img

háng 2/1979, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã thay đổi sâu sắc. Đến tận thời điểm hiện tại, cuộc chiến tranh này vẫn còn để lại những hệ quả trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, từng giữ vị trí Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc giai đoạn 1978 - 1980 đã chia sẻ với báo điện tử Trí Thức Trẻ về không khí các cán bộ Đại sứ quán trải qua khi cuộc chiến tranh nổ ra cũng như góc nhìn về sự kiện này sau 40 năm.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 2.

Trước cuộc chiến tranh, lãnh đạo sứ quán và anh em cũng đã dự tính là sẽ có chuyện xảy ra.

Năm 1978, Đại sứ ta ở Trung Quốc là bác Nguyễn Trọng Vĩnh, cùng Bí thư thứ nhất là bác Dương Danh Dy, với tôi, là Bí thư thứ ba, có tham gia một chuyến lữ hành do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức. Đại sứ ta là trưởng đoàn ngoại giao. Trong 5 - 7 ngày đầu, cả đoàn đi rất ngon lành, đi đâu Đại sứ ta cũng lên phát biểu. Nhưng đến khi xảy ra vấn đề người Hoa ở Việt Nam thì họ cắt hết, không có phát biểu gì nữa.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 3.

Với Trung Quốc thì đây thói quen của họ rồi, khi có chuyện xảy ra họ đối xử với mình khác hẳn. Trước đây, họ tiếp đãi cẩn thận nhưng đến khi có chuyện thì họ lạnh nhạt ngay.

Cũng trong chuyến đi đó, Đại sứ ta vẫn được ở phòng riêng nhưng tôi và các Bí thư khác, tất cả đều phải nằm giường tầng. Cho nên, với tình hình này, và qua những thông tin trong nước gửi sang thì Đại sứ quán đã bắt đầu chuẩn bị tinh thần có thể nổ ra xung đột.

Ngay trước khi xảy ra chiến tranh, Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về nước để báo cáo tình hình, cũng là để nắm thêm thông tin. Khi đó, đã xảy ra thêm một vài chuyện cho thấy thái độ Trung Quốc không lành mạnh. Đại sứ Vĩnh, cùng với các sinh viên Việt Nam đang học tại Trung Quốc đều về trên chuyến tàu cuối cùng từ Bắc Kinh về Hà Nội. Trên chuyến tàu đó, anh em sinh viên về nhà báo cáo là họ phục vụ sinh viên, thậm chí là Đại sứ ta bằng bát sứt.

Khi từ Việt Nam trở sang, Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh phải đi máy bay, bay qua Mạc Tư Khoa (Moscow) rồi về Bắc Kinh. Qua những trao đổi như thế thì sứ quán nắm rõ là phải chuẩn bị. Và sự chuẩn bị đó không hề thừa.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 4.

Đến khi xảy ra chiến tranh, nhân viên sứ quán ta đi ra ngoài thì đi một bước, an ninh Trung Quốc theo một bước. Sứ quán ta cũng dặn dò anh em không gây ra sự cố gì để phía Trung Quốc lấy cớ can thiệp, làm phức tạp thêm tình hình.

Nói đến không khí sứ quán lúc đấy, anh em rất cảnh giác và sẵn sàng, có người trực thường xuyên, những nơi cất giữ tài liệu mật thì được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong suốt 2 tháng trời, tinh thần anh em rất vững, sứ quán được bảo vệ một cách an toàn tuyệt đối. Dân tộc mình đã quen với các cuộc chiến tranh vệ quốc, nên không có cái gì lăn tăn, lo sợ hay rối loạn.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 5.

Suốt thời gian trước,  trong và sau chiến tranh, sứ quán ta vẫn giữ các hoạt động giao lưu bình thường với các nước xã hội chủ nghĩa, vẫn liên hệ làm việc thường xuyên, nhất là Cuba, Liên Xô, Lào, Mông Cổ… Các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó cũng đứng về phía mình, không có nước nào không lên án Trung Quốc.

Trong khi đó, sứ quán Campuchia bên cạnh mình, chỉ cách bức tường nhưng hết sức lạnh nhạt. Có hôm Sứ quán ta tổ chức chơi bóng chuyền với các nước, bóng bay sang Sứ quán Campuchia, ta sang nhặt xong phải về ngay. Sau đấy làm lưới che lại để bóng không bay sang nữa.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 6.

Khi xảy ra chiến tranh, có một số bạn bè người Hoa cũng gặp gỡ mình, hỏi tại sao lại như thế? Họ hỏi cũng là đúng thôi vì chiến tranh biên giới chuyển quá nhanh, gây "sốc" và bất ngờ lớn cho cộng đồng người Trung Quốc vì tình cảm của họ đối với người Việt Nam lâu nay là khác, bây giờ Trung Quốc lại đánh Việt Nam.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 7.

Người ủng hộ Việt Nam lúc đó dường như không ai dám nói công khai. Mạch đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước quá dài, quá sâu, bản thân người Trung Quốc cũng "sốc", bức xúc nhưng nói ra thì không. Sứ quán lúc đầu cũng có quan hệ với bà con Việt kiều, một số bạn bè Trung Quốc nhưng sau này ta cũng tính, không nên làm như thế vì sẽ gây khó khăn cho bạn bè của mình.

Còn người phản đối, người đến sứ quán biểu tình chỉ có vài chục sinh viên châu Phi được chính phủ Trung Quốc cho học bổng. Khi họ đến sứ quán mình để biểu tình, tôi được Đại sứ chỉ định ra tiếp xúc. Tôi khuyên họ về suy nghĩ kỹ đi, Việt Nam không làm gì chống  Trung Quốc, cũng không làm gì phương hại đến đất nước của họ thì tại sao lại biểu tình ở sứ quán Việt Nam. Một vài cậu sinh viên lau nhau: "Chúng tôi cũng không nghĩ thế nhưng người ta bảo đi biểu tình thì chúng tôi đến thôi".

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 8.

Cách thức Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh, cách thức họ tuyên truyền làm thay đổi, đảo lộn hết suy nghĩ của người dân Trung Quốc, đi ngược lại tất cả những gì mà chính họ đã hỗ trợ mình trong suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc.

Điều này kéo dài hơn một thập kỷ, từ cuối thập niên 70 sang đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong thời gian đó, Trung Quốc liên tục đổ trách nhiệm cho Việt Nam. Chúng ta cũng hiểu rõ ý đồ của họ. Lúc này họ đang đẩy quan hệ với Mỹ, để giải quyết vấn đề Liên Xô. Thời điểm đó, Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, đội mũ cao bồi, cưỡi ngựa, khi về thì tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học".

Đối với người dân Trung Quốc cả mấy chục năm trời đã quen với tình hữu nghị. Chỉ có từ năm 1971 khi lãnh đạo Trung - Mỹ gặp nhau lần đầu tiên cho đến năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình đi Mỹ rồi về phát động chiến tranh, người dân Trung Quốc xoay không kịp. Cũng chính vì thế tuyên truyền của Trung Quốc càng mạnh, nói một lần chưa tin, nói 3 lần chưa tin có thể 5 lần, 10 lần phải tin. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến cho đến bây giờ có thể vẫn còn một số người Trung Quốc nghi ngờ Việt Nam. Việc tuyên truyền ấy kéo dài quá.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 9.

Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ, đội mũ cao bồi. Ảnh: SCMP.

Sau này, khi bình thường hóa quan hệ, chúng tôi có tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi sang Trung Quốc một số lần. Ở một số địa phương do tuyên truyền đổi trắng thay đen mạnh quá, có người Trung Quốc vẫn còn tin là Việt Nam "phản bội".

Khôi phục lại lòng tin, khôi phục lại sự tin cậy lẫn nhau là không dễ. Trong lúc đấy thì ta cũng nghĩ cần phải thúc đẩy quan hệ hai nước và đàm phán về các vấn đề tồn tại, trong đó có vấn đề biên giới.

Ta và Trung Quốc đã có 3 vòng đàm phán lớn: Vòng thứ nhất từ 1953 - 1954; Vòng thứ 2 cuối 1970 - 1980 và Vòng thứ 3 vào đầu những năm 1990.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 10.

Vòng đầu tiên, hai nước chỉ đàm phán về nguyên tắc. Vòng thứ hai, diễn ra vào cuối năm 1979 - 1980, đàm phán về biên giới giữa hai nước. Thời điểm đó, có khi đoàn đàm phán sang cả tháng trời mà không đạt được kết quả. Các cuộc đàm phán lúc bấy giờ như cuộc nói chuyện của 2 người điếc: Cứ một tuần lên gặp nhau một lần, mỗi bên chuẩn bị sẵn một bài phát biểu, đọc xong rồi ra về.

Đến khi hai bên tổ chức họp báo, phía Trung Quốc lại đổ vấy cho ta chuyện này, chuyện kia. Ta phải mất công cải chính. Diễn biến như vậy cứ kéo dài mấy năm trời. Thực sự vòng đàm phán những năm 1980 không ghi nhận bất kỳ kết quả nào.

