img
Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 1.

Trần Đặng Minh Trí (bên trái) và Trần Đặng Đình Áng (bên phải) - hai anh em người Việt Nam sáng lập nên startup Harrison.ai tại Úc.

"Trong phim Marvel có câu: "Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn", với sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, con người có thể dùng nó vào việc xấu như giúp sòng bạc moi tiền của người chơi. Nhưng mình sẽ dùng nó giúp những người dân tiếp cận được dịch vụ y tế tốt hơn và an toàn hơn. Đó là ước mơ của mình", Co-founder Harrison.ai -Trần Đặng Minh Trí chia sẻ.

Harrison.ai là một startup trí tuệ nhân tạo (AI) về y tế do Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng (em trai) thành lập tại Úc. Harrison.ai đã gọi được 20 triệu USD vốn đầu tư từ chuỗi bệnh viện Ramsay Health Care lớn thứ ba toàn cầu và nhiều quỹ mạo hiểm danh tiếng của thế giới như Blackbird Ventures và Skip Capital của Úc, Horizons Ventures của Hong Kong … Trở về Việt Nam để mở một chi nhánh tại TPHCM, Trần Đặng Minh Trí đã có cuộc trao đổi với báo Trí thức trẻ.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 2.

Trí học quản trị kinh doanh về tài chính, nhưng rồi lại làm trí tuệ nhân tạo về y tế. Anh học về AI và y tế từ bao giờ, học ra sao?

Việc mình làm AI trong y tế đến từ hai cơ duyên.

Hồi còn trung học mình học chuyên Tin, nên công nghệ là ở trong máu rồi. Ba mình, thầy Trần Đức Huyên, là tác giả của những cuốn sách lập trình Pascal đầu tiên ở Việt Nam nên mình may mắn được tiếp cận máy tính từ bé. Đến khi sang Úc thì Trí chọn học tài chính – kế toán và sau đó đi làm quản trị kinh doanh, tư vấn quản lý cho những tập đoàn lớn ở Úc bởi vì mình muốn tìm hiểu xem làm sao để xây dựng những công ty công nghệ lớn và bền vững.

Cơ duyên thứ hai trong cuộc đời mình là việc gặp được người thầy – ông Paul Ramsay - người thành lập ra chuỗi bệnh viện Ramsay Health Care. Ông dạy mình rằng ngành y tế là một ngành rất nhân văn. Người làm kinh doanh y tế, nếu mình chăm sóc tốt cho những bác sĩ và điều dưỡng, thì họ sẽ chăm sóc tốt cho người bệnh, và từ đó lợi nhuận sẽ tự nhiên mà tới. Với triết lý này, ông ấy là người từ tay trắng mà sau 50 năm kiến tạo và vận hành được chuỗi 70 bệnh viện hàng đầu và trở thành là tỉ phú top 10 của Úc. Khi ông qua đời thì chuỗi này vẫn tiếp tục mở rộng tới hơn 480 cơ sở y tế ở 11 quốc gia và là chuỗi bệnh viện lớn thứ ba thế giới, và ông để lại gần như toàn bộ tài sản cho từ thiện.

Trong suốt thời gian này, mình làm nhiều vị trí trong chuỗi bệnh viện và cao nhất là vị trí Giám đốc Đổi mới sáng tạo (Head of Innovation) và thực hiện nhiều dự án y tế số hoá (digital health) như bệnh án điện tử (digital medical record) và chăm sóc sức khoẻ từ xa (telehealth).

Qua những trải nghiệm đó, cùng với việc theo dõi những tiến bộ về công nghệ AI trong những năm gần đây, mình thấy rõ đây là một công nghệ có thể thực hiện hoá giấc mơ một nền y tế nhanh hơn, chính xác hơn, và với chi phí rẻ hơn.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 3.

Trí bắt đầu tham gia vào ngành y tế Việt Nam từ khi nào?

Cách đây 4 năm, sau khi làm việc ở Úc trong ngành quản lý y tế được một thời gian thì mình rất muốn được về Việt Nam làm điều gì đó. Mình tham gia làm giảng viên Quản lý y tế của ĐH Y Sydney trong chương trình đào tạo hợp tác phi lợi nhuận với Đại học Y Hà Nội mang tên Học Mãi do giáo sư Kerry Goulston dày công xây dựng qua hơn 20 năm.

Trớ trêu thay là trong một lần mình theo đoàn các giáo sư y khoa Úc về Việt Nam giảng dạy thì con trai mình lúc đó khoảng 6 tháng tuổi, do không quen với thời tiết ở Việt Nam nên bị viêm phổi. Mình đưa con vào một bệnh viện tư đắt tiền, có tiêu chuẩn thế giới, trả viện phí rất cao nhưng họ vẫn mắc một sai sót y khoa với con mình.

May mắn là đó không phải sai sót không thể phục hồi nhưng đó là động lực khiến mình muốn làm nhiều hơn. Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, mình tham gia thành lập một doanh nghiệp xã hội - Trung tâm Nghiên cứu Cải thiện Chất lượng y tế CHIR (Centre for Healthcare Improvement Research) - cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế ở Việt Nam có cùng tâm huyết với vấn đề an toàn người bệnh. Tổ chức này hiện tại cũng hoạt động mạnh rồi, hỗ trợ được nhiều hơn các bệnh viện tại tất cả tỉnh thành.

Theo World Bank, chi tiêu cho y tế chiếm 5.6% GDP của người Việt Nam, cao hơn tất cả các nước lớn trong ASEAN và cao hơn cả Trung Quốc nhưng các thách thức quy trình vẫn còn đó. Trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương là một điển hình. Đã từng có bé 9 tuổi bị hết bình oxy trong xe cấp cứu khi chuyển viện từ tỉnh lên TP.HCM. Thấy tình huống rất thương tâm như vậy, mình nghĩ không thể ngồi yên, cho dù có làm ngành y tế hay không.

Mặc dù mình rất đam mê công nghệ, nhưng mình thấy quan trọng nhất là làm sao mình góp phần làm y tế tốt lên. Có dùng công nghệ hay không không quan trọng.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 4.

Chẳng hạn như vấn đề tử vong do bình hết oxy, có những bệnh viện có giải pháp rất đơn giản, đó là chia khu vực kho chứa bằng vạch băng keo xanh đỏ đưới sàn. Bình nào còn thì bỏ vào khu vực dán băng keo xanh, bình nào đang dùng giữa chừng thì bỏ vào khu vực màu đỏ. Đến khi cấp cứu chỉ cần liếc mắt là biết bình còn bình hết. Giải pháp đơn giản vậy nhưng trong môi trường nguy cấp như bệnh viện thì có thể giúp tránh sai xót và cứu mạng nhiều bệnh nhân.

Các bạn ở Trung tâm Nghiên cứu Cải thiện Chất lượng y tế CHIR và mình đã thu thập những bài học thủ công nhưng lại tạo ra hiệu quả tốt và tác động lớn, để chia sẽ đến hơn 100 các bệnh viện trong cả nước, và đã lan toả được đến cả Indonesia và Ấn Độ.

Được truyền cảm hứng từ người thầy của mình như ông Paul Ramsay, và giáo sư Kerry Goulston, mình rất tâm huyết với việc làm sao để việc chăm sóc y tế có thể tốt lên, tại Việt Nam và trên toàn cầu. "Low-tech" như là làm với CHIR, hay "hi-tech" như là làm công nghệ với Harrison.ai đều được cả. Có khi làm thủ công "low-tech" lại có kết quả sớm hơn cho người bệnh vì không cần đòi hỏi hệ thống thông tin y tế số hoá (Cười).

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 5.

Đến nay, Harrison.ai đã có sản phẩm gì thành công?

Do nhu cầu y tế tăng trưởng nhanh chóng cùng với dân số già toàn cầu, mà bác sĩ và điều dưỡng lại cần rất nhiều thời gian để đào tạo, cho nên việc ứng dụng AI để hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc người bệnh là xu hướng tất yếu toàn cầu. Có vài trăm công ty công nghệ lớn bé tham gia vào nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Harrison.ai rất tự hào là một trong số rất ít công ty đã có sản phẩm thực sự được ứng dụng vào lâm sàng diện rộng để chăm sóc người bệnh hằng ngày, thay vì chỉ là những đề án thử nghiệm (pilot projects)

Sản phẩm đầu tiên của tụi mình là một AI hỗ trợ lựa chọn phôi trong thụ tinh nhân tạo (IVF) cho các bà mẹ hiếm muộn.

