img

Tối 20/8 (giờ Mỹ), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lên máy bay để tới Singapore, bắt đầu chuyến thăm Singapore và Việt Nam từ ngày 22/8 đến 26/8. Vì sao lại là Đông Nam Á, và ý nghĩa đằng sau việc Việt Nam là một trong hai điểm đến lần này là gì?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 1.

Sau Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến thăm Việt Nam 2 ngày. Theo ông, đâu là lý do mà Việt Nam trở thành 1 trong 2 quốc gia được bà Kamala lựa chọn, ngay sau cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới thăm Việt Nam chưa đây 1 tháng trước?

Việc lựa chọn đến Việt Nam chắc chắn có cả thông điệp về quan hệ song phương, và thông điệp về quan hệ với khu vực. Nếu nhìn toàn bộ cục diện, có thể thấy rằng trong những tháng vừa qua, nước Mỹ đang triển khai chiến lược đối ngoại với thế giới và với châu Á tương đối dồn dập. Sau khi đi châu Âu thì dồn sang châu Á.

Như vậy, thông điệp của Mỹ ở đây chắc chắn là coi trọng và gắn với quan hệ châu Á – Thái Bình Dương. Ngay cả trong chiến lược của Mỹ cũng nêu rõ, Mỹ sẽ quay trở lại và hợp tác với các nước thông qua cả cơ chế đa phương lẫn cơ chế song phương.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 2.

Việc thứ hai, trong chiến lược của Biden nói rất rõ rằng, nước Mỹ trở lại, nhưng trở lại quan hệ và tham vấn nhiều hơn với các đối tác trong những sứ mệnh chung về hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển.

Vậy tại sao, chuyến đi lần này của bà Phó Tổng thống, rồi chuyến đi trước đó của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lại chọn Đông Nam Á, mà trong Đông Nam Á thì lúc nào cũng có Việt Nam?

Chọn Đông Nam Á thì rõ ràng có câu chuyện ASEAN. Nước Mỹ dưới thời Biden coi trọng ASEAN, ASEAN như là một trụ cột không chỉ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn là cấu trúc xây dựng những môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển dựa trên luật lệ của khu vực này. Và rõ ràng, trong ASEAN thì người ta coi trọng vai trò của Việt Nam.

Trong vai trò của Việt Nam, có lẽ phải nhấn mấy điểm. Một là quan hệ Việt – Mỹ trong chiều dài từ thời ông Obama và đến thời kỳ của ông Biden, vẫn tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 3.

Đà quan hệ hai bên đang rất tốt, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, có thể điểm lại hồi tháng 2, ông Biden đã có thư chúc mừng Tổng Bí thư Việt Nam và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XIII thành công, rồi liên tục có những cuộc tham vấn giữa Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước.

Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, là minh chứng cho thấy coi trọng nỗ lực và vai trò của Việt Nam.

Tiếp theo, khi lựa chọn Việt Nam cũng cho thấy thông điệp về vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, và cả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này.

Quay trở lại thông báo của Nhà trắng khi nói về chuyến thăm từ ngày 30/7, họ đã nhấn mạnh, chuyến đi này là thể hiện sự coi trọng khu vực Đông Nam Á, từ đó cùng nhau phấn đấu xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ vì hoà bình, an ninh, phát triển ở cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điểm thứ hai, coi trọng Đông Nam Á, nhưng đến hai nước mà họ đã dùng từ "critical", là hai nước đối tác rất quan trọng của Mỹ và trong nỗ lực chung vì hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực này.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 4.

Kể từ khi 2 nước bình thường hoá quan hệ năm 1995, chỉ có các Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam như các ông Bill Clinton, George Bush, Barack Obama và Donald Trump. Nhưng đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gì thưa ông?

