Sau hơn 14 năm gắn bó và có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Sacombank, vào tháng 7 năm 2017, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được giao trọng trách Tổng giám đốc điều hành ngân hàng này bước vào hành trình tái cơ cấu sau sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Hẳn nhiều người còn nhớ, Sacombank lúc bấy giờ phải đối diện với các khoản nợ xấu lớn của giai đoạn trước để lại, tài sản có không sinh lời chiếm 30% tổng tài sản của nhà băng này. Không những vậy, tình hình khó khăn còn khiến Sacombank đối mặt với "dòng chảy chất xám" khi những nhân sự giỏi liên tục bị các ngân hàng khác câu kéo bằng các chính sách phúc lợi hấp dẫn hơn. Khách hàng của Sacombank cũng bị đối thủ cạnh tranh kéo đi không ít.
Sứ mệnh của bà Diễm lúc bấy giờ là một mặt phải tiếp tục duy trì điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiệu quả, từng bước đưa Sacombank trở lại tốc độ tăng trưởng tích cực, một mặt phải xử lý nhanh chóng những tồn đọng sau sáp nhập trong đó chú trọng nhất là xử lý nợ xấu và tái cấu trúc mọi mặt hoạt động của ngân hàng.
Dù gắn bó với Sacombank nhiều năm và kinh qua nhiều vị trí công tác, nhưng tiếp nhận vai trò Tổng giám đốc với tình trạng nợ xấu cao, hoạt động kinh doanh chững lại và uy tín thương hiệu giảm sút là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên bà Diễm xác định bản thân là người làm công chuyên nghiệp, nghĩa là việc gì tốt nhất cho cổ đông, khách hàng và cán bộ nhân viên thì sẽ chấp nhận mọi khó khăn để thực hiện và sẵn sàng cho một hành trình tiên phong đổi mới.
Bằng những chính sách quyết liệt và đồng bộ mà bà Diễm và các cộng sự triển khai, ngay trong 2 năm đầu tái cơ cấu là 2017 và 2018, về cơ bản, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của đề án, hoạt động kinh doanh từng bước chuyển biến tích cực theo hướng ổn định. Những kết quả có thể nhìn thấy rõ nhất đó là công tác quản trị điều hành được công khai, minh bạch; tổ chức bộ máy, nhân sự và mạng lưới được kiện toàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Chỉ từ 2016 đến 2018, tỷ trọng tài sản có không sinh lời của ngân hàng đã giảm từ 29,3% xuống còn 18,3%; vốn tự có được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) từ 9,61% trong năm 2016 lên 10,71% vào năm 2018, song song với việc nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II. Đặc biệt, vấn đề sở hữu chéo đã được Sacombank xử lý triệt để.
Bước sang năm 2019, Sacombank tiếp tục có những bứt phá mới khi nợ xấu đã được giải quyết với tiến độ nhanh, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống chỉ còn chưa đến 2%, lợi nhuận tiếp tục tăng vọt và đã cán đích 3.217 tỷ đồng – là năm thứ 3 liên tiếp vượt xa kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản đến cuối năm 2019 đạt hơn 453 ngàn tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 410 ngàn tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 296 ngàn tỷ đồng – đều là các con số cao vượt mong đợi và Sacombank đang trở về đường đua trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu thị trường.
Ngoài ra, Sacombank đã hoàn tất quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II để áp dụng từ đầu năm 2020 theo đúng lộ trình thông tư 41, song song với việc duy trì được hệ khách hàng ổn định gần 6 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong năm 2019, Sacombank cũng đã khai trương hoạt động tại 4 tỉnh miền Bắc gồm Lào Cai, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, nâng mạng lưới lên 570 điểm giao dịch tại 52 tỉnh thành Việt Nam cùng hai nước Lào, Campuchia; đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định về doanh thu và thị phần.
Giai đoạn khi mới nhậm chức, bà Diễm và các cộng sự đã bắt tay giải quyết bài toán giữ chân nhân sự bằng cách thuyết phục hội đồng quản trị đưa ra chính sách phúc lợi mới, tạo kết nối trong nội bộ và cách hành xử đi từ cái tâm. Bà Diễm cho rằng chính cái tâm sáng, đủ mạnh, đủ lửa truyền để hàng nghìn nhân sự cùng đặt niềm tin và đưa Sacombank vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bà sớm nhận diện văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong kết nối đội ngũ vốn là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của quá trình tái cơ cấu đầy khó khăn thách thức. Vì lẽ đó, Sacombank đã đưa ra các định hướng tập trung vào vấn đề con người và gầy dựng lại cốt lõi văn hoá doanh nghiệp.
Khi nhận xét về bà Diễm, các cộng sự công nhận bà không chỉ là một CEO rất biết truyền cảm hứng mà còn vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán. Kể từ khi tham gia điều hành, bà luôn nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn từ hội sở cho tới các chi nhánh nên luôn sát sao và quyết liệt với mọi hoạt động của ngân hàng, nhờ vậy mà Sacombank đã tiến triển tích cực ở tất cả các mặt. Đối với hoạt động phong trào, bà cũng luôn là người tiên phong truyền cảm hứng cho cán bộ nhân viên. Tháng 3 năm 2019 bà khởi xướng chương trình sức trẻ với thông điệp người Sacombank khoẻ về thể chất, mạnh về tinh thần, không chỉ tác động tích cực đến thói quen rèn luyện sức khoẻ và nâng cao tinh thần đồng đội đến từng nhân viên trên toàn hệ thống mà còn lan toả đến cộng đồng xã hội về một Sacombank trẻ trung năng động.
Những người đã đồng hành cùng bà Diễm hơn 17 năm ở Sacombank cho biết ngay từ khi còn trẻ bà Diễm là một người rất mạnh mẽ và quyết đoán, và tính cách ấy càng được thể hiện rõ hơn khi bà làm CEO, bởi với trách nhiệm nặng nề hơn và khó khăn hơn thì không thể dĩ hòa vi quý như với một người bình thường. Và khi làm CEO trong một môi trường mới, một hội đồng quản trị mới, một thời kỳ mới của nền kinh tế và đặc biệt là một Sacombank mới - phải tái cơ cấu, thì bà bắt buộc phải tiên phong trong mọi thử thách và dẫn dắt nhân viên trên hành trình thay đổi để phát triển.
Và những nỗ lực của bà Diễm và các cộng sự đã được đền đáp. Chỉ sau chưa đầy 3 năm tái cơ cấu, cán bộ nhân viên Sacombank đã đồng lòng tiến bước, quy mô hoạt động của ngân hàng được tăng lên cùng với những kết quả kinh doanh khả quan và tiến độ tái cơ cấu vượt kế hoạch. Vị thế của Sacombank đã được khẳng định trở lại với một nền tảng phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững. Đây chính là cơ sở để ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện các cơ chế chính sách, rút ngắn thời gian tái cơ cấu nhằm hiện thực hoá mục tiêu tối đa giá trị gia tăng cho các cổ đông, khách hàng, đối tác.
Trải qua hành trình 28 năm phát triển, Sacombank đã nhiều lần chứng kiến những thăng trầm. Nhưng có một dòng chảy văn hoá vẫn luôn âm thầm tồn tại và gần như không thay đổi đó là sự minh bạch, tận tâm và đồng lòng.
Văn hóa ấy có được phải kể đến công lao của thế hệ lãnh đạo sáng lập đã định hướng tư duy về cách làm ngân hàng đúng nghĩa. Ở đó, Sacombank đã tạo dựng một môi trường làm việc giúp nhân viên tối đa hoá giá trị dựa trên nền tảng cơ chế lương thưởng tốt, chiến lược phát triển bền vững, không có tư duy tư lợi nên mọi người tận tâm đồng hành và cống hiến.
Với hơn 17 năm gắn bó với Sacombank và được chọn ở "ghế nóng" khi nền tảng văn hoá doanh nghiệp có dấu hiệu mai một, hơn ai hết bà Diễm hiểu rằng bản thân mình phải khơi dậy tinh thần hào khí Sacombank đến tất cả nhân viên, đặc biệt là những người mới để cùng nhau vực dậy ngân hàng. Và bằng chính sự tận tâm minh bạch, bà hành xử nhất quán và đưa ra những thông điệp nhằm khuyến khích, truyền cảm hứng đến nhân viên và bản thân mình thì luôn đặt niềm tin ở họ. "Khi được tin tưởng, người ta sẽ có đủ sức mạnh và sự can đảm để vượt qua mọi cám dỗ. Khi mọi người đủ mạnh mẽ để vượt qua cái tôi, sự ích kỷ và những giới hạn của bản thân, cùng nhau nhìn về một hướng thì mọi việc sẽ đều có kết quả như mong đợi" – bà Diễm đã từng chia sẻ như thế và cho biết luôn tự tin vào các quyết định cũng như hành xử của bản thân và cộng sự.
"Mỗi hành trình đều khởi nguồn từ những bước đầu tiên. Khi niềm tin đã kiện toàn thì đôi chân sẽ vững vàng tăng tốc" – đó là thông điệp mà CEO Sacombank đã cho phát đi cho toàn thể cán bộ nhân viên tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập của nhà băng này hồi cuối tháng 12 năm 2019 vừa qua. Bởi bà Diễm tin rằng, qua 28 năm hình thành và phát triển, cùng với những thăng trầm, thì người Sacombank vẫn luôn giữ trọn tinh thần tiếp bước tiên phong và đây là lúc để tiếp tục vươn lên trở thành một ngân hàng hiện đại, năng động và uy tín.
Điểm lại thành tựu 3 năm tái cơ cấu và phục hồi, Sacombank đã gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển quy mô và thị phần; quyết liệt xử lý nợ xấu; cải thiện chỉ số tài chính; trở thành đối tác tin câỵ với nhiều tổ chức, công ty tài chính trong và ngoài nước. Có được kết quả đó là nhờ ngân hàng luôn chọn nhân sự là nòng cốt để kiện toàn nội lực và chọn khách hàng là trọng tâm để tăng tốc cùng phát triển.
Và những thành tựu hôm nay, theo người đứng đầu điều hành của Sacombank, chính là bằng chứng về sự tín nhiệm, đồng hành của khách hàng, đối tác và cổ đông trong suốt chặng đường đã qua. CEO của Sacombank hoàn toàn có cơ sở để tự hào về đội ngũ nhân sự của mình và tin rằng trong năm 2020, với ý chí mạnh mẽ và lòng quyết tâm, tập thể ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần sức trẻ để cùng nhau bứt phá tư duy và nâng tầm giá trị.
Với những nỗ lực trong điều hành và dẫn dắt Sacombank tái cơ cấu đúng lộ trình và đầy ấn tượng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã trở thành CEO duy nhất của ngành ngân hàng được vinh danh là Doanh Nhân Sao Đỏ trong năm 2019 – giải thưởng danh giá dành cho các Doanh nhân trẻ Việt Nam trong hành trình hội nhập và phát triển. Tuy nhiên khi nói về danh hiệu này, bà Diễm nhìn nhận đây là thành tựu của cả một tập thể, trong đó bà đặc biệt tri ân sự chỉ đạo quyết liệt của hội đồng quản trị, đặc biệt là sự thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ của ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT, cùng sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát và phương pháp thực thi đầy trách nhiệm của ban điều hành và sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ nhân viên để đưa Sacombank từng bước kiện toàn, tăng tốc và trở lại đường đua.
Trí Thức Trẻ