Sau 24 năm lên sàn, với nhiều thăng trầm của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, REE đã vươn lên trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam với vốn hóa hơn 30.000 tỷ đồng. Từ mức con số ban đầu chỉ 150 tỷ, đến nay, vốn điều lệ của REE đã tăng gấp 31 lần lên hơn 4.700 tỷ đồng. Quy mô tài sản cũng tăng gấp 140 lần, đạt xấp xỉ 35.000 tỷ đồng.
Cùng với quá trình phát triển và mở rộng quy mô, kết quả kinh doanh của REE cũng liên tục tăng trưởng qua từng năm. Từ mức lợi nhuận 30 tỷ vào năm 2000, đến nay, doanh nghiệp đầu ngành năng lượng vẫn đều đặn mang về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Sự thành công của REE trong hơn 2 thập kỷ qua có dấu ấn đậm nét của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh. Tại talkshow The Investors (Người Đầu Tư), bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã có những chia sẻ câu chuyện từ ngày đầu niêm yết đến quá trình phát triển REE trở thành một trong những Bluechips được sắn đón nhất thị trường. Talkshow được dẫn dắt bởi "host" Nguyễn Đức Hùng Linh (Nhà sáng lập Think Future Consultancy).
Host Hùng Linh: Bà có thể chia sẻ với "The Investors – Người Đầu Tư": điều gì khiến REE quyết định niêm yết vào năm 2000, khi mà khái niệm chứng khoán còn rất mới mẻ lúc đó. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán mang lại cho REE những lợi ích ra sao?
Bà Mai Thanh: Tôi thấy tên chương trình là "Người Đầu Tư" khá lạ bởi vẫn thường hay gọi là "Nhà đầu tư". Nhưng tên chương trình cũng rất cụ thể, là một hình tượng dễ hiểu bởi vì nói đến thị trường chứng khoán, người đầu tư là một thành phần rất quan trọng.
Sở dĩ REE quyết định niêm yết vào năm 2000 vì trước đó có cuộc khủng hoảng tài chính tại Thái Lan năm 1997 đẩy lãi suất thời điểm đó lên rất cao, trên 20%/năm, khiến doanh nghiệp khó có thể vay vốn. Đúng lúc đó, anh Dominic Scriven (Chủ tịch Dragon Capital) đến và nói rằng đây là cơ hội để phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, năm 2000 khi thị trường chứng khoán ra đời, chúng tôi quyết định niêm yết.
Khi được mời trở thành doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng tôi nghĩ ngay đến hai mục đích chính, một là huy động vốn để phát triển công ty và thứ hai là cổ đông có cơ hội để trao đổi cổ phiếu. Đầu tư cũng có lúc người ta muốn bán ra để thu lời về, đâu phải cứ giữ mãi.
Sau 24 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, các mục tiêu mà REE đặt ra đều đạt được: huy động được vốn, và cổ đông có thể giao dịch cổ phiếu dễ dàng. Quá trình niêm yết này cũng đem lại cho REE nhiều lợi ích mà rõ nhất là khi huy động được vốn, doanh nghiệp chịu áp lực phải sử dụng có hiệu quả; điều này thúc đẩy HĐQT và Ban điều hành phải luôn suy nghĩ, tìm cách phát triển doanh nghiệp với số vốn mình huy động được.
Thực tế, sau khi niêm yết, chúng tôi mới nhận thấy những lợi ích khác của thị trường chứng khoán chứ không chỉ là 2 mục tiêu ban đầu. Cổ phiếu của doanh nghiệp lên sàn, với tư cách là hàng hóa chính được giao dịch trên thị trường chứng khoán, cũng là một động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển không ngừng, tốt hơn nhiều so với trước đó, nhất là đổi mới về quản trị.
Host Hùng Linh: Trở thành một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, áp lực với REE là gì?
Bà Mai Thanh: Thật ra khi REE tiên phong niêm yết thì rất áp lực. Áp lực này không phải cho bản thân REE, mà áp lực là phải thành công. Bởi nếu niêm yết đầu tiên mà không thành công, những người khác sẽ nhìn vào đó và rất e ngại việc lên sàn chứng khoán.
Cũng nhiều người nói rằng lên niêm yết thì phải công bố thông tin về kinh doanh, như vậy mình sẽ bị lộ thông tin, các đối thủ sẽ nhìn vào. Nhưng thực tế là theo chuẩn mực của thị trường chứng khoán, các bí mật kinh doanh mình không cần công bố.
Một vấn đề khác là áp lực phải thành công bị tác động rất nhiều bởi môi trường luật pháp, tạo dựng chính sách cho các vấn đề phát triển kinh tế. Thế nhưng, đối với REE, chúng tôi luôn tiếp nhận khuôn khổ pháp lý, luật lệ mới như những luồng sinh khí mới.
Ví dụ như sau khi cổ phần hoá, có thị trường chứng khoán, REE lập tức xung phong niêm yết. Sau khi niêm yết, người ta hay nói đến vấn đề quản trị công ty, REE cũng muốn học cái đó để áp dụng vào công ty. Chúng tôi coi những thách thức khi có khung chính sách, luật lệ mới là cơ hội để có góc nhìn mới, giải pháp mới.
REE cũng là công ty đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế, do Dragon Capital hỗ trợ, tư vấn và bảo lãnh phát hành. Những điều đó giúp cho REE thành công trong việc thực hiện ước mơ của mình và cũng là một hình mẫu để các doanh nghiệp khác nhìn thấy rằng việc niêm yết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công ty và cổ đông. Nhìn rộng ra, điều này cũng mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế nữa.
Host Hùng Linh: Cùng giai đoạn REE niêm yết cũng có một vài doanh nghiệp lên sàn nhưng đến hiện tại quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Điều gì đã làm nên REE, một tập đoàn đa ngành lớn mạnh như ngày hôm nay?
Bà Mai Thanh: Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có những người chủ thực sự, với giấc mơ và niềm đam mê lớn. Doanh nghiệp nào cũng vậy, phải có những người chủ thực sự thì họ mới đầu tư suy nghĩ và đặt ra các mốc phát triển. Họ phải có giấc mơ, phải đặt ra cho mình những bước tiến vào những lĩnh vực gì.
REE cũng thế. REE khởi đầu với ngành cơ điện lạnh, liên quan đến cả điện, nước và lạnh, nói chung là tiện ích. Trong quá trình phát triển, chúng tôi cũng mơ ước xây dựng doanh nghiệp này đi vào những ngành nghề mang tính lâu dài, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nuôi dưỡng ước mơ và quyết tâm dấn thân để đạt đến thành công là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển tốt.
Host Hùng Linh: Nhiều chủ doanh nghiệp lên sàn chứng khoán cũng có giấc mơ và đam mê nhưng chắc chỉ khoảng 1% có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình. Vì sao vậy?
Bà Mai Thanh: Những người khác nhau thì giấc mơ khác nhau. Khi có một ước mơ nào đó thì cần hình thành kế hoạch để thực hiện, nhưng hoàn cảnh và nhu cầu của thị trường, đặc biệt ở Việt Nam là cơ chế chính sách, luật lệ - là những yếu tố quan trọng đến việc hiện thực hóa giấc mơ của doanh nghiệp.
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều ví dụ về có giấc mơ nhưng phải chờ vì cơ chế chính sách, luật lệ chưa cho phép. Vì thế, phải nuôi được ước mơ đó và chờ tới thời cơ của thị trường cũng như khung chính sách thì mình mới có thể thực hiện được.
Host Hùng Linh: Như vậy là yếu tố khách quan của bối cảnh thị trường, khung chính sách quyết định chủ yếu khả năng hiện thực hóa những giấc mơ như với REE?
