Trò chuyện với báo Trí thức trẻ, Peter nói: "Thương hiệu của tôi đó, tôi luôn mặc áo đỏ. Nhiều người nghĩ là vì Angry Birds nên tôi mặc vậy nhưng không phải đâu. Trước khi Angry Birds thành công thì tôi đã mặc như vậy rồi. Không có áo đỏ thì không phải Peter!".
Trong buổi phỏng vấn, đồng sáng lập của Rovio Entertainmnet – công ty phát triển trò chơi huyền thoại Angry Birds nhắc đi nhắc lại nhận xét: "Không chỉ các startup mà cả các công ty lớn và chính phủ cũng cần có tinh thần khởi nghiệp".
Lần đầu tới Việt Nam, anh có chia sẻ với các startup là "Hãy khởi nghiệp với những ý tưởng đơn giản". Chính xác thì từ "đơn giản" ở đây có thể được hiểu như thế nào?
Ý tôi khi dùng từ đơn giản có nghĩa là nó phải dễ dàng để có thể hiểu được. Việc "đóng gói" sản phẩm và dịch vụ của bạn sao cho mọi người có thể hiểu được "cái này sinh ra để làm gì" là rất quan trọng đấy.
Cần phải đơn giản hóa mọi thứ. Thêm hiệu ứng, thêm tính năng thì rất dễ. Đơn giản mọi thứ, giảm bớt công đoạn mới là kỹ năng khó. Hãy tạo ra những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng. Đừng thêm quá nhiều thứ vào một sản phẩm và nghĩ rằng: "Ồ có thể là ai đó sẽ thích công dụng này". Nếu cứ nghĩ thế thì sản phẩm cuối cùng không tốt như tưởng tượng đâu.
Anh cũng khuyên "Đơn giản nhưng phải khác biệt". Làm thế nào để các startup có thể tìm được những điều đơn giản nhưng khác biệt để tập trung vào nó?
Sự khác biệt có thể ở trong mọi lĩnh vực. Hãy luôn luôn nhớ rằng: tạo ra một sản phẩm, một trò chơi, một dịch vụ khác biệt, đôi khi lại là phần dễ. Phần khó là làm thế nào để mang được nó ra thị trường, làm thế nào để mọi người biết đến sản phẩm của bạn.
Tôi tin là nếu bạn có thể tạo ra sản phẩm khác biệt thì dĩ nhiên nó sẽ phát triển. Tuy nhiên, bạn có mang được nó ra thị trường hay không, quảng bá nó được hay không lại là chuyện khác. Bạn sẽ luôn tìm được cách để làm mọi thứ thật khác biệt.
Hãy tưởng tượng, bạn cho ra mắt một trò chơi mới ra thị trường, khi mà có 700 trò chơi mới xuất hiện mỗi ngày và có hàng trăm ngàn trò chơi đã tồn tại trước đó, thì bạn phải trả lời câu hỏi: Sản phẩm của bạn khác gì so với tất cả những người khác? Tại sao người ta phải chọn bạn mà không phải 700 trò chơi ra mắt cùng thời điểm kia?
Thử thách không đơn giản là tạo ra sản phẩm. Sản phẩm rất nhiều, nhà cung cấp cũng vô vàn, rất nhiều sự lựa chọn. Vì thế, theo tôi, không phải là bạn cứ khác biệt thì mọi người sẽ chọn bạn, nhưng có khác biệt thì vẫn tốt hơn là không.
Hiện nay, Angry Birds không chỉ là một trò chơi, mà đã trở thành một hệ sinh thái. Vậy "điều đơn giản" mà anh đã bắt đầu với Angry Birds là gì?
Nếu nhìn lại Rovio (công ty phát triển trò chơi Angry Birds) từ những ngày đầu tiên, chúng tôi xác định mình không chỉ là game studio, mà là một công ty giải trí, một công ty quản lý nhân vật thương hiệu. Vì thế chúng tôi luôn đòi hỏi thương hiệu của chúng tôi, các nhân vật, trò chơi, phim hoạt hình, sản phẩm tiêu dùng của chúng tôi phải tốt hơn mỗi ngày.
Tôi thất bại tới 51 lần và phải tới lần thứ 52 Angry Birds mới thành công. Mọi người đều biết rất khó để tạo ra "hit game". Vì vậy ý tưởng là khi chúng tôi có hit game, chúng tôi sẽ phát triển các sản phẩm kèm theo.
Nhiều người nói là chúng tôi quá ôm đồm, tập trung vào trò chơi thôi. Nhưng chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ Angry Birds cho các fan của chúng tôi, vì thế chúng tôi rất tập trung vào thương hiệu. Không phải trò chơi, mà là thương hiệu.
