Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT TPBank chia sẻ: “Không chỉ có dòng máu kinh doanh chảy trong huyết quản, không hẳn gia thế lẫy lừng, mà chính tinh thần tự lập, tự cường đã góp phần tạo nên một Đỗ Minh Phú bản lĩnh như ngày hôm nay. Triết lý sống của tôi chỉ đơn giản là: Điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời là được làm việc và cống hiến”.
DOJI là doanh nghiệp nổi danh ở lĩnh vực vàng bạc và đá quý – Điều này chắc ai cũng biết, ngay từ khi ông Đỗ Minh Phú khởi nghiệp vào năm 1994. DOJI ra đời khi thói quen mua vàng SJC của người dân đã trở thành lối mòn; vàng miếng với các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ để trao đi bán lại; không mấy ai quan tâm đến đá quý hay trang sức làm đẹp… thì DOJI đã tìm được con đường riêng. Ngay cả trong nhiều năm qua, có những lúc thị trường vàng chao đảo, DOJI vẫn vững vàng.
Người ta nói, ông Đỗ Minh Phú là linh hồn của DOJI. Trong lĩnh vực này, ông đã thể hiện sự nhạy bén và tầm nhìn xa khi mở rộng sang kinh doanh vàng bạc và trang sức từ rất sớm. Tập đoàn chọn chiến lược kinh doanh đa dạng các dòng sản phẩm, nhanh chóng mở rộng và chiếm lĩnh nhiều phân khúc chưa được khai phá của thị trường. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, DOJI tập trung xây dựng nhà máy Trang sức DOJI tại Đông Anh - Hà Nội với mục tiêu hiện đại hóa các quy trình sản xuất và áp dụng những công nghệ hiện đại nhất để tạo ra các sản phẩm tinh xảo, giá trị.
01
Đầu tư vào các lĩnh
vực gai góc nhất của
nền kinh tế
Người ta nghĩ kinh doanh vàng bạc đá quý là lĩnh vực kinh doanh khá cổ điển. Mua miếng vàng là chủ yếu với ý nghĩa cất giữ… Chính nhận thức ấy phần nào khiến cho các doanh nghiệp vàng giảm đi sự đầu tư về việc xây dựng chiến lược cho thương hiệu và sản phẩm mất đi sự sáng tạo.
Chính vì thế, trong giá trị văn hóa của DOJI đặc biệt nhấn mạnh yếu tố sáng tạo, để không chỉ mang đến những thứ người tiêu dùng cần mà còn là những thứ họ yêu thích. Mục tiêu lớn của DOJI là xây dựng nên những sản phẩm quốc dân.
Ông Phú thành công với DOJI nhưng khi ông quyết định đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng với việc DOJI tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), người ta rỉ tai nhau rằng, ông Phú đang… lao đầu vào đá. Bởi thời điểm những năm 2012 là chương đen tối nhất trong lịch sử ngân hàng. Khi ấy, Ngân hàng Tiên Phong là một trong những nhà băng bị liệt vào danh sách yếu kém, buộc phải tự cơ cấu.
Trong chặng đường 25 năm qua, DOJI đã đi
những bước đi vững chãi, trên những con
đường không trải hoa hồng.
Ngân hàng Tiên Phong lúc ấy đang có 3 thứ được gọi là “3 không”: Không có cách chuẩn để phát triển một ngân hàng thương mại; Không có đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực và Không có công nghệ mũi nhọn nào. Thế nhưng, chỉ vài năm sau khi tái cơ cấu, TPBank như được thổi một làn gió mới.
Trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, TPBank được ghi nhận là ngân hàng trẻ trung, năng động, tiên phong trong việc ứng dụng những công nghệ mới, giúp khách hàng được hưởng những dịch vụ mới mẻ an toàn, tiện ích, hiện đại nhất trên thị trường, được khách hàng và cơ quan quản lý ủng hộ. Phát triển mạnh mẽ năng lực phục vụ và chất lượng dịch vụ, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ lớn từ các cơ quan quản lý và khách hàng, TPBank xếp trong Top 10 ngân hàng uy tín nhất Việt Nam theo đánh giá độc lập của Vietnam Report.
Mới đây nhất, ông Đỗ Minh Phú và TPBank vừa mới được tổ chức uy tín Enterprise Asia trao tặng giải thưởng kép cho hai hạng mục Doanh nhân xuất sắc và Tổ chức tài chính xuất sắc trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương APEA 2019.
Chỉ một quãng thời gian ngắn, ông Đỗ Minh Phú đã có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi: Cuộc chơi của ông chủ vàng bạc đá quý có phải một cuộc vui?
Sau đó, thêm một lần nữa, ông Đỗ Minh Phú ghi dấu ấn của mình khi tiếp tục đưa DOJI tiến thêm một bước táo bạo. Đó là quyết định chính thức đầu tư vào lĩnh vực bất động sản năm 2014 với việc ra đời của công ty thành viên DOJI Land.
Đến nay, các dự án bất động sản của DOJI Land trải dài khắp cả nước, như: Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại Trung tâm Thành phố Hạ Long mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha và tổng mức đầu tư lên tới 8.000 tỷ đồng; Dự án khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel; Các dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại Căn hộ cao cấp và Văn phòng cho thuê tại Hải Phòng; Dự án khách sạn tại Trung tâm Thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc; Dự án Khu đô thị tại Tp Huế, TP. HCM, Vĩnh Phúc; Dự án Khu Du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc… Đồng thời, DOJI đang sở hữu nhiều khu đất đắc địa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Bảng xếp hạng VNR500 vừa công bố ngày 26/11, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI đã vươn lên 1 bậc để lọt vào Top 3 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vị thế Top 3 VNR500 năm 2019 là sự kiện đặc biệt đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp ngành vàng bạc đá quý này; đồng thời nằm trong Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Trong giá trị văn hóa của DOJI, chúng tôi đặc biệt
nhấn mạnh yếu tố sáng tạo để không chỉ mang đến
những thứ người tiêu dùng cần mà còn là những
thứ họ yêu thích. Mục tiêu lớn của DOJI là xây
dựng nên những sản phẩm quốc dân.
02
Đằng sau sự “lấp lánh” của
DOJI là cả một sự chuẩn bị
cho hành trình dài
Nếu như nhìn vào DOJI, nhiều người sẽ chỉ thấy những lấp lánh. Nhưng nhìn vào hành trình ông Đỗ Minh Phú đã cùng DOJI đi qua, sẽ nhận ra rằng, ông có những tầm nhìn khác biệt. Ông luôn trăn trở, mở rộng DOJI để làm gì, liệu có đủ khả năng để DOJI đi được đến cuối cùng theo chiến lược đề ra hay không?
“Thực ra, cơ hội và thách thức ở các ngành nghề tại Việt Nam hiện nay là đan xen, như lĩnh vực bất động sản, cơ hội là rất lớn. Đáng lẽ ra, ngay từ những năm 2011, 2012, chúng tôi đã có thể đầu tư vào lĩnh vực này khi tiềm lực tài chính của DOJI lớn và quỹ đất còn rất dồi dào. Thế nhưng phải đến 2014, chúng tôi mới tham gia. Và chỉ tham gia khi đã cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu, quản trị tốt hệ thống tài chính ngân hàng tại TP Bank. Đồng thời, việc phát triển của DOJI cũng đã bước sang một tầm cao mới.”
Quan điểm về đầu tư đa ngành của ông Đỗ Minh Phú cũng rất khác biệt. Điều đó thể hiện trong từng bước đi thận trọng của DOJI. “DOJI không đầu tư đa ngành theo phong trào” - Ông Phú khẳng định.
Đánh giá về bước tiến mở rộng ngành nghề của DOJI với 3 trụ cột, ông Đỗ Minh Phú cho biết: “Ba lĩnh vực DOJI tham gia đều mang lại hiệu quả tích cực. Đây đều là những lĩnh vực khó, rủi ro cao nhưng chúng tôi tự tin vì có thời gian chuẩn bị chu đáo và ba lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết với nhau”.
Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI cho rằng: Muốn thực hiện “chiến lược đa ngành”, bắt buộc doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Việc lựa chọn lấn sân sang bất cứ ngành nào, chúng tôi cũng như các doanh nghiệp cũng cần phải có một thời gian tương đối để tính toán, chuẩn bị. Có như thế, quyết định đưa ra mới là quyết định chín muồi.
Đã có những lúc, người ta băn khoăn về việc ông Phú “tay ngang” với Tài chính - ngân hàng và Bất động sản như thế nào? Không có gì để trả lời rõ hơn, chính là những con số. Năm 2019, DOJI có vốn chủ sở hữu 4.500 tỷ đồng, tổng tài sản 12.000 tỷ đồng. Doanh thu năm nay 2019 là gần 90.000 tỷ, gấp 8 lần so với năm 2011 (11.000 tỷ)
Tập đoàn DOJI cũng vừa đón nhận nhiều giải thưởng lớn như: Tập đoàn có một thập kỷ liên tiếp trong Top 5 bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam hàng năm; 8 năm liên tiếp được công nhận Thương hiệu Quốc gia. Vừa qua, Tập đoàn đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất. Riêng cá nhân ông Đỗ Minh Phú đã nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước và giải thưởng “Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2019”.
03
Bản lĩnh doanh nghiệp -
Doanh nhân dân tộc
Nhìn lại chặng đường 25 năm của DOJI, có thể nhận thấy ông Đỗ Minh Phú làm vàng bạc đá qúy, tài chính - ngân hàng hay bất động sản đều bằng chính những tố chất hiếm có của một người kinh doanh vàng sừng sỏ. Hơn hai mươi năm làm vàng, ông Phú quá hiểu người kinh doanh không nên chạy theo cảm xúc.
“Với chúng tôi, chiến lược phát triển rất xuyên suốt, có quá trình tiếp nối. Chiến lược sẽ phụ thuộc vào khả năng, sự lớn mạnh của công ty nhưng sẽ có những thời điểm bùng nổ, đột phá nếu như thị trường có cơ hội hoặc tự nhiên bước nhảy vọt mang tới kết quả đặc biệt. Như với toà nhà DOJI Tower, sau khi ra mắt, đã nhanh chóng mang đến một hiệu ứng lan tỏa lớn, nâng tầm vị thế Tập đoàn, đóng góp cho Thủ đô một công trình kiến trúc vượt mọi giới hạn” - Ông Phú chia sẻ.
Nằm ngay tại vị trí đắc địa, trên tuyến phố giữa Hồ Gươm, Văn Miếu, Hoàng Thành, DOJI Tower được kỳ vọng trở thành điểm đến mới thu hút nhiều phân khúc khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với thủ đô. Hiện nay, DOJI đang hợp tác với các công ty du lịch lữ hành nhằm khuếch trương các sản phẩm du lịch, quảng bá thêm những điểm đến hấp dẫn cho du khách. Đồng thời, để khách du lịch có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm và mua sắm những sản phẩm vàng bạc đá quý tinh xảo, giá trị, được làm ra bởi sự sáng tạo, tài năng của chính những con người Việt và niềm tự hào của tài nguyên Việt.
Mục tiêu trong 5 năm tiếp theo của người thuyền trưởng truyền cảm hứng cho gần 2000 cán bộ nhân viên DOJI chính là xây dựng DOJI trở thành Tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Và giấc mơ ấy đang được hiện thực hóa bằng những bước đi chắc chắn, vững chãi, đầy bản lĩnh. Rõ ràng, DOJI đã vượt qua được giới hạn của môt doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc truyền thống. Sản phẩm của công ty không chỉ bán tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh: “DOJI đang vươn mình trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi có khát vọng đóng góp cho đất nước, muốn Việt Nam là quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Người Việt Nam không thua kém người nước ngoài về IQ, EQ. Vì vậy Việt Nam không có lý do gì thua kém các nước phát triển”.