img
CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 1.
CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 2.

Điện toán đám mây được coi như một hạ tầng quan trọng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Dưới góc nhìn của một nhà cung cấp nội địa lớn nhất, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng sử dụng hạ tầng này ở các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước?

Nói đến cuộc cách mạng 4.0 là nói đến sự chuyển đổi các ứng dụng, số hoá các dữ liệu một cách triệt để.

Hiện nay, dữ liệu tại Việt Nam chỉ được số hóa một phần khá khiêm tốn và hạ tầng hiện tại cũng chỉ phục vụ cho tỷ lệ đó thôi. Nhưng đến thời điểm 100% dữ liệu, ứng dụng được số hoá, chắc chắn  sẽ đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin lớn, gồm phần xử lý số liệu, lưu trữ, mạng lưới, đường truyền…

Và điện toán đám mây là hạ tầng lý tưởng cho những chuyển đổi đó. Điện toán đám mây thực tế là một nền tảng cung cấp tài nguyên cho người dùng (có thể là bất cứ thứ gì liên quan đến điện toán, máy tính ví dụ phần cứng, phầm mềm, hạ tầng mạng…), giúp họ chuyển đổi số một cách linh hoạt, đỡ bị sốc bởi chi phí đầu tư thiết bị và vận hành như khi sử dụng hạ tầng truyền thống.

Về tính ứng dụng, với các tổ chức, nó giống như chuyển đổi mô hình hoạt động. Trước đây, họ phải mua, đầu tư hạ tầng CNTT cho mình và phải chịu phần chi phí lãng phí do không sử dụng hết tài nguyên, giờ chuyển sang đi thuê, chỉ phải trả tiền cho phần tài nguyên mà mình sử dụng (Pay as you go).

Với thói quen đầu tư cho tài sản (đi mua), nếu chuyển sang sử dụng điện toán đám mây (đi thuê), doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Quá trình đó phải có thời gian để "tiêu hoá" tài sản cũ và thay đổi thói quen. Do đó, 3 khối: doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp lớn, và cơ quan nhà nước thì tốc độ mỗi khối khác nhau.

SME chuyển đổi nhanh nhất vì bộ máy gọn nhẹ, đầu tư ít. Tiếp đó là doanh nghiệp, tập đoàn  lớn do họ rất chú trọng việc tối ưu chi phí vận hành, cái nào có lợi thì sẽ ứng dụng ngay, cho dù rất "đau thương" cũng làm. Cuối cùng là các tổ chức, cơ quan nhà nước, khối này cần nhiều thời gian hơn để chuyển đổi, họ không ngay lập tức vứt bỏ cái cũ được, không thể buộc họ chuyển đổi ngay ngày mai được.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 3.

Nếu so với 2 – 3 năm trước, ý thức chuyển đổi, sử dụng điện toán đám mây của các doanh nghiệp có thay đổi ra sao?

Thay đổi nhiều chứ. Một cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy, nếu như cách đây 2 – 3 năm, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp SME quan tâm đến việc ứng dụng điện toán đám mây vào hệ thống CNTT của họ, thì đến nay, con số đó đã  lên đến hơn 50%. Con số này cho thấy mức độ quan tâm và khả năng chuyển đổi của nhóm này là rất nhanh. Các doanh nghiệp lớn có mức độ quan tâm cao hơn, với tỷ lệ dao động khoảng 60 – 80%, còn cơ quan nhà nước thì từ 40 – 50%.

Khi làm việc với các DNNN hay cơ quan hành chính, tôi thấy họ thực sự muốn chuyển đổi vì một số lý do: Không gian mạng trở nên rủi ro hơn với nhiều hình thức tấn công ngày càng tinh vi và phức tạp, trong khi hệ thống quản trị của các cơ quan hành chính đã cũ, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn; Việc đầu tư dự án phức tạp và mất nhiều thời gian thực hiện; Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, vừa đầu tư xong thì có thể khoảng 1 năm sau đã có công nghệ mới thay thế, với các tính năng tối ưu hơn nhiều.

Nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp Việt đã "ngấm" những nhận thức về lợi ích của điện toán đám mây, và đang trong hành trình chuyển đổi rồi.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 4.

Nhu cầu sử dụng điện toán đám mây tăng khá nhanh, nhưng có vẻ như thị trường này vẫn chưa có sự bùng nổ, tại sao vậy?

Như tôi đã nói lúc nãy, có một vài rào cản như văn hoá sử dụng, mua sắm, đầu tư… khiến thị trường điện toán đám mây không thể bùng nổ nhanh được.

Tuy nhiên, có thể nhìn nhận theo góc độ này: 2 – 3 năm trước, số lượng SME quan tâm đến điện toán đám mây chỉ khoảng 20%, tỷ lệ này giờ đã tăng hơn gấp đôi. Doanh nghiệp cứ khởi nghiệp là dùng đến Cloud, họ đang bắt kip xu hướng "Cloud First" của thế giới. Ở Việt Nam, doanh nghiệp SME chiếm tới gần 90%, lực lượng này đang triển khai đám mây khá nhanh nhạy và có thể xem như đang làm bùng lên thị trường này.

Mặt khác, ở các công ty cung cấp hạ tầng cũng có sự thay đổi. Trước đây hoạt động cho thuê máy chủ rất tốt nhưng mấy năm nay sụt giảm mạnh. Riêng năm 2019, mức tiêu thụ máy chủ vật lý tại Việt Nam giảm 13% so với 2018 (theo báo cáo của Techsci Research về thị trường Việt Nam, 2019). Trong khi tỷ lệ tăng trưởng của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud luôn ở mức tiệm cận 3 chữ số.

Những điều này cho thấy thị trường cloud đã sôi động lắm rồi chứ không nhất thiết phải nhìn vào các cơ quan nhà nước mới là bùng nổ. Cơ quan nhà nước chỉ là phần còn lại trên hành trình chuyển đổi, phần nổi của tảng băng thôi. Và nhóm đối tượng này quy mô bé, tác động không lớn nên mọi người chưa cảm nhận được.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 5.

Vậy với nhóm doanh nghiệp, tổ chức nhà nước có nhu cầu lớn nhưng gặp nhiều rào cản. Theo ông, để thúc đẩy việc sử dụng điện toán đám mây ở nhóm này thì cần tháo gỡ ở đâu?

Các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thường rất khó thuyết phục với cấp trên về lợi ích dài hạn khi chuyển đổi lên điện toán đám mây và hướng xử lý đối với hạ tầng sẵn có sau khi chuyển đổi.

Vậy nên cần tháo gỡ theo 2 hướng: thứ nhất là phải có đội ngũ có thể xử lý dữ liệu, tài sản từ công nghệ cũ lên hạ tầng cloud. Cái này đòi hỏi quyết tâm của bộ máy quản lý ban ngành. Thứ hai là phải mạnh dạn đầu tư công nghệ mới nhất, tối ưu nhất ngay từ đầu thay vì đầu tư chỉ giải quyết vấn đề hiện tại, không linh hoạt. Tôi thấy các tổ chức vẫn làm một cách tự phát, thậm chí chọn các công nghệ chưa phải là công nghệ hàng đầu tại thời điểm đầu tư. Đây là việc tế nhị, liên quan đến chủ trương, cách tiếp cận của doanh nghiệp.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 6.

Nếu nhìn vào mặt tích cực, theo ông, đâu là điểm sáng về đầu tư điện toán đám mây ở các tổ chức, cơ quan Nhà nước?

Thứ nhất là về chính sách, đặc biệt là chính sách của Bộ TTTT. Bộ đã đưa ra một số văn bản hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ đầu tư sang thuê hạ tầng, và đang tạo ra những chuyển biến tích cực.

Thứ hai, nhiều bộ ngành cũng đã bắt đầu chuyển đổi dần. Dù có nhiều rào cản nhưng họ vẫn làm. Ở cấp Quốc gia, một số cơ quan đã mạnh dạn tiên phong, ví dụ như Bộ Tài chính, Bộ KHCN, Bộ GTVT…Ở cấp tỉnh, nhiều Sở ngành tại Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đồng Nai, Cần Thơ…cũng đã thành công khi ứng dụng "đám mây" vào hoạt động quản lý của địa phương mình.

Điểm chung của các đơn vị đấy là gì?