Bà Mai Thanh: Yếu tố chủ quan rất quan trọng. Bởi, yếu tố khách quan thì doanh nghiệp nào cũng giống như vậy. Mình ở trong cùng một môi trường kinh tế, khung luật lệ và độ mở của nền kinh tế nước nhà cũng giống nhau. Vì thế, yếu tố chủ quan mới là yếu tố quyết định cho sự thành công.
Host Hùng Linh: Lý do nào khiến REE quyết định chuyển hướng từ một công ty cơ điện lạnh thuần tuý sang đầu tư vào đa ngành như điện, nước và thậm chí cả đầu tư tài chính?
Bà Mai Thanh: Với ngành cơ điện lạnh, REE có 10 đến 20 năm là thời kỳ hoàng kim. REE có công ty REE M&E có thể xem là dẫn đầu trên thị trường. Ở miền Bắc, những dự án quan trọng của Nhà nước hay tư nhân đầu tư, REE trúng thầu khá nhiều. Tuy nhiên, REE cũng thấy rằng nếu chỉ theo ngành cơ điện lạnh thì khó có thể mở rộng thị trường, khó tăng doanh thu và lợi nhuận như cổ đông mong muốn và cũng khó duy trì sự phát triển một cách bền vững.
Bởi ngành cơ điện lạnh phụ thuộc vào ngành bất động sản và xây dựng. Những lĩnh vực này có chu kỳ, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách về đất đai cũng như chính sách về sở hữu tài sản. Tuy nhiên, với hiểu biết về ngành kỹ thuật của mình, REE có thể dễ dàng tiến vào ngành điện và nước.
REE tiến vào ngành điện nước vào khoảng năm 2000. Khi đó, thị trường chứng khoán cũng bắt đầu hình thành và vài năm sau REE thấy rằng một số công ty điện đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhà nước lúc đó cũng có chính sách muốn thu hồi vốn ở những công ty cổ phần này để tiếp tục phát triển công suất cho ngành điện.
REE muốn đi vào, thị trường chứng khoán mở ra và Nhà nước cũng có chính sách thoái vốn, đó là cơ hội. Chúng tôi cũng tìm thấy những thời điểm vô cùng tốt để đầu tư bằng cách mua cổ phần của công ty điện này. REE đã rất nhanh chóng khi có một danh mục đầu tư về điện và nước thời điểm 10 năm đầu khi lên sàn chứng khoán, rồi sau đó bắt đầu phát triển những dự án mới.
10 năm sau, REE cũng thấy rằng với ngành xây dựng, mình rất hiểu cách phát triển một toà nhà, hay một dự án như thế nào và thấy đây cũng là một cơ hội. Ý tưởng của REE lúc đó là Việt Nam đang bắt đầu nghĩ về sản xuất phần mềm (ngành IT) và REE thấy có thể trở thành một bên hỗ trợ cho quá trình này bằng cách đầu tư các khu văn phòng có trang bị đường truyền Internet đầy đủ để có thể thu hút giới công nghệ đến Việt Nam.
Sau đó, REE bắt đầu đi vào lĩnh vực văn phòng cho thuê, lúc đó thị trường này mới chỉ sơ khai, chưa có nhiều công ty làm. Cũng giống như trước đó với ngành điện và nước, khi cơ hội đến thì mình thực hiện ngay thôi.
Host Hùng Linh: Những lợi ích của việc lên sàn là rất lớn nhưng vì sao thời gian gần đây số lượng các doanh nghiệp mới lên niêm yết hoặc IPO rất ít, nhiều công ty rất lớn – nằm trong Top đầu về nộp ngân sách Nhà nước nhưng vẫn ở dạng "ngoài sàn"?
Bà Mai Thanh: Lợi ích nổi bật của việc đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Thế nhưng, huy động vốn trên sàn chứng khoán đòi hỏi khá chặt chẽ: phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký, quy trình, giải thích việc sử dụng nguồn vốn huy động… Trong khi đó, vài năm gần đây, huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu thuận lợi hơn nhiều, cam kết với nhà đầu tư có vẻ cũng dễ dàng hơn. Vì thế, doanh nghiệp lựa chọn phát hành trái phiếu thay vì niêm yết để huy động vốn qua cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Host Hùng Linh: Điều này có thể dẫn tới điều gì?
Bà Mai Thanh: Hàng hoá là yếu tố cần thiết đầu tiên để hình thành nên TTCK, không có cổ phiếu thì đâu có cái chợ này. Nếu hàng hoá không tăng thêm thì cái chợ cũng khó sôi động hơn. Ở đây, tiếng nói của người đầu tư rất quan trọng, mang tính chất quyết định. Nếu họ muốn doanh nghiệp lên sàn để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu thì người đầu tư phải nói lên yêu cầu của mình, và doanh nghiệp sẽ phải lắng nghe.
Còn việc nhiều công ty rất lớn vẫn ở dạng "private", nằm ngoài sàn khiến cho TTCK Việt Nam chưa thực sự trở thành hàn thử biểu phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế. Thực tế, các bộ chỉ số như VN30, VN50 hiện nay không đủ những thành phần, ngành nghề của nền kinh tế. VN30 chủ yếu là ngân hàng, bất động sản - phải đến 80%.
Chỉ số này gần như chỉ phản ánh ngành ngân hàng, bất động sản, không phản ánh những ngành nghề chủ yếu khác của nền kinh tế. Tại sao mình không cấu trúc VN30, VN50 hay VN100 gồm những ngành kinh tế khác nhau để ít nhất cho người ta thấy nó như hàn thử biểu của nền kinh tế?
Host Hùng Linh: Danh mục đầu tư của REE rất dài và có nhiều khoản đầu tư nhỏ. REE có dự định tái cơ cấu các khoản đầu tư để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn hay không?
Bà Mai Thanh: Lợi nhuận mỗi năm REE làm ra khoảng 2.000 -3.000 tỷ đồng đang được dồn vào, tập trung phát triển các dự án mới. Còn danh mục đầu tư cũ chủ yếu là các nhà máy điện, nhà máy nước sẽ không thay đổi nhiều, chủ yếu là đầu tư lâu dài.
REE đang có kế hoạch phát triển nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trên hồ, thủy điện mở rộng với giá trị đầu tư tương đối lớn. Hiện nay, Chính phủ đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng chung vai, đi tiên phong đầu tư nhanh, mạnh cho những dự án lớn của đất nước, tạo ra hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi nghe được điều đó thì REE rất hồ hởi, vì từ khi quy hoạch điện VIII được phê duyệt tháng 6/2023 và tháng 5/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện, tới bây giờ chưa có dự án nào được giao.
Host Hùng Linh: Tham gia các dự án lớn, REE sẽ lựa chọn phương án nào để huy động vốn?
Bà Mai Thanh: Đó là một chủ đề cần thảo luận. Bây giờ các doanh nghiệp đang đói dự án chứ không phải vốn. Điện bị gián đoạn từ năm 2021 đến giờ, còn bất động sản tại TP.HCM thì vài năm gần đây không có dự án mới về định giá đất. Những dự án hiện đã có giấy phép xây dựng đã có định giá từ lâu rồi.
Thực tế, các doanh nghiệp đang trong tình trạng có vốn mà đói dự án, ngân hàng trong tình trạng có vốn mà không cho vay, không giải ngân được. Cho nên, cái cần tháo gỡ đầu tiên là làm sao để trao quyền, giúp dự án đến tay doanh nghiệp. Còn khi chưa có dự án thì mình đâu nghĩ đến chuyện kêu gọi người khác đến cùng đầu tư.
Tuy nhiên, trong những dự án mà REE dự kiến thực hiện có những cái rất lớn, chắc chắn không thể tự mình làm hết được mà phải gọi thêm nhà đầu tư khác, như dự án điện gió ngoài khơi (offshore) chẳng hạn.Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ nay đến 2030 sẽ thiếu điện vì nhiều dự án chậm đưa vào khai thác. Như với điện khí LNG thì tổng công suất là 30 GW, điện gió trên bờ là 16 GW, điện gió ngoài khơi 6GW, mới có một dự án đi vào vận hành, một cái sắp xong, còn lại hơn 20 dự án khác chưa có gì hết.
Cũng vì thế, Chính phủ và Bộ Công thương muốn mở lĩnh vực này ra, trước hết là điện gió trên bờ, trên biển, ngoài khơi và có thể điều chỉnh quy hoạch điện VIII, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đây là cơ hội của REE.
Còn giai đoạn gọi vốn để làm điện tái tạo thì phải đến khi doanh nghiệp no dự án đã, hoặc khi dự án quá lớn, phức tạp, mình ít kinh nghiệm mới tìm thêm các đối tác có thể giúp mình.
Host Hùng Linh: Khi lựa chọn một công ty để đầu tư, chị sẽ đánh giá căn cứ vào những tiêu chí nào?
Bà Mai Thanh: Cái này vui nha (cười). Dưới góc độ người đầu tư, REE cũng từng đầu tư chứng khoán, có thắng, có thua. Thời gian đầu khi chưa hiểu nhiều về thị trường, thấy người ta mua, mình cũng mua. Khi cổ phiếu xuống cũng không chịu bán vì nghĩ chắc sẽ không xuống nữa (cười).
Sau một thời gian, REE rút ra bài học kinh nghiệm là đây không phải lĩnh vực sở trường của mình. Vì thế, REE hiện chỉ tập trung đầu tư vào các công ty, dự án trong lĩnh vực chiến lược của mình. Ban đầu có thể coi là một khoản đầu tư tài chính vì vốn nhỏ nhưng nếu lâu dài có cơ hội tăng tỷ lệ, REE luôn sẵn sàng.
Còn khi đầu tư REE cũng căn cứ vào một số tiêu chí cơ bản thôi. Nhưng khẩu vị của REE đầu tiên sẽ nhắm đến những ngành chiến lược của mình, thứ hai là những con người trong bộ máy quản lý của công ty đó, họ quản trị thế nào. Đó là những yếu tố quan trọng, đặc biệt là khi mình muốn trở thành đối tác chiến lược.
Trong những năm gần đây REE chủ yếu đầu tư vào các dự án, hoặc mua dự án thôi. Thế nhưng, nhiều khi anh em nói rằng, công ty đưa ra tiêu chí quá cao nên không đầu tư được. Mà thiệt! Mình đưa ra các tiêu chí theo kỳ vọng của mình thôi, chứ không cao. Nhưng cuối cùng thì kỳ vọng của mình cũng cao hơn người khác nên không đầu tư được. Cũng có ý kiến trong HĐQT là mình hãy bớt kỳ vọng đi và nhìn dài hơi hơn, đó cũng là một quan điểm đầu tư.
Host Hùng Linh: Vậy chị làm thế nào để chọn được dự án thỏa mãn được những tiêu chí cao đó trên thị trường để đầu tư?
Bà Mai Thanh: Thông thường, ở giai đoạn đầu tiên, ý kiến ở các bộ phận của REE rất trái chiều với nhau, tranh luận kinh khủng lắm, gần như là fighting. Nhưng cuối cùng, quan trọng là tìm ra được điểm chung và đưa ra danh sách tiêu chuẩn để mình quyết định có đầu tư hay không. Tụi tôi "say No" nhiều lắm nhưng những cái "say Yes" sẽ an toàn.
Thực ra, thị trường này ai cũng khôn hết, nhưng có những lúc thời cơ đến mà góc nhìn khác nhau thì đó là thời điểm quyết định tốt. Còn ai cũng có thể đưa ra các chuẩn mực thôi. Thị trường giờ không giống hồi xưa, người bán, mua đều rất khôn ngoan, rất rành và rất chuyên nghiệp. Thuận mua vừa bán thì được, hai bên cùng cân bằng, còn muốn mình trên người ta thì khó.
Nhiều khi có thương vụ tốt do may thôi chứ không phải mình khôn hơn người ta, như ở thời điểm người ta cần vốn nhanh nên muốn kết thúc sớm (kiểu người bán đang gặp vấn đề về tài chính là cơ hội cho người mua đang có sẵn tiền mặt). Đầu tư hơi giống đi câu, cần chờ cơ hội đến. Vì thế, phải kiên nhẫn, có năng lực về tài chính và phải aggressive (hiểu theo nghĩa nỗ lực, dấn thân và phân tích thấu đáo chứ không chỉ nghe ngóng) một chút, chứ quá an toàn thì khó.
Host Hùng Linh: Với team đầu tư của REE, chị có đặt KPI là một năm làm bao nhiêu deal, giải ngân bao nhiêu tiền hay không?
Bà Mai Thanh: Thực sự KPI đó khó đặt lắm. Khi đặt những KPI đó cho team của mình, họ sẽ cố đạt và muốn giảm tiêu chuẩn. Họ cũng từng nói với tôi: "Chị đưa ra những tiêu chuẩn đó tụi em không làm được, vì đưa cái gì về phân tích ra đều không đạt hết".
Chúng tôi cũng từng tranh luận về điều này, nhưng tôi nói: "Không! Các KPI của tụi em chỉ có 10% trong tất cả các câu chuyện này thôi. Không vì KPI mà hạ tiêu chuẩn xuống mà phải đạt được hiệu quả lâu dài, nên mấy em nhìn vào đó mà làm. Các em nghiên cứu 10 dự án mà đầu tư được 2 là thành công rồi. Đừng quá nghĩ về KPI, rồi hạ tiêu chuẩn để đầu tư cho được. Đó không phải là cách làm của REE".
Trong đầu tư, không nên giao những KPI như vậy. Phải coi sự hiểu biết của đội ngũ, những phân tích về dự án có sâu sắc, toàn diện hay không là tiêu chí đánh giá đội của mình. REE luôn đánh giá cao điều đó, và nhờ vậy, công ty chọn được dự án tốt để đầu tư.
Host Hùng Linh: Bí quyết để chị luôn duy trì được nguồn năng lượng dồi dào khi làm việc và còn kích thích đội ngũ không ngừng tiến lên phía trước?
Bà Mai Thanh: Mỗi ngày thức dậy tôi đều muốn đến công ty sớm. Tôi chưa có ngày nào thức dậy mà không muốn đến công ty, bởi vì ở đó có một đội ngũ cùng làm việc với mình, đồng lòng với mình.
Tôi luôn nói với mọi người, mình làm cái gì cũng phải làm rất đẹp dù lớn hay nhỏ, để luôn cảm thấy vui khi nhìn lại những thứ mình làm ra. Điều đó luôn thôi thúc tôi đến công ty, thôi thúc tôi phải làm điều gì mới để đội ngũ của mình luôn luôn tràn đầy năng lượng. Làm cái cũ mãi sẽ chán, phải làm những cái mới, dự án mới như với REE là điện gió, điện mặt trời. HĐQT với vai trò dẫn dắt phải luôn luôn tìm ra những điều mới mẻ để đội ngũ của mình muốn tiếp tục cống hiến và tìm thấy những điểm có thể học hỏi được.
Tôi vẫn thường nói với mấy em trong công ty: "Các em cứ làm đi, nếu làm tốt không bao giờ công ty quên cả! Chị sẽ không vui khi cuối năm không được tuyên bố tiền thưởng cho mấy em. Cái mà chị luôn phải tìm kiếm, làm cho mọi người luôn thích đến công ty là áp lực nhưng cũng là niềm đam mê của chị". Không có áp lực, không có thử thách thì niềm đam mê của mình cũng khó thành lắm.
Nhịp sống thị trường