Tôi nghĩ điều này cũng đúng với rất nhiều công ty khác. Nếu bạn không thực sự hiểu mô hình muốn hướng tới là gì, nếu bạn định nghĩa sai chính công ty của mình thì rất nguy hiểm.
Hãy nhìn vào một ví dụ kinh điển trong lịch sử là công ty đường sắt ở Mỹ. Họ định nghĩa mình là kinh doanh trong ngành đường sắt, nhưng sau đó thì máy bay xuất hiện thì họ rơi vào thảm họa. Thực ra, họ kinh doanh trong ngành vận tải nhưng lại tự giới hạn mình ở đường sắt và đó chính là vấn đề.
Quay trở lại với Angry Birds thì bạn cần phải nghĩ xem, mình là một công ty trò chơi, hay một công ty thương hiệu. Đó chính là cơ sở để bạn có thể làm mọi việc một cách đúng đắn. Nếu bạn là kinh doanh trò chơi thì câu chuyện sẽ rất khác với việc kinh doanh thương hiệu. Cả hai đều tốt thôi, nhưng phải xác định đúng chiến lược.
Anh thất bại tới 51 lần trước khi Angry Birds thành công. Làm sao để có thể kiên định được đến như vậy?
Tôi nghĩ đối với việc khởi nghiệp, có khi cần phải hơi điên rồ một chút. Các bạn startup phải là những người rất lạc quan đấy. Đó là một phẩm chất cần có khi khởi nghiệp, cứ tiếp tục làm đi rồi sẽ tìm ra con đường.
Đó là lý do tôi thấy rằng không chỉ các startup mà cả các công ty lớn và chính phủ cũng cần có "tinh thần khởi nghiệp". Cần phải tin là mình sẽ làm được. Tất nhiên không phải startup nào, dự án nào cũng thành công, nhưng nếu tôi không điên rồ tới tận 51 lần thì có lẽ tôi đã không đứng đây (cười).
Không dễ dàng để làm điều đó, nhưng nếu bạn hỏi các startup ở đây về khó khăn của họ, họ sẽ kể cho bạn cả tá, nhưng "cái gì không giết được bạn sẽ giúp bạn mạnh hơn".
Anh đã bao giờ muốn bỏ cuộc chưa?
À thì cũng không hẳn… Tôi tin không bỏ cuộc là một tinh thần cần có của startup. Nhưng việc "khai tử"một ý tưởng không khả thi thì không phải là bỏ cuộc nhé. Nó chỉ đơn giản là bạn làm cái khác tốt hơn thôi, vì đôi khi ý tưởng ban đầu không hẳn là ý tưởng tốt lắm chẳng hạn.
Cũng như trong thể thao ấy, bạn có thể đoạt được huy chương vàng trong những phút cuối cùng. Không thử thì không thể biết được.
Có những vấn đề gì nảy sinh với Rovio (công ty sở hữu game Angry Birds) khi Angry Birds thành công đột biến?
Tất nhiên là sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Thế nhưng, tôi thấy là sẽ dễ dàng hơn nhiều khi giải quyết vấn đề với tăng trưởng nhanh và thành công so với những thứ khác. Khi bạn tăng trưởng rất nhanh thì những vấn đề nhỏ không còn quá nghiêm trọng nữa. Cũng có một số rắc rối nhỏ nhưng đó là cái chúng ta phải đương đầu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là bạn phải chuẩn bị cho sự thành công. Điều này rất quan trọng bởi thành công cũng có thể giết chết bạn. Sau khi thành công chúng ta làm gì tiếp? Chỉ chuẩn bị cho mỗi thất bại thì chưa phải là đủ tốt.
Mọi người hay nói về câu chuyện khởi nghiệp công nghệ thành công ở Mỹ, về Silicon Valley, nhưng Angry Birds rất thành công nhưng không phải của Mỹ mà là Phần Lan. Theo anh, điều này có ý nghĩa ra sao?
Đổi mới sáng tạo và những câu chuyện thành công có thể đến từ bất cứ đâu. Thực tế nếu bạn nhìn vào ngành công nghiệp trò chơi, Phần Lan chúng tôi là quốc gia có nhiều nhà phát triển game, kỹ sư game nhất. 6% thị phần mobile game toàn cầu đến từ Phần Lan, chúng tôi chiếm tỷ trọng rất lớn. Nếu bạn hỏi bất kỳ ai đó ngồi trong một cửa hàng Starbucks ở Phần Lan về ý tưởng game, thì họ sẽ nói được ngay. Rất nhiều người làm trong ngành công nghiệp game ở Phần Lan.
Cũng như bạn hỏi một người bất kỳ ở trong một cửa hàng tạp hóa ở Los Angeles về phim Hollywood ấy, thì họ cũng nói được ngay.
Bạn có thể tạo ra một niềm đam mê như vậy, có thể là Việt Nam với AI (trí tuệ nhân tạo) chẳng hạn. Tạo ra một thế hệ những người làm AI, chiếm tỷ trọng lớn. Hệ sinh thái AI là điều phải thực sự tập trung nguồn lực mới có thể làm được. Bạn không cần phải đến Silicon Valley thì mới khởi nghiệp được, thật ra là ở đó siêu đắt đỏ. Khởi ở Việt Nam dễ hơn nhiều, hay Phần Lan cũng vậy.
Tại sao anh lại rời Rovio khi mà Angry Birds rất thành công?
Tôi nghĩ đó là thời điểm tốt để làm một cái gì đó khác. Tôi không muốn làm việc ở một vị trí quá lâu. Tôi muốn tập trung vào giáo dục. Như tôi đã nói đó, giáo dục là yếu tố quan trọng và cũng là một ngành kinh doanh phức tạp.
Tôi đang làm việc với nhiều dự án khác nhau. Có một số dự án game mà tôi làm cố vấn đầu tư, ví dụ như Big Ear Game - một trò chơi về âm nhạc, một vài công ty với các dự án giáo dục dành cho học sinh nước ngoài, chúng tôi muốn đưa 150.000 học sinh đến học ở Phần Lan. Chúng tôi cũng hi vọng sẽ có ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam học ở đại học Phần Lan và ngược lại.
Vì thế sự kết nối là rất quan trọng. Tôi đang làm việc với dự án cơ sở hạ tầng trị giá 15 tỷ EUR của đại học khoa học ứng dụng Helsinki Metropolia với các đối tác Trung Quốc và Phần Lan. Tôi đang muốn tạo ra những con người sáng tạo và tài năng.
Mọi người vẫn nói anh là "cha đẻ" của Angry Birds, điều đó có đúng không?
Không phải vậy đâu. Lúc làm Angry Birds, công ty có 12 người và tất cả cùng nhau tạo ra các nhân vật. Khi bạn nhìn vào một trò chơi, nó luôn được tạo ra bởi nỗ lực của một team chứ không phải một người.
Tất nhiên là cũng có ngoại lệ như ở Việt Nam với Flappy Bird thì Đông (Nguyễn Hà Đông) đã tự làm ra trò chơi đó. Còn về cơ bản, một trò chơi cần rất nhiều người cùng xây dựng. Mọi người chỉ thấy tôi, nhưng thực ra phía sau tôi, cả công ty cùng nhau xây dựng mọi thứ.
Điều gì đã thôi thúc anh tổ chức sự kiện khởi nghiệp có tên Slush?
Đơn giản là vì tôi muốn thúc đẩy khởi nghiệp. Năm 2007, tôi có một cuộc nói chuyện với 600 sinh viên từ các đại học khác nhau về chủ đề khởi nghiệp. Tôi hỏi các bạn có bao nhiêu người muốn mở công ty riêng hoặc tham gia khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp hay thậm chí là trước khi tốt nghiệp. Chỉ có 3 bạn trong số 600 bạn đó giơ tay lên. Vậy thì chúng ta phải làm gì đó thôi.
Tôi và một vài người bạn bắt đầu tổ chức Slush vào năm 2008. Chương trình Slush đầu tiên chỉ có 300 người, nhưng đó là khởi đầu cho một chương trình phi lợi nhuận được tổ chức bởi những bạn trẻ địa phương tình nguyện.
Lần đầu tiên tổ chức Slush, chúng tôi rất vui mừng với sự tham gia của Ilkka Paananen đến từ Digital Chocolate, có Monty Widenius – đồng sáng lập MySQL, có Sampo Karjalainen – giám đốc sáng tạo tại Sulake và đồng sáng lập của Habbo Hotel,…Họ chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm của một nhà sáng lập, của một startup. Đó là một chương trình thành công. Slush đã trở thành sự kiện khởi nghiệp lớn nhất hành tinh.
Chúng tôi đang làm những điều tốt hơn, từ sự khác biệt. Chúng tôi sẽ tổ chức Slush vào tháng 11 tới.
Năm ngoái, 20.000 người đã tham dự Slush 2018 đến từ hàng trăm quốc gia, chúng tôi có 2.600 tình nguyện viên từ hơn 60 quốc gia trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều người trẻ Việt Nam đã tình nguyện ở Slush. Chúng tôi đã tổ chức Slush ở Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản).
Sau 5 năm tổ chức Slush, chúng tôi vẫn hỏi cùng 1 câu hỏi đó, và đã có hơn một nửa các bạn sinh viên giơ tay. Chúng tôi đã thúc đẩy được văn hóa khởi nghiệp chỉ trong vòng 5 năm, thay đổi tư duy của các bạn trẻ.
Hiện giờ, vai trò của anh ở Slush là gì?
Tôi không có vai trò chính thức nào Slush nữa nhưng tôi có hỗ trợ Slush ở Trung Quốc.
Công việc kinh doanh chính của anh hiện giờ là gì?
Nhiều thứ lắm. Tôi có khoảng 30 dự án khác nhau: dự án game, xe điện, thiết bị âm thanh, và rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục.
Trong số các dự án đó, cái nào thú vị nhất?
Tất cả, không thú vị thì tôi chẳng làm đâu (cười). Đối với tôi tất cả các dự án này đều rất thú vị. Ví dụ, có một dự án tên là Two Dads (Hai người cha), làm việc về thực phẩm lành mạnh cho trẻ em, rất thành công ở Phần Lan và đang mở rộng sang Nga, hi vọng có thể đến Việt Nam trong tương lai. Đó là một chương trình rất hay vì cha mẹ luôn muốn tìm thực phẩm tốt cho con, ngay cả nước hoa quả trong siêu thị cũng có quá nhiều đường mà. Vì thế chúng tôi sản xuất thực phẩm lành mạnh, ngon, cho trẻ em.
Làm thế nào để ông có thể làm tất cả những dự án đó mà không bị phân tán sự tập trung?
Tôi không làm mọi thứ một mình, như Angry Birds mà bạn vừa hỏi ấy, cả đội sẽ cùng nhau làm. Tất cả các dự án đó chúng tôi đều có đội ngũ nhiều người tham gia. Về cơ bản, tôi chỉ đóng vai trò định hướng và đi cùng team thôi.
Điều gì hấp dẫn anh ở Việt Nam?
Việt Nam là một đất nước rất tuyệt vời, với dân số trẻ và tài năng, rất nhiều cơ hội. Tôi nghĩ là Việt Nam và Phần Lan cũng có mối quan hệ tốt đẹp với nhau nữa, có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm cùng nhau. Tôi có rất nhiều bạn bè người Việt học ở Phần Lan, một số người ở lại, một số người thì đã về nước. Vậy thì, tại sao tôi lại không thích Việt Nam nhỉ?
Tham dự Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, thông điệp của anh muốn mang đến là gì?
Tôi nghĩ rằng thông điệp chính mà tôi muốn gửi gắm là: "Hãy giúp các bạn trẻ chuẩn bị cho tương lai và việc làm trong tương lai. Có rất nhiều công việc đang hiện hữu nhưng trước đây thậm chí chúng ta còn chưa bao giờ nghĩ là chúng sẽ tồn tại. Vì thế điều ta có thể làm là cung cấp cho mọi người một nền giáo dục tốt.
Từ Phần Lan đến đây, chúng tôi tự hào có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Trường của chúng tôi cũng rất linh hoạt, không có quá nhiều bài tập về nhà nhưng vẫn có thể mang lại hiệu quả. Có nhiều điều các bạn có thể tham khảo từ mô hình giáo dục của Phần Lan, và nói về câu chuyện làm sao để ta có thể cải cách nền giáo dục của Việt Nam dựa theo chúng.
Cần phải chuẩn bị Việt Nam cho tương lai trí tuệ nhân tạo. Tôi nhìn thấy những cơ hội rất tiềm năng cho Việt Nam và Phần Lan để hợp tác với nhau.
Trong 2 lần đến Việt Nam, anh dành hầu hết thời gian trò chuyện với các bạn học sinh, sinh viên. Vì sao vậy?
Các bạn ấy, hơn bất cứ ai, chính là tương lai của đất nước. Tôi rất thích thú khi được trò chuyện với các bạn ấy vì bản thân tôi cũng học được nhiều thứ, và các bạn ấy cũng vậy. Trò chuyện với các bạn sinh viên có lẽ là cách tốt nhất để biết mọi thứ đang vận hành thế nào.
Đi đến quốc gia nào thì tôi cũng thích đến các trường học. Ở đây tôi đã ghé thăm cả trường mẫu giáo, trung học, đại học và tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để hiểu được quốc gia đó đang chuyển mình ra sao.
Ấn tượng của anh về các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam và startup Việt Nam thế nào?
Thật ra là các bạn ấy đang làm rất tốt đấy. Tất nhiên là ta luôn có thể làm nhiều hơn nữa, tiến bộ hơn nữa, nhưng tôi đã nói rất nhiều về chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục là vô cùng quan trọng với khởi nghiệp.
Khởi nghiệp đối với tôi là dám làm mọi thứ mà không sợ sệt, đó là thứ mà ta có thể dễ dàng thấy ở các startup. Nhưng tôi cũng cho rằng xây dựng tinh thần khởi nghiệp không chỉ quan trọng với startup mà còn với cả các doanh nghiệp lớn và chính phủ. Tôi rất mừng khi ngài Phó Thủ tướng (ông Vũ Đức Đam) cũng chú trọng quan điểm đó.
Trí Thức Trẻ