Đúng là từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đến nay, thì quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Về kinh tế, những năm 1995, thương mại hai nước chỉ mới có nửa tỷ USD, nhưng đến 2020-2021, con số này đã lên hơn 90 tỷ USD, tức là tăng lên khoảng 180 lần. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ cũng liên tục coi thị trường Việt Nam là điểm đến tiềm năng, và thực sự trong thời gian vừa qua, họ đã đến đây và làm ăn rất nhiều.

Cái việc thứ hai là trong trao đổi, thăm viếng cấp cao là cả từ hai chiều. Việc Mỹ, một nước lớn, ở bên kia bán cầu mà đến Việt Nam liên tục trong cả 4 đời tổng thống vừa qua thể hiện sự coi trọng. Nhưng phía Việt Nam cũng có nhiều đoàn cấp cao sang. Năm 2013, Tổng thống Hoa Kỳ khi ấy là Barack Obama đã đón Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm, rồi năm 2015, một sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ mời, đón và ra tuyên bố tầm nhìn với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy lần này, việc một Phó Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, chúng ta phải nhìn lại đó là chuỗi nối tiếp những câu chuyện trao đổi cấp cao giữa hai bên.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 5.

Thứ hai, chúng ta thường nghĩ giữa tổng thống và phó tổng thống thì tổng thống vẫn quan trọng hơn, đúng không? Nhưng chúng ta quên mất đây là chuyến đi ngay trong những tháng đầu của nhiệm kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên cấp cao của Mỹ đến khu vực này, chứ trước đây tổng thống hay phó tổng thống Mỹ đến châu Á – Thái Bình Dương, thì thường phải đến đồng minh lớn của Mỹ trước, chứ chưa đến riêng Đông Nam Á mà lại ngay đầu nhiệm kỳ như thế này đâu.

Kể từ khi ông Biden nhậm chức thì đến bây giờ mới là 7 tháng cầm quyền, rồi tình hình dịch bệnh Covid-19, cộng với việc đang hoạch định chính sách chiến lược chung, rồi hoạch định những ưu tiên ở trong đối nội, hoạch định chiến lược chung về đối ngoại. Bản thân ông Biden mới có chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài là châu Âu.

Như vậy, với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Kamala Harris lại chọn Đông Nam Á, trong đó lại có Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Không chỉ có vậy, rõ ràng sẽ có một chương trình nghị sự rất thực chất trải dài từ những vấn đề là khu vực, cùng nhau đóng góp xây dựng trật tự dựa trên luật lệ vì hoà bình hợp tác. Trong song phương thì có cả câu chuyện kinh tế, có cả câu chuyện thương mại, rồi có cả câu chuyện giao lưu văn hoá, biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 6.

Bloomberg đưa tin rằng vấn đề thiếu hụt chất bán dẫn sẽ là một trong những trọng tâm chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris. Liệu đây có phải là lời khẳng định cho vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Thực tế, trong thương mại, chuyến đi lần này của bà Kamala Harris không chỉ có câu chuyện về chất bán dẫn. Đầu tiên sẽ phải nói đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch, cùng với điều chỉnh ưu tiên mới của nước Mỹ, bao gồm tập trung vào sản xuất trong nước, cạnh tranh Mỹ - Trung và những lĩnh vực tránh bị phụ thuộc vào chỉ một thị trường.

Trong chuyến đi này là thông điệp với cả Việt Nam, Singapore và với khu vực. Việt Nam được đề cập đến chắc chắn đồng nghĩa với việc Mỹ đã có phần là đánh giá năng lực Việt Nam ở đây. Nhưng cái thứ hai, quan trọng hơn, nếu Việt Nam muốn chủ động đón nhận làn sóng này, thì cần phải soi lại ít nhất 3 khung.

Một là khung chính sách. Cần phải chuẩn bị khung chính sách để đón như nào, khung pháp luật để đón ra sao, khung khuyến khích như thế nào.