IVF là một khoản đầu tư rất lớn đối với các gia đình thực hiện vì nếu không thành công thì phải làm lại, mỗi lần như thế tốn rất nhiều tiền và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi thực hiện IVF, một người phụ nữ có nhiều phôi, công việc của các nhà phôi học (embryologist) là sẽ nhìn vào phôi này để chẩn đoán xem phôi nào tạo ra được em bé.

Công nghệ AI của Harrison.ai học từ dữ liệu của hàng chục ngàn các phôi trước, phôi nào chuyển vào không thành công hay phôi nào chuyển vào thành công, từ đó sẽ chọn được phôi tốt nhất. Đây là một sản phẩm đã thành công và tạo ra doanh thu. Hiện sản phẩm này đang hằng ngày giúp các bà mẹ hiếm muộn có thai sớm hơn.

Trang nhất tờ nhật báo Courier Mail của Úc cách đây mấy tháng có đăng hình một em bé do công nghệ của Harrison.ai giúp tạo ra cùng với hình người mẹ cười rất tươi. Khi thấy nụ cười đó mình và các bạn trong team rất vui, còn vui hơn cả khi kiếm được đồng doanh thu đầu tiên.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 6.

Dự định phát triển sắp tới của Harrison.ai là gì?

Với sản phẩm về lựa chọn phôi trong thụ tinh nhân tạo đã được áp dụng khắp nước Úc và năm sau sẽ được sử dụng trên thế giới, tụi mình sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ AI trong lĩnh vực chăm sóc hiếm muộn.

Đồng thời, Harrison.ai đang phát triển sang lĩnh vực thứ hai đó là chẩn đoán hình ảnh – X-ray, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp nhũ ảnh, và siêu âm. Đây là cửa ngõ của ngành y tế, vì gần như mỗi chúng ta đều sẽ sử dụng những dịch vụ này trong mỗi vài năm, khi đi khám sức khoẻ cũng như khi điều trị bệnh.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 7.

Rất nhiều công ty tham gia mảng AI y tế, bao gồm những ông lớn công nghệ, Harrison.ai sẽ cạnh tranh như thế nào?

AI khác với các công nghệ phần mềm truyền thống, cho nên được gọi là Software 2.0. Với các phầm mềm Software 1.0 như trước nay, sản phẩm của bạn thành công hay không là tuỳ thuộc vào tính năng và khả năng tiếp thị. Nếu có một đối thủ có nhiều tiền hơn để thuê kỹ sư giỏi và khuyến mại tốt thì họ có thể giành khách hàng của bạn. Đó là lý do vì sao những ngành lái xe công nghệ hay thương mại điện tử lại cạnh tranh như vậy.

Trong khi đó, để phát triển phầm mềm AI thì bạn lại cần bốn yếu tố: ABCD. A là thuật toán ("algorithm"), B là dữ liệu lớn ("big data"), C là khả năng tính toán mạnh ("computing"), và D là hiểu được nhu cầu bài toán cần giải ("demand").

Với chữ A và chữ C (thuật toán và khả năng máy tính) thì tiền có thể mua được, và giá thì ngày càng rẻ do việc các thuật toán được nguồn mở hoá và điện toán đám mây (cloud computing) giúp tiết kiệm chi phí đầu tư siêu máy tính. Trong khi đó chữ B và chữ D thì có tiền chưa chắc mua được.

Dữ liệu lớn ("big data"), và đặc biệt là dữ liệu lớn trong y tế rất khó tiếp cận. Tiếp cận được rồi chưa chắc là nó "sạch" – đúng tiêu chuẩn, mang tính đại diện cho nhiều nhóm bệnh nhân, không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người bệnh, v.v.

Harrison.ai có lợi thế về dữ liệu vì mình có những đối tác là các công ty hàng đầu về y tế trên thế giới như Virtus Health - chuỗi IVF số 2 toàn cầu, I-MED – chuỗi chẩn đoán hình ảnh số 2 toàn cầu, và Ramsay Health Care – tập đoàn bệnh viện số 3 toàn cầu. Những mối quan hệ chiến lược này là chìa khoá để mình tham gia cuộc chơi lớn về AI y tế.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 8.

Dữ liệu đã khó, việc hiểu được nhu cầu bài toán cần giải ("demand") lại càng khó hơn. Tiến sĩ Andrej Karpathy, Giám đốc AI tại công ty xe điện Tesla, khẳng định điều quan trọng nhất để tạo nên một thuật toán AI thành công là bạn phải "nhập thân với dữ liệu" ("be one with your data"). Muốn dạy máy tính làm được việc gì thì mình phải luyện cho bộ não của mình làm được việc đó trước, rồi sẽ tìm cách thiết kế mạng thần kinh ("neural network") để học từ những dữ liệu.

Với những ngành khác như xe hơi hay thương mại điện tử thì dễ, vì bất kỳ một kỹ sư nào cũng có thể hiểu được dữ liệu hình ảnh đi đường, hay phân loại những món hàng bán trên mạng. Nhưng ngành y thì khó hơn, vì chỉ có những người bác sĩ mới hiểu được các dữ liệu y khoa, và do vậy chỉ có họ mới có thể "nhập thân với dữ liệu" để hiểu bài toán gì cần giải và tạo ra những thuật toán AI hiệu quả trong y tế. Trên thế giới, những người bác sĩ có khả năng này không nhiều, và may mắn là đồng sáng lập Harrison.ai với mình, BS. Trần Đặng Đình Áng, là một người như vậy.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 9.

Trí có thể chia sẻ thêm về người đồng sáng lập tại Harrison.ai?

Tụi mình là hai anh em. Áng đóng vai trò trụ cột và là "linh hồn" của Harrison.ai. Công nghệ chẩn đoán phôi thụ tinh nhân tạo là do Áng phát minh ra khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học y New South Wales sau khi tự học AI từ các tài liệu và những sàn đấu AI trực tuyến.

Như mình đã có chia sẻ, công nghệ AI trong y tế phải do bác sĩ phát triển và bác sĩ đó phải hiểu AI. Áng là người "cầm trịch" AI ở Harrison và đồng thời cũng là một bác sĩ, kết hợp hai điều đó.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 10.

Trần Đặng Đình Áng - người được coi là "linh hồn" của Harrison.ai

Hai anh em ruột cùng làm một startup thì quá trình làm việc gặp những vấn đề gì?

Khi chúng ta làm một công ty công nghệ hay startup mà phát triển nhanh thì luôn luôn có những thách thức và câu hỏi cần trả lời. Cách tiếp cận của Áng và Trí rất khác nhau vì Áng xuất phát từ góc độ công nghệ và lâm sàng, Trí tiếp cận từ góc độ hệ thống và quản trị kinh doanh nên sẽ có những lúc cần tranh luận nảy lửa để đưa ra được chiến lược tốt nhất.

Nhiều bạn ở công ty cũng có lúc phát sợ vì thấy hai anh em tranh cãi nhau rất là sung, nhưng cãi nhau xong buổi sáng thì buổi trưa lại ngồi xuống cùng ăn trưa và nói chuyện thân thiết. Làm việc với người anh em của mình thì có thể trao đổi với nhau rất thẳng thắn, không ngại gì cả và không sợ mất lòng vì anh em lớn lên cùng nhau, rất thân với nhau. Mình thấy rất may mắn vì đã thành lập Harrison.ai với Áng.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 11.

Thuyết phục nhà đầu tư vào Harrison.ai có khó không?

Các nhà đầu tư lớn dành nhiều thời gian để hiểu về người khởi nghiệp ("founders"), vì họ biết ý tưởng, cách vận hành sẽ thay đổi nhiều lần, nhưng founders là hằng số. Họ muốn biết lý do tại sao founders lại chọn con đường của mình và sẽ sống chết với nó, cho dù có gọi được vốn hay không.

Với Harrison.ai, các nhà đầu tư rất quan tâm đến xuất thân của Trí và Áng để chắc rằng đây không chỉ là một startup về AI y tế chạy theo trào lưu nóng nhất thời. Sau khi mình chia sẻ về sản phẩm AI đầu tiên thành công, về những trải nghiệm với các hoạt động y tế tại Việt Nam cũng như con đường của hai anh em đi qua trong ngành y tế, thì việc thuyết phục cũng không khó lắm.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 12.

Ngoài tiền, các nhà đầu tư hỗ trợ gì cho Harrison.ai?

Giai đoạn đầu mình gọi vốn từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, quan trọng nhất là sự hỗ trợ của họ chứ không phải là tiền. Cuộc chơi AI rất lớn và nhà đầu tư tham gia vào lúc nào cũng sẵn sàng. Khi mình có ý tưởng và có lợi thế nhất định thực ra gọi vốn không khó, nên mình phải lựa chọn những nhà đầu tư có thể đi sâu và thực sự quan tâm đến lĩnh vực y tế, chứ không phải thuần là nhà đầu tư tài chính.

Vì ngành y tế và đặc biệt với y tế công nghệ là một cuộc chơi rất nhiều thách thức. Khi mình làm một sản phẩm cần phải được kiểm định, ví dụ vào thị trường Mỹ thì phải có chứng nhận FDA, vào thị trường châu Âu thì phải có chứng nhận CE. Mọi thứ mình làm đều có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Mình cần nhà đầu tư có sự kiên nhẫn nhất định, hiểu và đồng hành với mình trong việc phát triển sản phẩm công nghệ y tế.

May mắn các nhà đầu tư của mình đều là VC (Venture Capital) có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thành công trước đây, ví dụ như Alabaster của chị Trang (Lê Diệp Kiều Trang) và anh Sonny (Vũ Xuân Sơn, chồng Trang) – hai người có rất nhiều kinh nghiệm về công nghệ sâu ("deeptech"), trong việc phát triển các công ty khởi nghiệp, sử dụng lợi thế của Việt Nam kết hợp với kinh nghiệm khởi nghiệp ở nước ngoài.

Những nhà đầu tư lớn khác như Horizon Ventures – quỹ đã từng đầu tư vào Spotify, Siri, Waze và những unicorn rất lớn về công nghệ khác. Họ là nhà đầu tư AI hàng đầu thế giới nên chia sẻ cho mình rất nhiều kinh nghiệm.


Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 13.

Có lý do đặc biệt nào khiến Trí mở chi nhánh ở Việt Nam không?

Mục tiêu của mình là mời được sự cộng tác của các bác sĩ ở Việt Nam cùng mình tham gia phát triển AI tại Việt Nam cùng bác sĩ Úc. Vì vốn dĩ Úc chỉ có 25 triệu dân mà bác sĩ còn thiếu. Lợi thế của Úc là đa chủng tộc nên dữ liệu đa dạng. Còn Việt Nam thì có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm nên họ chẩn đoán y khoa rất tốt. Hiện tại mình rất mong được cộng tác với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại thành phố Hồ Chí Minh, và trong tương lai gần là các thành phố khác, để cùng phát triển sản phẩm AI tiếp theo.

Ngày trước mình có nghe anh Sonny và chị Trang (vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn) nói: "Việt Nam sẽ không chỉ sử dụng công nghệ của nước khác hay làm thuê cho nước khác mà có thể phát triển công nghệ của riêng mình". Đó là giấc mơ của anh Sonny và chị Trang khi làm Misfit (startup công nghệ tại Silicon Valley do Vũ Xuân Sơn và John Sculley - cựu CEO Apple đồng sáng lập) và giờ cũng là giấc mơ của anh em mình.

Nhưng có vẻ như Harrison.ai mới chỉ tuyển dụng các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để tạo ra bộ dữ liệu kiểu thuê ngoài ở Việt Nam chứ chưa hẳn là phát triển công nghệ với các kỹ sư Việt Nam?

Không có đâu. Nhóm của mình tại Úc có nhiều bạn Việt Nam. Trí đang ngồi ở văn phòng Harrison.ai tại TP.HCM đây, ngoài kia là các bác sĩ đang làm việc trực tuyến với các bác sĩ hàng đầu về chuyên khoa của tại Úc như bác sĩ John Lambert, Giám đốc y khoa của Harrison.ai là chuyên gia hàng đầu về y tế số ("digital healthcare"), và phó giáo sư tiến sĩ bác sĩ Peter Brotchie là một cây đại thụ về chẩn đoán hình ảnh bằng AI. Việt Nam mình có rất nhiều bác sĩ giỏi và Harrison.ai hiện đang kết nối bác sĩ tại Úc và Việt Nam để cùng đào tạo phần mềm máy học ("machine learning").

Mình cũng đang tuyển dụng các kỹ sư AI từ trong nước và nước ngoài học về. Mình có giấc mơ phát triển công nghệ thực sự tại Việt Nam, không phải chỉ thuê ngoài (outsource) ở Việt Nam đâu. Mình là người Việt, mình muốn trí tuệ Việt cũng được tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần là sử dụng công nghệ của các quốc gia khác.

Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 14.

Việc tuyển mộ các kỹ sư AI cho Harrison.ai sẽ phải cạnh tranh rất lớn với những công ty công nghệ khổng lồ khác, Trí giải quyết vấn đề đó ra sao?

Đúng là tuyển dụng các kỹ sư ngành nóng như AI rất khó khăn. Nhưng Harrison.ai có những lợi thế nhất định vì công ty start up làm việc nghiêm túc thường đem đến cơ hội học hỏi, trưởng thành lớn hơn và những người kỹ sư giỏi luôn là người mê giải những bài toán khó, nhất là bài toán có ý nghĩa.

Có những kỹ sư AI sau khi phỏng vấn nói rằng mình có những lời mời từ công ty fintech, proptech... với mức lương hấp dẫn hơn. Trong những tình huống như vậy, mình luôn trả lời là Harrison.ai sẵn sàng trả thu nhập cạnh tranh cho nhân tài. Tuy nhiên, nếu bạn đã nghĩ đến việc đi làm cho fintech, proptech thì nên đi làm nơi đấy, bởi ở Harrison chúng tôi chỉ tuyển người quan tâm đến ứng dụng công nghệ trong y tế để giúp ích cho người bệnh thôi.

Đợt này trước khi về Việt Nam, mình có phỏng vấn một bạn kỹ sư AI rất giỏi. Sau khi phỏng vấn xong bạn ấy nói với mình: "Cho dù có trả lương bao nhiêu thì tôi vẫn sẽ làm cho bạn". Mình mới hỏi: "Tại sao đàm phán lương bổng mà bạn lại ngã giá buồn cười vậy?".

Bạn ấy mới kể: "Trong hai năm vừa qua, tôi viết thuật toán công nghệ AI đặt trên máy chơi bài trong casino. Máy đó có camera quan sát gương mặt người chơi. Khi họ buồn thì cho họ tăng tỷ lệ thắng để họ chơi thêm. Khi mặt thể hiện vui thì giảm tỷ lệ thắng xuống… mục tiêu để giữ họ chơi lâu hơn, moi thêm được nhiều tiền hơn".

Kỹ sư AI ấy còn nói rằng, có những hôm về nhà bạn ấy cảm thấy rất tội lỗi và không dám nhìn mặt con vì dùng công nghệ mà khiến người ta mất tiền, tán gia bại sản. Vì thế, khi được cơ hội làm cho một công ty AI mà bạn ấy thực sự cứu được người khác thì có niềm tin và xứng đáng làm việc.

Trong phim siêu anh hùng Người nhện có câu: "Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn" (with great power comes great responsibility). Khi có sức mạnh của AI, có công nghệ để giải các bài toán lớn, thì con người hoàn toàn có thể dùng nó vào việc xấu như giúp sòng bạc moi tiền của người chơi.

Nhưng mình tin rằng những founder có trách nhiệm sẽ dùng nó để giúp đời. Việc giúp những người chưa thể tiếp cận được dịch vụ y tế tốt có thể tiếp cận được dịch vụ y tế tốt hơn, an toàn hơn và rẻ hơn là giấc mơ của mình và Áng. Mình tin là các nhà đầu tư hay các bác sĩ và kỹ sư AI cùng chia sẻ giấc mơ đó sẽ tiếp tục đến với Harrison.ai.


Co-founder Harrison.ai: Mình muốn trí tuệ Việt tham gia vào những cuộc chơi công nghệ lớn của thế giới chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ của các quốc gia khác! - Ảnh 15.

Trần Đặng Đình Áng (bên trái) và Trần Đặng Minh Trí (bên phải) là 2 founders của Harrison.ai - startup công nghệ y tế có trụ sở chính tại Úc.

Hoàng An - Hoàng Ly
Ngô Trần Hải An
Hương Xuân
Theo Trí Thức TrẻNgày 29/12/2019

Hoàng Ly - Hoàng An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên