img
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 1.

Đặt cược vào AI và bán dẫn, cũng đầu tư nhà máy AI ở Việt Nam và Nhật, FPT đã có những sản phẩm nổi bật gì để "vươn mình" cùng kỷ nguyên AI?

FPT xác định rõ ràng hướng đi trong lĩnh vực AI với những sản phẩm thực tế và đã có mặt tại thị trường trong nước và quốc tế. Một sản phẩm AI của FPT đã có thể thay thế 200 nhân viên giao dịch ngân hàng, hay thậm chí thay thế cả 100 nhân viên trong một số công việc khác.

Sản phẩm này đã được bán ra hàng chục quốc gia và đã được sử dụng bởi hàng chục nghìn người. Mặc dù doanh thu từ sản phẩm AI hiện tại chỉ vài triệu USD/năm, nhưng đây là bước khởi đầu tốt.

Bên cạnh đó, FPT đang phát triển các sản phẩm AI giúp nâng cao năng suất lao động, ví dụ như AI thay thế lập trình viên, giúp tăng năng suất lên đến 30%. Sản phẩm này sẽ tiếp tục được phát triển để thay thế cho người kiểm định chương trình phần mềm. Khi một sản phẩm AI được hàng chục nghìn người FPT sử dụng và thử nghiệm thì đó sẽ là môi trường cực tốt cho việc phát triển và có khả năng trở thành sản phẩm đứng đầu thị trường thế giới.

Trên thế giới, có nhiều người cũng làm ra công cụ AI để thay thế lập trình viên và người kiểm nghiệm chương trình nhưng lại không có môi trường để thử nghiệm. Còn các công ty vừa có môi trường thử nghiệm, vừa có thể tự phát triển sản phẩm AI như FPT là rất ít. FPT có cả hai nên cơ hội là rất lớn.

Việc hợp tác với NVIDIA cũng mở ra cơ hội lớn cho FPT trong việc phát triển và cung cấp các thư viện AI (libraries) cho lập trình viên toàn cầu, giúp công ty kiếm tiền từ các module, hàm thư viện, và phần mềm hỗ trợ.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 2.

Nhưng với quy mô doanh thu của các sản phẩm AI đem lại còn nhỏ như vậy thì làm sao tạo động lực cho FPT có thể vươn mình hay bùng nổ được?

Mặc dù doanh thu trực tiếp từ sản phẩm AI hiện nay vẫn còn khiêm tốn, nhưng AI đã và đang đóng góp một phần quan trọng trong các hợp đồng lớn. Trong các dự án lớn như hệ thống y tế, AI có thể chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại là yếu tố quyết định để có thể giành được hợp đồng.

Chẳng hạn, trong hệ thống y tế, FPT đã triển khai AI để chuyển đổi âm thanh (tiếng Anh) thành văn bản, giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian. Sản phẩm này đang được sử dụng trong các bệnh viện ở một số nước kinh tế phát triển. AI không phải là yếu tố duy nhất nhưng lại là mắt xích quan trọng giúp hoàn thiện các hệ thống lớn trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông và quốc phòng.

FPT nhìn nhận AI không phải là yếu tố độc lập, mà là một phần lõi quan trọng trong các giải pháp tổng thể, từ đó giúp công ty giành được các hợp đồng lớn và mở ra cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 3.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 4.

FPT là công ty làm phần mềm lớn nhất Việt Nam, với nhiều sức mạnh được tích luỹ mà doanh thu từ AI chỉ vài triệu đô. Vậy thì những doanh nghiệp công nghệ hay phần mềm khác nếu đặt cược vào AI, làm sao có thể tạo ra doanh thu lớn hay trở thành động lực cho sự vươn mình của kinh tế đất nước được?

Như tôi thấy, quy mô thị trường cho công nghệ thông tin và AI ở Việt Nam chắc đâu đó là 2-3 tỷ USD. Thế thì nếu là một công ty tham vọng mà chỉ chiếm một góc trong đấy, sẽ rất bé. Muốn thành công lớn, phải quyết tâm ra nước ngoài.

Bất cứ ai gặp tôi, tôi cũng đều khuyên ra nước ngoài. Có bạn trẻ gặp tôi, nói: "Bọn em là một nhóm từ hãng này, hãng kia rất lớn ở Mỹ, làm AI…". Khi tôi hỏi đang tìm kiếm thị trường ở đâu, các bạn ấy nói muồn tìm về thị trường Việt Nam. Tôi mới nói: "Thế thì em đi ngược rồi! Trong nước muốn làm phần mềm để ra nước ngoài, chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Em đang ở Mỹ lại mang sản phẩm về bán trong nước thì khó. Trong nước bé lắm. Em muốn thành công, em phải bán ở chính thị trường Mỹ…".

Riêng trong xuất khẩu phần mềm thì số lượng doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế tương đối nhiều. Thậm chí, số tiền các doanh nghiệp này kiếm được ở thị trường nước ngoài còn lớn hơn nhiều thị trường trong nước. Ví dụ như doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT năm 2024 là 1,25 tỷ USD, thì các doanh nghiệp còn lại cộng vào cũng phải hơn 5 tỷ USD. Trong khi đó, tổng doanh thu ở trong nước chưa chắc được 1 tỷ USD.

Tôi có niềm tin rằng các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ càng ngày càng lớn mạnh. Còn trước đây, khi FPT bắt đầu làm xuất khẩu phần mềm thì không một ai tin cả. Người ta không tin là Việt Nam làm được phần mềm xuất khẩu, nhưng đến bây giờ FPT làm được rồi. FPT đã mở ra một con đường để các doanh nghiệp sau này tự tin hơn khi tiến ra thị trường thế giới.

Vấn đề là phải có nhiều người, nhiều người nữa đi theo con đường đấy thì chắc chắn Việt Nam sẽ "vươn mình". Bởi lẽ, năng suất lao động của lĩnh vực công nghệ nói chung cao hơn rất nhiều. Như tại FPT Software, trung bình doanh thu một người tạo ra là 44.000 USD, trong khi đó GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 4.600 USD - cao gần gấp 10 lần. Nếu chúng ta tạo ra được 1 triệu người với năng suất như vậy thì sẽ có 44 tỷ USD. Đây cũng chính là lời giải để Việt Nam không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 5.

Nhiều năm trước, trong cuốn "Khát vọng Việt", ông từng đề cập đến những điểm yếu cố hữu khiến Việt Nam còn nghèo, mà một nhân tố là "doanh nhân có tư duy nhỏ, ít có máu chinh phục, kinh doanh quốc tế hay khát vọng toàn cầu hóa". Đến nay, ông thấy điều này có gì thay đổi?

Cách đây 8 năm, tôi từng nói rằng "người Việt quanh quẩn xó nhà, không dám ra nước ngoài". Thế nhưng bây giờ có thay đổi rồi, tinh thần đó đã mạnh hơn trước nhiều. Ngoài các công ty công nghệ thông tin tích cực ra nước ngoài thì tiêu biểu có Viettel Global rất thành công; ngoài ra còn có VinFast quyết tâm đi Mỹ, Indonesia, Ấn Độ...

Gần đây có một công ty của Tập đoàn Dầu khí – PTSC (Công ty Cổ phần Dịch vụ Khai thác Dầu khí) đã trúng thầu và ký hợp đồng với Tập đoàn Orsted – Đan Mạch (tập đoàn điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới) để chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió cho dự án trang trại điện gió ngoài khơi, trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Về tiêu chí "dám ra nước ngoài" thì có thể Việt Nam không bằng mấy quốc gia Đông Bắc Á nhưng so với Đông Nam Á thì thậm chí chúng ta còn khá hơn. Doanh nghiệp làm phần mềm mà ra nước ngoài chỉ mỗi Việt Nam làm được chứ trong khu vực Đông Nam Á chưa ai làm được. Nếu tính riêng thị trường Nhật Bản, số lượng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện diện ít nhất là 500 công ty.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 6.

FPT cũng hay bị nhận định là "nổ", "chém gió" đặc biệt là khi nói về cơ hội phát triển (trước đây là xuất khẩu phần mềm, nay là AI, bán dẫn). Ông nghĩ gì khi nghe người khác nói vậy?

Tôi nghĩ chuyện đó rất bình thường. Thông tin đầu vào của họ khác thông tin đầu vào của tôi, anh Bình (ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT) hay những người FPT nên dự đoán về tiềm năng và cơ hội của đất nước sẽ rất khác nhau. Họ không có những thông tin mà tôi hay người FPT biết. Có nhiều thông tin chúng tôi cũng không chia sẻ hết hoặc không chia sẻ được, và có thể là lúc chia sẻ họ cũng không nghe nên không nhìn thấy.

Ví dụ như nhiều người đâu có cơ hội gặp và làm việc với Jensen Huang, lãnh đạo Google, Meta như anh Bình. Anh ấy còn có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo của nhiều tập đoàn sản xuất chip của Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan... Hoặc đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Bắc Âu 50 người đến Việt Nam làm việc, tới nhà anh Bình ăn tối và trò chuyện.

Nếu những người nói chúng tôi là "nổ", là "chém gió" có được thông tin từ những cuộc gặp đó và cũng làm trong ngành này đủ lâu, đủ lớn như FPT thì có thể sẽ có góc nhìn khác.

Chúng tôi hiểu điều đó nên chỉ cố gắng truyền tải đến những người cần thiết, chứ không cần tất cả mọi người phải tin. Với những người không làm hoặc không liên quan, tin thì tốt, không tin cũng chả sao. Mình chỉ cần những người làm tin thôi.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 7.

Ông Trương Gia Bình được mệnh danh là "người tạo ra nhiều triệu phú đôla nhất Việt Nam" vào thời điểm cổ phiếu FPT được niêm yết (khoảng 170 triệu phú). Bây giờ, FPT đã trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán nhưng lại không có tỷ phú đôla nào. Vậy trong tương lai FPT có khả năng tạo ra tỷ phú đô la không?

Thực ra, FPT không muốn nói về điều này, nhưng tôi nghĩ có lẽ vấn đề này không cần phải bàn. Chúng tôi tin sâu sắc vào điều đó. Vậy tại sao FPT hiện là công ty tư nhân có vốn hóa lớn nhất Việt Nam mà lại chưa tạo ra tỷ phú đôla nào?

Lý do là khi cổ phần hóa, anh Bình nói với chúng tôi rằng tiền không phải là điều quan trọng nhất với anh. Vì thế, anh Bình chỉ mua khoảng 7-8% cổ phần FPT và những người đứng phía sau thì tùy theo thứ bậc sẽ được mua tỷ lệ ít hơn.

Cuối cùng, FPT đã chia sẻ cổ phần đến tận cả bảo vệ và lái xe. Khi FPT lên sàn chứng khoán vào tháng 12/2006, tạp vụ mua được chung cư, lái xe mua được nhà 3 tầng ở khu đô thị mới… Chúng tôi đã chia cổ phần cho rất nhiều người và từ 18 năm trước, FPT đã tạo ra khoảng 170 triệu phú đôla. Chưa có một công ty nào tạo ra nhiều triệu phú khi lên sàn như vậy.

Nếu FPT không chia cổ phiếu cho rất nhiều người và lãnh đạo giữ lại nhiều hơn - ví dụ như anh Bình giữ khoảng 20% cổ phần, thì bây giờ đã có tỷ phú đôla rồi.

Cũng có người nói rằng, chính vì FPT chia sẻ cho nhiều người như vậy nên họ mới nhiệt tình làm việc, đóng góp và công ty mới có được sự thành công như ngày nay. Bởi nếu lãnh đạo giữ quá nhiều, nhân viên sẽ không nhiệt tình làm việc và FPT cũng không được như thế.

Nhưng tôi không nghĩ vậy. FPT vẫn có thể giữ được phần cao hơn cho những người có trí tuệ, những nhân sự cốt cán thật sự và không chia cổ phần cho những vị trí không quan trọng như bảo vệ, lái xe hay nhân viên tạp vụ, mà không ảnh hưởng đến động lực làm việc của nhân viên hay sức mạnh của FPT.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chia cổ phiếu cho những người ở vị trí thấp nhất khi công ty lên sàn dù họ không tác động đến sức mạnh chiến đấu của công ty vì chia sẻ lợi ích là triết lý của FPT. Đó cũng là lý do FPT có thể phát triển mạnh và bền vững từ khi lên sàn đến tận bây giờ.

Xin cảm ơn ông!

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo nêu ra điểm tựa ‘thoát bẫy thu nhập trung bình’ cho Việt Nam và cơ hội xuất hiện tỷ phú đôla tại FPT- Ảnh 8.

Quỳnh Anh - Hoàng Ly
Hải An
Việt Hùng

PV

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên