img

Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam – Quỹ đầu tư lâu đời nhất và lớn nhất tại Việt Nam, đến talk show The Investors với bộ vest xanh lịch lãm và mái tóc buộc kiểu đuôi ngựa rất đặc trưng. Điểm thú vị trong phong cách quý ông của Dominic là bộ vest được phối với chiếc áo sơ mi hoa, đi cùng với đôi tất sọc màu thiên nhiên và giày thể thao. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Dragon Capital nói: "Mặc một bộ quần áo mình thích và thoải mái, tôi cảm thấy mình như đang ở nhà! (cười)".

Cuộc trò chuyện giữa 2 nhân vật đặc biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu với chia sẻ của bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VNDIRECT về lần gặp đầu tiên với Ông Dominic Scriven cách đây đã 30 năm.

"Đến giờ gặp lại, anh vẫn là một nhà đầu tư lạc quan và trẻ trung. Hôm nay, chúng ta sẽ có thời gian để nghe anh Dominic chia sẻ về hành trình làm nghề của anh ở Việt Nam và hành trình đó đã chuyển đổi Dragon Capital như thế nào", bà Phạm Minh Hương mở đầu.

Ông Dominic Scriven: Chị dùng từ hành trình là rất chính xác. Nhiều khi các bạn trong công ty cứ hỏi: Mục đích của chúng ta là gì? Chúng ta đang hướng về đâu? Chủ yếu là người ta muốn nghe về con số hay là các mục tiêu cụ thể. Tôi nói là: "Thực ra, quan trọng không phải là đích đến mà là hành trình mà mình đi như thế nào". Tôi ở Việt Nam đã 30 năm, nhưng hành trình mới bắt đầu thôi.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 1.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 2.

Host Phạm Minh Hương: Cách đây 30 năm, lý do gì anh chọn Việt Nam để đầu tư. Có bao giờ anh nghĩ đến việc Dragon Capital sẽ trở thành quỹ lớn nhất Việt Nam với quy mô hàng tỷ USD như hiện nay hay không?

Ông Dominic Scriven: Tôi không bao giờ hình dung nổi sẽ có một hành trình 30 năm tới ngày hôm nay. Tôi thường nói với bạn bè rằng khi thấy cơ hội, mình lập công ty khi đó giống như mỗi người trẻ lập nghiệp. Suy nghĩ ban đầu là mình sẽ nỗ lực 2-3 năm, sau đó bán công ty rồi đi chơi.

Nhưng điều mà ai lập công ty cũng cần phải học là không bao giờ có con đường thẳng, lúc nào cũng lên-xuống, lên-xuống. Trong ngành chứng khoán, có lúc thị trường đi lên nhưng cũng có những lúc khó khăn, thách thức. Dragon Capital thành lập năm 1994 và lập quỹ đầu tiên vào năm 1995 vì nhận thấy Việt Nam có thể mở thị trường chứng khoán vào năm 1996.

Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính châu Á cuối năm 1997 và đầu 1998 khiến kế hoạch thành lập thị trường chứng khoán tại Việt Nam bị hoãn lại. Vì thế chúng tôi có khoảng thời gian 3-4 năm khó khăn, do thay đổi tỷ giá, thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng có vấn đề. Mãi đến năm 2000 thị trường chứng khoán mới chính thức đi vào hoạt động và chúng tôi mới phục hồi được một chút nhưng đã 6 năm kể từ khi thành lập rồi.

Host Phạm Minh Hương: Trong hành trình 30 năm qua, những điều gì làm cho anh thấy nhớ nhất. Điều gì làm nên thành công của Dragon Capital và Dominic ngày hôm nay?

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 3.

Ông Dominic Scriven: Có lẽ từ "thành công" tôi xin phép được thay bằng "tồn tại" (cười). Bởi trong suốt hành trình qua, ai cũng bị thương, gặt hái những điều thú vị, rồi phải chịu sức ép từ nhiều phía.

Nhưng điều tự hào là Dragon Capital đã phát triển được văn hoá doanh nghiệp để có được nền tảng như ngày hôm nay. Nếu sau này mình không có sức làm tiếp, cũng sẽ để lại được nền tảng là một định chế phục vụ nhà đầu tư, trở thành một phần của thị trường. Đây là điều quan trọng nhất.

Còn việc bảo vệ vốn cho nhà đầu tư, cạnh tranh với các quỹ khác, hay có kết quả đầu tư siêu gì đó… thì ai cũng muốn có. Nhưng quan trọng là hành trình của Dragon Capital vẫn phải tiếp tục dù mình có còn tham gia hay không.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 4.

Host Phạm Minh Hương: Anh đã sống ở Việt Nam 30 năm, nói tiếng Việt rất giỏi, rất am hiểu Việt Nam. Nhà đầu tư muốn nghe anh chia sẻ những câu chuyện kể về Việt Nam khi đi ra gọi vốn trên thị trường quốc tế. Điều gì thôi thúc anh muốn huy động vốn từ nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam?

Ông Dominic Scriven: Thực ra khi sang Việt Nam lần đầu mình không có kế hoạch lập quỹ. Hồi đó, mình làm trong ngành này ở Hong Kong, theo dõi một số thị trường ở Đông Á như Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan… 40 năm trước, nhà đầu tư nước ngoài chưa có khái niệm đầu tư vào Trung Quốc, chỉ có các thị trường xung quanh.

Thế nhưng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đi tham quan, học hỏi và rất may là có đoàn sang Việt Nam năm 1990. Khi ấy, Việt Nam đã có Luật Đầu tư nước ngoài nhưng chưa có Luật Doanh nghiệp. Vì thế, vai trò của nhà đầu tài chính nước ngoài là rất không rõ ràng, không biết sẽ có tiềm năng gì ở thị trường này hay không.

Nhưng lúc đó tôi lại bị cuốn vào Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Tôi đã đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam, rất nhiều địa điểm đẹp như Lăng Cô, Huế, Đà Lạt…nhưng Hà Nội là nơi cuốn hút mình nhất. Tôi quyết định đăng ký học ở trường Đại học Tổng hợp, để học tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam.

Trước năm 1990 mình chưa đến Việt Nam lần nào nhưng ở thế hệ của tôi, khi lớn lên, hình ảnh Việt Nam đã ăn sâu vào đầu từ những năm 1970-1980. Đối với những người phương Tây đi học ở nước ngoài, Việt Nam là anh hùng của các nước đang phát triển. Có lẽ, ở một góc độ nào đó, lịch sử Việt Nam là yếu tố cuốn mình về đây.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 5.

Host Phạm Minh Hương: Nghe anh Dom nói, tôi mới thấy đầu tư không chỉ khô khan với con số mà có những giá trị vô hình khác mà người Việt Nam ở trong nước lại không nhận ra. Vừa rồi, tôi có đi Thuỵ Sĩ thì được người bạn nước ngoài tặng một quyển sách nói về dân tộc Việt Nam rất kiên cường. Có lẽ đây cũng là một điểm hấp dẫn quan trọng về đầu tư mà tôi chưa nghĩ tới. Phải chăng trong hành trình đầu tư có nhiều giá trị vô hình và điểm tựa khác mà lý trí quá lại không ổn?

Ông Dominic Scriven: Không biết mình dùng từ này có phù hợp không nhưng Việt Nam có một thương hiệu quốc gia – tiếng Anh gọi là Brand Vietnam, và "soft power" – năng lực mềm. Người ta nghe cái tên Việt Nam sẽ có những suy nghĩ mà có lẽ người Việt Nam cũng chưa biết hết.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 6.

Host Phạm Minh Hương: Từ đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn rất mạnh, lên đến 2,4 tỷ USD. Điều này có phải do thương hiệu quốc gia Việt Nam về thị trường vốn giảm đi hay có một lý do nào khác?

Ông Dominic Scriven: Đây là một con số khá bất ngờ và đáng để suy nghĩ. Tại sao? Có lẽ đến từ cả yếu tố nội và yếu tố ngoại. Thế giới không thiếu thách thức, thậm chí nỗi lo, mối đe dọa như các vấn đề địa chính trị ở Trung Đông, Nga – Ukraine…Thông thường, khi các nhà đầu tư nước ngoài sợ, nhận thấy rủi ro, hành động sẽ là bán và đem tiền về nước cho an toàn.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là bong bóng tài chính. Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển 10 năm gần đây không ngừng in tiền, dẫn đến nợ công, nợ tư, lạm phát, giá trị tài sản, đặc biệt là chi phí sống tăng cao. Trên góc độ nhà phân tích, điều này là không hiểu nổi và nó gây ra những sự bất ngờ. Điển hình như việc đồng yên và thị trường chứng khoán Nhật Bản thay đổi rất nhanh trong thời gian ngắn vừa qua. Những yếu tố này làm cho chiến lược đầu tư của các quỹ lớn trên thế giới phải điều chỉnh.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 7.

Các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Hai năm gần đây, Dragon Capital phân tích 80 công ty lớn chiếm khoảng trên 80% giá trị vốn hoá thị trường, nhận thấy không có sự tăng trưởng lợi nhuận. Một thị trường không tăng trưởng lợi nhuận trong 2 năm (2022-2023), nhà đầu tư sẽ bỏ đi. Đây là một yếu tố rất lớn trong tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài gần đây.

Chúng ta ở Việt Nam suy nghĩ 24/24 đến chứng khoán Việt Nam, còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, chứng khoán Việt Nam mới chỉ là một yếu tố, một nhân vật nhỏ trên sân khấu của họ. Mình nghe nói, một số nhà đầu tư nước ngoài đang không hiểu rõ hướng đi của Việt Nam.

Quay trở lại với Brand Vietnam, chúng ta nên làm tốt hơn việc truyền tải thông điệp đối với giới đầu tư nước ngoài. Với nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam là siêu sao, không ai cạnh tranh nổi. Nhiều quốc gia mơ có một sức cạnh tranh như Việt Nam. Nhưng nếu nói riêng về các nhà đầu tư tài chính, theo Dom, thông điệp của Việt Nam cần phải rõ ràng hơn.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 8.

Host Phạm Minh Hương: Một điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài bán 2,4 tỷ USD nhưng dòng tiền trong nước vẫn "back up" được, thị trường cũng không sụt giảm mạnh phần nào cho thấy được mức độ trưởng thành của chứng khoán Việt Nam.

Theo anh, để nâng được thương hiệu của thị trường vốn, Việt Nam cần cải thiện điều gì? Việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi có làm thị trường tốt lên hay phải đi về bản chất vấn đề?

Ông Dominic Scriven: Người ta thường nói, để kích động thị trường thì cần "animal spirits" có thể dịch là tâm hồn của con thú, và sức chiến của nhà đầu tư Việt Nam là vô cùng thú vị. Nhà đầu tư nước ngoài hằng ngày, tuần nào cũng bán ra nhưng nhà đầu tư trong nước vẫn mua vào. Điều này rất tốt cho thị trường và cũng tốt cho chính Dragon Capital.

Về thông điệp đối với nhà đầu tư thì là quyền hạn của mỗi quốc gia, không nên bị ép đi con đường khác với nguyện vọng của mình. Quá trình nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi là điều chúng ta đã theo đuổi từ khá lâu và có những cảm giác, nghi ngờ rằng ở đâu đó đang đòi hỏi những thứ không công bằng và "ép" Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam nên đi đúng con đường mình muốn. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ, các tổ chức, ngân hàng, hiệp hội ở nước ngoài bình luận về việc này và đưa ra những điều kiện để đón nhận Việt Nam là thành viên cộng đồng của họ. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có muốn và sẵn sàng chưa, hay muốn và sẵn sàng nhưng điều kiện hiện tại gần đạt mà chưa đủ.

Có một thách thức với nhà đầu tư nước ngoài bây giờ, điển hình trong ngành quỹ, nếu muốn đầu tư vào Việt Nam, phải xin trường hợp ngoại lệ ở hội đồng đầu tư. Trong một thời đại có quá nhiều nỗi lo từ vĩ mô đến vi mô, việc phải xin ngoại lệ là điều không khả thi, đặc biệt khó trong bối cảnh 2 năm qua doanh nghiệp không tăng lợi nhuận.

Dù vậy, Việt Nam đang tỏ rõ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán. Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cũng hiểu được mong muốn của Việt Nam. Vấn đề bây giờ là thực hiện như thế nào.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 9.

Host Phạm Minh Hương: Theo anh, những khó khăn của những năm vừa qua đã hết chưa và điều gì sẽ là động lực của chứng khoán Việt Nam thời gian tới?

Ông Dominic Scriven: Vấn đề sống còn của Dragon Capital là Việt Nam. Do đó, khách hàng hỏi ý kiến thì không bao giờ tôi nói đừng đầu tư vào Việt Nam. Tôi phải tôn trọng định hướng của công ty là phát triển thị trường vốn Việt Nam về dài hạn. Tuy nhiên, phải chấp nhận một thực tế là có lúc đi chậm, đi nhanh, có lúc hài lòng, có lúc thách thức…

Cá nhân tôi thấy 2-3 năm nay ngành của mình hơi khó khăn. Sức ép giảm phí, cạnh tranh là vô cùng lớn và đi kèm là những thách thức nội tại. Nhưng nói thật với chị, bản thân tôi thấy phần lớn khó khăn đã nằm sau lưng trong chu kỳ này. Sau 2 năm các công ty niêm yết không tăng trưởng lợi nhuận, năm nay bắt đầu phục hồi. Quý 1 tốt hơn quý 4 năm ngoái, quý 2 phát triển xu hướng của quý 1.

