img

Cuộc chiến COVID-19: Việt Nam chúng ta đang ở trong "đê" nên "bờ đê" này phải chắc chắn


(Tổ Quốc) - 22/4 là ngày cuối cùng mà Việt Nam thực hiện đợt giãn cách xã hội thứ 2. Đây cũng là ngày thứ 7 mà chúng ta chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 mới nào. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương để nhìn nhận về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến thời điểm này.


“Sức khỏe, tính mạng của nhân dân là số một”


PV: Thưa ông, tính đến sáng 22/4, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 7 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, ông đánh giá như thế nào về thông tin này?

Cuộc chiến COVID-19: Việt Nam chúng ta đang ở trong đê nên bờ đê này phải chắc chắn - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Đây là một tín hiệu rất mừng khi 7 ngày qua chúng ta không ghi nhận ca mắc mới. Ngày 22/4 là ngày cuối cùng trong đợt giãn cách xã hội lần 2, việc không có ca mắc mới trong nhiều ngày sẽ là bằng chứng để Chính phủ quyết định có tiếp tục giãn cách xã hội hay không.

Điều đầu tiên chúng ta mong đợi đó là không có ca mắc nào trong cộng đồng nhưng điều này vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn 100%. Lý do phụ thuộc vào việc người dân có được xét nghiệm hay không, có khai báo về triệu chứng hay không, đây là những điều chúng ta cần cảnh giác. Việc phát hiện các ca mắc ở trong cộng đồng cũng phụ thuộc vào hệ thống CDC của mình, đó là công tác xét nghiệm sàng lọc tất cả những khu vực cách ly.

Chúng ta phải chấp nhận có thể xuất hiện những ca mới trong cộng đồng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu xuất hiện như thế sẽ phải đưa ra phương án kiểm soát theo cách an toàn, thay đổi như thế nào để chúng ta vẫn kiểm soát được dịch trong điều kiện các hoạt động kinh tế xã hội quay trở lại.

PV: Theo ông nguyên nhân nào để chúng ta có được thành công bước đầu này?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Có hai nhóm nguyên nhân, thứ nhất đó là về lãnh đạo chỉ đạo, cái này quan trọng nhất. Có thể nói, chúng ta đã có sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế trong suốt thời gian khi dịch bệnh xảy ra. Có thể nhắc đến đó là Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế trên cơ sở kim chỉ nam xuyên suốt là xem sức khỏe, tính mạng của nhân dân là số một, không đánh đổi lấy bất kỳ thứ gì khác.

Một điều làm nên chiến thắng bước đầu nữa đó là sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, người đứng đầu cấp ủy các địa phương có dịch bệnh như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, đặc biệt là Hà Nội sau ca đầu tiên trực tiếp Bí thư và Chủ tịch đã họp khẩn cấp trong đêm để từ đó có những cách làm lan tỏa rộng rãi cho các địa phương khác học tập theo, khoanh vùng, cách ly, dịch tễ chi tiết tới từng người liên quan đến ca bệnh, đưa ra các giải pháp đồng bộ để tránh lây lan, đưa cảnh báo kịp thời để người dân cẩn trọng hơn. Chính sự chỉ đạo quyết liệt này đã giúp cho người dân ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, không chủ quan, nâng cao ý thức khi giao tiếp với cộng đồng, tin tưởng, tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương, tránh được dịch bệnh lây lan như các nước. 

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19.

Từ đó đã giúp cho Ban chỉ đạo Quốc gia có thể ra những quyết sách, quyết định ứng phó với rất nhiều diễn biến không dự tính được. Ví dụ như khi chúng ta quyết định cách ly, đó là quyết định cao hơn cả khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Trên cơ sở này, cả hệ thống chính trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã vào cuộc đồng bộ. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là sự đồng lòng của người dân, đó là gốc để chúng ta có thể thành công.

Về mặt kỹ thuật, chúng ta đã đưa ra một phương châm chuẩn đó là ngăn chặn - phát hiện - khoanh vùng - cách ly - dập dịch. Đồng thời, chúng ta cũng có một phương pháp điều trị 4 tại chỗ, không dồn hết về Trung ương. Có thể thấy, chúng ta đã sử dụng phòng khám khu vực để hỗ trợ từ xa như ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Điều này thể hiện chúng ta hoàn toàn có thể điều trị được ở tuyến huyện, tỉnh chứ không nhất thiết phải chuyển hết về Trung ương. Những ca nặng chúng ta tập trung nguồn lực để tập trung điều trị, đây cũng là yếu tố giúp chúng ta chưa có ca tử vong cho đến thời điểm này, điều này được thế giới đánh giá rất cao.

Đây cũng là công lao của hệ thống y học dự phòng, khi khâu này làm không tốt sẽ dẫn đến khâu điều trị bị quá tải. Điều này đã được chứng minh tại một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Ý… Nhờ hệ thống y học dự phòng làm tốt nên hệ thống điều trị mới có thể làm tốt công việc của mình, tôi lấy ví dụ như chỗ nào 10 bác sĩ chữa cho một bệnh nhân sẽ khác hẳn 1 bác sĩ chữa cho 10, 20 bệnh nhân.


Chúng ta đang ở trong "đê" nên "bờ đê" này phải chắc chắn


PV: Bên cạnh với những kết quả đạt được, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ nào thưa ông?

Cuộc chiến COVID-19: Việt Nam chúng ta đang ở trong đê nên bờ đê này phải chắc chắn - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Chúng ta hãy hình dung, bây giờ chúng ta có một cái đê ngăn nước, khi bên ngoài mực nước rất cao, chúng ta đang ở trong đê nên bờ đê này phải chắc chắn, cái đê này chính là ngăn chặn. Tôi muốn nói rằng, việc nhập cảnh vào biên giới bằng đường hàng không, đường biển chúng ta có thể kiểm soát được, còn những đường tiểu ngạch, lối mòn, lối mở sẽ rất khó khăn. Thứ hai nữa là thời gian tới chúng ta cũng phải mở rộng giao lưu, một số nước đã bắt đầu muốn mở giãn cách xã hội, đây là nguy cơ cao, nếu chúng ta phòng bị không tốt thì số ca bệnh sẽ tăng lên.

Ngoài ra, còn có những nguy cơ như các ca bệnh chưa được phát hiện ngoài cộng đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân mà chúng ta thực hiện cách ly xã hội.

PV: Thưa ông, nguy cơ nhiễm covid-19 giữa người bình thường và người mắc các bệnh về phổi khác nhau như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Đối với những người đã mắc bệnh đường hô hấp thì nguy cơ mắc COVID-19 là rất cao. Khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì nguy cơ mắc sẽ rất cao, nếu mắc sẽ nặng hơn vì họ đã có sẵn bệnh nền. Ví dụ như bệnh phổi mạn tính, bản thân những người này đã suy hô hấp rồi, giờ thêm tác nhân này nữa thì sẽ nguy hiểm hơn. 

Ngoài ra, những người mắc các bệnh hen, lao phổi, phổi kẽ, xơ phổi, bệnh phổ nghề nghiệp cũng là đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn những người bình thường. Chính vì vậy, Bệnh viện Phổi Trung ương đã sớm đưa ra hướng dẫn điều trị COVID-19 ở những người có bệnh phổi nền để khi có những trường hợp này thì có thể đưa ra được các ứng xử phù hợp.


"Trong mùa dịch thì nhân viên y tế cũng phục vụ cơm nước cho bệnh nhân"


PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian qua Bệnh viện Phổi Trung ương đã có giải pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh và y, bác sĩ trong khám chữa và điều trị?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Khi mà dịch bệnh mới bắt đầu, chúng tôi coi đây là một trọng điểm mà bệnh viện phải đặc biệt quan tâm, nghiên cứu. Đầu tiên đó là sự hiểu biết, chúng tôi có một nhóm chuyên gia chuyên cập nhật về tình hình, kiến thức dịch bệnh. Thứ 2 chúng tôi cũng đặt ra thái độ rõ ràng với dịch bệnh COVID-19 bởi bệnh viện nằm trong nhóm nguy cơ cao dễ bùng phát. Bất kỳ một bệnh nhân hô hấp nào đến khám cũng có thể là bệnh nhân COVID-19, do vậy chúng tôi đặt ra mức độ cảnh giác cao. Tiếp đó là việc thực hành chuẩn, không chỉ có một nhóm người mà là tất cả thầy thuốc, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải nghiêm túc.

Cuộc chiến COVID-19: Việt Nam chúng ta đang ở trong đê nên bờ đê này phải chắc chắn - Ảnh 5.

Để thực hiện tốt các điểm này chúng tôi đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng như Bộ Y tế. Chúng tôi đã phân luồng cụ thể, nếu có triệu chứng sẽ đưa ra khu vực cách ly, bệnh nhân khám sẽ được khai báo điện tử để có các thông tin cụ thể giúp cho việc truy vết khi có trường hợp nhiễm bệnh. Cùng với đó là trang bị các thiết bị đo nhiệt độ hồng ngoại. Khi vào khoa khám bệnh sẽ có một lớp sàng lọc nữa, ví dụ khi chụp X-quang nếu có kết quả bất thường thì bệnh nhân đó sẽ chuyển đến khu vực khác. 

Những trường hợp nghi ngờ chúng tôi cũng vận chuyển bằng xe cứu thương thậm chí cả ở trong bệnh viện nhằm hạn chế lây lan. Một số đối tượng khác như bộ phận dinh dưỡng, bộ phận này chúng tôi tuyệt đối kiểm soát, không để người nhà bệnh nhân ra ngoài mua cơm. Chúng tôi đã huy động kể cả nhân viên y tế cũng phục vụ dinh dưỡng cho người nhà bệnh nhân, bệnh nhân.

Ngoài ra, để hạn chế chờ đợi chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 ngay từ đầu mùa dịch. Phòng xét nghiệm này của Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã được Bộ Y tế cho phép.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đang triển khai bởi số lượng bệnh nhân đến bệnh viện sẽ đông hơn sau thời gian giãn cách xã hội. Ngay như hôm qua chúng tôi đã tiếp nhận số bệnh nhân như bình thường, trong thời gian giãn cách xã hội mỗi ngày chỉ khoảng 20 - 30 bệnh nhân nhưng giờ đã là 50 bệnh nhân.


"Chưa có bằng chứng khoa học nào về mối liên kết giữa vắc xin phòng lao BCG và COVID-19"


PV: Liên quan đến một nghiên cứu mới đây nhất về việc vắc xin phòng chống lao BCG có liên quan đến COVID-19, ông có thể chia sẻ về thông tin này?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Tính đến thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng nào nói đến sự liên quan giữa vắc xin phòng lao BCG và COVID-19. Bởi COVID-19 là vi rút còn lao là vi khuẩn, hai cái đó đã khác nhau. Mối liên quan giữa BCG và COVID-19 thông qua cái gì thì chúng ta vẫn chưa có bằng chứng. Hiện nay, theo cá nhà khoa học quan sát ở những nước có chính sách BCG phổ cập thì có vẻ ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhận định này có thể có những sai số bên trong.

Cuộc chiến COVID-19: Việt Nam chúng ta đang ở trong đê nên bờ đê này phải chắc chắn - Ảnh 6.

Nhưng cũng có thể, quan sát dịch tễ kia sẽ gợi ý cho mối liên quan mà chúng ta phải nghiên cứu. Giả thiết đang đặt ra là BCG sẽ tác động đến hệ miễn dịch bẩm sinh trong cơ thể, người ta gọi là miễn dịch không đặc hiệu. Có nghĩa là phản ứng không đặc hiệu với bất kỳ tác nhân nào xâm nhập cơ thể.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất phải nghiên cứu vì thế giới cũng đang nghiên cứu vấn đề này. Nghiên cứu này có thể mang lại những phát hiện tình cờ có lợi cho dịch bệnh. Đầu tiên là phải khảo sát những mối liên quan trên cơ sở những trường hợp đã mắc COVID-19 và những trường hợp đã chữa khỏi để xem các trường hợp đó có bao nhiêu trường hợp có BCG và không có BCG. Hai nhóm đó có gì khác nhau về mặt lâm sàng, triệu chứng… bây giờ chúng ta vẫn khảo sát được, việc này không tốn nhiều chi phí.

Ngoài ra, trên thế giới cũng đang làm các thử nghiệm lâm sàng xem BCG có tác dụng bảo vệ đối với nhóm tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 đó là nhóm các thầy thuốc. Chúng tôi có trao đổi và hợp tác với các Giáo sư người Pháp, tuy nhiên mới chỉ dừng lại là để xuất hướng nghiên cứu lên Bộ Y tế và chưa được chấp nhận. Dự kiến, nếu chúng ta áp dụng lâm sàng thì sẽ triển khai ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên đây là bước sau, trước mắt phải khảo sát.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải khẳng định lại, đến thời điểm này chưa có bằng chứng khoa học nào về mối liên kết giữa BCG và COVID-19. Hoặc, sau này nếu chứng minh được có liên quan BCG cũng không có tác dụng ngăn chặn được sự lây lan của vi rút.

PV: Trong thời gian chờ các nghiên cứu chính thức, ông có khuyến cáo gì đến người dân để không xảy ra tình trạng ồ ạt đi tiêm vắc xin BCG?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: BCG chỉ được dùng để phòng lao cho trẻ sơ sinh, trẻ 1 tuổi và không chỉ định tiêm cho người lớn, chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tự ý tiêm BCG để phòng COVID-19. Điều này sẽ gây ra hệ lụy vì tính an toàn đối với người lớn chưa biết, ngoài ra nếu ồ ạt tiêm thì chúng ta sẽ không còn BCG để tiêm cho trẻ nữa. Kéo theo đó là khủng hoảng giả như khẩu trang, mỳ tôm vừa qua. 

Chính vì vậy, tôi khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh, phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế như rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp và giữ khoảng cách.

Vâng, xin cảm ơn ông!


Thế Công
Minh Khánh
Việt Hùng
23/04/2020 00:00

Theo Thế Công Ảnh:Minh Khánh Clip:Việt Hùng

Tổ quốc

Trở lên trên