Giới nghệ sĩ Việt Nam luôn là một lãnh địa bí ẩn nào đấy với công chúng. Đa số thường xa cách và có những định kiến cố hữu về những người làm nghệ thuật. Kiểu “nghệ sĩ hàn lâm" là làm ra thứ nghệ thuật không ai hiểu, có giá trị nhưng ít khán giả, còn “nghệ sĩ thị trường” là đông khán giả, giàu có, nhưng tác phẩm không có giá trị. Đa phần còn lại nhiều nghệ sĩ được liệt vào dạng……bay bay, không thực tế.
Nhưng nhắc đến Việt Tú, trường hợp hiếm hoi tạo dựng được tên tuổi trong giới nghệ thuật là bảo chứng cho những show diễn hoành tráng, tiệm cận với thế giới từ khi còn trẻ với tư duy hệ thống và khoa học. Anh thành công rực rỡ không chỉ trong sự nghiệp, mà còn là một người nghệ sĩ tạo ra được sự thừa nhận của cả khán giả, lẫn giới chuyên môn. Khiếu hài hước thiên phú và một bộ óc với kiến thức sâu sắc về nghệ thuật, đi kèm một sự nghiệp lẫy lừng với hàng trăm show diễn từ hoàn hảo đến hoành tráng - tất cả đã biến Việt Tú trở thành một cái tên độc nhất vô nhị của showbiz cũng như làng nghệ thuật Việt Nam.
Một người làm chúng ta có thể vừa yêu, vừa ghét, vừa khâm phục, vừa soi xét - nhưng sẽ không bao giờ có thể hoài nghi với thành công của anh, vì nó đến từ tài năng không thể phủ nhận, cùng một tư duy làm nghề hiện đại và sắc bén của một người đã đi khắp thế giới để học làm nghệ thuật.
Ở vế thứ nhất, Việt Tú là cái tên đồng nghĩa với sự tiên phong trong sáng tạo, những con số thống kê điên rồ và phù phiếm về kích thước sân khấu, số lượng thiết bị, kinh phí kỉ lục mà anh đã "đốt" trong suốt gần 20 năm sự nghiệp của mình có thể làm bất kỳ ai phải giật mình, nhưng chưa bao giờ làm nản lòng danh sách khách hàng kéo dài vẫn kiên nhẫn chờ đợi để có được cái gật đầu của anh.
Đối nghịch với sự phù phiếm đó, nhắc đến Việt Tú cũng là nhắc đến khái niệm "trình diễn thực cảnh" và những vở diễn thấm đẫm tinh thần dân tộc, không liên quan đến vế thứ nhất. Nhưng với Việt Tú mọi thứ bất thường, phi logic rơi vào tay anh lại trở nên hợp lý. Là một trong những nghệ sĩ ý thức về việc phải đi tìm cách định danh nhân dạng nghệ thuật của mình từ rất sớm, với Việt Tú, nghệ thuật dân tộc chính là chiếc chìa khoá vàng để anh tìm thấy nhân dạng ấy.
Anh đã chạm đến mọi đỉnh cao trong sự nghiệp của mình với những show diễn hoành tráng nhất, công phu nhất. Tại sao anh lại quyết định bẻ hướng, dấn thân vào con đường làm thực cảnh - vốn là một khái niệm quá mới mẻ và vất vả ở Việt Nam?
Thực ra không có gì là bẻ hướng cả, nó là kết quả của một quá trình dài hoạch định, nhưng tính tôi làm cái gì xong mới công bố, là một người khá duy tâm, nói trước bước không qua nên tôi thường không chia sẻ những gì mình chưa làm được có thể vì vậy mọi người thường bất ngờ với những thứ tôi làm.
Bên cạnh đó, người sáng tạo rất cô độc. Nhưng sự cô độc có một tác dụng khác, nó cho mình một sức mạnh kiên định để mình có thể thực hiện công việc của mình một cách rất tập trung. Tôi cũng cho rằng thật ra làm nghệ thuật cũng giống như mọi ngành nghề trong xã hội, yếu tố bất ngờ rất quan trọng. Hành trình về hướng Đông ấy, nó có ở trong con người tôi từ rất lâu rồi.
Quyết định đào sâu vào văn hoá Việt Nam là một con đường đầy thử thách, điều gì khiến anh có quyết tâm dấn thân một cách nghiêm túc và say sưa đến vậy?
Chúng ta có nền văn hoá dân tộc rất dày, nhiều tầng lớp, dân tộc chúng ta nhỏ về kích cỡ chứ không bé về văn hoá. Vì vậy việc đào sâu vào vỉa quặng văn hoá là con đường quan trọng nếu chúng ta muốn đi ra thế giới. Chỉ có văn hoá dân tộc và những gì liên quan mới làm chúng ta được tôn trọng và được nhận diện.
Có một câu chuyện như thế này, cách đây nhiều năm, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc để tiếp đón ông chủ tập đoàn thời trang xa xỉ Hèrmes đến Việt Nam, chúng tôi nghĩ nát óc mà không ra sẽ làm gì để tiếp ông ấy. Ông nghe chuyện và nói rằng: "Các bạn là như nào hãy tiếp chúng tôi như vậy, quan trọng hãy làm nó một cách thật kỹ càng và tử tế. Về cơ bản những gì ngon nhất trên thế giới chúng tôi đã ăn rồi, nhưng có nhiều thứ của dân tộc bạn chúng tôi chưa từng được thử, tôi thấy các bạn có dưa cà rất ngon, hãy lấy món dưa cà ấy bày biện thật đẹp vào bát đĩa Bát Tràng, và đó mới là lý do khiến tôi muốn đến với các bạn, sự khác biệt về văn hoá nhỏ hay to không quan trọng, quan trọng phải là thứ của mình và làm với lòng yêu văn hoá nhất định sẽ chạm tới cảm xúc của mọi người".
Câu nói đó khai mở rất nhiều điều trong con người nghệ sĩ của tôi.
Đó cụ thể là những điều gì?
Đã từng dành rất nhiều thời gian đi vòng quanh thế giới, thật sự tôi hiểu cảm giác cảm giác của một người đến từ một nước nhỏ khi ra biển lớn. Rất choáng ngợp, giấc mơ nghệ thuật tan như bong bóng xà phòng. Khi đó tôi luôn băn khoăn với câu trả lời vậy mình là ai, làm thế nào để được nhận dạng trong thế giới nghệ thuật bao la này? Câu trả lời chính là văn hóa dân tộc, đó là lý do tôi đào sâu vào mỏ quặng này, đó là tấm giấy thông hành để đi ra thế giới. Và câu nói của ông chủ tịch thương hiệu xa xỉ kia là một gợi ý lớn, muốn đi xa và được tôn trọng phải đi bằng văn hoá dân tộc mình, muốn được nhận diện thì đừng làm thứ giống như người khác.
Người làm nghệ thuật quan trọng nhất là nhân dạng, nhất là trong bối cảnh giờ đây tất cả đều đang làm những thứ đèm đẹp, giông giống, có thể thấy được ở bất kỳ đâu. Vì vậy tôi chọn cho mình một nhân dạng đó là nghệ thuật thực cảnh, và nghệ thuật dân tộc nhưng làm theo cách dùng những công cụ hiện đại để làm cho hấp dẫn hơn mà tôi gọi là "modern traditional".
Theo anh thì ngoài nhân dạng ấy thì thách thức lớn nhất với người làm nghệ thuật ở thời điểm này là gì?
Đó chính là khán giả, trước đây quyền tiếp cận thông tin mang tính chất nghề nghiệp như những show diễn lớn, các sự kiện nghệ thuật chỉ thuộc về một số ít các cá nhân làm nghề, nhưng bây giờ khán giả còn hiểu biết hơn cả chúng ta, họ hiện diện tại khắp các hàng ghế đầu trong các sự kiện hạng A trên toàn thế giới. Vậy chúng ta làm gì để vượt qua thách thức này? Một lần nữa đó lại là nhân dạng nghệ thuật.
Anh có nghĩ đó chính là một phần trách nhiệm của người nghệ sĩ không? Giai đoạn đầu họ sẽ làm việc để thoả mãn chính bản thân mình, nhưng càng về sau, họ càng nhận ra trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với văn hoá mình đang thuộc về?
Nói trách nhiệm cũng đúng, sứ mệnh cũng đúng, lẽ tất nhiên cũng đúng. Tôi thấy mình có nhân duyên với văn hoá dân tộc, bởi đó không chỉ là nơi nuôi dưỡng tôi mà còn là nhiều thế hệ của gia đình. Ông ngoại tôi từng là một đạo diễn sân khấu, mẹ tôi là diễn viên múa rối nước, bố tôi là đạo diễn đã từng ghi lại những thước phim cuối cùng của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Tôi lớn lên và có cuộc sống như ngày hôm nay cũng nhờ phần nhiều bầu không khí văn hoá mà tôi đã hít thở từ nhỏ. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được sinh ra trong một gia đình như vậy, và với sự tự hào của một người thuộc thế hệ thứ ba, tôi chắc chắn rằng mình cũng có trách nhiệm với văn hoá dân tộc, với hình ảnh đất nước. Và tôi cần làm điều đó một cách tử tế.
Tôi nghĩ rằng, đạo diễn Việt Tú vừa có sự thoải mái trong tư tưởng của một người đàn ông hiện đại, vừa có sự cực đoan đến tuyệt đối trong công việc. Hai thái cực tưởng như đối lập ấy tồn tại song song trong một người nghệ sĩ. Tất cả như chẳng liên quan gì đến nhau, thế là tạo ra Việt Tú!
Và con người nghệ sĩ của Việt Tú cũng thú vị như vậy. Không tuân theo quy chuẩn nào, cũng chẳng phải gồng mình bảo thủ với ai. Việt Tú sống một cách vô cùng thoải mái, nhưng gọt giũa sản phẩm nghệ thuật của mình với sự khắt khe của một nghệ nhân. Nghệ thuật với Việt Tú là trải nghiệm, là cuộc chiến với chính bản thân mình, nhưng vẫn phải…… chiều khách. Và thực tế đã chứng minh, con đường anh đi là thành công, là chuẩn mực cho những bạn trẻ đang dập dìu đứng trước ngưỡng cửa làng nghệ thuật, nửa muốn dấn thân, còn một nửa thì muốn….. thoả hiệp.
Sự thành công trong nghệ thuật rất mơ hồ, vậy sau một chặng đường dài, anh có nghĩ mình đã thành công? Và với anh, thất bại là gì?
Để đánh giá thành bại của một nghệ sĩ hãy để cho khán giả và đồng nghiệp, như vậy mới khách quan. Tôi rất sợ kiểu làm nghệ thuật tự phong, chứ mọi người không thừa nhận điều đấy. Vì vậy, không gì thay thế được sự ghi nhận của xã hội với người nghệ sĩ.
Với tôi, thất bại lớn nhất là sự bỏ cuộc. Bạn có đam mê, bạn có khát vọng làm một điều gì đó nhưng giữa chừng bỏ cuộc, thì đó là thất bại lớn nhất của cuộc đời con người.
Để thành công trong nghệ thuật, chúng ta không thể nào chống lại một thứ: Đó là số đông. Số đông quyết định tất cả. Nhiều người có xu hướng chống lại đám đông, nhưng tôi thấy có nhiều nghệ sĩ tài năng và được xã hội ghi nhận, cái giỏi của họ là làm cho đám đông nghĩ rằng họ theo đám đông, nhưng đám đông lại theo cái mà họ dẫn dắt, theo tôi đó là bậc thầy.
Cuối cùng, thành công rất quan trọng, nhưng thành công phải đi đôi với hạnh phúc vì đó mới là đích đến của tôi. Là một Phật tử, tôi suy nghĩ mọi việc theo cách như vậy.
Tìm hiểu và lắng nghe đám đông - theo anh đó là sự thoả hiệp hay một tư duy văn minh của người nghệ sĩ?
Thoả hiệp hay tư duy văn minh chỉ là cách chúng ta định nghĩa về cách mà nghệ sĩ giao tiếp với khán giả của mình. Nhiều người làm nghệ thuật nhưng lại mâu thuẫn, muốn đám đông chấp nhận mình, thích mình nhưng lại không chịu hiểu đám đông đó thực sự có cảm xúc với cái gì, thậm chí không tìm cách làm cho đám đông đó hiểu mình mà chỉ khăng khăng bắt mọi người phải cảm thấy thích thứ mình muốn. Khi khán giả không chấp nhận mình thì cho đó là họ không văn minh, không đủ tầm để hiểu, tôi cho rằng điều đó chỉ đẩy nghệ sĩ xa khỏi chính khán giả của mình. Nếu không làm nghệ thuật cho khán giả thì bạn làm nghệ thuật cho ai.
Tức là người nghệ sĩ luôn cần cởi mở để đón nhận những cái mới?
Chính xác, đó là bài toán mà hàng sáng tôi phải đứng trước gương và tự vấn bản thân về sự thích ứng, cứ mỗi khi cảm thấy mình chậm lại và không còn cảm hứng với những gì mới nữa, thậm chí xem một thứ mọi người làm mà thấy không thích, đó là lúc tôi bắt đầu giật mình và tự hỏi: Tại sao mình lại không thích? Mình không thích là do họ làm dở, hay mình không thích vì cái gout của mình, hay mình đã bị tụt hậu so với xu hướng của thời đại.
Con cái tôi nghe rất nhiều nhạc của thế hệ chúng tôi không hiểu, tôi nghĩ là do nhạc bây giờ của bọn trẻ dở hay chính mình đã cũ kỹ già nua. Vậy là tôi bắt đầu nghe cùng với con những gì con thích và tìm thấy từ chính ở đó tuổi trẻ của mình dưới một hình hài mới, rồi cuối cùng tìm được sự đồng cảm giữa hai thế hệ. Việc thích ứng với sự thay đổi của xã hội là rất quan trọng, và chỉ những người thích ứng được với sự thay đổi đó qua từng thời kì mới đi được con đường lâu dài, đặc biệt là trong sáng tạo nghệ thuật.
Vậy đối với anh, làm nghệ thuật khó nhất là gì?
Đây là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ, làm nghệ thuật khó nhất là tìm một con đường cho riêng mình. Trong thế giới phẳng này, bạn có thể xem quá nhiều thứ, quá nhiều bậc thầy, quá nhiều những gì của người đi trước. Internet mang đến rất nhiều tiện ích nhưng nó cũng mang đến rất nhiều thách thức, và dân nghệ thuật ăn đòn đủ vì thách thức đó nếu không kiên định. Vì vậy việc phải có một con đường riêng là tối quan trọng.
Bên cạnh đó, bạn chạm đến đích này rồi thì bạn phải hướng đến những đích khác. Người nghệ sĩ là như vậy, không bao giờ cho phép mình dừng lại. Tôi muốn được làm việc cho đến chết, khát khao của tôi là ngay cả khi 80 tuổi, tôi vẫn có thể ngồi nói chuyện với các bạn trẻ 19, 20 tuổi. Đây là ước vọng của cá nhân tôi, những gì tôi tìm kiếm, tôi suy nghĩ và hướng đến cái đích đó.
Có lẽ, Việt Tú là một trong những trường hợp rất hiếm ở Việt Nam – sau gần 20 năm làm nghề vẫn khiến người ta mong chờ những tác phẩm mới của mình bằng một sự tò mò và quan tâm. Đời tư thì kín đáo, nhưng tính cách thì thoải mái, luôn đề cao sự giản dị nhưng lại ăn vận như một fashion icon, sự mâu thuẫn và phi logic ấy của Việt Tú khiến anh nhận được sự chú ý đặc biệt của truyền thông và công chúng.
Hành trình tiếp theo của Việt Tú là gì? Tôi cũng không chắc, bởi người đàn ông này đã quả quyết không hé lộ ngay với cả người thân. Nhưng tôi tin rằng chừng nào còn những phương thức biểu đạt, chừng nào còn sân khấu, chừng nào còn nghệ thuật thì Việt Tú sẽ còn khiến ta phải bất ngờ, phải wow trước những gì anh ấp ủ, và bằng đôi tay, khối óc - anh biến chúng thành phép nhiệm màu trước đôi mắt ngẩn ngơ của chúng ta.
Điều gì ở nghệ thuật sân khấu vẫn giữ chân anh đến thời điểm này mà anh không trải nghiệm khác?
Nghệ thuật là cái nghiệp, còn sân khấu như một hộp đen vô cùng hấp dẫn của nhà ảo thuật, bạn có thể đưa tay vào trong sự trống rỗng ấy và lôi ra đủ mọi thứ, đấy chính là sự hấp dẫn của sân khấu. Bên cạnh đó, con đường phát triển của tôi giống mọi người đi trước trên thế giới, chuyển từ vai trò một người sáng tạo sang một nhà sản xuất, nghĩa là phải có tính hệ thống cao hơn. Người nghệ sĩ mà không có tính hệ thống thì sẽ đi rất nhanh đến sự đào thải và cùn mòn. Ý tưởng không phải là mãi mãi, bạn phải tìm cách làm sao để đặt sự sáng tạo lên một hệ thống vững chắc, để nó luôn phải được phát triển trong môi trường lý tưởng.
Ở thời điểm hiện tại "trình diễn thực cảnh" đang là một trend, vậy hãy một chút về những vở diễn thực cảnh đình đám của anh trong thời gian vừa qua mà gần đây nhất là vở Chùa Hương xưa và nay, anh có thể chia sẻ một chút về quá trình thực hiện về tầm nhìn của mình với nghệ thuật đầy mới mẻ này?
Trình diễn thực cảnh là một con đường dài với những trải nghiệm khó quên của tôi, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Từ 2006 khi lần đầu tiên đến Đài truyền hình CCTV, được họ đi xem chương trình của Trương Nghệ Mưu, nó như một gợi ý để mở ra cho mình một cánh cửa để không chỉ làm văn hoá đân tộc, mà còn làm văn hoá dân tộc theo cách của Việt Nam. Đến 2009, khi tôi đến xem một triển lãm của nghệ sĩ Chu Lượng về 1000 con rối nước, có gì đó chạm vào bộ não của tôi. Khi đấy, tôi đã nghĩ: Có lẽ đây chính là con đường của mình. Tôi về và viết một kịch bản rất nhiều chữ trong vô thức, với những lý thuyết rất cơ bản: Tận dụng thiên nhiên vừa và nhỏ để biểu diễn. Dùng chất liệu gốc của vùng đồng bằng văn hoá châu thổ sông Hồng, vốn là văn hoá gần như rất ít bị pha tạp, trong đó có rối nước.
Để rồi, đến năm 2015, tôi gặp các nhà đầu tư của mình. Và họ đưa cho tôi một đề nghị mà tôi cho rằng là tuyệt vời nhất với người nghệ sĩ: Đó là hãy làm cho tôi cái gì đấy bán được vé cho du khách toàn cầu, nếu cam đoan điều đó tôi sẽ đầu tư lớn cho những ý tưởng điên rồ anh có thể nghĩ ra. Tôi đã đồng ý ngay lập tức. Vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam "Thủa ấy xứ Đoài" đã ra đời như vậy.
Còn về Chùa Hương Xưa - Nay, đó là một nhân duyên lớn. 2008 tôi được đạo diễn một chương trình về nghệ thuật Phật giáo - Lễ khai mạc và bế mạc đại hội Phật giáo toàn thế giới Vesak tại Việt Nam. Đúng 10 năm sau đó, một ngày đẹp trời năm 2018, Thầy trụ trì Chùa Hương là sư phụ của tôi gọi đến và bảo: Anh nghĩ câu chuyện mà chúng ta bàn với nhau nhiều năm trước về vở diễn về chùa Hương trên suối Yến đi là vừa. Mọi thứ diễn ra rất thuận, chỉ có điều thách thức thì ngoài dự kiến của tôi, từ việc tập luyện 112 con đò với gần 400 người dân địa phương. Nhưng khủng khiếp nhất là cơn bão Mangkhut đi thẳng vào Việt Nam trong thời điểm đó, chắc chắn chương trình sẽ không thể thực hiện được với diễn biến thời tiết như vậy. Trong giây phút cuối cùng, bão tan, trời yên biển lặng mới ngộ ra nhiều điều kỳ diệu, mà nếu không có đạo chúng ta chỉ có thể lí giải là điên rồ.
Thế anh đã và đang ấp ủ về những điều điên rồ hơn của mình chưa?
Về mặt bản chất với nghệ thuật tôi chưa bao giờ là không điên rồ cả, chẳng qua là nó được ẩn giấu đâu đó trong con người mà tôi sống hàng ngày. Tôi không có thói quen chia sẻ, đặc biệt là với những người xung quanh, đôi khi, bố mẹ tôi phát cáu vì thấy tôi không có nhu cầu chia sẻ với gia đình. Nhưng ngay cả những người gần với tôi nhất cũng không biết gì, trừ ekip, chỉ đơn giản tôi muốn tập trung tuyệt đối năng lượng cho những việc mình làm.
Đối với anh, anh có nghĩ là mình đã đạt được mọi thứ mình muốn trong sự nghiệp?
Tôi còn phải cố gắng nhiều trong sự nghiệp và cuộc sống. Những gì có được ngày hôm nay không phải vĩnh viễn, nếu muốn ngày mai của nhiều năm tới đây giống được hôm nay phải hiểu điều cần làm là sự cập nhật.
Tôi sợ nhất những người ôm lấy quá khứ và nghĩ về nó quá lâu. Tôi cũng từng trải qua những giây phút như vậy, đến khi giật mình phát hiện mình hài lòng với thứ mình có lâu quá. Cú giật mình ấy cũng lấy đi của tôi khoảng chừng 1-2 năm gì đấy, tôi đã rất vất vả để quay lại guồng sáng tạo. Nhưng thời gian ấy rất giá trị với bản thân, nó là một bài học lớn, leo lên đỉnh núi đã vô cùng khó, để trụ lại thì càng khó hơn, nhưng trượt một con đường dài xuống xuống gần đáy rồi bò ngược lại được đó là sự may mắn không phải ai cũng có được.
Vậy lúc đó anh làm thế nào để vượt qua?
Lúc đấy, tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình có thất bại thì mình sẽ có một kết quả thất bại cần chấp nhận nó, chứ không phải thất bại vì bỏ dở giữa chừng. Tôi có cảm giác, khi ta càng gần thất bại, thì ta cũng càng gần với thành công. Với một suy nghĩ lạc quan, hiểu đúng bản chất sự việc, quan trọng nhất là may mắn, ta sẽ vượt qua thử thách. Không có gì dễ dàng, nếu không nhìn nhận vấn đề một cách trực diện thì sẽ không bao giờ đến được đích, chỉ khi đón nhận mọi thứ theo một tâm thế vững tin - một tinh thần Thiện thì sẽ vượt qua được mọi thử thách.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện ngày hôm nay và chúc anh ngày càng có nhiều dự án thú vị nữa trong tương lai.
Trí Thức Trẻ