Nhóm phân tích của Dragon Capital tương đối chắc chắn 80 công ty trong danh sách theo dõi sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận 18% năm 2024. Tất nhiên, sẽ có những ngành hồi phục trước, có ngành vẫn khó khăn.

Bên cạnh đó, vĩ mô Việt Nam đang ổn hơn, mạnh lên cả về điều hành và động cơ phát triển. Rất lâu rồi, chúng ta không thấy chỉ số tăng trưởng GDP dự kiến điều chỉnh tăng lên. Đó là một điều đáng mừng.

Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng triền miên nhưng có một quy luật là các nhà đầu tư nước ngoài có thể là người sớm nhất nhưng đôi khi cũng lại là muộn nhất. Vì thế, đừng quá lo lắng.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 10.

Host Phạm Minh Hương: Nhà đầu tư vẫn luôn tìm kiếm cơ hội nhưng thách thức nhất bây giờ là vấn đề hàng hoá. Những doanh nghiệp hấp dẫn như ô tô điện, công nghệ ở Việt Nam ngoài FPT không có nhiều. Dragon Capital có gặp khó khăn hay không khi trong một thời gian dài các doanh nghiệp niêm yết cũng không có nhiều?

Ông Dominic Scriven: Nhất trí hoàn toàn với chị. Quay trở lại yếu tố thông điệp với cộng đồng quốc tế, những câu chuyện tôi kể khi gặp các nhà đầu tư có những giới hạn không đáng có. Mình vẫn nói về sức chiến của thành phần tư nhân Việt Nam như thế nào thì ai đến đây có thể thấy rõ điều đó trên đường phố.

Chúng ta nhìn cơ cấu thị trường Việt Nam lớn nhất vẫn là ngân hàng, rồi đến bất động sản. Cái đó là cần thiết nhưng chưa chắc là các ngành có sức hấp dẫn. Thêm nữa, quy định của Việt Nam không cho niêm yết các doanh nghiệp chưa có lợi nhuận.

Tôi rất hiểu quy định nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng điều này dẫn đến trường hợp là các start-up khởi nghiệp công nghệ, lĩnh vực mới, khoa học mới, biotech, hay các ngành thú vị của nhân loại sẽ không niêm yết được, hay không có thị trường cho họ.

Liệu có thể có một thị trường riêng cho nhóm này? Thông thường các nước cố gắng phát triển một Sở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tôi nghe nói là Việt Nam đang nghiên cứu nhưng đến giờ vẫn chưa có.

Nguồn tạo "hàng hoá" nói chung ở thị trường vốn Việt Nam rất mỏng, gần như chỉ trông chờ vào doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá. Nhưng đây chỉ là một yếu tố thôi. Tôi thường tự hỏi là tại sao các doanh nghiệp tư nhân không đẩy mạnh niêm yết.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 11.

Host Phạm Minh Hương: Anh Dom là một người nước ngoài rất yêu Việt Nam, luôn tìm kiếm và kể các câu chuyện để nâng uy tín cho thị trường vốn. Anh cũng xây dựng được một sự nghiệp quản lý quỹ rất thành công tại đây. Vậy anh có lời khuyên gì dành cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường?

Ông Dominic Scriven: Phải nói ngược lại chứ. Việt Nam dạy cho mình nhiều thứ. Cách đây vài năm khi Dragon Capital đang đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng Việt Nam, ra mắt các quỹ, tiến hành thăm dò thị trường về quỹ đầu tư so với các kênh khác ra sao. Kết luận là có 4 yếu tố nhà đầu tư quan tâm: thứ nhất là thanh khoản, thứ 2 là cố gắng lãi hơn ngân hàng, thứ 3 là đừng có mất vốn, thứ 4 là nghe ý kiến của bạn bè. Tôi thấy những điều đó rất chính xác và khuyên các nhà đầu tư cũng nên đi theo những nhận xét đó.

Quan trọng là mỗi người nên xác nhận trước khi tham gia, khẩu vị rủi ro của mình như thế nào. Tôi không đồng ý với quan điểm nhà đầu tư ngắn hạn là đầu cơ. Mỗi thị trường đều có rất nhiều loại nhà đầu tư. Nhà đầu tư 100 năm và nhà đầu tư một ngày đều là nhà đầu tư. Nhà đầu tư một triệu và nhà đầu tư một tỷ cũng đều là nhà đầu tư. Chỉ có điều mỗi nhà đầu tư có mỗi khẩu vị rủi ro khác nhau.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 12.

