“Vinh quang này là vĩnh cửu, vì chúng ta phải đổ máu để có nó. Hoặc là sống trong vinh quang muôn đời, hoặc chết vì vinh quang muôn đời…”.
Không kính mát, không xì gà, Diego Maradona xuất hiện bình dị nhưng tràn đầy sinh lực trên khu VIP khán đài Nizhniy Novgorod. Ông say sưa hát quốc ca Argentina dù ở dưới sân, nó vẫn chưa được cử hành.
Và “Cậu bé Vàng” cầm lấy chiếc áo số 10 mang tên Messi, giơ cao, hôn lên nó như một nghi thức ban phước lành. Trong sự phấn khích, Maradona tiếp tục hát, chân nhún nhảy và quay tròn chiếc áo trên tay. Những người Argentina có mặt ở đó cũng hát theo ông cùng niềm tin mãnh liệt vào một chiến thắng cho Albiceleste. Đơn giản vì có Messi, họ sẽ có mọi thứ.
Rồi Messi cũng bước ra, với đôi giày màu xanh lấp lánh. Nhưng không thoải mái như Maradona cùng đám đông khán giả nhà, anh trông mệt mỏi và đầy lo lắng. Anh bóp trán, nhíu mày khi đồng đội hát quốc ca. Và sau khi thực hiện nghi thức tung đồng xu, La Pulga trở về phần sân của mình, ngửa mặt lên trời, nhắm mắt lại lẩm nhẩm những lời cầu nguyện.
Anh biết rằng trận đấu này sẽ rất khó khăn. Và anh biết rằng, bản thân phải làm điều gì đó vĩ đại để giữ cho giấc mơ World Cup của Argentina còn sống.
Có điều Messi không biết, tiếng còi của trọng tài Ravshan Irmatov sẽ đưa anh vào một đêm còn tồi tệ hơn so với trước đó 5 ngày, khi siêu sao 30 tuổi bỏ lỡ một quả phạt đền dẫn đến trận hòa trước Iceland.
Trái với sự kỳ vọng, Messi hoàn toàn mất tích không dấu vết. Anh chạm bóng 20 lần riêng trong hiệp 1, 49 nếu tính cả trận. Anh di chuyển 7,6km với vận tốc tối đa 24,7km/h, những con số tố cáo Messi gần như đi bộ. Anh sút bóng 1 lần, và nó dễ dàng bị đối phương chặn lại.
Nghèo nàn, nhợt nhạt, không cảm hứng và đánh mất sự sáng tạo, Messi như một cỗ máy, chờ bóng đến chân và lao mình vào đám đông trước mặt, rồi mất bóng, và nộ khí xung thiên với cầu thủ đối phương.
Không có vinh quang cho Messi, bởi anh không đổ máu vì nó. Từ phía trên, Maradona thất thần nhìn xuống truyền nhân của mình đang thất thểu đi vào đường hầm nhằm chạy trốn thực tại ê chề.
Ở Argentina bấy lâu người ta chỉ biết đến Maradona. Không chỉ được xưng tụng là GOAT (Cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại), “Cậu bé Vàng” còn được coi là một vị Thánh ở xứ Tango.
Còn sao nữa, Maradona đã dẫn dắt Albiceleste tới ngôi vô địch World Cup 1986, một chiến tích mang dấu ấn cá nhân sâu đậm nhất trong lịch sử. Chưa hết, ông còn khiến tất cả chìm đắm trong những vũ điệu của đam mê, cười hả hê và sau đó là thán phục với những trò tinh quái, đậm chất đường phố Buenos Aires.
Chẳng mấy chốc El Diego trở thành niềm tự hào, là biểu tượng của đất nước Argentina. Để rồi người ta sẵn sàng tha thứ cho những sai trái mà ông dính phải, từ ma túy, tiệc tùng tới vô số những trò quái đản khác. Thậm chí mặt trái của Maradona càng khiến ông được yêu thương nhiều hơn. Bởi nó phản ánh cái chất của người Argentina, phóng túng, say mê và hết mình.
Trong nhiều năm, El Diego là tiêu chuẩn để thế hệ sau hướng tới. Nhưng vì ông quá vĩ đại, lần lượt Ariel Ortega, Juan Veron, Pablo Aimar, Juan Riquelme đều không thể với tới.
Cho đến khi Messi xuất hiện. Cậu bé nhỏ thó sinh ra trong một gia đình công nhân tại Rosario xuất hiện. Đó là chàng David trong thế giới bóng đá đầy rẫy những Goliath. Thế nhưng cậu ta tốt hơn bất kỳ ai khác với đôi chân ảo diệu, lướt đi trên ngọn cỏ với quả bóng lúc nào cũng dính chặt trong chân. Một cầu thủ mang thiên mệnh, tới để thay đổi thế giới bóng đá, đưa nó trở lại thời kỳ lãng mạn với vẻ đẹp tinh khiết.
Xứ tango, vốn luôn mong chờ một Maradona thứ hai, lập tức đón nhận Messi và cổ vũ anh đi vào con đường của El Diego. Nhưng rất nhanh họ nhận ra, Messi khác xa với Maradona của họ. Anh ta không lớn lên ở khu ổ chuột để tường tận đủ mọi mánh khóe ranh ma, và cũng không sống ở Argentina sau năm 13 tuổi. Anh ta thích ăn bò nướng với sốt cà và pho mát tan chảy, thay vì nhai mẩu bánh mỳ của ngày hôm trước, để trông giống một cậu ấm sạch sẽ hơn là gã trai ngang tàng, bùng nổ và đầy cá tính của Buenos Aires, Cordoba, Santa Cruz hay La Pampa.
Nhưng thôi, tất cả chỉ là những điều vụn vặt. Sẽ chẳng ai truy cứu tới chuyện đó nếu Messi lặp lại những gì Maradona trên sân cỏ, mang về Argentina chiếc Cúp vàng thế giới. Và anh ta sẽ trở thành vị Thánh.
Thật không may, không có chiếc Cúp nào được đưa về Argentina, chỉ có sự thất vọng. Lần này qua lần khác, giải đấu này đến giải đấu khác. Và 44 triệu dân nằm dưới dãy Andes cứ mỏi mòn chờ đợi, càng hy vọng càng đau khổ chất chồng.
Trong những năm sống dưới chế độ độc tài và nếm trải đủ bầu không khí ngột ngạt, Maradona không khác gì Chúa giáng thế, mang đến lối thoát cho cả xã hội. Bây giờ người dân Argentina không cần ai cứu rỗi họ khỏi bất cứ điều gì, ngoài việc giải cơn khát danh hiệu kéo dài 1/4 thế kỷ. Nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn, phải không? Song Messi không thể đáp ứng.
World Cup 2018 được coi là cơ hội cuối để Messi làm điều đó. Nhưng đến lúc này, đây là giải đấu ác mộng và có thể là đen tối nhất sự nghiệp La Pulga. Những gì người ta thấy ở Otkrytiye Arena rồi Nizhniy Novgorod, là một Messi bơ phờ và mệt mỏi.
GOAT ư? Không có GOAT nào ở đây, bởi nếu có, anh ta sẽ không nhìn đội bóng của mình bị xé thành ngàn mảnh nhỏ, và bị dày vò dưới gót giày của đối phương. Không ai có thể nhận ra đây là người đã ghi 45 bàn cho Barca ở mùa 2017/18, hoặc người đã mang đến phép lạ ở Quito, đưa Albiceleste ra khỏi nỗi ô nhục để vênh vang bước tới World Cup 2018 với vị thế ứng viên vô địch.
Chuyện gì đã xảy ra với Messi? Tất cả đều biết anh ta là đấng toàn năng, có thể lấp đi những sai sót trong phòng thủ, gây dựng lại hàng tiền vệ và khắc phục sự bế tắc của hệ thống tấn công. Mọi thứ anh đều có thể làm, chỉ với một tác động nhỏ.
Vậy tại sao lần này, Messi không thể? Tại sao anh giống như một quả bóng xì hơi chỉ chờ đợi để đi đến sọt rác? Và thay vì truyền cảm hứng cho đồng đội, tại sao anh liên tục bóp trán theo cách của một người đang chịu đựng chứng đau nửa đầu gây ức chế thần kinh?
Cách đây không lâu, Messi nói rằng nỗi đau ở World Cup 2014 tựa vết thương không bao giờ liền sẹo, mãi dai dẳng và đánh thức anh dậy vào lúc nửa đêm mỗi khi chợt nhớ về. Vậy thì tại sao anh lại tự chuốc lấy một vết thương khác, đau đớn hơn? Cuối cùng, tại sao anh không thể là một Maradona?
Tại sao và tại sao?
Vào năm 2014, nhà bình luận Ray Hudson nói rằng “chiếc áo số 10 từng được mặc bởi Maradona luôn quá nặng với Messi, riêng lần này, ở World Cup, nó nặng 10 tấn”. Có nghĩa là bây giờ, sau 4 năm, khi mức độ kỳ vọng của 44 triệu dân Argentina lại nâng lên tầm cao mới, nó có thể nặng tới 20 tấn, hoặc hơn.
Trong trận đấu với Croatia, Nizhniy Novgorod cứ như thể sân nhà của Messi bởi hàng ngàn khán giả đã bay qua Đại Tây Dương để tới đây chỉ cổ vũ, hô vang Messi. Nhưng đừng nhầm tưởng họ yêu mến anh với tình yêu tương tự dành cho Maradona. Tất cả chỉ xem La Pulga là công cụ. Thứ công cụ tốt nhất để giúp họ chiến thắng.
Như đã biết, trong khi Cristiano Ronaldo có một sân bay mang tên anh, cùng bức tượng đồng bán thân trên đảo Madeira của Bồ Đào Nha thì tại Rosario, nơi Messi sinh ra, sự hiện diện của anh là con số 0. Vài năm trước khi viết tiểu sử Messi, nhà báo Guillem Balague phải thốt lên rằng “không khí bóng đá có ở khắp mọi nơi tại Rosario, nhưng nó không có mùi Messi”.
Bây giờ cũng vẫn vậy. Sandro Alzugaray là một nhà điêu khắc. Từ cách đây 4 năm ông đã đệ trình kế hoạch dựng tượng Messi lên lãnh đạo thành phố. Cho đến nay dự án này vẫn không được phê duyệt và nằm im lìm dưới lớp bụi dày ở tòa thị chính.
Có thể hơi tàn nhẫn, song nhà báo Argentina, Eduardo Sacheri nói rằng “ở đất nước này, ca ngợi hay lên án dựa vào việc quả bóng có đi vào lưới hay không”, và “Messi mãi mãi ẩn danh chừng nào tài năng của anh ta được hiện thực bằng chiếc Cúp”.
Trong một nền bóng đá ngày càng xuống cấp và chỉ có Messi để hy vọng, xứ sở tango đã chơi một canh bạc lớn khi xây dựng đội bóng xung quanh Messi, bao gồm cả việc tuyển lựa thành viện dựa trên ý thích của Messi. Mọi hy vọng gắn vào anh. Và sẽ không có sự tha thứ nào nếu anh thất bại.
Dưới áp lực ngàn cân, liệu một cầu thủ, vốn đã quá mệt mỏi sau 10 tháng dài chơi không ngừng nghỉ ở CLB, có thể tỏa sáng? Câu trả lời là không.
Ronaldo, người đang bùng nổ dù ở tuổi 33, không phải chịu áp lực vô địch tương tự Messi. Bồ Đào Nha không có một lịch sử dữ dội ở World Cup, lại càng không có một tượng đài kiểu Maradona để so sánh.
Maradona trong thời đại của mình cũng không bị đặt dưới sức ép chiến thắng bằng mọi giá. Dĩ nhiên, người ta cũng không tìm ra ai đó để áp đặt hình mẫu lên “Cậu bé Vàng”.
Còn Messi, anh “bị dẫn tới World Cup với một khẩu súng kê sẵn vào đầu” và phải căng mình để phù hợp với danh xưng “truyền nhân của El Diego”. Nhưng chưa hết, siêu sao 30 tuổi còn phải nuôi dưỡng cuộc tranh tranh kéo dài đầy mệt mỏi với Ronaldo, kẻ mãi không chịu già.
Trên đường tiến vào đường hầm Nizhniy Novgorod, hẳn Messi chỉ ước quay ngược thời gian, khi anh trở lại là chàng trai 18 tuổi trong lần đầu bước ra đấu trường World Cup (2006).
Khi ấy anh vẫn sở hữu mái tóc dài màu hung cùng chiếc áo rộng thùng thình số 19, không chút liên hệ với El Diego thần thánh. Với một tinh thần tự do, không chút áp lực, anh chỉ cần vài phút sau khi vào sân để kiến tạo bàn thắng thứ 5, sau đó tự mình ghi bàn thứ 6 vào lưới Serbia & Montenegro. Khi để mặc tâm trí bay bổng, Messi tựa như chú chó nhỏ chạy tung tăng trong khu vườn, luồn lách giữa những rặng cây để đuổi theo những cánh bướm xinh đẹp.
Tiếc rằng thế giới ngày một thực dụng hơn, tham lam hơn không cho phép điều đó tồn tại lâu. Dù sự đam mê vẫn còn, nhưng Messi đã đánh mất niềm vui chơi bóng. Vào những ngày này, không có vẻ như anh thích được ra sân và nô đùa với đối thủ. Chỉ còn lại một cầu thủ lo âu, bồn chồn, uể oải và dễ cáu bẳn.
Có một Messi mà chúng ta từng biết đã qua đời. Và nghiệt ngã thay, La Pulga chết vì thứ vinh quang hão huyền được tạo ra bởi chính những người không bao giờ nhìn nhận anh như một đồng hương.
……………….
Trí thức trẻ