Cho đến đầu những năm 1990, khởi động vòng đàm phán lần thứ ba, sau khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ và cuối những năm 1990 đàm phán mới đi vào thực chất. Đến 31/12/1999 thì 2 nước ký được Hiệp ước biên giới trên bộ.

Lúc này ký được Hiệp ước biên giới trên bộ là do quan hệ hai nước đã tương đối hòa dịu, những chuyện phức tạp phần nhiều đã được giải quyết. Thứ hai là Mỹ, Châu Âu, các nước bắt đầu bỏ cấm vận, nước ta gia nhập ở ASEAN, vị thế ta cũng khác. Về phía Trung Quốc thì một trong những yếu tố khiến Trung Quốc phải ký được hiệp định với mình và đàm phán thực chất là nhu cầu muốn môi trường hòa bình, ổn định. Tình hình xung quanh mà lộn xộn thì Trung Quốc cũng không yên bình quan hệ với các nước lớn để phát triển được.

Tôi cho rằng chiến tranh biên giới thì cả hai bên đều thiệt hại. Trung Quốc cũng thiệt hại nhiều về người nhưng cái mất nhiều nhất là mất tình anh em với Việt Nam và gây nghi kỵ với các nước láng giềng.

Lúc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu thắt chặt quan hệ với Mỹ, hoặc đẩy quan hệ với Mỹ lên, nhưng đến bây giờ cũng khác rồi. Cuộc chiến này đối với Trung Quốc là lợi bất cập hại, làm Trung Quốc mất uy tín rất nhiều. Đến bây giờ, trong vấn đề Biển Đông, những hành động của Trung Quốc cũng bị dư luận thế giới phản đối. Điều này cũng do bản chất chiến lược của Trung Quốc từ thời họ đánh ta và từ trước đấy nữa. Nhưng việc làm nào cũng có hậu quả.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 11.
Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 12.

Cuộc chiến tranh tháng 2/1979 do ý đồ chiến lược của Trung Quốc, đi ngược lại quan hệ truyền thống Việt - Trung, ngược lại tất cả những gì Trung Quốc đã làm cho Việt Nam trước đó. Đây là sự xót xa đối với cả hai bên. Thế hệ chúng tôi và trẻ hơn một chút không quên được chuyện này.

Sử sách phải ghi cho rõ: Đây là vết nhơ trong quan hệ hai nước và không được phép quên. Vấn đề là ứng xử như thế nào vào thời điểm này cho trọn vẹn.

Chúng ta không quên cuộc chiến tranh biên giới nhưng không vì thế mà chúng ta không phấn đấu để xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Ở đây cũng phải thấy một nguyên tắc bất di bất dịch là sống bên cạnh một nước như Trung Quốc, ta phải luôn cố gắng để có mối quan hệ hòa hợp, hợp tác hữu nghị với họ, cương quyết bảo vệ lợi ích chủ quyền nhưng không có nghĩa là làm ẩu, làm bậy, mà phải kiên trì, bình tĩnh. Điều này không đồng nghĩa với việc bài Hoa.

Ta không nhấc Việt Nam đi đâu được, ta sống trường tồn bên cạnh họ thì phải xử lý như thế nào để giữ được lợi ích của mình, giữ được đất nước mình. Trung Quốc cũng không thể chống Việt Nam mãi.

Lúc tôi làm trưởng đoàn đàm phán vấn đề biên giới bên phía Việt Nam thì ông Vương Nghị lúc đó là trợ lý Bộ trưởng, trưởng đoàn đàm phán phía Trung Quốc. Hai đoàn đàm phán mỗi năm làm việc với nhau 2-3 lần ở Hà Nội hoặc Hải Phòng, Quảng Ninh của ta hay ở Vân Nam, Hồ Bắc của họ, làm việc với nhau khá là thuận. Lúc đấy hai bên đều thấy cần phải thúc đẩy đàm phán và quan hệ hai nước.

Năm 2014, ông Vương Nghị có sang đây, mời tôi với ông Vũ Khoan đến nói chuyện. Lúc đó cả tôi và bác Khoan đều đã nghỉ. Trong câu chuyện giữa chúng tôi không dính gì đến chuyện cũ, chuyện cũ xong rồi thì thôi. Tính là tính chuyện ở Biển Đông sắp tới.

Chiến tranh 1979: Đại sứ VN bị TQ cho dùng bát sứt, bí thư phải ngủ giường tầng và chuyện ứng xử tương lai - Ảnh 13.
Lan Hương
Tuấn Mark
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ16/02/2019

Theo Lan Hương - Tuấn Mark - Đỗ Linh

Trí Thức trẻ

Trở lên trên