Từ năm 2012, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/5000 cho quận 7 đến năm 2020. Theo kế hoạch, quận 7 sẽ có tổng diện tích 3.546 ha với dân số tối đa 424.000 người vào năm 2020.
Trong tương lai, quận 7 được phân chia theo ba hướng: Phú Mỹ Hưng sẽ tiếp tục là khu trung tâm thương mại, hành chính, tài chính, y tế và giải trí; Các tuyến đường chính bao gồm Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, 15B và đường Đào Trí; Khu tiện ích công cộng sẽ bao gồm trụ sở hành chính, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường mẫu giáo, trường học…
Tại quận 7, hiện nay với quỹ đất ngày càng hạn chế và nhiều nơi không còn để phát triển thì cung đường Đào Trí được xem là trung tâm đô thị mới của khu Nam. Một trong những dự án lớn tầm cỡ bậc nhất trên cung đường này là Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (có tên thương mại là Saigon Peninsula), tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM. Đây là dự án có quy mô lớn lên tới 118 ha, tổng vốn đầu tư tới 6 tỷ USD.
Được biết, toàn bộ diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 117ha, trong đó có khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu đô thị nhà ở khoảng 35ha gồm khu nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính, khách sạn, vui chơi giải trí đẳng cấp nhất Sài Gòn.
Theo quy hoạch, khu công viên đô thị này gồm có chức năng căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao, và đặc biệt là bến du thuyền quốc tế… Theo tìm hiểu thực tế, thời gian gần đây nhà đầu tư đã triển khai xây dựng hạ tầng, bờ kè bao quanh đoạn dọc sông Sài Gòn để chuẩn bị thi công dự án trong thời gian tới.
Bến du thuyền quốc tế nằm trong dự án Saigon Peninsula.
Ngay từ lúc dự án này được công bố, giá nhà đất khu vực này đã và đang thiết lập một mặt bằng mới. Theo đó, giá căn hộ tại mặt tiền đường Đào Trí hiện được chào bán khoảng 60-65 triệu/m2, tăng hơn 15 triệu/m2 so với gần một năm trước. Song song đó, một số doanh nghiệp cũng nhanh nhạy nắm bắt cơ hội từ siêu đô thị này đã triển khai xây dựng cũng như chuẩn bị phát triển một số khu chung cư cao cấp dọc tuyến đường Đào Trí này.
Có thể kể đến như dự án Sunshine Diamond River tọa lạc tại mặt tiền đường Đào Trí sát bên sông Sài Gòn vdo Tập đoàn Sunshine Group làm chủ đầu tư vừa ra mắt mới đây. Dự án này được xây dựng như một "quần thể xanh, hiện đại, thông minh" ứng dụng công nghệ 4.0 và IoT vào quản lý vận hành với chuỗi tiện ích chuẩn resort. Trước đó cũng tại quận 7, Tập đoàn Sunshine Group cũng ra mắt dự án Sunshine City.
Hiện nay, tại cung đường Đào Trí được xem là trung tâm đô thị mới của khu Nam một khi quỹ đất tại các khu vực khác đã không còn để phát triển. Thị trường BĐS TPHCM đã quá quen thuộc với dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (có tên thương mại là Saigon Peninsula), tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM.
Hàng loạt dự án lớn mọc lên trên cung đường này đang mang đến diện mạo mới cho khu Nam Sài Gòn.
Trước đó, vào năm 2018 Tập đoàn Đất Xanh đã xây dựng dự án Luxgarden có view 2 mặt tiền sông Sài Gòn. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1000 tỷ đồng, gồm 2 tháp căn hộ, cao 27 tầng với 500 căn hộ cao cấp. Hiện nay dự án đã được bàn giao cho khách hàng dọn đến sinh sống. Tuy nhiên qua tìm hiểu, phần lớn khách hàng mua căn hộ tại dự án đều là dân đầu tư. Nhiều người cho biết giá bán tại dự án này đang ở mức 65 triệu/m2, trong khi đó vào năm 2017 giá bán ra chỉ khoảng 40-45 triệu/m2.
Cạnh đó không bao xa, tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Q7 Saigon Riverdise với hơn 8.000 căn hộ cao cấp. Tập đoàn An Gia Investmen cũng đã quyết định tạo ra dấu ấn cho mình bằng cách cho ra đời dự án Sky89, tọa lạc ngay ngã tư Đào Trí và Hoàng Quốc Việt. Dự án có tổng diện tích khoảng 6,3ha, gồm block 6 chung cư, 66 lô nhà ở thấp tầng.
Khu Nam trở thành một trong những địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản.
Tại khu Nam Sài Gòn dường như phân khúc bất động sản cao cấp đã và đang phát triển nổi trội hơn so với những khu vực khác, với hàng loạt dự án tên tuổi như: Dragon City, GS Metro City, Southgate Tower,….Cùng với sự phát triển vượt bậc, Khu vực xung quanh cầu phú Mỹ đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực.
Lý giải về việc từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án quy mô lớn cả về vốn đầu tư lẫn số lượng căn hộ xuất hiện tại khu vực này, các nhà đầu tư cho rằng, bên cạnh việc siêu dự án 6 tỷ đô của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang là lực hút lớn thì Đào Trí chính là con đường nối ra sông Sài Gòn đáng giá "tỉ đô" tại Quận 7.
Trong tương lai không xa, con đường này sẽ được đầu tư mở rộng, giúp kết nối thuận lợi với nhiều tuyến đường lớn khác trong khu Phú Mỹ Hưng với quận trung tâm TPHCM. Khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hiện đại hơn, khang trang hơn thì giá trị BĐS tại đây chắc chắn sẽ gia tăng rất nhiều lần.
Không dừng ở đó, khu Nam Sài Gòn còn có các dự án quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đường Phú Thuận sẽ là trục đường huyến mạch quan trọng, tạo động lực phát triển khu vực này trong tương lai.
Mới đây, UBND TPHCM vừa đồng ý cấp vốn hơn 830 tỉ đồng để xây dựng dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Đây tiếp tục là một trong nhiều dự án giao thông quy mô lớn dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2019, giúp hoàn thiện mạng lưới kết nối khu trung tâm TPHCM với toàn khu Nam.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2030 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018…
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa ký văn bản báo cáo UBNDTPHCM về việc tăng cường đầu tư hạ tầng cho khu Nam, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM.
Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (vừa có chức năng là đường vành đai vừa là đường đô thị), đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc - Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…
Cùng với việc đầu tư, thay thế các cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đã hình thành các trục đường chính kết nối khu Nam với các khu đô thị hiện hữu nội thành, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố.
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu đầu tư hạ tầng giao thông khu Nam thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân ứng với kịch bản phát triển đô thị theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm (trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế).
Về đường bộ, đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã có kế hoạch đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Dự án Nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát (từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh); Xây dựng mới 3 cầu (thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm) trên đường Lê Văn Lương; Xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Xây dựng, cải tạo, mở rộng nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ (từ cầu Kênh Tẻ đến đường Nguyễn Văn Linh).
Mới đây, UBND TPHCM vừa đồng ý cấp vốn hơn 830 tỉ đồng để xây dựng dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Trong đó, 538,3 tỉ đồng chi phí xây dựng, 155,6 tỉ đồng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, 21 tỉ đồng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, còn lại 84 tỉ là chi phí dự phòng.
Theo thiết kế dự án, sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín).
Cũng theo Sở GTVT, trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.
Song song đó, Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đó là: Xây dựng cầu đường Bình Tiên; Xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam (từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm) giai đoạn 3;
Xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương; Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát); Xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B (trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài); Đầu tư xây dựng các cầu lớn như cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 với quận 7).
Đối với đường sắt, Sở GTVT sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 2 (quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - Khu đô thị Bình Quới); Tuyến đường sắt đô thị số 4a (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước); Tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền).
Đặc biệt, dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh sẽ được cây dựng theo hình thức BOT kết hợp BT. Được biết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa chọn được phương án kiến trúc và đã trình UBND TPHCM phê duyệt. Dự kiến, dự án cầu Cần Giờ sẽ được khởi công vào giữa năm 2020, hoàn thành trong năm 2022.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng khu Nam TP.HCM đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về hạ tầng, chính vì vậy thị trường BĐS sẽ tăng trưởng mạnh trong niên độ 2019 - 2020. Sự phát triển đô thị của khu Nam thời gian qua có sự tác động mạnh mẽ từ sự phát triển hạ tầng khu vực này. Trong đó, sự phát triển mạnh trong thời gian qua là nhờ sự đầu tư lớn của TPHCM với định hướng phát triển về phía Nam, hướng ra biển.
"Tiềm năng phát triển BĐS của khu Nam vẫn còn rất lớn. Bởi bên cạnh lợi thế về hạ tầng và vị trí đắc địa, khu Nam hiện sở hữu nhiều dự án nhà ở hoàn chỉnh và quỹ đất để phát triển BĐS còn khá lớn. Với những chủ đầu tư thực sự có tiềm lực, cộng thêm "đòn bẩy" về chính sách, nhiều dự án nhà ở quy mô lớn sẽ tiếp tục được khởi động, thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai gần", ông Châu nhận định.
Trí Thức Trẻ