Trang trại lúa khiêm tốn của Chuang Cheng-deng chỉ là một hòn đá nhỏ khi so sánh với vị thế trung tâm của ngành công nghiệp chip máy tính ở Đài Loan, nơi tạo ra các sản phẩm chiếm thị phần đáng kể trong thị trường iPhone và các thiết bị công nghệ khác trên thế giới.
Năm nay, ông Chuang đang phải trả giá cho vị thế quan trọng của hòn đảo đối với các nền kinh tế công nghệ cao. Hạn hán khiến việc tiết kiệm nước cho các hộ gia đình và nhà máy trở nên quan trọng, và Đài Loan đã ngừng hoạt động tưới tiêu trên hàng chục nghìn mẫu đất nông nghiệp.
Các cơ quan chức năng đang bồi thường cho người trồng lúa về các khoản thu nhập bị mất. Nhưng ông Chuang, người đã 55 tuổi, lo ngại rằng vụ thu hoạch bị cản trở sẽ khiến khách hàng của ông tìm kiếm các nhà cung cấp khác và điều này có thể đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ giảm sút trong nhiều năm tới.
Các quan chức đang gọi đây là hạn hán là tồi tệ nhất của Đài Loan trong hơn nửa thế kỷ qua. Và nó đang đặt ra những thách thức to lớn liên quan đến việc duy trì ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo, vốn là một nút thắt quan trọng và ngày càng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho điện thoại thông minh, ô tô và các mặt hàng chủ chốt khác của cuộc sống hiện đại.
Các nhà sản xuất chip sử dụng rất nhiều nước để làm sạch nhà máy và các tấm wafer, những lát mỏng silicon tạo nên nền tảng của những con chip. Và với nguồn cung bán dẫn trên toàn thế giới vốn đã căng thẳng do nhu cầu điện tử tăng cao, sự không chắc chắn thêm vào của nguồn cung cấp nước ở Đài Loan không có khả năng làm giảm bớt lo ngại về sự phụ thuộc của thế giới công nghệ vào hòn đảo này. Và cụ thể, là vào một nhà sản xuất chip: Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Hơn 90% năng lực sản xuất chip tiên tiến nhất trên thế giới là ở Đài Loan và được điều hành bởi TSMC. Công ty này sản xuất chip cho Apple, Intel và các công ty tên tuổi khác. Cách đây không lâu, công ty cho biết họ sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tới để tăng công suất, điều có thể sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiện diện ở vị thế lãnh đạo của họ trên thị trường.
TSMC cho biết hạn hán không ảnh hưởng đến sản xuất của họ cho đến nay. Nhưng với việc lượng mưa của Đài Loan ngày càng trở nên không thể dự đoán được, hòn đảo này đang phải nỗ lực hơn bao giờ hết để giữ cho những dòng nước tiếp tục chảy.
Trong những tháng gần đây, chính phủ đã cho máy bay bay và đốt hóa chất để tạo ra những đám mây nhân tạo trên các hồ chứa. Bên cạnh đó là việc xây dựng một nhà máy khử muối nước biển ở Tân Trúc, nơi có trụ sở chính của TSMC, cùng một đường ống nối thành phố với khu vực miền bắc nơi có mưa nhiều hơn. Bên cạnh đó là việc ra lệnh cho các ngành công nghiệp cắt giảm sử dụng nước. Ở một số nơi, chính quyền đã giảm áp lực nước và bắt đầu ngắt nguồn cung cấp trong hai ngày mỗi tuần. Một số công ty, bao gồm TSMC, đã vận chuyển các xe tải chở nước từ các khu vực khác tới để vận hành nhà máy.
"TSMC và những người làm bán dẫn đó, họ hoàn toàn không hiểu được điều này", Tian Shou-shi, 63 tuổi, một người trồng lúa ở Tân Trúc, cho biết. "Những người nông dân chúng tôi chỉ muốn có thể kiếm sống lương thiện."
Trong một cuộc phỏng vấn, Phó Giám đốc Cơ quan Tài nguyên nước Đài Loan, Wang Yi-Feng, bảo vệ các chính sách của chính quyền, nói rằng đợt khô hạn có nghĩa là mùa màng sẽ tồi tệ ngay cả khi có nước tưới. Ông nói rằng chuyển hướng nguồn nước khan hiếm đến các trang trại thay vì các nhà máy và nhà ở sẽ là sự "mất mát".
Còn khi được hỏi về những rắc rối về nước của nông dân, bà Nina Kao, phát ngôn viên của TSMC, cho biết việc sử dụng nước hiệu quả là "rất quan trọng đối với mỗi ngành và công ty" và chỉ ra rằng TSMC đã tham gia vào một dự án để tăng hiệu quả tưới tiêu.
Phần lớn nước được cung cấp cho hòn đảo đến từ các cơn bão mùa hè. Tuy nhiên, các cơn bão cũng làm cuốn trôi đất vào các hồ chứa, do địa hình đồi núi của Đài Loan. Điều này đã làm giảm dần lượng nước mà các hồ chứa có thể tích trữ được.
Các trận mưa cũng thay đổi thất thường từ năm này sang năm khác. Không một cơn bão nào đã đổ bộ vào hòn đảo này vào mùa mưa năm ngoái, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 1964.
Lần cuối cùng Đài Loan ngừng hoạt động tưới tiêu trên quy mô lớn để tiết kiệm nước là vào năm 2015 và trước đó là vào năm 2004.