Sự quyết tâm! Lãnh đạo, đội ngũ của họ đều có quyết tâm để chuyển đổi một cách mạnh mẽ. Họ sẵn sàng làm dứt điểm, dám "vứt bỏ" những cái cũ, học hỏi nâng cao năng lực để chuyển đổi và vận hành, làm chủ cái mới. Họ ý thức được lợi ích của cái mới và họ sẵn sàng ưu tiên nguồn lực để triển khai triệt để.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 9.

Hiện không ít doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SME, đang sử dụng hạ tầng điện toán đám mây của các gã khổng lồ của thế giới trong lĩnh vực này như Amazon, Microsoft. Vậy các công ty trong nước khác có lợi thế gì trong một thị trường dịch vụ không biên giới?

Lợi thế đầu tiên là về hạ tầng kết nối và khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói. Xét cho cùng, mỗi doanh nghiệp đều mong muốn triển khai hệ thống một cách toàn diện, thống nhất. Doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu nhiều dịch vụ đa dạng, nhưng họ ở quá xa, không thể hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn, triển khai, vận hành, xử lý các vấn đề trước và sau bán tốt bằng các doanh nghiệp trong nước.

Thêm nữa, về việc hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Các trải nghiệm khách hàng do doanh nghiệp trong nước mang lại cho khách hàng sẽ tốt hơn vì có nhân sự hỗ trợ trực tiếp. Trong khi đó, các nhà cung cấp quốc tế thì đặt trung tâm hỗ trợ khách hàng ở nước ngoài. Mọi yêu cầu hỗ trợ sau bán của khách hàng đều được nhà cung cấp nước ngoài tính phí và không hề rẻ.

Thứ hai là vấn đề chi phí. Bề ngoài, giá dịch vụ cloud của doanh nghiệp ngoại có vẻ cạnh tranh, nhưng thực tế, họ sẽ thu thêm phí sử dụng băng thông Internet, băng thông nội bộ, truyền tải dữ liệu (data transfer) hàng tháng vì hạ tầng của họ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, khách hàng tưởng mua rẻ nhưng khi xuất hoá đơn mới thấy giá đắt hơn. Nếu sử dụng của doanh nghiệp nội địa thì sẽ không có phần tính thêm này vì giá dịch vụ được cung cấp là trọn gói.

Đấy là một lợi thế mà chỉ khách hàng khi dùng nhiều mới thấy được. Còn với những SME mỗi tháng chi tiêu khoảng 1 – 2 triệu đồng cho hạ tầng thì sẽ không cảm nhận rõ được.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 10.

Riêng với Viettel IDC thì điểm khác biệt trong cung cấp dịch vụ điện toán đám mây là gì?

Như tôi đã nói, việc sử dụng điện toán đám mây tức là một bước chuyển đổi hình thức kinh doanh: Từ đi mua chuyển sang đi thuê. Do vậy, niềm tin là điều rất quan trọng.

Viettel IDC là nhà cung cấp lớn, được thừa hưởng danh tiếng từ tập đoàn mẹ. Đấy chính là lợi thế niềm tin với khách hàng. Nếu như, đi thuê nhà, phải tìm địa chỉ tin cậy, an toàn, chất lượng, giá cả phải chăng thì việc tìm nơi để gửi, lưu trữ dữ liệu tin cậy còn quan trọng hơn. Thương hiệu Viettel đã có được sự tin tưởng ấy.

Mặt khác, Viettel IDC là nhà cung cấp hạ tầng bền vững, hiện đại và trải rộng. Chúng tôi xác định đầu tư bài bản ngay từ đầu cho cuộc chơi lớn về hạ tầng, chúng tôi làm chủ nền tảng công nghệ, tạo ra và cung cấp nhiều dịch vụ "Make in Viettel" trong  hệ sinh thái đa dạng, nên tối ưu được chi phí  với đầy đủ dải sản phẩm. Chúng tôi hiện có trên 20 sản phẩm trên nền tảng cloud, thuộc nhiều mảng sản phẩm: Compute (tính toán), lưu trữ, kết nối, bảo mật, các dịch vụ cho các doanh nghiệp nội dung số… Hiện tại, Viettel IDC là đơn vị sở hữu hệ sinh thái dịch vụ  đa dạng nhất ở Việt Nam.

Hơn 11 năm đi đầu triển khai cung cấp các dịch vụ hạ tầng và điện toán đám mây, là khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để Viettel IDC khẳng định được năng lực, kinh nghiệm của mình, để hầu hết các khách hàng lớn, khắt khe nhất cũng tin tưởng lựa chọn.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 11.

Viettel tuyên bố sẽ kiến tạo hạ tầng cho xã hội số. Vậy với điện toán đám mây, nền tảng cơ bản của cách mạng 4.0 được Viettel IDC đặt mục tiêu ra sao?

Chiến lược của Viettel IDC nằm trong cái chung của tập đoàn với giá trị, tôn chỉ là sáng tạo vì con người.

Chúng tôi xác định sẽ tạo ra platform cloud riêng cho người Việt Nam, để người Việt sử dụng bên cạnh những nền tảng của các nhà cung cấp trên thế giới. Hiện chúng tôi đã tạo ra một platform của chính mình, sắp  ra mắt trong thời gian tới.

Mặt khác, Viettel IDC cũng tái đầu tư 50% lợi nhuận cho việc phát triển công nghệ và hạ tầng, nền tảng. Chúng tôi hướng đến mục tiêu để Viettel IDC trở thành trung tâm dữ liệu quốc gia, và là nơi lưu trữ dữ liệu của tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và người dân.

Platform như ông nói, cụ thể là gì?

Cloud platform. Tôi sẽ bật mí vào thời điểm sớm nhất. Thật ra nền tảng này đã được kinh doanh rồi.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 12.

Khi cung cấp các dịch vụ viễn thông trước đây, Viettel luôn có triết lý "cho mọi người". Với dịch vụ điện toán đám mây triết lý "cho mọi người" được thể hiện như thế nào?

Nó thể hiện rất rõ ở dải sản phẩm mà chúng tôi cung cấp. Viettel IDC đưa ra gần 30 sản phẩm, trong đó, hơn 20 sản phẩm về cloud. Đây là hệ sinh thái sản phẩm đa dạng nhất, trải rộng đến tất cả các nhóm khách hàng và giải quyết được nhu cầu của họ, theo nhiều tiêu chí khác nhau.

Những tiêu chí này, ví dụ như tài chính. Viettel IDC có sản phẩm sử dụng dịch vụ điện toán đám mây với giá chỉ bằng ly trà đá (dịch vụ Viettel Start Cloud). Chúng tôi cũng cho khách hàng thuê dịch vụ, quy mô nhỏ hay lớn cũng thuê được, khách hàng chưa có tiền thì Viettel IDC đầu tư trước, họ được trả chậm, trả dần, hoặc theo hình thức turn key – hình thức sở hữu sau một thời gian sử dụng.

Hay để phá bỏ rào cản về lo ngại an toàn, chúng tôi đưa ra các giải pháp đã đạt tiêu chuẩn toàn cầu về bảo mật, khách hàng sẽ được dùng thử. Nếu họ hài lòng thì mới mua, còn không thì cũng không mất phí gì cả.

Tiếp nữa, chúng tôi phá bỏ đi những rào cản về công nghệ. Có những dự án Viettel IDC tư vấn, triển khai, thậm chí là vận hành luôn hệ thống của khách hàng. Họ không phải lo lắng gì cả, cứ tập trung vào lõi kinh doanh. Công nghệ để chúng tôi lo.

Những rào cản của khách hàng sẽ được chúng tôi tìm cách trong từng sản phẩm. Đó chính là triết lý làm việc, lấy khách hàng làm trọng tâm để giải quyết vấn đề.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 14.

Mới đây, Viettel hợp tác với Megazone (Hàn Quốc) để cung cấp sản phẩm điện toán đám mây "Make in Viettel" cho khoảng 3.000 doanh nghiệp Hàn hoạt động ở Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ đem đến triển vọng gì cho việc phát triển của Viettel IDC?

Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Họ hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.

Các doanh nghiệp FDI là một trong những đối tượng chuyển đổi cloud nhiều nhất, tỷ lệ từ 90 – 100%. Do vậy, đây vừa là một cơ hội vừa là thách thức cho Viettel IDC.

Mặt khác, xu hướng chung giờ là multi-cloud, tức không có doanh nghiệp nào sử dụng 1 nền tảng cloud cả, họ phân tán dữ liệu sang từ 2 – 3 nhà cung cấp, trên nhiều nền tảng khác nhau để đảm bảo sự an toàn. Và chúng tôi hướng đến thị trường đấy.

Như vậy, chúng tôi có cơ hội để nhắm đến các tập đoàn, doanh nghiệp FDI này. Đó là thị trường rộng hơn. Việc hợp tác với Megazone đến từ Hàn Quốc hay các Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu, Mỹ, Nhật,…tại Việt Nam cũng nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển mới hướng tới cộng đồng các doanh nghiệp FDI  của Viettel IDC.

CEO Viettel IDC:  Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ! - Ảnh 15.

Viettel IDC có chiến lược đưa điện toán đám mây "go global" không?

Chiến lược này đã có rồi. Trong năm 2019 chúng tôi đã cung cấp cloud cho thị trường Campuchia, tiến tới thì là Myanmar, Lào. Chúng tôi đã đi tiền trạm và tổ chức các buổi khảo sát thị trường, đánh giá, tổ chức hội thảo. Vừa qua Viettel IDC đã làm hội thảo về điện toán đám mây trong ngành ngân hàng ở Lào và được đón nhận tích cực.

Khi "go global", đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh của Viettel IDC?

Chúng tôi xác định "go global" trước tiên là phạm vi các nước mà Viettel đã đầu tư. Vì thế, Viettel IDC có một số lợi thế mà các doanh nghiệp khác không có. Thứ nhất là vị thế của một thương hiệu đã được khẳng định. Thứ nữa là tập khách hàng, cơ sở hạ tầng.

Ở nhiều nước, thị trường của họ đang như Việt Nam 5 năm về trước, chính thế, chúng tôi trở thành những người đi đầu, khai phá. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ, nguồn lực của Viettel đã đi triển khai sẽ giúp Viettel IDC không mất nhiều chi phí gia nhập thị trường.

Ông đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây trong vài năm tới?

Tăng trưởng sẽ đạt ở mức 2 – 3 con số. Đặc biệt là với doanh nghiệp lớn và SME thì là 3 con số. Nhóm DNNN thì con số khiêm tốn hơn một chút.

Vậy chiến lược phát triển của Viettel IDC là gì trong một thị trường có tốc độ tăng trưởng khủng như vậy?

Như tôi đã nói, đó là đầu tư cho công nghệ. 50% lợi nhuận của Viettel IDC dùng để tái đầu tư vào R&D để có thể tiếp tục dẫn đầu về thị phần cũng như cung cấp cho khách hàng một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng nhất.

Năm vừa rồi, chúng tôi đã tung ra những sản phẩm như Cloud AI dành cho việc xử lý những dữ liệu lớn, phức tạp, Cloud GPU dành cho xử lý đồ hoạ…

Viettel IDC sẽ tiếp tục đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, Microsoft… Thay vì đối đầu, chúng tôi hợp tác. Thực tế cũng không thể đối đầu được. Trên thế giới tôi chưa thấy trường hợp nào đối đầu mà thành công cả. Singtel đối đầu trực diện được 4 năm, sang năm thứ 5 thì phải hợp tác.

Viettel IDC không xác định đối đầu với những ông lớn này vì mình không thể đối đầu với nhu cầu khách hàng được. Thay vào đó, phải cung cấp một giá trị bên cạnh nền tảng ấy do xu hướng hiện nay là multi cloud.

Chúng tôi cũng tập trung vào việc hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp lớn từ nước ngoài tới Việt Nam.

Bên cạnh đấy, Viettel IDC sẽ đầu tư mạnh vào Data center, với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Hyperscale) tại Hà Nội (4 ha) và Tp.Hồ Chí Minh (3 ha), và ứng dụng thêm các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường theo xu hướng Green Data center… nhằm cung cấp một hạ tầng nền tảng vững chắc cho quốc gia. Đấy mới là nhiệm vụ chính của Viettel chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Cảm ơn ông!


Phương Ánh
Tuấn Mark
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên