Alabaster (Mỹ) là một quỹ đầu tư dạng family office – mô hình ít thấy ở Việt Nam, chuyên đầu tư sớm vào các startup công nghệ trên thế giới. Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ Alabaster – Lê Diệp Kiều Trang từng là Giám đốc Facebook Việt Nam và Tổng giám đốc Go-Viet (thương hiệu của Gojek tại Việt Nam). Tuy nhiên, người phụ nữ từng khởi nghiệp cùng chồng và cựu CEO Apple – John Sculley với startup Misfit, đã quyết định ngừng việc làm thuê để tập trung vào Alabaster và các dự án công nghệ mới mà quỹ này đầu tư.
Sau nhiều năm, Lê Diệp Kiều Trang đúc kết rằng thành công trong đầu tư không chỉ đến từ kỹ thuật hay kiến thức tài chính mà từ sự nhẫn nại, không ngừng học hỏi qua từng thất bại. Với Trang, mỗi lần vấp ngã là một lần tích lũy kinh nghiệm quý giá, giúp đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt và bền vững hơn.
Tại Talk show The Investors do CafeF phối hợp cùng VPBank Securities tổ chức, Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ về mô hình phát triển riêng của Alabaster và tiết lộ cả những kinh nghiệm mua cổ phiếu đau thương khi mới bước chân vào nghề đầu tư. Chương trình được dẫn dắt bởi Host Nguyễn Đức Hùng Linh – Nhà sáng lập Think Future Consultancy.
Host Hùng Linh: Cơ duyên nào khiến Trang quyết định nghỉ việc ở McKinsey - tập đoàn tư vấn quản trị doanh nghiệp lớn nhất thế giới, để khởi nghiệp cùng chồng?
Lê Diệp Kiều Trang: Thực ra, khi bắt đầu sự nghiệp, mình theo đuổi ngành đầu tư, không phải khởi nghiệp. Công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp là investment banking, mình làm ở thị trường chứng khoán London, sau đó về Việt Nam và đi sâu vào công cụ phái sinh.
Sau này, khi lập gia đình, mình sang Mỹ học MBA tại MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), cái nôi của khoa học - công nghệ và khởi nghiệp Mỹ. Giai đoạn này khiến mình cảm thấy những phát minh của công ty mà nhiều bạn xây dựng thật sự rất thú vị, kéo mình ra xa khỏi ngành tài chính.
Trước đây, trong ngành tài chính, mình thấy hay ở chỗ có thể giúp các công ty tiếp cận nguồn vốn để phát triển. Còn khi làm khởi nghiệp, mình thấy các bạn khởi nghiệp xây dựng công ty từ phát triển sản phẩm, nguồn lực của công ty không chỉ gói gọn về mặt tài chính mà nó còn là nguồn lực về trí tuệ, nguồn lực con người nên mình thấy rất hấp dẫn. Hơn nữa, sự sáng tạo của họ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế.
Sau giai đoạn học MBA tại MIT, mình bắt đầu thấy rung rinh, không chỉ nhìn vào thế giới tài chính mà cả những lĩnh vực khác. Sau đó, mình vào làm ở McKinsey, công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp, trong khi anh Sơn - ông xã mình bắt đầu mở công ty Misfit - chuyên phát triển các thiết bị theo dõi sức khoẻ và công nghệ thông minh. (Ông Vũ Xuân Sơn – Sonny Vũ là đồng sáng lập kiêm CEO Misfit)
Ban đầu, anh Sơn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư phần mềm ở Mỹ. Mình mới khuyến khích và nói kỹ sư nào thì mình không biết chứ kỹ sư phần mềm ở Việt Nam thì mình tin các bạn làm rất tốt.
Sau đó, anh Sơn bắt đầu tuyển nhóm kỹ sư phần mềm ở Việt Nam. Mình giúp anh nói chuyện với các bạn kỹ sư Việt Nam vì tiếng Việt của anh Sơn chưa tốt lắm, đồng thời cũng hỗ trợ các bạn làm việc với các kỹ sư khác ở Silicon Valley. Dần dần, mình bị cuốn vào Misfit, đến mức quyết định nghỉ việc ở McKinsey và gia nhập Misfit. Vậy nên, nếu hỏi mình có phải là người sinh ra với tinh thần khởi nghiệp, có kế hoạch mở công ty hay không, thì thực sự không phải.
Lúc đầu, mình nghĩ sẽ đi theo ngành nào đó như đầu tư, sử dụng năng lực tính toán và chuyên môn được học, chứ không phải là người sáng tạo mạnh hay dám chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp.
Host Hùng Linh: Misfit có thể coi như là cơ duyên đến từ ông xã và là một business rất thành công của hai vợ chồng. Vậy điều gì khiến hai người quyết định bán Misfit cho đối tác ngay khi công ty đang rất phát triển?
Lê Diệp Kiều Trang: Từ khi thành lập đến lúc bán công ty chỉ trong khoảng 3-4 năm, và Misfit đã rất thành công. Trước hết, mình nghĩ may mắn đóng vai trò quan trọng. Thứ hai, công ty đã đi rất nhanh. Nếu nhìn lại hành trình của công ty, trong thời gian ngắn, Misfit đã đạt được nhiều điều ấn tượng.
Mình nghĩ Misfit thành công nhờ sự kết hợp giữa công nghệ và thương mại hóa, điều không dễ dàng đối với các công ty công nghệ. Khi làm về công nghệ, thường các bạn đắm chìm trong việc phát triển sản phẩm, không có thời gian hay quyết tâm để theo đuổi thương mại hóa, còn Misfit đã làm được cả hai.
Điều đặc biệt, Misfit tập trung vào thiết kế, khiến sản phẩm không chỉ giúp người dùng đo lường các chỉ số sức khỏe mà sản phẩm còn phải đẹp. Việc phối hợp giữa các đội ngũ khác nhau, từ marketing đến mở rộng thị trường và supply chain, đã giúp Misfit sản xuất hàng triệu sản phẩm và đưa đến hơn 40 thị trường, gõ cửa các chuỗi bán lẻ lớn như Bestbuy và Apple Stores. Đó là kết quả của teamwork hiệu quả, giúp công ty phát triển nhanh và hoàn thiện, thu hút được nhà đầu tư muốn mua lại công ty.
Nếu phải làm lại, mình nghĩ có nhiều điều mình có thể làm tốt hơn. Nhưng khi làm khởi nghiệp, mình học được rằng không nên quá cầu toàn, cái gì đủ thì chấp nhận. Nhìn lại Misfit, mình cảm thấy mãn nguyện. Việc tạo ra giá trị trong 4 năm như vậy không dễ dàng và nếu quay lại, mình vẫn chọn đi nhanh và tạo giá trị để đóng góp cho nền kinh tế.
Host Hùng Linh: Sau khi bán Misfit, Trang và chồng đồng sáng lập Quỹ Alabaster theo dạng family office. Tại sao Trang lại chọn mô hình này?
Lê Diệp Kiều Trang: Thực tế, mình không muốn lập quỹ đầu tư kiểu truyền thống sẽ tốn nhiều thời gian để gọi vốn, báo cáo với nhà đầu tư, dù Alabaster cũng đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ tương tự như các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC). Trong thời gian vừa qua, mình không coi bản thân là người trong thế giới đầu tư, chỉ là người khởi nghiệp có năng lực tìm ra công ty công nghệ tốt giúp quỹ đầu tư và hy vọng mang lại lợi nhuận.
Do đó, hình thức family office được hình thành trước hết dựa vào năng lực tìm và đánh giá triển vọng, khả năng hoạt động của các công ty mình và anh Sơn tìm được. Thứ hai, để thành lập family office, mình phải bỏ tiền riêng vào các công ty này.
Chẳng hạn, khi đầu tư vào công ty A, mình có thể kêu gọi được tiền từ các quỹ khác để đầu tư chung. Các nhà đầu tư trong các quỹ VC có mối quan hệ sâu sắc và tin tưởng vào đánh giá của mình, sẽ cùng co-invest vào các công ty khởi nghiệp. Hình thức co-investment này giúp giảm bớt công việc phải gọi vốn và tránh mất thời gian quản lý quỹ.
Còn việc lập ra Alabaster là cơ duyên, mình với anh Sơn không phải tốn quá nhiều thời gian vào đó. Việc gặp gỡ các công ty trong cộng đồng khởi nghiệp rất tự nhiên, vì mình muốn giúp đỡ cộng đồng này. Mặc dù không đầu tư vào tất cả các công ty, nhưng mình vẫn tư vấn, hỗ trợ và động viên họ.
Số lượng công ty mình đầu tư chỉ là một phần nhỏ trong những công ty mình hỗ trợ. Alabaster không phải là quỹ đầu tư chuyên nghiệp, và từ 2016 đến nay, mình vẫn giữ nó như một family office để không bị chi phối bởi các hoạt động đầu tư chuyên nghiệp.
Host Hùng Linh: Alabaster đã đầu tư vào những ngành nào?
Lê Diệp Kiều Trang: Alabaster đầu tư vào một số ngành như material science (công nghệ về vật liệu) bao gồm các công ty như in 3D carbon fibre, và các công ty phát triển vật liệu tái chế; các công ty về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ dữ liệu trong các lĩnh vực khác nhau.
Mình cũng đầu tư vào food technology - ngành công nghệ thực phẩm, sử dụng protein tổng hợp thay thế protein động vật, giúp ngành công nghệ thực phẩm trong tương lai có thể tăng quy mô mà không ảnh hưởng nhiều đến môi trường như cách chăn nuôi hiện tại.
Host Hùng Linh: Alabaster đi theo hình thức quỹ family office - khá hiếm ở Việt Nam. Mô hình này chủ yếu vào giai đoạn đầu của các startup. Vậy thách thức khi đầu tư vào giai đoạn sớm như vậy là gì?
Lê Diệp Kiều Trang: Tính đến nay, mình đã đầu tư vào hơn 30 startup công nghệ và gọi vốn được khoảng 150 triệu USD cho các công ty này. Người trong cộng đồng khởi nghiệp luôn có tầm nhìn về tương lai. Vậy trong số đó, ai là người đáng để đầu tư? Đây là thách thức lớn nhất.
Ý tưởng là một phần, nhưng con người cũng rất quan trọng. Bạn có thể hình dung rằng từ giai đoạn ý tưởng đến khi xây dựng được công nghệ và đưa vào ứng dụng trong đời sống là hành trình rất dài. Ai sẽ có lập trường và ý chí để đi xa? Ngoài ra, họ cần có năng lực về khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm, cũng như năng lực quản lý và kinh doanh để đưa sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng.
Một điểm nữa là khi nhà khoa học có ý tưởng, họ sẽ trung thực với suy nghĩ của mình và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài để phát triển công nghệ. Ai sẽ có cái đầu lạnh để đánh giá xem liệu ý tưởng này có đến đích không và liệu nó sẽ tạo ra công nghệ hay chỉ là phát minh khoa học? Nếu chỉ là phát minh, rất khó cho nhà đầu tư thoái vốn.
Trong khi đó, với nhà đầu tư mạo hiểm, việc quan trọng là làm sao để có thể thoái vốn và thu lại lợi nhuận. Do đó, đánh giá trung thực và tỉnh táo trong việc xác định liệu ý tưởng sẽ phát triển thành công nghệ hay chỉ dừng lại ở phát minh là năng lực rất quan trọng của nhà đầu tư mạo hiểm.
Host Hùng Linh: Sau khi bán Misfit, Trang cùng chồng lập ra quỹ Alabaster. Tuy nhiên, cùng thời gian đó Trang cũng quyết định làm việc cho Facebook và Go-Viet. Vì sao Trang vừa lập một công ty đầu tư của chính mình, lại vừa đi làm thuê cho một công ty khác như vậy?
Lê Diệp Kiều Trang: Thật sự là mình rất muốn học hỏi thêm. Trước giai đoạn khởi nghiệp, mình đã làm ở những công ty lớn như Mckinsey đi tư vấn rất nhiều nơi và cũng học được rất nhiều. Mình hiểu rằng, làm ở những công ty như vậy có giá trị của nó trong việc phát triển bản thân.
Đối với Facebook, mình cực kì bị lôi cuốn bởi thị trường mà họ đang phát triển. Giai đoạn từ năm 2018, Facebook phát triển như là vũ bão, rồi họ mua Instagram… và đặc biệt là sự tăng trưởng của họ ở thị trường Việt Nam.
Việt Nam là một thị trường rất lớn của Facebook. Ở đây, hầu như mọi người đều tương tác với nhau trên Facebook. Vì thế, khi họ tìm CEO đầu tiên cho thị trường Việt Nam, mình coi đó là một cơ hội để thử thách chính mình nên không thể nào mà bỏ qua được. Nên Facebook tuyển dụng và người ta chọn mình, mình sẵn sàng tham gia ngay.
Host Hùng Linh: Đã thành lập được 8 năm, Trang đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ Alabaster ra sao?
Lê Diệp Kiều Trang: Trong 8 năm vừa qua, nếu nói theo các chỉ số về đầu tư, Alabaster cũng tương tự như các quỹ VC (Venture Capital - đầu tư mạo hiểm) khác và có chút nhỉnh hơn. Có những công ty Alabaster đầu tư đã thất bại, đóng cửa, có những công ty đang gặp khó khăn và chưa có lối ra, có những công ty hoạt động tốt và có những công ty đã đạt mức Unicorn (vốn hóa trên 1 tỷ USD). Tính về số lượng unicorn và chia ra số tiền đã bỏ vào, đến nay Alabaster khá hơn một chút so với các quỹ đầu tư tương đương.
Host Hùng Linh: Tại sao, Alabaster chưa đầu tư nhiều vào các công ty công nghệ Việt Nam?
Lê Diệp Kiều Trang: Đầu tiên, trọng tâm đầu tư của Alabaster là các ngành công nghệ mà ở Việt Nam chưa có công ty phát triển. Nếu vì cảm tình mà không có đủ sự kỷ luật và nghiêm khắc trong công tác lựa chọn và thẩm định sẽ là điều tối kỵ đối với nhà đầu tư.
Thứ hai, trong số các startup ở Việt Nam, những công ty có hàm lượng công nghệ cao không nhiều. Ở Việt Nam, nhiều công ty chú trọng ứng dụng công nghệ hơn là phát minh. Trong khi đó, Alabaster hướng tới các giải pháp sáng tạo và phát minh, chứ không phải ứng dụng công nghệ hiện có. Thêm nữa, các đối tác quỹ đầu tư mạo hiểm của Alabaster ở Mỹ cũng có trọng tâm đầu tư (investment thesis) là những công ty có bề dày công nghệ, nên nếu Alabaster đầu tư vào công ty ứng dụng công nghệ sẽ không gọi được vốn đồng đầu tư (co-onvestment) từ các nhà đầu tư đối tác.
Host Hùng Linh: Trang từng nói đầu tư vào con người là quan trọng nhất khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Tại sao lại như vậy?
Lê Diệp Kiều Trang: Để xây dựng công ty từ con số 0 đến 1 rất khác so với việc phát triển từ 10 lên 11. Người đi từ 0 đến 1 phải có ý chí, quyết tâm và sự kiên cường để vượt qua khó khăn. Họ cần có khả năng vừa phát triển công nghệ, vừa quản lý con người và phát triển thị trường. Nếu không làm được cả ba, họ có thể thu hút những người khác để cùng phát triển công ty.
Vì vậy, yếu tố con người là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong các công ty khởi nghiệp công nghệ. Nhiều người nghĩ ý tưởng quan trọng, nhưng thực tế chứng minh rằng những công ty mình đầu tư có thể không thành công dù lúc đầu có ý tưởng hay.
Nhờ sức mạnh nội lực, khi gặp khó khăn, họ sẽ xoay chuyển công ty bằng các ý tưởng mới, đôi khi ngược hẳn so với ban đầu và thành công. Thành công này đến từ những người khởi nghiệp, không phải từ công nghệ hay ý tưởng ban đầu.
Host Hùng Linh: Từ góc độ một quỹ đầu tư, khi tham gia cùng startup để xây dựng cơ nghiệp, làm thế nào để tìm định hướng cho họ xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh?
Lê Diệp Kiều Trang: Những quỹ đầu tư không chỉ mang lại tài chính mà còn giúp đỡ các công ty họ đầu tư thành công. Mức độ tham gia của họ cũng khác biệt khá lớn. Quỹ VC lớn thường tham gia ở vòng B, C, nhưng mức độ hỗ trợ chỉ dừng lại ở việc họp Hội đồng quản trị mỗi quý hoặc giới thiệu người này, người kia, và khó có thể hỗ trợ công ty nhiều hơn.
Ngược lại, các quỹ như Alabaster, với danh mục đầu tư nhỏ hơn, có thể chăm sóc các công ty nhiều hơn. Trong khoảng 30 công ty này, mình dành nhiều thời gian hơn cho 3 công ty, thậm chí tham gia điều hành, còn các công ty khác chỉ tham gia trong kỳ họp Hội đồng quản trị. Mình không thể hỗ trợ đều đặn, nhưng nếu họ cần, mình sẽ giúp.
Hình thức đầu tư tài chính kèm hỗ trợ công việc là hướng mà mình đang thử nghiệm cho thị trường Việt Nam. Sau thời gian dài tìm hiểu các công ty ở Việt Nam, mình nhận thấy các bạn khởi nghiệp còn khá non trẻ. Mặc dù các bạn có tính cách tốt và có thể vượt qua thử thách, nhưng với 5-7 năm kinh nghiệm trong thị trường nhỏ, các bạn chưa đủ kinh nghiệm.
Nếu mình dành nhiều thời gian hơn cho các bạn, sẽ giúp các bạn phát triển. Vì thế, gần đây, mình đầu tư vào Alabaster theo hướng mới, gọi là venture studio. Đây là mô hình quỹ đầu tư mà trong đó, quỹ tham gia rất nhiều vào các công ty khởi nghiệp. Ví dụ, khi một người khởi nghiệp thành lập công ty, họ có thể giỏi công nghệ nhưng khó tìm người giỏi kinh doanh. Với venture studio, mình sẽ tham gia cùng 2-3 người khởi nghiệp để tạo lòng tin và giúp họ làm việc hiệu quả.
Trong venture studio, việc tuyển dụng các middle manager cũng rất khó cho các công ty khởi nghiệp. Công ty khởi nghiệp có thể thu hút người trẻ, ít kinh nghiệm, nhưng khó tìm được người có kinh nghiệm để phát triển phòng ban và đẩy mạnh thị trường. Các middle manager thường tìm cơ hội ở các công ty lớn hơn.
Vì vậy, venture studio sẽ tuyển các middle manager này và chia sẻ giữa các công ty trong danh mục đầu tư của mình. Ví dụ, một công ty cần đẩy thị trường digital marketing có thể sử dụng team digital marketing của Alabaster. Sau khi công ty đó phát triển, đội ngũ marketing sẽ chuyển sang hỗ trợ công ty khác.
Với hình thức này, các công ty khởi nghiệp có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển mà không gặp phải rào cản về tuyển dụng hay con người.
Host Hùng Linh: Cuộc sống của một người quản lý quỹ family office như Trang có khác gì so với người quản lý quỹ thông thường không?
Lê Diệp Kiều Trang: Nhất định có, và mình nghĩ khác nhiều. Tính chủ động của người quản lý quỹ family office cao hơn rất nhiều vì đã có sự tin tưởng nhất định từ các đối tác đầu tư. Các đối tác của quỹ thường là bạn bè, người thân, gia đình, có những hạng mục thành công, hạng mục thất bại và khi công ty gặp vấn đề, tất cả cùng nhảy vào giải quyết. Chính vì trải qua nhiều biến cố và thành công cùng nhau, sự tin tưởng giúp giảm rất nhiều công việc quản lý quỹ.
Mình cũng không có áp lực phải gọi vốn. Khi tìm được công ty đủ tốt để các nhà đầu tư cùng tham gia, không cần phải gọi vốn lớn. Nếu không thuyết phục được các nhà đầu tư lớn hơn, mình phải xem lại nhận xét về công ty. Do đó, mình cảm thấy làm đầu tư ở giai đoạn này rất nhẹ nhàng so với thời làm investment banker.
Host Hùng Linh: Kinh nghiệm làm startup và lập quỹ đầu tư giúp ích gì cho Trang trong việc lựa chọn cổ phiếu hoặc tìm kiếm cổ phiếu để đầu tư?
Lê Diệp Kiều Trang: Bài học đầu đời của mình là khi đầu tư tiền của mình là mình không đủ kỷ luật. Còn khi đầu tư tiền của người khác, luôn có chính sách về đầu tư và người khác sẽ kiềm chế mình khi mình quá trớn.
Khi đầu tư cá nhân, rất quan trọng phải tự kỷ luật hoặc có người thân giúp đỡ. Qua nhiều năm đầu tư, mình nhận ra chỉ nhận được lợi nhuận khi bỏ công sức để theo dõi. Đừng nhìn vào cổ phiếu hay danh mục đầu tư lên cao rồi tham gia vì người khác kiếm được tiền. Thường những cổ phiếu đó cũng rớt nhanh, và mình sẽ là người thoái vốn không kịp. Đây là nguyên tắc cơ bản của nghề trader – nghề đầu tiên của mình.
Khi làm trader, hằng ngày mình phải theo dõi thị trường rất nhiều, hiểu rõ sản phẩm mình mua bán. Quyết định mua bán phải có thông tin, không chỉ nghe ngóng mà phải có phân tích và đánh giá. Trong đầu tư lòng tham dễ dẫn dắt, nhưng phải để thông tin và sự phân tích dẫn đường. Sau này, mình đầu tư vào nhiều hạng mục như nhà đất, cổ phiếu, bitcoin, và chỉ khi theo dõi thường xuyên, mình mới có lời. Nếu không theo dõi, sẽ chắc chắn thua.
Những khoản lợi nhuận không bỏ công sức theo dõi thường thì của thiên cũng trả địa thôi!
Host Hùng Linh: Trong quá trình đầu tư và quản lý tài chính cá nhân, kỷ niệm nào Trang nhớ nhất?
Lê Diệp Kiều Trang: Mình toàn nhớ những kỷ niệm mất tiền (cười). Thật ra, ai đầu tư tài chính cũng sẽ như vậy. Những lúc kiếm được nhiều tiền ít nhớ hơn lúc mất tiền, vì mất tiền rất đau. Một trong những kỷ niệm mình nhớ nhất là khi đầu tư tài chính giai đoạn đầu tiên, mới tốt nghiệp ra trường, về Việt Nam đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Một lỗi mà mình mắc là đầu tư theo áp lực xã hội, có nghĩa là khi bạn bè nói công ty này rất hay, mã cổ phiếu này rất hay. Đây là gia đình hay bạn bè gì đó của họ, chỉ có một số ít người mới có thể mua được cổ phiếu này. Trang có mua không? Thường khi nghe vậy mình nghĩ đây là cơ hội hiếm hoi, làm mình thiên vị, mất tỉnh táo và không còn công bằng nữa, lao theo những cơ hội mình nghĩ là hiếm hoi đó.
Đáng lý ra khi là nhà đầu tư nghiêm túc, mình phải phân tích như một khoản đầu tư thông thường, xem có đủ thông tin không, nếu có đủ thông tin thì xem tại sao nó có tương lai, và tương lai cũng rất quan trọng trong chuyện lúc nào sẽ exit. Khi đầu tư đừng để tình cảm, mối quan hệ xen vào, vì thường nó sẽ dẫn dắt mình đến những khoản đầu tư kém lợi nhuận hơn.
Host Hùng Linh: Là người đã thành công trong lĩnh vực đầu tư, Trang có lời khuyên gì cho các bạn trẻ hoặc những người muốn theo đuổi sự nghiệp đầu tư tài chính tại Việt Nam?
Lê Diệp Kiều Trang: Nếu nhìn lại, mình nghĩ để phát triển sự nghiệp đầu tư, các bạn không nên chỉ tập trung vào kỹ thuật đầu tư hay kỹ thuật tài chính. Lúc mới bắt đầu, mình luôn nghĩ những kiến thức và kỹ thuật tài chính rất kì diệu và mình là một trong những người hiếm hoi biết được chúng. Tuy nhiên, càng đi lâu, mình nhận ra kỹ thuật khó nhưng không phải là yếu tố quyết định đầu tư. Điều quan trọng là đánh giá công ty như thế nào, thông tin từ thị trường càng chính xác, khả năng phân tích càng chuẩn, đó mới là yếu tố quyết định thành công của khoản đầu tư.
Sau nhiều năm, mình nhận ra rằng trong ngành đầu tư, gừng càng già càng cay. Những nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm sẽ có đánh giá sâu sắc hơn so với hồi còn trẻ và so với nhiều bạn trẻ, trong đó có mình. Nhưng không có nghĩa là tuổi tác quyết định lợi thế, mà là kinh nghiệm giúp họ có nhận định sắc sảo hơn về thị trường.
Vì vậy, nếu các bạn theo ngành đầu tư, đừng nóng vội, hãy coi nghề này là một nghề suốt đời, đi 40-50 năm. Mỗi khi thất bại, đừng hoảng sợ, coi đó là bài học xương máu. Mỗi lần thất bại, phải tự hỏi mình nếu làm lại, mình sẽ làm gì tốt hơn. Lần sau sẽ làm tốt hơn lần trước.
Kiến thức và kinh nghiệm thực tế khi đầu tư là điều ai cũng phải có, đặc biệt với những bạn làm trong lĩnh vực công nghệ hoặc không gần gũi với ngành tài chính, các bạn thường ngại và không muốn tìm hiểu. Tuy nhiên, nó không khó và là một kỹ năng cần có để không bị bỏ lại phía sau trong thị trường này.
Một điều mình muốn chia sẻ là khi đầu tư, đừng chỉ nghĩ thị trường lên hay xuống mà hãy nghĩ về giá trị mà công ty đem lại cho xã hội. Khi đầu tư lâu dài, điều này phù hợp với nhu cầu của đa số nhà đầu tư vì mục tiêu của họ là tăng trưởng tài sản gia đình một cách bền vững. Những công ty bền vững thường phù hợp với những người không cần theo dõi thị trường hàng ngày và sẽ giúp các bạn đầu tư hiệu quả mà ít căng thẳng hơn.
Nhịp sống thị trường