"Nếu trong hai hoặc ba năm nữa, những điều kiện tương tự lại xuất hiện, thì chúng ta có thể nói: 'À, Đài Loan chắc chắn đã bước vào kỷ nguyên thiếu nước nghiêm trọng", You Jiing-yun, một giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Quốc lập Đài Loan, cho biết. "Ngay bây giờ, hãy chờ xem."
Năm 2019, các cơ sở của TSMC ở Tân Trúc tiêu thụ 63.000 tấn nước mỗi ngày, theo báo cáo từ công ty, tương đương hơn 10% nguồn cung cấp từ hai hồ chứa địa phương là Baoshan và Baoshan Second Reservoir. TSMC cho biết họ đã tái chế hơn 86% lượng nước từ các quy trình sản xuất của mình trong năm đó và tiết kiệm được hơn 3,6 triệu tấn so với năm trước bằng cách tăng cường tái chế và áp dụng các biện pháp mới khác. Nhưng, số lượng đó vẫn còn nhỏ so với 63 triệu tấn đã tiêu thụ trong năm 2019 tại các cơ sở ở Đài Loan.
Đối tác kinh doanh của ông Chuang ở Tân Trúc, Kuo Yu-ling, không thích đả kích ngành công nghiệp chip.
Cô Kuo, 32 tuổi, nói về khu công nghiệp chính của thành phố là: "Nếu Công viên Khoa học Tân Trúc không được phát triển như ngày nay, chúng tôi cũng sẽ không kinh doanh được. Các kỹ sư của TSMC là những khách hàng quan trọng".
Nhưng, Kuo cũng nói, sẽ là sai khi buộc tội nông dân đang ăn cắp nguồn nước dù họ đóng góp ít hơn về kinh tế.
"Chúng ta không thể tính toán công bằng và chính xác về lượng nước sử dụng của các trang trại và trong các ngành công nghiệp" cô nói.
Còn Wang Hsiao-wen, giáo sư kỹ thuật thủy lực tại Đại học Quốc lập Cheng Kung, cho biết "vấn đề lớn nhất" đằng sau thảm họa về nước của Đài Loan là việc đánh thuế nước quá thấp. Điều này khuyến khích sự lãng phí.
Các hộ gia đình ở Đài Loan sử dụng khoảng 283 lít nước mỗi người mỗi ngày, số liệu của chính quyền nơi đây cho thấy. Để so sánh thì người Tây Âu sử dụng ít hơn con số đó, trong khi người Mỹ sử dụng nhiều hơn, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Ông Wang cho biết: "Việc điều chỉnh giá nước có ảnh hưởng lớn đến các nhóm dễ bị tổn thương hơn trong xã hội, vì vậy khi thực hiện điều chỉnh, chúng tôi cực kỳ thận trọng".
Người đứng đầu Đài Loan hồi tháng trước cho biết chính quyền sẽ xem xét việc áp thêm phí đối với 1.800 nhà máy sử dụng nhiều nước.
Lee Hong-yuan, một giáo sư kỹ thuật thủy lực, người từng là Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan, cũng đổ lỗi cho một hành vi quan liêu gây khó khăn cho việc xây dựng các nhà máy tái chế nước thải mới và hiện đại hóa mạng lưới đường ống.
Phía tây nam của Đài Loan vừa là trung tâm nông nghiệp vừa là trung tâm công nghiệp đang phát triển. Các cơ sở sản xuất chip tiên tiến nhất của TSMC nằm ở phía nam thành phố Đài Nam. Hồ chứa Tsengwen gần đó đã bị thu hẹp lại thành đầm lầy ở một số phần. Theo số liệu của chính quyền, lượng nước ở đây chỉ còn vào khoảng 11,6% dung tích.
Tại các thị trấn nông nghiệp gần Đài Nam, nhiều người trồng trọt cho biết họ hài lòng khi được sống bằng tiền của chính quyền, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Họ dọn sạch cỏ dại khỏi những cánh đồng bỏ hoang của mình. Họ uống trà với bạn bè và đạp xe đường dài.
Nhưng họ cũng đang tính đến tương lai của mình. Công chúng Đài Loan dường như đã quyết định rằng trồng lúa ít quan trọng hơn, đối với cả hòn đảo và thế giới, so với chất bán dẫn. Ông trời - hoặc các lực lượng kinh tế lớn hơn, ít nhất là vậy - dường như đang nói với những người nông dân rằng đã đến lúc phải tìm công việc khác.
"Phân bón ngày càng đắt hơn", Hsieh Tsai-shan, 74 tuổi, một người trồng lúa, cho biết. "Làm nông dân thực sự là điều tệ nhất."
Vùng đất nông nghiệp yên bình bao quanh ngôi làng Jingliao, nơi đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng sau khi xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về cuộc sống thay đổi của nông dân.
Chỉ còn một con bò trong thị trấn. Nó dành cả ngày để kéo du khách, không cày ruộng.
Yang Kuei-chuan, 69 tuổi, một nông dân trồng lúa, cho biết: "Xung quanh đây, người 70 tuổi vẫn được coi là còn trẻ". Cả hai con trai của ông Yang đều làm việc cho các công ty công nghiệp.
Ông Yang nói: "Nếu Đài Loan không có bất kỳ ngành công nghiệp nào và dựa vào nông nghiệp, tất cả chúng ta có thể đã chết đói."
Bây giờ các cánh đồng của họ đang bị bỏ hoang trong mùa này, Huang Shui-ho (trái) và Yang Kuei-chuan (phải) có nhiều thời gian hơn để dành cho việc uống trà.
Theo NewYork Times
Pháp luật và bạn đọc