Đội ngũ 170 y bác sĩ, tình nguyện viên và 360 chiến sĩ đang ngày đêm trực tiếp làm nhiệm vụ tại Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP HCM để góp sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
5 giờ sáng, đội của chiến sĩ Chu Quốc Đạt (SN 2000, Ban Chỉ huy quân sự quận Gò Vấp, TP HCM) bắt đầu một ngày mới để chuẩn bị tiếp nhận đồ ăn sáng cho người dân cách ly. Mỗi ngày sẽ có 3 lần phát đồ ăn kèm nước uống theo thời gian cố định.
Khi có người thân tiếp tế đồ ăn, đồ dùng cá nhân hay thuốc men cho người trong khu mình quản lý, đội của Đạt ra cổng nhận và mang về trao tận tay cho người cách ly. Hằng ngày, đội của Đạt cũng thu dọn vệ sinh từng tầng lầu rồi đưa về nơi tập trùng rác để xe chuyên dụng tới mang đi.
Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, họ mang đồ bảo hộ, khử khuẩn và đi thang máy lên từng tầng lầu để phân phát. Sau mỗi lần khi hoàn thành công việc, họ sẽ bỏ hết số đồ bảo hộ, đi tắm rửa sạch sẽ rồi mới về phòng.
"Quen việc rồi với cả việc này có gì nặng nhọc đâu. Có một chút hơi rắc rối là cứ phải tắm rửa sạch sẽ sau mỗi lần thay đồ bảo hộ. Nhưng đó là quy định để an toàn, tránh lây nhiễm nên phải tuyệt đối tuân thủ" - Đạt nói.
Các nhân viên y tế giúp nhau mặc đồ bảo hộ để lấy mẫu xét nghiệm cho người đi cách ly
Khi các nhân viên y tế, tình nguyện viên đang ăn trưa, hotline của toà D1 reo lên. Một thai phụ đang đi cách ly không được khoẻ. Ngay lập tức, bác sĩ Hà Thị Minh Trang mang đồ bảo hộ, các đồng nghiệp chuẩn bị thuốc và ống khám. Chỉ trong giây lát, bác sĩ Trang đã vào thang máy, lên lầu để kịp thời thăm khám cho thai phụ.
Trong điều kiện của khu cách ly, thuốc chuyên dụng có thể thiếu. Để phòng trường hợp xấu xảy ra, bác sĩ Phạm Ngọc Liệp (Bệnh viện Y học dân tộc TP HCM, quản lý toà D1) điện thoại cho bác sĩ Hồng Thanh Sơn (SN 1994, Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp) nhờ tìm thuốc.
Sau nhiều cuộc điện thoại đi khắp nơi, bác sĩ Hồng Thanh Sơn đã có loại thuốc mà bác sĩ Liệp đang cần. Họ phối hợp với nhau trong điều kiện khó khăn như vậy chỉ với một quyết tâm: Cứu người!
Tiếp nhận các F1 từ tuyến quận huyện chuyển lên trong đêm
"Ở hoàn cảnh này, thiếu thốn là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, các anh chị trong ban giám đốc, quản lý các toà nhà cách ly đều chia sẻ tận tình. Không chỉ thuốc, hay thiết bị y tế, ở đây, chúng tôi còn chia sẻ với nhau về chuyên môn để chăm sóc cho những trường hợp có bệnh nền khác. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để cứu chữa nhanh nhất, kịp thời nhất cho người dân" – bác sĩ Trang nói.
23 giờ 20 phút, điện thoại của bác sĩ Hồng Thanh Sơn reo lên dồn dập. Đầu giây bên kia là giọng của bác sĩ Phan Nhật Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp, Phó Giám đốc Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM.
"Em chuẩn bị cho 104 F1 đang trên đường lên nhé! G5 nhé!". Ngay lập tức, Sơn phóng xe máy đến toà nhà G5 cùng các anh em ở đây chuẩn bị giường chiếu, nước uống để đón những "vị khách đặc biệt". 20 phút sau, hàng đoàn xe nối đuôi nhau chạy vào.
Chuẩn bị đón những "vị khách đặc biệt"
Chắc có lẽ chẳng ai muốn nhìn thấy hình ảnh này và tất nhiên chẳng ai muốn mình trở thành những thành viên trong đoàn. Nhưng vì an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, họ buộc phải tuân thủ cách ly tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Khi tất cả 104 ca F1 đã yên ổn trong những căn phòng ký túc xá, đồng hồ cũng điểm sang ngày mới. Tuy nhiên, công việc của lực lượng y tế và quân đội tại toà nhà vừa tiếp nhận số ca F1 này vẫn chưa kết thúc.
Họ lập danh sách, lấy số điện thoại, tìm hiểu tiền sử bệnh nền của từng người và không quên nhắc đi nhắc lại có ai thiếu gì thì gọi vào số hotline của toà nhà để được hỗ trợ. Đó là nhiệm vụ không có hạn định, không nằm trong kế hoạch và thường xuyên diễn ra trong khu cách ly. Thời gian ngủ nghỉ của những "chiến sĩ" ở đây là tranh thủ những lúc có thể.
"Ở đây thường nhận F1 vào ban đêm với khung giờ không cố định vì phụ thuộc vào các quận, huyện. Chúng tôi cũng quen với việc thức đêm rồi. Thức trắng đêm cũng có nhưng bố trí để anh em ngủ nghỉ lấy lại sức bởi công việc còn nhiều, không thể để anh em kiệt sức được" – bác sĩ Sơn nói.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly này là lúc nhận tin một đồng nghiệp trong đội dương tính. Đó là lần đầu tiên có ca phơi nhiễm trong khu cách ly. Mọi thứ chùng xuống, cảm giác lo lắng hiện diện trong mắt của những người làm nhiệm vụ.
"Nhưng ngay sau đó, tất cả xốc lại tinh thần bởi chúng tôi hiểu rằng mình là người trong ngành và đó chỉ là tai nạn nhỏ. Tôi chỉ lo nếu có thêm đồng nghiệp phơi nhiễm thì chẳng biết tìm đâu ra người để bổ sung khi nhân lực ngành y đang mỏng dần vì tăng cường cho hàng loạt bệnh viện dã chiến" – bác sĩ Sơn chia sẻ.
Những công việc không tên hằng ngày của các nhân viên y tế, chiến sĩ, tình nguyện viên trong khu cách ly
Chiều 18-7, 266 trường hợp cách ly đủ điều kiện về nhà. Niềm vui không chỉ của 266 người này mà còn của tất cả đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ đang luôn bên họ trong những ngày cách ly.
Anh Trần Văn Quân, cùng vợ và hai cô con gái nhỏ đã hoàn thành cách ly, hồ hởi nói: "Cả gia đình tôi ở trọ gần chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Khi trong khu trọ phát hiện ca mắc Covid-19, chúng tôi được đưa đi cách ly. May mắn, cả nhà tôi được cách ly cùng nhau nên cũng không khác là mấy so với ở nhà.
Ở đây phòng ký túc xá rộng rãi thoáng mát, được phục vụ ăn uống ngày 3 bữa khá ngon, các nhân viên y tế và mấy chú bộ đội chăm sóc chu đáo, nhiệt tình. Họ bịt kín mít trong bộ đồ bảo hộ, chúng tôi biết rất nóng bức và khó chịu lắm! Chúng tôi rất nể phục và kính trọng những người như vậy. Cảm ơn tất cả những anh chị đã ngày đêm phục vụ chúng tôi bất chấp hiểm nguy!".
Sức trẻ và nhiệt huyết của lực lượng phục vụ tại Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM
Cùng niềm vui với gia đình anh Quân, chị Đặng Hồng Sen (ngụ quận 12) cho hay mấy ngày đầu thì hơi bức rứt, khó chịu vì chưa quen. Nhưng sau đó, nhịp sống cách ly cứ đều đều mỗi ngày nên cũng thấy bình thường, chỉ lo lắng liệu mình có bị nhiễm hay không.
"Về nhà khoẻ mạnh, không bị nhiễm bệnh tất nhiên là vui rồi. Thật sự là không muốn hẹn gặp lại nơi này nhưng chúng tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh của các anh chị phục vụ trong khu cách ly" - chị Sen nói.
Người Lao động