Host Phạm Minh Hương: Quan trọng nhất khi nhà đầu tư chọn cơ hội của mình vào là biến động giá hay giá trị?

Ông Dominic Scriven: Đúng, đúng (cười)

Host Phạm Minh Hương: Hiện nay, Dragon Capital có giữ nhiều tiền mặt không?

Ông Dominic Scriven: Hiện tại, chúng tôi không giữ tiền mặt nhiều. Với Dragon Capital, chúng tôi không chạy theo ngắn hạn. Quỹ luôn đi theo các biến động lớn của nền kinh tế được phản ánh như thế nào tới các ngành trên thị trường chứng khoán về mặt lâu dài. Nhiệm vụ lớn của Dragon Capital là cố gắng đừng mất tiền.

Host Phạm Minh Hương: Nhiều nhà đầu tư Việt Nam rất vội vàng, còn muốn lãi rất cao nên chỉ lãi hơn ngân hàng sẽ chưa hài lòng lắm, nhất là khi so sánh với đầu tư vào bất động sản trong vòng 10 năm qua thì tài sản tăng nhanh hơn nhiều. Anh sẽ nói gì với nhà đầu tư và có dự báo gì về thị trường bất động sản?

Ông Dominic Scriven: Dragon Capital không có thế mạnh về bất động sản. 100% vốn huy động dành cho thị trường chứng khoán, không tham gia ở ngoài như một số quỹ khác vì khả năng cạnh tranh là không có.

Phải nhìn nhận một thực tế, ở bất kỳ nước nào trên thế giới đều có một ngành bất động sản lớn và đó cũng là tài sản trụ cột của mỗi gia đình. Đây là luật thiên nhiên và Việt Nam cũng không khác. Thị trường bất động sản của Việt Nam có tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng giảm đáng kể thì cũng có.

Tuy nhiên, mục tiêu của Dragon Capital là kiến tạo cho khách hàng một hành trình đầu tư bền vững, dễ dự báo, giúp họ ngủ ngon hàng đêm mà không phải lo nghĩ.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 13.

Host Phạm Minh Hương: Đến giờ, tôi thấy anh Dom vẫn là một nhà đầu tư bám thị trường, có sức chiến như cách đây 30 năm. Làm sao để có được điều đó?

Ông Dominic Scriven: Không, không! (cười) Mỗi ngày là một ngày khác. Có lẽ những người tham gia nhiều với thị trường chứng khoán đều có chút thị trường trong ADN. Mỗi ngày mình đọc báo thấy có gì mới như nhân vật mới, công ty mới, sự kiện mới, thách thức mới, cơ hội mới. Nó làm cho cà phê buổi sáng rất thú vị. Cái hay của thị trường vốn là hút về mọi thông tin về mỗi người, mỗi ngành, mỗi yếu tố, mỗi nước trên toàn cầu cùng lúc.

Host Phạm Minh Hương: Lý do nào khiến anh đưa thiền vào đầu tư?

Ông Dominic Scriven: Tôi gặp thiền thông qua một thách thức lớn về mặt cá nhân và có người giới thiệu đến thầy Thích Nhất Hạnh. Mình rất may là đi năm 2014 ở Làng Mai (Pháp) là lần cuối cùng thầy dạy trước khi bị tai biến. Từ đó đến giờ, tôi thiền hàng ngày, nó giúp cho mình an tâm. Thiền giúp mình có chất lượng quyết định chuẩn xác hơn, đóng vai trò trong sự cân bằng giữa gia đình và công ty, đồng nghiệp, sức khoẻ.

Host Phạm Minh Hương: Thiền là mình biết cách dừng lại để thấy mọi thứ rõ ràng hơn. Mình tiếp xúc với những gì nó đang xảy ra để thấy được. Trong cuộc sống, đặc biệt là đầu tư, đối với chúng ta, thị trường chứng khoán như là hơi thở, là một phần đời sống. Chính điều đó, nếu biết kiên nhẫn kiến tạo hành trình đầu tư có thể bảo vệ được vốn khi có rủi ro, vẫn kiếm được cơ hội hơn lãi suất ngân hàng và lại có thêm nhiều người bạn thông tuệ, chẳng hạn như anh Dominic ngày hôm nay.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 14.

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Tôi thấy phần lớn khó khăn của thị trường đã ở sau lưng!’- Ảnh 15.

Hà Linh
Việt Hùng
Hương Xuân

PV

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên