Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp từng khiến một doanh nhân bộc bạch, chọn "đất sen" làm nơi khởi nghiệp chỉ vì có ông Bí thư hay cười. Câu nói nổi tiếng của ông Hoan là: "Tôi không làm chính trị, tôi chỉ là người kết nối".
Ông Lê Minh Hoan hẹn gặp tôi vào lúc 7h sáng thứ Bảy. Những tin nhắn trao đổi trước chuyến đi tới Đồng Tháp gói gọn trong mấy chữ thông báo địa điểm, thời gian gặp gỡ. Email của vị Bí thư này luôn được kiểm tra và hồi đáp chỉ sau khoảng 5 – 7 phút với số lượng chữ luôn được giới hạn dưới mười. "Nhanh, gọn là tác phong của ông", một nhân viên dưới quyền cho biết.
Buổi sáng thứ Bảy, Bí thư Lê Minh Hoan không chỉ hẹn gặp phóng viên mà còn tranh thủ mời thêm hai đại diện doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn đến gặp gỡ. Anh Nguyễn Tấn Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười kể đã rất bất ngờ khi nhận điện thoại của người xưng là "Xích Lô" mời ăn sáng, uống cà phê.
"Ông Xích Lô này còn đùa bảo muốn mua gạo khiến tôi cứ ngớ người ra, mãi sau có anh ngồi cạnh khều bảo không biết Xích Lô là ai à, Xích Lô là chú Sáu Hoan đó thì mới vỡ nhẽ", anh Long nói. Cái tên Xích Lô xuất phát từ cách đọc trại đi của Six Lotus – Sáu Sen. Bởi ông Lê Minh Hoan là con thứ sáu trong nhà, quê ông lại là đất sen hồng nên mới tự đặt cho mình cái tên đấy.
Anh Long mang theo hai túi gạo, một là loại gạo thường, một là loại gạo thuốc đang được nghiên cứu phát triển để cho Bí thư Hoan xem và đóng góp ý kiến.
Bữa sáng được dọn ra, là những món ăn quen thuộc của Đồng Tháp như hủ tiếu, cơm tấm... Trong khi những thực khách vẫn đang còn ngồi ăn thì ông Hoan đã dùng xong bữa của mình, bắt đầu kiểm tra công việc qua email.
Ông lấy trong túi mình ra hai cuốn sách tặng anh Long và người cộng sự đi cùng: Cách mạng một cọng rơm và Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ. Cầm cuốn "Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ", Bí thư Hoan bảo trong này có dạy cách kinh doanh của người Trung Quốc, đơn giản như việc cần thay đổi một chút ở bao bì, doanh thu, lợi nhuận đã có thể tăng gấp nhiều lần. "Bao bì mình giờ đơn giản quá", ông nói khi nhìn lướt qua hai túi gạo mà anh Long mang đến.
Anh bạn đi cùng anh Long cự lại nếu bao bì cầu kỳ, giá thành đội lên cao người tiêu dùng không mua nữa khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bí thư Hoan cười, vỗ vỗ vào quyển sách bảo đừng nghĩ về bài toán trừ, hãy nghĩ về bài toán cộng khi hàng hoá có thể bán ít đi nhưng tổng thu về cao hơn. "Trong đây có bày mẹo của người Hoa, người ta không dạy gì cao siêu đâu, chỉ từng mẩu chuyện nhỏ, đọc dần là thấm", ông nói.
Ông cũng bảo đã kết nối cho anh Long gặp một doanh nghiệp lớn làm nông nghiệp của tỉnh ở trụ sở làm việc. Bản thân ông còn một ít công chuyện và sẽ quay lại sau.
Trong lúc ngồi chờ Bí thư Lê Minh Hoan, chị Liễu, phó phòng kinh tế - xã hội tỉnh dẫn tôi ra phía sau khuôn viên nơi anh Long đang chuyện trò với ông Trần Tấn Đức, Giám đốc công ty Lương thực tỉnh Đồng Tháp. Những băn khoăn của anh Long lần lượt được giãi bày với vị giám đốc kia, từ những việc lớn làm sao tìm đầu ra cho sản phẩm, đến những chuyện bé như làm bao bì như nào cho đẹp, hấp dẫn đều được bộc bạch.
Ông Trần Tấn Đức, trên thực tế cũng là một mentor – người hướng dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh. Đồng Tháp, trong phong trào khởi nghiệp của mình đã thành lập nhiều lớp học hướng dẫn khởi nghiệp. Tỉnh đã ký kết, hợp tác toàn diện với Quỹ đầu tư Startup Việt Nam (SVF) để mời chuyên gia về tư vấn hướng dẫn.
Không chỉ những startup mới phải đi học, những người lãnh đạo như ông Hoan hay ông Đức là doanh nghiệp lớn cũng phải học qua các lớp tập huấn để trở thành những người hướng dẫn.
Một doanh nghiệp lớn sẽ làm "mentor" cho vài "mentee" là những doanh nghiệp nhỏ. Bởi lẽ tỉnh quan niệm thày đến rồi đi, chưa kể thày dù có giỏi đến đâu nhưng trong quá trình vận hành, chỉ có doanh nghiệp địa phương mới hiểu hết được doanh nghiệp địa phương, mới có thể kèm cặp sâu sát nhất.
Khoảng 20 phút sau, ông Hoan trở lại, ngồi vào bàn lắng nghe câu chuyện. Thấy anh Long vẫn lăn tăn về câu chuyện bao bì sản phẩm, ông rút iPad, phóng to hình ảnh minh hoạ của "đường cong nụ cười".
Chỉ vào bức ảnh, vị Bí thư tỉnh Đồng Tháp giảng giải rằng nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở phần đáy của đường cong, chỗ giá trị thấp nhất. Trong khi đó, những khâu phân phối, marketing, làm dịch vụ "ăn tiền" thì chưa làm được. Tất nhiên, như ông nhận định, doanh nghiệp bé, mới làm, kiến thức chưa vững thì cần đọc và học, quan trọng hơn nữa là đừng "lủi thủi đi một mình".
Nói rồi ông thoăn thoắt đứng dậy rồi quay lại với ba quyển sách khác. "Hao tài quá, sáng nay tặng bao nhiêu là sách", ông hài hước. Trung Quân, nhân viên của ông Hoan cho biết mỗi khi đọc được một quyển sách hay, ông đều đặt hàng theo thùng để cho những dịp như thế này. Sách được đặt nhiều đến mức nhân viên giao hàng cứ nhìn thấy Quân là tay bắt mặt mừng.
Cuộc nói chuyện với Bí thư Lê Minh Hoan thường xuyên bị đứt quãng. Người đàn ông hơn 50 tuổi này liên tục di chuyển, lúc làm việc này, lúc làm việc kia, và luôn bị cuốn vào câu chuyện với các doanh nghiệp. Khi thì ông phát hiện ra cần phải đưa cho doanh nghiệp cái này, lúc lại trả lời email của nông dân gửi lên. Có 23 hội quán nông dân trên địa bàn tỉnh, là nơi kết nối, cho những người nông dân ngồi lại với nhau san sẻ kinh nghiệm, kiến thức.
"Đây vui lắm, cả tỉnh đều đang khởi nghiệp", ông Bí thư tỉnh chia sẻ. Như ông nói, câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ Đồng Tháp có thể chỉ là cái bánh, cái khăn, có thể là những sản vật đời thường nhưng gởi gắm trong đó là tấm lòng của con người Đồng Tháp. Đó là mong muốn sản phẩm của mình góp phần tạo ra thương hiệu cho quê hương, giải quyết được công ăn, việc làm.
Quan niệm của ông về khởi nghiệp là xem đó như một lẽ sống, một cách sống, giá trị trong công việc. Đó là tinh thần như cách mà cả tỉnh đang hướng đến.
Bí thư Lê Minh Hoan khoe email nhận được hôm trước, là của một bạn trẻ khởi nghiệp viết. Thư có đoạn: "Kính gửi bác Sáu, đối với con mỗi ngày trôi qua từ khi con tìm được niềm vui từ công việc làm hoa giấy như là cả một thế giới mà con sống trọn với nó. Hoa giấy và những sản phẩm của con giờ như là những đứa con mà nhóm Handy House cùng làm để mang chúng đi khắp nơi. Sản phẩm túi lục bình do con decor đã được gửi sang Hàn Quốc. Họ cực kỳ thích sản phẩm organic của Việt Nam. Giờ lên trung tâm thương mại, nó thành hàng thời trang sành điệu...".
Khi được hỏi về tư duy nhiệm kỳ liệu có làm những công sức của ngày hôm nay mất đi hay không, Bí thư Lê Minh Hoan thẳng thắn bảo nó cũng là nỗi lo của Đồng Tháp khi bắt tay vào tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển địa phương. Thời điểm đấy, lãnh đạo tỉnh, thành phố đã ngồi lại với nhau và xác định phải bỏ hoàn toàn tư duy nhiệm kỳ mới đạt được mục tiêu đề ra.
"Chúng tôi đã chuẩn bị thế hệ kế cận cho nhiệm kỳ sau. Những người này đã xắn tay làm từ giờ, lãnh đạo tỉnh chỉ khơi gợi, còn họ mới là người trực tiếp quán xuyến. Như vậy tỉnh sẽ không bị rủi ro bởi chính những thế hệ sau này", Bí thư Hoan nói.
Ông Bí thư cười xoà khi được hỏi về người cộng sự Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương. Bởi nếu như ông Hoan được biết đến với biệt danh "Xích Lô" thì ông Dương Chủ tịch lại có nick name "Ba Gác". Xích Lô – Ba Gác đi với nhau thể hiện tình gắn bó giữa Đảng Bộ và chính quyền.
Nói về "Ba Gác", ông "Xích Lô" bảo ngồi đây thì mọi người nhắc đến ông Hoan nhiều thôi, chứ ra ngoài kia ai cũng nhắc đến ông Dương với những cải cách hành chính mạnh mẽ, đặc biệt là quán cà phê doanh nhân được ông "Ba Gác" phát động. "Anh em chúng tôi cùng làm", ông cười.
Bí thư Hoan nói rằng vì đã có hướng thống nhất với nhau, khi làm đôi khi ý kiến đưa ra cũng trái ngược nhưng thực tế lại bổ sung giữa người này và người kia dần hoàn thiện hơn trong công việc. "Nên hỏi tôi có bất đồng không thì không có đâu!", ông khẳng định.
Ở vị trí người lãnh đạo, Bí thư Lê Minh Hoan bảo rằng công việc của ông ngoài kết nối giữa người này người kia còn phải tạo được không gian cho những người trẻ phát triển, phát huy được khả năng trên chính quê hương mình.
Người có tài mà không có đất diễn, đất thử nghiệm thì hỏng, bởi "họ không phải bonsai để trưng, để khoe, mà cần không gian", ông cho biết. Đồng thời, ông Xích Lô nhấn mạnh phải hiểu được giá trị của người làm việc với mình, đừng quá quan trọng chuyện bằng cấp.
Dù vậy, vị Bí thư này tâm sự không ít lần có cảm giác thất bại khi không giữ được người giỏi. Ông bảo đôi khi bản thân cũng không thể quán xuyến được hết hệ thống, nhiều khi đặt vị trí nhân sự không phù hợp khiến những người này gặp sự đố kỵ, thờ ơ của thủ trưởng, kết cục khiến họ phải ra đi. "Tất nhiên không nhiều, nhưng đó là sự đáng tiếc của tôi", ông nói.
Xuất thân là dân kiến trúc nên Bí thư Lê Minh Hoan tỏ ra nhạy cảm với cái đẹp, như là chuyện khuyên nhủ doanh nghiệp phải chú trọng đến bao bì. Ông nói rằng người chọn nghề nhưng thực chất cũng là nghề chọn người, "tới thời điểm nào đó, cần phải làm việc để đóng góp cho xã hội, chứ lúc đầu cũng bình thường thôi".
Dù vậy, những kiến thức, kỹ năng tích luỹ trong thời gian ở trên giảng đường đã hỗ trợ vị Bí thư này trong công việc hiện tại mà như ông mô tả "kiến trúc sư có đặc thù giúp người ta tổ hợp nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật, nghệ thuật, xã hội, tâm lý".
Ví dụ, khi xây dựng một bệnh viện hay công trình văn hoá, người tham gia duyệt đề án phải hiểu được cái mà những người sử dụng công trình đấy cần là gì, nguyên lý tổ chức, cấu trúc như thế nào là ổn. Mở rộng ra là chuyện quy hoạch đô thị, đâu là nơi đặt bệnh viện, đâu là trung tâm thương mại, dịch vụ, quảng trường, cây xanh...
"Đầu óc tổng hợp giúp cho người lãnh đạo phán đoán được sự ảnh hưởng qua lại giữa các công trình với nhau. Tại sao phải xây cái này, cái kia, nếu xây thì sẽ như thế nào?", ông Hoan giải thích.
Đối với câu hỏi cuối cùng về hình ảnh Đồng Tháp 10 năm sau, Bí thư Lê Minh Hoan suy nghĩ một lúc rồi bảo thời điểm đó, ông mong lúc đó thương hiệu tỉnh được biết đến nhiều hơn, có đội ngũ khởi nghiệp mạnh mẽ, con người năng động. Đấy là những gì tôi và các cộng sự hy vọng và gieo mầm từ ngày hôm nay.
Trí Thức Trẻ