img

Vài năm gần đây, thị trường giày dép nội địa Việt Nam đã có thêm nhiều màu sắc mới với sự đổ bộ từ các local brand, có thêm những cái tên “made in Vietnam” thật sự ấn tượng. Và trong đó có Một – thương hiệu giày sinh sau đẻ muộn, được thành lập chính thức vào năm 2018 với thông điệp "Một cho tất cả". Điều đặc biệt ở thương hiệu này là sự hài hoà, đơn giản như chính con người Việt Nam và Một chỉ có duy nhất một kiểu dáng.

Năm 2019, Một đã lọt vào top 5 Dezeen Awards trong hạng mục Thiết kế Phục sức. Đây là giải thưởng vinh danh những tác phẩm, công trình thiết kế mới, ấn tượng nhất đến từ mọi quốc gia của tạp chí Dezeen (Anh Quốc) - một trong những tạp chí nổi tiếng hàng đầu thế giới chuyên về thiết kế, kiến trúc, nội thất.

Để hiểu thêm về thương hiệu giày “made in Vietnam” này cũng như câu chuyện xung quanh về những người tạo ra nó, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với đồng sáng lập của Một là chị Huỳnh Quang Ngọc Hân (SN 1990), tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Mỹ (Academy of Art University) chuyên ngành thiết kế công nghiệp.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 1.

Du học và làm việc nhiều năm trong ngành Thiết kế công nghiệp ở Mỹ, điều gì đã khiến chị quay trở về Việt Nam và khởi nghiệp làm giày?

Sau khi học xong ở Mỹ, tôi đã làm việc ở Na Uy. Sau 1 năm, tôi quay trở về Việt Nam và thấy mọi thứ đã thay đổi quá nhiều so với thời điểm tôi đi du học. Tôi quyết định ở lại Việt Nam tìm kiếm xem có cơ hội nào cho mình không.

Tình cờ, tôi gặp anh Phạm Đỗ Kiến Quốc cũng là nhà đồng sáng lập của Một bây giờ. Lúc bấy giờ, anh sở hữu một nhà máy sản xuất của gia đình với hơn 30 năm kinh nghiệm gia công giày dép xuất khẩu. Khi gặp nhau, anh Quốc nói với tôi rằng, anh mơ ước tạo một thương hiệu giày dành riêng cho người Việt. Cùng chung mơ ước với anh và thấy anh là một partner có chung cách nhìn với mình về sản xuất, thiết kế và suy nghĩ thế nào là một thương hiệu dành cho người Việt, chúng tôi đã bắt tay vào làm và tạo ra Một như bây giờ.

Vậy theo chị, một thương hiệu dành riêng cho người Việt là như thế nào?

Theo tôi, điều đầu tiên của một thương hiệu dành riêng cho người Việt là phải có một sản phẩm thực sự tốt. Sản phẩm tốt ở đây không phải là một sản phẩm đắt tiền, sang trọng mà đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhu cầu của người Việt rất khác với nhu cầu của người tiêu dùng các nước khác. Việc đào sâu vào chuyện đó làm nên một cái gì đó rất riêng cho sản phẩm của mình.

Điều thứ hai là để cho người Việt cảm thấy, thương hiệu này sinh ra là dành cho họ. Tôi đã đưa những nét gì Việt nhất, cảm nhận của tôi về cuộc sống ở Việt Nam, những gì người Việt quan tâm vào trong từng đôi giày mình làm ra. 

Việc du học thiết kế công nghiệp hẳn là bàn đạp tốt cho chị khi khởi nghiệp làm giày?

Về mặt kỹ năng, chắc chắn là giúp ích rất nhiều. Vì những gì tôi được học là thiết kế tạo dáng sản phẩm nên tôi rất chú trọng vào sản phẩm. Tôi muốn mình nói cái gì thì sản phẩm phải làm được điều đó. Nếu bản thân sản phẩm không làm được điều đó, mình có dùng bao nhiêu “marketing” để nói đi chăng nữa, người dùng cũng sẽ không cảm nhận được khi sử dụng.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 2.

Ý tưởng về những chiếc giày Một đến với chị như thế nào?

Tôi đến với Một theo một cách rất cá nhân. Là người Việt, tôi cảm thấy như thế nào về nơi tôi sống, tôi lấy nó rồi đưa vào thiết kế. Và tôi hy vọng rằng người sử dụng cũng có thể cảm nhận được điều đó. Ngoài ra, một số yêu cầu mặt về công năng cũng cần được thỏa mãn vì thiết kế giày nghiêng về mặt kỹ thuật khá nhiều.

Từ khi có ý tưởng, tôi đã muốn làm tất cả mọi thứ bài bản. Thay vì đi sao chép đại một form giày, chuyện đó rất dễ vì nhà máy nào cũng có, chúng tôi tự phát triển một form giày dành riêng cho Một. Những đôi giày đó phải trung tính đến mức tất cả mọi người từ già, trẻ, lớn, bé ai cũng có thể mang được. Một đôi giày nhưng cho tất cả.

Để giải được bài toán một đôi giày cho tất cả, trong khâu thiết kế và làm sản phẩm thì chị phải làm những gì?

Với tôi, giày là một sản phẩm rất thuần về công năng, không hẳn là một sản phẩm thời trang hay thứ để phô ra cho người khác thấy mình như thế nào. Và khi cần giải bài toán thiết kế giày cho người Việt, điều đầu tiên tôi tự hỏi mình là: Mình có cần phải thiết kế, làm nhiều như vậy không, nhu cầu sử dụng của mọi người là bao nhiêu và mình đang cạnh tranh với ai. Các hiệu giày khác đều có nhiều mẫu mã, lựa chọn, khi khách hàng có hết tất cả những cái đó rồi thì đâu là thứ mình có thể cung cấp được cho họ mà họ không biết là bản thân đang cần?

Lúc đó, tôi nghĩ mình bắt đầu chỉ với 1 kiểu nhưng phải làm sao để người dùng không phải nghĩ gì nhiều, thấy được sự dễ dàng trong nó. Tức là tôi cần một đôi giày có thể mang được hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi. Những vấn đề gặp phải như: Mình không có nhiều tiền để mua hiệu sang, không mua được nhiều loại giày khác nhau để phù hợp với tất cả những gì trong tủ đồ... Và tôi muốn thiết kế ra sản phẩm họ nghĩ tới đầu tiên khi mà họ có vấn đề đó. Đó là mục đích của tôi về mặt công năng.

Tiếp theo là làm sao để đảm bảo mặt thẩm mỹ ứng với công năng. Lúc đó, tôi bắt đầu làm ra một số thiết kế. Cảm quan riêng của tôi về Việt Nam là mọi thứ hài hòa, một là rất tĩnh, hai là rất động. Đôi khi tôi cảm thấy mọi thứ rất tĩnh, không có gì hối hả. Nhưng có một số lúc nó lại ồn ào, dồn dập. Hai trạng thái đối lập nhưng tồn tại song song. Và lúc nào mình cũng có thể nhảy từ bên này qua bên kia, bất kỳ lúc nào trong ngày. Tôi cảm thấy sự động và tĩnh trong đời sống người Việt rất đặc biệt nên tôi đã đưa vào thiết kế của giày Một. Để mọi người nhìn vào và thấy giày quá đơn giản để lựa chọn, tôi đã đẩy phần tĩnh lên cao nhất.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 3.

Cái “tĩnh” trong Một được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa chị?

Cái tĩnh thể hiện ở việc nếu mình nhìn đôi giày từ xa, sẽ chỉ thấy form giày. Ý đồ của tôi là khi một ai đó đi ngang qua sẽ không thấy được chi tiết trên đôi giày đó, bởi nó không có đủ thứ màu, nhiều dây nhợ, nó giống như một thứ gì đó rất tĩnh vừa mới đi qua. Tất cả dây giày sẽ được giấy hết vào bên trong. Và chỉ khi nhìn gần mới thấy được chi tiết. Vậy nên, giày Một nhìn nó đơn giản mà không đơn điệu.

Những gì đẹp nhất người ta thường muốn người khác nhìn thấy đầu tiên, làm cho nó nổi bật nhất. Vậy lý do vì sao chị lại để những đôi giày của mình chỉ như cái gì đó rất tĩnh, vừa đi qua?

Tôi nhìn xung quanh những brand khác, mọi người hướng đến giày như một sản phẩm thể hiện cá tính thời trang, thể hiện bản thân. Nhưng với những người trưởng thành, lứa của ba mẹ chúng ta chẳng hạn họ gần như không có nhu cầu đó. Họ chỉ muốn mình mặc gì, mang gì sao cho thoải mái, còn việc người khác nghĩ gì không quan trọng lắm. Vậy nên tôi muốn làm ra những đôi giày dành riêng cho người mang, sẽ không ai để ý đến đôi giày hay bản thân người dung nó nữa, bởi mang giày là mang cho mình.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 4.

Chỉ có một kiểu giày, chị có lo rằng khách hàng sẽ cảm thấy “nhàm chán” không?

Lúc nào chúng tôi cũng nói với nhau về việc đó. Tôi có nhiều kế hoạch làm thêm, không hẳn chỉ dừng lại ở sneaker. Một ra đời vào năm 2018, 2 năm đầu 2018, 2019 diễn ra y như kế hoạch. 2 năm xảy ra dịch là 2020, 2021 dường như bỏ hết. Năm 2022, chúng tôi phải hồi phục trước khi quay lại kế hoạch ban đầu. Việc phải làm cho brand lớn lên, điều này chúng tôi hiểu rất rõ. Nhưng mình mong muốn là một chuyện, lên kế hoạch thực hiện lại là một chuyện khác.

2 năm dịch ảnh hưởng đến Một cụ thể thế nào, thưa chị?

Thời điểm xảy ra dịch, không ai ra đường đồng nghĩa với việc mọi người sẽ không mua giày. Doanh số trong 2 năm dịch của chúng tôi gần như là “zero”. Trong lúc đó, chúng tôi vẫn phải lo cho tất cả mọi người trong công ty và có một số dự án trước dịch đã bắt đầu làm và làm sắp xong nhưng phải cắt bỏ. Chúng tôi bị mất phần đầu tư đó, tổn thất rất nặng nề. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang cố gắng “vực dậy” và làm thêm các dự án đã lên kế hoạch. 

Bước chân vào khởi nghiệp, chị từng trải qua những cú ngã nào?

Tôi đã từng trải qua nhiều cú ngã. Năm 2019, chúng tôi có ra mắt một đôi giày màu vàng. Từ khâu lên kế hoạch cho đến lúc bắt đầu, mọi thứ diễn ra tương đối ổn. Độ tiếp cận tới khách hàng rất tốt và tôi rất tự hào. Nhưng vừa mới mở bán được mấy ngày, chúng tôi phát hiện đôi giày bị bạc màu quá nhanh. Cái này lúc kiểm tra mẫu thì mọi thứ vẫn bình thường. Lúc đó, chúng tôi phải đưa ra quyết định, một phải thu lại hết, hai là liên hệ với các khách hàng để xin lỗi, giảm giá. Và sau đó, quyết định được đưa ra là thu lại hết tất cả giày đã bán ra. Đây cũng là một trường hợp gây nhiều tổn thất, tốn nhiều công sức. Quyết định đưa ra và việc thu lại cũng phải diễn ra nhanh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi dính phải trường hợp này và biết rằng có những chuyện có thể xảy ra mà mình không thể kiểm soát được nó. 

Một cú ngã khác là lô vật liệu da để làm giày của chúng tôi gặp trục trặc. Lô đầu tiên khá ổn, không có vấn đề gì. Nhưng đến lô sau thì da bị nhăn, tới khi lên chuyền xong xuôi rồi mới phát hiện ra. Và lúc này coi như chúng tôi phải bỏ hết chỗ da đó. Tốn rất nhiều tiền, thời gian, công sức. Nhưng những vấn đề này trong khâu sản xuất thì không thể tránh khỏi.

Nhìn chung, phần lớn tất cả những gì ảnh hưởng đến danh tiếng đều được chúng tôi kiểm soát khá kỹ.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 5.

Đã bao giờ “Một” gặp phải tình trạng sao chép thiết kế, thưa chị?

Mẫu giày thì tôi thấy chưa có ai sao chép, một phần vì nó quá khó làm. Muốn không để ai sao chép thì phải làm cho nó thật khó. Một phần giày là sản phẩm buộc phải có dây chuyền nên việc sao chép rất khó. Còn khâu marketing thì tôi thấy có. Nhưng tôi thấy mình làm tốt, đúng thì người ta cũng copy nên cũng không nghĩ nhiều.

Còn chuyện dung hòa cái tôi của thương hiệu, người thiết kế và xu hướng thì sao?

Đây là câu chuyện hàng ngày. Lúc nào cũng có nhiều feedback, câu hỏi mà mình phải trả lời được. Tất cả những người hỏi tôi câu hỏi đó đều là những người có một vai trò gì đó trong công ty. Nếu tôi không tự trả lời được thì phải tìm một người trả lời giúp mình. Nên chuyện cân đo đong đếm giữa mình muốn gì, cái gì lợi cho business này, mình có đúng không là chuyện hàng ngày. Tất cả các quyết định đều là một team đưa chứ không phải một người đưa.

Điều mà tôi có quyền quyết định cao nhất là chất lượng. Tức là tôi không cần biết có hoa gì ở trên, nhưng cái chất lượng của sản phẩm, thương hiệu của mình, người ta phải biết đây là một thương hiệu đàng hoàng. Một thương hiệu chăm chút về thiết kế, về chi tiết. Làm gì thì làm, mình luôn phải chỉn chu, dù xuất hiện ở bất cứ đâu.

Cái dễ và khó khi bước chân vào “thực chiến” vận hành giày Một của chị là gì?

Phần dễ của tôi là vận dụng được những gì mình đã biết đó là thiết kế. Còn phần khó là tất cả những phần mình không biết như kinh doanh, vận hành, sản xuất. Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với nhà máy vì bình thường khi làm việc ở bên kia tôi không cần làm việc trực tiếp với nhà máy. Cái đó cũng khá thú vị nhưng cũng thử thách.

Thêm một cái khó nữa là tôi cần cân bằng được nhu cầu của tất cả mọi người, sản phẩm phải bán được, có lời và người sử dụng thích nó. Tôi đang phải làm cho rất nhiều người “happy”, từ nhà đầu tư, đối tác bán lẻ, người tiêu dùng cho đến nhân viên của mình. Đây là công việc fulltime và là những kỹ năng mà tôi phải học.

Đó là cái tôi phải học mỗi ngày. Mỗi lần có chuyện gì đó xảy ra tôi lại học thêm một chút xíu. Mình cố gắng điều chỉnh để lần tới chuyện đó xảy ra nữa thì mình sẽ biết cách giải quyết nó.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 6.

Nguyên tắc bất di bất dịch của chị khi thiết kế và tạo ra những đôi giày Một là gì?

Quy trình thiết kế của tôi khá bài bản. Tôi muốn áp dụng những điều bài bản mà mình đã từng được học ở trường vào trong thiết kế. Đối với tôi, sự bài bản này đã giúp tôi thành công trong quá khứ, đã giúp tạo nên Một hôm nay. Tôi muốn giữ điều này và bất kỳ nhà thiết kế nào vào Một cũng tiếp cận được với điều này. Trừ khi mình là thiên tài thì mới tự làm theo cách riêng.

Co-Founder giày Một “made in Việt Nam” kể chuyện 4 năm chỉ sản xuất duy nhất 1 mẫu giày, ai cũng có thể đi vào chân và tuyệt đối không thể sao chép vì… quá khó - Ảnh 7.

Là một thương hiệu giày Việt còn non trẻ, chị và đội ngũ của mình có áp lực bởi việc sẽ phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu khác, cả trong và ngoài nước?

Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đang cạnh tranh trực tiếp với ai. Mỗi brand đang làm một việc rất khác nhau, hướng tới đối tượng khác nhau. Tôi biết những brand khác bán rất nhiều so với chúng tôi vì họ nhắm đến một đối tượng nhất định và họ đã đúng. Chúng tôi cũng nhắm tới đối tượng của mình và cố gắng đoán đúng. Áp lực lớn nhất của chúng tôi bây giờ là làm sao để mở rộng đối tượng khách hàng nhưng vẫn không bị mất “chất”.

Những người thường mua Một là những người không chạy theo trend. Đa số, họ là khách hàng trung thành. Họ không chỉ mua cho họ mà còn mua cho rất nhiều người khác. Trường hợp khách hàng cả gia đình đều mang giày của Một là điều chúng tôi thấy thường xuyên. Những khách hàng thích thì rất thích, nhưng cũng có khách hàng nói rằng nhìn vào “chẳng có gì”. Nhưng mình không thể làm hài lòng hết được. Vì tôi biết khi mình cố gắng chiều hết tất cả mọi người thì mình sẽ nằm đâu đó ở khúc giữa, không bật hẳn lên được. Khúc giữa là khúc tất cả mọi người đều nằm, nhưng đây là khúc bán được nhất (cười).

Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị này! Chúc giày Một có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai!

Theo Minh Nguyệt - Thiết kế:Hà Mĩ

Trí thức trẻ

Trở lên trên