"Có những quốc gia trong khu vực này, dù phát triển, nhưng không dám tham gia vào những Hiệp định thương mại chất lượng cao, thì Việt Nam – một nước chuyển từ bao cấp đi lên, đi sau, nhưng lại tiếp cận sự phân công lao động quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu ở tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều", Đại sứ Phạm Quang Vinh nói với Trí Thức Trẻ.
Sau hơn 40 năm, Việt Nam được nhận định đã có sự trỗi dậy thần kỳ. Không còn là cái tên để gọi một cuộc chiến, đất nước này đã trở thành biểu tượng của hoà bình, hội nhập sâu rộng và đóng góp vì sự phát triển thế giới. Việt Nam cũng đang mang trong mình những khát vọng riêng – trở nên hùng cường. Trao đổi chủ đề này với Trí Thức Trẻ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh ngắn gọn: Quốc tế và khu vực vừa tin cậy, vừa trông đợi Việt Nam.
- Năm 2019, Việt Nam là địa điểm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều; Việt Nam cũng trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời tiếp nhận vị trí Chủ tịch của ASEAN 2020... theo ông, những điều này nói lên điều gì về vị thế của Việt Nam so với trước?
Nếu nhìn thì rõ ràng, Việt Nam ngày nay có vị thế và uy tín rất lớn trên trường quốc tế lẫn khu vực. Nhưng, có lẽ chúng ta nên nhìn chiều dài hơn của lịch sử phát triển của đất nước.
Một là chúng ta đã vượt qua những khó khăn của cuộc chiến tranh, tiến hành đổi mới, đã trở thành nền kinh tế phát triển rất năng động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hai là chúng ta hội nhập được sâu rộng với quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng an ninh, khoa học kỹ thuật.
Một điều tôi đặc biệt muốn nêu là hội nhập về thương mại. Nếu chúng ta từng bước chập chững tham gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới hơn hai thập kỷ trước đây thì nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, chúng ta đã có gia nhập vào cả những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ cao.
Chúng ta cũng đã đảm nhận những cương vị khác nhau trên trường quốc tế. Nhìn lại thì 10 năm trước, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, từng tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như đăng cai nhiều hội nghị quốc tế quan trọng.
Những điều này để thấy rằng, đúng, những hoạt động trong năm 2019 đã tạo cho Việt Nam một vị thế được công nhận rõ ràng từ quốc tế và khu vực. Nhưng, đó là sự phát triển mạnh mẽ của cả một quá trình: Cả về nội lực lẫn hội nhập bên ngoài.
-Có ý kiến cho rằng Việt Nam đã chuyển từ vị trí "nhận" của thế giới sang vị thế là "người đi cho", ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng có quan hệ 2 chiều ở đấy. Trước hết, chúng ta rất mong muốn có một khu vực, một thế giới hoà bình ổn định, để các nước trong đó có Việt Nam cùng phát triển.
Chúng ta cũng mong muốn rằng tất cả quốc gia trong khu vực tăng cường hợp tác và thúc đẩy thịnh vượng... Những điều này là chủ trương về đối ngoại lâu nay.
Thế nên trong câu chuyện vươn lên của đất nước Việt Nam này, mỗi bước phát triển trong hội nhập, chuyển mình, chúng ta lại tăng cường khả năng đóng góp tốt hơn cho công việc của thế giới. Tôi cũng đồng ý là khu vực và thế giới họ vừa tin cậy, vừa trông đợi Việt Nam đóng góp được nhiều hơn.
Nhưng cũng phải thấy rằng, đó mới chỉ là một bước, còn nhiều việc phải làm, để thực sự tham gia vào công việc, cuộc chơi chung.
-Như vậy liệu có quá không khi nói rằng chúng ta đang gánh trên vai những kỳ vọng của thế giới?
Mỗi nước sẽ có tiềm lực và năng lực khác nhau nên mức độ đóng góp khác nhau. Thế cho nên không ai có thể gánh quá khả năng của mình được. Do đó, phải thể hiện tính trách nhiệm khi tham gia vào công việc quốc tế phù hợp với khả năng của mình.
Chẳng hạn Việt Nam đã đóng góp vào Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển hay đóng góp vào nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN hay từng bước cử người tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình...
Việc kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích quốc tế, khu vực là rất quan trọng. Nhưng điều lớn nhất là thể hiện một Việt Nam vươn lên, cho phát triển chính mình, đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
-Trong nước, chúng ta cũng đang nói rất nhiều về một Việt Nam hùng cường. Với những gì đã đạt được, theo ông, đã đủ để thổi bùng lên khát vọng này chưa?
Nói đến khát vọng thì hãy nói đến khát vọng của một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử, phát triển vươn lên qua tất cả các thời kỳ khác nhau, được thế giới coi trọng và đánh giá cao.
Cho nên, khát vọng của dân tộc luôn song hành cùng lịch sử dân tộc và quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Tôi nghĩ rằng mỗi người Việt phải nuôi dưỡng, bùng cháy những khát vọng của mình. Chỉ có điều rằng ở mỗi thời điểm khác nhau, những khát vọng đó có thể hướng tới những mục tiêu khác nhau.
Hiện nay, chúng ta đang khao khát một Việt Nam vươn lên, thịnh vượng, trở thành đất nước có nền kinh tế mạnh, tham gia hội nhập sâu rộng, đóng góp nhiều hơn cho thế giới, thậm chí, góp vào việc định hình, dẫn dắt những luật chơi quốc tế. Đây là vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm rất lớn.
Tôi tin rằng chúng ta đang có những năng lực và cơ hội để làm được điều đó và rõ ràng, phải bắt tay ngay vào thực hiện. Thế còn việc làm dần từng bước, làm được đến đâu thì đó còn là cả chặng đường phía trước. Nhưng khát vọng là phải bùng cháy!
-Nhưng cũng có người nói rằng khoan bàn đến hùng cường, cũng không nên tự hào quá về Việt Nam. Trước tiên, người Việt cần phải biết xấu hổ vì chính chúng ta sau 30 năm, nhiều quốc gia cùng xuất phát điểm đã hoá rồng, hoá hổ. Ông nghĩ sao về điều này?
Kinh nghiệm phát triển của các nước đúng là cần tham khảo. Nhưng, khi nhìn nhận vấn đề, cũng không nên tách rời hoàn cảnh, thời điểm của mỗi nước, trong tiến trình phát triển đó.
Chúng ta đã phải vươn lên từ ách nô lệ, thuộc địa thực dân. Rồi chúng ta lại gặp những cuộc chiến tranh khốc liệt với những đối tượng rất lớn. Khi đó nhiều nước khác đang được hưởng hoà bình.
Việt Nam chiến thắng ngoại xâm, xây dựng nền độc lập, rồi phát triển, tự thân đã là một câu chuyện tốt, hào hùng, cả trong con mắt của bạn bè quốc tế.
Trong quá trình phát triển, lựa chọn con đường, cũng có những lúc ta gặp khó khăn, có thời bao cấp mà bao năm sau đó phải khắc phục, có cả thời điểm chúng ta chưa cập nhật được. Để rồi có một Việt Nam đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Rõ ràng, hơn 30 năm Đổi mới, đã có những bước ngoặt cho cải cách, phát triển, đưa đất nước này, mỗi người dân, vươn lên.
Sự phát triển của các nước vẫn là bài học nhưng không nên chỉ so sánh số học thuần tuý giữa Việt Nam với một nước khác.
Nếu so sánh, hãy xem chúng ta hiện đang bứt phá như thế nào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, bộn bề. Rồi so sánh một Việt Nam trong quá khứ, đã trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại, một Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đã mở cửa, bung mình vươn lên. Rõ ràng đó là những điểm sáng mà có những nước có điều kiện thanh bình cũng không đạt được.
-Có một hiện tượng là khá nhiều người Việt Nam "sùng bái" câu chuyện phát triển thần kì của Hàn Quốc, Nhật Bản. Cũng nhiều người hay so sánh rằng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tụt hậu so với Lào, Campuchia. Ông nghĩ gì về điều này?
Hàn Quốc, Nhật Bản đã có thời kỳ tập trung một cách cao độ cho phát triển và họ đã tranh thủ được môi trường hoà bình lúc đó. Họ thậm chí là "quân phiệt hoá" trong cách quản lý để phát triển. Nếu giờ làm gắt như vậy thì không được. Ta có thể tham khảo, nhưng cũng phải tìm cho mình con đường riêng.
Còn câu chuyện thứ hai, tại ASEAN cũng có nhiều nước là tấm gương phát triển. Nhưng giờ đây, họ cũng nhìn nhận thấy một Việt Nam đang vươn lên và vươn lên mạnh mẽ. Thái Lan, Philippines, Malaysia hay cả Singapore cũng đều nhận thấy như vậy. Có lẽ họ thấy thế, sức của một Việt Nam đang vươn lên gần tới ngang ngửa với họ.
Khát vọng trường tồn của dân tộc Việt Nam, thế và sức vươn lên của Việt Nam vào thời điểm này, tôi cho rằng rất lớn, được đánh giá rất cao, dù rằng về tổng thể vật chất của mình chưa bằng được họ.
Đơn cử, như trong hội nhập, có những nước là quốc gia phát triển trong khu vực nhưng họ không còn phải ngần ngại tham gia vào những FTA tiêu chuẩn, chất lượng cao. Còn chúng ta, tuy vốn từ một nước đi sau, chuyển hoá từ bao cấp đi lên, nhưng chúng ta lại dám chủ động tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, phân công lao động quốc tế ở tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều. Đó là Hiệp định TPP trước đây hay CPTPP hiện tại, hay là EVFTA. Nay, có nước như Thái Lan, Philippines đang còn tính lại, tỏ ý muốn tham gia vào CPTPP.
-Nhìn lại cả năm 2019, ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Mỹ? Ông từng nói phải gạn đục, khơi trong trong quan hệ với người Mỹ. Đục và trong ở đây cụ thể là gì?
"Gạn đục, khơi trong" là ý bên lề mà tôi vẫn hay nói khi chuyện phiếm với bạn bè, đồng nghiệp khi làm đối ngoại. Nhưng căn bản là "nhân điểm đồng, hạn chế điểm khác biệt". Nó không chỉ áp dụng trong quan hệ Việt – Mỹ mà có lẽ trong các mối quan hệ song phương khác.
Nhìn lại quan hệ Việt – Mỹ, chúng ta thấy có nền tảng phát triển của 25 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã có khuôn khổ về quan hệ Đối tác toàn diện với 9 trụ cột hợp tác. Vừa qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác được rất nhiều, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, giáo dục, quốc phòng an ninh...
Ví dụ về kinh tế đầu tư, dù bối cảnh quốc tế và điều chính sách mới của chính quyền Mỹ thì quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ trong năm 2019 mà kể từ 2017, khi chính quyền Trump lên, vẫn tiếp tục đà phát triển ngày một tăng trong thương mại hai chiều.
Nhưng nói thế thì có thách thức không? Có. Giữa hai nước vẫn có những khác biệt. Rồi lại phải xem xem các điều chỉnh chính sách đối nội đối ngoại của Mỹ. Cũng nhiều cái khác trước.
Thứ hai là câu chuyện về thương mại. Với các nước, Mỹ bây giờ họ ưu tiên phải làm sao giảm đi được thâm hụt. Đây là vấn đề rất lớn trong chương trình nghị sự của chính quyền mới ở Mỹ với thế giới.
Khi chính quyền mới lên, họ có những ưu tiên, yêu cầu khác. Chúng ta thể hiện quan tâm, cùng bàn với họ, cùng tìm cách để xử lý, quản trị những khác biệt, rủi ro.
Mỗi bên cũng có sự quan tâm chung và riêng. Ta cũng có những quan tâm, như muốn phía Mỹ dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan, chống bán phá giá. Điều quan trọng là quan tâm, cùng trao đổi để tháo gỡ, tìm giải pháp phù hợp, có lợi cho cả hai. Cách tiếp cận đó được Mỹ hoan nghênh, đánh giá cao.
-Quan điểm, chính sách đối ngoại với Việt Nam liệu có sự thay đổi không nếu nước Mỹ có một Tổng thống mới vào năm 2020?
Tôi có nhiệm kỳ làm đại sứ ở Mỹ từ cuối 2014 đến giữa 2018, đó là khoảng thời gian thuộc hai đời Tổng thống Mỹ là ông Obama và ông Trump, bao gồm cả thời điểm chuyển giao chính quyền.
Vậy nếu nhìn vào quan hệ và trao đổi đoàn giữa hai bên có thể thấy đấy là minh chứng rõ cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển vượt qua các thời kỳ Tổng thống khác nhau.
Dưới thời Obama đã có chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015). Hai nước đã ra tuyên bố tầm nhìn, trong đó, cùng với câu chuyện nâng cao quan hệ, còn có việc nhấn rất mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Rồi đến, tháng 5/2016, Tổng thống Obama thăm Việt Nam, tuyên bố bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương, khẳng định thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.
Đến thời Tổng thống Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ thăm chính thức vào tháng 5/2017. Việt Nam trở thành một trong những nước thăm Hoa Kỳ đầu tiên khi nước này có tân Tổng thống... Đến tháng 11/2017, ông Trump không chỉ đến dự APEC ở Đà Nẵng mà còn ra Hà Nội thăm cấp nhà nước Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Nếu nhìn lại 1/4 thế kỷ qua, có một điều là quan hệ hai nước luôn được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ. Đơn cử như biểu tượng của hai đảng là John Mccain (Cộng hoà) và John Kerry (Dân chủ), hai người có thể quan điểm rất khác nhau về chính trị, đối nội đối ngoại, nhưng lại rất trùng nhau trong ủng hộ thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ.
- Có nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ có thể cứng rắn với nhiều nước, nhưng với Việt Nam sẽ khác, còn ông nghĩ gì về điều này?
Bên ngoài thì có thể thấy vậy vì họ chỉ nhìn về con số của vấn thâm hụt thương mại. Việt Nam là một trong những nước có thặng dư thương mại khá lớn với Hoa Kỳ.
Mỗi nước có cái khác nên cũng khó nói tại sao câu chuyện của Mỹ với Trung Quốc hay một số nước khác lại nặng nề.
Ở đây chỉ xin nêu về Việt Nam và cũng không nên chỉ nhìn bề ngoài bề nổi. Tôi từng chứng kiến giai đoạn đầu khi trao đổi với chính quyền mới, lãnh đạo mới dưới thời ông Trump. Có nhiều việc, cả về quan hệ chung, giữ và thúc đẩy đà hợp tác, có cả vấn đề thâm hụt thương mại.
Với "thâm hụt", có ba vấn đề cần đặt ra mà chúng ta đã xử lý: một là cách tiếp cận với các ưu tiên mới, hai là cơ chế xử lý, ba là nguyên nhân vì sao có thâm hụt thương mại.
Khi Mỹ có sự điều chỉnh chính sách và ưu tiên, Việt Nam đã tiếp cận, thể hiện quan tâm khi họ chia sẻ các ưu tiên mới, ta cho rằng, hai bên cùng cùng quan tâm, bàn bạc các ưu tiên của mỗi bên, cùng bàn với nhau để xử lý, đảm bảo phù hợp lợi ích của mỗi bên và quan hệ song phương.
Hai bên đã thiết lập cơ chế để xử lý, bằng việc tái khởi động cơ chế TIFA – Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư, để cùng rà soát và xử lý những tồn đọng trong quan hệ kinh tế thương mại hai nước.
Còn về nguyên nhân thâm hụt, chúng ta khẳng định và phía Mỹ cũng nhận thấy rõ ràng Việt Nam minh bạch, không cho phép những biện pháp gian lận. Nó khác với điều Mỹ hay gắn cho nước khác là có động cơ gian lận để tạo ra thặng dư. Họ hiểu tính chất của hai nền kinh tế có tương tác, bổ sung, nên một cách tự nhiên có những mặt nọ, kia.
Mặt khác, chúng ta cũng bày tỏ mong muốn và trên thực tế, đã mua thêm nhiều hàng của Mỹ. Đây là động thái tích cực nhưng cũng phù hợp với lợi ích, năng lực của Việt Nam. Thực tế những hàng hoá, dịch vụ đó cũng là những cái chúng ta rất cần.
Phía Hoa Kỳ hiểu và thấy được điểm này. Nhưng cũng có điểm cần làm rõ, tôi cũng từng trao đổi với họ, để Việt Nam có thể mua thêm hàng hoá, thì Mỹ cần phải đưa ra giá cả cạnh tranh, có phương án tài chính hấp dẫn, cũng như cần tăng cường hỗ trợ về nâng cao năng lực. Đó là cách giúp cho nước còn nghèo có thể mua được hàng của họ.
-Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross có nói rằng thường sẽ có FTA với các nước có quan hệ hữu nghị và mong muốn điều đó với Việt Nam. Theo ông, đó là một phát ngôn ngoại giao hay là điều có cơ sở đạt được?
Nếu có một FTA giữa Việt Nam và Mỹ để tạo khuôn khổ thương mại tốt hơn giữa hai nước thì đó sẽ là điểm rất tốt. Còn từ nay đến lúc mà có được, bước đi như thế nào, thoả thuận ra sao thì chắc chắn hai bên còn phải bàn, phải do Chính phủ hai nước cân nhắc, quyết định.
Theo tôi, cái cốt lõi nằm ở chỗ phải tính đến lợi ích cùng có lợi của cả hai bên, thì đó sẽ là khuôn khổ tốt, dù tên gọi hay hình thức là gì.
Còn khi hai bên chưa thấy song trùng, chưa hiểu rõ nhau, thì chưa thể đi vào đàm phán cụ thể được. Vì vậy, tôi nghĩ, hai bên cần tiếp tục có những trao đổi, qua đó tìm hiểu, sơ bộ xem là hai bên mong muốn gì, cần gì ở nhau, liệu có chào mời hay đặt ra các điều kiện gì không, rồi thì các định hướng xử lý ra sao... Biết được sơ bộ như vậy, khi hai bên lợi ích song trùng và cùng cần, thì khi đó mới có thể hướng đến bàn bạc sâu hơn về một FTA.
-Còn với Trung Quốc, hàng xóm và đồng thời có quan hệ chiến lược với Việt Nam, cách cư xử của chúng ta cần như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn đang gia tăng?
Tại ASEAN, lĩnh vực tôi có thời gian làm việc khá dài, các nước khu vực người ta có nhìn nhận chung rằng đây là một quốc gia ngày càng phát triển, vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là về kinh tế. Chính điều đó tạo ra cơ hội cho khu vực đi lên.
Nhưng mặt khác, các nước cũng có những nghi ngại về một Trung Quốc có những hành động vị kỷ, tham vọng nước lớn, nhất là câu chuyện về biển Đông. Trung Quốc là nước mạnh, các nước phải chơi, phải quan hệ tốt. Nhưng khu vực người ta quan ngại là vậy. Khu vực mong muốn, và để xây dựng được lòng tin, Trung Quốc phải đề cao và thực sự tuân thủ luật pháp quốc tế, thay vì áp đặt, trong ứng xử của mình.
Quay trở lại câu chuyện chung về quan hệ với các nước lớn. Việt Nam quan hệ với các nước lớn, dù là Trung Quốc hay là Hoa Kỳ. Tôi có hai ý muốn nhấn mạnh. Một, Việt Nam cần và làm sao chơi tốt được cả hai bên. Hai, tôi cũng đã từng phát biểu ý kiến, là cá nhân tôi không thích, và cũng không nên đặt ra câu chuyện giữ được cân bằng các nước lớn.
Cái gốc của ta là lấy lợi ích quốc gia làm đầu, từ đó mà quan hệ. Còn nếu nhấn mạnh giữ cân bằng với các nước lớn, thì bỗng nhiên anh đã lấy nước lớn làm cơ sở, đâm ra cứ đi nghe ngóng xem họ nghĩ gì, rồi ứng xử ra sao trong quan hệ chung với các nước, thì vốn không phải là cái gốc, nguyên tắc của mình.
Đừng quá vì nhìn anh này rồi ngại quan hệ với anh kia, mà phải luôn dựa vào lợi ích quốc gia.
-Có ý kiến lo ngại về chiến tranh uỷ nhiệm khi các nước nhỏ bị tác động, ảnh hưởng bởi các nước lớn. Liệu có nguy cơ gì cho Việt Nam hay không?
Việt Nam chủ trương đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, muốn quan hệ, hợp tác tốt đẹp với các nước. Chúng ta cũng nỗ lực cùng với khu vực, với ASEAN thúc đẩy vấn đề này. Do vậy, cạnh tranh nước lớn đương nhiên có ảnh hưởng, nhưng khu vực và các nước sẽ không để xảy ra câu chuyện xung đột, chiến tranh ở đây.
Tôi cũng đưa ra thêm vài nét về đánh giá cục diện khu vực. Chuyện về cạnh tranh giữa các nước lớn giờ rất khác thời chiến tranh lạnh khi phân tuyến với hai hệ thống đối lập, triệt tiêu nhau. Cuộc đua tranh này đương nhiên ảnh hưởng đến những nước nhỏ, nhưng ngày nay, bối cảnh đã khác, tôi nghĩ rằng nó chưa và chắc sẽ không đi đến một cuộc chiến tranh lạnh như thời kỳ trước.
Mặt khác, vì các nước lớn cọ xát với nhau cho nên không loại trừ có những điểm xô xát ở những vùng này hay vùng khác. Do vậy, sự phối hợp của khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế và năng lực của quốc gia trong quản trị rủi ro, trong bảo đảm giữ vững được độc lập, hoà bình, để không rơi vào cái bẫy cạnh tranh nước lớn là rất quan trọng.
-Vậy với năm 2020, ông có kỳ vọng gì vào Việt Nam, với một khát vọng như chúng ta đã đặt ra ban đầu: Vì một đất nước hùng cường?
Năm 2020, có lẽ sẽ là năm Việt Nam đứng trước nhiều dấu mốc rất lớn. Đất nước đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Và đây cũng là thời điểm chúng ta nhận thức rõ ngưỡng cửa cho cả cơ hội và thách thức để phát triển về chất, vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.
Chúng ta đã đề ra quyết sách cho phát triển, từ chỗ lâu nay dựa nhiều vào sức lao động, thì thời gian tới sẽ là mốc để bứt phá về năng suất lao động, dựa vào khoa học, sáng tạo.
Hướng tới Đại hội Đảng 2021, chúng ta đang tích cực chuẩn bị lộ trình, định hướng cho giai đoạn mới. Do vậy, chúng ta rất trông đợi và tin tưởng đất nước sẽ có những quyết sách quan trọng, nắm bắt cơ hội, quản trị được rủi ro...
Dù thế giới đang vận động rất sâu sắc và phức tạp, nhưng tôi có niềm tin rất lớn, bởi hôm nay, vị thế, năng lực và tâm thế của đất nước ta đã rất khác. Chúng ta có đủ những điều kiện hội tụ và quyết tâm, chắc chắn năm 2020, 2021 sẽ cho ta những năm tạo điều kiện cho đất nước ta phát triển và bứt phá!
Cảm ơn ông!
Bài tiếp: Chuyện Việt Nam hùng cường nhưng đời thường từ thành viên trẻ nhất trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Trí Thức Trẻ