này. Đây là thuận lợi.
Tuy nhiên, tại đây chúng tôi cũng vẫn phải cạnh tranh với các Big Tech. Lợi thế của mình là telco đi làm cloud, telco đi làm DC, mình có lợi thế về hạ tầng, quy mô khách hàng và thương hiệu. Mình đã hiện diện hàng chục năm tại đó rồi.
Khó khăn chúng tôi phải đối mặt có lẽ sẽ là về mặt nhân sự. Những quốc gia này chưa phát triển bằng Việt Nam, năng lực đào tạo cũng kém hơn trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, việc tìm kiếm, xây dựng nguồn lực tại đây là cả một thách thức.
Tiến ra thị trường nước ngoài chưa bao giờ là việc dễ dàng, tuy nhiên tôi luôn cho rằng, những khó khăn, thách thức ấy sẽ trở thành cơ hội để chúng tôi có thể bứt phá và tiến xa hơn nữa
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nhịp sống Kinh tế