img

Mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở, mùa chứng kiến đất trời và lòng người giao hoà. Khi Xuân sang cũng là lúc Tết đến. Có lẽ, không nhiều người biết rằng, theo nghĩa Hán - Việt, Nguyên có nghĩa là đầu tiên, đán là ánh mặt trời mới mọc. Vì thế, Tết Nguyên đán đại biểu cho buổi rạng đông của sự khởi đầu. Buổi sáng đầu tiên của một năm có ý nghĩa linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp với những khát vọng, mong ước của con người về năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự an lành, hanh thông, may mắn. Đó là những điều vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, gói trọn ý nghĩa về một cái Tết trọn vẹn trong tâm thức mỗi người Việt chúng ta.

Tết có thể của chung, nhưng tới mỗi gia đình, mọi thứ lại mang một phong vị khác biệt. Có người yêu thích sự hiện đại, đổi mới, thì xách hành trang trên vai để khám phá những miền đất mới, con người mới - đánh dấu khởi đầu mới cho tân xuân. Cũng có người lại chọn cho mình và người thân những gì truyền thống, dung dị mà rất đỗi bình yên.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 1.

Khi cơn gió mùa đầu tiên gõ cửa, mưa xuân lất phất khắp trời như rải một lớp màn che, đó cũng là lúc Nguyễn Thơ Thơ, cô chủ 9x của Tiệm Thơ, bắt đầu rạo rực một cảm xúc khó gọi tên. Những ai biết đến Thơ, họ không khỏi nhớ ngay tới hình ảnh một người phụ nữ mang vẻ đẹp dịu dàng, nền nã, khoác lên mình tà áo nhung thêu tay rất đặc trưng. Và đúng theo ấn tượng bên ngoài, từ sâu trong tâm hồn, Thơ cũng dành một tình yêu rất đặc biệt cho những nét đẹp văn hóa cổ truyền. Tết luôn là một ưu tiên hàng đầu trong những điều đó.

"Người ta chơi Tết 1 lần, nhưng với Thơ, phải chơi 2 lần mới 'đã'. Bởi vì trước Tết khoảng 1 tháng, tôi đã bắt đầu rộn ràng sắm Tết, mua đào mua quất, bày biện trang trí khắp cả nhà từ trong ra ngoài rồi. Nhiều khi chơi sớm quá nên chưa đến đêm giao thừa, hoa lá đã nở bung hết mức. Tôi lại nhanh tay mua mua sắm sắm thêm lần nữa", cô gái Hà thành chia sẻ.

"Bao giờ cũng thế, cứ đến khoảng thời điểm đấy, không khí lễ hội ngập tràn trong từng ngõ ngách, từng không gian. Chỉ cần bước chân ra đường, mùi Tết đã ập vào trước mặt. Chính điều đó khiến tôi háo hức không thôi."

Bản thân là người cầu toàn và có tính tỉ mỉ, Nguyễn Thơ Thơ thể hiện điều đó trong chính không gian sống của mình. Cứ mỗi mùa lễ hội, cô luôn dành thời gian và công sức để tự tay trang trí cho từng góc nhỏ trong nhà. Nơi đây đặt cành đào, nơi kia đặt chậu lan, treo thêm trên tường vài bức tranh dân gian Hàng Trống… tổ ấm gia đình cứ dần dần lột xác. Hương vị ngày Tết len lỏi vào trong từng không gian.

"Tết năm nay, tôi định sẽ sang nhà bác Nghiên (nghệ nhân tranh dân gian hàng trống Lê Đình Nghiên) để nhờ bác vẽ cho vài bức tranh chơi Tết. Vừa để treo dưới cửa hàng, vừa thay đổi không gian tổ ấm, cũng là một món quà ý nghĩa khi dành tặng người thân, bạn bè xung quanh", Thơ nói. "Càng tiếp xúc với văn hóa truyền thống, người ta càng thêm yêu thích vẻ đẹp cổ điển, dung dị mà rất đỗi thiêng liêng. Nó cũng khiến mình nhận ra, đâu phải cứ hào nhoáng, bóng bẩy mới là đẹp."

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 2.

"Tôi có thể kỹ tính trong việc lựa chọn nhưng miễn phù hợp với sở thích cá nhân là được. Đắt đỏ hay sang trọng chưa bao giờ là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Năm hết Tết đến, nhiều người thích chơi đào lai ghép hoặc lan đột biến. Nhưng tôi lại trung thành một tình yêu dành cho đào bích - những cành đào cổ truyền khoe sắc hồng thắm mà biết bao gia đình miền Bắc đều quen thuộc. Với tôi, ẩn sau đó chính là văn hóa và truyền thống ngày Tết mà gia đình nên có."

Luôn lấy phong cách truyền thống làm chủ đạo nhưng cũng chưa bao giờ để không gian nhà cửa bị rập khuôn từ năm này sang năm khác. Thay vào đó, cô vẫn có những cách làm mới tổ ấm cá nhân. Năm Giáp Thìn tới đây, cô đã dự định sẽ tìm kiếm nhiều sản phẩm trang trí liên quan đến hình tượng những chú Rồng - vừa đại biểu cho sự may mắn, vừa là cách tô điểm vài nét chấm phá cho bức tranh tổng thể.

Năm nào cũng thế, cứ vào những dịp lễ hội, việc trang trí và sửa soạn cho tổ ấm đã trở thành thói quen của cô. Cũng nhờ dành nhiều thời gian để sắm sửa, chuẩn bị từ sớm nên cô không rơi vào tình trạng vội vã, bộn bề như bao người khác. Mỗi lần đi sắm Tết với Thơ giống như một dịp du Xuân. Đôi khi, có chủ đích đi mua thì lại không mua được, nhưng khi vô tình dạo chơi, rất nhiều món đồ tinh tế lại "lọt vào mắt xanh" của cô chủ Hà thành.

"Đi tiêu tiền mà cứ thấy rạo rực, vui vẻ vô cùng. Vì tất cả những hành động này, với tôi, chưa bao giờ là 'việc phải làm' hay là một trách nhiệm. Đơn giản là, tôi tận hưởng quá trình đó như một phần sở thích của mình vậy. Phải thích thì tôi mới có thể dành nhiều đam mê, thời gian và tâm huyết cho nó đến như vậy. Làm mà không thấy mệt, cũng chẳng cần lý do nào luôn.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 3.

Như mọi người vẫn nói đấy thôi: Không thích thì mới phải tìm lý do, còn nếu đã thích thì ta sẽ luôn tìm cách", Nguyễn Thơ Thơ chia sẻ với nụ cười sáng bừng gương mặt.

"Tôi cũng chẳng bao giờ gọi đó là 'việc nhà' đâu, vì đây là cách để tôi thư giãn, giải tỏa cho bản thân sau những giờ làm việc căng thẳng", cô nói thêm.

Một tổ ấm chứa đầy không khí Tết, với sắc xuân hòa vào từng góc nhỏ, thấm đượm tình yêu của một người vợ, người mẹ hết lòng cho gia đình chính là món quà ý nghĩa nhất mà cô dành tặng chồng con.

Với Thơ, không có gì trọn vẹn hơn một cái Tết mà người thân được đông đủ quây quần. Dù ở cương vị nào, bận rộn ra sao, mỗi thành viên đều tạm để lại công việc phía sau. Khi thời khắc chuyển giao cận kề, họ cùng ngồi quanh mâm cơm, ăn uống, trò chuyện và sát lại gần nhau.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 4.

Trong gia đình, cả Thơ và chồng đều là người làm ăn kinh doanh. Do bản chất công việc, chồng cô thường xuyên phải đi công tác, bận rộn suốt cả năm. Không phải lúc nào cả nhà cũng có nhiều thời gian để ăn uống và hàn huyên với nhau.

Chính vì thế, với cô, tối Tất niên là bữa ăn quan trọng nhất trong năm. Đó sẽ là ngày mà cả gia đình có thể tề tựu đông đủ nhất. Sau một năm đã qua, sự đoàn tụ bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, câu chuyện về những vất vả khó khăn sau một năm làm việc hay những thành tựu đạt được đều kể cho nhau nghe. Những câu chuyện cứ mãi nối dài, khiến tổ ấm tràn ngập những tiếng nói cười ấm áp.

Trong bầu không khí ấm áp đó không thể thiếu hơi ấm từ bữa cơm gia đình. Mâm cơm ngày Tết lúc nào cũng do đích thân "bà chủ" chuẩn bị. Không thể thiếu những món ăn đặc trưng như bánh chưng, giò chả, thịt đông… mà chỉ cần ngửi mùi, người ta đã thấy Tết.

"Cùng là những món truyền thống Việt Nam nhưng thỉnh thoảng mình biến tấu đi một chút, thì mâm cơm những ngày Tết đều trở nên khác biệt. Mỗi năm cũng thay đổi món này, món kia, không bao giờ rập khuôn y hệt. Phải như thế thì tâm trạng năm nào cũng rạo rực muốn 'ăn Tết', chứ không phải 'chán Tết'.

Chẳng hạn như, hôm trước ăn cơm với bánh chưng, thịt đông thì hôm sau nấu phở, làm bún chả, bún thang. Ăn món nước xong thì lại đổi sang món khô, như thịt kho, cá kho… Tôi cũng thường tự tay muối cá hồi, hoặc chuẩn bị ít thịt trâu khô để cả nhà ăn lai rai trong Tết", chị chia sẻ.

Với hầu hết những người nội trợ, có lẽ việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình chính là khâu "dày công tốn sức", phải đầu tư nhiều chất xám nhất chứ không chỉ là công sức tay chân. Đôi khi, một nửa thời gian Tết đều trôi qua ở trong bếp.

"Cá nhân tôi không thích như thế. Đầu năm là phải dành thời gian cho người thân và chính mình. Vì thế, ngay từ trước Tết, tôi đã bắt đầu lên thực đơn kỹ càng cho từng bữa ăn, rồi mua sắm, nhặt nhạnh, chuẩn bị sẵn mọi thứ. Chẳng ai muốn ngày Tết mà bù đầu tóc rối, hoặc ăn mặc xinh đẹp rồi ngồi trong bếp bóc từng củ hành, củ kiệu, nhặt từng mớ rau cả, đúng không?" - Thơ tâm tình.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 5.

Cách lên kế hoạch chi tiết như vậy cũng phần nào thể hiện sự tỉ mỉ, kỹ tính của cô chủ Tiệm Thơ, cũng như sự trân trọng mà Thơ dành cho mỗi bữa ăn gia đình. Vì càng sát Tết, mọi người càng bận rộn với rất nhiều công việc không tên. Lúc đó, không phải ai cũng có đủ thời gian để suy nghĩ về việc ăn uống, rất dễ xảy ra tình trạng nhớ cái này, quên cái kia. Trong khi đó, bữa cơm truyền thống của người Việt không chỉ bao gồm những món chính mà còn có rất nhiều món phụ bên cạnh. Chẳng hạn như, bánh chưng phải có dưa hành, thịt quay phải kèm với củ kiệu, ăn nem phải kèm với rau sống, dưa góp, đến con gà luộc cũng cần có muối ớt, lá chanh… Việc chuẩn bị đầy đủ những món đó cũng khá lích kích, tốn nhiều thời gian.

"Khi đã có kế hoạch sẵn từ trước, mình có thể túc tắc chuẩn bị từng công việc sao cho cẩn thận. Ví dụ như món khoái khẩu ngày Tết là cá hồi muối cũng bán đầy ở ngoài siêu thị đấy, nhưng làm sao ngon và sạch bằng mình tự tay làm ở nhà. Vì thế, tôi sẽ túc tắc chuẩn bị nguyên liệu, gia vị thật sớm, rồi đến trước Tết 3-4 ngày sẽ bắt tay vào làm. Như vậy, từng thớ cá mới mềm, thấm đẫm gia vị, ăn miếng nào cũng đậm đà, ngon miệng vô cùng", Thơ kể.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 6.

Và thành công lớn nhất mà một người đầu bếp không gì khác chính là niềm vui chân thành của những người thưởng thức món ăn đó. Chứng kiến chồng con lúc nào cũng "đánh chén" vui vẻ, liên tục hưởng ứng, Thơ đều rất vui. Đó cũng trở thành động lực lớn giúp cô thêm yêu công việc bếp núc, trân trọng những mâm cơm gia đình.

Sau bữa cơm, cả nhà sẽ cùng ngồi xem Táo Quân, lên sân thượng đón Giao thừa, dành cho nhau những giây phút tốt đẹp vào đúng thời điểm chuyển giao đón một năm hoàn toàn mới. Đó là khoảnh khắc mang ý nghĩa trọng đại mà Thơ luôn hân hoan đón chờ.

"Chán Tết ư? Không bao giờ nhé", cô cười. "Thơ thích Tết lắm lắm luôn."

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 7.

"Nghe nhiều người nói 'chán Tết', rồi 'sợ Tết' mà cá nhân tôi không thể hiểu được. Không biết mọi người thế nào nhưng cứ mỗi độ cận Tết, khoảng 23 tháng Chạp đổ đi, hễ bước chân ra đường, tôi lại ngửi thấy mùi Tết - một hương vị rất đỗi đặc trưng, khiến người ta không khỏi say lòng. Nhìn ai ai cũng tấp nập sắm sửa, hân hoan vui mừng, bản thân mình cũng muốn hoà ngay vào bầu không khí ấy.

Đó là cảm giác mỗi năm chỉ có một lần mà thôi. Vì thế, chẳng bao giờ tôi lựa chọn đi du lịch, hay là ra nước ngoài vào những thời điểm quan trọng như vậy cả. Ba mươi mấy năm rồi, năm nào cũng đón tết ở Việt Nam trong tổ ấm của riêng mình. Có rất nhiều dịp và cơ hội để đi mà. Đâu nhất thiết phải bỏ lỡ bầu không khí tết truyền thống của Việt Nam. Kể cả có người rủ, tôi cũng từ chối thẳng thừng: Tết là phải ở nhà!"

Một lần nữa, Nguyễn Thơ Thơ chưa bao giờ ngại ngần thể hiện tình yêu của mình dành cho lễ hội văn hoá cổ truyền lớn nhất của Việt Nam. Cô kể, có lần bước vu vơ trên đường, thấy một đôi vợ chồng lớn tuổi đèo nhau đi sắm Tết trên con xe Dream cổ ngày xưa. Hai tay bà xách những chiếc làn đỏ với đầy đồ ăn, thức quà, nào là bánh chưng, nào là hoa quả… Hình ảnh ấy khiến cô xốn xang trong lòng. Không ngờ giữa thế kỷ 21 hiện đại và xô bồ, người người tấp nập vội vàng mà vẫn có thể xuất hiện những cảnh tượng giản đơn, dung dị đến thế.

"Thử nghĩ mà xem, họ đã trải qua hàng chục cái Tết, nhưng người ta vẫn háo hức sắm sửa như thế. Tại sao những người trẻ như chúng ta lại sớm chán và không thích Tết?" Cô gái Hà thành nhiều lần tự hỏi.

"Tôi nghĩ, không phải tự nhiên mà mình yêu thích vẻ đẹp truyền thống như vậy. Có lẽ mọi thứ đều được hình thành ngay từ những thói quen thuở bé. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, nếp sinh hoạt Tết xưa vẫn được truyền lửa và bảo tồn nguyên vẹn, rồi cứ thế gìn giữ cho ngày nay."

Không chỉ gìn giữ những điều cũ, Thơ còn khao khát được làm mới. Giống như bao công ty khoá sổ khi hết một năm, cô cũng quan niệm rằng, Tân niên là dịp để "khoá" lại những hỉ nộ ái ố của năm cũ.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 8.

Bước sang một năm mới chính là mở ra một trang mới, một con người mới, đón nhận mọi thứ từ đầu. Chính điều đó đã thôi thúc Thơ thay đổi phần nào không gian xung quanh, nhưng vẫn giữ bầu không khí ấm áp làm nền tảng cốt lõi. Để sau mỗi chặng đường đời, mỗi một thành viên về nhà đều cảm thấy thư giãn và bình yên.

"Không phải tự dưng mà 'thú vui' ngày Tết của chúng tôi đều quanh quẩn trong những góc nhà, nơi cả gia đình cùng tụ tập quây quần. Có lúc nằm ườn xem tivi, có khi loanh quanh chơi trong phòng khách, đàn vài bản piano… Những hoạt động rất đỗi bình thường nhưng đủ để hạnh phúc", Thơ tiết lộ.

Mặc dù nổi tiếng là người thích mặc đẹp, mặc sang, nhưng nếu bảo ra đường dạo phố, lên Bờ Hồ chụp ảnh, hoặc đi những nơi đông người thì hầu như vợ chồng cô đều lắc đầu. Họ chỉ muốn dành trọn ngày đầu năm cho mỗi người thân mà thôi. Chính vì thế phải từ mùng hai, mùng ba trở đi, gia đình của Thơ mới bắt đầu nhận "kèo" đi chơi nếu có.

Là một người đam mê những vẻ đẹp truyền thống như vậy, không khó để nhận thấy, Thơ để lại dấu ấn rõ rệt thể hiện điều này trong công việc kinh doanh của mình. Tiệm Thơ là nơi để người phụ nữ Hà thành ấp ủ những bộ sưu tập về văn hóa cổ truyền được đầu tư công phu. Thông qua những sản phẩm, những thiết kế được đón nhận rộng rãi, cô âm thầm lan tỏa một xu hướng thẩm mỹ mới, để nhiều người hơn nữa cùng biết đến, rồi đem lòng yêu những bộ đồ nhung được thêu tay hoàn toàn thủ công.

Do đó, mỗi bộ đồ trong tiệm đều là một "đứa con tinh thần" được Nguyễn Thơ Thơ tỉ mẩn tạo ra. Từ khâu chọn vải sao cho đem tới cảm giác thoải mái nhất cho người mặc, tới việc xét duyệt kỹ càng từng mẫu thêu, từng đường kim mũi chỉ. Để đảm bảo đem tới sản phẩm tốt nhất có thể cho khách hàng, thông thường, tiệm Thơ đều phải ngừng nhận đặt hàng từ trước Tết khoảng 1 tháng.

"Mỗi một chiếc áo dài đều được làm theo phương pháp thủ công may đo đơn chiếc, dựa theo số đo cơ thể của mỗi một khách hàng, chứ không bao giờ làm theo kiểu công nghiệp. Rồi từ bàn tay những người thợ thủ công, chiếc áo được thêu lên với đủ họa tiết sinh động, bắt mắt, phải nói là 'độc nhất vô nhị'. Vì cho dù cùng một mẫu thêu, nhưng con người chứ có phải máy móc đâu, mà lần nào cũng có thể làm giống hệt nhau đến từng ly từng tí", cô chủ 9x chia sẻ.

Tránh đi cách làm công nghiệp như vậy giúp tà áo dài nhung thêu của Tiệm Thơ vừa mềm mại, tôn dáng, mà còn đảm bảo sự sang trọng và thanh lịch cho người sử dụng. Cùng là chiếc váy nhung ấy, người ta có thể kết hợp với một vài phụ kiện tinh tế, đơn giản để mặc ở nhà, cũng có thể đeo lên chiếc vòng cổ ngọc trai, bộ trang sức kim cương lấp lánh để tỏa sáng tại những sự kiện trọng đại. Mỗi một người phụ nữ lại có cách nhấn nhá riêng để tự tin thể hiện nét đẹp của riêng mình.

Cô chủ Tiệm Thơ “say” hương Tết: Hơn 30 năm chỉ đón năm mới ở Việt Nam, miễn đủ nhân tố này thì “không biết chán là gì” - Ảnh 9.

"Tôi là người khó tính, đôi khi cũng cầu toàn hơi quá. Trong nhà, chỉ cần có thứ không đúng chỗ thì mình phải cất ngay, có nơi mà mình chưa ưng ý thì phải lập tức thay đổi. Trong công việc còn hơn cả như vậy. Để ra được 1 sản phẩm cuối cùng, chúng tôi cần qua rất nhiều bước thử. Mỗi một lần test lên mẫu, ở đâu chưa hài lòng, tôi đều lao vào sửa ngay. Còn với những bản thử không được ưng ý ngay từ đầu, tôi có thể hủy luôn ý tưởng đó chứ không tìm mọi cách để cố", cô cho biết.

"Vì trên thực tế, một khi đã không thích điều gì, dù có sửa thế nào đi nữa, bạn vẫn sẽ thấy bứt rứt về nó. Thay vì cứ cố nay sửa chỗ này, mai sửa chỗ khác, đến cuối cùng nhìn lại thành phẩm vẫn chưa thấy ưng ý, vậy cũng vẫn phải bỏ thôi. Vậy thà tôi bỏ ngay từ đầu, cũng là một cách tiết kiệm thời gian và công sức cho tất cả mọi người."

Nhấp tách trà, ngẫm lại một năm sắp qua, Nguyễn Thơ Thơ bộc bạch: "Đó có thể sẽ trở thành áp lực cho những người làm việc cùng với tôi, nhưng mặt khác, đây cũng là nền tảng vững chắc để Tiệm Thơ có thể đặt nền móng cho một xu hướng thời trang nhung thêu tay. Minh chứng cho điều này chính là độ lan tỏa nhanh chóng của thương hiệu chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi đã qua. Và tới đây, đón Xuân mới, Tết mới, chắc chắn Thơ sẽ còn ấp ủ để đem tới những thành tựu mới hơn nữa trên con đường bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc."

Phương Thuý
Hoàng Nguyễn
Hải An
Hoàng Tuyết Mai


PV

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên