2 năm trước, cái tên Đào Chi Anh xuất hiện khắp các mặt báo và phương tiện truyền thông với danh xưng "Cô gái triệu đô". Thời điểm ấy, trong tay Chi Anh có gần như tất cả: tuổi trẻ, sự nghiệp và gia đình.
Cho đến khi, The KAfe... "chết", bởi nhiều lý do. Chi Anh bỏ lại mọi ánh hào quang, tự mò mẫm con đường đi mới cho chính mình. Thất bại lớn, không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đứng lên, nhưng với Chi Anh, "Cách tốt nhất là làm việc và tiếp tục tạo ra những điều mà mình yêu thích. Chỉ có những người không cố gắng mới là những người thất bại. Miễn là bạn không sa vào cái vũng lầy đó, bạn chính là người chiến thắng, ngay cả khi bạn bị gọi là "dại dột"".
Người ta thấy Chi Anh biến mất khỏi truyền thông, lặng lẽ xây dựng lại cho mình từ những gì đổ vỡ. Cô dồn tâm sức vào Kitchen Art, quay lại những giá trị ban đầu mình theo đuổi, tập trung cho gia đình và học cách tự chăm sóc bản thân, cũng không quên chia sẻ để mọi người có cái nhìn mới về một lối sống lành mạnh. Thật kỳ lạ, những điều tích cực ấy dần dần thu hút mọi người quan tâm đến Chi Anh, lắng nghe và chờ đợi những chia sẻ rất đời thường, đáng yêu và bổ ích của cô.
Không chỉ nấu nướng và nói về kinh nghiệm làm bếp, Chi Anh còn hướng dẫn tập tành, chia sẻ quan điểm sống với các phụ nữ, các bạn trẻ. Sắp tới, cô sẽ cho ra mắt một app riêng của bản thân mà ở đó, mọi người có thể tìm được tất tật những công thức ăn uống và bài tập phù hợp với bản thân. Dường như, thất bại ngày xưa chỉ là một bước đà để người phụ nữ ấy tìm lại một phiên bản tốt hơn của chính mình.
"Chào mọi người, mình là Chi Anh, hiện mình là doanh nhân.
Chi Anh muốn kể với các bạn về câu chuyện cũng là hành trình của chính mình trong hơn 7, 8 năm kinh doanh ở Việt Nam".
Với tư duy cùng quyết tâm "liều" của mình, Chi Anh đã vượt lên trên tất cả khó khăn cho ra đời The KAfe - chuỗi nhà hàng cafe tiên phong trong việc mang đến những món ăn mới lạ, lai Âu Á và lối decor đẹp mắt. Nhìn lại thời điểm đó, chị cảm thấy thế nào?
Mình bắt đầu hành trình kinh doanh từ năm 2010, sau khi từ Singapore về Việt Nam. Mình sinh ra, đi học rồi đi làm ở nước ngoài nên cuộc sống tại Việt Nam thực sự bắt đầu từ thời điểm đó. Khi ấy mình là một food blogger, mới thôi, chứ chưa phải là nhiều người biết đến. Mình nấu ăn, đam mê viết, sẵn sàng chia sẻ về nấu ăn, thỉnh thoảng review nhà hàng. Hồi đấy mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ để cái tên Chi Anh được chú ý.
Mình có một trang web nho nhỏ, qua đó gặp được một vài đối tác kinh doanh khi họ muốn mở doanh nghiệp và đưa một số thương hiệu đồ bếp, đồ gia dụng vào Việt Nam. Để thỏa mãn nhu cầu của chính mình và những người giống mình, Chi Anh bỏ công việc làm thuê để tham gia thành lập doanh nghiệp đầu tiên, là Kitchen Art. Cửa hàng khá xinh xắn, tầng 1 bán đồ bếp, tầng 2 là một studio dạy nấu ăn. Mình vừa bán hàng vừa phổ cập lối sống mới, cách ăn uống mới, giúp các bạn trẻ cảm thấy vào bếp không phải là nghĩa vụ hay việc gì ấy nhàm chán, mà nó có thể là đam mê để khám phá chính mình hoặc sáng tạo trong cuộc sống.
Kinh doanh Kitchen Art được 2 năm thì mình bắt đầu được nhiều người biết đến hơn, cũng tại thời điểm đó mình cảm thấy ở Việt Nam rất ít chỗ phục vụ người trẻ ăn uống. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu nấu nướng ở nhà, mình mong muốn mọi người khi đi ăn có thể thưởng thức những món ăn lành mạnh hơn, ngon hơn và nhiều âm hưởng quốc tế hơn so với những lựa chọn nhàm chán hiện tại. Chính vì thế mình đã thành lập chuỗi nhà hàng cafe đầu tiên, The KAfe!
Khi nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, lộ trình kinh doanh trở nên nhanh chóng và gấp rút. Liên tiếp sau đó là sự mở rộng phạm vi kinh doanh của 4 thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box, với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu năm 2016, hoạt động của The KAfe bắt đầu chững lại. Thương hiệu không còn nhận được quá nhiều sự quan tâm của khách hàng. Trong khi biết bao đối thủ mới xuất hiện, The KAfe đứng trước nguy cơ thất bại. Thật khó để cân bằng lợi ích của tất cả mọi người khi gặp phải khó khăn về vận hành cũng như cách tổ chức, quản lý doanh nghiệp.
Mình cảm thấy đây không phải việc mình còn yêu thích như xưa nữa. Bản thân cần một khung trời mới và sự tự do để theo đuổi những mong muốn, những giấc mơ khác. Chính vì thế, mình đã bước ra khỏi The KAfe, và cũng rất tiếc, không lâu sau đó, những người còn lại cũng quyết định ngừng kinh doanh.
Đến bây giờ, hoàn toàn không còn The KAfe nữa!
The KAfe là thành công, cũng là thất bại đầu đời của chị. Sau tất cả, khép lại một hành trình dang dở sau 3 năm gắn bó, chị thấy mình học được những gì? Phải chăng sự hào nhoáng đầu đời dễ dìm chết chúng ta nếu thực sự không đủ bản lĩnh?
Điều quan trọng khi làm một điều gì đó, mà nếu nó không thành công hoặc khi cảm thấy không còn hạnh phúc nữa, đó là một thứ xúc cảm quan trọng để mình tự hiểu, mình không muốn tiếp tục và tốt nhất nên dừng lại.
Có thời điểm mình là một con rối cho những kẻ khác cưỡi lên đầu, dù ban đầu đây là doanh nghiệp của mình, nhưng khi nhiều người bỏ tiền ra và doanh nghiệp lớn như vậy, mình không khác gì một giám-đốc-làm-thuê. Những lý tưởng, giá trị mình muốn làm không còn trong tầm tay mình nữa.
Giám đốc thành người làm thuê chuyện nghiệp, đây không phải mục đích phấn đầu của Chi Anh. Không nhất thiết là 1 doanh nghiệp lớn nhất, nhiều chuỗi cửa hàng nhất, thành công nhất, cái quan trọng mình hiểu rằng, điều mình cần làm là sống thật tốt và mang lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người bằng chính trải nghiệm, kiến thức của bản thân.
Giá trị cốt lõi của The KAfe là tạo ra những món ăn ngon, những thực đơn tốt và khi nó trở thành một bộ máy tạo ra lợi nhuận, Chi Anh cảm thấy mục đích ban đầu không còn rõ ràng như trước. Khi mình không còn thành công, mình không khiến nó tỏa sáng như ngày đầu, thì thất bại là một điều tốt để mình rời bỏ nó. Dù biết The KAfe đang đi đến một kết cục không tốt, mình cố níu giữ vì những ràng buộc về tâm lý, nếu không muốn nói là sự sĩ diện! Không ai muốn nói mình bỏ cuộc, mình thất bại. Nhưng khi quyết định buông tay, mọi thứ thật khó khăn. Rồi mình hiểu mọi việc sẽ tốt lên từ đấy, mình sẽ đi một con đường mới mà không phải giằng xé giữa việc làm thế nào để giữ nó tiếp, kiểm soát nó ra sao, phấn đầu như nào cho quyền lợi của chính mình.
Mình đi một con đường mới, vẽ đúng câu chuyện, mình muốn như nào thì sẽ làm như thế!
2 năm vừa rồi (2016-2018), Chi Anh cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều. Đấy là sự khẳng định cho bản thân, rằng nếu thực sự tự làm cái mình muốn làm thì mới thuyết phục được những người khác theo mình.
Người đời nói về Đào Chi Anh sau thất bại là sự ảo mộng, viễn tưởng, là những chỉ trích xung quanh trò chơi start-up do chính chị tạo ra?
Đương nhiên, xã hội có nhiều lời chỉ trích. Điều đó thể hiện tâm lý chung của con người: thích nhìn những gì người khác thất bại hơn là nhìn vào điều tốt đẹp. Điều này thể hiện thói quen đánh giá của con người, chứ nó không thể hiện mình thế nào, mình kém cỏi hay gì.
Mình tự học cách phân biệt, cái gì là lời nhận xét thực hay chỉ là lời chỉ trích. Dù người thất bại hôm nay là mình hay bất cứ ai, người đời vẫn sẽ chỉ trích. Họ có thể nói gì cũng được, họ nói trên ghế của họ, họ cũng không có thêm kinh nghiệm hay thành công hơn mình. Thực sự, mình không quan trọng việc có bị chỉ trích hay không, khi những người thân thiết xung quanh vẫn luôn bên cạnh, giúp mình vượt qua những lúc đuối, kéo mình quay lại cuộc sống.
Vì cuộc sống ngoài thành công còn đo đếm bằng những thất bại này nên nếu bạn có thất bại thì cũng là bình thường thôi. Người chê cười bạn cũng sẽ sớm phải quay về với những nỗi lo của riêng mình.
Trong suy nghĩ nhiều người trẻ, "thất bại" dường như vẫn là điều gì đó tiêu cực, nguy hiểm. Bản thân chị trước khi dấn thân vào mọi cuộc chơi, chị cũng sợ thất bại?
Thực ra, thất bại có thể xảy đến trong bất cứ lĩnh vực và hoàn cảnh nào của cuộc sống, từ tình cảm, kinh doanh, đến sự nghiệp và cả sức khỏe của chính mình. Bây giờ, sau những sóng gió đã trải qua, Chi Anh có thể bình thản nhìn lại việc mình đã vượt qua những thất bại đau đớn ra sao. Mình dám chắc với các bạn rằng, với bất kỳ khó khăn nào trong cuộc đời mà các bạn phải đối mặt, chắc chắn các bạn đều sẽ vượt qua được. Dĩ nhiên là các bạn đều biết điều này rồi. Nhưng đôi khi, các bạn sẽ không đủ sáng suốt để tìm ra được cách thoát khỏi cái đường hầm ngập tràn bóng tối đó. Ánh sáng luôn xuất hiện ở nơi cuối đường hầm, và chúng ta phải bỏ công bỏ sức ra để đi tới đó.
Sợ thất bại là nỗi sợ trước khi bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, lạ lẫm. Tất cả nỗi sợ đều giống nhau, nhưng theo mình, càng sợ thì càng nên làm. Khi mình sợ, tức là mình đang chuẩn bị bước ra khỏi vùng an toàn, những thứ mình vốn quen biết. Đó là điều tốt! Sợ cũng được, cứ vừa làm vừa sợ, còn hơn không làm gì. Hãy thất bại và yêu những thất bại của mình.
Trong cuộc sống này, có nhiều nỗi sợ. Bạn sợ thất bại vì bạn sợ bị người thân phán xét, bị xã hội chê cười. Bạn sợ thất bại vì bạn nghĩ rằng trong đời bạn chỉ có một cơ hội để thành công. Bạn sợ thất bại vì bạn ngại "vất vả". Những lúc như thế, bạn cứ tự đặt câu hỏi: Liệu điều tệ nhất trên cõi đời này là gì?
Là phá sản!
Đúng, mình có thể phá sản, mất hết những gì mình từng có, phải bỏ nghề, nhưng điều quan trọng nhất mình vẫn còn ở đây, vẫn tồn tại, vẫn còn gia đình và vẫn có đủ trí tuệ để tìm một con đường khác. Tự nhiên, nỗi sợ hãi tan biến. Khi đối diện với những điều tệ nhất, chính chúng ta sẽ thấy tự tin hơn cả. Cách tốt nhất là hãy nhìn các nỗi sợ theo hướng đó, hơn là để nó điều khiển chính mình, đè nặng chính mình!
Khi rời vị trí CEO của The KAfe, thay vì nghỉ ngơi, đi đâu đó, rời xa mọi ồn ào trước khi quay lại, chị chọn cách cuốn mình vào guồng quay công việc ngay lập tức. Phải chăng đó là một sự mạo hiểm?
Bạn có thể cho rằng điều này thật lạ lùng – sau 3 năm bận rộn liên tục, cuối cùng Chi Anh cũng có được cơ hội để nghỉ ngơi, nhưng mình lại không lựa chọn như thế. Bởi với mình, cách duy nhất để sống sót và tìm ra một hướng đi mới cho bản thân là phải làm việc, và tiếp tục tạo ra những thứ mình yêu thích.
The KAfe vẫn luôn là 1 ký ức đẹp, nhưng "gặm nhấm" quá khứ không giúp ích gì. Sau thất bại đầu đời, Chi Anh tiếp tục kinh doanh Kitchen Art, mở ra một phòng tư vấn truyền thông về nấu ăn. Mình cùng team tư vấn, thiết kế và tạo những thương hiệu ẩm thực cho những đối tác có mong muốn mở rộng kinh doanh. Khi mình không còn là một người đích thân mở nhà hàng của mình nữa, mình có thể mang những kinh nghiệm, bài học, ý tưởng giúp những người khác thành công. Chi Anh cảm thấy ý tưởng, kiến thức của mình được vận dụng một cách tối ưu hơn.
Trong 2 năm vừa qua, đó cũng là quá trình mình tự khám phá bản thân và không phải mình cứ làm một cái gì là phải làm nó mãi. Đến một thời điểm nào đó, nó không còn đam mê, không còn là hành trình để theo mình đến suốt đời. Mình cần tìm một sự mới lạ, một bước đi mới thuộc về mình và chính mình nhiều hơn nữa. Chi Anh tiếp tục khám phá và tìm tòi. Mình cảm thấy tất cả những gì mình làm trước đây là tiền đề cho hướng đi mới này.
Chi Anh trước đây vốn là một kẻ mộng mơ, thế còn bây giờ?
Bây giờ, mình là người phụ nữ của gia đình. Mình quyết định nấu ăn nhiều hơn, dù công việc kinh doanh bận rộn nhưng Chi Anh vẫn cố gắng nấu bữa cơm mỗi ngày cho cả nhà. Mình đặt mục tiêu ăn uống lành mạnh hơn, chăm sóc sức khỏe của mình và gia đình tốt hơn.
4 năm trước, mình chỉ biết lao đầu vào kinh doanh mà bỏ bê chính cơ thể, sức khỏe của mình. Sau khi sinh con, người phụ nữ yếu đi rất nhiều. Khi có thời gian, mình quyết định nấu ăn, chú ý về dinh dưỡng và tập thể dục nhiều hơn. Trong vòng một năm sống khoa học, Chi Anh không những khỏe lên rất nhiều, nhìn thấy những thay đổi lớn trên chính cơ thể mình, mà còn tạo ra được một cộng đồng theo Chi Anh về lối sống lành mạnh đó. Hàng ngày chúng mình cùng nấu những món ăn đơn giản, giàu dinh dưỡng, cùng tập những bài tập ngắn. Vô tình mình tự tìm ra một con đường mới để đi tiếp, là về dinh dưỡng, về sức khoẻ.
Những gì chúng ta cho vào cơ thể đều có tính quyết định đối với sức khoẻ, thể chất lẫn tinh thần. Chi Anh phải tự thách thức chính mình, tự tìm hiểu về nguyên lý ẩm thực dinh dưỡng thì mới có thể giúp được mọi người. Hiện mình dành đa số thời gian để tự học và nâng cao kiến thức về sức khoẻ, để năm 2019 Chi Anh sẽ bắt đầu thiết kế, thành lập những sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khoẻ, dinh dưỡng để mọi người cùng sống tốt hơn.
Hãy kể về một ngày sống lành mạnh của Chi Anh?
Buổi sáng khi ngủ dậy, chồng sẽ chuẩn bị bữa sáng cho con. Sau khi chồng đi làm, con đi học, Chi Anh ở nhà tập rồi tự làm đồ ăn sáng, chủ yếu là các món ăn lành mạnh, nhiều dinh dưỡng, rau củ quả. Đến công ty, ngoài làm việc, mình dành khoảng 2-3 tiếng học về dinh dưỡng. Buổi trưa ăn đồ ăn do chính mình chuẩn bị ở nhà, ít khi mình ăn ngoài.
Đúng 17h mình đón con, không muộn ngày nào vì với mình, việc đón con rất quan trọng. Sau khi về nhà, Chi Anh không làm việc, hoàn toàn tập trung chuẩn bị bữa tối chờ chồng về cùng ăn. Cả nhà dành thời gian cho nhau cho đến khi con đi ngủ. Đến 23h, hai vợ chồng đi ngủ.
Cuộc sống vốn lặp đi lặp lại như thế, thời gian cũng rất gấp, chỉ có từng đấy tiếng trong một ngày, nhưng mình cố gắng tận hưởng từng phút, từng giây. Làm việc gì mình đều hết mình, nhưng không vì thế mình cố gắng ôm hết việc vào người. Giữa những quãng thời gian của công việc đều cần sự nghỉ ngơi.
Với Chi Anh, thế nào là người phụ nữ trẻ hiện đại? Quan điểm sống của chị có gì khác so với ngày xưa?
Phụ nữ trẻ Việt ngày nay vẫn đang đứng giữa ranh giới cũ và mới. Họ lớn lên trong gia đình có bố mẹ thuộc thời đại trước đây, gặp nhiều khó khăn, và cách nhìn cuộc sống khác so với những người không sống ở Việt Nam như Chi Anh. Họ vừa muốn vươn ra khám phá cái mới, muốn bạo dạn, độc lập hơn, nhưng cũng bị níu kéo lại bởi quan điểm, thói sống và cách gia đình muốn họ phải sống, phải làm theo.
Có sự giằng xé như vậy. Những ai bứt phá và dứt ra được sự chờ đợi của bản thân và gia đình thì họ sẽ là những người tiên phong của giới phụ nữ trẻ hiện đại. Còn những ai vẫn phải sống theo định nghĩa, định hướng của gia đình, sau 30, 40 năm nhìn lại, liệu mình đã làm được gì?
Chi Anh sợ nhiều người đi theo lối mòn, không định nghĩa được sự tồn tại của bản thân, mình sống trên cuộc đời này làm gì? Chỉ để thỏa mãn chờ đợi của mọi người? Thực sự mình làm được gì khác biệt thì mới để lại dấu ấn khi mình ra đi.
Mình sống hướng về cái tốt, sống lành mạnh, bản thân mình "sạch" cả trong tâm trí lẫn cuộc sống nói chung: ăn uống sạch, sức khỏe tốt, tạo nên sự tích cự nhất cho bản thân và gia đình, từ đó ảnh hưởng được mọi người xung quanh, để họ cũng tìm được cách sống tốt hơn. Chúng ta ở đây là để giúp đỡ nhau, cái gì nếu đã giúp được cho bản thân, mình sẽ mang ra giúp người khác.
Mỗi lần Chi Anh chia sẻ cách sống trên mạng xã hội, các bạn trẻ rất thích. Nhiều bạn chia sẻ riêng với mình muốn ăn uống tích cực nhưng bị giới hạn bởi cái gì, sức khỏe ra sao, có những bạn khó khăn trong công việc, kinh doanh và cả học tập, họ đều đã tìm được câu trả lời cho chính mình.
Vấn đề người trẻ quan tâm và chia sẻ nhiều nhất với Chi Anh là gì?
Mọi người khá hoang mang và hay hỏi nhiều về cách sắp xếp thời gian để có thể tự nấu ăn, tự tập luyện hiệu quả. Họ bối rối làm sao thỏa mãn tất cả yêu cầu cuộc sống, cái gì làm được, cái gì không làm được. Cũng có nhiều người tự ti về bản thân, họ không thấy mình đẹp, bất mãn với cơ thể của mình.
Chi Anh buồn khi nhận được những chia sẻ như thế. Tại sao chúng ta phải đặt quá nhiều sự quan trọng về vẻ ngoài để khiến chính chúng ta bận tâm như vậy? Khi các bạn tự ti, các bạn không thể tỏa sáng trong cuộc vì luôn mặc cảm xấu về bản thân. Chi Anh cố gắng khích lệ bằng những bài viết để họ nghe và tự nhận ra chính mình trong đó. Mình không muốn nói chuyện trực tiếp, vì đó như cách mình đang chê trách họ.
Người trẻ thường đặt quá nhiều sự quan trọng vào lời phán xét của người khác, sử dụng mạng xã hội quá nhiều và đánh giá thấp về giá trị của bản thân. Họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hào nhoáng “ảo” do kẻ khác tạo ra, dẫn đến lệch lạc với thực tế, thay vì nỗ lực tìm thấy chính mình, có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống.
Bản thân Chi Anh thấy đâu là chìa khóa để chị có được cuộc sống như ngày hôm nay?
Mình sẽ luôn luôn không làm hết được những việc muốn làm. Bởi thế, để đạt được sự cân bằng trong cuộc sống, cần phải học cách chấp nhận. Mình chỉ có thể tập trung vào 1, 2 việc. Nếu hôm nay Chi Anh còn nhiều việc ở công ty, điều ấy không có nghĩa mình sẽ không đón con, không về nhà nấu cơm. Mình chấp nhận chỉ làm được đến thế thôi, ngày mai lại làm tiếp. Mình có những phân khúc thời gian rõ ràng thì sẽ không bao giờ xâm phạm phạm vi đấy. Những gì Chi Anh không làm xong, cứ mặc đấy, hôm sau tiếp tục. Sự cân bằng trong cách sống giúp Chi Anh nhẹ nhàng với chính mình hơn.
Thú thực trước đây mình là người tham công tiếc việc, thường hay tức tối vì không đạt được mục tiêu trong ngày, trong tháng. Nhưng bây giờ, mình tốt với bản thân mình hơn. Điều quan trọng nhất là, Chi Anh không nghĩ mình chỉ có từng ấy thời gian cho công việc. Mình còn cả cuộc đời để làm những việc mình muốn làm. Tuổi trẻ, mình làm việc hết mình, nhìn cuộc sống dài rộng hơn để không còn vội vã.
Quy tắc sống của Chi Anh khá rõ ràng, mình không làm bất cứ điều gì để tạo ra những cảm xúc tiêu cực cho bản thân. Điều đó có nghĩa mình sẽ không ở gần những người mình cảm thấy buồn phiền, không phải mình ghét bỏ họ hay họ làm hại ai, nhưng mình phải bảo vệ chính mình trước những thứ phiền lòng, tránh những năng lượng xấu khiến mình tự ti, đi xuống.
Kể cả với những người thân, khi bị cho vào tình huống, sự căng thẳng mình cũng cố gắng bước ra khỏi “mớ bòng bong” ấy. Nhiều khi chỉ đơn giản ra khỏi phòng, tới một chỗ riêng, sau đó quay lại với một năng lượng mới và bắt đầu nhìn lại vấn đè, học cách tha thứ.
Mình chỉ làm những gì đem lại hạnh phúc, cũng chả ai giúp được khi mình khó khăn. Bởi thế, tại sao phải cố làm những gì thỏa mãn người khác trong khi chưa thỏa mãn được chính mình? Mình làm được mình hạnh phúc thì mới giúp người khác hạnh phúc được.
Sau ngần ấy năm vấp ngã và tự học cách đứng dậy sau thất bại, Chi Anh thấy mình đã thực sự trưởng thành hơn?
Mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Khi mới bắt đầu kinh doanh, thời điểm hào quang nhất, rất nhiều điều mình làm là hướng về mong đợi của mọi người xung quanh. Mình cố gắng làm được tất cả những điều họ mong muốn ở mình. Mình từng nghĩ như vậy là thành công. Nhưng không, cái Chi Anh thực sự trưởng thành nhất, chính là học cách lắng nghe bản thân mình nhiều hơn, loại bỏ những cái tạp âm nhiễu, những cái gì không cần thiết, biết từ chối nhiều hơn, biết nói không nhiều hơn, bảo vệ những cái mình muốn giữ.
Trưởng thành hơn nữa là khi Chi Anh muốn tìm vẻ đẹp của chính mình. Thay vì trang điểm, mặc đồ hiệu thời trang, mình làm những điều thực sự yêu thích và đam mê. Khi mình sống tốt nhất cho mình, mình càng đẹp hơn. Nếu không thể trở thành chuẩn mực, cái đẹp của người khác, mình phải tìm cái đẹp tự thân, sống và làm việc hết công suất.
Và khi không có nhu cầu khẳng định bản thân, chúng ta sẽ quay sang làm những điều tốt nhất và thỏa mãn mình nhất, là chính mình!
Lời sau cùng chị muốn gửi tới những người trẻ?
Những người trẻ, các bạn hãy kiên nhẫn với cuộc sống, đừng đặt sức ép quá lớn cho mình là phải như ai đó, phải đạt được gì đó. Hãy cho mình thời gian tự tìm thấy con đường riêng một cách tự nhiên. Mọi thất bại hay thành công trong cuộc sống đều không ở bên mình mãi mãi, hãy đón nhận tất cả như một bài học, kể cả tan vỡ trong tình cảm, chia tay trong công việc,... Tất cả chỉ là kết thúc của từng chương sách, hãy nhẹ hàng hơn với những thay đổi trong cuộc sống, đừng quá đè nặng vào tâm lý của chính mình.
Chúc tất cả chúng ta, và cả Chi Anh, luôn thành công theo cách của riêng mình!
Cảm ơn Chi Anh về buổi trò chuyện ngày hôm nay!
Trí thức trẻ