Gary Zabroski bắt đầu làm việc cho Tập đoàn General Electrics (GE) năm 1976, trong một xưởng chế tạo máy bay ở quê nhà Lynn, Massachussets. Lương khá, có phúc lợi, nhất là mang lại một sự nghiệp ổn định cho người đàn ông chỉ mới tốt nghiệp cấp 3, với công việc đầu tay là cọ nhà vệ sinh.
Ông Zabroski, 61 tuổi, nói: "Được tuyển vào là an tâm cả đời." Ông đã lên đến vị trí điều khiển máy bấm lỗ và nghỉ hưu năm 2016, sau 40 năm làm việc tại nhà máy cả trăm năm tuổi và hiện vẫn sản xuất động cơ cho máy bay phản lực và trực thăng. Ông rời GE với mức lương hưu 85.000 USD mỗi năm và nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị hơn 280.000 USD.
Việc nghỉ hưu có vẻ khá tốt đẹp cho đến khi cổ phiếu GE lao dốc. Số cổ phiếu của ông giờ chỉ đáng giá khoảng 110.000 USD, đẩy ông vào tình cảnh phải đi xin việc ở tuổi xế chiều. Ông Zabroski, người có khoản nợ phải trả mỗi tháng và vẫn cần chu cấp cho người vợ tàn tật, nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện nghỉ hưu rồi mà phải quay lại làm việc. Sợ thật."
Sự lao dốc nhanh chóng của GE đã quét sạch 140 tỷ đô la Mỹ trên thị trường chứng khoán trong năm qua, không chỉ của các công ty tài chính phố Wall mà của cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Gã khổng lồ của ngành công nghiệp này là một trong những tập đoàn có số lượng cổ đông nhiều nhất Hoa Kỳ.
Đặt lên bàn cân so sánh thì mức độ thua lỗ của GE trong 12 tháng qua gấp đôi giá trị thua lỗ của Tập đoàn Enron khi sụp đổ năm 2001 – và vượt xa tổng giá trị vốn hóa thị trường khi Lehman Brothers và General Motors phá sản trong cuộc đại suy thoái tài chính. Trong một thời gian dài, giá trị vốn hóa thị trường của GE đã sụt giảm hơn 460 tỷ USD kể từ thời hoàng kim năm 2000.
GE đi xuống không bắt nguồn từ bất kì rắc rối nội bộ, thảm kịch kinh tế hay khủng hoảng thị trường nào. Điều này xảy đến do thời điểm đầu tư sai thời điểm, các thị trường quan trọng gặp khó khăn và những dự báo tài chính lạc quan thái quá.
Giám đốc Điều hành GE nói rằng dù gặp nhiều vấn đề trong những năm qua, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của công ty đều đang hoạt động tốt, và công ty có đủ nguồn tài chính để vận hành cũng như chi trả cổ tức. John Flannery, Giám đốc Điều hành GE, nói: "Tôi nhận thức rõ những mất mát mà giá cổ phiếu và cổ tức đi xuống đang gây ra đối với các nhà đầu tư, người nghỉ hưu và gia đình họ." Ông cũng đảm bảo rằng công ty đang tập trung cải thiện giá trị cổ phiếu và lấy lại niềm tin.
Ông Flannery nói: "Đây là thời điểm để chúng tôi chứng minh năng lực và điều quan trọng nhất công ty có thể làm là tiếp tục giúp cho GE đơn giản hơn và mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi điều này được thực hiện."
Quý I năm nay, GE thông báo lợi nhuận đi lên ở mảng hàng không và chăm sóc sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục lỗ ở mảng năng lượng. Ông Flannery vẫn giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận trong năm 2018 và cho biết quá trình tái cấu trúc đã đạt được những tiến bộ nhất định.
Theo báo cáo của S&P Global Market Intelligence, khoảng 43% cổ đông GE là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Con số này của Johnson & Johnson chỉ là 32% và với Boeing là 21%.
Trong những người thiệt hại nặng nề nhất khi cổ phiếu GE lao dốc có nhân viên đã nghỉ hưu của chính GE, bao gồm số công nhân từng từng hưởng lợi nhờ tiết kiệm qua kế hoạch mua cổ phiếu ưu đãi. Trong nhiều thập kỷ, người lao động GE cứ bỏ 2 đồng từ tiền lương để mua cổ phiếu công ty, GE sẽ thưởng thêm 1 đồng.
Giá cổ phiếu GE lao dốc còn gây thêm gánh nặng tài chính cho quỹ lương hưu. Hơn 600.000 người nhận lương hưu từ GE, là một trong những trọng trách mà ban điều hành đang đau đầu tìm hướng giải quyết. Theo Mercer, quỹ lương hưu của các công ty trong chỉ số S&P Composite 1500 chỉ có giá trị bằng 87% nghĩa vụ trả lương hưu trong tương lai với số tài sản thiếu hụt lên tới 286 tỷ đô la Mỹ. Theo Tổ chức Phi lợi nhuận Pew Charitable Trusts, con số này ờ khu vực công, gồm cấp liên bang và chính quyền địa phương, lên đến 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Với nghĩa vụ trả lương hưu trong tương lai tương đương 71,4% tổng tài sản, quỹ lương hưu của GE thuộc loại "bi đát" nhất nước Mỹ. Nghĩa vụ trả lương hưu trong tương lai của GE tới cuối năm 2017 đã lên tới gần 100 tỷ đôla, trong đó công ty vẫn thiếu nợ tới 30 tỷ.
Zorast Wadia, chuyên viên từ hãng tư vấn Milliman nhận định: "Tỉ lệ tài sản thiếu hụt của họ nằm trong nhóm 10 công ty cao nhất theo nghiên cứu của chúng tôi, và điều này rất đáng chú ý bởi họ là công ty có giá trị tài sản lớn thứ 4." Nghiên cứu của Milliman bao gồm 100 quỹ hưu trí được quản lý bởi các công ty đại chúng.
GE dự kiến vay thêm 6 tỷ đô la Mỹ trong năm nay đóng thêm vào quỹ lương hưu. Nhờ lãi suất tăng kéo theo tăng lợi nhuận dự tính của quỹ lương hưu nên tình trạng thiếu hụt cũng đỡ đi phần nào. Năm 2015, GE đã đóng quỹ chăm sóc sức khỏe bổ sung cho nhân viên cũ và thay thế bằng trợ cấp bảo hiểm cá nhân. Sự thay đổi này, cùng với giảm bảo hiểm nhân thọ cho người về hưu, giúp giảm được 3,3 tỷ đô la Mỹ nghĩa vụ lương hưu.
John Phelps, người đã làm việc hơn 40 năm trong một nhà máy silicon của GE ở Waterford, New York, nơi đã được bán năm 2006, nói: "Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng GE sẽ đối xử với chúng tôi thế này. Chúng tôi đã tin rằng họ luôn cố gắng chăm sóc tuổi già cho chúng tôi."
Ông Phelps, một cựu cán bộ công đoàn, người điều hành một nhóm bảo vệ những cựu nhân viên GE, cho biết nhiều người rất lo lắng về khoản lương hưu và các phúc lợi khác của họ.
Khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của công ty là rất thấp trong những năm gần đây; khoản cổ tức hàng năm lên tới hơn 8 tỷ đô la Mỹ khó có thể duy trì do bộ phận công nghiệp không tăng trưởng đủ nhanh bù lại khoản lỗ trong kinh doanh dịch vụ tài chính, ngành đem lại nhiều lợi nhuận trong những năm qua.
Với các công nhân, đã vào GE là làm việc cả đời. Nhưng điều này đã thay đổi vào những năm 80 của thế kỷ trước khi công ty cắt giảm số lượng lớn lao động trong suốt thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", cũng vì chính sách này mà cựu Giám đốc Điều hành Jack Welch được đặt biệt danh là "Neutron Jack".
Cuốn sổ kế hoạch nghỉ hưu General Electric phát hành cho các nhân viên năm 1950. Ảnh: Allison Pasek/Thời báo phố Wall.
Khi xu hướng toàn cầu hóa nổi lên vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ, công ty bắt đầu chuyển hướng ra nước ngoài. Đến cuối năm 2017, khoảng 1/3 trong tổng số 313,000 nhân viên GE làm việc ở Mỹ, so với tỷ lệ 60% trong 2 thập kỷ trước.
Ben Marruffo đã làm việc cho nhà máy kiểm soát thiết bị của GE ở Morrison, Illinois suốt 42 năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2008. Nhà máy nằm cách Chicago 130 dặm về hướng Tây, đi vào hoạt động cuối những năm 1940 và đóng cửa năm 2010. Năm 2016, GE bán nó cho Tập đoàn Haier, chuyên kinh doanh thiết bị gia dụng, của Trung Quốc với giá 5.6 tỷ đô la Mỹ
Ông Marruffo lớn lên cách đó vài dặm và chưa từng đi đâu xa. Gia đình ông có 8 người con, và 5 anh em trai của ông đều làm việc ở nhà máy của GE. Cha ông làm việc ở một nhà máy thép trong suốt 40 năm, và ông Marruffo nói rằng ông vẫn nhớ hình ảnh cha mình trở về nhà với những lỗ thủng trên quần áo do các kim loại bị nấu chảy làm cháy. Cha ông có một khoản lương hưu nhưng không được hưởng mấy trước khi ông qua đời.
Ben Marruffo làm việc tại một nhà máy của GE ở Morrison, Illinois, suốt 42 năm. Ông nghỉ hưu năm 2008 và sống ở Rock Falls, Illinois. ẢNH: JOSHUA LOTT – THỜI BÁO PHỐ WALL
Mr. Marruffo cầm bức ảnh chụp lớp thợ học việc của ông năm 1966 , trong ảnh ông đứng thứ hai từ phải sang. ẢNH: JOSHUA LOTT – THỜI BÁO PHỐ WALL
Ông Marruffo, năm nay 71 tuổi, bắt đầu làm việc cho GE từ khi là công nhân học việc, trong những lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất khác nhau. Cũng như nhiều chuyên gia kinh doanh, ông đánh giá cao ban điều hành của GE. Ông đã tích lũy cổ phiếu GE thông qua Kế hoạch Cổ phiếu và Tiết kiệm của công ty. Ông từng cho rằng công ty không thể sụp đồ, khiến đợt lao dốc năm ngoái lại càng thê thảm. Ông đã bán một phần vào năm ngoái nhưng vẫn giữ lại khoảng 6,000 cổ phiếu. Giờ ông cảm thấy hối hận vì đã không bán nhiều hơn.
Trong nhiều năm, ông Marrufo không chú ý mấy đến giá cổ phiếu, chỉ sau khi chứng kiến một nửa số tiền của mình bốc hơi, ông mới kiểm tra giá hàng ngày. Ông nói: "Hôm nào tôi cũng kiểm tra thị trường và tự hỏi liệu cổ phiếu GE đã chạm đáy hay chưa, và mất bao lâu để thu lại khoản lỗ ấy."
Ông vẫn lạc quan rằng Giám đốc Điều hành Flannery có thể đưa vận may của GE trở lại. Ông nói: "Cảm giác như bạn đang nín thở và hi vọng chiếc giày còn lại sẽ không tuột ra."
Trong nhiều năm, cổ phiếu GE được coi là khoản đầu tư an toàn, khi số phận của công ty 125 năm tuổi này tương phản với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Nhiều người không làm việc tại GE nhưng vẫn giữ cổ phiếu này danh mục đầu tư.
Jack Ennis, một giáo viên 63 tuổi đã nghỉ hưu ở New Jersey, bắt đầu mua cổ phiếu GE năm 1980 khi ông bắt đầu đầu tư cho mẹ mình sau khi bố ông qua đời. Ông so sánh sự sụt giảm của GE với những công ty đã phá sản từ lâu như RCA, Union Carbide và Allied Signal.
Ông Ennis nói ông đã chứng kiến GE đi từ "nhà cung cấp bóng đèn và thiết bị gia dụng được tin dùng của Mỹ" trở thành một "mớ bòng bong phụ thuộc vào tài chính và truyền thông". Ông đổ lỗi cho cựu Giám đốc Điều hành Jeff Immelt, người đã bị sa thải vào mùa hè năm ngoái sau 16 năm lãnh đạo, và ban Giám đốc GE. Tính cả cổ tức, cổ phiếu GE chỉ tăng 8% trong những năm Immelt tại vị, trong khi S&P 500 tăng đến 214%.
Ông Ennis nói: "Thật đáng buồn khi niềm tin của các nhà đầu tư là điều khó lấy lại nhất một khi đã mất đi."
Nhà máy đã đóng cửa vĩnh viễn của GE, nơi người công nhân đã nghỉ hưu Ben Marruffo từng làm việc. ẢNH: JOSHUA LOTT – THỜI BÁO PHỐ WALL
Jack Feigh, 69 tuổi, đã di chuyển nhiều lần để đảm nhiệm các vị trí khác nhau tại công ty – California, Kansas City, Louisville – trước khi nghỉ hưu năm 2007 ở lĩnh vực đồ gia dụng tại Salt Lake City
Bố mẹ ông có một tiệm làm bánh, và ông Feigh nhớ lại địa vị "ông chủ" chẳng giúp họ dành dụm được bao nhiêu trừ khoản tiền an sinh xã hội ít ỏi cho tuổi xế chiều. Ông quyết tâm phải dành cho vợ mình và ba đứa con điều gì đó tốt đẹp hơn, thế là ông dành khoản tiền lớn từ mức lương hàng tuần để mua cổ phiếu GE. Ông càng được khích lệ khi các đồng nghiệp cũng làm điều tương tự. Những công nhân lớn tuổi đã nghỉ hưu mà ông biết có một khoản tiết kiệm kha khá.
Khi còn đang làm việc, ông Feigh sử dụng số cổ tức của mình để mua nhiều cổ phiếu GE hơn. Ông nói: "Ở thời điểm đó, tôi không nghĩ bạn có thể từ chối cơ hội mua nhiều cổ phiếu hơn nữa."
Ông Feigh nghỉ hưu sau 30 năm làm việc cho GE. Khi giá cổ phiếu công ty lao dốc trong cuộc khủng hoảng tài chính, ông đã mất gần 300,000 đô la Mỹ.
Corey Rosen, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Quyền Sở hữu Nhân viên, một tổ chức phi lợi nhuận làm việc với các công ty nói: "Người lao động cần suy nghĩ cẩn thận về việc đầu tư hơn 10% tiền của họ vào cổ phiếu công ty. Nếu bạn đang tính chuyện nghỉ hưu, đa dạng hóa danh mục là một điều tốt."
Ông Marruffo giữ thẻ căn cước cũ khi còn làm việc ở GE tại nhà riêng ở Rock Falls, Ilinois. ẢNH: JOSHUA – THỜI BÁO PHỐ WALL
Khi nghĩ lại, ông Feigh đồng tình với quan điểm này. Nhưng ở thời điểm khủng hoảng tài chính, ông nghĩ phần lớn các cổ phiếu đều tụt dốc nên tốt hơn là vẫn nắm cổ phiếu GE. Đầu năm 2017, ông có 190,000 đô la Mỹ cổ phiếu GE, giờ chỉ đáng giá 70,000 đô la Mỹ.
Ông hỏi ý kiến một nhà hoạch định tài chính về việc có nên bán số cổ phiếu còn lại không, và được khuyên nên giữ chúng. Ông kể rằng anh ta nói với ông có vẻ như cổ phiếu GE sắp tăng giá trở lại. Hiện giờ, ông Feigh chẳng biết lúc tăng lại thì mình còn sống hay không.
Ông nói: "Tôi đã nghĩ mình làm thế là đúng, nhưng rõ ràng là không." Ông không kể quá nhiều với gia đình về khoản lỗ này ngoài việc thừa nhận rằng "niềm tự hào khi nghỉ hưu đã tan thành mây khói".
Ông Feigh hiện sống nhờ vào lương hưu và khoản trợ cấp xã hội. Ông sử dụng cổ tức GE để trả bảo hiểm ô tô. Ông và vợ đã xếp lại kế hoạch đi nghỉ, gồm cả ước mơ đi tàu biển đến châu Âu và một chuyến đi tới Úc.
Ông nói: "Cứ nhìn cái cách cổ phiếu GE lao dốc, có khi chúng tôi sẽ mất trắng."
Wall Street Journal