Nhiều phụ nữ Việt Nam tới Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) để tìm việc làm với hy vọng đổi đời nhưng thực tế lại trở thành nạn nhân trong các động mại dâm được điều hành bởi chính người Việt.
UAE - MẢNH ĐẤT MÀU MỠ
CỦA BUÔN NGƯỜI VÀ MẠI DÂM
Trong một bài viết trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất được mô tả như mảnh đất màu mỡ mới nổi của mại dâm và buôn người, nơi giấc mơ đổi đời của những cô gái trẻ được đáp trả bằng những ngày tháng ô nhục.
“Hãy tưởng tượng bạn được đề nghị một công việc tốt, lương cao tại một nơi hoàn toàn khác lạ so với quê nhà nghèo khó nhưng khi đến nơi, lời hứa tốt đẹp bỗng trở thành địa ngục. Công việc duy nhất mà bạn có thể kiếm tiền là bán dâm. Đó là những gì xảy ra với tôi ở UAE” , một nhân chứng mô tả với tờ báo của Australia.
Câu chuyện về những ngày tháng cùng cực được nhân chứng giấu tên kể với phóng viên trong tầng hầm tối tăm của một quá bar nằm ở khu phố cổ của Dubai. Mặc váy ngắn, tóc nhuộm màu, những cô gái trẻ cố tạo cho mình vẻ phong trần dù phải nuốt nước mắt bán thân để kiếm tiền.
Hàng chục nghìn phụ nữ đang phải sống trong cảnh tương tự tại UAE, đặc biệt là Tiểu vương quốc Dubai. Nơi đây được biết đến như là trung tâm du lịch mại dâm ở Trung Đông, với khoảng 30.000 gái mại dâm đang hành nghề. Nhiều hình thức mại dâm, từ rẻ mạt tới cao sang, đang tồn tại ở UAE để phục vụ nhu cầu của khách làng chơi.
Trong quán bar nằm trên tầng thượng của một khách sạn ở thành phố Ras al-Khaima, những người phụ nữ xếp thành vòng tròn hoặc đi chậm rãi trên sân khấu để khách làng chơi lựa chọn. Ngồi phía dưới là những người đàn ông mặc bộ trang phục truyền thống của người Hồi giáo đang ngây ngất trong hơi men và cả ma túy. Họ là những tay chơi trong thế giới Hồi giáo, nơi mại dâm bị cấm hoàn toàn.
Trái với nhiều quốc gia Hồi giáo khác, mại dâm hoạt động công khai ở UAE bất chấp luật pháp và luật Hồi giáo. Hoạt động mại dâm được quảng cáo công khai trên các trang web và mạng xã hội. Tuy nhiên, người ta không thể xác định chính xác số phụ nữ tình nguyện bán dâm cũng như số phụ nữ bị ép buộc làm công việc nhơ nhớp này.
Bà Sara Suhail, giám đốc một cơ sở từ thiện chuyên đón nhận những phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hoạt động buôn người, cho biết: “Hầu hết các nạn nhân tới UAE với mơ ước về một công việc thu nhập tốt như lễ tân khách sạn hoặc nhân viên văn phòng. Nó tạo ra thiên đường khác xa với thực tại nơi quê nhà nghèo đói”.
Tuy nhiên, khi bị lừa vào các động mại dâm, những người phụ nữ cô độc hoàn toàn không thể tìm được lối thoát. Bơ vơ nơi đất khách quê người, trở về quê hương là điều bất khả thi khi trên mình không một đồng xu dính túi trong khi đôi vai phải gánh khoản nợ lớn cho những chi phí tới UAE “đổi đời”.
Nhiều cô gái chấp nhận kiếp sống buôn phấn bán hương, tích cóp chút tiền gửi về quê nhà giúp gia đình. Đắng cay, tủi nhục nơi xứ người cũng được giấu kín, nhường chỗ cho những lời nói dối về một công việc tốt, thu nhập cao. Cách xa hàng nghìn cây số, việc cho gia đình biết về cuộc sống tủi nhục, ê chề không giúp những người phụ nữ tìm được lối thoát.
NỖI ĐAU PHỤ NỮ VIỆT NƠI XỨ NGƯỜI
Những ngày đầu tháng 8, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Phạm Bình Đàm chia sẻ câu chuyện đau buồn về cuộc đời một phụ nữ Việt Nam nơi xứ người. Cô gái Việt Nam đó sang Dubai làm việc. Một ngày, ai đó đưa cho cô gái tờ 500 dirham giả và cô bị bắt khi tiêu đồng tiền này, ngã rẽ đầu tiên trong cuộc đời người phụ nữ trẻ.
Để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc, Tri thức trẻ đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Quang, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam ở UAE. Ông Quang là cán bộ thông thạo ngôn ngữ, văn hóa Ả rập, từng có nhiều năm công tác trong khu vực và có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan tới công dân Việt Nam.
Kể về câu chuyện của nữ công dân Việt gặp nạn, ông Quang cho biết cô gái trẻ gặp rắc rối khi gửi tờ tiền giả về cho gia đình ở Việt Nam. Ngân hàng phát hiện ra vụ việc và báo cảnh sát. Trong lúc bối rối, cô gái gặp một người Việt “hảo tâm”, nhiệt tình giúp đỡ và thuê luật sư giúp. Cô đã đặt tất cả niềm tin vào người đồng hương tốt bụng. Tuy nhiên, vụ án nhỏ nhặt kéo dài suốt một năm mà chưa thể cho ra bản án cuối cùng, buộc cô phải gõ cửa Đại sứ quán Việt Nam ở Dubai để cầu cứu.
Sau nỗ lực tìm hiểu của Đại sứ quán, nhà chức trách nước sở tại đã xác định vụ việc của cô gái trẻ và chuyển về Abu Dhabi. Họ chưa thể giải thích lý do vụ án “tưởng như đơn giản” bị kéo dài tới vậy dù đưa ra cam kết sớm giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, quãng thời gian hơn 1 năm chờ đợi khiến cô gái Việt lâm vào cảnh khốn cùng.
Tâm sự với cán bộ Đại sứ quán, cô gái trẻ cho biết để tồn tại nơi xứ người, cô phải chấp nhận bán dâm. Dường như việc đẩy cô gái trẻ tới con đường cùng và chấp nhận bán thân là cách giải thích hợp lý nhất cho những biến cố mà cô phải trải qua trong hơn một năm qua. Giống như nhiều phụ nữ Việt khác, cô bị cảnh sát UAE bắt giữ vì hành vi này.
“Cô gái trẻ tới Dubai làm việc với visa du lịch có thời hạn tối đa 3 tháng. Tuy nhiên, vụ kiện kéo dài suốt hơn một năm khiến cô gặp nhiều rắc rối. Hiện tại, nữ công dân Việt bị xét xử vì nhiều tội như sử dụng tiền giả, lưu trú quá thời hạn quy định và mại dâm” , ông Quang nói.
Không lâu trước đó, Đại sứ quán Việt Nam ở UAE cũng chia sẻ về trường hợp của 4 phụ nữ Việt chạy vào Đại sứ quán kêu cứu sau khi bỏ trốn khỏi động mại dâm do người Việt quản lý ở UAE. Những cô gái trẻ bị đẩy vào nhà chứa khi tới UAE với hy vọng tìm được công việc tốt nơi xứ người. Họ được trả 600.000 VNĐ cho mỗi lần bán dâm nhưng phải nộp lại cho chủ quán một nửa.
Tìm đến Đại sứ quán trong tình trạng đói rách và không một đồng xu dính túi, những cô gái trẻ dường như đã phải chịu đựng mọi đắng cay, tủi nhục của cuộc đời. Nó trở thành động lực cho các cô liều mình trốn thoát khỏi nơi nhà chứa. Tuy nhiên, hành trình khởi kiện đòi công lý dường như bất khả thi với những phụ nữ Việt cô độc. Tình thương và sự bao dung của các nhà hảo tâm cũng như quỹ bảo hộ công dân của Đại sứ quán chỉ đủ giúp họ ăn no, mặc ấm và trở về quê nhà. Chúng quá ít so với việc theo đuổi các vụ kiện dai dẳng mà họ phải đối mặt.
Bị lừa vào các động mại dâm ở UAE không phải câu chuyện hoàn toàn mới với phụ nữ Việt Nam. Đầu tháng 7, một phụ nữ Việt được giải thoát khỏi động mại dâm sau cuộc đột kích của cảnh sát nước sở tại. Cô gái trẻ bị người quen lừa sang UAE bán dâm với lời hứa về một công việc như mơ cùng mức thu nhập cao hơn nhiều so với làm việc nơi quê nhà. Trước đó, một phụ nữ khác thiệt mạng khi đang chạy trốn cảnh sát trong chiến dịch truy quét vào một động mại dâm, để lại đứa con nhỏ bơ vơ đang gửi bạn nuôi ở Việt Nam.
NGƯỜI VIỆT TRONG CÁC
ĐƯỜNG DÂY MẠI DÂM
Những năm qua, truyền thông UAE cũng đề cập tới nhiều trường hợp đàn ông Việt điều hành các nhà chứa ở nước sở tại. Năm 2014, một người đàn ông tên LT, 28 tuổi, bị bắt vì điều hành một ổ mại dâm ở Dubai. Các hoạt động mại dâm núp dưới danh nghĩa của một quán mát xa. Cảnh sát đột kích xới mại dâm sau một vụ ẩu đả và phát hiện 3 phụ nữ đang “hành nghề”. Theo lời L T, y nhận 3.000 dirham/tháng để quản lý nhà chứa này.
Trong tất cả các câu chuyện, người ta dễ dàng nhận thấy vai trò của người Việt trong các vụ lừa đảo đưa đồng hương vào con đường mại dâm. Những đường dây này dường như hoạt động xuyên biên giới, đóng vai trò từ khâu dụ dỗ tới đẩy nạn nhân vào các nhà chứa cũng như buộc họ phải đi khách với số tiền công ít ỏi.
Trong vụ truy quét động mại dâm giải cứu nữ công dân Việt hồi tháng 7, cảnh sát bắt giữ 11 người, trong đó có 4 người mang quốc tịch Việt Nam. Họ là những kẻ nhẫn tâm làm tiền trên thân xác đồng hương, những người rời bỏ quê nhà với mong muốn đổi đời. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng phải làm công tác bảo hộ công dân cho 2 thanh niên Việt làm bảo kê cho một xới mại dâm gây ra vụ giết người vì mâu thuẫn.
Nói về vai trò của người Việt trong các hoạt động mại dâm ở UAE, ông Quang cho biết những câu chuyện tương tự đã được truyền thông nước sở tại cũng như báo chí Việt Nam đưa nhiều. Nhiều lao động Việt Nam sang UAE để làm việc nhưng cũng có một số không ít phụ nữ xác định bán dâm để kiếm tiền nơi xứ người.
Trên cương vị của một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở UAE, ông Quang thừa nhận hình ảnh của người Việt đang trở nên xấu xí và méo mó trong mắt người dân nước sở tại. Phần lớn công dân Việt Nam sang UAE để làm lao động phổ thông và một bộ phận liên quan tới hoạt động mại dâm và các tội phạm ở “ngành công nghiệp không khói” này.
“Chúng tôi mong muốn nhà chức trách có thể hạn chế việc cấp visa du lịch 3 tháng cho công dân Việt Nam sang UAE. Đại sứ quán cũng đang nỗ lực làm việc với nhà chức trách UAE để hai nước có thể thông qua hiệp định không ký visa du lịch 3 tháng cho công dân Việt. Đối với du khách thực sự, visa chỉ cần có thời hạn 2 tuần là đủ” ông Quang chia sẻ.
Nhằm giúp người Việt không lâm vào tình cảnh éo le, ông Quang khuyên khi công dân Việt Nam gặp khó khăn ở UAE hay nước ngoài, họ nên tìm tới Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán thay vì tin vào những người hảo tâm. Bên cạnh những người tốt, luôn có những kẻ lợi dụng sự khốn cùng của người khác để trục lợi.
“Luật pháp UAE rất nghiêm khắc. Việc công dân Việt không hiểu luật và phạm luật có thể gây ra những hệ lụy với chính bản thân họ. Bên cạnh đó, việc một số tờ báo đưa tin thiếu chính xác về việc kiếm tiền dễ dàng ở UAE khiến nhiều người lầm tưởng và quyết định sai lầm”, ông Quang cảnh báo.
Designed by: 7pm | Developed by: sondt
Theo Trí Thức Trẻ