img
Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 1.

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 2.

Mặt biển mịt mù chưa rõ đường chân trời. Trong làn sương tờ mờ, bất chấp làn nước buốt lạnh, đoàn người chỉ có một mục tiêu duy nhất: Nhanh chóng lặn xuống biển và bơi vào bờ để bắt đầu hành trình mới. Bóng con tàu những người nhập cư Indonesia khuất dần.

"Đa phần mọi người đến đây đều là khách du lịch, đi máy bay và đặt chân lên mảnh đất này trước tiên. Còn tôi đến đây bằng tàu như một người nhập cư bất hợp pháp và tôi ‘đáp xuống đây bằng đầu’", Diyono Santoso nhớ lại đến cách Malaysia một sáng mùa mưa tháng 11.

Công việc đầu tiên của Diyono là một cánh đồng dầu cọ tại Perak. Sau một năm, anh vẫn không được trả lương. Quá tuyệt vọng anh cùng vài người khác đến Kuala Lumpur tráng lệ. "Tôi nghĩ đến mẹ, người đã bán hết đất đai của bà để trang trải cho chuyến đi của tôi đến đây để vực dậy tinh thần. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ không trở lại cho đến khi gây dựng được cơ đồ và chăm lo được cho mẹ", Diyono Santoso của năm 1986 chia sẻ với nhân viên ngân hàng mình quen có tên Rusly Abdullah.  

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 3.

Sau một tháng lang thang khắp Kuala Lumpur, Diyono quyết định bán sữa đậu nành và red cendol (một loại đồ uống lạnh với thành phần gồm sữa dừa, siro và thạch đỏ). Thanh niên người Indonesia này tự tin với công việc kinh doanh bởi 3 điều anh quan sát được: Mọi người ở Kuala Lumpur đều có tiền; Không ai ở Kuala Lumpur mặc cả khi mua hàng dưới 1 RM; Bạn có thể bán bất cứ thứ gì miễn là thuyết phục người mua về sự hữu dụng của chúng.

Bắt đầu từ một điểm bán nhỏ gần khu ẩm thực và chỉ bán vào buổi tối, mỗi ngày tệ nhất cũng thu được 100 RM, sau 2 năm, Diyono có 7 gian hàng. Kế đến, anh chuyển sang thuê nhân công để quản lý. Vài năm sau anh chuyển nhượng công việc cho một người Indonesia di cư khác với giá 100.000 RM. Với tiền tích lũy và nhượng quyền, anh trở về quê hương với 400.000 RM và thành lập một công ty nhỏ ở Indonesia...

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 4.

Rusly Abdullah sau này là tiến sỹ nổi tiếng tại Maylaysia đã ghi lại câu chuyện về những người như Diyono Santoso trong những cuốn sách của mình viết về nền kinh tế tư nhân.

Nếu làm một cuộc khảo sát 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại Malaysia hay bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực châu Á Thái Bình Dương (APEC) thì có tới 97 trong số họ là cỡ vừa và nhỏ (SMEs). Những số liệu thống kê cho thấy SMEs là động lực tăng trưởng và đổi mới tại khu vực này. Những doanh nhân như Diyono Santoso hiện góp phần tạo ra số lượng việc làm cho hơn một nửa nguồn nhân lực cho các nền kinh tế APEC. Ví dụ năm 2012, SMEs tạo ra 57% việc làm tại Malaysia hay tại Việt Nam con số lên tới 77% năm 2011.  

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 5.

Xét về tổng thể, hiện SMEs đóng góp từ 20-50% GDP cho phần lớn các nền kinh tế APEC. Khu vực doanh nghiệp này đóng góp 59% GDP của Trung Quốc năm 2011 và tương tự với Indonesia năm 2012. Tại Việt Nam, SMEs đóng góp khoảng 40% GDP năm 2011.

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 6.

Từng làm việc tại ngân hàng nên Rusly Abdullah không xa lạ với những hội chứng thời vụ trong kinh doanh nhỏ lẻ tại Malaysia. Những khách hàng của anh nườm nượp đến đăng ký vay tiền để chạy theo những phong trào nhất thời như trồng nấm. Sau vài năm, khi cơn sốt nấm hạ nhiệt mùa nuôi chim cút lại rộ lên. Mọi người xếp hàng dài đợi vay vốn bởi những thông tin như thịt chim cút có lợi cho sức khỏe vì hàm lượng cholesteron thấp cùng vô vàn lợi ích khác.

Những dòng chảy ồn ào này kéo theo hai người bạn của Rusly Abdullah có tên là Sarip và Karan. Cả 2 người đều bắt đầu từ việc chăn nuôi gia súc sạch trên trang trại của gia đình cạnh bờ sông. Họ thả đàn gia súc của mình từ sáng sớm, trông chừng chúng ở đó cả ngày và dồn về chuồng khi trời tối. Hai người đều cùng nhau chọn cách đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát được thắp sáng hạn chế dịch bệnh.

Trong một buổi gặp gỡ cùng bạn bè, Sarip được rót vào tai những lời đường mật bởi phương pháp chăn nuôi theo cách tăng trọng bởi chỉ cần thời gian ngắn 3-4 tháng lại không mấy vất vả mà giàu lên nhanh chóng. Sarip quyết định bán đàn gia súc cũ để đầu tư 15 con bò nhập khẩu từ Úc và nuôi theo phương pháp mới.

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 9.

Thế nhưng chuyện không phải dễ dàng, chuồng trại của bò nhập khẩu phải luôn giữ sạch sẽ, phải có thức ăn gia súc chuyên biệt cũng như đảm bảo dự trữ để được ăn no nếu không tốc độ lớn sẽ bị ảnh hưởng. Chuyện càng tồi tệ hơn khi giá thức ăn gia súc tăng gấp 4 lần chỉ trong 3 tháng do nhu cầu mua hàng tăng cao bởi trào lưu nở rộ.

Mệt mỏi với việc chăn nuôi tăng trọng, Sarip bán hòa vốn đàn bò để chuyển sang nuôi thỏ bởi có người chia sẻ đây là loài sinh sản nhanh, chỉ cần 1 năm có thể thu về gấp 3 số lượng ban đầu. Việc chăm sóc thỏ cũng dễ dàng, ngay cả phân cũng không quá nhiều hay bốc mùi. Thịt thỏ cũng có lượng cholesterol thấp.

Thế nhưng sau vài tháng, thời điểm xuất chuồng, nguồn cung vượt quá cầu do nhiều người cũng chuyển hướng sang như Sarip. Sau vài tháng chật vật bán tháo số thỏ để bù lỗ và trả nợ vay, anh dường như không còn lựa chọn kinh doanh nào khác.

Không bị tác động bởi đám đông như Sarip, Karan vẫn trung thành với cách nuôi truyền thống. Ban đầu đàn gia súc chỉ có vài con bò nhưng số lượng tiếp tục tăng rồi dần có thêm cả dê và cừu. Karan tiếp tục mở rộng sang nuôi gà nhưng vẫn theo cách nuôi thả tự do trên trang trại thứ 2 được thuê thêm. Trong khi những người chăn nuôi khác chạy theo kích thích, tăng trọng thì trang trại của Karan lại trở thành hình mẫu cho việc chăn nuôi sạch. Không những vậy trang trại của anh còn là nguồn cung giống gia súc cho các trang trại khác trên cả nước muốn theo hướng này.

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 11.

Nông nghiệp sạch hay kinh tế xanh cũng là một trong những hướng đi được các lãnh đạo APEC xác định là lợi thế cạnh tranh và cải thiện khả năng gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực. Các nền kinh tế APEC đang xây dựng chiến lược chung để phát triển kinh tế xanh bền vững như cung cấp hướng dẫn cho các nhà làm chính sách nhằm tạo ra môi trường tích cực, động viên các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia: từ sử dụng bao bì thân thiện môi trường, đến nâng cao trách nhiệm xã hội.

Chân dung những triệu phú thầm lặng gánh trên vai nền kinh tế APEC - Ảnh 12.

Tuy nhiên một điều khá đáng tiếc phần lớn SMEs tại APEC chưa nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế xanh cũng như có niềm tin vào loại hình kinh tế này tốn kém chi phí cũng như yêu cầu kỹ thuật cao. Và thực tế là họ cũng ít có năng lực để tiếp cận thực hành mô hình kinh tế này. Chính vì thế các cuộc thảo luận APEC đều đánh giá các chính phủ có thể tham gia như một thành phần quan trọng trong nâng cao khả năng tiếp cận của nhóm doanh nghiệp này, hỗ trợ kỹ thuật, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ cũng có thể là cầu nối cung cấp những chương trình đào tạo hay hỗ trợ doanh nghiệp SME kết nối hiệu quả tới những kênh phân phối, khách hàng tiềm năng các sản phẩm đặc trưng của họ.  Chiến lược của APEC hiện tập trung vào 5 nhóm ngành nghề theo hướng kinh tế xanh bao gồm: Năng lượng tái tạo, Xây dựng, Du lịch, Công nghệ thực phẩm và Dệt may.

Kinh tế xanh là một trong những hướng đi nhằm tìm ra thị trường phát triển cho các doanh nghiệp SME tại APEC. Năm 2016, tại hội nghị SMEWG các nhà lãnh đạo thành viên APEC cũng xác định ra 4 trụ cột chính trong chiến lược phát triển SME tại khu vực APEC : Doanh nghiệp, đổi mới và kinh tế số; Giải pháp tài chính; Xây dựng hệ sinh thái kinh doanh; Định hướng thị trường và quốc tế hóa. Đây cũng chính là những cách nới chiếc áo chật cho người khổng lồ hiện đang gánh tới  20-50% GDP khu vực này.


Thu Thuý
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ6/11/2017


  

  

Thu Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên