Ngay từ khi thành lập, tên của Công ty Vĩnh Hoàn đã mang khát vọng của người sáng lập là vươn ra toàn cầu và tồn tại mãi mãi. Đây cũng là công ty "đa quốc gia" khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh.
Mối duyên với con cá tra của bà bắt đầu như thế nào?
Tôi sống và lớn lên ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thời bao cấp, mọi người chỉ được phân phối 1 kg thịt/tháng. Những tháng không có thịt, người ta thay bằng cá basa, tức là con cá basa đã tham gia lưu thông trên thị trường từ hồi đó. Người đầu tiên dạy chúng ta cách phi lê cá là các chuyên gia Úc. Từ đó, ngành cá bắt đầu phát triển.
Khi tốt nghiệp ra trường, theo sự phân công của nhà nước, tôi làm việc ở một công ty xuất khẩu của huyện và công ty này đầu tư xây dựng nhà máy đông lạnh nên tôi có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá. Sau, do thay đổi tổ chức, tôi nghỉ việc và ra ngoài làm riêng. Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là cá tra và cá basa vì thấy tiềm năng to lớn của con cá này.
Lúc ấy ngành sản xuất cá mới chỉ có nhà máy ở An Giang nhưng vùng nuôi thì có tại An Giang và Đồng Tháp. Tôi sang Đồng Tháp lập nghiệp. Năm 1997, tôi thuê lại một nhà máy của công ty Sa Giang để bắt đầu sản xuất.
Vốn ban đầu của tôi chỉ có 70 triệu đồng với 70 nhân công, trong khi giá thuê lại nhà máy là 10 triệu đồng/tháng. Cũng may mắn là những đối tác cũ tín nhiệm nên mình làm ra bao nhiêu, họ nhận hết. Trong 3, 4 ngày, chúng tôi sản xuất một công hàng, xuất LC lấy tiền về trả cho người cung cấp nguyên liệu. Không ai tin được là chúng tôi không vay ngân hàng đồng nào hết.
Không những thế, công việc làm ăn lúc đó cũng luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu. Tôi cho rằng thiên thời địa lợi là yếu tố may mắn cho việc khởi nghiệp của mình.
Có thể nói, sự thành công của Vĩnh Hoàn chính là bước mở ra cho các tư nhân khác tham gia ngành cá. Nhiều doanh nghiệp mới nhưng tăng trưởng rất nhanh. Đặc biệt là từ sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận.
Từ năm 2000 đến 2006, thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất cho dù nhiều doanh nghiệp ra đời. Đó là thời kỳ hoàng kim của con cá tra. Cũng chính vì "nóng" như vậy nên mới xảy ra vụ kiện chống bán phá giá năm 2003.
Sự kiện về thuế chống bán phá giá đó ảnh hưởng như thế nào tới Vĩnh Hoàn?
Đó đúng là thời điểm khó khăn nhất của Vĩnh Hoàn trong lịch sử hoạt động. Rất may, chúng tôi đã đấu tranh và kết quả thu được là mức thuế 0%. Đó như là một câu chuyện thần thoại vậy.
Tuy nhiên, vụ việc này cũng có 2 mặt. Nhờ đó, người ta bắt đầu tò mò "con cá này là con gì mà Mỹ áp thuế chống bán phá giá?". Vậy là, ở Châu Âu, thị trường bắt đầu nhanh chóng mở rộng ra Đông Âu và Nga.
Nói chung, mỗi khó khăn lại có một cơ hội cho chúng ta.
Vĩnh Hoàn đã làm gì để có được mức thuế 0% đó?
Là doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi có điều kiện tiếp cận với môi trường kinh doanh quốc tế từ sớm. Tôi thấy, khi doanh nghiệp hội nhập quốc tế, điều quan trọng nhất là phải hiểu biết về luật pháp của địa phương, am hiểu văn hóa của nơi đó và chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực.
Đó chính là lý do mà chúng tôi đã chiến thắng vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ và đạt được mức thuế 0%.
Theo quan điểm của tôi, dù ở đâu, chúng ta cũng phải giữ văn hóa gốc của mình là trách nhiệm và đạo đức. Trong quá trình hội nhập, chúng ta không bảo thủ mà chắt lọc cái tốt trong văn hóa ở nước sở tại và ngay tại khách hàng của mình.
Ví dụ văn hóa của Mỹ là tính sòng phẳng thì chúng ta phải xây dựng văn hóa của mình là tính tuân thủ. Nếu tôi tuân thủ tốt, anh phải trả cho tôi những gì xứng đáng với việc tuân thủ đó.
Vì sao khi thành lập, bà lại đặt tên công ty là Vĩnh Hoàn?
Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới.
Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi. Trong 20 năm hoạt động, năm nào cũng có khó khăn nhưng quan trọng là phải vượt qua khó khăn đó chứ đừng ngồi than vãn.
Như lời bà kể thì Vĩnh Hoàn có lẽ là doanh nghiệp đầu đàn của ngành cá tra ngay từ thời đầu thành lập?
Ngày Vĩnh Hoàn ra đời, gặp được thiên thời địa lợi nên đã có một sự khởi đầu rất tốt và kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Nhưng những năm đó, chúng tôi không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như thủy sản Nam Việt. Còn tôi là phụ nữ nên có phần cẩn trọng, trong một số tình huống không dám "liều".
Song đến giờ, chúng tôi tự hào vì những gì đã làm được. Từ một doanh nghiệp mới và đơn sơ, Vĩnh Hoàn đã khẳng định được vị thế của mình. Vĩnh Hoàn không dám nói là doanh nghiệp đầu đàn, có lẽ do chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nên có sự năng động và được đánh giá cao về tính tiên phong.
Một số sản phẩm Vĩnh Hoàn bán giá cao hơn những công ty khác nhưng khách hàng vẫn lựa chọn mua của Vĩnh Hoàn. Tại sao vậy?
Văn hóa cốt lõi của chúng tôi là "Trách nhiệm và đạo đức" bao gồm trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm nộp thuế cho chính quyền địa phương. Nói một cách đơn giản nhất, sống và làm việc phải có trách nhiệm với những cam kết của mình.
Khi sản xuất hàng hóa, không thể đảm bảo 100% không có sai sót. Nhưng khi sự cố xảy ra, phải ngồi cùng nhau để giải quyết chứ không chối bỏ trách nhiệm. Không thể để xảy ra những việc như khi giá lên, doanh nghiệp không giao hàng, khách hàng gọi, lãnh đạo không nghe điện thoại.
Điều đó góp phần hình thành nên giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và quan điểm của người lãnh đạo như thế sẽ khiến khách hàng gắn bó với mình. Đó chính là lý do vì sao có một số phân khúc Vĩnh Hoàn bán giá cao mà khách cũng không mua của hệ thống khác. Thời đại công nghệ như bây giờ, thông tin giá cả người ta đều biết hết nhưng khách hàng vẫn trung thành với mình là nhờ tinh thần trách nhiệm xuyên suốt nhiều năm liền đã được đánh giá.
Áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn là gì?
Áp lực lớn nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là luôn phải tạo ra sự khác biệt để chiếm được ưu thế và trụ vững trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Tất nhiên, khi mình tạo ra sự khác biệt, người khác vẫn có thể copy của mình, nhưng vẫn có những cái mà họ không thể copy được, như lúc nãy tôi đã nói, là tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn vận động và muốn tiên phong làm những điều mới tốt hơn cũ.
Hiện tại chúng tôi đang định hướng trở thành một công ty đa quốc gia. Không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao đó để Vĩnh Hoàn có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia.
Việc làm gạo có phải là một thử nghiệm để khác biệt?
Cũng không phải. Với áp lực từ con cá tra, chúng tôi từng muốn làm đa ngành nghề. Nhưng khi làm mới thấy, do tính thời vụ của ngành gạo, nếu mình chỉ có một nhà máy thì hoạt động sẽ không hiệu quả, cộng thêm sự khó khăn của ngành này, chúng tôi đã quyết định tạm ngừng.
Đó cũng là một bài học: Nên tập trung vào ngành hàng cốt lõi. Nếu mở thêm ngành phụ thì phải là ngành có liên quan.
Vĩnh Hoàn bán nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng để tập trung vào ngành cốt lõi?
Đó là một ngành có liên quan nhưng chúng tôi đã bán nhà máy để giải quyết bài toán tài chính. Việc bán nhà máy thức ăn với giá khá tốt đã ghi nhận cho Vĩnh Hoàn một khoản lợi nhuận lớn và giúp chúng tôi không chịu áp lực về vốn.
Với kế hoạch tăng trưởng của Vĩnh Hoàn, chúng tôi phải mở rộng vùng nuôi và nếu giữ nhà máy thức ăn, sẽ cần vốn lưu động rất lớn. Trong khi đó, với quyền lực của người mua lớn, chúng tôi có thể mua thức ăn chăn nuôi từ chính nhà máy đã bán với giá cạnh tranh hơn, đồng thời tập trung nguồn lực nhân sự của chúng tôi và giảm áp lực về tài chính.
Đến giờ, tôi hài lòng với việc bán nhà máy thức ăn. Đối tác mà chúng tôi bán cũng hợp tác rất tốt theo cam kết về chất lượng sản xuất thức ăn theo yêu cầu của Vĩnh Hoàn. Về cơ bản, chúng tôi vẫn là một chuỗi khép kín.
Tại sao bà lại có ý tưởng làm collagen?
10 năm trước, khi dự một hội thảo về sản xuất sản phẩm từ phụ phẩm của cá, chúng tôi biết đến sản phẩm. Vì lúc nào cũng muốn làm những điều khác biệt với đối thủ nên chúng tôi đã thai nghén ý tưởng từ đó. Chúng tôi kết hợp vơi các trường đại học ở nước ngoài và các giáo sư để nghiên cứu, làm ra các sản phẩm thử nghiệm và gửi đến khách hàng, tránh việc xây dựng nhà máy ở Việt Nam rồi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Với mục tiêu doanh thu từ Collagen chiếm 30% tổng doanh thu, dự án Collagen có phải là động lực tăng trưởng mới của Vĩnh Hoàn?
Có nhiều dự án để giúp Vĩnh Hoàn tăng trưởng tiếp, trong đó dự án Collagen đã đi vào hoạt động 2 năm là một trong những cái mới. Trong thời gian qua, chúng tôi đã đạt được những chứng nhận y tế và khắt khe nhất là đạt được code xuất khẩu đi EU. Nhiều thương hiệu lớn nhất nhì thế giới đến thăm và ngạc nhiên về việc một doanh nghiệp Việt Nam có thể có những sản phẩm tốt như vậy. Họ đã làm những thử nghiệm so sánh và kết quả cho thấy, sản phẩm của chúng tôi đứng ở top 3 thế giới.
Khi đến nhà máy Collagen, chúng ta sẽ rất xúc động. Một con cá còn sống, trong vòng 24 giờ đã cho ra một sản phẩm ứng dụng công nghệ cao như vậy, trong lòng tôi và ngay cả khách hàng, họ cũng rất cảm xúc.
Thưa bà, được biết có đến 70% cán bộ quản lý của Vĩnh Hoàn là phụ nữ. Vì sao công ty lại có điểm đặc biệt này?
Có lẽ đây cũng là một cái duyên thôi. 20 năm trước, khi Vĩnh Hoàn ra đời và hoạt động trong nghề cá thì hầu hết công nhân đều là nữ vì ngành chế biến phù hợp với nữ hơn. Để quản lý các công nhân nữ thì người quản lý cũng là nữ, lịch sử hình thành là như vậy.
Sau này, tầng quản lý cấp trung ở các nhà máy đều có nam có nữ. Vĩnh Hoàn cũng không phân biệt nam hay nữ trong khâu tuyển dụng và đề bạt cấp quản lý. Điều quan trọng là họ có năng lực lãnh đạo, có sự gắn kết và điều hành công ty tốt. Ở Vĩnh Hoàn, những người có tố chất như vậy lại rơi vào nhóm nữ nhiều hơn.
Phụ nữ Việt Nam có ưu điểm là là cần cù, tỉ mỉ, làm việc rất cẩn trọng và đặc biệt có khả năng chịu đựng được áp lực. Tôi cho rằng, không chỉ ở Vĩnh Hoàn mà ở bất cứ đâu, những người phụ nữ với những ưu điểm như vậy chắc chắn đạt đến thành công.
Thực tế có nhiều nơi, tỷ lệ nữ rất cao nhưng lãnh đạo chủ yếu lại là nam. Ví dụ như ngành ngân hàng chẳng hạn?
Thực sự thì nam vẫn có ưu thế hơn trong nhiều vấn đề, đặc biệt là trong khâu quan hệ đối nội đối ngoại. Phụ nữ chịu áp lực rất nhiều khi phải cân bằng công việc trong gia đình và cơ quan. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị ưu tiên tuyển dụng nam bởi vì họ ngại việc nhân công nữ khi mang thai làm gián đoạn công việc. Nhưng ở Vĩnh Hoàn, chúng tôi lựa chọn chủ yếu dựa trên các tố chất về năng lực và những bạn nữ được đề bạt đều khiến các bạn nam tâm phục khẩu phục.
Bản thân là phụ nữ, tôi cũng không đặt điều kiện ràng buộc các bạn vào làm phải bao lâu mới được sinh con. Tôi cho rằng một đứa trẻ ra đời là một mầm sống rất thiêng liêng. Đó là hạnh phúc của người mẹ, của gia đình.
Trước đây, có một cán bộ nữ khá lớn tuổi rất có năng lực đã được chúng tôi đề bạt vào vị trí quản lý cấp cao nhưng bạn ấy lại xin lỗi vì đã có bầu. Tôi nói: "Chúc mừng em! Đó là một tin vui, sao lại xin lỗi". Chúng tôi vẫn bổ nhiệm bạn.
Có lẽ vì không đặt điều kiện như vậy nên các bạn nữ vào đây cũng nhiều hơn các công ty khác chăng?
Có một chuyên gia nước ngoài sau khi làm việc với Vĩnh Hoàn đã nhận xét rằng: "Các cô gái của Vĩnh Hoàn rất chuyên nghiệp và khôn ngoan". Trong mắt bà, người khôn ngoan là một người như thế nào?
Trong quan điểm của tôi, người khôn ngoan là người sống và làm việc có tinh thần trách nhiệm và họ ứng xử trong tất cả các mối quan hệ không chỉ bằng khối óc mà bằng cả trái tim. Sống phải có tâm, đặc biệt là trong một thời cuộc đang rất xáo trộn như thế này.
Tất nhiên khi tuyển dụng, chúng tôi hay các Doanh nghiệp đều rất chú trọng các yếu tố về chuyên môn, năng lực trình độ. Và tôi nghĩ, bất kỳ doanh nghiệp nào hay đồng nghiệp nào cũng đều muốn có cộng sự là người thông minh, có phẩm chất đạo đức, có chung một khát vọng hoài bão và đặc biệt có khả năng gắn bó để cùng phát triển.
Trí Thức Trẻ