TÔI CHƯA TỪNG NGHĨ MÌNH PHẢI GIỐNG AI
Từng làm ngân hàng nhưng bỏ ngang và không đi theo ngành của bố mình, cũng không làm trong lĩnh vực của ông bố vợ nổi tiếng (doanh nhân Đào Hồng Tuyển), vì sao anh không tận dụng cơ hội là “người kế nghiệp”?
Bố tôi là kiểu phụ huynh truyền thống, thấy mình làm nghề này có thành công nhất định thì cũng muốn con mình đi theo. Tuy nhiên, bố tôi cũng không áp đặt hay bắt buộc dù lúc đầu tôi chủ động đi theo nghề đó (ngân hàng).
Tôi thích nhiều thứ nhưng thấy là muốn làm gì thì cũng phải có điều kiện kinh tế tốt. Vì thế, tôi học kinh tế, tài chính và làm việc trong ngành đấy thời gian đầu để có hiểu biết, kinh nghiệm tạo nền tảng cho sau này làm những thứ mình thích. Thực tế là học về tài chính, có thời gian làm chuyên môn giúp ích cho tôi rất nhiều việc sau này.
Điều mà anh thích trước khi chọn ngành ngân hàng là gì?
Tôi thích những thứ mang tính sáng tạo, liên quan đến con người nhiều hơn là con số. Còn về việc không thể chọn ngay thứ mình thích là bởi trước đây không có đủ điều kiện để phát triển những thứ mình thích làm.
Anh có bao giờ nghĩ mình sẽ làm kinh doanh thành công như 2 ông bố của mình không?
Tôi chưa từng nghĩ là phải giống ai và luôn tin là mình sẽ thành công, dù đến bây giờ cũng chưa phải là người thành công (cười).
Thành công theo định nghĩa của anh là gì?
Thành công là được làm điều mình muốn và có kết quả với việc đó.
Đến bây giờ anh thấy kết quả của mình được đo ra sao?
Nếu ở thang điểm 10 là thành công thì mình mới được 5,5 điểm.
Cuộc sống hơi khác sau
“Bố ơi mình đi đâu thế?”
Tham gia chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi mình đi đâu thế?” là anh muốn nổi tiếng hơn hay có lý do nào khác?
Trước đây tôi không để ý tới chương trình đó, nhưng các con tôi thì rất thích từ khi xem phiên bản Hàn Quốc. Đến lúc Việt Nam có mùa đầu tiên thì bọn trẻ càng thích hơn và cứ bảo là nếu được bố mời thì cho bọn con đi nhé.
Và sau đó tình cờ thế nào lại được anh Đỗ Thanh Hải giám đốc VFC mời tham gia mùa 2. Tôi thấy đó là một cơ hội tốt để bố con có trải nghiệm cùng nhau. Rất tiếc là chương trình chỉ cho 1 trong các bé đi thôi, và lúc đầu thì những bé còn lại cũng hơi buồn (Đỗ Ngọc Minh có 4 con – 3 trai, 1 gái). Tôi phải giải thích với các con lý do là không phải ai hơn ai kém mà là chương trình chọn lứa tuổi phù hợp (5-7 tuổi) thì các cháu không được chọn mới vui vẻ lại.
Lí do tham gia chương trình thì thuần tuý là vì muốn các con vui chứ không phải vì muốn nổi tiếng.
Tham gia “Bố ơi mình đi đâu thế?” ảnh hưởng đến những khoảng thời gian khác của gia đình và công việc như thế nào?
Thời gian thì không phải là tốn, bởi mùa 2 kéo dài 46 tập nhưng nhà sản xuất quay thành 8 hành trình, mỗi hành trình cách nhau khoảng 1-1,5 tháng. Một hành trình quay đi khoảng 3-4 ngày và chương trình bố trí vào cuối tuần, dịp nghỉ để không ảnh hưởng đến trẻ con đi học. Mỗi đợt quay họ dựng thành 7-8 tập, nên người xem có cảm giác liên tục, chứ với người chơi là nhiều đợt khác nhau.
Vì thế, về mặt thời gian cũng coi như dành cuối tuần đi chơi với Totti (cậu con trai), không đến nỗi ảnh hưởng tới công việc.
Anh thấy mình có thay đổi gì sau khi tham gia chương trình truyền hình thực tế đó?
Trước đây tôi luôn nghĩ là nên dành nhiều thời gian cho trẻ con nhưng nhà đông con, nhiều khi nghĩ là một chuyện nhưng công việc cứ cuốn đi và không thể nào dứt hẳn ra một mình với bọn trẻ, hoặc với một đứa. Trước đây, nếu vợ bận, tôi vẫn cùng 3 cậu con trai đi du lịch xuyên Việt, dừng lại ở 3-4 nơi; hoặc đi nước ngoài 2 tuần thì bố con cũng có thời gian bên nhau nhiều hơn.
Nhưng sau khi tham gia “Bố ơi mình đi đâu thế?” với riêng Totti thì cảm giác khác hẳn. Tôi nhận ra rằng, với gia đình đông con thì vẫn cần các khoảnh khắc mà bố hoặc mẹ chơi, chia sẻ với từng đứa con một chứ không phải cả với 3-4 đứa. Ngoài nhu cầu cộng đồng, mỗi đứa trẻ vẫn cần chơi riêng với bố mẹ và có nhiều thứ đứa trẻ chỉ bộc lộ khi chơi một mình với bố hoặc mẹ mà thôi.
Bình thường là một doanh nhân nhưng khi tham gia “Bố ơi mình đi đâu thế?” thì anh giống như một nhân vật showbiz. Cảm giác của anh như thế nào?
Không thoải mái lắm mặc dù tôi làm ngành thời trang nên cũng liên quan đến showbiz nhiều. Trong công việc, tôi là người tổ chức và đứng ở hậu trường. Còn trong chương trình này thì lại là nhân vật ở phía trước.
Sau khi tham gia, cuộc sống của tôi có những cái hơi khác như đi ra đường được mọi người nhận ra, kéo lại chụp ảnh, gọi tên... vui thì có vui nhưng nhiều lúc cũng phiền. Được cái mãi rồi cũng quen, giờ cũng không thấy có vấn đề gì nữa. Ngoài ra, nhiều người biết đến tôi nhờ xem chương trình nên khi tiếp xúc ngoài đời dù lần đầu họ cũng có cảm giác thân thiện hơn.
Các doanh nhân giờ thường sinh ít con nhưng anh lại có tới 4 đứa. Vì sao vậy?
Tôi và vợ không có kế hoạch sinh nhiều con như thế. Thực ra, 2 vợ chồng lấy nhau rồi còn đi chơi, đi học tới 3 năm mới có bé đầu tiên. Có rồi thì cũng không có ý định phải có thêm bé thứ 2 nhưng nói chung các bé sinh ra đều theo kiểu ngẫu nhiên, có thì giữ và đẻ ra thì càng đẻ càng vui thôi.
Vậy người sinh các bé thì sao?
Vợ tôi rất thích trẻ con và cũng thoải mái với chuyện nhiều con. Và tôi cũng thấy là nhà nhiều con thì bọn trẻ cũng tự giác hơn. Sau cậu đầu, hai năm rưỡi nữa đến cậu thứ 2, và cũng sau từng đó thời gian có cậu thứ 3. Từ khi có cậu thứ 2 rồi thứ 3 thì tính cách của cậu đầu và cậu thứ 2 cũng dần thay đổi theo hướng là phải chủ động hơn…
Con không nhất thiết phải giống mình thì mới thành công
Trong một lần trả lời phỏng vấn anh nói là “mình muốn làm một ông bố chuyên nghiệp”. Điều này có hơi kịch quá không trong khi anh vẫn phải dành thời gian rất nhiều cho việc kinh doanh?
Thực ra là không quá đâu, tôi vẫn nghĩ như thế. Đến một lúc nào đấy tự nhiên mình thấy là mỗi người đàn ông thì đi qua cuộc đời đều muốn có di sản để lại, khác nhau là có người chọn cách này có người chọn cách kia. Và với tôi, chọn di sản của mình là những đứa con thành công (thậm chí là hơn mình) không phải là một lựa chọn tồi, thậm chí rất hay.
Nếu so sánh với 2 ông bố rất thành công trong sự nghiệp thì việc anh muốn trở thành “một ông bố chuyên nghiệp” có khiến cho phụ huynh của mình buồn không?
Nhận thức của nhiều người, nhất là ở Việt Nam thì sự thành đạt phải do cá nhân người đó tạo ra. Nhưng là người có các ông bố nổi tiếng và thành đạt, tôi hiểu rằng họ và những người như họ cũng luôn trăn trở là sự nghiệp để lại cho con mình thì nó đủ khả năng duy trì sự nghiệp đó hay không? Trong một số trường hợp, có thể dùng từ “vật vã” về chuyện muốn con mình phải thế này mà cuối cùng nó lại thế khác.
Cái chính là các ông bố ấy không hiểu một điều rằng con mình nó khác mình và không nhất thiết nó phải giống mình thì mới thành công. Và kể cả ép nó giống mình và thành công nhưng không phải theo cách nó muốn hoặc hạnh phúc thì không thực sự tốt.
Tạo ra những đứa con khoẻ mạnh, tử tế, không cần thành công hoành tráng, nhưng làm được những điều tốt trong khả năng và năng khiếu của nó thì còn tốt hơn là tạo ra những đứa trẻ rất thành công nhưng lại mang trong mình nhiều ẩn ức về tâm lý, tính cách.
Có những người trông rất thành công nhưng phải trả giá bằng đủ thứ thủ đoạn, chiêu trò, mánh lới, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại cho xã hội hay thậm chí là cho chính gia đình của người ấy thì những thành công theo nghĩa đó có gì là đáng ngưỡng mộ đâu.
Những doanh nhân hay vận động viên góp mặt ở cuộc đua khắc nghiệt bậc nhất thế giới (Ironman 70.3) tại Việt Nam đều là người nổi tiếng thích chơi các môn thể thao mạo hiểm, tập luyện thường xuyên, còn anh thì không. Vì sao anh lại tham gia và hoàn thành được cả 3 phần thi (bơi 2 km, chạy 21 km, và đạp xe 90 km)?
Thực tình thì từ bé tôi cũng luôn từng mơ chạy hết một cuộc thi marathon (42 km), nhưng đó chỉ là suy nghĩ rất xa vời, giống như kiểu việc một lúc nào đấy sẽ làm nhưng chẳng bao giờ làm cả.
Mình cũng không phải là người tập luyện nhiều. Trước khi tham gia Ironman 70.3, mình cũng chỉ tập như bình thường thôi, chạy khoảng 3 km là mệt rồi.
Nhưng hôm vô tình gặp lại anh Bằng Trịnh (một investment banker và là nhà tổ chức đưa Ironman 70.3 về Việt Nam) thì mọi việc thay đổi. Trước đó mình không nghĩ anh ấy là người thể thao. Thật không ngờ là anh Bằng Trịnh đã đi thi, còn đoạt giải thưởng lớn trong cuộc thi Ironman ở nước ngoài, và mình rất khâm phục.
Và khi thấy có ở Việt Nam thì mình cũng muốn thử. Thời điểm đó, mình có cảm giác đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên (sức khoẻ giảm sút lại uống bia rượu nhiều) nên muốn có sự đột phá nào đó. Mình lên mạng và tìm một chương trình tập luyện trong 16 tuần để chuẩn bị cho cuộc thi Ironman. Nhờ kiên trì tập theo chương trình đó (dù không triệt để lắm) nhưng rồi mình cũng làm được.
Và sau khi hoàn thành cuộc thi, mình nhận ra là mọi thứ đều ở trong đầu mình hết. Khi chạy dài, bao giờ cơ thể mình cũng có phản ứng là “mệt rồi, nghỉ đi” để bảo tồn năng lượng; nhưng khi vượt qua được ý nghĩ “mình phải nghỉ” và cho rằng “chuyện này mình làm được” thì sẽ rất dễ.
Người bận rộn như anh sẽ dành thời gian cho vợ con như thế nào?
Cũng giống như những người khác thôi. Dành thời gian cho vợ con không có nghĩa là ngày nào cũng gặp nhau và dành thời gian chơi với nhau. Những ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ, tôi và vợ cố gắng dành hẳn thời gian chỉ đi chơi với con, làm chung, chơi chung… không bị ảnh hưởng bởi công việc và điện thoại.
Tôi nghĩ chất lượng quan trọng hơn số lượng, nên xác định thời gian gặp nhau không cần quá nhiều nhưng gặp thì nên toàn tâm toàn ý. Sau giờ làm việc, về nhà có khi chỉ gặp nhau hơn nửa tiếng thì trẻ con đi ngủ nên trong thời gian đó sẽ tập trung nói chuyện, chia sẻ với nhau chứ không ôm điện thoại hoặc xem tivi.
Khi chạy dài, bao giờ cơ thể mình cũng có phản ứng là “mệt rồi, nghỉ đi” để bảo tồn năng lượng; nhưng khi vượt qua được ý nghĩ “mình phải nghỉ” và cho rằng “chuyện này mình làm được” thì sẽ rất dễ
Photographs by: Kiên Trần
Designed by: 7pm
Developed by: Hà Trần
Theo Trí Thức Trẻ