Thứ 2 là hạ tầng. Trước hết là hạ tầng về công nghệ, về sản xuất linh kiện, sản xuất chất bán dẫn, của Việt Nam đã phù hợp và đủ đáp ứng chưa, nếu  thiếu, thì sẽ bổ khuyết  tranh thủ như thế nào, xây dựng ra sao?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 7.

Thứ 3 nữa là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực, cả lao động và quản lý, đã đủ điều kiện, kỹ năng chưa, có kịp đào tạo, chuẩn bị không?

Thực tế, vào lúc này, chúng ta cũng phải đối mặt với cạnh tranh ngay trong khu vực, bởi vậy nên càng cần sự chuẩn bị. Dịch chuyển chuỗi cung ứng không phải câu chuyện ngay lập tức, mà chuỗi cung ứng dịch chuyển theo quy luật kinh tế. Chính trị có thể hỗ trợ, giúp tác động thuận lợi hơn, nhưng vẫn phải tuân theo quy luật kinh tế. Bởi vậy, khi điểm đến không cho thấy cái thuận, hấp dẫn về năng lực sản xuất, hay hạ tầng và nguồn nhân lực, hoặc về khung chính sách, chưa đủ đảm bảo, thì họ cũng sẽ rời đi.

Việt Nam là một điểm hấp dẫn, Việt Nam có năng lực, nhưng sự cạnh tranh ngay trong khu vực này cũng rất quyết liệt.

Chuyến đi lần này của bà Kamala Harris có thể sẽ đem đến một hiệp định thương mại số với Singapore. Bản thân quốc gia này cũng đã đạt được khá nhiều thoả thuận với Úc, Chile, và New Zealand. Vậy liệu Việt Nam có đạt được thoả thuận nào với Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm lần này không?

Rõ ràng là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau chuyến đi lần này sẽ phải đẩy lên. Hai bên đang có đà rất tốt, đã vượt qua con số 90 tỷ USD và đang hướng tới 100 tỷ USD. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, các khung hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, hay cả những hiệp định song phương giữa hai bên đã từ lâu lắm rồi. Do vậy, cần phải cập nhật mới để thuận lợi hoá hơn hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Tôi cho rằng, hãy căn cứ vào lợi ích của Việt Nam để xem Việt Nam có thể tiếp cận câu chuyện thương mại số này như thế nào. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng mình nên chủ động tiếp cận, tại sao?

Một là về mặt chính sách, Việt Nam đang rất đề cao câu chuyện cách mạng 4.0 và chuyển đổi số. Thứ hai, Việt Nam đã tham gia những hiệp định thương mại chất lượng cao, tiêu chuẩn cao, trong đó có EVFTA, CPTPP.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 8.

Thương mại số là cái mới, nhưng tương lai lại rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần chủ động. Đã đến lúc chúng ta rà soát kỹ lại, khung chính sách trong nước, cam kết FTA quốc tế đã có và lợi ích quốc gia, từ đó thấy cái gì là ưu tiên của mình, thì chủ động chuẩn bị, tham gia hợp tác, nếu cần, cũng phải cập nhập, sửa đổi chính sách hiện hành.

Ngoài những bước đi trong thương mại số song phương với Hoa Kỳ, tôi cho rằng lần này mang thương mại số đến trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore không chỉ vấn đề song phương. Đây là sự kết nối của Hoa Kỳ khi "vắng mặt" về TPP mà họ vẫn chưa trở lại được.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 9.

Cuối năm 2020, Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ. Khi chính quyền ông Biden lên, mới đây Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận xử lý vấn đề "thao túng tiền tệ", Mỹ quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào với Việt Nam. Bà Kamala Harris cũng sang thăm Việt Nam đúng vào lúc này, liệu có phải chỉ là trùng hợp?

Tôi không cho đó là trùng hợp. Đây là quyết định cả về chuyên môn, kinh tế-tài chính, cả về cân đối lợi ích và lòng tin, đó là kết quả của cả quá trình tham vấn hai bên, hiểu nhau, hiểu chính sách của VN, từ đó đã tìm ra giải pháp phù hợp. Câu chuyện, nhìn rộng ra và dài hơn về thời gian, từ thời Tổng thống Trump, hai bên cũng đã tham vấn, xử lý tồn tại, như về vấn đề thâm hụt thương mại, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump.

Tôi không phải là nhà kinh tế, nhưng qua thời gian được lắng nghe và tham gia trao đổi trước đây giữa hai bên, thì đối với Việt Nam, mục tiêu lớn nhất liên quan đến quản lý đồng tiền là ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không phải là dùng quản lí đồng tiền để làm sai lệch, giảm giá hàng hóa và cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại. Không có cái đó.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 10.

Đặc biệt, ổn định đồng tiền là ổn định đồng tiền Việt Nam, chứ không phải tác động tới đồng tiền chuyển đổi là đồng USD. Đến thời ông Biden, chúng ta đã liên tục trao đổi và nói rõ thiện chí của Việt Nam, về quản lý thương mại, chính sách tiền tệ, chứng minh rằng không có gian lận, không làm méo mó thương mại.

Do vậy mới dẫn đến đàm phán, tham vấn giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Bộ Tài chính Mỹ, và hai bên đạt được thoả thuận. Như vậy, hai bên cũng đã hiểu nhau hơn, khi tham vấn đều tìm được giải pháp, cũng như minh bạch thông tin.

Trên thực tế thì vấn đề thao túng tiền tệ được xử lý trước đó vài ba ngày, khi ông Lloyd Austin sang Việt Nam. Khi đó thì cũng chưa công bố tin về chuyến thăm của bà Kamala Harris, bởi đến ngày 27 mới bắt đầu tiết lộ, mà chính thức ngày 30/7 Mỹ mới thông báo.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 11.

Theo CNBC, trong chuyến đi lần này, "chính quyền Biden muốn làm rõ rằng họ hợp tác với Đông Nam Á để giải quyết vấn đề, bao gồm cả Covid-19. Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh rằng những vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng quan hệ đối tác và sự cam kết của các bên". Điều này có phải nói về công nghệ chuyển giao vaccine Mỹ vừa chuyển giao cho Việt Nam tuần qua, hay những cam kết phân phối vaccine cho Việt Nam?

Câu chuyện về vaccine thì có 3 khía cạnh. Đầu tiên là vaccine từ viện trợ của Mỹ, các nước khác cũng có. Thứ hai là vaccine mua từ các công ty sản xuất, thì đấy là mô hình thương mại. Thứ 3 là cái rất quan trọng, chuyển giao công nghệ, chủ yếu là qua công ty.

Mỹ bắt đầu viện trợ vaccine cho các nước từ tháng 4 năm nay, nhưng đã cam kết ngay số lượng lớn, lại cho miễn phí, lên đến 500 triệu liều. Riêng ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ cũng đã cung cấp đến tay là 23 triệu liều, trong đó Việt Nam là 5 triệu liều, đứng thứ 3 Đông Nam Á.

Việc hỗ trợ chính thủ đương nhiên là phải xét đến 2 yếu tố: quan hệ tốt và nhu cầu khẩn cấp. Như vậy, trong chuyến thăm lần này, vaccine là việc quan trọng trong các trao đổi giữa hai bên, tôi tin rằng Mỹ đã và tiếp tục cam kết giúp thêm cho Việt Nam.

Về thương mại, Chính phủ Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thoả thuận mua vaccine từ các công ty. Các kênh thương mại này vẫn cần phải tận dụng.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 12.

Điểm cuối cùng, như tôi đã nói là yếu tố quan trọng hơn cả, và cần phải tranh thủ, đó là chuyển giao công nghệ. Vừa rồi thì Vingroup đã ký kết với Arcturus chuyển giao công nghệ và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

Như vậy, câu chuyện không chỉ dừng ở việc liệu Chính phủ Hoa Kỳ có thể hỗ trợ được bao nhiêu, mà còn là việc sản xuất vaccine công nghệ mới ở Việt Nam, phục vụ cho thị trường Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể trở thành hub (trung tâm) sản xuất vaccine trong khu vực.

Hai bên cũng nên bàn, trong chuyến thăm lần này của bà Kamala Harris, nên hợp tác thế nào để Việt Nam trở thành một mắt xích của khu vực, về phân phối, sản xuất, cung ứng vaccine phòng Covid-19. Rồi vật tư y tế, cũng nên có cả sự kết hợp giữa cả tư nhân và chính phủ, để tạo ra các chuỗi liên kết khu vực như vậy, có lợi cho Mỹ, Việt Nam và cả khu vực.

Trước đây, Singapore cũng là hub của nhiều thứ, Thái Lan cũng là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng ô tô Nhật Bản và Mỹ. Thế thì lúc này, vaccine, y tế Việt Nam đang có thế mạnh. Chúng ta có đội ngũ bác sỹ, trình độ quản lý kỹ thuật, phương tiện được chuyển giao công nghệ, cộng với sự hỗ trợ về mặt tài chính và chính trị, từ đó có thể làm hub khu vực, tạo thành chuỗi cung ứng ở đây.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 13.

Năm 2020, nhiều nguyên thủ quốc gia các nước như Lào, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đã sang thăm Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn Việt Nam được đánh giá là quốc gia hiếm hoi chống dịch thành công. Nhưng tình hình đã thay đổi khá nhiều, vì sao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hay hiện tại là Phó Tổng thống Mỹ vẫn lựa chọn Việt Nam?

Đúng là năm ngoái chúng ta có một loạt chuyến thăm. Nhưng cũng phải nhìn thấy rằng năm nay, ngay cả lúc dịch bệnh như này, vẫn có một loạt chuyến thăm, cấp bộ trưởng, rồi có cấp cao của Lào. Giờ là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ.

Từ Chủ tịch nước Lào, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, rồi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Lần này, câu chuyện mà người ta đến Việt Nam không phải chỉ an toàn về dịch bệnh có bảo vệ được họ hay không, mà quan trọng nhất là ở 2 điểm.

Đầu tiên, các nước đang nhìn Việt Nam là đối tác gắn với lợi ích quốc gia của họ, có thể là song phương, có thể trong khu vực, nhiều chiều.

Thứ hai, trong tất cả các lần khủng hoảng, từ năm 1997-1998 về tài chính đông Nam Á, rồi xung quanh 2008-2009 là khủng hoảng tài chính Mỹ, đến lần này là khủng hoảng về đại dịch, thì đây là giai đoạn sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam vững vàng nhất.

Điều này không phải do họ chỉ nhìn vào hiện tại, mà còn là tương lai. Họ nhìn thấy Việt Nam ở năng lực và đà phát triển hậu dịch, sẽ vẫn là câu chuyện kinh tế năng động và hấp dẫn. Lần này thực sự là khó khăn, thách thức chưa từng có, sau dịch cũng còn không ít khó khăn, nhưng rõ ràng năng lực và sức chống chịu của Việt Nam cũng đã khác. Đó là người ta đặt niềm tin, mình càng cần làm tốt hơn nữa.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 14.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cùng với việc bà Kamala Harris sang thăm Việt Nam, vị thế của Việt Nam có gì khác trước?

Chúng ta cần xét 3 yếu tố. Thứ nhất là yếu tố Hoa Kỳ: Chính quyền mới lên có gì thay đổi không? Thứ hai là sự chuyển dịch trong khu vực. Thứ 3 là vị thế của Việt Nam.

Đầu tiên, Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng các quốc gia trong khu vực, vẫn gắn kết với khu vực. Nếu nhìn lại, đây vẫn là khu vực phát triển năng động nhất, vẫn đẩy mạnh liên kết, tự do hoá thương mại, trong khi thế giới có xu hướng hướng nội, gia tăng bảo hộ, phản bác toàn cầu hoá.

Khi ông Biden lên, chính quyền mới của nước Mỹ, vừa có cái mới, vừa có cái kế thừa, so với thời Tổng thống Trump, hay cả Tổng thống Obama. Cái chung là vẫn coi trọng và gắn kết với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Rồi vẫn tiếp tục cạnh tranh Mỹ - Trung. Nhưng cách tiếp cận, mức độ và nội hàm thì có nhiều cái khác, rất khác.

Một ví dụ là, ông Biden trở lại tham vấn, ngoại giao truyền thống, coi trọng đẩy mạnh các quan hệ đối tác. Hay cạnh tranh với Trung Quốc, vẫn cạnh tranh và có khi còn quyết liệt hơn, nhưng cũng nói rõ, muốn cùng Trung Quốc quản trị quan hệ một cách trách nhiệm.

Vậy nên, giữa hai nước, khác biệt, nhưng vẫn đối thoại, như câu chuyện Mỹ - Trung Quốc gặp gỡ các quan chức cấp cao đầu tiên tại Alaska hồi tháng 3, rồi đến cuộc gặp Mỹ - Trung lần thứ hai, vừa diễn ra mới đây tại Thiên Tân (Trung Quốc).

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 15.

Ngay cả trong bài phát biểu của ông Lloyd Austin có thể thấy rõ, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn tiếp tục, với 3 phương châm là cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, và đối nghịch khi bắt buộc. Nhưng Mỹ cũng muốn quản trị quan hệ hai nước một cách có trách nhiệm, mang tính ổn định và xây dựng, cạnh tranh với nhau nhưng không để xảy ra khủng hoảng.

Đối với cục diện châu Á – Thái Bình Dương, nguyên tắc và lợi ích chung là, nước nào cũng cần về hợp tác, bảo đảm hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy hội nhập và tự do hóa thương mại. Rồi, cũng nhiều cái cần hợp tác về các thách thức chung, như về biến đổi khí hậu, về dịch bệnh, cũng như về an ninh, an toàn, tự do hàng hải, câu chuyện về biển Đông. Như vậy, khu vực vừa có cơ hội, vừa có thách thức. Cái chính là cùng nhau hợp tác và bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là cái chung, song trùng lợi ích, Việt Nam, ASEAN cũng vậy.

Một điểm đáng chú ý, trong khu vực, các nước lớn đều ủng hộ ASEAN, cơ sở để tạo ra khung lớn hơn cho hợp tác khu vực. ASEAN, dù không có sức mạnh cứng hay về kinh tế như các nước lớn, nhưng lại là nhân tố kết nối, đóng vai trò thúc đẩy các nước, trong và ngoài khu vực, nhưng khi đến đây, đều sẵn sàng chia sẻ và hợp tác dựa các quy tắc ứng xử, các quan điểm của ASEAN.

Vai trò của ASEAN vì vậy ngày càng quan trọng hơn. Và trong ASEAN, Việt Nam cũng là một nhân tố quan trọng. Người ta hay nói đến cụm từ "cân bằng" trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Cá nhân tôi không thích từ này.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 16.

Nguyên tắc là mình cần và muốn quan hệ tốt với cả hai bên. Nhưng nói cân bằng, thì thực tế làm sao có cân bằng 50:50 được. Nói cân bằng, dễ bị rơi vào việc, khi quan hệ với nước khác, lại cứ phải nhìn anh này anh kia. Trong quan hệ, lại có cái đúng sai, lúc anh này đúng, anh kia sai, và ngược lại, thì khi đó ta phải lên tiếng chứ. Cái gốc phải dựa vào chính là lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Từ đó mà suy xét quan hệ. Rồi quan hệ, hợp tác đến đâu, còn do sự song trùng lợi ích của hai bên.

Lấy ví dụ biển Đông. Không phải là chuyện Mỹ hay Trung Quốc, mà biển Đông phải soi vào lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế, mà soi xét. Nếu là ủng hộ các nguyên tắc, như luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, an ninh, an toàn, tự do, hàng hải hàng không, bác bỏ các hành vi áp đặt, xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước, thì phải ủng hộ chứ.

Vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nhân 5 năm phán quyết của toà tài, cũng nhấn mạnh nhiều nội dung như vậy. Khi đó, có ủng hộ là ủng hộ các nguyên tắc phù hợp với luật pháp quốc tế, quan điểm chung của ASEAN, chứ không phải đứng về bên này, bên kia.

Như ngày 13/7 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ gần như mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, nhấn mạnh về an ninh, an toàn, tự do, hàng hải hàng không. Việt Nam ủng hộ những nguyên tắc này không phải do Mỹ, mà do nó là lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế đã quy định.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 17.

Cuối cùng, ông kỳ vọng gì về mối quan hệ giữa hai nước sau chuyến thăm lần này của bà Kamala?

Có 2 điểm tôi kỳ vọng. Thứ nhất là sự gắn kết của Mỹ về thương mại với khu vực. Cần phải song hành cả trụ cột kinh tế, khi không có được TPP, thì phải có cách thức khác với khu vực. Các sáng kiến về chuỗi cung ứng, công nghệ, hay thương mại số với khu vực, đều cần được quan tâm, thúc đẩy.

Việt Nam có vị thế, năng lực và lợi ích để tham gia vào các nỗ lực khu vực chung như vậy. Còn về quan hệ kinh tế song phương, hơn hai thập kỷ qua, khi hai nước ký Hiệp định thương mại (BTA), thì nhiều thứ đã thay đổi căn bản rồi. Từ kinh tế thương mại hai nước, đến phát triển và hội nhập của Việt Nam, đến cộng đồng đông đảo các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, tất cả đều đã phát triển gấp bội.

Hiện cũng có nhiều cơ hội, như về chuỗi cung ứng, công nghệ, năng lượng, hay về vaccine, y tế, từ hợp tác hai bên, đến kết nối với khu vực. Rõ ràng, đã đến lúc, hai nước cần rà soát và cập nhật khung chính sách thương mại giữa hai nước cho phù hợp và phục vụ tốt hơn lợi ích của cả hai bên.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực - Ảnh 18.

Kỳ vọng thứ hai, đúng hơn là mong muốn, đó là câu chuyện định danh cho quan hệ đối tác của hai nước. Nếu được hỏi, chắc chắn có thể trả lời rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ thực chất đã ở tầm chiến lược rồi, bao gồm cả tính chiến lược và tính toàn diện. Định danh đối tác chiến lược vừa đúng với tầm phát triển của quan hệ nước, vừa phù hợp với chính sách đối ngoại độc tập tự chủ, đa dạng hoá của Việt Nam.

Đây là xem xét từ góc độ vì lợi ích Việt Nam và lợi ích chung của quan hệ. Mặt khác, cũng sẽ là xứng đáng và tương đồng với quan hệ của Việt Nam với các nước khác, nhất là khi nhìn lại danh sách đối tác chiến lược Việt Nam thì có gần tới 20 nước, gồm các nước như Đông Nam Á, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn độ, đến Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha… Như vậy thiếu hụt một đối tác rất quan trọng là Mỹ - một trong những trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu, một trong 5 nước là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Dù đây là chỉ là vấn đề định danh, bởi thực chất quan hệ hai bên đã đạt tầm chiến lược rồi. Nhưng, đặt cho đúng cái tên, cũng cần lắm chứ. Cũng là nhân có chuyến thăm cấp cao, nên càng mong rằng vấn đề sẽ được hai bên bàn và có lộ trình để sớm đạt được việc này.

Quỳnh Lê
Tuấn Mark - tổng hợp
7pm
Theo Trí Thức Trẻ23/8/2021

Quỳnh Lê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên