"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao", mùa nào thức nấy, sống nương dựa vào thiên nhiên, hạn chế chi dùng, áo quần tự may, tự nhuộm từ nguyên liệu thiên nhiên... đó là những gì người ta có thể thấy được ở Tâm An (tên thật Phạm Thị Thanh Loan) thông qua gương mặt trên mạng xã hội của cô.
Ngắm Tâm An qua mạng xã hội, đặc biệt là loạt video mỹ thực "khoe" các món chay thực dưỡng công phu và cuộc sống thú vị nơi núi rừng Tây Bắc, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của Lý Tử Thất - "tiên nữ đồng quê" Trung Quốc đã khơi nguồn cảm hứng bỏ phố về quê cho nhiều người trẻ. Đây đó trên mạng, có những người đã gọi Tâm An là "Lý Tử Thất Việt Nam", gọi cuộc sống của cô là giấc mơ giữa đời thực...
Những tò mò về sự thật sau bức màn mây, sau cỏ cây quanh ngôi nhà tuyệt đẹp ở đỉnh đồi nằm giữa thung lũng Mường Hoa đã thôi thúc chúng tôi đi tìm Tâm An.
Ở đời thực, Tâm An chẳng khác gì hình ảnh của cô trên Facebook, Youtube: dáng người mảnh khảnh, tóc tết hờ được giữ gọn gàng bằng băng đô vải, khăn áo nhuộm chàm, nhuộm củ nâu. Ở cô toát ra hình ảnh trong trẻo của một người trẻ sống nương dựa vào thiên nhiên, ăn chay, không quá lệ thuộc vào cuộc sống công nghiệp.
Cô gái sinh năm 1991 này từng sống ở thành phố, cũng có một công việc sôi động và hiện đại ở Hà Nội trước khi cơ duyên đưa mình về với núi rừng. Cô không hẳn là người bỏ phố về rừng ẩn cư mà chỉ là nghỉ việc cũ và lên Sa Pa, nơi cách quê nhà của cô hàng nghìn cây số để làm một công việc khác khiến mình hạnh phúc hơn. Tâm An hiện là quản gia và đầu bếp của một homestay giữa thung lũng Mường Hoa, trong bản Ý Linh Hồ. Công việc chính của cô mỗi ngày là chăm chút cho homestay, nấu nướng các món chay cho khách đến nghỉ dưỡng. Thời gian rảnh, cô chơi với lũ trẻ hàng xóm, quay clip để lưu lại kỷ niệm đẹp của mình với núi rừng Tây Bắc.
Tâm An bảo Sa Pa là một câu chuyện dài đến từ quyết định chớp nhoáng nặng chữ "duyên" của mình chỉ sau 2 cuộc hội thoại. Một là với chị chủ công ty nơi cô từng làm designer, cũng là chủ homestay nơi cô đang làm việc, một với ba mình.
Đó là vào mùa đông năm 2018, sau gần 8 năm ở phố, cơn nhớ rừng âm ỉ bao lâu bỗng cuộn lên trong tâm trí, Tâm An quyết định sẽ bỏ nghề designer cô gắn bó suốt 4 năm và đang có nhiều cơ hội phát triển để trở về quê sống. Cô dành 2 tuần để lên kế hoạch cho lần trở về quê hương này của mình.
Trước khi nhen nhóm ý định nghỉ việc về quê, cô đã nhận lời nấu đồ chay cho một khóa thiền do chị chủ công ty tổ chức. "Thấy mọi người khen đồ ăn em nấu, chị ấy ngỏ ý tiếp tục thuê em nấu cho các khóa thiền sau, nên em đành thú nhận em sắp về Đắk Lắk hẳn và không làm được nữa". Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, biết Tâm An muốn nghỉ việc vì nhớ núi, nhớ rừng, muốn sống gần thiên nhiên và làm ra nông phẩm sạch, chị chủ đề nghị: "Chị có cái nhà trên Sa Pa, em có muốn thử lên đấy ở không?".
Nhận được lời mời đột ngột, Tâm An gọi điện hỏi ý kiến ba. Vốn là người yêu Tây Bắc, dành nhiều năm tháng tuổi trẻ gắn liền với mảnh đất này, người đàn ông quan trọng và có ảnh hưởng nhất cuộc đời Tâm An nói đơn giản: "Nếu lên Tây Bắc thì cứ lên đi con, Tây Bắc quá đẹp".
Vậy là, thay vì về quê nhà, phát triển nhiều hecta lúa, café, vừng... của gia đình như kế hoạch đã lên suốt 2 tuần, mọi dự định của Tâm An thay đổi sau một đêm. Vài ngày sau cô có mặt ở Sa Pa. Và từ một designer, cô trở thành quản gia kiêm đầu bếp của homestay. Đó không hẳn chỉ là công việc lau dọn nhà cửa, gấp chăn màn, tiếp khách, nấu ăn theo kiểu một người giúp việc, mà là dành tâm huyết chăm chút, tạo không khí cho một chốn có thể gọi là nhà.
Tâm An đến Sa Pa với tâm thế bình thản. Cô chẳng có nhiều day dứt về chuyện rời bỏ công việc ổn định để đến nơi xa lạ, mà đó giống như là hành trình tìm hiểu mình, trở về tiếng gọi bản ngã trong mình. Tây Bắc trong cô lạ mà quen, bởi những kiến thức về cỏ cây, trồng trọt, kỹ năng sống trong rừng… Tâm An đã "nằm lòng" từ nhỏ, trong những năm tháng theo chân ba đi khai hoang rừng ở Đắk Lắk. Những loài côn trùng, rau trái lạ, những kỹ năng mới như nhuộm vải từ củ nâu, hoàng đằng, chàm lá thì đã có pù (bà) hàng xóm và những người bạn lân cận làm thầy.
Cô nhấn mạnh, mình không bỏ phố về rừng vì muốn xây dựng hình tượng về một cô gái sống đời ẩn dật như tiên nữ trên núi cao, mà chỉ đơn giản là công việc, địa điểm làm việc hiện tại chiều chuộng mong muốn của bản thân, phù hợp với những kỹ năng sẵn có của cô.
Cô gần như sống tự cấp tự túc, ít dùng đến tiền, có khi cả tháng không phải đi chợ nếu trong nhà có đủ 3 thứ: gạo, dầu ăn và muối. Tâm An nương nhờ tự nhiên như những gia đình quanh cô: các loại rau thì ra vườn, ra rừng hoặc bờ ruộng bậc thang hái, đôi khi hàng xóm mang lên cho gùi đậu, gùi ngô, trái bí, chỉ sợ ăn chẳng hết chứ không bao giờ thiếu.
Cô không tốn tiền mỹ phẩm vì khí hậu ôn hòa, nước suối đã trở thành toner dưỡng da. Cô không mua trà sữa, không tốn tiền ăn vặt vì núi rừng cho nhiều hoa trái, không tốn nhiều tiền điện thoại và chi phí tụ tập bạn bè vì chỉ cần đứng trước cửa gọi to, cả đàn trẻ con hàng xóm sẽ chạy ùa lên, sáng tạo đủ thứ trò vui cùng nhau chơi.
Cô chăm chút cho công việc quản gia của mình cũng bằng cách "thiếu thốn" như thế. Khi nấu nướng, Tâm An không lệ thuộc vào gia vị công nghiệp mà tạo một bản hòa tấu hương vị từ muối, nước mắm chay ủ từ dứa và đậu nành lên men, tương tamari. Để tạo ngọt, cô hiếm khi dùng đường mà kỳ công ninh nước dùng từ củ đậu, củ cải, cà rốt…
Cô học cách tự làm đậu phụ, các món bánh, học cách kết hợp gia vị có sẵn trong rừng như quả màng tang, thảo quả… để sáng tạo món mới. Nấu cho mình sao, cô chăm chút cho khách đến homestay như vậy, dù mất thời gian, kỳ công hơn nhiều.
Cô cũng có vải tự nhuộm may thành áo thành khăn, giấm tự nuôi, có thùng enzyme dứa tự làm để dành xịt phòng chống muỗi, nếu dư dả thì đem rửa bát. Cô góp tay trang trí những góc nhỏ của homestay bằng cỏ cây mộc mạc hái trong rừng.
"Trước đây, em luôn nghĩ phải ra thành phố lớn kiếm việc tại một công ty lớn, phấn đấu có chức vụ, có sự nghiệp, phát triển bản thân ở thành phố, có nhiều tiền. Nhưng sống ở thành phố có quá nhiều nỗi lo. Đi làm 8 tiếng, về nhà lại lo nốt công việc tồn đọng, lo việc cho hôm sau, bản thiết kế này sếp có duyệt cho không, mai gặp khách hàng như thế nào. Những áp lực ấy khiến em không có thời gian dành cho chính mình.
Hiện tại, em kiếm được ít tiền hơn trước, nhưng cảm thấy tự do hơn. Ngoài công việc chăm sóc homestay và tiếp đón khách, em có những lúc thảnh thơi ngồi lắng lại, tận hưởng cuộc sống và suy ngẫm về chính mình. Khi người ta có thời gian dành cho chính mình hơn, đó là lúc người ta hiểu được bản thân, hiểu ra điều gì khiến mình thật sự hạnh phúc" - cô tổng kết 1 năm đầy biến động của mình như thế.
Cô nàng thuộc cung Sư Tử vốn phóng khoáng và sáng tạo nên dù chọn sống ở núi rừng, vẫn làm thuê nhưng Tâm An không quá trầm tĩnh mà tự tạo ra một cuộc sống sôi động theo cách của riêng mình. Một trong những nhộn nhịp bình yên cô tạo ra chính là các clip về căn bếp trên đỉnh đồi.
Ý tưởng làm các clip mỹ thực ra đời một cách rất tình cờ. Trước khi lên Sa Pa, Tâm An được một người bạn tặng cho cái máy ảnh cũ để chụp phong cảnh, chụp bọn trẻ con lúc rảnh rỗi. Trong một lần mày mò, cô thấy máy có nút đỏ, tò mò ấn thử thì mới biết hóa ra máy có chức năng quay phim.
Thế là cô hỏi những người bạn có kinh nghiệm, tự học quay dựng, chọn những góc quay tốt nhất, tận dụng kinh nghiệm 4 năm làm designer để làm ra những clip mỹ thực với nội dung chỉn chu, truyền cảm hứng sống gần gũi thiên nhiên.
Cũng do tự làm video một mình (thỉnh thoảng mới có một người bạn đi bấm máy giúp) và phụ thuộc thời tiết, mùa vụ cây trái, các clip của Tâm An được làm khá tùy hứng. Có clip chỉ quay dựng đúng 1 ngày là xong, như clip nướng ngô cho tụi nhỏ; có clip 2 tháng rồi vẫn chưa xong tiền kỳ, như video về nhuộm chàm - nghề truyền thống của người Mông ở Tây Bắc, vì cần phải đi rừng lấy cây chàm, ngâm cho rữa, làm cao chàm, pha dung dịch rồi nhuộm...
Dường như Tâm An đã gói ghém hết tình yêu cuộc sống, công việc mà cô đã trải nghiệm và cả tình yêu Tây Bắc vào những clip mỹ thực của mình. Cô kể về cuộc sống tươi đẹp trong những món ăn lấy nguyên liệu từ sản vật núi rừng như bánh nhân đào, bánh hoa hồng, mứt mâm xôi vàng, bánh củ mài… với góc quay, cách dựng công phu.
"Em làm clip không đi kèm kỳ vọng hay mục đích tạo dựng hình tượng nào. Nó chỉ đơn giản bắt nguồn từ việc lưu lại thanh xuân của em trong những tháng ngày sống ở Tây Bắc, bên cạnh công việc tại homestay.
Em yêu nơi đây vô cùng và muốn khoe với mọi người về văn hóa, phong cảnh, những đứa trẻ ngây thơ hàng xóm, kể câu chuyện về cuộc sống dựa vào thiên nhiên, để sau này nhìn lại, em có thể mỉm cười vì những tháng ngày tuyệt vời như thế".
Cuộc sống ở Tây Bắc nuông chiều khao khát tự do của Tâm An, cho cô những niềm vui đơn giản như bước chân ra ruộng bậc thang, hít hà mùi lúa, đi dạo quanh đồi trong ánh bình minh, cảm nhận cây cỏ thiên nhiên, nghe tiếng cười của bọn trẻ con...
Đó là một cô gái thú vị đang trải nghiệm cuộc sống ít lệ thuộc vào xã hội hiện đại, nhưng sẽ rất nhầm nếu bạn nghĩ Tâm An là hiện thân của một tiểu tiên nữ thoát tục và hiền lành. Cô chẳng hiền, nếu hiểu theo nghĩa cam chịu hay dịu dàng. Sâu trong vẻ ngoài mỏng manh, mái tóc dài tết lỏng lẻo là sự tự tin pha chút hơi... đành hanh của một cô gái trẻ.
Cô gái sinh ra từ núi rừng Tây Nguyên đang dựa mình vào núi đồi Tây Bắc vẫn có những thú vui rất đời thường của người trẻ. Cô vẫn thích được khen xinh, vẫn khoái chí nếu ảnh hay clip mình đăng lên mạng xã hội được lắm like, vẫn không nỡ khiến người theo dõi mình vỡ mộng bằng cách bày ra những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống xa ánh đèn thành phố. Dù thế, cô ấy sẽ cười rất to nếu ai đó gọi cuộc sống của cô là hoàn hảo.
Tâm An vẫn chưa quên thời gian đầu mới lên, đó là vào mùa đông, thời tiết rất khắc nghiệt, công trình chưa hoàn thiện nhưng cảnh vật xung quanh thì tuyệt đẹp. "Chiều hôm ấy, em chụp rất nhiều ảnh đẹp đăng lên Facebook, mọi người vào bình luận rầm rầm "Ôi cuộc sống thần tiên", "Ôi sướng thế, cho chị lên đấy sống cùng với". Thế mà sáng hôm sau tỉnh dậy, em đã hết hồn khi thấy bầy trâu lên trú rét xung quanh nhà, dây bẩn hết sân, em phải dọn nguyên một buổi sáng". Tâm An bảo trong cái lạnh tê tái của vùng sơn cước, cô vừa hót phân trâu vừa thầm nhủ: "Nào, ai muốn lên đây hưởng cuộc sống thần tiên không?".
Rồi một sáng khác, côn trùng ở đâu bâu dày đặc cửa, có những con lạ hoắc chẳng biết thuộc loài nào. Rồi vắt, rồi sương muối, đường lầy lội trơn trượt, chưa kể đôi khi là nhớ thành phố tiện nghi, nhớ công việc cũ… Hóa ra cuộc sống không thần tiên như trong những bức ảnh, ngay cả một cô gái không sợ gì và đã rất quen núi rừng như Tâm An cũng đôi phần hoảng hốt.
Tâm An thú nhận, ngày mới lên Ý Linh Hồ, cô cũng có những lần nản lòng. "Đó là một ngày tháng 11 lạnh căm, sương dày, mưa lâm thâm. Khoảng 5 giờ chiều em nhận được điện thoại báo xe chở củi để đốt lò của homestay sắp đến nơi. Nhìn đống củi đủ đốt trong vòng nửa năm đổ đống dưới chân đồi lúc gần 6 giờ tối, mưa vẫn rơi và đường trơn trượt, em tủi thân vô cùng và chất vấn bản thân sao lại bỏ công việc văn phòng nhàn hạ ở Hà Nội để lên đồi sống làm gì không biết".
Dù vậy Tâm An không khóc. Cô lặng lẽ ôm củi từ chân đồi vào nhà cất. Đến khoảng chuyến thứ 3 thì Bụt xuất hiện - đó là lũ trẻ xung quanh homestay mà cô vẫn dành thời gian dạy đàn, dạy hát. Thấy cô bảo "Hôm nay cô phải bê củi, đến 10 giờ đêm mới xong nên không học được", chúng đã tự nguyện giúp cô.
"Vừa cất củi vào chân cầu thang, đi xuống dốc để bê tiếp, em thấy một đoàn trẻ con hơn chục đứa, có cả mấy đứa bé loắt choắt 3, 4 tuổi, tóc tai ướt đẫm nước mưa, ôm củi đi lên trong màn sương tối. Em xúc động quá, chân không bước nổi, ngồi thụp xuống khóc nức nở". Đó là kỷ niệm đầu tiên khiến cô gắn bó với bọn trẻ, coi Ý Linh Hồ là nhà và không còn một hào ly ân hận về quyết định "bỏ phố về rừng" của mình.
Đêm. Ngoài kia, trăng đã lên, rải ánh sáng bàng bạc trên những thửa ruộng bậc thang Ý Linh Hồ. Trong ngôi nhà gỗ giữa đỉnh đồi, Tâm An ôm guitar hát mênh mang, một đàn trẻ con vây quanh, đứa khẽ ngân nga theo, đứa vừa hát vừa lật trở mấy củ khoai, bắp ngô nướng trên bếp hồng. Căn phòng ấm sực, mặc kệ ngoài cửa kính, sương rừng đang xuống…
Sự an nhiên, hạnh phúc của Tâm An hiện tại là kết quả của một chọn lựa dũng cảm. Homestay nơi cô sống không tự sạch đẹp gọn gàng như bạn thấy trên ảnh. Rau chẳng tự mọc trong vườn, cỏ và sâu cũng chẳng hết nếu không có tay người chăm chút. Để lên được vườn lê hay đào hái quả là cả hành trình dài qua mấy con đèo, dăm con suối, đổ dốc gập ghềnh mất nửa ngày trời.
Bỏ phố về quê là một giấc mơ êm đềm nhưng không dành cho những kẻ chỉ biết mơ mộng. Phải đổi biết bao tình yêu, sự lao động vất vả mới có cuộc sống an yên nơi núi rừng và những đêm thanh bình, nơi tiếng hát ngọt của cô ngân lên, rót thẳng vào trái tim những đứa trẻ vùng cao và cả những du khách đồng bằng tò mò về cuộc sống bên ngoài camera của "nàng thơ Tây Bắc".
Quan trọng hơn, Tâm An không coi công việc mình đang làm là vất vả hay khổ cực. Cô yêu những bình yên sớm mai, yêu bọn trẻ, yêu thiên nhiên và những công việc nhỏ xinh để làm nên cuộc sống của mình hiện tại, thế thôi!
Trí thức trẻ