Ngày 6/1/2021 vừa qua, Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã chính thức đưa 41,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE (TP.HCM) với mã chứng khoán TNH - Đây được xem là cổ phiếu bệnh viện đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán.
Khi nói về lý do chọn thị trường chứng khoán, đại diện Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên nói rằng: Chúng tôi đã có đủ các điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán.
"Là một Công ty cổ phần chúng tôi muốn trở thành Công ty đại chúng để được nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư và quản lý trên hệ thống tập trung một cách công khai, minh bạch và được bảo vệ theo pháp luật. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán còn tạo thuận lợi cho sự phát triển lớn mạnh của Bệnh viện, đặc biệt là về chuyên môn. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn được tiếp cận với các kênh huy động vốn dài hạn, từ đó giúp uy tín của Bệnh viện được nâng lên, có cơ hội phát triển về mọi mặt…"
"Tiềm năng của lĩnh vực y tế tại Việt Nam còn rất lớn, việc các bệnh viện tư ra đời hiện nay sẽ giúp giảm tải đáng kể cho hệ thống bệnh viện công vốn đang quá tải. Và điều quan trọng nhất đó chính là người dân sẽ có được dịch vụ chăm sóc tốt hơn, đa dạng hơn"- Đại diện Công ty chia sẻ.
Theo thống kê hiện nay, tỷ lệ giường trên bệnh nhân của Việt Nam còn quá thấp so với khu vực, mới khoảng 27,5 giường bệnh/ 10.000 dân. Con số này của Trung Quốc là 42 và Hàn Quốc là 103. Để đạt tỷ lệ tương đương Hàn Quốc thì Việt Nam đang thiếu khoảng 2.000 bệnh viện quy mô 400 giường bệnh, tương đương của Trung Quốc thì thiếu 750 bệnh viện.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì tỷ lệ giường bệnh càng thấp. Ở Hà Nội, tỷ lệ nằm ghép là rất lớn, có thể 4 sản phụ trên 1 giường bệnh.
Số lượng bệnh viện tư tại Việt Nam so với bệnh viện công hiện nay còn quá ít. Khi đến Hàn Quốc hay Nhật Bản thì việc bệnh viên tư rất phát triển là phổ biến. Hệ thống bệnh viện công chỉ khám những bệnh xã hội như lao, tâm thần…trong khi bệnh viện tư mới đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Với quan điểm "bệnh viện tư mới chỉ đang có tác dụng giảm tải chứ không cạnh tranh nhau", khoảng trống đầu tư bệnh viện là rất lớn. thêm vào đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế hạn hẹp thì bắt buộc phải để tư nhân phát triển. Nên ngay từ những ngày đầu thành lập Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã xác định làm tốt chuyên môn và dịch vụ ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số khu vực lân cận của vùng Đông Bắc nơi có nhiều trường đại học, khu công nghiệp, dân số rất đông...Và lấy đó làm "lợi thế" để phát triển hệ thống chuỗi trên phạm vi cả nước.
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên được biết đến là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc gồm: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ các chuyên khoa cùng đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn cao.
Dự kiến sắp tới, sẽ mở thêm bệnh viện Sản Quốc tế và Bệnh viện Mắt. Hiện Thái Nguyên chưa có bệnh viện chuyên khoa sản và cả vùng Đông Bắc chưa có bệnh viện chuyên khoa mắt, nên ban lãnh đạo muốn đầu tư để đón đầu nhu cầu của người dân.
"Việt Nam hiện có rất nhiều bệnh viện tư chất lượng tốt nhưng giá cũng quá cao so với thu nhập người dân. Do đó, định hướng của chúng tôi là tạo được hệ thống bệnh viện chất lượng cao, nhưng có giá phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân" – Đại diện Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên nói về "định vị" phát triển của bệnh viện trong thời gian tới.
"Thực tế thì giá viện phí của chúng tôi đang bằng bệnh viện công. Do chúng tôi phân thành 2 tuyến, một tuyến khám theo bảo hiểm y tế và một tuyến khám theo yêu cầu. Điều này giúp bệnh viện đáp ứng được cả đối tượng thu nhập thấp và đối tượng thu nhập cao".
Bên cạnh đó, bệnh viện có liên kết với nhiều y, bác sỹ ở các bệnh viện tuyến đầu. Bệnh nhân nằm ở Bệnh viện Quốc Tế Thái Nguyên nhưng có thể yêu cầu bác sỹ các bệnh viện lớn thuộc tuyến đầu đến khám, chữa bệnh, phẫu thuật. Tất nhiên, mức viện phí sẽ cao hơn thông thường nhưng so với chi phí bệnh nhân phải đến Hà Nội, TP HCM hay các nơi khác khám kèm người nhà đi cùng chăm sóc thì vẫn thấp hơn nhiều.
"Chúng tôi cố gắng đưa bác sỹ về với người bệnh chứ không phải đưa bệnh nhân đến với bác sỹ. Để làm được điều này, bệnh viện phải có đủ trang thiết bị đảm bảo tiến hành các ca phẫu thuật khó. Tôi có thể khẳng định thiết bị, máy móc của bệnh viện là hiện đại nhất trong khu vực và được trang bị đầy đủ, trừ một số trường hợp phẫu thuật đặc biệt".
Khi được đặt câu hỏi: Đang là 1 bệnh viện chuyên môn khám chữa bệnh khi niêm yết trên sàn có ảnh hưởng nhiều đến quản trị của công ty không?
Đại diện đơn vị này cho biết, việc niêm yết trên sàn chứng khoán đã tác động tích cực đến mọi mặt của Công ty, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuyên môn kỹ thuật và hoạt động quản lý tài chính. Đây là thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội rất lớn để Công ty thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư, là động lực quan trọng để phát triển hệ thống bệnh viện chuyên khoa trong thời gian tới.
"Công ty hiện tại có hai bệnh viện Đa khoa lớn nhất khu vực các tỉnh Miền núi phía Bắc và đã định hướng phát triển thêm nhiều bệnh viện ở Thái Nguyên và các tỉnh khác để trở thành một hệ thống các bệnh viện có quy mô lớn và chất lượng cao. Chúng tôi thuyết phục các nhà đầu tư bằng thực lực tài chính cùng chuyên môn kỹ thuật đã và đang được chứng minh cũng như chiến lược phát triển của Công ty" – Đó cũng chính là lý do mà TNH thuyết phục các nhà đầu tư của mình.
Chính vì thế việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài được TNH đưa ra các tiêu chí cụ thể như: Ưu tiên các nhà đầu tư không những có năng lực về tài chính mà còn có năng lực quản trị y tế.
"Bởi với một lĩnh vực đặc thù như y tế, đối tượng khách hàng chính là chăm sóc sức khỏe con người thì việc có năng lực quản trị y tế là vô cùng quan trọng. Phát triển lợi nhuận kinh doanh phải đi liền với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Có như vậy, mới đảm bảo sự phát triển bền vững cho công ty".
Năm 2020, do chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 nên doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của TNH mặc dù chưa đạt được kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng 22% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế cũng đạt hơn 90% so với kế hoạch.
Doanh thu của Công ty gần như toàn bộ đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, luôn chiếm đến khoảng 99% trên tổng cơ cấu doanh thu bởi đây là dịch vụ kinh doanh chính của Công ty.
Có thể thấy, tuy doanh thu từ dịch vụ khám sức khỏe chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ nhưng đã tăng gần gấp đôi chỉ sau 1 năm. Đây là một mức tăng ấn tượng, thể hiện tiềm năng phát triển của bệnh viện trong mảng dịch vụ này.
Dự kiến trong năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine toàn dân được thực hiện, với sự mở rộng quy mô của Doanh nghiệp, doanh thu các năm tiếp theo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
"Công ty sẽ có thêm từ 1 đến 3 bệnh viện mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và tối thiểu 3 bệnh viện tại Hà Nội và các địa phương khác. Phấn đấu toàn Công ty sẽ tăng trưởng 30%/ năm (với điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt)" – Đại diện TNH chia sẻ.
Và việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ giúp TNH huy động nguồn vốn tốt hơn để phục vụ cho mục tiêu mở chuỗi bệnh viện phục vụ được số đông người dân./.
Nhịp sống kinh tế