Bạn biết gì khi nhắc đến Tây Nguyên?
Một cao nguyên đầy nắng gió, mùi cafe thơm lẩn quất trong không khí, những già làng móm mém cười hiền từ ngồi bên hiên nhà rông hay tiếng cồng chiêng trầm ấm như một câu hát ngâm nga đưa ta lùi về quá khứ?
Đó là những gì chúng tôi cảm nhận về Tây Nguyên trước khi đến nơi này. Rất ít. Dù chúng ta được đọc, được xem rất nhiều và có những ấn tượng nhất định về Tây Nguyên - nhưng thực ra mọi thứ lại rất chung chung và mơ hồ. Vậy nên, khi lá thăm mở ra và dòng chữ Tây Nguyên ngay ngắn xuất hiện, trái tim chúng tôi đập nhanh hơn một nhịp. Sự hồi hộp khi biết mình sắp khám phá một miền đất còn nhiều bí ẩn, sau đó là sự lo lắng len lỏi khi nhận ra: Cả lũ… mù tịt về du lịch Tây Nguyên.
Khi ngồi đây và viết lại những dòng này, tôi nhắm mắt nhớ lại từng khoảnh khắc trong chuyến đi, từng khung cảnh chúng tôi đã đi qua, những ngọn núi, những triền đồi, những dòng sông, thác tung bọt trắng xoá, những con đường đất đỏ trong cái nắng gió cao nguyên - trong lòng thật sự trào dâng lên một cảm giác xúc động. Không phải chỉ vì chúng tôi đã cùng nhau khám phá trọn vẹn một miền đất mà trước đấy mình mới chỉ nghe tên, mà còn bởi chúng tôi đã thật sự cảm nhận được nhịp đập, được hơi thở của con người và núi rừng Tây Nguyên rồi. Chúng tôi đã chạm vào được phần nào vẻ đẹp kỳ vĩ và phóng khoáng của Tây Nguyên.
Lúc này đây, tôi có thể thuật lại cho các bạn hành trình 4 ngày 3 đêm ngắn ngủi nhưng đầy ắp những trải nghiệm - mà nếu bạn là một người say mê những chuyến đi, say mê những miền đất mới và yêu thiết tha đất nước Việt Nam mình - thì chắc chắn, bạn cũng sẽ chẳng thể cầm lòng mình mà lên kế hoạch ghé thăm vùng đất tuyệt vời này.
Chúng tôi chọn chuyến bay của VietNam Airlines, từ Đà Nẵng tới sân bay Buôn Ma Thuột - xuất phát lúc 7h sáng. Tây Nguyên đón chúng tôi với không khí se se, trời nhiều nắng nhưng gió hanh hao, mát mẻ - trái ngược với suy nghĩ về một miền đất oi nóng trong tưởng tượng trước khi đến đây.
Vì nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến cafe, thế nên chúng tôi nhất định tìm cho mình một quán "Buôn mê xịn" để thử mùi vị của thứ cafe trứ danh vùng cao nguyên. May mắn là, quán cafe chúng tôi đến không chỉ có cafe ngon, mà còn là một nơi để chúng tôi được nghe và hiểu hơn về văn hoá của người Ê đê. Quán có tên Arul, cũng là tên của chị chủ quán. Một người phụ nữ Ê đê đáng mến dựng lên quán với mong muốn giới thiệu văn hoá của người dân tộc mình tới các khách du lịch.
Đón chúng tôi bằng sự niềm nở, chị kể về ngôi nhà của người Ê đê, về hai chiếc cầu thang trước cửa nhà - một tượng trưng mẹ, một tượng trưng cho cha. Chị kể rất nhiều điều về văn hoá, về cuộc sống của người Ê đê, mà chúng tôi khuyên rằng nhất định bạn phải tới một đây một lần và lắng nghe qua chất giọng trầm ấm ấy - bạn mới có thể cảm nhận được màu sắc văn hoá Tây Nguyên qua một lăng kính gần gũi hơn rất nhiều.
Buổi chiều, chúng tôi được một người bạn khuyên hãy ghé thăm hồ Lak, thay vì chọn một vài điểm du lịch nổi tiếng và được khai thác triệt để rồi. Ngay cả trên đường đi, chúng tôi cũng đã kịp dừng lại ở một cánh đồng rộng lớn và bất ngờ trước một màu xanh trải dài bình yên tít tầm mắt.
Là một khu du lịch còn rất hoang sơ, hồ Lak vắng vẻ, yên tĩnh, cảm giác như thể chỉ có chúng tôi ở giữa nơi núi rừng này. Ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, thả mình trên dòng nước, nghe môt bản nhạc và phóng tầm mắt ra xa - thấy một bên là nắng, một bên là mưa. Lúc đó, trong lòng tôi chợt nghĩ: Không biết liệu có lần thứ 2, mình lại được ngắm nhìn cái khung cảnh an yên mà tuyệt diệu này hay không?
Một trong những điểm nhấn của chuyến đi lần này chính là chúng tôi đã được tận mắt, tận tai thưởng thức văn hoá cồng chiêng của người Ê đê ở khu Ako Ea (buôn Akõ Dhông, Buôn Ma Thuật) - với nghệ sĩ chính là lớp nghệ nhân cuối cùng biết đánh cồng chiêng ở Tây Nguyên.
Ở Tây Nguyên, cồng chiêng là linh hồn của văn hoá, của đời sống. Mọi gia đình - dù giàu đến màu thì đều phải có cồng chiêng mới được coi là giàu. Có một điều khiến chúng tôi trăn trở mãi cho đến hết chuyến đi, ấy là nỗi lo lắng của người Tây Nguyên trước sự thất truyền của văn hoá cồng chiêng vốn là một niềm kiêu hãnh. Đội nghệ nhân trình diễn cồng chiêng cho chúng tôi có hơn chục người - toàn là những vị nghệ nhân cao tuổi, thuộc hàng bô lão mới có thể đánh cồng chiêng một cách điêu luyện, còn những người trẻ lại không thật sự mặn mà và có đủ kỹ thuật. Một buổi trình diễn cồng chiêng, mỗi nghệ nhân nhận về không đáng là bao, mà một tháng lại chỉ có khoảng 2 - 3 lượt khách du lịch chấp nhận bỏ tiền để nghe trình diễn - vậy nên cũng chẳng tạo nên một nguồn thu ổn định.
Sau khi được biết về câu chuyện của người Ê đê, chúng tôi cùng khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của họ cùng nghe cồng chiêng chào mừng khách tới nhà, cùng nhảy múa với các vị già làng và sau đó được mời uống rượu cần. Ngay cả uống rượu cần cũng có những luật lệ riêng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Uống rược cần thể hiện sự đoàn kết, thường yêu nhau - không có chén chú, chén anh, chén ông, chén bác… Mọi người cùng uống với nhau chung cần, khi người uống hút rượu - mực rượu thấp xuống đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình. Khi rượu được đổ thêm bao nhiêu, uống hết bấy nhiêu mới gọi là quý nhau. Người nào uống xong phải cầm cần cho đến khi có người khác đến uống thì trao cần lại, tránh buông cần sớm vì như vậy sẽ mất tình đoàn kết. Nhưng chúng tôi, đã xin mạn phép được thưởng thức, chứ không thể uống theo tục lệ vì sau một ngày dài mọi người đều khá mệt mỏi.
Buổi sáng, theo chúng tôi là thời điểm tuyệt vời nhất ở Tây Nguyên. Trong cái không khí se lạnh của vùng cao nguyên, chúng tôi vươn vai hít một hơi thật dài để lồng ngực căng đầy cái mát mẻ, dễ chịu của một buổi sớm trong lành. Gọi một ly bạc sỉu, ngồi dưới mái nhà dài của khu Ako Ea, thưởng thức cafe và lên lịch trình cho một ngày mới - thật sự là một cảm giác chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên.
Ngày thứ 2 này, chúng tôi dành trọn để ghé thăm thác Dray Nur. Đây chính là nơi khiến chúng tôi cảm thấy yêu tha thiết Tây Nguyên hơn gấp ngàn vạn lần. Vượt qua một quãng đường xa xôi, chẳng hề đơn giản để đến nơi, chúng tôi được tưởng thưởng không chỉ bằng cảnh vật đẹp đến nghẹt thở ở hai bên đường đi, mà còn vẻ đẹp hùng vĩ, ngất ngây của thác Dray Nur khi chúng tôi đặt chân đến nơi.
Bọt nước tung trắng xoá, hơi nước ngập tràn khiến khung cảnh xung quanh thác vừa đẹp một cách mãnh liệt, lại vừa nên thơ như thể một bức tranh, như thể một nơi không có thực. Nhất định, bạn phải ghé thăm thác Dray Nur một lần trong đời, để thấy mình còn nhỏ bé đến nhường nào trước một cảnh quan kỳ vĩ, lộng lẫy đến nhường này.
Chúng tôi đến Gia Lai trong đêm, khi mà lòng vẫn còn vấn vương Buôn Mê Thuột với thác Draynur và điệu cồng chiêng trầm ấm của người Ê Đê.
Ngày đầu tiên ở Gia Lai, chúng tôi chọn ghé thăm Hồ T'nưng hay còn gọi là Biển Hồ. Đây là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nơi này nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng, cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Đây vốn là miệng núi lửa khổng lồ, quanh năm đầy nước và luôn xanh ngắt, bởi vậy nên Biển Hồ cũng được coi là viên ngọc của Tây Nguyên.
Nằm trên bờ bắc Biển Hồ, cách thành phố Pleiku, Gia Lai khoảng 13km, những đồi chè được hình thành từ khi người Pháp ở đây khoảng năm 20 thế kỉ trước. Chúng tôi đã ghé qua nơi này và buổi trưa, dạo khắp các đồi chè để chụp ảnh và ngắm nhìn, trò chuyện với những người nông dân ở đây. Lang thang giữa những đồi chè bạt ngàn, xanh mướt trong ánh nắng vàng ruộm của cao nguyên - thật sự là một buổi chiều đẹp, bình yên và đáng nhớ, mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được dù có du hành đến những miền đất xa xôi và kỳ vĩ nào đi chăng nữa.
Một trong những buổi tối vui nhất trong hành trình này chính là tối ngày hôm nay! Khi chúng tôi cùng ghé thăm một quán có tên Bazan, và được cùng đốt lửa trại, cùng nhảy múa với người JRai. Quán của một thầy giáo dạy nhạc, thuê những người dân dưới buôn làng tới để cùng chơi cồng chiêng, cùng nhảy múa bên đống lửa. Một buổi tối thật sự đáng nhớ khi chúng tôi cùng đắm mình trong tiếng cồng chiêng linh thiêng, mạnh mẽ, trong những điệu múa chim công ấn tượng của người địa phương, trong những màn lắc tay, vai, hông khoẻ khoắn và đầy phóng khoáng. Khi ngọn lửa được bùng lên cũng là lúc người dân và chúng tôi tay khoác tay, vui vẻ , đoàn kết!
Với người Tây Nguyên, cồng chiêng chính là cái hồn, con người từ khi sinh ra làm lễ đặt tên, lớn lên cũng có lễ sức khỏe, rồi đến khi trút hơi thở cuối cùng, tiếng cồng chiêng vẫn luôn theo sát. Và với chúng tôi, những người trẻ Việt Nam trót say mê khám phá - cũng một phần nào đã trót yêu tiếng cồng chiêng. Thế mới thấy, khi tới một vùng đất mới, bạn phải thật sự hòa mình vào nơi đó thì mới cảm hết được vẻ đẹp không chỉ của cảnh vật, mà còn là của văn hoá, của con người. Chúng tôi, từ những con người xa lạ, đã có thể nắm tay nhau vui vẻ hát ca.
Và thật sự, trong chính giây phút đó, chúng tôi cảm thấy niềm tự hào về đất nước, về văn hoá, về con người Việt Nam trào dâng trong tim. Việt Nam ơi, sao cứ đầy ắp những điều bất ngờ, những màu sắc văn hoá rực rỡ đẹp đẽ đến nhường này!
Chúng tôi ghé thăm Kon Tum vào sáng sớm ngày cuối cùng của chuyến đi. Buổi sáng hôm đấy, chúng tôi dành trọn để tham quan nhà thờ Chánh toà. Nhà thờ Chánh tòa được người dân nơi đây gọi thân mật là nhà thờ gỗ bởi công trình độc đáo này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, thiết kế với lối kiến trúc Roman cổ điển kết hợp với kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na nơi đây.
Sau khi chụp ảnh và dành thời gian tìm hiểu ở nhà thờ, hãy ghé thăm Măng Đen - đây được mệnh danh là Đà Lat thứ 2 của Tây Nguyên. Măng Đen nằm ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 16-20 độ C, rừng nguyên sinh bao bọc. Có câu "hạnh phúc không phải là đích đến mà là chặng đường ta cùng đi". Đúng vậy, ở Măng Đen chúng tôi bị hớp hồn hoàn toàn bởi quang cảnh trên đường, với những rừng cao su bạt ngàn hai bên, những đồi thông xanh rì trong nắng. Càng đi, càng thấy Việt Nam mình nhỏ bé mà sao ẩn chứa nhiều góc cạnh tươi đẹp, sống động đến nhường này.
Cầu treo Kon Klor chính là điểm dừng cuối cùng của hành trình. Cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, chiếc cầu treo công nghiệp to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên. Từ trên cầu, bạn có thể nhìn rõ dòng sông Đắk Bla đang cuộn từng dòng nước ở phía dưới chân cầu - một cảm giác vừa sợ sệt, vừa thán phục trước sự mạnh mẽ, khôn cùng của thiên nhiên.
Cảm ơn Tây Nguyên đã rộng vòng tay đón chúng tôi vào lòng, để chúng tôi được đắm mình trong sự hoang sơ và hùng vĩ của cao nguyên đất đỏ, để được chu du qua những màu sắc văn hoá nồng ấm của xứ cồng chiêng, và để thấy mình còn nhỏ bé biết nhường nào trước sự rộng lớn, đẹp đã và khôn cùng của đất nước Việt Nam mình.
Tất cả những vẻ đẹp kỳ vĩ này, những dấu ấn văn hoá độc đáo này, sẽ mãi tồn tại - nếu trái tim chúng ta dành một sự quan tâm và trân trọng chân thành. Hãy ghé thăm Tây Nguyên, để không chỉ mở mang tầm mắt, mà còn để những tiếng hát trong đêm lửa trại, tiếng cồng chiêng của các vị gìa làng có thêm dịp được cất lên và vang mãi về sau.
Trí thức trẻ