Không lâu sau đó, đúng vào lúc hào quang còn đang rực rỡ nhất, người đẹp Nguyễn Thu Hương lại quyết định "rẽ lối" sang kinh doanh. Khán giả có phần hẫng hụt khi thấy cô ít xuất hiện trên truyền hình, nhưng giới doanh nhân lại có thêm một gương mặt mới mẻ, tài năng và đầy nhiệt huyết. Chia sẻ với báo giới, có lần doanh nhân Nguyễn Thu Hương tâm sự: "Kinh doanh là bản năng của tôi, nhưng tiền không phải là đích đến duy nhất". Quả thật, xuyên suốt sự nghiệp của cô, người ta sẽ nhận thấy, đó là một hành trình đầy ý nghĩa, nhằm góp phần kiến tạo giá trị để phát triển cộng đồng và tôn vinh phụ nữ.
Là người Việt Nam đầu tiên sáng lập Mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế (WLIN), mục tiêu của doanh nhân Nguyễn Thu Hương là tạo ra một "sân chơi" cho các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, gắn kết những người phụ nữ tài năng để cùng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và hướng tới việc chinh phục đỉnh cao mới.
Đăng quang Hoa khôi Thể thao năm 1995; năm 2000, được biết tới với vai diễn để đời trong bộ phim "Cô thư ký xinh đẹp"; rất nhiều người nghĩ rằng chị sẽ chọn trở thành một MC xinh đẹp, một diễn viên tài năng hay người mẫu nổi tiếng. Tại sao chị lại chọn kinh doanh – một con đường đầy gai góc?
Tôi nghĩ rằng kinh doanh đã nằm trong "máu" của mình. Tôi được thừa hưởng sự nhạy bén và tháo vát từ mẹ, nên luôn nhìn thấy "cơ hội" kiếm tiền ở mọi nơi. Có thể mọi người thấy khó tin, nhưng tôi đã bắt đầu "sự nghiệp buôn bán" ngay từ khi 6 tuổi. Khi đó mẹ tôi mới sinh em bé, trong nhà có rất nhiều giấy vệ sinh để phục vụ việc chăm sóc em. Tôi thấy loại giấy đó hút nước rất tốt nên nảy ra ý nghĩ cắt giấy vệ sinh thành những mảnh nhỏ, bán cho các bạn hàng xóm, bạn học để làm giấy thấm mực. Giấy tôi bán rẻ bằng nửa giá giấy thấm trên thị trường, và tôi còn quảng cáo giấy của tôi rẻ hơn, tốt hơn, thấm được nhiều hơn. Nhờ thế, số giấy của tôi bán "hết veo" nhanh chóng. Khi tôi cầm tiền về đưa mẹ, mẹ tôi chỉ đành cười.
16 tuổi tôi đã có thể kiếm được tiền. Tôi làm mẫu ảnh, làm MC, làm host cho các chương trình, đóng phim… Tôi có rất nhiều lựa chọn và lựa chọn nào cũng có thể mang tới nhiều tiền. Bởi thế, khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có được một số vốn kha khá để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng. Hồi đó, tôi ôm ấp rất nhiều hoài bão và để biến những ý tưởng, hoài bão của mình thành hiện thực, chẳng có cách nào khác ngoài việc phải trở thành chủ của chính mình.
Sự nhạy bén trong kinh doanh chính là khả năng "thiên phú", vậy chặng đường kinh doanh của chị có toàn thắng hay không?
Xuất thân từ ngành báo chí – truyền thông, tờ báo đầu tiên mà tôi sản xuất là Tạp chí Cẩm nang mua sắm. Khi ấy mạng xã hội chưa phát triển, mua sắm online còn là một cái gì đó xa vời. Trong một chuyến công tác nước ngoài, tôi tình cờ đọc được một tạp chí về mua sắm và tự hỏi tại sao Việt Nam mình chưa có những thứ như thế. Khi về nước, tôi bắt tay vào làm tờ tạp chí đầu tiên, kết nối cung – cầu và thành công ngoài sức tưởng tượng. Số tiền tôi thu về từ số báo đầu tiên là 600 triệu đồng – con số đó làm chính tôi cũng choáng váng. Từ một tờ tạp chí, tôi sản xuất 7 ấn phẩm mỗi tháng, dòng tiền tốt, xoay vòng nhanh và xây dựng được một đội ngũ nhân viên xuất sắc, "thiện chiến". Thế nhưng sau đó, mạng xã hội ra đời, Facebook tràn vào Việt Nam và những tờ báo trước đây đem lại nguồn thu thì giờ lại trở thành chi phí, gánh nặng. Tôi mất ngủ suốt 6 tháng để quyết định số phận của công ty: 10 năm gây dựng với 200 nhân viên.
Đến một lần, tôi nghe được một câu nói rất hay là "cái gì đã đi xuống thì càng cố càng xuống; cái gì đã là xu hướng thì chỉ cần một cú hích cũng đi lên". Ấn phẩm giấy đã đi xuống, social và networking lên ngôi. Tôi quyết định được đường đi cho mình: vẫn làm truyền thông, nhưng không phải làm báo mà sử dụng các công cụ khác để tiếp cận khách hàng. Tôi giải thể 6/7 tờ tạp chí, gửi nhân viên vào các doanh nghiệp bạn bè để họ tiếp tục phát triển, chỉ giữ lại 30% nhân lực, gồm những người thật sự tâm huyết và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới. Tôi chia sẻ với họ rằng: hãy quên hết thành công trong quá khứ, bởi nó chỉ là xiềng xích kéo lùi sự phát triển; trong điều kiện mới này, chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu và thay đổi để thích nghi.
Kiếm được tiền từ rất sớm nhưng khi thực sự trở thành một doanh nhân, điều gì với chị là khó khăn nhất?
Khi làm chủ, tôi lần đầu tiên phải đối mặt với những lo lắng như là trả lương cho nhân viên, tổ chức ekip làm việc ra sao, sale, marketing như thế nào, rồi quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính…? Đó là những thứ vô cùng mới mẻ mà mình đều phải học. Nếu như làm thuê, bạn chỉ cần hoàn thành tốt một công đoạn là đủ, thì khi làm chủ, bạn phải bao quát tất cả khía cạnh để ra được một sản phẩm trọn vẹn. Đó là thứ tôi chưa được học bao giờ và phải tự tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi. Song cũng nhờ quãng thời gian đó mà hiện nay tôi có thể thành thạo tất cả các nghiệp vụ trong nghề của mình, từ điều nhỏ nhặt nhất.
Điều khó khăn lớn nữa mà tôi phải đối diện khi tự mở doanh nghiệp đó là trách nhiệm với nhân viên và với chính công ty của mình. Đã bắt đầu làm việc gì thì phải đến cùng với nó – đó là chặng đường marathon thử sức bền đầy gai góc.
Năm 2006, tôi tham gia dẫn chương trình "Làm giàu không khó", trong đó tập trung bàn luận về 36 kế sách Tôn Tử áp dụng trong kinh doanh. Những bài học đó đã "ngấm" vào tôi từ lúc nào và đến nay vẫn có thể áp dụng rất hiệu quả trong việc điều hành doanh nghiệp. Tôi ngẫm ra một điều là, trong cuộc đời con người, không bao giờ được ngừng học, càng làm nhiều thì càng cần phải học nhiều.
Không chỉ được biết tới với vai trò một nữ doanh nhân thành đạt, CEO Thu Hương còn là nhà tổ chức tài năng của rất nhiều chương trình, sự kiện uy tín dành cho nữ doanh nhân. Điều gì đã thúc đẩy chị hướng tới lĩnh vực phát triển phụ nữ?
Năm 2008, khi làm Diễn đàn phong cách doanh nhân, tôi nhận thấy rằng nữ doanh nhân dường như không có sân chơi dành riêng cho mình. Có nhiều người phụ nữ rất giỏi nhưng lại không tự tin đứng ra nói chuyện, truyền cảm hứng thành công đó cho những người phụ nữ khác.
Năm 2013, tôi là đại diện của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu ở Malaysia. Có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với khoảng 1.000 nữ lãnh đạo đến từ 80 quốc gia, tôi nhận thấy nếu chỉ đơn thuần là tham gia sự kiện mà không duy trì kết nối thì sẽ rất… phí! Nếu có thể kết nối với những người phụ nữ tài năng này, tôi sẽ có cơ hội học hỏi được rất nhiều. Bởi vậy, sau sự kiện đó, tôi quyết định mời 20 nữ lãnh đạo từ 20 quốc gia đến Việt Nam để bàn về việc xây dựng một diễn đàn kết nối vì sự tiến bộ của phụ nữ. Khi phụ nữ hạnh phúc, họ sẽ khiến cho cả thế giới hạnh phúc!
Lý do để tôi kiến tạo mạng lưới kết nối phụ nữ thành đạt toàn cầu được định ra rất rõ ràng. Tôi muốn mọi người học hỏi không ngừng; liên kết vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo ra môi trường thân thiện để phụ nữ có thể học hỏi và kết nối. Khi phụ nữ thành công thì họ có thể giúp cho thế hệ sau, tạo ra một thế hệ kế thừa tốt đẹp hơn.
Mục đích là góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ toàn thế giới, hướng tới xây dựng một thế hệ kế cận tốt đẹp hơn. Dựa vào điều gì chị chọn tập trung vào đối tượng là nữ doanh nhân?
Như mọi người thường nói, muốn đấu tranh thì phải có phương pháp. Tôi biết rằng mình không có đủ lực để có thể giúp đỡ tất cả mọi phụ nữ, nên mình phải tập trung vào hỗ trợ những người có tiềm lực, những người lãnh đạo, để họ giúp đỡ người khác và lan toả những điều tốt đẹp đó. Những nữ doanh nhân khi có đủ năng lực, tâm huyết và kỹ năng, họ có thể giúp đỡ các chị em trong doanh nghiệp của mình, trong cộng đồng của mình…
Phụ nữ khi có thể độc lập về tài chính thì sẽ có được sự tự do cho chính mình. Khi họ kiếm được nhiều tiền thì các con họ cũng sẽ được hưởng thụ và chăm sóc tốt hơn. Phụ nữ có tư duy, có kiến thức cũng có thể mang lại sự giáo dục tốt hơn cho con mình, tránh được các tệ nạn, sa ngã, từ đó góp phần vào sự phát triển của xã hội. Tôi muốn tạo ra một môi trường, một hệ sinh thái để hỗ trợ phụ nữ, giúp họ tự tin hơn, thể hiện bản thân tốt hơn và nhận được nhiều đãi ngộ xứng đáng hơn. Khi phụ nữ ý thức được giá trị của bản thân và thể hiện được giá trị đó với người khác, họ sẽ dễ dàng đạt được thành công và lan toả năng lượng tốt đến mọi người. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này suốt 10 năm qua và đó cũng là mục tiêu mà tôi sẽ cống hiến suốt cuộc đời.
Trong sự đánh giá của mọi người, doanh nhân Nguyễn Thu Hương dường như là một "người đẹp toàn năng" với năng lực, trí tuệ đã được minh chứng trong nhiều lĩnh vực. Có bao giờ chị nghĩ rằng, nếu không kinh doanh thì mình sẽ làm gì?
Thú thật, nếu không kinh doanh, tôi chẳng biết làm gì khác. Chồng tôi luôn bảo vợ hãy làm ít thôi, nhưng tôi lại muốn làm nhiều hơn để thử thách khả năng của mình. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết của tôi trước khi theo đuổi sự nghiệp của mình đó là gia đình phải yên ấm, ổn thoả. Có đôi khi, tôi tự hỏi rằng mình làm việc bận rộn thế này có ý nghĩa không? Mình có cảm thấy hạnh phúc không? Sau khi tự vấn như vậy, tôi thấy rằng tôi đang hạnh phúc bởi công việc mình làm mang lại cơ hội cho nhiều người khác, và tôi hoàn toàn có khả năng làm được những việc đó. Khi tôi thành công, gia đình cũng có thể tự hào về tôi. Vậy thì cứ làm thôi!
Ở thời điểm hiện tại, nữ doanh nhân Thu Hương đang giữ rất nhiều vị trí quan trọng: Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Nam Hương, chuyên gia tư vấn Chiến lược Thương hiệu và nhân hiệu, Chủ tịch học viện hình tượng chuyên nghiệp Pro Image, Nhà sáng lập và điều hành mạng lưới Nữ lãnh đạo Quốc tế – WLIN Global và Mạng lưới Nam Phong cách doanh nhân Quốc tế – BSIN Global… Với một khối lượng công việc khổng lồ như vậy, bí quyết nào để chị có thể giữ được một gia đình yên ấm?
Bí quyết của tôi là sắp xếp sự tập trung. Nếu bạn không có thời gian dành cho những chuyện tầm phào, chuyện buồn thì tự nhiên sẽ có nhiều thời gian cho chuyện thú vị. Tôi không có thời gian để buồn, tôi chỉ nhìn thấy những vấn đề cần phải giải quyết và tìm phương án tốt nhất để nhanh chóng giải quyết chúng. Tôi là tuýp người hành động. Tôi luôn định sẵn mục tiêu cho mình và tìm cách để từng bước thực hiện nó, cả trong công việc và trong cuộc sống riêng.
Tôi "hoạch định" cuộc đời mình rất rõ ràng. Năm 25 tuổi, tôi gặp chồng mình – doanh nhân Nguyễn Hoài Nam. Lúc ấy tôi nhìn thấy ở anh một tố chất tốt, đạo đức tốt, thông minh, năng động và hài hước nên quyết định "đầu tư" cuộc sống của mình cùng với anh. Tôi lập kế hoạch cưới năm 27 tuổi, 29 tuổi sinh con và đã thực hiện đúng như vậy. Hôn nhân cũng giống như một sự "đầu tư", và tôi đã "đầu tư" đúng hướng!
Dù ở ngoài xã hội, tôi là một doanh nhân, nhưng khi về nhà, chồng tôi lại là người "lãnh đạo". Người phụ nữ thông minh là người biết mình đứng ở đâu và đóng vai nào; cân bằng được vai trong: nữ doanh nhân – lãnh đạo công ty và người vợ, người mẹ trong gia đình. Biết sử dụng quyền lực mềm để quán xuyến mọi việc, cân bằng cuộc sống và đứng bên cạnh người đàn ông của mình.
Có một sự nghiệp thăng hoa và một gia đình viên mãn, chị nghĩ rằng điều gì là mấu chốt để có thể đạt tới thành công?
Khi bạn thành công, mọi người thường thấy ánh hào quang nhưng rất ít khi thấy được bóng tối đằng sau đó. Mọi người luôn thấy tôi thăng hoa, đơn giản bởi tôi không làm việc vì tiền. Khi bắt đầu khởi nghiệp vào năm 21 tuổi, tôi đã có đủ số tiền mình cần. Nếu tôi chẳng làm gì, gia đình vẫn có thể bao bọc tôi, tôi không nhất thiết phải kiếm được nhiều tiền. Bởi thế, tôi không đánh đổi mình bằng mọi giá. Thay vào đó, tôi chọn việc mình thấy thích, thấy có ý nghĩa để làm.
Trong hôn nhân cũng vậy, tôi có thể tự kiếm được tiền, tự trở thành "đại gia" của chính mình, nên tôi chọn kết hôn với người mình yêu chứ không kết hôn vì người đó giàu. Tôi có vị thế của mình, biết giá trị của mình và không cần quỵ luỵ ai.
Sau này, khi làm nghiên cứu về những người nổi tiếng trên thế giới, bao gồm doanh nhân, chính trị gia… tôi nhận thấy rằng, thành công là sự tổng hoà của nhiều yếu tố. Đó không phải là một khái niệm mơ hồ mà có công thức rất rõ ràng. Đây cũng là một trong nhiều nội dung mà chúng tôi chia sẻ trong chương trình hỗ trợ phát triển bản thân.
Cảm ơn doanh nhân Nguyễn Thu Hương về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới!
Nhịp sống kinh tế