img
Chứng khoán thăng hoa: 10.000 tỷ đồng vẫn chưa lọt nổi Top10 người giàu nhất, tài sản của sếp ngân hàng bứt phá - Ảnh 1.

Hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ đã thiết lập mức đỉnh mới, qua đó kéo theo khối tài sản của phần lớn doanh nhân trong top những người giàu nhất TTCK gia tăng phi mã. Từ việc chứng kiến khối tài sản của mình bốc hơi 30-40% trong quý 1, không ít người đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi tài sản của mình tại thời điểm cuối năm 2020.

Với sự bùng nổ của thị trường, không có gì ngạc nhiên khi tiêu chuẩn để gia nhập tốp đầu tiếp tục được nâng cao. Nếu như năm 2017 chỉ cần sở hữu 5.000 tỷ chắc một suất trong Top10 thì đến năm nay, mức tối thiểu đã lên đến 10.000 tỷ đồng. Thậm chí đã có 11 người sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Thống kê chỉ bao gồm giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Tổng tài sản của Top10 năm nay đạt gần 380.000 tỷ đồng, chỉ tăng 20.000 tỷ so với năm trước – chủ yếu là do tài sản của một số doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo và Trịnh Văn Quyết sụt giảm.

Chứng khoán thăng hoa: 10.000 tỷ đồng vẫn chưa lọt nổi Top10 người giàu nhất, tài sản của sếp ngân hàng bứt phá - Ảnh 2.

Cổ phiếu Vingroup và Vietjet giảm nhẹ trong năm 2020

Tuy vậy, rất nhiều người chứng kiến khối tài sản của mình tăng trưởng phi mã, có thể kể đến như các lãnh đạo chủ chốt của Hòa Phát, Bất động sản Phát Đạt, VPBank, Techcombank/Masan, VIB… Thống kê của chúng tôi cho thấy có gần 90 người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ đồng trở lên – tăng gấp rưỡi so với một năm trước.

Chứng khoán thăng hoa: 10.000 tỷ đồng vẫn chưa lọt nổi Top10 người giàu nhất, tài sản của sếp ngân hàng bứt phá - Ảnh 3.

Biến động giá trị tài sản qua các năm

Phần lớn những người mới gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ" đến từ việc giá cổ phiếu tăng. Chỉ có 2 người mới đến từ việc đưa cổ phiếu lên niêm yết là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) – cổ đông lớn của Thaiholdings và ông Mai Văn Huy – chủ tịch Dầu khí Nam Sông Hậu.

Ngoại trừ một số xáo trộn về thứ hạng, nhìn chung Top10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vẫn là những gương mặt xưa cũ. Trong đó, 5 vị trí dẫn đầu đều là những người có tên trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes, gồm chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Mặc dù giá trị lượng cổ phiếu nắm giữ giảm hơn 7.000 tỷ xuống còn hơn 207.000 tỷ đồng thì khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tương đương với 14 người tiếp theo cộng lại. Khối tài sản này bao gồm cổ phần Vingroup sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam – công ty do ông Vượng nắm quyền kiểm soát và sở hữu 92,88% cổ phần.

Các hoạt động chính của Vingroup trong năm qua chủ yếu liên quan đến việc bán hàng và bàn giao căn hộ tại 3 đại đô thị đang triển khai cũng như mở rộng sang lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và các động thái nhằm gia tăng thị phần của VinFast/Vinsmart.

Khối tài sản của bộ đôi doanh nhân Nguyễn Đăng Quang (#4) – Hồ Hùng Anh (#5) tăng gần 60% lên 23.000 tỷ đồng sau khi sụt giảm sâu trong năm 2019. Masan Group đã có một năm tất bật với việc tiếp quản hệ thống siêu thị Vinmart/Vinmart+ từ Vingroup cũng như một số thương vụ liên quan đến bột giặt NET, 3F Viet và Masan Resources.

Chứng khoán thăng hoa: 10.000 tỷ đồng vẫn chưa lọt nổi Top10 người giàu nhất, tài sản của sếp ngân hàng bứt phá - Ảnh 4.

Các cổ phiếu thép và ngân hàng bứt phá mạnh từ đáy

Với việc tài sản tăng 118% lên hơn 35.800 tỷ đồng, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã vươn lên vị trí thứ 2, tăng 3 bậc so với năm trước. Hòa Phát là một trong những cổ phiếu bluechip "nóng" nhất trong năm với việc cả 2 mảng kinh doanh lớn là thép và nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Vợ ông Long – bà Nguyễn Thị Hiền cũng lên vị trí thứ 11 với hơn 10.000 tỷ đồng và hoàn toàn có thể "cạnh tranh" một vị trí trong Top10.

Mặc dù vậy, mức tăng trưởng tài sản ấn tượng nhất lại thuộc về chủ tịch Phát Đạt (PDR) Nguyễn Văn Đạt (#8) khi tăng 138% từ 4.900 tỷ lên 11.700 tỷ đồng, qua đó thay thế chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết trong Top10.

Năm ngoái, chủ tịch FLC đứng ở vị trí thứ 3 với khối tài sản 20.500 tỷ đồng nhờ việc tính thêm giá trị lượng cổ phiếu Bamboo Airways và FLCHomes chuẩn bị niêm yết có trị giá 14.000 tỷ đồng bên cạnh lượng cổ phiếu FLC Group (FLC) và FLC Faros (ROS).

Tuy nhiên sau 1 năm, kế hoạch lên sàn của Bamboo Airways và FLCHomes vẫn còn bỏ ngỏ và cũng không có nhiều thông tin về giá giao dịch do vậy chúng tôi không tiếp tục tính lượng cổ phiếu này vào tài của ông Quyết. Hiện tại, ông Quyết đang nắm giữ lượng cổ phiếu GAB và FLC có trị giá hơn 2.300 tỷ đồng.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo [#3] tiếp tục là người phụ nữ giàu nhất trên TTCK với khối tài sản 26.700 tỷ đồng – giảm 13% so với năm trước do Vietjet và ngành hàng không nói chung bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19.

Trong Top10 còn có 2 phụ nữ khác là hai nữ Phó Chủ tịch của Vingroup là bà Phạm Thu Hương [#6] - vợ ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thúy Hằng [#9] tiếp tục đứng trong Top10 với lượng cổ phiếu trị giá lần lượt là 16.000 tỷ và 10.700 tỷ đồng.

Với việc cổ phiếu Thaiholdings (THD) tăng phi mã từ khi chào sàn vào giữa tháng 6, bầu Thụy – ông Nguyễn Đức Thụy – hiện đứng ở vị trí thứ 13 với gần 7.000 tỷ đồng.

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng gia nhập Top20 ở vị trí thứ 18 với gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với một năm trước. Vợ (bà Hoàng Anh Minh) và mẹ ông Dũng (bà Vũ Thị Quyên) cũng xếp ngay sau ở vị trí thứ 19 và 20.

Tương tự như chủ tịch VPBank, chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng có 3 người thân gồm mẹ (bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - #15), vợ (bà Nguyễn Thị Thanh Thủy #14) - và con trai (ông Hồ Anh Minh - #17) đứng trong Top20.

Chứng khoán thăng hoa: 10.000 tỷ đồng vẫn chưa lọt nổi Top10 người giàu nhất, tài sản của sếp ngân hàng bứt phá - Ảnh 5.
Chứng khoán thăng hoa: 10.000 tỷ đồng vẫn chưa lọt nổi Top10 người giàu nhất, tài sản của sếp ngân hàng bứt phá - Ảnh 6.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

BTT

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên