Có rất nhiều ý tưởng lóe lên trong đầu tôi khi đặt tên cho bài viết này, cuối cùng, tôi lựa chọn một cái tên lấy cảm hứng từ câu nói của một trong những Đệ nhất phu nhân nổi tiếng nhất nước Mỹ, bà Jacqueline Kennedy Onassis:
“There are many little ways to enlarge your child’s world. Love of books is the best of all.” (Có rất nhiều con đường để bạn mở rộng thế giới của con. Tình yêu với những cuốn sách là con đường tốt nhất).
Tôi viết bài viết này cũng giống như là đang vẽ lại một đoạn đường đầy ắp niềm vui và những trải nghiệm quý báu mà tôi đã cùng với hai em bé của mình đi qua với hàng trăm cuốn sách và hàng nghìn câu chuyện. Tôi tin rằng, cho dù mỗi con đường sẽ dẫn chúng ta đến với những cái đích khác nhau và những thử thách hay những điều bất ngờ thú vị mà chúng ta gặp trên đường cũng chẳng giống nhau, nhưng chắc chắn, con đường đó sẽ đưa chúng ta và những đứa trẻ của mình đến với thế giới của những điều tươi đẹp nhất, hạnh phúc nhất và trí tuệ nhất.
Mọi em bé sẽ hấp thu tình yêu đọc sách từ chính bố mẹ của mình, vì thế, điều quan trọng đầu tiên và trước hết để giúp một em bé yêu thích và ham đọc sách đó chính là “tấm gương của bố mẹ”. Bố mẹ hãy nuôi dưỡng và chăm sóc thói quen đọc sách của mình, và không cần làm gì nhiều, các bạn nhỏ sẽ soi mình vào đó rồi học theo.
Trong suốt quá trình lớn lên và trưởng thành của trẻ, đặc biệt là những năm tháng đầu đời (giai đoạn 0 - 6 tuổi), khái niệm “đọc sách” của trẻ được hiểu là “được bố mẹ đọc sách cho nghe”, vì thế đọc sách cho con nghe (Reading Aloud) chính là một sứ mệnh vô cùng tuyệt vời mà cũng rất quan trọng trong công việc nuôi dạy con của các bố mẹ. Bố mẹ có thể đọc sách cho con nghe từ khi em bé còn ở trong bụng mẹ (đặc biệt là từ tháng thứ 5 của thai kỳ trở đi) và kéo dài cho đến tận khi con học lên cấp tiểu học, bởi vì, ý nghĩa và những giá trị tuyệt vời của việc đọc sách cho con mang đến là những món quà vô giá mà bất cứ cha mẹ nào cũng muốn dành cho con.
Đọc sách cho con nghe là cách bố mẹ giúp các cuốn sách trở nên thú vị, mang đến cho con những trải nghiệm có giá trị và đầy cảm hứng. Những trẻ yêu đọc sách sẽ cảm thấy có động lực để chủ động việc đọc sách của bản thân. Đọc sách cho con mang đến cho trẻ kiến thức nền tảng, giúp chúng hiểu được những điều chúng nhìn thấy, nghe và đọc. Bố mẹ càng đọc sách cho trẻ nghe nhiều bao nhiêu, thì từ vựng của trẻ sẽ càng phát triển tương đương bấy nhiêu, và trẻ sẽ càng hiểu hơn về thế giới và vị trí của trẻ trong thế giới ấy.
Đọc sách cho con nghe biến bố mẹ trở thành “những người đọc mẫu”. Khi trẻ thấy được sự hứng khởi của người lớn khi đọc sách, chúng sẽ nắm bắt được niềm đam mê ấy. Đọc sách cho con nghe còn có thể giúp các bố mẹ giới thiệu các thể loại sách khác nhau như khoa học và văn học (thơ, truyện ngắn, tiểu sử) với trẻ nhỏ dễ dàng hơn - điều mà trẻ khó tự mình thực hiện được.
Đọc sách cho con nghe cũng mang đến một kiểu ngôn ngữ riêng - ngôn ngữ của sách - vốn khác biệt với ngôn ngữ đời thường mà trẻ vẫn nghe trong cuộc sống, trên tivi và phim ảnh. Ngôn ngữ của sách mang tính miêu tả hơn và sử dụng nhiều cấu trúc ngữ pháp quy chuẩn hơn. Khi được nghe bố mẹ đọc sách, trẻ được sử dụng trí tưởng tượng của chúng để khám phá con người, địa danh, các thời đại, và các sự kiện - những điều vượt ra khỏi ranh giới trải nghiệm của riêng chúng.
Con cái và cha mẹ sẽ có rất nhiều những “cuộc trò chuyện” và những ý tưởng để cùng nhau chia sẻ, trao đổi khi đọc sách cho nhau nghe. Quá trình trao đổi ấy hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng đọc và viết. Đọc sách cho con nghe còn hỗ trợ quá trình phát triển các kỹ năng tư duy khi trẻ và bố mẹ cùng thảo luận những cuốn sách, bài báo hay những nội dung khác mà cả hai cùng đọc.
Đọc sách cho con nghe thực sự mang đến vô cùng nhiều điều thú vị.
Ở nhà tôi, sách là đồ chơi, và đồ chơi cũng là sách. Giờ đọc sách thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời để gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau, vì thế, tình yêu dành cho việc đọc sách được nuôi dưỡng và chăm sóc tỉ mỉ hằng ngày bằng những điều nhỏ xíu dưới đây.
Khi con còn nhỏ, khả năng tập trung còn ngắn, giờ đọc sách của gia đình có thể chỉ kéo dài 1 phút, 2 phút, rồi 5 phút, sau đó dần tăng lên khi con lớn thêm, ít nhất từ khoảng 15 đến 30 phút mỗi ngày. Hãy chọn một giờ đọc sách cố định phù hợp với lịch sinh hoạt của cả nhà và duy trì nó ngay từ khi em bé còn ở trong bụng mẹ, một trong những giờ đọc sách yêu thích của trẻ nhỏ là trước giờ đi ngủ. Bố mẹ nên dành trọn sự tập trung và tình cảm của mình cho con trong giờ đọc sách, hãy bỏ qua điện thoại, các thiết bị điện tử, chọn một không gian yên tĩnh và êm ái để đọc sách cho con nghe.
Góc đọc sách của cả gia đình nên được đặt ở nơi yên tĩnh và có nhiều ánh sáng tự nhiên nhất có thể. Một chiếc ghế ngồi thoải mái, những chiếc gối dựa êm ái, đèn đọc sách đủ sáng, thảm trải sàn, một chiếc kệ sách nhỏ đặt những cuốn sách mà con thích đọc trong mỗi tuần là những món đồ không thể thiếu ở góc đọc sách của gia đình. Nếu có thể, bố mẹ nên có thêm một chiếc bàn nhỏ để con có thể đặt những cuốn sách to và nặng lên đọc được dễ dàng hơn.
Ngoài tủ sách của gia đình nhất định nên có, con cũng cần có riêng một giá/ kệ sách được thiết kế vừa vặn với chiều cao của con để con có thể dễ dàng lấy sách khi cần. Bố mẹ hãy giúp con chọn và đặt một số lượng sách giới hạn theo tuần/ theo chủ đề sách mà con yêu thích để đặt trên giá. Giá sách của các bạn nhỏ nên được thiết kế để có thể đặt bìa sách (thay vì gáy sách) quay ra ngoài để gây ấn tượng và giúp con dễ dàng chọn được cuốn sách mà mình yêu thích.
Con sẽ yêu thích và hào hứng với giờ đọc sách hơn nếu được đọc những cuốn sách phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, cá tính và sở thích của mình. Vì thế, chọn sách đúng độ tuổi cho con là bước quan trọng bố mẹ cần chú ý, bố mẹ nên dành thời gian đọc trước cuốn sách để loại bỏ những cuốn sách có nội dung bạo lực, có lỗi chính tả, sử dụng từ ngữ và hình ảnh minh họa phản cảm, không đúng sự thật.
Không phải lúc nào các bạn nhỏ cũng yêu thích và ưu tiên thời gian cho việc đọc sách, đó là điều hoàn toàn bình thường, vì thế, bố mẹ đừng ép buộc hay phê bình con, hãy nghĩ cách để con luôn cảm nhận được niềm vui của việc đọc sách.
Đừng bao giờ đưa cho con một cuốn sách và bảo: “Đấy, con ngồi xem đi!”, ngay cả khi trẻ đã có thể tự đọc sách rồi thì chúng vẫn có nhu cầu cực kì lớn được nghe bố mẹ đọc sách. Vì thế, việc bố mẹ cần trao quyền cho con là “chọn sách”, hãy ngồi xuống cùng con và đọc bất cứ cuốn sách nào mà con đã chọn. Cuốn sách sẽ trở nên thu hút và truyền cảm hứng cho trẻ hơn nếu bố mẹ đọc sách bằng giọng đọc biểu cảm, lên bổng xuống trầm hay bắt chước tiếng các loài vật, phương tiện giao thông xuất hiện trong sách.
Vào những dịp đặc biệt hay khi con làm được việc tốt, hãy tặng con phần thưởng là một cuốn sách, bố mẹ hãy ghi lời đề tặng yêu thương vào cuốn sách dành tặng con. Bố mẹ có thể chọn sách cho con rồi tặng con để con bất ngờ hoặc cũng có thể cùng con đi nhà sách để con tự chọn cuốn sách mà con yêu thích.
Cảm giác đọc sách ở thư viện và nhà sách luôn rất thú vị và tràn đầy cảm hứng. Bố mẹ hãy cùng con “soạn thảo” những nguyên tắc khi đi thư viện và nhà sách như: Nói nhỏ, không nô đùa, trả lại sách vào đúng nơi mình đã lấy, mỗi lần chỉ mua một cuốn sách mà mình thích nhất… Đó cũng là cơ hội tuyệt vời để con học và thực hành các thói quen văn minh.
Dù là đi chơi hay đi du lịch, hãy luôn nhớ cùng con chuẩn bị vào túi một vài cuốn sách nhỏ để những lúc cảm thấy buồn chán hay cần thư giãn, con sẽ có ngay sách để đọc. Trải nghiệm đọc sách ở khắp mọi nơi như trên bờ biển, dưới một bóng cây xanh, bên một hồ nước, trên một quả đồi… sẽ mang đến cho trẻ những cảm xúc mới mẻ, thú vị để thêm yêu việc đọc sách.
Có rất nhiều ý tưởng để các cuốn sách không chỉ mang đến niềm vui và thời gian chất lượng cho cả gia đình, mà còn là cơ hội để bố mẹ giúp con phát triển ngôn ngữ, làm giàu vốn từ và yêu thích việc học chữ, từ đó xây dựng các kĩ năng cho việc tự đọc, tự học sau này.
Ở nhiều nước trên thế giới, có vô số ý tưởng tổ chức các hoạt động/ chương trình đọc sách cho lứa tuổi từ 0 - 6 để khuyến khích thói quen đọc sách và nâng cao kỹ năng đọc sách đã được tổ chức và thu hút hàng triệu phụ huynh và các bạn nhỏ, ví dụ như chương trình “1000 Books Before School” - 1000 quyển sách trước khi đến trường ở bang Victoria, Úc hay chiến dịch quốc gia “Read Aloud 15 Minutes” - Đọc to 15 phút được tổ chức hơn 10 năm nay ở Mỹ…
Mỗi bố mẹ cũng hoàn toàn có thể tạo ra các “chiến dịch” như vậy ngay tại nhà mình để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con, đó có thể là “Mỗi tuần một cuốn sách”, “Tuần lễ sách khoa học của cả nhà” hay “Mỗi ngày 15 phút đọc sách cùng nhau”… Những ý tưởng đơn giản như vậy chính là thứ “gia vị” tuyệt vời giúp việc đọc sách của cả nhà trở nên thú vị và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Hãy chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ và giúp con ghi lại tên những cuốn sách con đã đọc, cùng với những câu chuyện, cảm xúc, thói quen của con khi đọc cuốn sách đó. Sau một thời gian đọc lại, chắc chắn bố mẹ sẽ bất ngờ về sự phát triển ngôn ngữ và nhận biết xã hội của con. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể cùng con bổ sung thêm vào nhật ký đọc sách các “hạng mục” như nhân vật mà con yêu/ ghét (lý do vì sao), tình huống truyện thu hút con nhất, nếu được thay đổi một chi tiết/ kết thúc con sẽ thay đổi như thế nào…
Các bộ phim được chuyển thể từ các cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng sẽ mang đến cho trẻ một trải nghiệm vô cùng mới mẻ về cuốn sách mà mình đã đọc. Các hoạt động như cùng con diễn kịch, kể chuyện bằng rối tay, thuyết trình về cuốn sách mình yêu thích nhất trong tuần/ tháng, vẽ tranh, làm đồ thủ công các nhân vật, hình ảnh trong sách… sẽ giúp trẻ luôn khám phá được những điều mới mẻ về cuốn sách mà mình đã đọc. Đây cũng là những cách để bố mẹ giúp trẻ hiểu kĩ và cảm nhận sâu sắc hơn về các cuốn sách.
Dr Seuss - một trong những tác giả sách thiếu nhi thành công nhất mọi thời đại, đã viết trong một cuốn sách của mình rằng: "The more that you read, the more things that you will know, the more that you learn, the more places you’ll go" (Càng đọc nhiều, bạn sẽ càng mở rộng tầm hiểu biết, sẽ học thêm được nhiều điều, và sẽ đi đến được nhiều nơi).
Nếu bạn đã gieo một hạt giống tình yêu đọc sách ở gia đình mình, hãy bền bỉ, kiên trì chăm sóc nó mỗi ngày để những cuốn sách sẽ mở rộng tâm hồn, mang đến nhiều cuộc phiêu lưu và những cơ hội tuyệt vời cho không chỉ các con mà cả chính bản thân bạn nữa. Bởi vì, sự đồng hành của bố mẹ chính là chiếc chìa khóa vàng để các con mở những cánh cửa và tự tin bước chân vào thế giới rộng lớn phía trước.
Trí thức trẻ