Là đơn vị dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng với hơn 50% thị phần nhưng những con số về tăng trưởng hiện tại vẫn chưa phải mục tiêu cuối cùng của FE CREDIT.
Toàn thế giới đã chính thức khép lại năm 2020 - một năm đầy biến động và nhiều thử thách trước cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19. Tại Việt Nam, bên cạnh đại dịch, thì sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt còn gây thêm áp lực lên nền kinh tế nói chung và đời sống của một bộ phận không ít người dân nói riêng.
Dù vậy, trong nguy luôn có cơ, Covid-19 cũng đem lại mức tăng trưởng "không tưởng" cho những cá thể linh hoạt, nhanh chóng ứng phó theo biến động thị trường. Một trong số đó, công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam – FE CREDIT – ghi nhận mức tăng trưởng 6,4% tổng dư nợ sau 9 tháng (số liệu mới nhất), đạt 64.000 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn (CAR) cũng tăng thêm 1,8 điểm % so với cùng kỳ lên mức 17,4%.
Có được mức tăng trưởng trên là nhờ nhu cầu về nguồn vốn sinh hoạt, kinh doanh cũng như đầu tư mới tăng cao giữa đại dịch, bên cạnh việc FE CREDIT kiểm soát tốt và tối ưu hóa các quy trình. Chi phí hoạt động cũng đóng một vai trò quan trọng củng cố sự tăng trưởng ổn định từ đầu năm.
Dù vậy, là đơn vị dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng với hơn 50% thị phần, những con số tích cực trên không phải mục tiêu cuối cùng của FE CREDIT. Ngược lại, CEO của FE CREDIT – Ông Kalidas Ghose nhấn mạnh nhiều hơn đến việc giúp đỡ những người tiêu dùng tiếp cận được vốn vay lành mạnh. Đây cũng là sứ mệnh xuyên suốt của FE CREDIT ngay từ ngày đầu thành lập, đó là hỗ trợ người có thu nhập thấp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, đồng hành cùng họ trong những mục tiêu lớn của cuộc đời, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn đang hoành hành như hiện nay.
Bắt nguồn từ ý tưởng hỗ trợ tài chính cho người có thu nhập thấp – đối tượng thường chỉ có thể "xoay tiền" từ người quen hoặc vay "nóng" với lãi suất rất cao – FE CREDIT đặt mục tiêu tạo dựng nền móng cho sự phát triển công ty tài chính tiêu dùng Việt. Bởi, "tín dụng đen" không chỉ tạo áp lực cho phía người đi vay, mà còn là chướng ngại vật kéo chân thị trường tài chính khó phát triển.
Chính thức đảm nhận nhiệm vụ trên vai trò CEO của FE CREDIT từ năm 2015, ông Kalidas Ghose chia sẻ, những ngày đầu tiên thực sự thử thách và để lại dấu ấn không thể quên. Lúc bấy giờ, vay tiêu dùng còn là khái niệm quá mới mẻ trên thị trường, đòi hỏi các đơn vị tham gia phải dành nhiều thời gian, công sức định hướng khách hàng về sản phẩm, từng bước đưa các gói vay tiêu dùng tiếp cận người có nhu cầu và thiết lập tiến trình thanh toán phù hợp khả năng tài chính của người đi vay.
Bằng những kiên định đi cùng mục tiêu lớn lao, đến nay thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tương đối trưởng thành với quy mô hơn 1 triệu tỷ đồng cùng hàng chục doanh nghiệp trong ngoài nước tham gia. Về phía khách hàng, ngày càng nhiều người tiếp cận được dòng vốn này với sự nhận thức ngày càng cao. Để có được thành quả này, không thể không nhắc đến vai trò của những người đi đầu là FE CREDIT.
Năm 2020 cũng là năm đánh dấu doanh nghiệp tròn 10 năm tuổi, nhìn lại chặng đường qua FE CREDIT đã vươn lên giữ vị trí số 1 trong thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, chiếm hơn 50% thị phần với hơn chục ngàn điểm giới thiệu dịch vụ hiện diện trên khắp cả nước, thực hiện hơn 15 triệu hợp đồng cho vay thông qua bộ máy gần 20.000 cán bộ nhân viên.
Đến nay, FE CREDIT đã phục vụ hơn 11 triệu khách hàng, trong đó có hơn 4 triệu khách hàng thân thiết thường xuyên sử dụng các dịch vụ vay tiêu dùng. Mạng lưới đối tác của doanh nghiệp này cũng không ngừng được mở rộng với 9.500 đối tác chiến lược tại hơn 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Không những vậy, FE CREDIT còn là công ty tài chính duy nhất 3 năm liên tiếp (2017 - 2019) nằm trong top các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước; vinh dự nhận giải thưởng Công ty tài chính tiêu dùng tốt nhất Đông Nam Á 2018; Sản phẩm tài chính tiêu dùng xuất sắc nhất năm 2019…
Dù vậy, khi nói về thành công này, CEO của công ty bày tỏ: "Chúng tôi nghĩ FE CREDIT chỉ mới hoàn thành một phần nhiệm vụ. Mỗi ngày tới đây, chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành mục tiêu đề ra, cũng như có thể tiếp cận khách hàng sớm và nhanh hơn".
Theo lãnh đạo FE CREDIT, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tiềm năng với gần 100 triệu dân và 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình. Trong tương lai gần, kỳ vọng thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng trưởng nhiều hơn so với các nước khác trong khu vực.
Báo cáo mới nhất của FiinGroup ghi nhận, nhu cầu tín dụng đang tăng trước xu hướng cao cấp hóa trong tiêu dùng. Ngoài ra, Covid-19 đã và đang thay đổi cục diện ngành tài chính tiêu dùng, bằng việc tạo ra sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của hành vi thanh toán không tiền mặt…
Thị trường tài chính tiêu dùng cũng chứng kiến hàng loạt tên tuổi mới gia nhập, đơn cử có Huyndai Card (Hàn Quốc) đầu tư 50% cổ phần của FCCOM, hay một công ty khác là HAFIC cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tìm cách mua lại trong năm 2020… Nhìn chung, sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh sẽ mang lại động lực tăng trưởng mới cho thị trường.
Không phủ nhận quan điểm trên, đại diện FE CREDIT nhấn mạnh: "Tốc độ phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng nhanh, tuy nhiên, quy mô thị trường chưa tương xứng với tiềm năng của dân số Việt Nam. Tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng thị trường này sẽ ở mức 2-3 lần so với hiện tại".
Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng 2019 – Nguồn: Báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam 2020 của FiinResearch, Euromonitor International
Để nắm bắt cơ hội, FE CREDIT thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh danh mục đầu tư nhằm thu hút khách hàng hiện hữu và giảm thiểu rủi ro trên tập khách hàng mới. Công ty cũng sẽ tối ưu hóa chi phí thông qua việc tăng tốc triển khai và áp dụng các công nghệ tiên tiến như Chữ ký điện tử, Trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, FE CREDIT còn chú trọng đến các ứng dụng kỹ thuật số trên cả dịch vụ front-end và back-end.
Dù lạc quan vào thị trường song ông Kalidas Ghose vẫn có những băn khoăn là làm sao để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh hơn nữa. Một trong những đề xuất, theo ông, là pháp luật cần có thêm những quy định nhằm bảo vệ người cho vay và đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm ngặt với các hành vi lừa đảo của các đối tượng giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt tiền từ các tổ chức tín dụng. "Song song đó, cần hạn chế hoạt động của các tổ chức tín dụng phi pháp, các tổ chức không được cấp phép do những tổ chức này không chia sẻ dữ liệu với trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), từ đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống vay tiêu dùng", vị CEO của công ty tài chính tiêu dùng số 1 Việt Nam đề xuất.
Không chỉ đặt mục tiêu đạt hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận, trên vai trò người dẫn đầu ngành với mức ảnh hưởng hơn 50% toàn thị trường, FE CREDIT khẳng định quan tâm đặc biệt đến số lượng người tiếp cận vay tiêu dùng lành mạnh. Ông Kalidas Ghose kỳ vọng đến năm 2024, FE CREDIT sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất hợp lý và trải nghiệm thuận tiện, an toàn cho 18-20 triệu khách hàng, thông qua những nền tảng công nghệ hiện đại.
Xa hơn, Công ty mong muốn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới những giá trị phát triển bền vững cả trên phương diện kinh tế lẫn cộng đồng.
Thực tế trong thập kỷ qua, FE CREDIT cũng đã thể hiện được trách nhiệm của mình khi chung tay hiện thực hóa hàng triệu ước mơ của khách hàng. Trong đó, FE CREDIT cùng nhiều đơn vị khác tham gia thị trường vay tiêu dùng đã chứng minh hiệu quả của sản phẩm này phù hợp với nhu cầu tài chính của khách hàng, từ những hoạt động bình dị nhất như mua bán xe máy, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Thông qua FE CREDIT, những tiểu thương, công nhân, lao động phổ thông dần tiếp cận gói vay từ vài triệu đến vài chục triệu, giúp họ giải quyết bài toán tài chính của cá nhân và gia đình ở một mức lãi suất thấp hơn nhiều lần so với "vay nặng lãi" đã từng quen thuộc trong cuộc sống của họ.
Vừa qua, một lần nữa, doanh nghiệp này nêu cao tinh thần cộng đồng khi quyết định tạm dừng các hoạt động nhận dịp kỷ niệm 10 năm thành lập để dành nguồn kinh phí 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong Covid-19, FE CREDIT đã thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 250.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng, đồng thời xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đến nay, FE Credit đã hỗ trợ thành công cho gần 200.000 khách hàng.
Nhịp sống kinh tế