Từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2017 đến nay, chính sách về vấn đề Triều Tiên của Mỹ chuyển biến từ chỗ khá mơ hồ sang có nhiều biến đổi bất ngờ.
Hơn 7 tháng sau khi ông Trump nắm quyền, Triều Tiên thử nghiệm hai tên lửa có khả năng bắn đến lãnh thổ Mỹ trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho rằng "thời gian đàm phán đã kết thúc".
Vào ngày 5-2-2017, Mỹ và đồng minh Nhật Bản đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm trung bằng tên lửa đánh chặn phóng từ tàu khu trục. Không ngồi yên, hôm 11-2-2017, Triều Tiên thông báo phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới Pukguksong-2. Đó là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên dưới thời ông Trump.
Căng thẳng cũng bắt đầu từ đây!
Vào ngày 6-3-2017, Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông), ngay lập tức Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mô tả đó là hành động cực kỳ nguy hiểm. Trước đó, hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đã chuyển đến Hàn Quốc.
Các tên lửa mà Triều Tiên sử dụng
Cũng trong tháng 3-2017, Triều Tiên thử một động cơ tên lửa và tên lửa khác. Đến đầu tháng 4-2017, giữa lúc ông Trump chuẩn bị có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (Mỹ) đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên
Vài ngày sau, trang 38 North - chuyên theo dõi thông tin về Triều Tiên - cho biết các phân tích cho thấy khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã được chuẩn bị sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân thứ 6. Vào ngày 29-4-2017, Triều Tiên lại phóng tên lửa nhưng nó đã nổ tung trước khi hướng đến biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông). Trong khi đó, tàu sân bay USS Carl Vinson (Mỹ) đã đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên chuẩn bị cho cuộc tập trận với quân đội Hàn Quốc.
Đến ngày 14-5-2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuống vùng biển cách khu vực Vladivostok – Nga 96 km. Một tuần sau, truyền thông Triều Tiên cho biết nước này phóng tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất. Vào ngày 29-5-2017, nước này phóng tiếp tên lửa đạn đạo tầm ngắn bay được khoảng 399 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên chưa có dấu hiệu dừng lại, vào ngày 8-6-2017, Triều Tiên bắn 4 tên lửa chống hạm xuống vùng biển phía Đông nước Mỹ. Đến ngày 4-7-2017, quốc khánh Mỹ, Triều Tiên tuyên bố lần đầu tiên thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng hạt nhân (ICBM) có thể "vươn tới bất cứ nơi nào trên thế giới".
Đáp trả hành động của Triều Tiên, quân đội Mỹ cho biết nước này và Hàn Quốc tiến hành tập trận tên lửa chung. Sau vụ phóng ICBM khác hôm 28-7 mà các chuyên gia cho là có thể nhắm đến một số thành phố lớn của Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố "toàn bộ lãnh thổ Mỹ" nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên.
Theo đài CNN, Mỹ đã đáp trả bằng cách tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật với Hàn Quốc và điều hai máy bay ném bom tàng hình bay trên Triều Tiên để phô trương sức mạnh.
Căng thẳng bị đẩy lên cao khi ông Trump hôm 8-8 -2017 cảnh báo: "Triều Tiên tốt nhất là không nên gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ nữa. Nếu không, họ sẽ nếm "hỏa lực và cuồng nộ" mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến. Góp phần leo thang căng thẳng, Triều Tiên tiếp tục phóng thử các loại tên lửa đạn đạo khác nhau. 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn rơi xuống biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) vào ngày 26-8-2017 và một tên lửa đạn đạo tầm trung đã bay qua đảo Hokkaido - Nhật Bản hôm 29-8-2017. Bình Nhưỡng cũng đã thử bom nhiệt hạch vào ngày 3-9-2017, sau đó là một tên lửa đạn đạo khác vào ngày 15-9-2017.
Sau chuyến công du châu Á hồi tháng 11-2017, ông Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Hôm 29-11-2017, Triều Tiên thử nghiệm ICBM mạnh nhất. Đến giữa tháng 12-2017, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson đề nghị đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nhưng Nhà Trắng lập tức khẳng định quan điểm của Tổng thống Trump về Triều Tiên vẫn không thay đổi.
Triều Tiên xuống thang và thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1
Quan hệ Mỹ - Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 3-2018 khi ông Kim thông qua các quan chức Hàn Quốc tiếp cận ông Trump và đề nghị gặp mặt ông chủ Nhà Trắng. Hôm 8-3-2018, ông Trump chấp nhận lời đề nghị gặp ông Kim.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất diễn ra tại Singapore hôm 12-6-2018. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Kim cho biết: "Hai bên đã có một cuộc gặp lịch sử và quyết định bỏ lại quá khứ phía sau". Về phần mình, ông Trump cho hay: "Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như bán đảo Triều Tiên sẽ rất khác so với trước đây".
Hai nhà lãnh đạo ký tuyên bố chung tại Singapore, trong đó ông Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên trong khi ông Kim tái khẳng định cam kết "dứt khoát và vững chắc" về phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Những nhượng bộ bước đầu
Sau cuộc gặp, ông Trump dường như có bước đi nhượng bộ đáng kể khi hoãn các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc viện lý do tốn kém và "rất khiêu khích". Một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, ông Trump tuyên bố không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Hơn 5 tuần sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Triều Tiên trao trả Mỹ những hài cốt đầu tiên của binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo trang 38 North chuyên theo dõi thông tin về Triều Tiên, hình ảnh vệ tinh hôm 20-7-2018 tại trạm phóng vệ tinh Sohae cho thấy hoạt động phá hủy một tòa nhà chuyên lắp ráp các động cơ phóng và một trạm thử nghiệm động cơ tên lửa gần đó.
Ông Kim: Sẵn sàng gặp ông Trump lần nữa
Trong bài phát biểu mừng năm mới hôm 1-1-2019, ông Kim cho hay sẵn sàng gặp lại ông Trump nhưng cũng cảnh báo tìm "hướng đi mới" nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt và gây áp lực lên Triều Tiên. Khi đó, ông Kim không đề cập chi tiết "hướng đi mới" là gì.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Việt Nam
Sau một loạt cuộc thảo luận đầu tháng 1, Tổng thống Trump thông báo sẽ gặp Chủ tịch Kim tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ở Việt Nam vào hai ngày 27 và 28-2.
Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ dẫn đến những thỏa thuận thực chất hơn, trong đó phía Mỹ có thể mong muốn Triều Tiên hành động cụ thể để hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, còn phía Triều Tiên hy vọng Mỹ sẽ nới lỏng trừng phạt kinh tế nhằm vào nước mình.
Người Lao động