img

Không lựa chọn thành phố để thực hiện ước mơ, Hoàng Hoa Trung, chàng thanh niên Hà thành sinh năm 1990 lại chọn con đường đến với những bản vùng cao để làm ''thiện nguyện''.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 1.

Làm tình nguyện từ năm 17 tuổi, gần 16 năm, Hoàng Hoa Trung (Chủ nhiệm hệ sinh thái ''Nuôi em'')  cùng nhóm tình nguyện đã thực hiện hàng loạt dự án như ''Thiệp nhân ái'', ''Dự án Ánh sáng núi rừng'', ''Dự án Nuôi em'', ''Dự án Dũng sỹ bạt'', ''Dự án Sức mạnh 2000''… giúp đỡ hàng chục nghìn trẻ em nghèo vùng cao.

Năm 2019, Hoàng Hoa Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Năm 2020, Trung tiếp tục được đề cử trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu về lĩnh vực hoạt động xã hội và được Forbes VietNam đưa vào danh sách ứng viên 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam (30 Under 30 năm 2020).

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 2.

Chia sẻ về cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung cho biết, năm 17 tuổi anh gặp biến cố lớn trong cuộc đời, khiến anh suýt chọn cách tự tử. Nhưng rồi sau đó anh tìm được lý do để thay đổi cái nhìn về cuộc sống, giúp anh tìm ra lý do tồn tại của mình đó là việc cống hiến cho đời, làm thiện nguyện

"Tôi từng có khoảng thời gian tồi tệ, đã từng có ý định kết thúc cuộc đời, và rồi tôi nhìn thấy những em nhỏ khuyết tật, phát hiện ra trên đời vẫn còn rất nhiều người kém may mắn, thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Tôi nhận ra mình muốn giúp và có thể giúp đỡ họ. Chính điều đó cho tôi động lực vượt qua thời gian khó khăn và tìm được lý do mình sống, lý do mình tồn tại, đó là giúp đỡ người khác", anh Trung chia sẻ.

"Tôi xác định, tôi làm tình nguyện cả đời vì đây là niềm vui, niềm đam mê. Tình nguyện cho tôi cơ hội vừa có thể giúp đỡ được người khác lại có thể được đi lại nhiều nơi, học hỏi nhiều thứ. Đó là những điều khiến tôi theo đuổi tình nguyện lâu dài và cảm giác nó luôn tươi mới, chứ không cũ", anh Trung khẳng định.

Nuôi Em - Nuôi lớn ngàn tương lai và sức mạnh kỳ diệu của cộng đồng

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 3.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 4.

Vì thương em nên tìm cách nuôi em - Chủ nhiệm  Hoàng Hoa Trung đã lý giải như thế về chặng đường 14 năm làm tình nguyện quyết tâm sớm xóa sổ những điểm trường tranh tre nứa lá để trẻ em nghèo dân tộc thiểu số mỗi ngày đến lớp được no ấm, an tâm học hành, phát triển toàn diện.

Câu chuyện ''Nuôi em'' được hình thành, anh Trung cho biết từ những năm 2009, tại Hà Nội có nhiều hoạt động giúp đỡ trẻ mồ côi, người khuyết tật, hay người vô gia cư, người già neo đơn. Bản thân anh gọi đây là ''khủng hoảng từ thiện thừa'' vì số lượng người khó khăn có giới hạn nhưng số lượng người muốn đóng góp thì lên đến hàng trăm, hàng nghìn. Vậy là anh cùng những người đồng hành nổ máy xe rong ruổi lên vùng cao, và vấn đề tại những điểm vùng cao anh thấy cần hỗ trợ kịp thời đó là giáo dục.

''Những phần quà trao tặng chỉ có tác dụng trước mắt, chỉ có kiến thức mới có thể đem lại tương lai tươi sáng hơn cho những em nhỏ'', Anh Trung nói.

Từ đó, khởi nguồn của chuỗi hành trình ''Nuôi Em'' là chương trình ''Ánh sáng Núi rừng'' gây quỹ xây trường học, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới được thực hiện. Khi chương trình được triển khai, tính tới năm 2014, mỗi năm anh Trung cùng nhóm thiện nguyện xây dựng được 1 trường.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 5.

Trong những năm đầu tiên đi xây trường, anh Trung kể về một cuộc gặp gỡ anh coi là định mệnh với chị Tạ Bích Loan. ''Cuộc gặp gỡ của tôi vào năm 2014, khi đó cả dự án chỉ xây dựng thành công 1 điểm trường mỗi năm đã rất khó khăn và nỗ lực, ai cũng nghĩ, mỗi năm xây dựng 1 điểm trường đã là tốt lắm rồi. Nào ngờ khi gặp chị Loan, với một câu hỏi: 'Làm thế nào, để mỗi năm có thể xây dựng nhiều hơn 1 điểm trường?' đã làm thay đổi tư duy của tôi cũng như nhiều bạn trong Nhóm. Dự án từ đó cũng bứt phá lên''.

''Sau này tôi mới biết, đó là "Câu hỏi quyền năng" giống như kim chỉ nam cho hướng đi của cuộc đời'', anh Trung cho biết thêm.

Từ câu hỏi đó, anh Trung nảy ra nhiều ý tưởng, và thế rồi số lượng trường những năm sau đó cứ tăng dần lên, đặc biệt năm 2020 tăng lên 77 công trình và tới 2021 là hơn 100 công trình/năm. Sức mạnh câu hỏi đã giúp từ một đội nhóm nhỏ bé xây 1 công trình/năm thành hơn 100 công trình/năm.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả những gì mà các em cần. Trong một lần trở lại những điểm trường mà Dự án xây dựng, anh Trung phát hiện, buổi sáng đi học có 20 trẻ thì buổi chiều chỉ còn 4 em.

Anh Trung quyết định bám theo các em. Qua thực tế nhiều ngày sống cùng bà con đồng bào, Hoàng Hoa Trung mới lý giải được, tại sao trẻ em vùng cao hay bỏ học. Hóa ra, bọn trẻ ở nhà xa, gia cảnh nghèo tới mức không có cơm mang theo, bố mẹ lại lên nương, nên giờ nghỉ phải vào rừng đào măng về luộc ăn lót dạ. Nhiều bé nhà cách điểm trường tới 4 - 5 cây số, thời gian tới lớp mất 2 - 3 tiếng cuốc bộ đường rừng. Vậy là ''chúng đành no cái bụng trước khi học con chữ''.

Chính vì vậy, năm 2014, Ý tưởng về dự án ''Nuôi em'', ''Sức mạnh 2000''… được hình thành, với mong muốn các em không bị đói khi đến lớp. Với cách làm hết sức cụ thể, mỗi cá nhân nhận nuôi một bé, bằng số tiền 150.000 đồng mỗi tháng họ đóng góp, bé được ăn bán trú tại trường. Tới nay, 95.000 học sinh miền núi đã được các mạnh thường quân nhận Nuôi em, đồng nghĩa các em được chăm chút hơn mỗi ngày.

Với dự án này, người nhận nuôi được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em. Hình ảnh, clip ăn trưa của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tháng và cập nhật lên nhóm của điểm bản cùng người nuôi học sinh đó, kèm theo số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo... để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm hoặc gọi điện để hỏi thăm các em.

Bên cạnh sự minh bạch, anh Trung cũng đã tìm ra công thức giúp thuyết phục người khác để Nuôi em: ''Một tháng dành 150.000 đồng thôi là lũ trẻ đã no căng bụng cả tháng, nhưng 150.000 ở thành phố nhiều khi chỉ bằng 3 cốc cà phê hay trà sữa''.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 6.

Sau những năm tháng rong ruổi vùng cao làm thiện nguyện, anh Trung luôn coi đây mới thực sự là cuộc sống của mình, anh cho biết: ''Thiện nguyện là một phần cuộc sống. Giúp đỡ được những trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp, bữa ăn no đủ,… để học tập thực sự là điều hạnh phúc nhất. Công tác thiện nguyện nhiều khi rất khó khăn, vất vả nhưng với mình và nhiều bạn, làm điều ý nghĩa sẽ nhận lại được niềm vui,…''.

Chính bởi lòng nhân ái, tinh thần nhiệt huyết của Hoàng Hoa Trung và các bạn trong dự án ''Nuổi em'', cùng nhiều nhà hảo tâm,… ước mơ tới trường cho trẻ em vùng sâu, vùng xa sẽ luôn được viết tiếp, góp phần tích cực cho xã hội.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 7.

Một bữa cơm có thịt, một tuổi thơ được đến trường tưởng chừng là những điều rất bình thường nhưng đó lại là niềm mơ ước của rất nhiều em nhỏ khó khăn vùng sâu vùng xa.

Phần là vì trường học xa, các em phải băng núi băng song, đi một quãng đường rất xa để đến ngôi trường của mình, phần vì các em bỏ học do đói, không phải em nào cũng có đủ khả năng mua bữa cơm trưa cho mình cả.

Việc thuyết phục phụ huynh đưa các bé đến trường cũng không dễ dàng vì gia đình không có lương thực để gửi ăn. Cũng vì thiếu cái ăn nên ở độ tuổi mà lẽ ra các em phải được đến trường để chơi, để học, lại phải ra nương phụ bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ hoặc ở nhà trông em, khi bạn bè đang đánh vần, tập đọc.

Những ngày tháng 11, chúng tôi có dịp đi cùng anh Hoàng Hoa Trung  và Đoàn thiện nguyện trong Hệ sinh thái Nuôi Em đến với xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Lịch trình chuyến đi lần này, chúng tôi cùng Đoàn đi thăm những điểm trường mà anh, chị ''Nuôi em'' cùng nhiều nhà hảo tâm quyên góp xây dựng, lắp bếp, mang lại những bữa cơm cho các em,…

Đặt chân đến nơi đây, chúng tôi ''mừng'' vì khung cảnh thay đổi rất nhiều. Dù cuộc sống của bà con vẫn vốn gắn với cây ngô, cây lúa nương, chăn nuôi gia súc, nhưng đời sống đã dần được cải thiện khi có đường ô tô về bản, có điện thắp sáng,… Trẻ em đã được quan tâm hơn, việc đi học vốn trước kia coi là ''xa xỉ'', tuy nhiên hiện tại 100% trẻ nơi đây đã tới trường, thắp sáng con chữ.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 8.

Ngày đầu tiên, chúng tôi được đi thăm những gia đình có bé được anh, chị ''Nuôi em'' đỡ đầu. Vốn không thông thuộc địa hình, chúng tôi được cô giáo Hoàng Thị Thơ - giáo viên của điểm trường Lủng  Phặc (TH. Cổ Linh) dẫn đi. Cùng đoàn di chuyển, chúng tôi vượt qua những con đường mòn ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt qua hết quả đồi này đến núi khác. Con đường dài chừng 10 - 15km ấy có những đoạn một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi lởm chởm.

Ngày nắng, sương lẫn mây bảng lảng vắt ngang sườn núi. Chạy xe máy, chỉ sơ sẩy một giây là lao xuống vực. Ngày mưa, đường trơn trượt, dắt bộ còn khó. Vậy mà nhiều năm nay, nếu không phải mùa lũ thì con đường ấy vẫn là con đường mang lại con chữ cho các em vùng cao.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 9.

Dừng chân tại một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ đơn sơ nằm vắt vẻo trên chừng đồi, đây là ngôi nhà của chị H.Thi Tinh (24 tuổi) và anh H.Văn Tài (24 tuổi), bố mẹ của H.G.H -  một bé được Hệ sinh thái Nuôi em hỗ trợ, tiếp sức đến trường.

Căn nhà nằm giữa khoảng không vô tận, phóng tầm mắt nhìn chỉ thấy núi đồi, nương rẫy. Bên ngoài căn nhà chỉ có một vài bộ đồ đặc trưng của người đồng bào người Mông cùng mảnh vườn nhỏ với vài con gà và 2 con lợn.

Thấy người lạ, những đứa trẻ đang chơi ngoài sân đất rụt rè vội nép sau cánh cửa, chỉ đến khi thấy cô Thơ - cô giáo gọi, chúng mới tiến đến, những khuôn mặt lấm lem, nhưng đôi mắt lại rạng rỡ vô cùng.

Món quà từ miền xuôi được các anh chị nuôi mang lên là những chiếc kẹo, gói bánh,… cùng một số đồ dùng sinh hoạt. Khi được cho kẹo, những đứa trẻ lễ phép khoanh tay cảm ơn rồi cùng nhau chạy thật nhanh đến mỏm đá kế bên căn nhà thưởng thức thứ đồ ngọt lạ lẫm.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 10.

Thấy bên ngoài có nhiều người, hai vợ chồng chị Tinh và anh Tài đến hỏi han và dẫn chúng tôi vào trong căn nhà, phía trong cũng không có bất cứ đồ vật nào giá trị, có lẽ đồ vật đắt tiền nhất ở đây là ''chiếc giường'', theo chị Tinh, đắt tiền ở đây không phải là về giá trị vật chất mà là tình thương.

Lấy nhau vào năm 2019, chị Tinh và anh Tài có với nhau 2 người con trai, cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ mới lên 3. Theo chị Tinh, từ trước đến nay gia đình vốn dựa vào nương rẫy làm kinh tế, năm nào được mùa thì có lúa đủ ăn, năm nào mất mùa thì vất vả vô cùng.

''Bữa cơm hàng ngày chỉ có cơm trắng cùng rau rừng thôi, thịt là điều xa xỉ. Trước khi nhận được sự hỗ trợ của Đoàn Nuôi Em, hàng ngày con đi học tôi chỉ gói được cho nắm cơm cùng chút rau rừng kèm muối, đang độ tuổi ăn học, nhìn con mà xót lắm nhưng cũng không biết làm thế nào''.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng cho các cháu được ăn học đầy đủ, bởi với anh chị con đường duy nhất giúp các con chỉ có thể là học hành,

Ngồi cạnh chiếc bếp lửa, chị Tinh vừa nói vừa gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má: ''Có khổ thế khổ nữa mình không để con phải nghỉ học đâu. Tuy mình nghèo nhưng mình phải để cho con được đến trường, ăn cơm trắng, ăn rau cũng được nhưng con phải biết chữ''.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 11.

Đó là những chia sẻ của chị Tinh, giờ đây hai đứa con chị hàng ngày đi học đều có thịt, có trứng, có cá,... để ăn. Bởi vậy con chị Tinh cũng như nhiều em trong bản đều rất thích đi học, bởi đi học chúng được ăn no, ăn ngon, được vui chơi, được học để có một tương lai sáng hơn.

Chuyến thăm nhà chị Tinh cũng là chuyến anh Ng. Phú Cường thăm cậu bé mà anh cùng vợ nhận đỡ đầu về những bữa ăn hàng ngày đi học. Gặp cậu bé, Anh Cường không giấu nổi nỗi niềm xúc động, bởi để đến được nhà bé H.G.H, anh không ngờ con đường lại xa và khó khăn đến thế.

''Dù đường đã được bê tông hóa nhưng con đường đi vẫn vất vả quá, mình đi xe máy còn rất mệt huống chi các cháu mới chỉ vài tuổi. Mình thường xuyên cập nhật thầy cô kể, nhiều bạn đi học với hành trang là quyển vở, cuốn sách cùng túi bóng đừng cơm trắng mèn mén. Nuôi em thực sự ý nghĩa, bởi có lẽ bữa cơm no, ngon mới đủ để níu giữ những đứa trẻ nơi đây trên con đường học tập'', anh Cường chia sẻ.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 12.

Rời gia đình chị Tinh, anh Tài, chúng tôi tiếp tục di chuyển qua những con đường quanh co để đến với những gia đình em nhỏ khác mà anh chị nuôi đang nhận đỡ đầu về bữa ăn đi học hàng ngày.

Một điểm chung chúng tôi nhận thấy đó là về hoàn cảnh, những em ở đây thiếu thốn rất nhiều về mặt vật chất, cảnh nhà khó khăn việc nên đi học của các em nếu không được quan tâm kịp thời, e sợ việc nghỉ học chỉ là ''một sớm, một chiều''.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 13.

Chúng tôi được biết trước khi dự án ''Nuôi em'' đến đây, buổi trưa lớp học càng ngày càng thưa dần do các em phải đi bộ quãng đường rất xa để về nhà ăn cơm. Thậm chí, một số em không được ăn uống đủ chất nên không đủ sức khỏe, phải bỏ học.

Chứng kiến những cảnh tượng đó, ''chị nuôi'' Lê Thu Huyền chia sẻ: ''Mình tình cờ được xem những hình ảnh về hành trình nuôi các bạn nhỏ trên vùng cao. Mình thấy điều này rất ý nghĩa, khi các bạn nhỏ không có điều kiện ăn uống đầy đủ, khi được hỗ trợ các bạn đến trường có bữa ăn ngon sẽ giúp cải thiện sức khỏe, có thêm động lực học tập. Chỉ cần mình bớt chút chi phí hàng ngày, ví dụ vài cốc cà phê, đồ ăn vặt,… cũng có thể nhận nuôi 1 vài em bé rồi''.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 14.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 15.

Sau chuyến đi thăm  gia đình các em, chúng tôi có cơ hội đến các điểm trường, chứng kiến những phòng học khang trang, những bữa cơm đầy đủ mà dự án Nuôi Em cùng nhà hảo tâm mang lại nơi đây.

Đến với điểm trường Bản Cảm, dù còn nhiều khó khăn nhưng tại đây các em đã có lớp học khang trang hơn, thầy cô cũng yên tâm hơn trong quá trình giảng dạy vì đã không còn cảnh ''đi từng điểm nhà vận động các em đi học, đang dạy phải chạy mưa, chạy nắng''.

Tại điểm trường Bản Cảm rất ít học sinh, đây là ngôi trường ghép giữa học sinh mầm non và tiểu học .Vào trong lớp học mới được Dự án sức mạnh 2000 (Thuộc Nuôi nuôi em) kết hợp cùng nhiều đơn vị đồng hành xây dựng, những đứa trẻ lớp mầm đôi mắt tròn vo, ngơ ngác nhìn những người lạ. Những túi đồ chơi ngay lập tức được Đoàn Nuôi Em mang vào để làm quen với các bạn nhỏ, các em tỏ ra thích thú khi lần đầu thấy những thứ mới lạ như vậy.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 16.

Cô Nông Thị Nhớ (dân tộc Tày ) đã 5 năm cống hiến cho ngành giáo dục huyện Pắc Nặm, hiện cô  là Giáo viên mầm non đang dạy tại điểm trường Bản Cảm.

Cô Nhớ cho biết, tất cả các điểm trường của xã Cổ Linh vẫn đang thiếu thốn về điều kiện vật chất, và để dạy trẻ nơi đây là một điều không hề dễ dàng.

''Dạy trẻ vùng cao rất khác so với dạy trẻ dưới miền xuôi, thành phố. Bởi, vốn dĩ ngôn ngữ không đồng đều nên rất khó truyền đạt cho các em. Đa phần, trẻ em tại đây đều là người dân tộc Mông, không thông thuộc tiếng phổ thông, mình lại không biết tiếng của các bé''.

Nhớ lại năm 2019, được sự phân công nhà trường dạy ở Cốc Nghè (xã Cổ Linh), cô dạy học trong điều kiện lớp tạm bợ, rất nhiều khó khăn. Nhiều lúc cô Thơ tủi thân nhưng vì yêu nghề, nghĩ đến các em đang cần những con chữ, cô lại cô gắng bám trụ, tâm huyết đem con chữ thắp sáng nơi này.

Kể về ngôi trường trước đó cô từng giảng dạy, cô cho biết đó chỉ là lớp tạm được ghép bằng những tấm gỗ, thiếu về mọi mặt, điện nước không có, nền đất, mưa thì dột, nắng rất chói,… không đảm bảo an toàn cũng như vệ sinh cho trẻ. Hiện tại, được giảng dạy trong lớp học bằng gạch khang trang, cô mừng rỡ: ''Vui lắm, vui vì lớp đẹp, sạch sẽ, các em được ăn no, nhìn những đứa trẻ thơ rạng rỡ đi học đầy đủ, có môi trường học tập  tốt, chúng tôi an tâm giảng dạy cũng chẳng mong muốn nhiều hơn nữa''.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến với điểm trường Lủng Pặc (xã Cổ Linh), đến nơi cũng là giờ trưa, các thầy cô đang bận rộn đỏ lửa nấu ăn tại căn bếp, cùng chiếc bếp gas công nghiệp mà DỰ ÁN BẾP GAS CÔNG NGHIỆP TẶNG BẢN XA của Nuôi em vừa lắp đặt.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 17.

Các thầy cô ở đây cho biết, từ khi có bếp gas mới, việc nấu cơm nhanh gọn, sạch sẽ, mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi, cũng như chuẩn bị cho tiết học buổi chiều.

Với các học sinh ở đây, buổi trưa có lẽ vui nhất vì được ăn cơm ngon. Không khí trong bữa ăn được lấp đầy bằng tiếng cười nói xôn xao. Nhìn các em háo hức khi được ăn bữa cơm có thịt, lòng chúng tôi cũng vui lây. Ăn một loáng đã xong phần cơm trưa, em V.N.K ngẩng đầu lên rụt rè nói: ''Ở nhà cháu ít khi được ăn cơm có thịt. Cơm này ngon lắm''.

Còn một em học sinh lớp 1 khác của điểm trưởng Lủng Pặc, tâm sự: ''Ở nhà cháu thường ăn cơm với rau và muối. Đến trường được ăn cơm có thịt cháu vui lắm''.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 18.

Cô giáo Hoàng Thị Thơ, người đồng bào dân tộc Tày bản địa, là giáo viên tại điểm trường Lủng Phặc, cô đã từng có cơ hội xuống Thái Nguyên giảng dạy với điều kiện tốt hơn nhưng lựa chọn của cô là quay lại nơi mình đã sinh ra và giảng dạy cho các bạn nhỏ tại đây.

Đã 27 năm cô gắn bó với nơi này và từ 2005 cô đã gắn bó với điểm trường Lủng Phặc. Ngày cô Thơ quyết định bám bản, nơi đây còn chưa có điện, thậm chí đường đi chỉ là những con đường đất, ngày nắng thì sương, bụi vây kín trời, ngày mưa thì đường trơn trượt, bánh xe bùn lấp chẳng thể đi được. Ấy vậy mà, đều đặn hàng ngày cô di chuyển quãng đường gần 10 km để đi dạy học.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 19.

Cô Thơ kể: ''Mấy năm trước chưa có bữa ăn bán trú, các cháu mang cơm đi học, chỉ là đùm cơm trắng ăn cùng măng, có cháu còn ăn mì tôm sống. Thương học sinh, các thầy cô thường  trích một khoản tiền để tổ chức nấu ăn bán trú cho các cháu. Đến giờ khi có bán trú, được nhiều quan tâm hơn từ nhà nước cùng chương trình 'Nuôi em',  các thầy cô vừa giữ lớp, vừa thay phiên nhau lụi cụi dưới gian bếp sơ sài để chuẩn bị bữa trưa cho các cháu''.

''Bữa ăn chỉ có chút thịt, trứng và rau xanh, tuy đơn giản nhưng vẫn nhiều dinh dưỡng hơn cơm nhà. Trong bữa cơm ấy còn rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là tình thương, còn là điều níu chân trẻ tới trường'', cô Thơ nói.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 20.

Theo cô Thơ, các em  nhỏ chủ yếu sẽ thường tự đi bộ đi học, có những em nhà quá xa mới được bố mẹ đưa đi. Với những bạn học sinh nhà cách trường hơn 3km, sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước về gạo, tiền để các bạn đi học. Nhưng bên cạnh đó, những bạn nhà gần đã từ lâu vẫn đang phải đi học với những bữa ăn đơn sơ và thiếu thốn, chỉ có cơm trắng và các loại rau củ núi rừng. Và cũng chính từ việc đó, đã có rất nhiều trẻ em vì đói ăn mà bỏ giở giữa chừng việc học, hay thậm chí là không đi học. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến cho việc dù đã xây trường, cung cấp sách vở nhưng tỷ lệ hoàn thành được cấp học ở vùng cao vẫn còn rất thấp.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 21.

Dự án Nuôi Em có mô hình dễ dàng nhân rộng. Từ năm 2019, Nuôi Em đã được nhân rộng khắp nơi, trong 18 tỉnh nhân rộng có 13 đội nhóm tình nguyện thanh niên tại chính các địa phương như Thanh Hoá, Hà Giang, Lai Châu,... trực tiếp tham gia.

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 22.

Nuôi Em chọn các đội tình nguyện lâu năm, cùng lĩnh vực, với cộng đồng đóng góp đông đảo. Chỉ cần mô hình phù hợp, họ có thể "bén lửa" và phát triển mạnh mẽ. Nuôi Em tổng chỉ chuyển giao mô hình, hướng dẫn và thảo luận khi cần thiết, còn các đội tự chủ động hoàn toàn trong việc truyền thông, gây quỹ, quản lý, vận hành A-Z. Số tiền gây quỹ hơn 160 tỷ đồng trong 9 năm hoạt động, chắp cánh tới trường cho hơn 120,000 em nhỏ đến với ánh sáng tri thức trong suốt 9 năm từ 2012-2022.

Năm 2022: Hệ sinh thái Nuôi Em đã triển khai tại Campuchia và Kenya với gần 800 học sinh, xây dựng thành công 01 điểm trường tại Kenya trị giá gần 900 triệu đồng.

Năm 2023 sẽ thực hiện 1 điểm trường trị giá 1,2 tỷ đồng (Đã gây quỹ thành công và đang triển khai xây dựng) và nuôi cơm trưa gần 200 học sinh tại Ấn Độ do chính Ekip người Ấn Độ tại địa phương nhân rộng, gây quỹ và mở rộng thêm dự kiến 4 tỉnh: Bắc Kạn, Đăk Nông, Lạng Sơn, Hoà Bình.

Dự án Được Học cũng đã nhân rộng lên 4 tỉnh: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên chỉ trong 1 năm triển khai với 4 ekip Sinh viên dân tộc thiểu số.

Các dự án nhỏ cũng được Nuôi Em Mộc Châu nhân rộng như: Xây nhà hạnh phúc, Phòng tin học cho em, Trồng cây…

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 12/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Cùng Hoàng Hoa Trung và các 'anh chị nuôi' lên bản xa nấu ăn cho em: Nghe về những ngày lắp bếp, đem điện đến trường, những bữa cơm có thịt... - Ảnh 24.

Theo Anh ngọc - Ảnh: Hoàng Việt - Video: Kingpro

Tổ Quốc

Trở lên trên